Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

NHỮNG SAI TRÁI VÀ XUYÊN TẠC CỰC NGUY HIỂM CỦA MINH ĐƯỜNG

NHỮNG BÀI VIẾT CỰC NGUY HIỂM
CỦA MINH ĐƯỜNG

Vừa qua, ngày 16 tháng 5 năm 2014, ông TS. Nguyễn Minh Đường, Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ và phát triển (Viện SENA) thuộc Liên hiệp các Hội KH và KT Việt Nam), đã viết “Bức thư đầy nhiệt huyết và trí tuệ”, “Kính gửi Các vị Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên TW Đảng và  Các vị Đại biểu Quốc hội”. Có điều lạ lùng là một ông viện trưởng một viện thuộc thể chế này lại có tư tưởng chống đối quyết liệt nền tảng tư tưởng của thế chế khi ông ta viết:           
Thực tiễn từ 1991 đến 2013 cho thấy công tác Tuyên giáo ngày một lệ thuộc hệ tư tưởng Phân biệt, Áp đặt, Bạo lực đã lỗi thời của Chủ nghĩa Mác – Lênin và ngày càng xa rời hệ tư tưởng Đoàn kết Dân tộc, Đoàn kết Quốc tế luôn mang tính thời đại của Chủ thuyết Hồ Chí Minh. Do sai lầm về lý luận và đường lối coi “Bản chất thời đại không thay đổi” nên Việt Nam chưa có chiến lược đúng đắn, vì thế luôn bỏ lỡ cơ hội, tự làm yếu, tự đặt mình vào tình thế khó khăn ở trong, ngoài nước”.

Có điều ông ta viết như trên là hoàn toàn mù tịt và xuyên tạc Chủ nghĩa Mác-Lênin, xuyên tạc thực tiễn Việt Nam. Ngày nay với thời đại thông tin mở trên mạng có thể tra cứu dễ dàng tài liệu, chúng ta có đầy đủ cơ sở để đánh giá khách quan về Chủ nghĩa Mác-Lênin.
Trước hết, chúng ta cần phải hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin là một học thuyết. Cũng như mọi lý thuyết, chỉ khi nào vận dụng đúng người ta mới nhận được kết quả tốt, trái lại sẽ là hậu họa. Chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là phép tiên, người ta cứ tuyên bố theo là xã hội thành thiên đường. Ngược lại, Chủ nghĩa Mác-Lênin cũng không phải là sai trái, lạc hậu và phản động như nhiều kẻ phản bội Chủ nghĩa Mác nghĩ. Như hôm nay ông Viện trưởng Minh Đường hoàn toàn sai trái và thiển cận khi viết Chủ nghĩa Mác-Lênin là “Phân biệt, Áp đặt, Bạo lực”.
***
Viết như trên Minh Đường hoàn toàn lờ đi thực tế, thế giới hiện đại vẫn đánh giá Mác rất cao. Theo Wikipedia:
Năm 1999, Đại học Cambridge (Anh) công bố bình chọn nhà tư tưởng số một thiên niên kỷ, kết quả là Marx đứng đầu, còn Einstein, nhà khoa học lớn đứng thứ hai
Theo Barbara Supp, Marian Blasberg và Klaus Brinkbäumer, trong bài Con lật đật:
“Theo thăm dò dư luận mới đây của tạp chí Đức Der Spiegel, cụ được dân chuộng một cách đáng ngạc nhiên, mà không phải chỉ ở Đông Đức: 50 phần trăm dân Tây Đức nói rằng sự phê phán chủ nghĩa tư bản của Karl Marx  “ngày nay vẫn mang ý nghĩa của nó”.
Có kết quả như vậy bởi những ngày hôm nay có các nhà tư bản sống sau Mác hơn cả thế kỷ vẫn thừa nhận Mác đúng. Nhà tỷ phú đầu cơ chứng khoán George Soros viết: “Marx và Engels đã cho một phân tích rất tốt về hệ thống tư bản cách đây 150 năm” (Marx and Engels gave a very good analysis of the capitalist system 150 years ago); John Cassidy, phóng viên của The New Yorker, cho rằng các vấn đề mà các nhà kinh tế học hiện đang đối mặt, đang “bước theo dấu chân của Marx mà họ không biết” (without realising that they are walking in Marx's footsteps), v.v…
Ngày nay, dù hệ thống chính các nước XHCN đã sụp đổ, nhưng ta phải khách quan đánh giá hiện tượng này.
