|
ĐÔNG LA
MỘT TOA THUỐC CHO CHẾ ĐỘ CẦN
MANG ĐI XÉT NGHIỆM
Trong Lời mở đầu cuốn Tôi
chỉ có một Đảng, ĐẢNG CỦA BÁC HỒ của Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát
triển SENA, ông TS Minh Đường, viện trưởng, viết: “Ngày 29-3-2012, Viện
Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển SENA đã có văn bản gửi đến Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng và UVBCT, Trưởng Ban Tuyên giáo TW, Chủ tịch Hội đồng Lý luận
TW, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Đinh Thế Huynh đề nghị mở rộng nghiên
cứu các vấn đề cấp bách của Việt Nam dưới ánh sáng các giá trị văn hóa, minh
triết, khoa học - Học thuyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
“Văn bản” trên bao gồm một
loạt bài viết của chính ông viện trưởng; của GS Tương Lai (thực tế là PGS thôi,
nhiều người viết thế thì cứ để nguyên thế cho ông ấy phổng mũi, còn tôi thì dù
có là viện sĩ cũng không quan trọng, quan trọng là ý người ta thế nào)Viện trưởng
Viện Xã hội học Việt Nam; của GS TS Trần Ngọc Hiên, nguyên PGĐ Học viện Hành
chính Quốc gia HCM v.v…
Trong bài “Vòng tròn nhỏ trong vòng
tròn lớn”, GS Tương lai viết: “Nếu không sòng phẳng về mặt lý luận, để
có sự tường minh trong nhận thức thực tiễn, trong việc hoạch định các giải pháp
phù hợp với một thời kỳ mới mà vận nước đang thôi thúc…; Nếu không sòng phẳng
về mặt lý luận, để khẳng định rõ đồng thuận là động lực, đại đoàn kết là động
lực chứ không phải đấu tranh giai cấp là động lực như trước đây, thì không
thể thúc đẩy sự nghiệp Đổi Mới” (tr. 22)
Ông phân tích: “Đã từng một thời có
những câu thơ bốc lửa giục giã con người đi làm cách mạng: “…Nuôi đi em cho đến
lớn, đến già? Mầm hận ấy trong lồng xương ống máu/ Để thêm nóng mai kia hồn chiến
đấu” thì giờ đây ngẫm lại có cái gì không ổn! Mà không ổn từ chính logic của hệ
tư tưởng”. Ông giải thích bằng câu chuyện trong “Thế giới phẳng” của
T. L. Friedman: một gia đình bị chia đôi sống ở Ấn độ và Pakistan, người con
hỏi cha tại sao phía sống ở Ấn độ lại khá hơn thì người cha trả lời rằng tại vì
bên Ấn độ, một thanh niên nghèo thấy người giàu thì khâm phục cố phấn đấu cho
bằng, còn bên Pakistan người thanh niên nghèo thấy một người giàu thì thù hận
quyết chí giết người ta. Ông GS cho rằng “mầm hận” trong câu thơ của Tố
Hữu giục giã dân ta đi làm cách mạng nói trên tương tự như thù hận của người
thanh niên nghèo ở Pakistan kia, và đó chính là sự thể hiện cụ thể của “động
lực đấu tranh giai cấp” sai lầm, cần phải phế bỏ. Ông cũng cho chính cái “mầm
hận”, cái “động lực” ấy đã khiến chúng ta “đã có những trải
nghiệm đau đớn với “cải cách ruộng đất”, với đấu tranh chống “Nhân văn Giai
phẩm”, với đấu tranh ai thắng ai bằng “cải tạo tư sản” và “công tư hợp doanh”,
rồi quá trình kế hoạch hóa tập trung, bao cấp”, “hợp tác hóa bậc cao” ngăn sông
cấm chợ… đã đẩy đất nước đến bên bờ sụp đổ… nếu soi kỹ những sai lầm kéo dài
hàng thập kỷ sẽ thấy “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt chính là cái “mầm hận” đã thấm vào
“lồng xương ống máu” nhằm đẩy tới cuộc đấu tranh giai cấp được xem là động lực
thúc đẩy sự phát triển xã hội”(tr.24).
Tôi rất bị bất ngờ khi một vị GS, từng
giữ những trọng trách trong lĩnh vực thuộc về thượng tầng kiến trúc, tức ý thức
xã hội, lại sai lầm như vậy. Ngoài chức Viện trưởng Viện Xã hội học, ông Tương
Lai này từng có 13 năm (1993 – 2006) là thành viên nhóm tư vấn các thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải; 2007 cũng từng cùng Hoàng
Tụy, Nguyễn Quang A,... lập Viện nghiên cứu Phát triển - IDS, nghiên cứu chính sách và phản biện.
