Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

CÁNH ĐỒNG QUÊ

ĐÔNG LA
CÁNH ĐỒNG QUÊ
*Ngẫm cái số mình thật chẳng ra gì, có nhiều đứa bình thường nhưng người ta lại lăng-xê "bắt có tài bằng được thì thôi". Được vậy nên chúng tha hồ mà khiêm tốn. Còn mình không được lăng-xê thì tự lăng-xê, chẳng để làm gì, chỉ để chọc tức mấy thằng ghét mình chơi vậy thôi!
          *Tôi có tật xấu là rất thích nghe và nhớ rất dai những câu người ta khen mình. Như cái bài này, có ông bạn “máu gái” thì khoái nhất câu: “Bộ ngực trinh nguyên đã rung lên dưới lớp áo mờ”. Ông bạn Lê Huy Mậu thì làm thơ về bài này tặng mình. Mình cũng hơi “đểu”, có thể vì hồi ấy ông này còn là “tỉnh lẻ” nên đã để lạc mất tiêu cái bài ấy rồi, kể còn giờ mang thơ của tác giả lời “Khúc hát sông quê” nổi tiếng ra dọa thiên hạ thì cũng hay đấy nhỉ. Còn TMH đội lốt Sông Hồng chứng tỏ không hiểu gì khi xiên xẹo những lời của Hải Như, tác giả lời ca khúc “Thành phố hoa phượng đỏ”, khen là “hiện đại mà giản dị” và anh chàng TS Dung, từng đoạt giải học sinh giỏi văn Miền Bắc, nói là: “Thơ anh đã đạt được sự giản dị”. Nếu hiểu thì phải biết trong lý luận phê bình đó là những câu khen cao nhất như người ta khen một tác phẩm “đã trở thành cổ điển” hoặc “bất tử”. Bởi “đạt được sự giản dị” cũng giống như sắc đẹp không cần son với phấn của một thiếu nữ má bồ quân vậy! Tất nhiên, đó cũng chỉ là những ý cá nhân mà thôi.
           *Nhân bàn về thơ, hôm nay cho đăng lại bài thơ này để quý vị thấy rằng có rất nhiều hình ảnh không thực nhưng rất thơ trong bài thơ này của tôi như “Những giọt trăng”, “Đêm mỏng manh”, “Đất bị lột da”, “Những vụ mùa xếp hàng”, “mây bị phơi khô”, “Những con chữ bị đói lây”, v.v… y như  “mang hồ đi trú đông”, “khiêng vác sông Hồng”, “gói heo may” của TMH, chỉ có khác là những câu thơ của tôi hoàn toàn logic về ý còn TMH thì không, giống như hai người đều “biểu diễn”, tôi thì luôn giữ được “thăng bằng”, còn TMH thì bị “ngã què chân”!

Dường như không phải ở nơi Tạo Hóa đặt ngày
                                                            tạo Thiên lập Địa            
Mà ở tận cùng sâu thẳm của ký ức
Nơi mây bông đêm đêm vẫn lót đệm ta nằm
Những hạt mưa mát lành vẫn tắm gội tuổi thơ ta
                                                     trong những giấc mơ sâu
Nơi có đêm trăng mười sáu ta đã bất chợt được
                                    chiêm ngưỡng một vầng trăng khác 
                                                                   cũng tròn mười sáu
Em tắm sông hay là em tắm trăng?
Những giọt trăng lung linh đậu trên mịn màng da thịt
Đêm mỏng manh không che được nữa rồi
Em chưa biết hay quên mình đã là mười sáu?
Để ta sững sờ sau bụi cây  thưa
Để ta một đời tơ tưởng mộng mơ
Ôi cánh đồng quê! 

Ta nhớ xiết bao con đường ghồ ghề sau làng 
                   gồng lưng cõng những dấu chân nhọc 
                                              nhằn cấy cày khuya sớm
Những số phận dầu dãi trong nắng lửa mùa hạ,
                                                        trong gió bấc mùa đông
Người thì nhẹ mà nỗi lo thì quá nặng
Đất như bị lột da vẫn không kịp cho những vụ chiêm mùa
Những vụ mùa xếp hàng chờ nhau đến lượt
            Không ủ ấm được bao cuộc đời bao số phận mong manh
Khi những đám mây như bị phơi khô trong mùa hạn hán
Mặt đất cũng bị nghiêng cho mùa nước lụt tràn đê... 

Ôi quê hương!
Đã bao thế hệ sinh ra như chỉ để bất hạnh
Cả cuộc đời ông lang bạt kỳ hồ vẫn không ra khỏi
                                      những cuộc chiến triền miên
Cuộc đời cha cũng nằm gọn trong dai dẳng nỗi nghèo đói
Tuổi thơ con lăn lóc trong lam lũ nhọc nhằn
Những con chữ cũng bị đói lây trong giờ lên lớp
Ngón chân tím bầm suốt mấy mùa đông 
Ôi, nếu cuộc đời có số phận  thì số phận của mỗi người
                                         chính là số phận của đất nước
Dường như ta đã trải qua cả mấy cuộc đời
Đã từ bỏ được điều lặp lại nghiệt ngã
Đôi chân lấm bùn rong ruổi khắp đó đây
Những cung điện nguy nga đền đài hùng vĩ
Những hành lang dát vàng, căn phòng dát vàng...
Nhưng sao vẫn cháy lòng đêm đêm nỗi nhớ
Nỗi nhớ về một vùng đất rách nát và ẩm mốc
Cánh đồng quê! 

Sao là cánh? Sao là đồng? Sao lại Chùa Mô,
                                           Đằng Miều, Con Cóc?
Những cái tên lạ lùng đã khắc dấu hồn ta
Nhớ vệt bùn hôm nao em làm ta lấm áo
Em đã đền nụ cười sáng cả chiều quê
Bộ ngực trinh nguyên đã rung lên dưới lớp áo mờ... 

Ôi quê hương!
Ta yêu người xiết bao vẫn phải rời bỏ quê hương
Ta không thể mang theo con đường, dòng sông,
                                   gốc đa da trâu mài nhẵn thín
Ta cũng không thể mang theo đêm trăng âm vang tiếng cá quẫy
Nhưng ta vẫn tìm được cho riêng mình một cánh đồng quê 

Ta đặt cánh đồng trong mơ, trong sách vở, trong suy tư
Giống như mẹ năm nao con trồng cây lúa
Nhưng con không bón phân gio mà bón những mảnh tri thức
Chúng không lớn lên trong nắng mưa mà lớn lên trong
                                                                  ý nghĩ của con

Ôi, có nơi đâu kỳ lạ như những cánh đồng Việt nam
Tưởng như nước không phải là nước mà mồ hôi
                                                            bao đời đọng lại
Đất không phải là đất mà thịt xương bao đời tạo thành
Mỗi ngọn cỏ gốc cây cũng rưng rưng huyền thoại
Nơi có những bà mẹ nghèo nàn nón lá áo tơi
Những bà mẹ tảo tần không một chữ cắn đôi
Lại sinh ra bác học, kỹ sư, nhà thơ, nghệ sĩ
Vóc hình mỏi mòn lại sinh những anh hùng tướng lĩnh
Bao trẻ trâu bết bùn đã đến bục vinh quang! 

Ôi những bà mẹ anh hùng sớm tối lúa khoai!
Nhưng hạt giống của mẹ không chỉ mọc lúa khoai
                                               mà nảy lên cả tùng, cả bách
Những tuổi tên đã làm rạng danh đất nước
Đất nước của những cánh đồng quê! 

Tp.HCM 12-1998