Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

NGUYỄN KHOA ĐIỀM VÀ NỖI LO: “Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?”

ĐÔNG LA
NGUYỄN KHOA ĐIỀM VÀNỖI LO:
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?
BÀI LIÊN QUAN:

*ĐỌC MA CHIẾN HỮU (TIỂU THUYẾT CỦA MẠC NGÔN)

*VỀ HAI “ỨNG CỬ VIÊN GIẢI NOBEl” CHO VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM

         Gần đây trên trang của ông Nguyễn Trọng Tạo và một số trang của nhà văn thuộc xóm “Miền Trung” có đăng THƯ NGUYỄN KHOA ĐIỀM VỀ “MA CHIẾN HỮU” CỦA MẠC NGÔN: “Tôi xin viết một cái comment nhân một số bài viết đăng trên báo chí Việt Nam ca ngợi và bênh vực Mạc Ngôn được trao giải Nô-ben”; ông “bày tỏ đồng tình với Vũ Xuân Tửu… lên án quyển sách “Ma chiến hữu” của Mạc Ngôn đã xuyên tạc sự thật về chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979”; ông “cũng thấy Mạc Ngôn có tài thực, nhưng một tác giả “Ma chiến hữu” được tôn vinh trước thế giới, có phải là nỗi đau của nhà văn Việt Nam hiện nay không? Bởi vì trong quyển sách này Mạc Ngôn đã thực hiện trung thành một định hướng chiến lược tuyên truyền của Cục chính trị Quân giải phóng Trung quốc là “Việt nam là kẻ xâm lược Trung quốc”. Tuy nhiên lo lắng đó cũng chỉ là việc nhỏ. Cái đáng lo là tại sao một số nhà văn chúng ta quên xương máu của chiến sĩ, đồng bào nhanh thế?”.
Năm 2008, NXB Văn học in cuốn sách này cũng từng bị dư luận đánh cho tơi bời. Triệu Xuân, phụ trách chi nhánh phía Nam, đã cuống lên cầu cứu tôi. Tôi đã viết một bài phê bình với thái độ khách quan về cuốn sách, và rồi mọi chuyện đã qua đi. Hôm nay, khi Mạc Ngôn tác giả cuốn sách được giải Nobel nên mọi chuyện lại được xới lại; trong đó điều làm tôi bất ngờ nhất chính là sự phản đối của ông Nguyễn Khoa Điềm nói trên.       
      Thực ra Mạc Ngôn, qua Ma chiến hữu, bằng giọng văn châm biếm đã diễu cợt cuộc chiến Biên giới 1979 do TQ gây ra là phi nghĩa.
Trước hết, Mạc Ngôn cho biết, sau những lời giáo huấn, kích động để phát động cuộc chiến, tâm tư của những người lính chuẩn bị ra trận: “chớ có diễn vở kịch thối như cứt mèo ấy làm gì” (tr.18); Khi lâm trận, những người lính từng trích máu viết huyết thư lại: “lúc cần bản lĩnh thực sự thì chân nhũn ra, tay ôm lấy đầu” (tr.28). Với nhân vật Trương Tư Quốc, Mạc Ngôn cũng chế riễu cái ý đồ sơn phết màu sắc chói lọi cho cuộc chiến: “Lúc ấy ai cũng nghĩ rằng cậu ta dùng thân thể kích thích cho mìn nổ, mở đường cho thắng lợi… người ta ghi công cậu ấy… chuẩn bị tài liệu báo với Quân uỷ Trung ương phong danh hiệu “anh hùng phá mìn”… Nhưng cái cậu này (Trương Tư Quốc)… nói với hai chuyên viên Cục Chính trị rằng: Tôi không hề phá mìn, ở chỗ đó chẳng có quả mìn nào cả, trời lại đang mưa, khi bị thương vào chân tôi đã bò lên sườn đồi, chiếc chân bị thương không có sức nên bị trượt xuống, lúc ấy có hai tiếng nổ vang lên. Tôi là chuyên gia phá mìn, vic gì phải lấy thân mình kích nổ mìn, làm như thế không phải là tự tìm cái chết sao?” (tr.193).