Cách đây ít lâu dư luận đã ồn lên chuyện cái viện này bị giải tán, tôi chẳng
hiểu vì sao cả, nay được đọc cụ thể “công trình” của ông ta thì đã hiểu.
Hiểu khái niệm “đấu tranh giai cấp”
giống như hận thù cực đoan và đố kỵ giàu nghèo như trên, ông Tương Lai đã không
hiểu về Triết học.
Trong bài “Các Mác – một tình yêu
bao la” tôi đã viết: “trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác và Ăngghen
viết: “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung,
mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản... là biểu hiện cuối cùng và đầy đủ nhất...
trên cơ sở những người này bóc lột những người kia”; “Chủ nghĩa cộng sản không
tước bỏ của ai cái khả năng chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng
sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”.
Như vậy, nội hàm chính của khái niệm “đấu tranh giai cấp” chính là “tước bỏ
quyền dùng sự chiếm hữu để nô dịch người khác”, “Lật đổ sự thống trị”, xóa bỏ
chế độ “Người bóc lột người””.
Chính một thời ấu trĩ, người ta đã hiểu
một cách cực đoan về “đấu tranh giai cấp” như ông Tương Lai hiểu ngày
hôm nay nên đã đẩy đất nước chúng ta đến những giai đoạn “đã có những trải
nghiệm đau đớn”. Vậy, ông Tương Lai muốn “sòng phẳng về mặt lý luận”
thì phải hiểu đúng khái niệm “đấu tranh giai cấp” chính xác trên cơ sở triết
học Mác, chứ còn hiểu và viết như trên thì ông mới thấy được cái vỏ hiện tượng
chứ chưa hiểu sâu bản chất vấn đề, với tư duy thống kê của xã hội học, chứ
không phải tư duy triết học. Nếu phủ phận “đấu tranh giai cấp”, coi
sự căm thù bất công, sự nô dịch là “không ổn từ chính logic của hệ tư tưởng”,
nước ta sẽ không có cách mạng, thế giới cũng không có cách mạng. Và như vậy,
nếu cứ giữ nguyên hiện trạng như thời thực dân cũ, thế giới chỉ chia làm hai,
ba mảng, chủ yếu thuộc Anh và Pháp. Nước Mỹ cũng sẽ không tồn tại mà chỉ là
trang trại của những ông chủ bên Mẫu quốc Anh; nước ta cũng sẽ không còn tên
trên bản đồ thế giới, sẽ là trang trại của những ông chủ nô Pháp.
Ngay cả những “trải nghiệm đau đớn”,
muốn “sòng phẳng”, cũng cần phải đánh giá một cách khách quan và toàn
diện, không thể xổ toẹt một cách thô thiển nông cạn được. Như Cải cách ruộng
đất, rõ ràng chúng ta đã đạt được thành quả rất lớn là người cày có ruộng;
đạt được tiến bộ xã hội là xóa bỏ được mối quan hệ phong kiến đã từ ngàn đời đè
nặng, mọc rễ sâu trong mọi ngõ ngách của xã hội VN. Chỉ có cái sai là sự cực
đoan. Một mặt, về khách quan, chúng ta không thể một mình tay trắng giành được
Độc lập mà buộc phải nhờ vả bên ngoài, nên đã phải chịu sức ép từ bên ngoài (LX
và TQ). Còn mặt chủ quan, đó chính là sự ấu trĩ. Giờ nhìn lại thì thấy thật là
quái ác khi người ta đã đưa ra cái chỉ tiêu % số địa chủ, nơi nào nghèo không
đủ thì cố tìm ra cho đủ, để bắn giết. Trong khi đó triết học Mác chỉ rằng, chỉ
có trong đấu tranh đối kháng mới dùng bạo lực. Vì vậy, chỉ nên sử dụng bạo lực
với những người địa chủ nào chống đối, còn người ta đã bị tước tài sản rồi, với
hai bàn tay trắng thì có cần gì phải tiêu diệt. Nhưng cũng cần phải phân biệt,
CCRĐ ở ta hoàn toàn khác với thanh trừng kiểu Stalin và Cách mạng Văn hóa kiểu
Mao Trạch Đông, bởi những việc đó đã được họ tính toán kỹ và thực hiện có chủ
đích, còn Bác Hồ và Đảng ta khi thấy CCRĐ sai đã sửa sai nhanh nhóng và quyệt
liệt nhất, đã cách chức đến cả Tổng Bí thư Đảng.