Đất nước Liên Xô cồng kềnh, vốn lạc hậu hơn nhiều so với phương Tây, vậy cái gì đã biến nó thành một cường quốc? Stalin từng nói: “Chúng ta lạc hậu hơn các nước tiên tiến 50 năm đến 100 năm, chúng ta phải chạy hết khoảng cách này trong 10 năm, hoặc chúng ta làm được điều này, hoặc chúng ta bị người ta đánh ngã”. Liên Xô không bị ngã quỵ mà chế độ XHCN cơ bản đã được xác lập, và còn hơn thế, đã có sức mạnh chiến thắng bọn phát-xít. Sau đó đã phát triển mạnh, chế tạo được cả bom nguyên tử, bom hạt nhân, có lúc đã vượt Mỹ về công nghệ vũ trụ, trở thành siêu cường, đối trọng được với Mỹ!
Như vậy, ta thấy nếu chủ nghĩa Mác – Lê-nin được áp dụng đúng sẽ đạt được kết quả kỳ diệu đến thế nào. Tiếc là LX đã sai lầm. Chủ yếu là do công tác tổ chức, cán bộ, đã biến nhà nước Xô-viết thành nhà nước phong kiến trá hình làm tan rã Liên Xô. Nhưng sự tan rã không phải như ý ông Nguyễn Trung “đã bị phong trào dân chủ của nhân dân nước họ thay thế”. Mà ngược lại chính là sự thất bại của nền dân chủ. Bởi từ sự phản bội Chủ nghĩa Mác-Lênin của Goocbachov, rồi sự phản bội Goocbachov của Enxin và cuối cùng là Enxin đã giành thắng lợi trước Gooc-ba-chov. Chính quần chúng đã giúp Enxin giành thắng lợi, nhưng thành quả của chiến thắng lại không thuộc về họ mà thuộc về sự liên minh giữa quyền lực và Maphia. Theo TT Nga Pu-tin, sự tan vỡ LX đã gây ra một “đại thảm họa địa chính trị”! Xã hội Nga sau đó đã rơi vào hỗn loạn mà chính Yeltsin từng thừa nhận: “Nước Nga hiện nay đã vượt Italia, trở thành vương quốc băng đảng mafia lớn nhất thế giới”! Còn cựu Tổng thống Ukraine Kravchuk, một trong ba nhân vật tham gia ký kết hiệp định giải thể Liên Xô sau này cũng nói: “Nếu như năm 1991, tôi biết được cục diện đất nước sẽ phát triển đến như cục diện như hôm nay thì khi đó tôi đã nhất quyết chặt đứt cánh tay mình chứ không ký vào Hiệp định”!