Cũng bằng giọng văn hài, Mạc Ngôn vừa châm biếm nhưng cũng thật chua xót khi chỉ ra cuộc sống của những chiến sĩ đã “chiến thắng” trở về. Với Quách Kim Khố: “Tai tớ bị đạn làm cho điếc rồi… Miệng tớ cũng bị lửa đạn thiêu cho cháy sém… nhưng cái gì chờ tớ nào? Phục viên! Đ. mẹ nhân gian sao mà bất công!” (tr.131); và cuộc sống của họ sau “chiến thắng” ấy chẳng khác gì địa ngục trần gian:
            “Quách Kim Khố nói:
- Mẹ nó à, chiến hữu của tôi là Thượng úy Triệu Kim đến thăm, mau đun nước pha trà đi!...
            - Cỏ không có một cọng, trà không có một cánh, vậy đốt bằng lông… bố ông, pha bằng lông… mẹ ông à…
- Cả đời của tao đã chịu bao điều xúi quẩy với con mụ thối tha nhà mày, bữa nay cả hai thanh toán cho sòng phẳng đây. Tao sẽ giết mày!...
Qua câu đối thoại này, Mạc Ngôn đã nói huỵch toẹt ra cái quan điểm của ông về Cuộc chiến Biên giới 1979, ông cho thấy thân phận những người lính chỉ được coi như công cụ mà thôi:“- Đồng chí này, tư tưởng của cậu có vấn đề rồi đó… Trên thế giới này không hề có tình bạn vĩnh viễn cũng không hề có một kẻ thù vĩnh viễn... Mâu thuẫn tích lũy đến một mức độ nhất định nào đó tất sẽ đánh nhau, đánh nhau thì tất sẽ có dừng. Không đánh nhau ắt không có ngày hòa bình hôm nay, cậu có hiểu không?
            - Không hiểu! – Hoa Quang Trung lắc đầu nói.
- Không hiểu cũng chẳng sao, chuyện quốc gia đại sự không cần dân đen lo lắng, cũng chẳng cần người chết phải bận tâm”.

Rất tiếc, Nguyễn Khoa Điềm cũng giống như một số người trong thời gian qua, vì bức xúc về những vấn đề ngoài văn chương, chỉ chú trọng vài chi tiết mô tả các nhân vật; đã không đánh giá toàn diện tác phẩm, không thấy được tư tưởng chủ đạo của tác giả.

Cũng liên quan đến vấn đề TQ, trên VnExpress, Nguyễn Khoa Điềm đã viết bài thơ Nhân dân nói lên tâm tư của ông về những cuộc biểu tình chống TQ đã xảy ra trong thời gian gần đây:
Cúi mình trên đồng lúa
Lao lên các hỏa điểm chiến tranh
Lăn mình trong các cuộc xuống đường
……………………………………………..                        
Sự sợ hãi không cứu được chúng ta
Như vậy Nguyễn Khoa Điềm đã đồng nhất các cuộc xuống đường chống chiến tranh xâm lược trước đây với những cuộc biểu tình tự phát chống TQ hôm nay. Khi chúng kéo dài triền miên, đã thành quá đà, làm mất trật tự công cộng, thậm chí có nguy cơ đến an ninh quốc gia khi đẩy công việc hòa giải vào thế bí, đi ngược với chính sách của Nhà nước đối thoại thay cho đối đầu, luôn coi trọng tình hữu nghị, hòa bình với Trung Quốc cũng như với tất cả các nước trên thế giới. Chính vậy các nhà chức trách mới ra thông báo yêu cầu chấm dứt nhưng các cuộc biểu tình vẫn cứ diễn ra. Như vậy có nghĩa là từ đó những cuộc biểu tình đã trở thành chống chính quyền. Lẽ ra những người hiểu biết cần phải giải thích cho quần chúng hiểu thì tiếc thay, một số trí thức danh tiếng lại có hành động tai tiếng, đã vào hùa, kích động biểu tình, làm loạn xã hội! Không biết, nếu ở vị trí lãnh đạo tối cao, khi biểu tình không đạt mục đích, các vị sẽ cắt quan hệ và tiến hành chiến tranh với TQ sao?
