Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

Kỳ thi vào đại học

ĐÔNG LA
Kỳ thi vào đại học
TRUYỆN LIÊN QUAN:
Lại một mùa thi đại học đến. Dường như ngành giáo dục vẫn loay hoay. Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong đợt lấy phiếu phiếu tín nhiệm vừa qua hình như cũng rơi vào nhóm tín nhiệm thấp. Thực ra lỗi của ông chỉ một phần mà phần lớn là do từ triết lý giáo dục đến cơ chế vận hành ngành giáo dục ở ta vẫn trục trặc. Chính PTT Nguyễn Thiện Nhân từng quyết tâm rất cao, hành động rất quyết liệt, nhưng ngành giáo dục vẫn ì ra. Vẫn còn nguyên đó những căn bệnh học nhiều biết ít, cái cần thì không được học, cái được học thì không cần, chuyện quá tải, dạy thêm, học thêm, v.v... Xem chương trình ti vi bổ túc kiến thức môn Địa để thi đại học, thấy tay thầy giáo giảng bài như Thủ tướng họp nội các về phân vùng kinh tế, tiềm năng kinh tế, phương hướng phát triển kinh tế… mà thấy hãi cho nền giáo dục VN. Thì ra ông nào cũng cho môn học của mình ghê gớm, ai cũng hàn lâm hóa môn học của mình cho nó cao siêu, thi nhau tra tấn con cháu mình bằng các kỳ thi. Theo tôi, nhiều môn Bộ Giáo dục cần phải làm “phao” cho học sinh chứ việc gì phải ngăn cấm để phải làm lén lút khổ sở thế. Như thi môn lịch sử thì cần phải hiểu đúng các sự kiện còn chi tiết thế nào thì cứ mang tài liệu vào mà coi cho nó khỏe. Thuộc bài thì cũng có làm cho người ta giỏi hơn đâu. Vì vậy cái cần dậy là dạy cho học trò biết thế nào là chính nghĩa, thế nào là phi nghĩa, thế nào là đúng, thế nào là sai… chứ không phải bắt học trò khốn khổ thuộc bao thứ mà chỉ cần đọc là biết. Để đừng có tình trạng như Dương Trung Quốc, mang danh “nhà sử học” mà lại cho Hoàng Sa là lãnh thổ hợp pháp của VNCH; giảng viên đại học môn sử TS Hà Văn Thịnh lại chán khi cứ phải dạy “ta thắng địch thua”;  “Nhà báo” Huy Đức lại cho tướng VNCH tự sát là chết vì nghĩa lớn v.v…
Nhân mùa thi về, tôi xin đăng mẩu truyện kể về kỳ thi đại học của tôi trong cuốn Những dấu vết không phai. Cuộc đời tôi thật kỳ lạ, làm cái gì cũng gặp khó khăn, đến muốn đi thi cũng gặp trục trặc. Cũng là kỷ niệm tuổi thơ, nếu bạn đọc so sánh những mẩu chuyện tôi đã đăng sẽ thấy thiên hướng viết của tôi là hướng về những gì cao đẹp và cần thiết nhất cho con người, nó hoàn toàn ngược với “kỷ niệm” của đám thằng Chênh dái lệch và thằng Lập què. Thằng Chênh khoe chuyện nó bé tí mà đã “được” loạn luân với chị họ nó; thằng Lập khoe chuyện cùng lũ bạn “trẻ con bảy, tám tuổi góp tiền lại xử sờ bướm bạn gái”; kể chuyện “đít thằng Thanh đang nhoáy trên bụng thím L”.
Nhà văn “Nô-ben trong những giải Nô-ben” Mác-kết viết rất nhiều về tình dục, nhưng chuyện tình dục của ông lại chứa đựng tư tưởng vĩ đại về cái cô đơn. Còn viết lấy chuyện tình dục làm trò câu khách như 2 thằng trên thì tư duy còn chưa thoát khỏi bản năng loài vật. Viết truyện tình dục của trẻ con còn phạm pháp cả về tính đồi trụy lẫn tội ấu dâm! Thì ra hai đứa đúng là cùng một giuộc, là ngưu tầm ngưu mã tầm mã!  
Hòa bình về, trong niềm vui chiến thắng lớn lao ở trong tôi có một phần không nhỏ ước mơ được vào trường đại học.