Ông Tương Lai cũng sai khi cho “đấu
tranh ai thắng ai bằng “cải tạo tư sản”” sau 1975 cũng là hậu quả sai lầm của
“đấu tranh giai cấp”. Trước hết phải xách định rằng, việc “đánh”
tư sản mại bản và “cải tạo tư sản” sau chiến thắng 1975 là đúng và tất
yếu. Bởi dân tộc ta từng hy sinh hàng mấy triệu người để giành lại nền độc lập,
thống nhất đất nước không phải là để cho bọn tư sản Ba Tàu làm giàu. Ông Tương
Lai cần phải biết, nền kinh tế của Việt Nam Cộng hòa, theo Googlle: “Hoa kiều
kiểm soát gần như toàn bộ các vị trí kinh tế quan trọng, và đặc biệt nắm chắc 3
lĩnh vực quan trọng: sản xuất, phân phối, và tín dụng. Đến cuối năm 1974, họ
kiểm soát hơn 80% các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt
may, hóa chất, luyện kim, điện...và gần như đạt được độc quyền thương mại: 100%
bán buôn, hơn 50% bán lẻ, và 90% xuất nhập khẩu. Hoa kiều ở miền Nam gần như hoàn
toàn kiểm soát giá cả thị trường”. Còn cái sai của ta thời đó chính là do
trình độ, sau mấy chục năm chiến tranh, cả nhà nước cũng như toàn dân ta thực
sự chưa biết làm kinh tế. Thời miền Bắc “xây dựng XHCN” thực ra là nói
cho nó kêu, chứ đó chỉ là nền kinh tế thời chiến “tất cả quên mình
cho tiền tuyến” giản đơn, chủ yếu là việc trồng lúa và sản xuất ít hàng nhu
yếu phẩm thiết yếu, ít nhà máy công nghiệp nặng. Chúng ta cũng sai lầm mang
tính lý luận, khi xây dựng XHCN chỉ bằng hai bàn tay trắng, mà sau này tự phê
là “căn bệnh duy ý chí”. Triết học Mác chỉ ra, xã hội XHCN chỉ được xây
dựng trên nền tảng XHTB cực phát triển với phạm vi toàn thế giới. So với với
quy luật “lượng đổi chất đổi” của phép biện chứng cũng sẽ thấy sai trái.
Chỉ khi nào lượng chất mới tích lũy đủ khi đó chất cũ sẽ thành chất mới, chứ
không thể nào có chuyện một chất cũ đột nhiên biến thành chất mới. Vì vậy việc
đánh tư sản mại bản sau 1975 là đúng, nhưng xóa bỏ ngay mọi thành phần sản xuất
tư nhân là sai, lẽ ra phải làm như “đổi mới” sau này. Nhưng dù chúng ta
đã thực hiện kinh tế nhiều thành phần thì sản xuất tư nhân ngày nay cũng vẫn
khác trước, tức có sự điều tiết của nhà nước. Có điều, con đường đến với mỗi
tiến bộ luôn phải trả giá đắt, bằng rất nhiều mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu
nữa; còn sau khi mọi chuyện đã rồi, ngồi phán đúng sai, nên thế này, nên thế
kia thì quá dễ. Cũng cần phải biết, trong hành trình của mỗi nước không chỉ có
nước ta sai lầm, mà trên thế giới, những nước phát triển nhất cũng sai. Như việc
nước Mỹ thế chân Pháp ở VN có sai không? Cũng như dân Đức thông minh thế nhưng
theo thằng Hít-le gây ra đại chiến làm máu đổ trên toàn thế giới thì có sai
không?
Việc ông Tương Lai lấy “đại đoàn kết”
đối nghịch và thay thế “đấu tranh giai cấp” ông cũng tỏ ra không hiểu gì
triết học cũng như thực tiễn cuộc sống.
Theo Quy luật Thống nhất và Đấu tranh
của các mặt Đối lập (Quy luật Mâu thuẫn) của triết học Mác, các mặt
đối lập luôn tồn tại khách quan và phổ biến như: trong nguyên
tử có điện tử và hạt
nhân; trong kinh tế thị trường có cung và cầu v.v… Từ
đó sẽ tạo ra mâu thuẫn. Rồi mâu thuẫn lại tồn tại trong sự thống nhất, đồng
thời trong sự đấu tranh giữa các mặt đối lập. Sự thống nhất chính
là sự chuyển hóa lẫn nhau giữa những phần giống nhau của các mặt đối lập;
còn đấu tranh chính là sự phủ định lẫn nhau giữa những phần khác nhau
của các mặt đối lập. Thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập không
thể tách rời nhau, tạo ra sự vận động và phát triển. Khi mâu thuẫn đã được giải
quyết thì sự vật cũ mất đi, cũng là lúc sự thay đổi về lượng thành những sự
thay đổi về chất, sự vật mới ra đời. Và rồi cứ thế lặp lại theo quy luật phủ
định của phủ định, sự vận động phát triển diễn ra mãi mãi.
