ĐÔNG LA
HƯƠNG ỔI
Mẹ tôi có một người em họ, con cô con cậu, mà chúng tôi gọi là
“dì Dạm”, nhà ở tận xóm trên. Dì có
một đứa con trai kém tôi vài tuổi, tên là Bình. Chúng tôi vẫn thỉnh thoảng
đi chơi với nhau. Người nó cao gầy, tóc thì quăn quăn, da rất trắng.
Mùa thu ấy, vào một buổi chiều, tôi đang câu ếch ở ao bèo bằng
hoa mướp thì thấy thằng Bình đến. Nó nói:
- Anh Huy! Em đánh mấy cái rọ cá rô ở ruộng lúa bên Nghè ông
Bí, mình đi nhấc đi. Anh câu thế này thì đến bao giờ mới được ăn.
Tôi đồng ý ngay, liền về nhà xin phép mẹ. Mẹ tôi nói:
- Đi thì nhớ mà về. Bọn bay hay la cà, tắm sông, tắm ngòi, chuột
rút là chết đuối đấy, nghe không!
Chúng tôi theo nhau ra cánh đồng sau làng. Ở quê tôi có một câu
nói: “Cá rô tháng tám chả dám bảo ai”, nghĩa là cá rô tháng tám rất béo,
rất ngon, có ít thì giấu đi mà ăn. Quả đúng như vậy. Mùa thu, những ruộng
lúa trổ bông, hoa lúa rơi trắng mặt nước đã vỗ béo đàn cá. Bây giờ tôi đã
là kỹ sư, là dân của thành phố mang tên Bác, đã được thưởng thức đủ món của
ngon, vật lạ, nấu nướng cầu kỳ, tại những nhà hàng sang trọng, nổi tiếng;
thế nhưng tôi vẫn không bao giờ quên được nồi canh cá rô nấu rau cải có
trứng cá nổi vàng trên mặt, ở vùng quê tôi. Quê tôi cũng có câu nói về những
thực phẩm có hương vị đặc biệt “Gan gà, tiết vịt, trứng cá rô”. Cách bắt cá
rô ở quê tôi cũng rất khoa học. Người ta khoét một cái vũng nhỏ dưới ruộng,
cho thóc đã ngâm chua vào, úp rọ lên; cá rô rất khoái cái món đó chui vào
ăn, ngoi lên thở là bị vào rọ.
Nghè ông Bí là một khu đất có nhà ông Bí, ở cánh đồng sau làng
tôi. Hồi nhỏ, lũ trẻ con ở những xóm gần cận không thể nào không liên quan
đến khu đất như ốc đảo đó. Nhất là những trưa hè nắng gắt, chính nó đã xòe
ô che cho tuổi thơ lũ chúng tôi. Đặc biệt, khu đất có dấu tích của những
công trình cổ mà hồi nhỏ chúng tôi không chú ý lắm và cũng không có ai nói
rõ nguồn gốc. Mãi sau này, khi bản
Ngọc phả Thành Hoàng làng được tìm thấy sau bao năm lưu lạc, tôi mới biết.
Lúc mới tìm thấy nó, chẳng có ai ở làng đọc được cả. Thế rồi, dân làng đã chuyển bản Ngọc Phả ấy đến
tay tôi với một nhiệm vụ trọng đại, tìm một chuyên gia dịch bản Ngọc phả đó. Với người bình thường đúng là một việc khó khăn nhưng tôi lại hoàn thành nhiệm vụ của dân làng giao nháy mắt là
xong, chỉ mất một bữa nhậu. Đơn giản là vì tôi rất thân với một ông nhà văn
mà trong giới gọi là “Bách khoa Toàn thư” (chính là ông Hoài Anh – ĐL ghi
chú), rất giỏi chữ nho. Thì ra “Đằng Nghè”, tên dân làng gọi
khu đất ở cánh đồng phía sau làng, chính là hành cung của vị Thành Hoàng
làng tôi; một vị tướng của Trần Hưng Đạo, sau chiến thắng giặc Nguyên, đã
được phong đất gần với con cháu của Ngài ở phía Từ Ô, giáp với Ân Thi, Hưng
Yên. Mà đúng là do duyên khởi, ông nhà văn dịch giúp bản Ngọc Phả lại chính
là hậu duệ nhà Trần, nên trước đó rất lâu, có lần ông đã hỏi tôi: “Ông ở
Hải Dương có biết vùng đất Từ Ô không?”.
Đến ruộng lúa bên gò đất, tôi theo thằng Bình xuống nhấc rọ.