Dạo ấy tôi đã được chuyển lên ban tham mưu của trung đoàn, làm đồ bản (vẽ bản đồ), được ở cùng phòng với ông đại úy tham mưu trưởng tên là Thập. Đơn vị tôi đóng quân ở Biên Hòa. Những lần đi qua một trường cấp III, tôi luôn dán mắt vào cái không khí sôi nổi của những buổi tan trường, vào những tà áo trắng tinh khiết tuôn ra các ngõ phố.
Một hôm tôi vô cùng sung sướng khi biết tin: tất cả những ai có bằng tốt nghiệp phổ thông đều được tập trung trong trường văn hóa của quân khu để ôn thi vào đại học. Tuy đã gián đoạn 3 năm, nhưng không hề gì, tôi sẽ tích cực ôn thi với tinh thần và quyết tâm của một người lính chiến từng vào sinh ra tử. Tồi liền viết thư về nhà nói cha tôi kiếm sách giáo khoa gởi vào cho tôi. Một hôm, tôi đứng trên ban công nhìn xuống sân doanh trại thấy anh Lưu, ông anh họ gọi cha tôi là cậu, tay xách một chồng sách. Tôi vội chạy xuống, anh Lưu bảo:
- Đây là sách cậu nhờ anh mang vào cho em.
Tôi mừng khôn xiết. Anh Lưu cũng bộ đội, hơn tôi 5 tuổi, đang đóng quân ở Sài Gòn.
Nhưng thật oái oăm, ông Thập tham mưu trưởng, đang thương tôi như em út, khi thấy tôi xin đi ôn thi đại học lại tỏ ra giận dỗi. Hình như ông ấy không muốn xa tôi. Thế là, thay vì cho tôi đi tập trung ôn thi, ông ấy lại bắt tôi đi phát rẫy ở bên sông Đồng Nai. Tôi ức đến trào nước mắt nhưng biết làm sao được! Đành ôm đống sách về rừng, sau những buổi phát rẫy máu tóe ở hai bàn tay, người thì đau ê ẩm, tôi lao vào ôn tập. Tôi học thuộc tất cả các định lý, các công thức và giải các bài mẫu. Tôi cũng tìm hiểu tất cả các đề thi vào đại học cũng như các đề thi học sinh giỏi. Cái tự tin của một thằng bé học trò bướng bỉnh ngày nào lại dần dần trở về trong tôi. Tôi có tính tự chủ rất cao, suốt cả quãng đời đi học, đứa nào không hiểu bài hỏi tôi thì hỏi, còn tôi không bao giờ hỏi ai, kể cả thầy cô giáo. Với những cái khó, tôi tự tìm hiểu kỳ được thì thôi. Có lẽ vì thế mà sau này nhiều lĩnh vực tôi không cần học cũng biết chăng? Ôn tập được một thời gian, thấy có vẻ ổn, tôi viết một lá thư cho ông tham mưu trưởng. Tôi không ngờ, khả năng văn chương đã tiềm ẩn sẵn trong máu mà nào có biết. Tôi đã kể chuyện phát rẫy chảy máu tay, nắng miền Đông trên đồi rất gắt, cổ họng tôi khô cháy, nhưng có mấy quán bán kem ngoài lộ mà tôi không có tiền mua. Tôi đã xin tiền ông tham mưu trưởng để mua kem. Tiếp theo tôi kể hồi nhỏ tôi học giỏi được thầy chủ nhiệm lớp đến nhà chơi, kể cái kỳ vọng của ông nội theo cái lý thuyết huyền bí năm sinh tháng đẻ “Niên cốt Nguyệt bì” của ông, mà theo đó, tôi “da dê lại bọc xương dê” là vừa khít, là sẽ “khác người”… Không ngờ ông tham mưu trưởng đã khóc và lệnh cho tôi: “Không phát rẫy nữa, về đi thi”!
Thật may, thời hạn nộp hồ sơ chỉ còn có mấy ngày.