Từ cơ sở lý luận đó, ta thấy trong xã
hội các mặt đối lập cũng luôn tồn tại như thiện ác, như nhiều ít trong
hưởng thụ thành quả lao động v.v… Vì vậy đấu tranh chống lại những cái
đó, mà trong triết học đã khái quát quá thành khái niệm “đấu tranh giai cấp”
chống lại “sự bóc lột” và “sự nô dịch”, như là một điều tất yếu của quá
trình vận động phát triển của xã hội. Chứ làm sao lại có thể bỏ tất như ý ông
Tương Lai! Liệu có thể “đồng thuận”, “đại đoàn kết” với kẻ ác, kẻ
tham mà có thể tiến đến được một xã hội “dân chủ cộng hòa” tươi đẹp được
sao! Còn sự đoàn kết có thể coi như một phần “thống nhất” của quy luật Mâu
thuẫn, khi người ta bỏ qua những mâu thuẫn không có tính đối kháng để thống
nhất với nhau đi tới một mục tiêu chung; đoàn kết cũng còn là sự tác động
chuyển hóa của những phần giống nhau giữa các lực lượng đối nghịch cũng góp
phần vào quá trình biến đổi tới một xã hội tốt đẹp hơn.
Vì vậy “đoàn kết” và “đấu
tranh” luôn luôn gắn bó với nhau, bổ sung cho nhau, trong quá trình vận
động phát triển. Chỉ khi nào loài người sinh ra toàn thiện thì ý của ông Tương
Lai sẽ đúng, người ta sẽ bỏ đi cái việc “đấu tranh” độc ác mà chỉ cần đoàn
kết với nhau thân thiện thì xã hội vẫn có thể tiến lên vù vù được.
Còn cái ý ông Tương Lai cho là do “đấu
tranh giai cấp” mà đẩy đất nước đến bờ vực giai đoạn sau Giải phóng 1975
cũng là cái nhìn phiến diện. Ai cũng thấy sau chiến tranh nước ta đã kiệt quệ
toàn diện do sự hy sinh nhân mạng, do bị bom đạn tàn phá, và cái chính là chúng
ta chưa có một nền sản xuất đúng nghĩa. Chúng ta không có công cụ lao động,
những máy móc, phương tiện sản xuất một cách đồng bộ và toàn diện; chúng ta
cũng không có nguyên vật liệu; chúng ta cũng không có quy trình sản xuất và các
cán bộ kỹ thuật điều hành các quy trình đó; cả hai miền Nam Bắc đều đột ngột bị
cắt nguồn viện trợ to lớn. Miền Nam
cũng đã có các khu công nghiệp nhưng chủ yếu là công nghiệp nhẹ sản xuất nhu
yếu phẩm và hàng tiêu dùng, các hãng dệt, dược v.v… cũng phụ thuộc hoàn toàn
nguồn nguyên liệu bên ngoài, trong khi đó chúng ta lại bị cô lập, cấm vận. Chưa
hết, trong tình trạng đó, chúng ta lại phải tiến hành 2 cuộc chiến Biên giới,
phía Tây Nam và phía Bắc. Tất cả cộng với trình độ yếu kém về chiến lược, về
điều hành quản lý kinh tế; sự ấu trĩ về tư duy chính trị, cái nhìn hạn hẹp về
ngoại giao v.v… đã đẩy đất nước ta đến bên bờ vực thẳm chứ đâu có đơn giản như
ý ông Tương Lai là do “đấu tranh giai cấp”. Trái lại, chính do “đấu
tranh giai cấp”, “chuyên chính vô sản” chúng ta mới giữ được ổn định. Vẫn
biết đại đoàn kết là điều tốt đẹp nhất, nhưng lòng người đâu chỉ có muốn đoàn
kết mà luôn có sự vô minh. Chính sự vô minh đã đẻ ra hận thù, đẻ ra đố kỵ, đẻ
ra cố chấp, nên “chuyên chính” như là một điều tất yếu của chính trị đối
với bất cứ đất nước nào, thể chế nào, nhất là sau khi một quốc gia phải trải
qua một cuộc chiến. Khi so sánh thời kỳ hậu chiến ở các nước như Irắc,
Apganixtan, Pakistan v.v… bom nổ liên miên, còn nước ta thời hậu chiến với hận
thù ngút trời như thế, đến tận hôm nay, với chính sách đại đoàn kết của nhà
nước, Việt kiều, từ ông lãnh đạo đến trí thức, văn nghệ sĩ ở chế độ cũ đã nườm
nượp về nước, vậy mà vẫn còn những người mà như ông Nguyễn Cao Kỳ nói “vẫn
cứ ra rả ra rả chống cộng”, nhưng đã gần 40 năm, đất nước luôn bình yên,
không có một lần bom nổ, thì mới thấy “nền chuyên chính” của chúng ta
mới thật kỳ diệu!