Tất nhiên ở địa vị đó thì chẳng có ai lại hành động nông nổi như vậy. Ngược với máu anh hùng rơm theo đuôi quần chúng đó, trên VietNamNet có ý kiến của cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan, chứng tỏ ông đúng là người có tư duy ở tầm lãnh đạo: “Đặc điểm của đối ngoại là có những chuyện phải giữ kín chứ không phải là dát, hay sợ đâu. Vấn đề là phải khôn. Đừng lẫn lộn cái khôn với cái sợ. Không phải với Trung Quốc đâu, với nước nào cũng vậy.
Do đó cũng phải hiểu cho cái người lãnh đạo, người ta phải giữ cái gì đó để còn có chỗ nói chuyện, chứ cắt cầu thì rất dễ. Bởi muốn gì thì gì mình vẫn phải cố gắng giải quyết bằng đối thoại, nên phải giữ cầu đối thoại chứ.
Có người không hiểu cho cái đó, có người trái tim nóng nhưng đầu không lạnh. Thậm chí một số ít người lợi dụng để kích động, vì những tính toán riêng...”
Đặc biệt trên báo laodong.com, trong bài trả lời phỏng vấn “Giờ chỉ còn chường mặt ra trong thơ”, nếu không nói ra có lẽ không ai biết người nói lại chính là Nguyễn Khoa Điềm:
Sống trong một xã hội như xã hội mình thì khi nào cũng phải sợ, bởi điều phiền toái xuất hiện từ những phía mà mình không ngờ được, thậm chí nhiều khi nó đến từ anh em, bạn bè”.
Thật lạ lùng, “Anh em bạn bè nào” mà lại có thể khiến một “ông Trùm” lĩnh vực Tư tưởng Văn hóa ngày nào “cũng phải sợ”? Phải chăng chính là GS Trần Thanh Đạm mà ông Nhà văn Nhật Tuấn trên trang của mình đã kể lại khá tường tận trong loạt bài CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN (KỲ 12):
 “… xảy ra một việc động trời chưa từng thấy… Một nhà “phê bình lý luận"  nổi tiếng Mao-ít ở TP Hồ Chí Minh là Giáo sư  Trần Thanh Đạm, trên tạp chí “Văn” số Tết Ất  Dậu của Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh đã viết một bài nảy lửa đả phá một số quan điểm mới mẻ của ông Nguyễn Khoa Điềm”; “Sau khi trưng ra ý kiến phát biểu của Nguyễn Khoa Điềm về lý luận văn học:
Hệ thống lý luận văn học của ta do phải tập trung cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội mà phần nào bỏ quên hoặc tránh đi những đặc trưng văn học, những vấn đề rộng lớn của văn chương và của con người …” 
Ông Trần Thanh Đạm dám lên giọng “xách mé”:
Có lẽ khó quan niệm một chủ nghĩa xã hội gì mà văn học lại bỏ quên hoặc tránh né các vấn đề rộng lớn của văn chương và con người?… Một chủ nghĩa xã hội như vậy còn xứng đáng được gọi là chủ nghĩa xã hội được hay không?…”.
