Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

ĐƯỜNG ĐI VÀ ĐÍCH ĐẾN (VỀ CHUYỆN ĐẢNG VIÊN LÀM TƯ)


ĐƯỜNG ĐI VÀ ĐÍCH ĐẾN 
 (VỀ CHUYỆN ĐẢNG VIÊN LÀM )

Khi nhìn vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội chúng ta thấy có một nghịch lý: nếu đi “đúng đường” thì không hoặc khó “tới đích” và ngược lại! Nước ta đã chấp nhận “đi sai”, cụ thể là theo “kinh tế thị trường” của xã hội “tư bản” và cho là “đổi mới” và đã gặt hái được những “thành quả tốt đẹp”! Như vậy, chấp nhận làm theo một hình mẫu phù hợp cũng khó khăn biết bao nhiêu, người ta phải vượt qua rào cản nhận thức của chính mình! Bây giờ cả nước lại đang tranh luận sôi nổi về vấn đề “Đảng viên cộng sản có được làm kinh tế tư bản không?”  Điều này theo cách nhìn cũ rõ ràng là một chuyện ngược đời.
Để có thể thấy được tính hợp lý của cái chuyện “vô lý” này, có lẽ người ta cũng buộc phải có cách nhìn khác trước.
Nhưng Giáo sư Nguyễn Đức Bình, trên Tuổi trẻ điện tử ngày 25/02/2006, trong “Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng X” đã viết: “Đảng Cộng sản mà lại cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân... thì thật trái với “lẽ tự nhiên”. Bởi theo ông: “Đảng là tổ chức chính trị. Đảng viên là chiến sĩ chính trị, chiến sĩ cách mạng. Vấn đề đảng viên là vấn đề chính trị, vấn đề giai cấp chứ không phải vấn đề kinh tế, vấn đề lực lượng sản xuất”.
Tôi rất ngạc nhiên khi đọc những dòng này. Bởi Chủ nghĩa Duy vật biện chứng của Học thuyết Mác cho “vật chất quyết định ý thức”, “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”. Dường như giáo sư đã nói về một đảng nào đó, đảng của những siêu nhân, những người chỉ sống bằng “chính trị” chứ không cần đến “cơm áo gạo tiền” như bao người bình thường khác. Còn cho “chính trị” ở trên nghĩa là “lãnh đạo” thì có sự lãnh đạo nào mà không liên quan đến “lực lượng sản xuất”, đến “kinh tế”; có lẽ nào Đảng lại đi lãnh đạo cái khoảng không!? Tôi đồng ý vói giáo sư là nói đến Đảng nghĩa là nói đến giai cấp, nhưng “đội tiền phong của giai cấp” theo đúng lý thuyết là những người luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động xã hội, vậy trong công cuộc đổi mới, sao Đảng lại tự cô lập, không cùng đi con đường của nhân dân mình? Không lẽ chỉ nhân dân cần phát triển kinh tế, cần “giàu mạnh”, còn cán bộ đảng viên thì không!
          Đoàn Tiểu Long trên một trang web, ngoài những ý bảo vệ quan điểm của Giáo sư Bình cũng có nhiều ý cần được thảo luận. Tác giả cho rằng việc “tham gia góp ý, tranh luận” những vấn đề thuộc về “ý thức hệ của một Đảng chính trị” từ quan điểm của “người ngoài Đảng” những người “vốn không được trang bị thế giới quan cộng sản” là “trật lất”, “dễ trật rìa”; rồi đi tới kết luận: “Sáng kiến mời toàn dân góp ý cho Báo cáo chính trị của Đảng đúng là chuyện… tức cười!”.
Tôi thấy ý này không đúng vì ý thức hệ xã hội không chỉ là chuyện riêng của Đảng mà của cả xã hội, nó tác động đến mọi mặt cuộc sống, nó được tuyên truyền giáo dục hàng ngày bằng tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, trong cấp học đại học, môn “chính trị” là môn học bắt buộc trong tất cả các trường. Mà xin mọi người lưu tâm, không phải cứ những sinh viên là đảng viên thì học những môn này giỏi hơn những sinh viên thường.