Ông Tương Lai viết: “Lịch sử Cách
mạng VN đã chứng minh một sự thật không thể bác bỏ là lúc nào lấy dân tộc làm động
lực thúc đẩy cuộc đấu tranh cách mạng lúc ấy cách mạng giành thắng lợi, còn lúc
nào nống đấu tranh giai cấp lên làm động lực , lúc ấy cách mạng gặp khó khăn”
(tr. 24-25); “Hiểu điều này, mới hiểu được bản lĩnh của HCM vào năm 1951,
khi Đảng có điều kiện để ra công khai đã đổi tên Đảng là Đảng Lao động VN:
“Chính vì Đảng Lao động VN là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động
, cho nên nó phải là đảng của dân tộc VN”. (tr. 28)
Thực ra do ấu trĩ, có những giai đoạn
ở ta đã có cái nhìn hạn hẹp về giai cấp, chỉ cho những người cùng khổ mới là
giai cấp cách mạng, trong khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác và Ăngghen
viết: “Bác sĩ, luật gia, tu sĩ, thi sĩ, bác học đều bị giai cấp tư sản biến
thành những người làm thuê”; rồi: “Từng bộ phận trọn vẹn của giai cấp
thống trị bị sự tiến bộ của công nghiệp đẩy vào hàng ngũ giai cấp vô sản”.
Vì vậy ông Tương Lai đã rất sai lầm khi
lấy “dân tộc” đối nghịch với “giai cấp”, coi tư tưởng của Bác Hồ
đối nghịch với lý luận của ĐCS, lấy tinh thần “dân tộc” của Bác đối nghịch
với tinh thần “quốc tế vô sản”. Thực tế ta chỉ có cực đoan trong CCRĐ,
còn mọi sai lầm trong việc vận dụng lý luận vào thực tiễn đều là do ấu
trĩ, do chưa có kinh nghiệm, chứ không bao giờ Đảng ta lại chủ trương mang lợi
ích “giai cấp” đối nghịch với lợi ích “dân tộc”.
Trước hết, phải thấy nước ta dù có tự
lực được cũng không thể chỉ lấy “dân tộc” làm “động lực” mà giành
được Độc lập. Thực tế, 1945 ta tận dụng cơ hội làm Cách mạng tháng 8 thành
công, mà cơ hội đó đã được tạo ra bằng rất nhiều máu của những chiến sĩ chống
Phát xít trên toàn thế giới. Trong triết học cũng có Nguyên lý về mối liên
hệ phổ biến. Ngay những ngày hôm nay, đến những cường quốc muốn làm gì cũng
đều phải đi tìm đồng minh.
Việc lấy chuyện Đại hội 1951, Bác Đặt
tên Đảng là Đảng Lao động, câu nói của Bác “Đảng là Đảng của dân tộc”
để đối nghịch giữa Bác với lý luận của ĐCS cũng rất sai trái. Bởi chính trong
Đại hội đó Bác đã nói về lý luận một cách dân dã: “Quân đội ta từ chỗ yếu
tiến đến chỗ mạnh, từ chỗ nhỏ tiến đến chỗ to, từ không thắng tiến đến thắng,
từ thắng ít đến thắng nhiều, rồi từ thắng nhiều tiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Đó là vì đâu? Là vì trong chính trị, cũng như trong mọi mặt công tác khác, Đảng
ta có một chủ nghĩa cách mạng nhất, sáng suốt nhất, đó là chủ nghĩa của ba ông
kia kìa”. (Hồ Chủ tịch vươn tay chỉ và hướng mặt về phía chân dung 3 vị lãnh
tụ: Marx, Engels, Lénine) ( Theo HỌC TẬP - Nội san Đảng Bộ Liên Khu Bốn,
Số 35, 4 - 1951). Cần phải hiểu cái nhìn của Bác có cái riêng, nhưng là biện
chứng hơn, thực tiễn hơn và đúng hơn so với những vị lãnh đạo hồi đó chứ hoàn
toàn không phải là sự đối nghịch. Nhưng về mặt đối ngoại, cần phải hiểu Bác là
người rất khôn khéo. Như việc đặt tên Mặt trận Việt Minh, ý Bác muốn thế
giới biết dân tộc VN cũng là một bộ phận thuộc phe Đồng minh, cũng đã góp phần
làm nên chiến thắng Phát xít, đã đứng ra thành lập nhà nước mới. Cùng với việc
đặt tên nước; trích dẫn Tuyên ngôn của Mỹ, Pháp trong Tuyên ngôn Độc lập;
Bác muốn toàn thế giới công nhận nước ta, cũng như không muốn thế giới nhìn ta
thuộc phe phái để rồi phải lún sâu vào cuộc chiến ý thức hệ. Rõ ràng tư tưởng
của Bác rất đúng và đi trước thời đại. Đó chính là tư tưởng chủ hòa, luôn là
sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình hoạt động của Bác. Ở mọi nơi, mọi lúc, Bác
luôn tận dụng mọi cơ hội. Ngay từ 6-1919, Bác đã viết Thư gửi Trưởng đoàn Hội
nghị Versailles, tức Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson: Bản yêu sách của nhân dân
An Nam; 1-11-1945, Bác cũng gởi thư cho Ngoại trưởng Mỹ James F. Byrnes: “tha
thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập
trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế,
và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với
giới trí thức Việt Nam”. Nhưng thật tiếc, thế giới không phải ai cũng có
tầm nhìn như Bác. Nhìn lại lịch sử, ta thấy những kẻ mạnh luôn tham lam, luôn
muốn thống trị kẻ yếu, nên tất cả cố gắng của Bác đều không thành. Chính vì vậy
tư tưởng của Bác không chỉ là “Đoàn kết”, mà trước cái ác, tư tưởng của
Bác cũng chính là “đấu tranh”. Còn ai quyết liệt hơn Bác, như trong Lời
kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác viết: “Ai có súng dùng súng. Ai có
gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra
sức chống thực dân Pháp cứu nước” ; 7-1945, sau một cơn sốt, Bác cũng nói
với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “… dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng
cương quyết giành cho được độc lập”.
