Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Đêm "gặp ma" giữa cánh đồng

Hôm nay để đổi không khí, tôi sẽ đăng tiếp một mẩu truyện “Đêm giữa cánh đồng” trong cuốn “Những dấu vết không phai” tặng bạn Hoang Nguyen, người đã “cực kì thích” nó, đọc từ hồi lớp 5 mà còn nhớ y nguyên. Có phần thưởng nào quý giá hơn thế đối với một tác giả? Mà Hoang Nguyen cũng yên tâm về khả năng cảm thụ văn chương của mình vì cuốn đó nhà văn hàng đầu Nguyễn Khải cũng từng nói với tôi là phải “đọc đi đọc lại”!
Nhớ lại mấy lần có mấy đứa comment hỏi tôi “Ông Đông La lấy tư cách gì mà xưng là nhà văn?” thì hôm nay tôi sẽ trả lời: chính cái cuốn “Những dấu vết không phai” đó đã cho tao cái danh xưng là “nhà văn” đấy! Theo cảm tính thì người ta từng gọi tôi tùm lum. Trang Web Hội Nhà văn VN thì khi đăng bài "Các Mác" gọi tôi là “nhà lý luận”; người này, người kia, chỗ này, chỗ nọ thì gọi là “nhà thơ”, “nhà phê bình”, v.v… Còn tôi thì vừa rồi viết về cuốn  của anh Vũ Ngọc Tiến tham gia cuộc mạn đàm, tôi đã tự xưng danh là “Nhà văn Đông La”.
 Đơn giản là vì trong túi tôi có cái thẻ ghi tôi là “nhà văn” có chữ ký của ông Nguyễn Quang Sáng tận từ năm 1988 cơ! Thực ra nó chỉ là cái thẻ của Hội Nhà Văn TPHCM, tức tôi chỉ là một “nhà văn xóm” mà thôi. Trong khi có những đứa mang danh Hội viên HNV Việt Nam mà thiên hạ còn coi không bằng con chó; có những người tên tuổi lừng lẫy, tham vọng ‘đổi mới” này nọ rồi cũng lộ nguyên hình sự dốt nát; người thì luôn tỏ ra đạo mạo, thâm nghiêm, hưu rồi thì cũng lộ nguyên bản mặt cay cú, ăn thua tầm thường, v.v…. Ngay lớp đàn em, đàn cháu tôi nhiều đứa cũng đã vào HNV VN, thậm chí có đứa còn vào ban lãnh đạo nữa. Còn tôi thì vẫn chưa một lần làm đơn xin vào hội, dù từ hơn chục năm trước đến nay nhiều người cứ bảo tôi làm đơn; thậm chí có cả người ở ban lãnh đạo bảo tôi vào để “giúp họ một tay”. Nhưng đến tận giờ tôi vẫn chưa viết, không phải chê mà vì “làm biếng”; hơn nữa tôi thấy cái chính là mình viết được gì và viết như thế nào chứ cái danh không quan trọng lắm, như Nguyễn Du có cần cái danh “Hội viên HNV VN” đâu.
Vậy là danh chính ngôn thuận tôi chỉ là một nhà văn xóm, nhưng tôi vẫn luôn tự hào với cái danh đó. Đơn giản là vì người đứng tên giới thiệu tôi vào HNV TPHCM chính là cái ông “tổ sư” của nền Văn chương hiện đại VN. Cũng như việc tôi từng chê cả giải Hồ Chí Minh trở xuống, nhưng tôi vẫn luôn tự hào khoe ra cái giải thơ của HNV TPHCM, đơn giản chỉ vì cái người phát hiện và trao giải cho tôi cũng lại chính là cái ông “tổ sư” đó: Chế Lan Viên! Số là sau khi trao giải thơ cho tôi, một hôm CLV bảo: “Ông phải có chỗ sinh hoạt, trước mắt cứ ở Sài Gòn trước đã, để tôi bảo thằng Nguyễn Quang Sáng nó ghi tên ông vào Hội”. Tôi quá bất ngờ, rồi sau đó thấy ông có vẻ ngẫm nghĩ một lát rồi tiếp: “Thôi thế này, có phải ông mới ra một cuốn sách phải không? Bây giờ ông lên văn phòng Hội, gặp anh Chim Trắng nói CLV nhờ anh Chim Trắng cùng CLV đứng tên giới thiệu ĐL vào hội”. Như vậy với tác phẩm văn xuôi đầu tay, cuốn “Những dấu vết không phai”, tôi chính thức là “nhà văn” của HNV TPHCM. Một người cỡ CLV giới thiệu thì sao mà không đậu. Nếu ông trẻ hơn, sống thêm hơn chục năm nữa thì chắc chắn tôi cũng sẽ vào Hội Nhà văn VN rồi, bởi nếu tôi có “làm biếng” thì Chế Lan Viên cũng sẽ bắt tôi vào thôi!