Đến lúc này thì tôi đã đủ tỉnh táo và hiểu biết để lựa chọn một hướng đi phù hợp với sở thích của mình. Tôi nhớ đến cuốn sách mà tôi được thưởng trong kỳ thi “kiện tướng nhớ từ” ngày nào. Cuốn sách kể về cuộc đời những nhà bác học đã ảnh hưởng rất nhiều đến thiên hướng của tôi. Trong hai trường đại học: Tổng hợp và Bách khoa mà tôi dự định thi, tôi vẫn thích trường Tổng hợp hơn. Trường đại học Bách khoa là trường đào tạo cán bộ kỹ thuật thực hành, rất nhiều học sinh ham thích, nhưng tôi lại thích công việc nghiên cứu, công việc tìm kiếm những cái chưa biết, vì thế trường Tổng hợp mới là trường phù hợp với tôi hơn. Mỗi khi xem ti vi thấy những cán bộ nghiên cứu mặc áo choàng trắng say mê bên những dàn dụng cụ thí nghiệm bằng thủy tinh trong suốt, lòng tôi luôn dậy lên một nỗi niềm xốn xang.
Tôi trở về nơi đóng quân ở thị xã Biên Hòa, rồi đi Sài Gòn nộp hồ sơ. Hồi ấy, các khoa tự nhiên của trường Tổng hợp còn là trường Đại học Khoa học. Đến trước cổng trường có hàng chữ to tướng “Khoa Học đại học đường”, tôi rất bỡ ngỡ. Nhìn bộ quân phục còn vương bụi đỏ và khét mùi khói rẫy, tôi cảm thấy rất ngượng trước khung cảnh trăm hoa đua sắc của sinh viên đại học. Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng nộp được hồ sơ cho phòng tổ chức.
Rồi ngày thi đã đến. Tôi được xếp thi tại trường Phan Sào Nam, ngã bảy. Vì chưa đi trọ bao giờ, cũng chưa biết ai là thân thích, nên tôi tính ở liều ngay trước cổng trường. Mấy năm đánh nhau khổ thế còn chịu được, huống hồ có ba đêm ngủ ở hè phố. Nhưng đúng như có một sự xếp đặt huyền bí, mà đời tôi sau đó còn có mấy lần như vậy nữa: tưởng đã cùng đường thì tự nhiên có người đứng ra cứu giúp! Một anh chàng cũng là lính đi dự thi tên là Hoan, thấy tôi bơ vơ trước cổng trường, đã hỏi:
- Mày không có nhà trọ phải không? Tao trọ nhà người quen ở Lý Thái Tổ gần đây, đến ở với tao đi.
Như buồn ngủ vớ được chiếu manh còn gì mừng hơn. Tôi theo Hoan về nhà người thân, leo lên căn phòng nhỏ trên sân thượng, góc có tiểu cảnh và một bức tượng Đức Quan Âm mầu trắng rất đẹp. Tối ấy, tôi và Hoan đấu toán với nhau. Anh chàng chuyên toán, dân Nghệ An chịu khó, quả là đối thủ đáng gờm. Nhưng rồi anh chàng đã trượt vì chỉ làm được môn toán thôi.
Khi trời sáng, học sinh từ các ngả lũ lượt đổ vào trường thi. Tôi chia tay Hoan vào phòng thi có tới 24 thằng nữa cùng tên với mình. Dù rất tự tin nhưng tôi vẫn không khỏi hồi hộp khi thấy những đối thủ học sinh phổ thông của mình, mặt còn non choẹt, đã xệ trên đôi mắt những cặp kính cận dầy cộp.
Chúng tôi thi môn toán đầu tiên. Từng là một học sinh giỏi toán tôi vẫn không khỏi toát mồ hôi hột khi chép đề. Toán học cần tư duy hệ thống. Sau hơn ba năm rời sách vở, đối diện với bom đạn, chết chóc, làm sao mà tôi không quên điều này điều nọ, cái mạch tư duy toán làm sao không có đôi chỗ đứt đoạn. Một lúc sau tôi mới định thần lại được, rồi tập trung vào làm bài. Mới hết ba phần tư giờ, bỗng có một chuyện làm tôi vô cùng hoảng hốt: tất cả học sinh trong phòng tôi đã nộp bài hết, làm phòng thi chỉ còn trơ lại một mình tôi. Tôi luống cuống như một kẻ bị rượt đuổi sắp bị bắt. (Sau đó tôi mới biết chương trình hệ 12 năm của SG cũ học toán rất cao). Đến giờ nộp bài, tôi chỉ làm hoàn thiện được khoảng 80% đề thi. Tôi nghĩ, so với những đấu thủ tài giỏi như vậy thì chắc chắn mình sẽ bị thua mất.