Vì vậy, việc đem “Đại đoàn kết”
đối nghịch với “đấu tranh giai cấp”; “tinh thần dân tộc” đối nghịch
với tinh thần “quốc tế”, và những những quan điểm phiến diện về Bác của
ông Tương Lai là đại sai lầm.
Tương tự như ông Tương Lai, ông Minh
Đường cũng viết: “Vấn đề đặt ra là: Vì sao một dân tộc anh hùng có bề dày hàng
ngàn năm lịch sử lại cứ phải kiên trì những tư tưởng “Tây hóa” xa lạ với người
VN” (tr.12). Trong bài “Tôi chỉ có một Đảng, Đảng của Bác Hồ” (Tại
sao không có tên tác giả? Một công trình hiến kế cho nhà nước, sao có những bài
“trống danh”, nhưng ông Minh Đường làm chủ biên thì tôi coi như là bài của ông)
đã có sự phân chia kỳ quái là Việt Nam lần lượt có 3 Đảng: Đảng của
Trần Phú, Đảng của Hồ Chí Minh và Đảng của Lê Duẩn. (tr. 39); rồi “từ 1975
đến nay, VN mắc hai sai lầm chiến lược lớn, đó là 1976, Đảng lãnh đạo bị biến
từ Đảng của dân tộc thành Đảng của giai cấp; năm 1991 bỏ lỡ cơ hội đưa Đảng của
giai cấp trở về thành Đảng của dân tộc”.
Như vậy ông Minh Đường cũng thật sai
lầm như ông Tương Lai đã phân tích ở trên. Có điều các ông đã quên cái câu chuyện
nổi tiếng nhất trong hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác, tháng 7 nǎm
1920, qua báo Nhân đạo (L'Humanité) Pháp, Bác đã lần đầu được đọc Luận cương
của V.I Lê nin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa mà sau này nhớ lại, Bác
viết: "Luận cương của V. I Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi,
sáng tỏ tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong
buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng
bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường
giải phóng chúng ta” (xem Chủ
tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin)
Một căn cứ thực tiễn, mà các tác giả
trong cuốn sách này và còn nhiều người khác nữa cũng muốn nước ta từ bỏ Học thuyết
Mác: đó là sự sụp đổ của hệ thống các nước đi theo mô hình XHCN. Nhưng
nếu phân tích kỹ, sự sụp đổ đó không phải do chủ nghĩa Mác. Các tác giả trong
bài Con lật đật (Der Spiegel, số 34, 2005) đã viết: “Các nhà lãnh đạo
quốc gia ở khắp nơi đã cải tạo xã hội dựa trên lý thuyết Marx, nhưng đồng thời
đã thay đổi những ý tưởng của Marx đến độ khôi hài”. Nhìn lại thời kỳ kế
hoạch hóa, cuộc sống diễn ra trong khung của một kế hoạch, một nhóm người nghĩ
thay cho mọi người, vì thế đã dẫn đến sự quan liêu, không phát huy sức sáng tạo
toàn dân, bó buộc sức sản xuất. Điều này mang tính cứng nhắc siêu hình ngược
với Nguyên lý về sự phát triển của triết học Mác mang tính biện chứng.