Còn Chủ nghĩa Tư bản? So với thời hoang dã mà Mác chứng kiến, mức sống của người dân ở các nước tư bản hàng đầu ngày nay đã tăng lên rất nhiều. Thế nhưng vẫn còn nguyên đó sự bất công trong hưởng thụ thành quả lao động. GS. Phil Gasper (Đại học Notre Dame de Namur của California) đã viết: “Năm 1998, 10% dân số giàu nhất Mỹ chiếm hữu hơn 85% của cải bằng cổ phiếu và quỹ chung, 84% chứng khoán tài chính, 91% trái phiếu và 92% vốn trong các doanh nghiệp tư nhân. Trên toàn cầu con số này còn kinh khủng hơn. Chưa đến 500 người trên thế giới đang sở hữu tài sản nhiều hơn toàn bộ thu nhập của hơn một nửa dân số thế giới cộng lại” (Báo Tuổi trẻ, 28/11/2005). M. Yunus, Nobel Hòa bình cũng viết: “Chủ nghĩa tư bản hiện nay đã xuống cấp thành một sòng bạc” (Báo Tuổi trẻ, 13/10/2008)… Theo VN.net: “Cục điều tra dân số Mỹ hôm 20/10 cho biết, họ ước tính có 47,4 triệu người Mỹ hiện sống trong bần cùng”. Bản thân Bill Gate, một trong vài người giàu nhất thế giới cũng thấy tính bất hợp lý của CNTB, đã viết: “Phúc lợi không giành cho tất cả mọi người. Có 1 tỉ người trên hành tinh của chúng ta sống ở mức dưới 1 đô la mỗi ngày”. Và ông đưa ra một hình mẫu mới mà ông gọi là “CNTB sáng tạo” có những mục tiêu giống với CNXHVà ngày nào với phong trào biểu tình “Chiếm Phố Wall” của những người “đại diện cho 99%” dân lao động chống lại 1% giới tư bản tài chính và các chính trị gia, chống lại cái cơ chế xã hội “của 1%, do 1% và vì 1%” của Mỹ và thế giới tư bản nói chung. Nhà làm phim Michael Moore, một người biểu tình, đã nói về cơ chế đó: “Đó là hệ thống tàn ác... hệ thống được dựng lên để 1% những người giàu nhất nhận 40% chiếc bánh... tư bản chủ nghĩa cần được thay bởi một hệ thống trong đó người dân có quyền tham gia vào việc sắp đặt, điều hành hệ thống và 'chiếc bánh' phải được chia đều hơn.
Như vậy, ngày nay khi không còn chiến tranh ý thức hệ, Chủ nghĩa Mác-Lênin cần phải được khảo sát như một Học thuyết khoa học khách quan về tư tưởng và phát triển như bất cứ một học thuyết khoa học nào khác. Nó thể hiện ở tất cả các nước dù được áp dụng một cách có chủ ý hay tự nhiên, chứ không bị chính trị hóa theo sự phân chia chủ quan mang tính phe phái thù địch ngày nào. Như Thuyết Tương đối của Einstein là tri thức của nhân loại chứ nó không thuộc phe “Tư bản” hay “XHCN”. Người ta có thể vận dụng công thức E=mc2 làm ra năng lượng nguyên tử tùy theo trình độ khoa học công nghệ của mỗi nước chứ không phải là “Tư Bản” hay “XHCN”. Lúc này trước sự xâm lấn và khiêu khích của Trung Quốc, ước gì nước ta cũng có quyền và có khả năng sản xuất vũ khí nguyên tử và hạt nhân. Được thế thì dù là anh hùng rơm cũng có thể tha hồ mà chém gió, còn bây giờ ta yếu lắm, phải tính toán khôn khéo, chứ thùng rỗng kêu to, anh hùng rơm, sĩ diện hão là thậm nguy!
***
Trong các bài viết của ông Minh Đường gần đây còn có một vấn đề đặc biệt nguy hiểm và độc hại. Đó chính là sự xuyên tạc thực tế để kích động, chia rẽ, gây mất đoàn kết trong tổng hành dinh lãnh đạo tối cao của đất nước. Đó là sự chia rẽ giữa “Thủ tướng” và “Lãnh đạo Đảng” y như cách nhìn của BBC tiếng Việt và RFA vậy, dù thực tế Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng là một Ủy viên Bộ Chính trị.
Trong “Bức thư đầy nhiệt huyết và trí tuệ” ngược lại sự công kích: “công tác Tuyên giáo ngày một lệ thuộc hệ tư tưởng Phân biệt, Áp đặt, Bạo lực đã lỗi thời của Chủ nghĩa Mác – Lênin”, Minh Đường “lăng-xê” TT Nguyễn Tấn Dũng:
Rất mừng trong 2 năm 2013 - 2014, hai vấn đề này đã có giải đáp khi Thủ tướng  Chính phủ thay mặt Đảng, Nhà nước tuyên bố với thế giới về Niềm tin chiến lược của Việt Nam giờ đây là Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp và chuẩn mực quốc tế, tức không lệ thuộc “Ý thức hệ” nữa, cũng như khẳng định với dân tộc sẽ kiên quyết “Đổi mới Thể chế” để “Kiến tạo Phát triển”.