Táo tợn hơn, Trần Thanh Đạm phê phán sếp lớn:
Tôi cho rằng lý giải các yếu kém thiếu hụt của lý luận văn học chúng ta như diễn giả đã làm là có phần hời hợt, sơ lược, chủ quan , không trên cơ  sở một nhận thức lịch sử thật chu đáo, thận trọng…” rồi cả doạ nạt: “Kết cục của diễn biến hoà bình trong lĩnh vực tư tưởng văn hoá là bạo loạn lật đổ trên lĩnh vực chính trị xã hội. Những người cầm cờ, cầm lái không thể mơ hồ trong nhận thức của mình…”
            Như vậy xem chừng GS Trần Thanh Đạm phản biện có lý. Tôi không hiểu tại sao ông Nhật Tuấn lại cho là “nổi tiếng Mao-ít”? Phải chăng theo Nhật Tuấn, “đổi mới” bất kể đúng sai, tốt xấu mới là tiên tiến?
            Cũng trong loạt bài đó, Nhật Tuấn đã mô tả cuộc “so găng” thú vị giữa Trần Thanh Đạm và Nguyễn Khoa Điềm trước “hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp”:
            “Không kể chuyện “đánh võ mồm” như trả lời phỏng vấn ở Pháp (?) “ói mửa vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, … Thiệp  gọi đám nhà văn trong nước là bọn “giặc già” vừa bất tài, vừa tham lam vừa thất học… Bị chửi ông chửi cha vậy mà Hội nhà văn Việt Nam vẫn im thin thít, ngay cả Tổng thư ký Hội Hữu Thỉnh vào những dịp đăng đàn diễn thuyết cũng…“ngó lơ”. …  Nguyễn Huy Thiệp chơi  luôn một tiểu phẩm “Mổ xẻ nhà văn”  xỏ xiên các nhà phê bình chỉ muốn tiến thân bằng xác các nhà văn. Hành động đổ dầu vào lửa của Nguyễn Huy Thiệp càng nung nấu thêm “lòng căm thù” của giới lý luận “mác xít tới bến” chỉ chờ cấp trên gật đầu là xúm vào “bề hội đồng ”. Vậy mà có ai ngờ, đồng chí Trưởng ban văn hoá tư tưởng Nguyễn Khoa Điềm chẳng những không phát lệnh “giết chết thằng Thiệp” lại còn khen ngợi Thiệp thì còn trời đất nào nữa hở … trung ương Đảng? … :
“Có người đã nói anh Thiệp đã viết những điều trước nay chưa ai viết. Tôi thấy điều ấy không quan trọng lắm. Về mặt nội dung, có những điều anh Thiệp sai  nhưng về mặt đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật thì anh Thiệp lại có nhiều đóng góp… Ở vào thời điểm mang tính chuyển đổi thì nhiều lúc hình thức lại mang tính cách mạng của nó…”
Trần Thanh Đạm …  tuôn ra liên hồi những lời lẽ đả phá mạnh mẽ ý kiến của Nguyễn Khoa Điềm:
Há rằng “phi anh hùng hoá" một ông tướng về hưu, “phi thần tượng hoá" một anh hùng dân tộc... chỉ là đổi mới và đóng góp cho ngôn ngữ nghệ thuật hay sao?”; “Trong khi một số nhà văn, nhà phê bình lên án những ngôn luận xằng bậy của anh Thiệp đối với các văn hữu trong Hội nhà văn thông qua các bài như: Hoa thuỷ tiên, Mổ nhà văn, Tuổi 20 yêu dấu v.v… thậm chí xúc phạm đến cuộc kháng chiến dân tộc thì  đồng chí Nguyễn Khoa Điềm  hình như có ý muốn che chắn cho Nguyễn Huy Thiệp”.