Đến chiều chúng tôi thi lý. Tôi đã nộp bài cùng với các thí sinh khác, làm bài cũng hơn môn toán chút ít. Tôi đã thất vọng. Tôi là thằng học trò luôn tự tin, nhiều người còn nói có phần kiêu ngạo nữa, thế mà trước những đấu thủ đeo kính cận dầy cộp lần này, tôi cứ thấy mình yếu đuối thế nào ấy. Còn môn hóa cuối cùng, liệu tôi có làm bài tốt hơn không? Nếu tôi thất bại thì còn mặt mũi đâu mà gặp lại ông tham mưu trưởng được nữa. Tôi tự xỉ vả mình: “Học hành như vậy mà cũng đòi đi thi!”.
Rồi buổi sáng hôm sau môn thi hóa bắt đầu. Khi thầy giáo mới đọc lướt đề thi, tôi đã phấn chấn vô cùng. Quả thực, môn hóa vẫn là sở trường của tôi. Chưa hết nửa thời gian tôi đã làm gần xong đề thi. Chỉ còn lại phần đòi hỏi sự sáng tạo của mỗi thí sinh, tôi cắn bút suy nghĩ. Từ những điều đã học tôi mạnh dạn đưa ra những suy luận, áp dụng cho việc xác định cấu trúc của một chất mà tôi chưa hề biết đến. Và, tôi đã mạnh dạn viết vào bài làm của mình. Xong xuôi, tôi xin phép ra ngoài, rửa mặt mũi tay chân rồi trở lại chỗ ngồi ung dung xem lại bài. Thấy lạ, người cán bộ coi thi đã đến bên tôi kiểm tra ngăn bàn xem có tài liệu gì không, và tất nhiên anh không thấy gì cả. Tôi đã nộp bài thi đầu tiên trước sự ngạc nhiên của cả cán bộ coi thi lẫn các thí sinh trong phòng. Khi tôi ra về, người giám thị đã tiễn tôi ra cửa và nói:
- Tôi rất mong và tin là sẽ được gặp lại anh trong trường đại học khoa học của chúng tôi.
Điều đó đã trở thành sự thật, và sau này tôi biết người ấy chính là sinh viên năm cuối ở Khoa  Địa chất.
Tôi đã trở về đơn vị với vẻ mặt hốc hác sau một kỳ thi đầy căng thẳng. Khi tính toán lại bài thi, tôi tin là mình sẽ đậu. Tôi đã viết thư cho cha tôi nói thẳng như vậy. Quả đúng như thế. Một thời gian sau đó, trên trang tư của tờ Sài Gòn Giải phóng đã đăng tên và số báo danh của tôi trong danh sách thí sinh trúng tuyển vào Đại học Khoa Học. Tôi đã mua tờ báo ấy với một niềm vui không kém bất cứ niềm vui nào mà tôi đã được trải qua.
Trước khi vào học, tôi đã được về phép gặp lại quê hương thân yêu của mình. Tôi đã mang theo về một niềm tự hào của một người đã vượt qua được những thử thách nghiêm ngặt nhất. Thử thách ác liệt trong chiến tranh và thử thách về trí tuệ của một kỳ thi. Giống như cha tôi, sau khi tham gia Chiến dịch Điện Biên ông cũng đã được đi học Y sĩ. Giờ nghĩ lại, thì ra ông là người có trình độ Tây y đầu tiên và cao nhất ở vùng quê tôi. Vùng quê mà ở lứa tuổi ông còn rất nhiều người mù chữ, trong đó có người mẹ kính yêu của tôi!
Tôi đã được gặp lại cha mẹ và anh em. Ông tôi đã mất, nhưng tôi tin là mình đã làm hài lòng ông. Đêm đêm, tôi đã lần tìm từng gốc cây nhãn, gốc cây ổi… để gặp lại những kỷ niệm thời thơ ấu. Tôi đã giở lại những trang vở, mà bên cạnh những công thức toán học, có cả những bức vẽ xe tăng, máy bay và những ông tướng ngực đầy huân chương ngày nào…
Viết tại Phú Nhuận
1986