NHỮNG ÔNG CHỦ MỚI
Những
năm vừa qua, Đất nước chúng ta đã đạt được những thành tựu quý giá: kinh tế
tăng trưởng cao; xã hội ổn định. Nhưng nhìn sâu vào bản chất tăng trưởng và sự
ổn định đó, không khoanh vùng thành một ốc đảo mà đặt trong dòng chảy chung của
thế giới, chúng ta sẽ thật e ngại khi nhận ra sự phát triển của ta còn nhiều
yếu kém cơ bản.
Sự phân hóa giàu nghèo ở ta ngày càng
mạnh mà những đại gia giàu lên không phải chủ yếu do tài năng mà do trúng mánh
đất đai, lách luật khai thác tài nguyên (như khai thác rừng), kể cả việc kinh
doanh quyền lực. Ở những nước tư bản,
họ trở thành tư bản do mồ hôi, tâm sức và tài năng, như Ford, Bill Gates,… còn
ở ta nhiều con ông cháu cha chỉ cần thế và lực; nhiều quan chức không chỉ thiết
lập vương triều tại cơ quan mà còn lập ra những công ty gia đình (như vụ Điện kế điện tử, Bệnh viện Chợ Rẫy, vụ in
tiền, vụ Than - khoáng sản, v.v…). Bởi
dựa vào quyền thế, người ta dễ dàng có vốn và có cửa đầu tư vào những lĩnh vực
béo bở nhất. Chúng ta thật e ngại khi có thực trạng đất đai và nền kinh
tế bị xẻ ra như những miếng bánh bỏ vào túi riêng. Sự định giá tài sản
công rẻ mạt để chia nhau cổ phần, nhưng người lao động được rất ít và cũng
không ít người lại không tiền mua. Thị trường chứng khoán là phát minh của nhân
loại, nhằm huy động nguồn lực toàn dân, biến mọi người thành chủ, nhưng vốn huy
động phải biến thành công việc và hàng hóa. Còn ở ta, nhiều ông chủ lên sàn
xong, tiền thu về nhiều quá không biết làm gì. Có một ông “cá ba sa” mà tôi biết, đã dùng tiền đi xây chùa và đúc tượng Phật
để cảm ơn Trời Phật đã phù hộ ông trong việc Nhà nước đã tạo điều kiện cho ông
đầu cơ hợp pháp, huy động nhân dân làm giàu cho mình, trong chớp mắt, tài sản
tăng 11 lần, từ 200 tỷ thành hơn 2000 tỷ!
Trong khi đó những đại công ty của nhà nước đầu tư tràn lan, không có sức cạnh tranh, làm ăn kém hiệu
quả, thua lỗ, nợ nần, làm thất thoát tiền bạc công, thực chất là tiền đóng thuế của dân, như các tập đoàn Vinashin,
Than – Khoáng sản, Điện lực, Cao su, Dầu khí, Xăng dầu, Đường sắt, Hàng hải,
Hàng không, Xi măng, Mía đường, Thép v.v…
Mặt khác, nền công
nghiệp chúng ta còn hoàn toàn phụ thuộc, ta chỉ có đất và người, còn nguyên
liệu, máy móc, quy trình sản xuất đều của nước ngoài. Chúng ta giành được chủ
quyền đất nước, nhưng bây giờ chủ thực chất trong những khu công nghiệp là
người ngoài. Cả nước trở thành xí nghiệp gia công khổng lồ và là bãi thải công
nghệ “đề mốt”, môi trường sinh thái càng ngày càng bị hủy hoại. Chúng ta ngày
càng tụt hậu và lệ thuộc, dẫn đến thực trạng dân ta trở thành nô nệ kiểu mới
ngay trên Tổ quốc mình.
Theo tôi, chỉ có một giải pháp, đó là
phải “thay máu” nền giáo dục để đào tạo ra người tài và phải thực thi Pháp luật
nghiêm minh, chống tham nhũng, bất công, tạo điều kiện cho người tài làm việc
và phát huy tài năng.
Hôm nay, Quốc hội ta lại họp, một vấn
đề luôn là thời sự, các bộ trưởng trả lời chất vấn, nhận khuyết điểm, hứa hẹn,
rồi cứ tiếp tục lặp lại như thế.
Tôi xin đăng vài ý kiến này, như góp một tiếng nói của cử tri, phát huy quyền
dân chủ vì sự phát triển chung của Đất nước.
TP Hồ Chí Minh, 2009.
Đã in trên hoinhavan.vn. 6/12/2009
2:32:19 PM