Đặc biệt, cuộc đấu giữa Trần Thanh Đạm và Nguyễn Khoa Điềm đó còn có đoạn y như đã tái hiện cuộc tranh luận giữa Hải Triều, cha của Nguyễn Khoa Điềm, và Hoài Thanh ngày nào, có điều ngược đời là, Trần Thanh Đạm vào vai Hải Triều còn Nguyễn Khoa Điềm lại vào vai Hoài Thanh, có những ý ngược với ý của chính cha mình:
Người nghệ sĩ có tư chất và thẩm quyền của họ , không nên buộc họ lệ thuộc quá nhiều vào thực tại”;  rồi: “Lâu nay trong quan hệ giữa nội dung và hình thức chúng ta chỉ chú trọng những mặt nội dung mà xem nhẹ yếu tố hình thức, như vậy là chúng ta mới đề cập mặt xã hội của văn chương mà chưa thấy yếu tính của văn học là ngôn ngữ nghệ thuật ”  
            Trần Thanh Đạm đã phản bác:
            “Người nghệ sĩ không phải lệ thuộc quá nhiều vào thực tại, song tôi nghĩ người nghệ sĩ chân chính nào cũng quan tâm đến con người và cuộc sống, có trách nhiệm với thực tại chứ không chỉ biết có tư chất và thẩm quyền của mình”.
… Và sau hết Đạm nổi còi báo động:
Mưu mô “diễn biến hoà bình “ khởi đầu từ trận địa văn hoá tư tưởng trong đó có văn học nghệ thuật, truyền bá và thẩm thấu các các quan niệm sai trái về nghệ thuật, nhân danh cái đẹp mơ hồ, trừu tượng để nguỵ trang sự lừa dối, cái ác, cái xấu, nhằm làm hủ bại đạo đức tư tưởng của chúng ta và con cái chúng ta”.
Tôi cũng là một người sáng tác, chưa một lần tôi viết ca ngợi một chiều. Trong thực trạng xã hội còn nhiều vấn nạn, tôi luôn coi văn chương cảnh tỉnh, phê phán những mặt xấu của xã hội có trách nhiệm như bác sĩ chữa bệnh có giá trị hơn loại văn chương “nước đường”. Nhưng tôi vẫn luôn phản đối thứ văn chương “lộn ngược” của những kẻ nhân danh “đổi mới” mà thực chất chỉ là những kẻ cơ hội mới mà thôi. Vì vậy tôi thấy Trần Thanh Đạm phê phán việc Nguyễn Khoa Điềm “bênh” Nguyễn Huy Thiệp như trên hoàn toàn là có lý.
Ngay từ hồi Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng Thư ký Hội Nhà Văn tôi cũng từng phê phán Hội Nhà Văn đã sai lầm khi “bảo kê” cho Trần Mạnh Hảo phê phán lăng nhăng một loạt nhà giáo và trao giải cho cuốn phê bình của Trần Mạnh Hảo. Đến hôm nay thì chứng tỏ tôi và những người từng phê phán Trần Mạnh Hảo hồi ấy hoàn toàn đúng!
Đó là những chuyện xảy ra ngay thời Nguyễn Khoa Điềm còn đương chức. Đến khi về hưu thì chuyện ông về hưu là về quê luôn cũng gây sự chú ý. Người quý ông thì cho như vậy chứng tỏ là ông không tham quyền cố vị. Có điều tại sao trên laodong.com ông lại thốt lên: “Bây giờ tôi chỉ còn chường cái mặt tôi ra trong thơ” một cách cay đắng thế!
Đỗ Hoàng, một người tôi từng cho nếu không hiểu sự ẩn dụ trong câu “Sự mất ngủ của lửa” của NQT thì trí thông minh chỉ như “trâu bò” thôi, nhưng ngược lại lại có loạt bài trên blog của mình về Nguyễn Khoa Điềm, tuy có đôi chỗ cực đoan nhưng có nhiều ý rất sắc bén:
Ông quan to, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm không giấu sự nuối tiếc, bực bội, cả căm tức khi mình bị buộc về hưu giữa chừng… Tiếc không thay đổi được thời gian, … Sự hồi hưu ở quê là một sự đi đày, chứ không phải là từ quan về vui thú điền viên như quan xưa:
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao”
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Mà:
“Tóc trắng như thời gian thích chữ lên trán
Đày anh về quê
Không thể chạy trốn số phận”
(Nhặt ghi)”
Còn tôi thì rất ngạc nhiên khi thấy trong bài Nói với nhà văn quá cố, Nguyễn Khoa Điềm lại viết thế này:
 Chắc các anh sẽ nheo mắt cười
Tha thứ cho chúng tôi đã sống dai đến vậy
Xả rác ở các nhà xuất bản nhiều đến vậy
Mà được gì cho cuộc sống hôm nay?