Như quy luật Mâu thuẫn đã bàn ở trên và quy luật phủ định của phủ
định. Người lãnh đạo tập thể khác với các ông chủ ở chỗ, ông chủ coi tư sở
là của nhà mình nên hết sức vì nó, còn nhà lãnh đạo xấu trong giai đoạn
"quá độ" mà vật chất còn là của hiếm sẽ coi công sở là nơi mình cai
quản một thời gian để kiếm danh lợi, nên họ làm việc không vì sự phát triển mà
vì sự củng cố quyền lực, để ngồi lâu hơn. Vì thế xã hội tập thể hóa kiểu như vậy
cũng không thể đạt được sự công bằng và có ưu thế phát triển. Có lẽ, đó là một
trong những nguyên nhân đã khiến các nước đi theo hướng XHCN thất thế.
Mặt khác, ở Liên xô, thành trì cách mạng
XHCN, theo báo Nhân dân online, Brezhnev lại từ câu nói của Khrushchev:
“Sự ổn định của đội ngũ cán bộ là sự bảo đảm cho thành công” đã phát
triển thành chế độ chức vụ suốt đời, hình thành một xã hội phong kiến
kiểu mới, giúp cho tầng lớp đặc quyền sinh sôi. Đến thời Gorbachev, tầng lớp
đặc quyền đã biến thành giai cấp tư sản mới. Khi đất nước trước nguy cơ tồn vong,
họ đã công khai thúc đẩy vứt bỏ CNXH, tức là lại làm cuộc cách mạng từ phong
kiến chuyển sang CNTB, để hợp pháp hóa tài sản tham nhũng. Đó chính là nguyên
nhân của đổ vỡ. Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ David Code có một câu nói
chí lý: “Đảng Cộng sản Liên Xô là chính đảng duy nhất làm giàu trong tang lễ
của chính mình”.
Vì vậy, muốn bốc thuốc kê toa cho chế
độ, cần phải chẩn đoán đúng, kê toa đúng. Nếu không chỉ làm bệnh nhân bệnh nặng
thêm, thậm chí tử vong. E rằng cái công trình của viện ông Minh Đường là như
vậy. Một ý xuyên suốt trong công trình đó rất lạ, giống như theo đóm ăn tàn, là
chuyện đề nghị nhà nước ta từ bỏ mô hình XHCN Liên xô, trong khi thực tế nước
ta đã từ bỏ vài chục năm rồi, và đã đi theo mô hình Kinh tế thị trường
định hướng XHCN. Một mô hình theo lý thuyết là rất hay, bởi vừa phát huy
được sự năng động của sản xuất tư bản vừa đi theo lý tưởng XHCN với những chính
sách hướng tới số đông người lao động. Tiếc là mô hình này trong thực tế tôi
lại thấy nảy sinh mấy cái rắc rối:
Thứ nhất, nó đã sinh ra cái tình trạng
công tư nhập nhằng. Trong khi đó lại chưa có cơ chế giám sát phù hợp. Trong
cuộc sống, không ai không mong muốn thành đạt. Nhưng ở ta, đồng lương của cán
bộ thực chất rất thấp. Thế là ai ai cũng phải “tự cứu lấy mình”, tìm mọi cách
để kiếm thêm. Trong muôn hình vạn trạng của cái việc kiếm thêm ấy, ranh giới
giữa những việc làm chính đáng và bất chính vô cùng mong manh. Tiền bất chính
lại rớt vào túi dễ như nước chảy xuôi, trái lại, kiếm được đồng tiền chính đáng
phải đổ mồ hôi sôi nước mắt. Đó chính là cái gốc rễ đã sinh ra quốc nạn tham
nhũng.
Thứ hai, ở những nước tư bản, những nhà
tư bản thành đạt đều do mồ hôi, tâm sức và tài năng của họ, như Ford, Bill Gates,…
còn ở ta nhiều quan chức không chỉ thiết lập vương triều tại cơ quan mà còn lập
ra những công ty gia đình (như vụ Điện kế điện tử, Bệnh viện Chợ Rẫy, vụ in
tiền, vụ Than - khoáng sản, v.v…). Bởi dựa vào quyền thế, người ta dễ
dàng có vốn và có cửa đầu tư vào những lĩnh vực béo bở nhất. Chúng ta thật e ngại
khi có thực trạng đất đai và nền kinh tế bị xẻ ra như những miếng bánh bỏ
vào túi riêng. Sự định giá tài sản công rẻ mạt để chia nhau cổ phần, nhưng
người lao động được rất ít và cũng không ít người lại không tiền mua. Như
vậy một phần nào đó Kinh tế thị trường lại định hướng Tư bản chủ nghĩa,
đã tạo ra một sự bất công mới, một giai cấp mới trong chính ĐCS, như TBT Nguyễn
Phú Trọng đã phát biểu tôi nghe được trên tivi.