Trong bài "Mong như Thủ tướng nói: Từ nay hết Viễn vông, hết Lệ thuộc" trên trang cá nhân của Bùi Văn Bồng http://bongbvt.blogspot.com/, Minh Đường cũng viết:      
Ngày 21/5/2014 Thủ tướng Chính phủ đã làm cho mỗi người dân Việt Nam trong nước, ngoài nước ấm lòng và tự hào khi tuyên bố "Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".
Phải chăng “lửa thử vàng” và thực tiễn đã chứng tỏ Thủ tướng chính là người lãnh đạo mà dân tộc Việt Nam đang cần lúc này, bởi trước hết với đầy đủ chí khí và trí tuệ, Thủ tướng Chính phủ là người lãnh đạo cao nhất trong những người lãnh đạo đã đàng hoàng, minh bạch, công khai chỉ rõ, kẻ thù bên ngoài nguy hiểm nhất với dân tộc Việt Nam và hòa bình thế giới là “chủ nghĩa bành trướng, bá quyền” của nhà cầm quyền Trung Quốc, kẻ thù bên trong nguy hiểm nhất với tiến bộ xã hội là tư tưởng “Viển vông, Lệ thuộc”?”
Rồi Minh Đường thật liều lĩnh khi xuyên tạc như thế này: “Viển vông nhất phải kể đến là việc bắt toàn Dân, toàn Đảng thực thi giấc mơ chủ nghĩa cộng sản “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” bởi các biện pháp Chia rẽ, Áp đặt, Bạo lực của chủ nghĩa Mác – Lênin như đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, kinh tế Nhà nước là chủ đạo, Cương lĩnh trên Hiến pháp, chống tam quyền phân lập, … Lệ thuộc nhất là nhắm mắt coi trọng và kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin mà xem nhẹ Độc lập đất nước, Tự do Dân tộc, xem nhẹ “Việt Nam Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ và Giầu mạnh”. Thực tế cho thấy việc chúng ta để tư tưởng “Hai nhất” (Viển vông nhất, Lệ thuộc nhất) ở ngôi vị cao là nguyên do sâu xa và trực tiếp đưa đất nước đến bờ khủng hoảng và thách thức hôm nay.
Chúng ta cần phải hiểu dù là Thủ tướng hay ai đó phát biểu thì đều là ý chí của toàn Đảng, toàn dân, bởi thể chế nước ta là do Đảng lãnh đạo toàn diện và thống nhất. Viết như trên Minh Đường đã viết theo ý kích động chia rẽ của những thế lực chống phá đất nước. Minh Đường nên biết nước ta đang kiên quyết và khôn khéo đấu tranh với sự xâm lấn của Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình. Chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tuyên bố một mặt kiên quyết đấu tranh nhưng ta vẫn giữ mối quan hệ làm ăn bình thường với Trung Quốc. Vì vậy hung hăng khoét sâu thêm thù hận như Minh Đường là cách nghĩ của kẻ tiểu nhân, sĩ diện hão, vĩ cuồng, không phù hợp với vị thế và thực tế, sẽ gây nguy hiểm cho đất nước.
Với các vị lãnh đạo, có thể trong cách giải quyết một vấn đề thì ai cũng có ít nhiều khác nhau, nhưng mỗi quyết sách đại sự quốc gia khi đã được đưa ra thì đều phải được thống nhất trong lãnh đạo Đảng và Nhà nước, chứ không thể là ý riêng.
Tôi hoàn toàn có thể lấy dẫn chứng chứng tỏ Minh Đường nói ngược. Trong mối quan hệ với Trung Quốc thử lấy ví dụ giữa TBT Nguyễn Phú Trọng và TT Nguyễn Tấn Dũng thì thời gian gần đây chính TT Nguyễn Tấn Dũng lại có những hoạt động “thân” TQ hơn.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ :
6:12, 22/10/2008
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Ôn Gia Bảo: Cụ thể hóa một bước quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc
Theo Chinhphu.vn:
7:05, 02/09/2013
Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Trung Quốc
- Chiều 2/9, tại Nam Ninh, Trung Quốc, nhân dịp dự Hội chợ, Hội nghị thượng đỉnh Đầu tư-Thương mại ASEAN-Trung Quốc lần thứ 10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa Lý Khắc Cường”. 