Như vậy, không lẽ để giữ được “trọng trách” về Tư tưởng Văn hóa, ông buộc phải cho “xả rác” ở các nhà xuất bản, và rồi chỉ sau khi về hưu, ông mới sống thật như câu trả lời trên laodong.com sau đây:
Thơ thì phải nói thật lòng mình, không thể giấu mình, không thể nói dối”; “Vì vậy tôi đã nghỉ hưu, nhưng nhiều người lãnh đạo mong tôi phải thế này thế kia, phải làm thơ ngợi ca, phải hô hào tiến lên... Vừa rồi khi tôi công bố một số bài thơ trên báo sau khi về Huế, có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có người chê trách tôi “đổi giọng”, nhưng tôi không quan tâm...
Trên tivi những ngày hôm nay tràn ngập những lời phát biểu từ Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước đến Thủ tướng… về những quốc nạn đang đẩy chế độ đến nguy cơ “tồn vong” và đang phát động cuộc chiến chống tham nhũng, tôi tin là chẳng có “nhà lãnh đạo” nào lại có thể ấu trĩ mong nhà thơ tài danh Nguyễn Khoa Điềm “phải làm thơ ngợi ca, phải hô hào tiến lên” một cách ngô nghê như thế!
Và để “nói thật lòng mình”, Nguyễn Khoa Điềm có quan niệm “mới” về sự sáng tạo như sau: “Việt Nam chúng ta lại quan niệm văn học là đạo lý, trách nhiệm... nên gò bó sự sáng tạo cũng như hạn chế sự thổ lộ”. Đạo lý phụ thuộc tâm, sự sáng tạo phụ thuộc tài, nếu có đủ tâm tài, nhà văn sẽ làm ra tác phẩm vừa sáng tạo vừa có đạo lý, chứ sao lại có chuyện đối nghịch giữa đạo lý và sự sáng tạo? Có thể ở thời chiến đã có phần như vậy, ngòi bút của nhà văn nghiêng về mục đích tuyên truyền, tất cả vì chiến thắng nên chưa được bộc lộ toàn diện, chứ sau chiến tranh gần 40 năm mà nói văn chương VN vẫn như vậy là không đúng. Còn việc phê phán văn chương trái đạo lý và vô trách nhiệm hoàn toàn chẳng phải là chuyện “gò bó sự sáng tạo”!
Còn tôi, khi sáng tác để giữ được “đạo lý” và “trách nhiệm”, tôi hoàn toàn chẳng có bị “gò bó sự sáng tạo” và “hạn chế thổ lộ” cái gì hết.
Như trước thực trạng tham nhũng đẩy đất nước đến nguy cơ tồn vong mà hôm nay các nhà lãnh đạo đã nói công khai thì tôi đã cảnh báo từ lâu, e rằng những người luôn hô hào đổi mới văn chương cũng chưa chắc viết được như thế này:
                            NGÔI NHÀ
Có những ngôi nhà được xây nên bởi những con mọt
 Kèo, cột, rui, mè toàn những gỗ thơm
Năm tháng trôi lũ mọt tròn béo mập
Căn nhà vẫn còn nguyên vẹn lớp sơn!
