...Ước mơ gì ư? – Tôi ước Bụt hiện lên hỏi: “Sao con khóc?” – Tôi sẽ ước như
thế, khi mà trong túi tôi còn vỏn vẹn có đôi ba chục ngàn, và chưa biết trông
vào đâu giữa đất Sài Gòn xa lạ.
Tôi đến nhà anh Thái Thăng Long đúng lúc nhà thơ Đông La đang đến chơi, sau
khi đọc lá thư giới thiệu của Nguyễn Quang Thiều và hàn huyên chán chê, biết
tôi đang “Tình bơ vơ”, anh Đông La – tên thật là Hùng, mời tôi về tá túc ở
xưởng sản xuất thuốc tăng trưởng thực vật của anh – gần bùng binh Hàng Xanh.
Suốt một tuần ở Sài Gòn, tôi sống cùng những người công nhân trẻ, chủ yếu họ
ở Thái Bình (Quang lầm, Hải Dương chứ không phải TB) vào – cùng quê với nhà
thơ, đại gia Đông La. Nói là đại gia cũng không ngoa, hồi năm 95 mà làm ăn
như nhà thơ này, có lẽ chỉ kém Nguyễn Văn Mười Hai chủ nước hoa Thanh Hương
chút xíu thôi à. Anh Đông La ấy chính là Ông Bụt của tôi.
Sáng sáng điểm tâm xong, tôi cà phê cà pháo với mấy anh em làm thuê cho đại
gia Đông La, rồi sau đó lượt phượt khắp phố phường Sài Gòn. Anh Đông La thật
tốt, dúi cho tôi ít tiền đủ để lang thang khắp nơi. Tôi mua một chiếc máy ảnh
Kodak bằng nhựa, vỏ giấy. loại xài một lần, chụp dè sẻn trong ba mươi sáu
kiểu chứ không thoải con gà mái như máy kỹ thuật số bây giờ. Tôi đi thăm các
bảo tàng, phủ đầu rồng, chui xuống hầm điện đài, xem những thước phim tư
liệu, sờ tay vào chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập hồi Ba mươi
tháng Tư vẫn nằm ở vườn cây đó.
Tôi vào
Bảo tàng Chiến tranh, say mê ngắm khẩu đại bác tự hành 175mm mệnh danh “Vua
chiến trường” của Mỹ với tầm bắn xa tới 32 km, hay rùng mình sởn gai ốc khi
nhìn thấy bày ngoài sân cái máy chém lịch sử, ra đời cùng với Bộ luật 10/59.
Hay là khi họ chiếu đoạn phim quay cảnh Tết Mậu Thân năm 68, chỉ huy cảnh sát
chính quyền Sài Gòn khi đó – tướng Nguyễn Ngọc Loan, ông ta tiến đến rất
nhanh, rút khẩu côn xoay kê vào đầu một chiến sĩ biệt động thành và bóp cò.
Hay những thước phim quay cảnh tự thiêu trên đường phố của một hoà thượng
nữa. Thật kinh hoàng!
Rất nhiều
cảm xúc trái ngược nhau. Cảm giác ghê rợn của chết chóc. Cảm giác rằng mình
may mắn không sinh ra vào thời đó, không phải chứng kiến những ngày tháng đen
tối ấy. Cảm giác sợ hãi khi thấy rằng con người có những lúc thật là điên
rồ...
Tôi đến
quảng trường trung tâm, khu vực nhà thờ, nhà hát. Sài Gòn vào năm 1995 đang
chuyển mình mạnh mẽ, những toà cao ốc mọc lên khắp nơi. Khách sạn New Word
Đường Lê Lai, Quận 1- Khi đó lừng lững đứng ở ngay khu phố sầm uất, nó có một
vị trí tuyệt đẹp, người ta có thể đi từ phố này sang phố khác xuyên qua cái
tiền sảnh to tướng, rất ấn tượng, như thể ta đi qua bụng một con voi khổng lồ
vậy. Hay như Cao ốc Osic (trụ sở Inmexco cũ) Đường Nguyễn Huệ, quận 1 – hồi
đó như một mẫu mực về kiến trúc hiện đại của Sài Gòn.
Tôi ngồi
dưới chân bức tượng “Bác Hồ với thiếu nhi” của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu
đặt trong vườn hoa trước cửa UBND thành phố, tôi ngắm dòng người cuồn cuộn
xung quanh, dòng người ấy mang sức sống mãnh liệt, lan toả, và truyền cảm
hứng một cách kỳ lạ.
Nhưng
cũng trong thời gian ấy, tôi lại thấy có những con người dường như ở một thế
giới khác. Đó là ở chân cầu Thị Nghè, mỗi lần đi qua đó, anh Đông La lại chỉ
cho tôi một ông già đạp xích lô và bảo: “Một người nổi tiếng đấy”
Ông ta
nổi tiếng như thế nào?
Sáng
sáng, ông ta ngồi bên xị rượu với một quả cóc bổ tư, hay bổ tám gì đó. Ông
khật khừ đến trưa thì có thêm một ông bạn nhậu. Lúc đó quả cóc hết một nửa,
xị rượu hết một nửa. Đến xẩm tối thì đôi tri kỷ cưa hết đôi ba xị rượu, vỏ
chai lăn lóc bên cạnh, quả cóc biến mất còn trơ lại hạt. Lúc đó đôi bạn chia
tay, ông già leo lên chiếc xích lô, lượn lờ vài tiếng, cố kiếm đủ tiền ăn tô
hủ tiếu và mua xị rượu với trái cóc cho ngày hôm sau. Ngày này qua ngày khác.
Cứ thế và cứ thế.
Tôi ở Sài
Gòn chừng hơn một tuần, đến thăm trụ sở đại diện phía Nam của báo Hoa Học Trò
– gặp gỡ mọi người trong toà soạn, anh Phạm Công Luận, cả Phan Hồn Nhiên nữa.
Anh em rủ đi ăn Hamberger Mã Nhật Tân ( Manhattan
) rất vui. Không những thế, biết tôi nhẵn túi, anh em còn tài trợ một khoản
tiền trở về “cố hương” nữa.
Cứ đôi ba
ngày, nhà thơ Đông La lại chở tôi đi gặp gỡ và ăn nhậu với một số văn nghệ
sĩ. Trịnh trọng, và cả một chút hài hước, anh giới thiệu tôi là “văn sĩ Bắc
Hà”.
Sau khi
chơi bời chán chê, tôi cảm ơn mọi người, đặc biệt là nhà thơ Đông La và nhà
thơ Thái Thăng Long. Rồi tôi tạ từ mọi người, lên đường trở về. Tôi ghé qua
Huế chơi thăm vài người bạn, vài cô gái họ Tôn Nữ quen biết từ hồi vào tham
quan, và cả vài cô không mang họ nữa (!)...
Trích
trong bài Khi ta hai mươi
In Uncategorized on Tháng
Tám 8, 2007 at 9:09 sáng
|