Tới gần mỗi chiếc, chúng tôi đều thấy bọt túa ra xung quanh, nhìn bên trong
thì thấy cá rô lúc nhúc, đều đỏ hoét vì húc vào nan rọ. Có mấy chiếc mà chúng
tôi bắt được đến gần trăm con cá. Chúng tôi khoan khoái nằm xoài trên một
bãi cỏ, nghỉ. Bầu trời mùa thu xanh ngăn ngắt, cao lồng lộng. Liệu có một
nơi nào đó trong cái mênh mông, xanh thẳm kia có những chiếc rọ cá rô như
chúng tôi không nhỉ? Chợt chúng tôi thấy trong làn gió nhẹ của đồng nội có
phảng phất hương ổi. Đúng rồi! Những cây ổi trên gò đất “đằng Nghè” đã có
ổi chín. Thằng Bình liền rủ tôi:
- Hái ổi đi anh Huy! Mình chui ở ruộng lên, ông Bí không biết
đâu.
Tôi đồng ý, nhưng trong bụng vẫn áy náy. Cha tôi thường nói “ăn
cắp là một trong những tật xấu nhất của con người”. “Một vài quả ổi con thì
ăn thua gì !”, tôi đã tự trấn an như vậy. Lên gò, chúng tôi thấy có rất nhiều
ổi chín. Nhiều quả đã bị chào mào khoét, rơi cả xuống đất. Mặt gò cỏ mật
mọc rất rậm. Cả không gian dâng đầy một thứ hương thơm ngát, được trộn bởi
hương ổi và hương cỏ mật. Nhưng tự dưng tôi bỗng cảm thấy chờn chợn. Hình
như linh tính kỳ lạ đã báo cho tôi biết sẽ có một điều không may xảy ra:
“Sẽ bị ông già bắt chăng ?” hay “bị ngã gãy tay ?”. Tôi chợt nhớ tới lời mẹ
tôi dặn trước lúc đi nên định ngăn thằng Bình lại, nhưng những quả ổi lại
có sức quyến rũ quá! Ôi, những quả ổi quê tôi! Chúng tuy nhỏ nhưng thơm và
ngọt biết bao!
Thằng Bình đã đến gần một cây ổi, chuẩn bị trèo lên, chợt tôi
thấy nó kêu thất thanh:
- Á! Anh Huy ơi, rắn!
Vừa sợ rắn, vừa sợ ông Bí phát hiện, chúng tôi vội quay ra, ôm
rọ cá, chạy biến. Nhưng chạy được một lúc, tôi quay đầu lại thì thấy thằng
Bình đã tụt lại một quãng xa. Tôi vội chạy quay lại bên nó, thì trời ơi,
tôi thấy da mặt nó tái mét. Nó thở hổn hển một cách rất khó nhọc, rồi từ từ
khuỵu xuống! Tôi biết là nó đã bị rắn độc cắn. Cõng nó chạy thì không đủ
sức, tôi đành cắm đầu chạy một mạch đến trạm y tế báo cho cha tôi biết. Cha
tôi là y sĩ, trưởng trạm. Được tin, cha tôi vội vàng vặt một nắm rau răm,
lấy chai rượu thuốc có ngâm con rệp, rồi nhảy lên chiếc xe Liên Xô, mà chúng
tôi vẫn gọi là xe “trâu”, đạp nhanh. Tôi cắm đầu chạy theo. Đến chỗ thằng
Bình nằm, tôi kinh hoàng khi thấy mắt nó trợn ngược, miệng sùi bọt, da mặt
thì tím ngắt. Cha tôi vừa đổ thuốc vào miệng nó vừa lấy dao khía vết thương
ở chân để nặn máu độc. Nhưng đã quá muộn, nó đã ngừng thở nên không nuốt
được, thuốc cứ tràn ra ngực.
Sau đó không biết ai đó đã lấy một tấm chiếu đắp lên mình nó.
Người ta không dám đưa nó về nhà vì lo cho dì tôi. Thật tội nghiệp, bà đã
ngất đi sau khi nhận được cái tin dữ dội ấy. Còn chú thì đang ở chiến trường.
Sau ngày giải phóng ở nhà mới biết, chú cũng đã hy sinh!
Sau buổi chiều dữ dội ấy, nhiều đêm liền tôi không tài nào chợp
mắt được. Trái tim non trẻ của tôi đã chịu một nỗi đau quá lớn. Hình ảnh
thằng Bình, thằng em tôi, mắt trợn ngược, miệng sùi bọt, da mặt tím ngắt cứ
hiện lên trong đầu tôi. Chính nó đã rủ tôi đi hái ổi, nhưng tại sao, tại
sao tôi lại không ngăn nó, khi đã cảm thấy một điều không hay sẽ xảy ra. Có
phải vì tôi đã tham ăn, đã vì những quả ổi chết tiệt ấy không ?
Viết tại Phú Nhuận
TPHCM
9-1986
|