Tiếp theo, Đoàn Tiểu Long yêu cầu “khi tranh luận các đảng viên cộng sản phải dựa trên một hệ quy chiếu chung là thế giới quan cộng sản”. Giáo sư Nguyễn Đức Bình cũng cho: “tố chất người cộng sản... là tố chất người công nhân giác ngộ về sứ mệnh lịch sử của toàn bộ giai cấp, về lợi ích của toàn bộ phong trào, họ là chiến sĩ chính trị, chiến sĩ cách mạng”, nên “một người đảng viên... không thể vừa là chiến sĩ cộng sản lấy việc xóa bỏ chế độ bóc lột làm lý tưởng đời mình, lại vừa làm ông chủ tư bản lấy bóc lột lợi nhuận làm lẽ sống”.
Quả thật, nếu XHCN hiện thực áp dụng đúng những giáo điều, vẫn đang gặt hái những thành tựu rực rỡ, thì không có gì để bàn. Nhưng hiện tại nền sản xuất “tập thể” theo“kế hoạch” chúng ta đã từ bỏ, và còn coi sự từ bỏ đó chính là cái xương sống của công cuộc “đổi mới”. Thứ hai, liệu còn có bao nhiêu đảng viên có quyền có chức thực sự là “đầy tớ” của dân? Mà trong thực tế, không ít người đã đi theo cái chủ nghĩa “đục nước béo cò”, chủ nghĩa “tham lam” rồi! Vậy hãy nhìn Đảng đúng như thực trạng của nó, đặt trong thực tại với tất cả sắc mầu của cuộc sống, dựa trên tinh thần đổi mới để bàn bạc và thảo luận.
          GS. Nguyễn Đức Bình phản đối: “Trước sau tôi vẫn không đồng ý quan điểm trong Đảng có thể có tư bản tư nhân” với những lý lẽ như sau: “tư tưởng Hồ Chí Minh” cũng như “chủ nghĩa Mác – Lênin” cho “Đảng chống chế độ “người bóc lột người” và tiêu chuẩn trong sạch của Đảng viên là “không bóc lột người”.
Hiện tại Đảng đã coi “tư nhân hóa”, “kinh tế nhiều thành phần”, “cổ phần hóa”, “kêu gọi đầu tư” là cứu cánh của “đổi mới”, như vậy tính chất “bóc lột” của sản xuất tư nhân đã được nhìn khác đi, và đã được thực tế chứng minh là tốt; thế thì nó chỉ tốt với nhân dân mà không tốt với Đảng sao? Nó không tốt sao Đảng lại coi nó là kết quả của sự lãnh đạo“thành công”! Quả thật, thời trì trệ, sản xuất tập thể “không bóc lột” đã chứng tỏ là không tốt, vì nó trói buộc sức sản xuất, dẫn đến hậu quả người thì thất nghiệp, người thì lương không đủ sống, hàng hóa khan hiếm, giá cả đắt đỏ... đưa đến thực trạng Đảng không thể lo việc cho hết mọi người, kể cả đảng viên của mình. Vậy bây giờ, chỉ ngoài xã hội được làm tư, trong đảng thì không, dẫn đến chuyện những đảng viên không phải công chức chỉ được đi làm thuê, tức chỉ được “bị bóc lột” thôi, liệu những đảng viên này có lại lãnh đạo công nhân chống lại “công cuộc đổi mới” của chính Đảng của mình không? Với tình trạng thất nghiệp, mà không phải ai sinh ra cũng có khả năng làm chủ được, nhu cầu “bị bóc lột” của dân ta là cấp thiết, nên mới có chính sách mở cửa kêu gọi đầu tư; thực chất là việc kêu gọi nguời nước ngoài đến “bóc lột” dân mình. Điều này đã là một quốc sách, là cứu cánh, là tốt, vậy tại sao không cho những đảng viên, những công dân ưu tú của ta, có khả năng làm chủ, thực hiện điều tốt này.