Còn cái bài với ý tứ cao thâm  hơn mà NQT khi đăng từng gọi điện khen rối rít, chắc chỉ có cỡ CLV mới thấu hiểu chứ như Nguyễn Khoa Điềm và Nguyên Ngọc, qua những tác giả và tác phẩm mà các vị tán dương, thì chưa chắc có hiểu được:
                            NHỮNG CÁI XÁC
            Những cánh hoa sặc sỡ
            Nằm sõng soài trên thảm cỏ biếc
            Con ba tuổi ngây thơ
            Say sưa cóp nhặt 
Liệu đã có ai viết về hình ảnh những người nông dân VN còng lưng cấy lúa, còng lưng cuốc ruộng, dáng cong cong như những nhịp cầu, đã bắc nên những nhịp cầu bằng xương thịt, cho toàn bộ nền văn minh đi trên đó,  vậy mà khi:
                 Cuộc sống đã với tới những tầm cao nhất
                 Luôn ở tầng thấp nhất những nhịp cầu! 
Chỉ từ hình ảnh nhỏ bé là giọt nước mắt, tôi đã làm hai câu thơ có thể nói lên được cả cái còn, cái mất sau cuộc chiến vĩ đại của dân tộc: “Con bỗng giật mình thấy nhăn nheo giọt nước mắt/ Có già nửa phần buồn và non nửa phần vui”. Và khi Mỹ gây ra cuộc chiến và sa lầy ở Irắc, ông Bush thừa nhận sai lầm và xin lỗi dân Mỹ, bà Ngoại trưởng mới Clinton đã phải nói “Thế giới nên thở phào vì thời của ông Bush đã qua”, tôi đã viết bài thơ về sự phi lý của chiến tranh, có những câu thơ có thể khái quát được cả những vấn đề mang tính nhân loại: “Nhưng lại có lý một cách vô lý nhất/ Người ta biết trước cách xin những lỗi lầm mình chuẩn bị gây ra”!
Tôi là người làm thơ mà những bài thơ đầu tiên đã được CLV khen và trao giải, đã có những bài thơ được những nhà thơ hàng đầu “khen rối rít”, nhưng thực tế với công chúng thì đến tận hôm nay vẫn không biết gì về tôi và thơ tôi. Có thể tại số tôi nó thế, hay tại nước mình viết phải đi đôi với lách? Thật thú vị ở thời internet này, tôi mới có thể viết tùy thích và muốn khoe cái gì cũng được, dù rằng tôi luôn biết, với cuộc sống của tôi và gia đình tôi, thì chuyện tôi “có tài hay không?”, tôi “được khen hay chê” chẳng là cái đinh” gì! Tôi cứ viết chơi vậy thôi!
Còn Nguyễn Khoa Điềm, một người nhờ thơ mà thành đạt chắc chỉ sau có Tố Hữu, một nhà thơ luôn được đánh giá cao, đã được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật và còn được đề cử giải HCM nữa, không thể không có mấy câu về thơ của ông.
Trong giai đoạn thời chiến văn chương nghiêng về hướng “ăn chắc mặc bền”, “đi đều bước”, những bài thơ được giải nhất trong những cuộc thi văn chương lớn tuy có giá trị rất quý ở chất liệu thực từ cuộc chiến khốc liệt nhưng với thi pháp còn rất đơn giản như “Hơi ấm ổ rơm” của Nguyễn Duy, “Tiếng gọi bò” của Văn Lê v.v… thì Trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm đúng là nổi trội; chương Đất nước được đưa vào sách giáo khoa và bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ được NS Trần Hoàn phổ nhạc đã giúp chúng thành nổi tiếng trong công chúng.