ĐÔNG LA
Đêm giữa cánh đồng
Vì được cha mẹ rất chiều, nên hồi nhỏ tôi rất hay vòi vĩnh. Một lần, tôi đã bắt mẹ lên tận thị trấn mua cho một cây bút máy “Kim Tinh”. Có được cây bút “Kim Tinh” thời ấy không phải chuyện thường. Nó có cái nắp như được mạ bằng vàng thật đẹp. Nét nó nhỏ tí ti, viết lại trơn lừ nữa chứ. Đám thằng Ngừng, thằng Công làm sao mà có được. Ông tôi rất bực chuyện này. Ông rất quý tôi, nhưng lại rất nghiêm khắc. Thế nhưng…
Buổi trưa hôm ấy, đã đến giờ đi học mà tôi vẫn chưa chịu ăn cơm. Mẹ tôi kho cá trê và luộc bắp cải. Kể ra thì ăn cũng được nhưng tôi tức là hôm qua mẹ đã cho ăn cá rồi nay lại tiếp diễn, nên liền phụng phịu:
- Cá trê không có vẩy kinh lắm! Con không ăn đâu!
Đúng lúc đó, thằng Ngừng sang gọi tôi:
- Huy ơi ! Đi học thôi, đến giờ rồi!
Tôi lẳng lặng đi lấy cặp. Mẹ tôi thấy vậy hoảng hốt, liền móc túi lấy tiền đưa cho tôi:
- Thôi, không ăn cơm thì mẹ cho tiền, muốn ăn phở hay ăn bánh cuốn gì thì ăn.
Tôi mừng rơn. Nhưng trong bụng lại thầm nghĩ là không nên nhận tiền, có vậy mẹ tôi mới sợ, lần sau sẽ chiều theo mọi ý thích của mình. Còn nếu có đói thì mượn tiền của mấy thằng bạn thân đi ăn quà cũng được. Nghĩ vậy, tôi liền chộp lấy tiền ở tay mẹ quăng xuống đất, rồi vùng chạy đi học.
Chiều đó thật không may, lũ bạn thân lại không có thằng nào còn tiền. Tôi đành cắn răng ôm cái bụng lép kẹp ngồi học. Bỗng tôi nghĩ ra được một kế: Giờ nghỉ giải lao giữa giờ, tôi sẽ chạy sang trạm y tế xin tiền cha tôi. Chạy nhanh theo lối tắt qua những bờ ruộng thì cũng kịp thôi.
Đến giờ nghỉ tôi liền thực hiện ngay ý định. Nhưng một lần nữa lại không may, cha tôi không có ở trạm y tế. Tôi vô cùng thất vọng, nhưng cũng đành phải cắm đầu chạy nhanh về lớp cho kịp giờ học.
Vào học tiếp, tôi giở vở ra rồi lấy bút chép bài. Thế nhưng, tôi giật thót người khi thấy cây bút của tôi, cái cây bút có nắp vàng óng ánh, cái vật báu ấy, đã biến mất! Tôi biết là nó đã rơi ở dọc đường chạy sang trạm y tế. Nhưng bờ ruộng đầy cỏ, hai bên lúa mọc um tùm như thế thì tìm thấy làm sao được! Tôi đành lấy bút chì ghi bài. Đối với tôi, chưa có giờ học nào lại dài đằng đẵng như cái giờ toán ấy. Tôi chẳng hiểu một chút nào lời của thầy giảng.
Tan học, tôi nói ngay với thằng Ngừng, thằng Công ở lại, cùng đi tìm bút giúp tôi. Ba đứa đi đi lại lại mấy lần trên đoạn đường sang trạm y tế mà vẫn không tìm ra. Tôi nghĩ: có khi nó lại rơi ngay chỗ đường cái, ai đó đã nhặt được rồi cũng nên. Nhớ đến ông nội, tôi bắt đầu sợ. Hôm mẹ tôi lên thị trấn mua bút, ông đã nói: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Không khéo rồi hỏng hết”. Tôi nhớ, một lần tôi xúc cơm nguội, đánh gẫy có một cái thìa thôi mà ông cũng mắng ghê lắm. Nhất định lần này ông sẽ trị đến nơi đến chốn. Chợt tôi nảy ra một ý định, liền nói với hai thằng bạn:
- Ngừng, Công này! Thôi, không tìm nữa, chắc chắn là mất rồi. Bây giờ chúng bay về trước đi, tao sẽ về sau. Về nhà mẹ tao có hỏi tao đâu thì chúng mày đừng nói gì nhá!
Hai thằng rất ngạc nhiên. Nhưng cuối cùng tôi cũng đuổi được chúng nó về. Còn tôi, các bạn biết không? Tôi đã quyết định là sẽ không về nhà nữa. Tôi sợ ông tôi mắng lắm. Tôi cũng không tính trước là rồi mình sẽ ra sao, chỉ cảm thấy có một cái gì đó hay hay trong cái quyết định ấy. Nó kích thích tính tò mò và hiếu thắng của tôi.