Thứ ba Kinh tế thị trường định hướng
XHCN lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo, có nhiều chuyên gia kinh tế phản
bác, nhưng theo tôi là đúng. Vì thực sự nước ta người giàu đã có nhiều nhưng
chủ yếu do may mắn, do trúng mánh trong buôn bán, do trúng mánh về biến đối giá
cả đất đai, khai thác tài nguyên; có sản xuất thì cũng chỉ là gia công, hoặc
làm công việc thiên về cơ bắp sinh lợi thấp; chứ chúng ta không có những nhà
đại tư bản tạo ra những vương quốc bằng kỹ thuật công nghệ cao, bằng chất xám,
có thể làm xương sống cho cả nền kinh tế. Nên ở ta việc nhà nước nắm những ngành
kinh tế quan trọng để duy trì sự ổn định và phát triển là đúng. Có điều lại
liên quan đến cơ chế. Có cơ chế đã trở thành lỗi thời, trong khi nhiều cái mới
nảy sinh lại chưa có cơ chế giám sát, nên sự điều hành nền kinh tế của chính
phủ chưa tốt. Trong khi đó, năng lực của những lãnh đạo tại các đại công ty nhà
nước lại quá kém, dẫn đến tình trạng đầu tư tràn lan, không có sức cạnh tranh,
làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, nợ nần, làm thất thoát tiền bạc công, tham nhũng,
lãng phí, như các tập đoàn Vinashin, Than – Khoáng sản, Điện lực, Cao su,
Dầu khí, Xăng dầu, Đường sắt, Hàng hải, Hàng không, Xi măng, Mía đường, Thép
v.v… Tất cả đã đẩy đất nước đến tình trạng mà cũng chính TBT Nguyễn Phú Trọng đã
nói là “nguy cơ tồn vong của chế độ”.
Còn mấy ngày hôm nay trên diễn đàn Quốc
hội, tôi thật lo ngại khi nhìn mấy ông bộ trưởng về đầu tư, về tài chính v.v…
mặt ngây ngô nói không biết chuyện Vinaline bỏ ra mấy chục triệu đô mua
đống sắt rỉ là ụ nổi về, không phải để dùng mà để sửa chữa, đến tận hôm
nay chưa xong! Tại sao chúng ta đã nói quá nhiều, đã nói liên tục những lời rất
hay ho, soạn ra vô vàn văn bản rất chặt chẽ, vậy mà sao lại có cái chính sách
kỳ quái là giao quyền cho những cá nhân chi tiêu tự do công quỹ nhà nước!
Vì vậy, theo tôi, cần phải tạo ra một
cơ chế sao đó để có thể giám sát được từ sự lãnh đạo của Đảng đến sự điều hành
kinh tế của Chính phủ; giám sát được sự chi tiêu ngân sách của các đơn vị
kinh tế. Cần phải công khai tài sản của quan chức và những người thân, minh
bạch hóa những khoản thu nhập lớn, buộc phải chứng minh được nguồn gốc của các
loại tài sản.
Đó chính là toa thuốc trị căn bệnh xã
hội hôm nay. Nghĩa là càng thực hiện kinh tế thị trường phát huy sức sản xuất
càng phải hiểu chính xác, sâu sắc và vận linh hoạt Học thuyết Mác, càng phải
coi trọng “đấu tranh giai cấp”, cụ thể là việc chống tham nhũng và làm
giàu bất chính, bởi đó chính là sự bất công lớn nhất, cái việc một thời cả nước
đổ máu để rồi cho hôm nay một số nhỏ trục lợi. Còn trong thực trạng như vậy,
cái công trình hiến kế của cái viện nghe rất lạ tai kia lại đi kêu gọi “đoàn
kết”, “đồng thuận”, quay về với “dân tộc” v.v… và như ông GSTS Trần Ngọc Hiên
viết: “Vì sao VN đến nay vẫn trì trệ, chậm phát triển? Phải chăng trước hết
vì chúng ta đã không phát huy được sức mạnh văn hóa VN” (tr. 46); rồi: “Vì
thế, một trong những việc đầu tiên chúng ta phải làm là “tái cấu trúc” và xây
dựng mới các “nhà văn hóa VN”. (tr. 51), thì tôi thấy các vị như là làm “văn
chính trị”. Hoặc giống như tình trạng có người đang bị nhiễm trùng nặng,
cần thuốc kháng sinh mạnh, thì các vị lại bảo cần phải ăn uống điều độ, giữ
tinh thần thoải mái sẽ tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, các vị lại dựa trên những
cơ sở lập luận rất sai với tri thức cơ bản cũng như cái nhìn không toàn diện về
thực tiễn đời sống. Phản đối các vị không phải do tôi sợ thay đổi chế độ vì tôi
là người sống tự do mà tôi sợ rằng, theo cái toa thuốc mà các vị kê, xã hội VN
này sẽ hỗn loạn.
TPHCM
16-6-2012
ĐÔNG LA