Hồi tôi bắt đầu viết thì thấy trên diễn đàn văn chương người ta hay khen những câu thơ sau là “tài hoa”:
Con chim đánh rơi tiếng nhạc
(Hình như của Hoàng Nhuận Cầm)
Phạm Tiến Duật:
Bao nhiêu người làm thơ Đèo Ngang
Mà quên mất con đèo chạy dọc
Hữu Thỉnh:
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Trần Đăng Khoa:
Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng
Còn Nguyễn Khoa Điềm, người ta cũng khen câu sau của ông:
Nhịp chày ngiêng giấc ngủ em nghiêng
Giấc ngủ nghiêng” quả là độc đáo, cả nền thơ trên thế giới chắc chỉ có Nguyễn Khoa Điềm viết thế, cũng như Hoàng Cầm viết dòng sông Đuống “nằm nghiêng” trong “cuộc kháng chiến” vậy. Tôi cũng thích những câu thơ có cách biểu đạt độc đáo như thế, chúng như thêm chút màu sắc hư ảo, lung linh cho thơ mà bản thân tôi cũng có không ít những câu như vậy, kiểu như: “Anh xa em gần nửa vòng Trái đất/ Nỗi nhớ cũng cong theo dáng Địa cầu”. Nhưng nếu tỉnh táo xem xét, những câu thơ đó thực chất chỉ thuần miêu tả, khi dịch sang tiếng nước ngoài thì chúng lại thành vô nghĩa. Mà phẩm chất cao quý nhất của thơ “vốn dĩ tải đạo” nên những câu thơ có giá trị đích thực phải là những câu chất chứa những ý tứ cao sâu.
Còn về thơ “đổi mới” của Nguyễn Khoa Điềm viết sau khi về hưu? Lúc ông “không thể nói dối” mà “nói thật lòng mình”? Quả là lúc này thơ ông chắt lọc, lắng đọng, giàu chất suy tư hơn trước những vấn đề nóng của thời đại. Tiếc là những vấn đề này lại liên quan đến chuyện đúng sai, nếu chỉ có tài không thôi thì chưa đủ mà còn cần phải có trí cao, tâm sáng nữa. Tại sao chính Nguyễn Khoa Điềm lại cho biết: “có người chê trách tôi “đổi giọng”? Phải chăng những người đó đã “chê” ông khi trong bài viết tặng Cù Huy Hà Vũ, ông đã cho “xiềng xích” cầm tù Hà Vũ hôm nay cũng như xiềng xích của Thực dân Pháp năm nào cầm tù cả dân tộc ta? Phải chăng ông cho Hà Vũ đúng khi cho việc treo cờ Đảng trong những ngày quốc lễ là phạm pháp; đề nghị xóa bỏ ngày 30-4 và ta đã xâm lược Cămpuchia? Trước đây, ông đã từng viết những câu thơ ca ngợi đất nước thì bây giờ ông lại viết “đất cát thì có giá” còn “đất nước thì mất giá”! Trong khi thực tế trước đây dân ta đã “mất nước” thì còn gì để mà “có giá” hay “mất giá”? Xem chừng chắc do ông “mải mê hoạn lộ” quá như tâm sự trong một bài thơ nên ông chưa tìm hiểu Đạo Phật; ông còn “chấp” nhiều quá nên mới làm thơ về chuyện được mất, thua thiệt như thế này: “Giữa thế giới không nhiều may mắn/ Ta học cách vừa lòng với mình”; và trong Nói với nhà văn quá cố, ông cũng viết: “Và yên lòng mình chưa thua thiệt/ Ngày cuối năm buồn tẻ/ Tôi may mắn hơn các anh/ Còn gặm được khúc xương chớm mùi hóa thạch…”.
Một đời "cống hiến" của ông, cái an tâm lúc về già chỉ là thấy mình "chưa thua thiệt" và may mắn của ông chỉ là "Còn gặm được khúc xương chớm mùi hóa thạch" thôi sao?
Bắt đầu vào tuổi “xưa nay hiếm”, e rằng “bàn tay mẹ” của nhà thơ đã mỏi từ lâu rồi, mà nỗi e ngại của ông thể hiện trong bài “Mẹ và quả” ngày nào vẫn còn nguyên đó:
Hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi 
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?
                                         (Mẹ và quả).
TPHCM
28-10-2012
ĐÔNG LA