Thế là vừa nghĩ tôi vừa đi về hướng cây đa giữa cánh đồng. Tôi biết ở đó có một cái lều nhỏ. Đến nơi, tôi cảm thấy rất khoan khoái. Đứng giữa cánh đồng mênh mông được ngắm cảnh hoàng hôn thú vị biết bao! Phía chân trời, ánh hồi quang nhuộm những đám mây thành đủ màu sắc rực rỡ. Trên đỉnh đầu, vòm trời cao xanh vời vợi. Không còn một chút lo sợ nào về chuyện mất bút ở trong tôi nữa.
Nhưng, khi màn đêm từ từ buông xuống thì nỗi cô đơn cũng lớn dần trong tôi. Không hiểu muỗi ở đâu mà chúng bay ra nhiều vô kể, chúng chui cả vào mắt, vào mũi tôi. Tôi đành chui vào trong lều. Rất may là trên nền đất có trải một cái chiếu rách. Tôi nằm xuống tấm chiếu bẩn thỉu rồi vắt tay lên trán. Không biết ở nhà tôi lúc này sẽ ra sao nhỉ? Chắc mọi người sẽ ngạc nhiên khi thấy tới bữa ăn mà tôi vẫn chưa về. Tôi lại thấy cái đói, mà tôi mới quên đi do chuyện mất cây bút, trở lại cồn cào, cấu xé ruột gan tôi. Đến lúc màn đêm đã đặc lại thì tôi vô cùng hoảng sợ. Những câu chuyện về ma tự dưng hiện lên trong trí nhớ của tôi. Có người kể, chính bên gốc cây đa này có mộ một người ăn mày. Người ăn mày không có ai cúng bái nên đói lắm, đêm đêm cứ hiện lên đi bắt trộm gà, hái cam… ở những làng lân cận. Rồi chuyện thằng Tây bị mảnh pháo tiện đứt nguyên một chân, văng lên mắc trên cành đa nữa. Thỉnh thoảng người ta thấy nó hiện lên, đi có một chân, muốn lấy lại cái chân mà không trèo lên cây đa được!
Tôi sợ quá liền buộc chặt cánh cửa lều lại, để ma không chui vào được. Tôi cảm thấy vô cùng bé bỏng, yếu đuối, giữa màn đêm bao la rùng rợn này! Cuộc sống lúc này sao mà hoang dã thế! Bây giờ tôi mới thấy cuộc sống hàng ngày, mà có tôi lúc đã cho là nhạt nhẽo, chán chường ấy, ấm áp biết bao nhiêu! Tôi cảm thấy mình không bao giờ được trở lại đó nữa vì đêm nay sẽ dài vô tận. Tôi ước ao được trở về nhà, để rúc đầu vào lòng mẹ mà xin lỗi, để được ăn ngốn, ăn ngấu bát cơm thơm với cá trê kho béo ngậy, với bắp cải luộc ngọt lịm có thơm mùi gừng. Và, tôi thèm cả những câu mắng chửi của ông tôi nữa, ông có quý tôi, có muốn tôi nên người mới mắng chứ. Ông vẫn luôn tự hào là có cháu mình học giỏi nhất trường cơ mà… Nhưng làm sao tôi có thể trở lại với cái thiên đường ấy được! Chỉ cần mở cửa ra thôi là lũ ma sẽ xông vào, bắt tôi dìm xuống dòng sông lạnh cóng kia thôi!
Chợt tôi vô cùng hốt hoảng khi nhận ra có tiếng chân người chạy thình thịch. Có phải thằng Tây cụt chân đang đuổi nhau với bà già ăn mày không? Trời ơi! Ma sắp đến tới nơi rồi! Tôi sắp bị ăn thịt rồi! Tôi vừa khóc vừa ghì chặt cánh cửa.
- Huy ơi! Con ở đâu? Trời ơi! Con tôi ở đâu?
- Cháu thấy rõ ràng là nó đi về hướng cây đa này mà.
Ôi! Tiếng của mẹ tôi và thằng Ngừng! Tôi lập tức đạp tung cửa, chạy ra ôm chầm lấy mẹ.
-Trời ơi, con tôi! Mất cây bút thì mẹ mua cho cây khác, chứ sao mà lại phải khổ thế này! Mà cái thằng Ngừng này đến tệ! Phải để bác hỏi mãi mới chịu nói ra!
Tôi lại trở về với thiên đường của tôi. Đến nhà, tôi lao ngay vào buồng lấy cơm ra ăn. Tôi vô cùng sung sướng khi thấy một đĩa thịt gà đầy mà mẹ tôi đã để phần cho tôi. Nhưng tự dưng tôi lại thích để thịt gà lại, mà lấy cá kho ăn. Mẹ tôi thấy vậy ngạc nhiên hỏi:
- Lúc trưa, con không thích ăn cá, mẹ đã mổ gà, sao con cũng lại không ăn?
Tôi dõng dạc nói với mẹ:
- Thôi, thịt gà để phần cho ông già yếu, phần mẹ làm đồng nặng nhọc. Con ăn cá kho được rồi.
Mẹ tôi mỉm cười, bà vội quay mặt đi, nhưng tôi vẫn kịp nhận ra trên mắt bà có lăn ra những giọt nước mắt long lanh.
Viết tại Phú Nhuận TPHCM
1988