GS. Nguyễn Đức Bình viết: “khó mà hình dung được một nhà tư sản đang đường đường là một ông chủ lấy lợi nhuận... làm mục tiêu... làm sao... đồng thời đêm ngày lo nghĩ được sự nghiệp XHCN của Đảng”. Tôi cũng có thể nói ngược lại “khó mà hình dung một đảng viên với đồng lương chết đói, không sản xuất tư, làm sao có thể đêm ngày lo nghĩ được sự nghiệp XHCN của Đảng”! Mà theo Ăngghen thì không thể có điều đó, vì ông cho rằng, con người chỉ hoạt động tinh thần khi đã có điều kiện để sống. Nếu chưa đủ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, con người chưa thoát khỏi cuộc sống con vật. Và thực tế đã chứng minh, nhiều đảng viên có chức có quyền không thỏa mãn với đồng lương khiêm tốn, đã “tự cứu lấy mình” bằng cách kéo bè kéo cánh để móc ngoặc, ăn chia, tham ô, hối lộ. Những trường hợp như vậy họ không chỉ không “đêm ngày lo nghĩ cho sự nghiệp XHCN” mà còn bôi bẩn thanh danh của Đảng và dẫn đất nước đến thảm họa!
Như vậy để giải quyết mâu thuẫn trong nhận thức này, ta chỉ cần nghĩ khác đi về sự bóc lột là xong. Chính Mác cũng cho sự bóc lột không chỉ là sự hưởng chênh lệch giá trị thặng dư mà còn phải kèm theo sự bần cùng hóa và nô dịch hóa người lao động. Như thế sẽ thấy chuyện làm kinh tế tư nhân của đảng viên không phải là “bóc lột” mà là việc có lợi cho người lao động, thúc đẩy xã hội phát triển, tạo điều kiện cho những người “bị bóc lột” cũng đều có cơ hội làm điều ngược lại: trở thành người “bóc lột”. Làm sao trong những khu công nghiệp, sẽ có nhiều những ông chủ lớn là người Việt chứ không như hiện tại, đa phần là người ngoài.
Cũng bàn về “bóc lột”, Đoàn Tiểu Long cho rằng: “Cố chứng minh nhà tư bản không bóc lột là hành động mỵ dân, lừa bịp”. Tác giả đã phân tích bằng một ví dụ cụ thể: “Một khi nhà tư bản trả cho giám đốc bao nhiêu tiền đó, thì ông ta phải kỳ vọng là công ty dưới sự điều hành của giám đốc phải làm ra hơn thế nhiều lần. Khoản dôi ra là lợi nhuận. Như thế, nếu nhà tư bản tự tay điều hành thì cái khoản chênh lệch đó không phải do lao động của ông ta tạo ra, mà đích xác là giá trị thặng dư do người khác tạo ra”.
Việc lấy phép tính đại số để tính sự “dôi ra”, “giá trị thặng dư” như trên là quá thô sơ, vì tác giả không tính đến những yếu tố “vô giá” khác như sự sáng lập doanh nghiệp, quá trình tạo nên một thương hiệu. Gộp chung tất cả những yếu tố “vô giá” trên cộng với tất cả mọi chi phí cho sản xuất và điều hành lại  cũng chỉ mới gần đủ giá trị “làm chủ” thôi. Vì việc tính giá trị thặng dư còn phải tính đến giá trị sử dụng của sản phẩm nữa. Ví dụ, tôi triển khai một ý tưởng của tôi, làm một loại chế phẩm bán trên thị trường, ngoài việc công nhân hưởng lương, người phân phối hưởng lợi nhuận, còn phải tính đến việc lợi ích do sử dụng chế phẩm tạo ra nữa! Như vậy, cộng trừ tất cả các thứ lại một cách sòng phẳng, thì chính tôi, dù “làm ít hưởng nhiều”, vẫn có thể là người “bị thiệt thòi”, là người “bị bóc lột”!