Còn Dự án Bô-xít liên quan mật thiết với TQ, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Trung Quốc đón tiếp với nghi lễ long trọng nhất dành cho các nguyên thủ quốc gia để họ có được lời hứa VN sẽ phê duyệt ngay dự án. Không những được phép đưa người vào VN, TQ còn được những quy chế riêng đặc biệt tại khu vực khai thác.
 Còn TBT Nguyễn Phú Trọng, trên một blog của một bạn Việt kiều bên Mỹ (thieulongtexas/blog/), dưới bài nói chuyện của tướng Nguyễn Thanh Tuấn, bạn này có đăng một một thông tin rất thú vị từ vị tướng này:
Nói về chuyện ông Trọng ứng đối với TBT Tàu. Ông Tuấn kể lại hơi rời rạc. Chuyện này do nhiều người tháp tùng trong phái đoàn đi TQ của TBT Nguyễn Phú Trọng kể lại, nhưng vì tế nhị nên chưa thấy đề cập trên các báo chí chính thống...
Chuyện là như vầy: Khi tổng Đào nói "Đường chữ U là sự nghiệp của Quốc dân đảng để lại, nếu xóa bỏ thì nhân dân TQ sẽ không chấp nhận sự lãnh đạo của ĐCSTQ". TBT Nguyễn Phú Trọng nói: "Các đồng chí nói vậy là chưa đúng, Quốc dân đảng để lại 11 khúc trong đường chữ U, thì các đồng chí đã xóa đi 2 khúc. Mặt khác, Quốc dân đảng để lại Đài Loan, nhưng các đồng chí đã không chấp nhận và muốn xóa bỏ sự độc lập của Đài Loan, nhưng nhân dân vẫn ủng hộ, như vậy, không phải vì lý do này mà nhân dân không ủng hộ ĐCSTQ". Ý nói tổng Đào đổ thừa vớ vẩn linh tinh.
Khi tổng Đào đề nghị VN ngưng hoạt động khảo sát tiềm năng kinh tế trên Biển Đông thì TBT Nguyễn Phú Trọng nói thẳng: Chúng tôi hoạt động trong phạm vi 200 hải lý, thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN, phù hợp với Công ước quốc tế về Luật biển của LHQ năm 1982 có chữ ký của các nước liên quan đến Biển Đông, trong đó có chữ ký của các đồng chí. Quan điểm của VN là như thế đấy! Nếu TQ có quan điểm không đồng ý, thì đem ra Tòa án Công lý Quốc tế phân xử, rồi Tòa án quốc tế phán quyết thế nào thì chúng tôi sẽ chấp nhận như thế đấy." Tổng Đào bị bất ngờ vì ko lường trước đc, đành nói là "Nếu thế thì cần gì ngồi đây nói chuyện với nhau."
Vì vậy không có chuyện “bên Đảng” vì “ý thức hệ”, “bảo thủ”, thân TQ, còn “bên Chính phủ” “đổi mới” chống TQ, thân Mỹ và phương Tây! Trích dẫn như vậy, tôi chỉ muốn chứng tỏ ông Minh Đường có hành động rất nguy hiểm, xuyên tạc sự thật, nhằm kích động chia rẽ,gây mất đoàn kết trong nội bộ các vị lãnh đạo tối cao của đất nước!
***
Lần đầu nghe tên cái Viện SENA ngồ ngộ, tôi vô Google xem sao thì thấy ông Viện trưởng Minh Đường có “công trình” nghiên cứu khôn thật! Theo http://thuvienphapluat.vn/:
Viện Nghiên cứu công nghệ và phát triển SENA - số 35 Điện Biên Phủ, HN (Viện SENA) đã sử dụng trụ sở (là nhà thuê của Nhà nước) cho một số tổ chức nước ngoài thuê để kiếm tiền. Từ năm 2007 đến nay, Viện SENA lại chiếm dụng nhà và đất thuộc sở hữu Nhà nước tại 35 Điện Biên Phủ, cho nhiều tổ chức nước ngoài thuê làm văn phòng với giá trung bình 25USD/m2/tháng… Ngang nhiên hơn, ngày 23.12.2008, viện còn ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý với Cty CP Gia Cát (Láng Hạ, quận Đống Đa) đối với  khối nhà 5 tầng, nhà 7 tầng và tầng hầm tại 35 Điện Biên Phủ. Theo đó, Cty Gia Cát thay mặt Viện SENA cho khách hàng thuê nhà và được hưởng 8% doanh thu từ tiền cho thuê nhà (?!)”. 