          Đoàn Tiểu Long viết: “Nếu không có hàng vạn nhân viên, đố Bill Gates kiếm ra hàng tỷ đô la mỗi năm chỉ bằng cái đầu của mình đấy! Ông ta mà đi làm thuê thì vẫn với tài năng đó bất quá kiếm được vài triệu đô la là cùng!
Cái chính ở đây là Bill Gates lại có khả năng vô giá là “làm chủ”. Và không ai bắt hàng vạn người phải làm thuê cho Bill, không ai cấm hàng vạn người đó lập công ty để thành tỷ phú như Bill.
Và cái điều mà Đoàn Tiểu Long cho: “nếu ai đó đi làm kinh tế tư bản thì sớm muộn sẽ... biến chất” cũng chẳng có gì đáng sợ, vì như đã chứng minh, nếu làm kinh tế tư bản một cách tử tế, người ta sẽ biến chất thành người tốt chứ không phải người xấu.
Tuy viết cả bài chống việc đảng viên làm tư, nhưng cuối cùng Đoàn Tiểu Long lại kết luận một ý hay: “Còn nếu như Đảng Cộng sản thay đổi học thuyết của mình, sửa lại những điểm không được thực tiễn xác nhận, phát hiện và chứng minh được các quy luật khác của sự phát triển xã hội... Khi đó không chừng đảng viên sẽ được làm nhiều điều mà hiện đang bị cấm, chứ không chỉ kinh tế tư bản tư nhân!... Đối với người Mác-xít chân chính điều đó không có gì là thảm hoạ cả”.
Cuối cùng, có một điều tôi thấy cần phải thận trọng, tất cả những chính sách tốt đều có thể bị lợi dụng; nếu thực hiện sai, đều có thể dẫn đến những hậu quả tai hại. Vậy việc tổ chức thực hiện, đưa ra những cơ chế hợp lý, các biện pháp để khuyến khích cái tốt, ngăn chặn cái xấu là vô cùng cần thiết.
Khi cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân nghĩa là tự do làm ăn nới thêm một nấc, điều này khiến cho nền kinh tế sẽ giống như chuyện cỗ xe chạy nhanh hơn thì đòi hỏi các biện pháp an toàn cần phải cao hơn. Cụ thể là các công việc thuộc về các ngành thanh tra, kiểm sát, tòa án cần phải hoạt động nghiêm minh hơn.
Làm kinh tế tự do, khả năng mỗi người đều được giải phóng, người tài hơn, chăm chỉ hơn chắc chắn sẽ giàu hơn, nên sự cách biệt giàu nghèo sẽ càng ngày càng lớn là một điều tất yếu. Vậy cần phải có chính sách phân phối lại hướng về những người không may, những người yếu kém, những ngành sinh lợi thấp, những vùng khó phát triển... để bảo đảm được tinh thần nhân đạo của CNXH và sự ổn định xã hội. Cũng cần phải tính đến chế độ trợ cấp thất nghiệp để cho những người cùng đường vẫn có thể sống được. Hiện tại nền kinh tế thị trường ở ta có phần giống như tình trạng “đem dân bỏ chợ”, nhiều người rất dễ bị bần cùng hóa. Như những vùng nông thôn đất chật người đông, không thiên tai thì dịch hại, mất mùa thì đói ăn, được mùa giá nông sản lại hạ.
Và cuối cùng, cái xấu nhất của vấn đề “đảng viên làm kinh tế tư nhân” có thể sẽ xảy ra là: với những đảng viên vừa giữ chức vụ cao vừa làm ông chủ lớn, thì chuyện “chân ngoài dài hơn chân trong”, chuyện “việc nhà thì siêng việc chú bác thì nhác”, việc lợi dụng quyền hạn, việc dùng ưu thế của mình để cạnh tranh, triệt hạ đối thủ... là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đây mới chính là sự bất công thực sự! Cần phải đề ra mọi biện pháp để ngăn chặn!
TP Hồ Chí Minh,
11-3-2006.