Và theo Einfo:
Ngày 4/3/2013, UBND TP.Hà Nội ra quyết định số 1977/QĐ-UBND thu hồi trụ sở làm việc của Viện nghiên cứu công nghệ và phát triển SENA vì vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng nhà đất; mức độ vi phạm đã được Thanh tra Thành phố kết luận tại Văn bản số 1918/KL-TTTP(P1) ngày 13/10/2009 và Văn bản số 2981A/TTTP-P1 ngày 21/12/2011”.
Quả là một công trình kỳ lạ của một viện thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam! Nhưng còn kỳ lạ hơn khi trang đăng bài của ông Minh Đường là trang của Viện Những vấn đề phát triển http://www.vids.org.vn/
Nghe giống như anh em sinh đôi với Viện nghiên cứu công nghệ và phát triển (Viện SENA) của ông Minh Đường vậy. Nước ta quả là đang loạn viện! Không biết có phải nó cũng như SENA thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hay cơ quan nào mà lại đăng rất nhiều bài của những người hiện trên tuyến đầu chống phá thể chế như Tương Lai, Nguyên Ngọc, Huy Đức… và Minh Đường! Và còn kỳ quái hơn khi họ cũng đăng luôn bài của Lê Xuân Khoa, một GS của chế độ VNCH, sau 1975, tị nạn bên Mỹ. Lê Xuân Khoa viết:
Đành rằng bản chất chính trị của lãnh đạo cộng sản là “nói một đàng, làm một nẻo” nhưng bước đột phá về đối ngoại của ông Nguyễn Tấn Dũng trước một diễn đàn quốc tế là một sự kiện cần được xem xét kỹ. Vấn đề là giữa lúc cuộc tranh giành quyền lực và mâu thuẫn chính sách trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam đang diễn ra gay gắt, sự xoay chuyển chính sách đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ có phải là lập trường thống nhất của Bộ Chính trị hay không? 
Tình hình Việt Nam quá phức tạp, không ai có thể đoán biết được các toan tính của ông Dũng, của phe đối thủ và của Trung Quốc như thế nào…
Thời gian chờ đợi kết quả thắng hay bại của ông Dũng có thể kéo dàiNếu phe bảo thủ thắng thì số phận nước Việt Nam sẽ hoàn toàn mất vào tay Trung Quốc. Nếu ông Dũng thắng thì Việt Nam sẽ có cơ may thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc và mau chóng bắt kịp được Hàn Quốc hay Đài Loan. Trong khi chờ đợi, trí thức và nhân dân vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch chống Trung Quốc xâm lược, gia tăng công cuộc vận động cho dân chủ và nhân quyền. Những nỗ lực tranh đấu cho độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc càng cần thiết ngay cả khi ông Dũng đã vô hiệu hóa được các đối thủ của ông. Rút kinh nghiệm đối với các lãnh đạo độc tài trên thế giới, có gì đảm bảo là ông Dũng sẽ không trở lại chế độ độc tài sau khi đã củng cố được quyền lực?
Không ai mong muốn điều bất hạnh cho dân tộc nhưng đề phòng tai họa vẫn luôn luôn cần thiết.
Bây giờ thì hãy cầu Trời khấn Phật cho ông Nguyễn Tấn Dũng trở thành một Gorbachev Việt Nam.
California, 18 tháng Sáu, 2013. L.X.K.”!
Có phải Việt Nam ta tự do ngôn luận nhất thế giới hay tự do xuyên tạc nhất thế giới? Thật đáng ngại thay!
3-6-2014
ĐÔNG LA