Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

HAI ĐÁM CƯỚI, HAI CUỘC ĐỜI


ĐÔNG LA
HAI ĐÁM CƯỚI, HAI CUỘC ĐỜI
        Dưới đây là hai tấm hình hai đám cưới của 2 cô gái cùng thế hệ, một Nguyễn Thị Nhật Minh, cháu ruột vợ tôi, một nhà khoa học trẻ đang làm luận án tiến sĩ về công nghệ gel, một ngành mũi nhọn tại Đức và Huỳnh Thục Vy, một thiếu nữ sinh sống bằng dạy kèm Anh văn nhưng lại có “chí lớn”, là “chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ”.
Đám cưới Nhật Minh
và Huỳnh Thục Vy
Hoàn cảnh xuất thân của 2 cô gái đều từ một gia đình từng sống dưới chế độ VNCH, chỉ khác là gia đình vợ tôi mất nhiều hơn. Cha vợ tôi trước giải phóng là ông chủ nhà máy xay lúa lớn tại Mỹ Tho, sau giải phóng phải về quê nhờ người anh rể một khoảnh ruộng để làm một cái nhà lá, trồng khoai mì sinh sống. Ông chú ruột vợ tôi trước giải phóng là cha tuyên úy, mà “cha thiên hạ” thì rất sướng rồi, sau giải phóng bị đi tù 12 năm, một lần tí chết vì ăn phải trái cây độc. Còn ông chú út nữa cũng là một sĩ quan, sau giải phóng cũng bị đi tù nhưng ít hơn ông chú kia.
      Như vậy nếu so sánh hai gia đình của hai cô gái đều xinh xắn và có tên thật là hay này: Nhật MinhThục Vy thì cha con Nhật Minh phải cay cú và căm thù cái “chế độ cộng sản cướp nước” hơn cha con Huỳnh Thục Vy nhiều chứ. Nhưng không, thực tế lại ngược lại. Bản thân tôi cũng ngạc nhiên tại sao giữa tôi và gia đình vợ tôi lại “hòa hợp dân tộc” một cách tự nhiên đến thế. Gần như chưa bao giờ tôi phải nghĩ đến nó. Phía tôi, thực ra tôi chỉ căm ghét và khinh bỉ một cách sâu sắc bọn quan chức, nhân sĩ từng hưởng “ngập chân răng” danh lợi của chế độ này, vì lòng tham chưa thỏa, họ đã tráo trở lật lọng rồi chống đối bằng mớ lý sự ngu dốt mà thôi. Còn những người liên quan đến chế độ cũ sâu đậm, khi họ không đủ tâm, đủ trí như GS Trần Chung Ngọc và ông Nguyễn Cao Kỳ, vẫn nung nấu căm hận chế độ hiện tại thì vẫn có phần thông cảm được.
          Tôi còn nhớ như in lần đầu đến nhà vợ tôi là đêm 30 tết, người tiếp tôi là ông chú út mới đi tù về. Trong phòng ăn chỉ có một ông sĩ quan Ngụy dân Long An to như con gấu và tôi một thằng lính giải phóng dân Hải Dương dáng thư sinh, tôi hơi ngán vì nếu thù hận bất chợt nổi lên, ông thừa sức vật tôi một nhát chết tươi. Tôi cũng được gặp ông cha vợ tương lai sau đó, ông chủ ngày xưa giờ cuốc đất trồng khoai mì gầy tong teo, đen như trâu, bảo: “Hai đứa bay sao rồi? Nếu chịu thì tao có nuôi được đàn gà, cưới luôn đi”. Thế là đám cưới. 
 (Ảnh cưới của tớ gần 30 năm rồi mà cũng được đấy chứ)
Rồi sinh con đẻ cái. Mấy năm sau nữa thì ông chú cha tuyên úy đi tù về. Tất nhiên họ không thể ca tụng cái chế độ từng làm họ mất tất cả, nhưng có cái lạ là, tôi tuyệt nhiên không thấy một chút xíu hận thù nào ở cái gia đình này. Phải chăng họ theo Đạo, lời dạy của Chúa Giê – su “hãy yêu lấy kẻ thù của mình” đã ngấm vào máu họ? Còn tôi tính bướng, tôi không chủ ý làm bất kỳ cái gì để lấy lòng họ nhưng không những được họ quý mến mà còn được coi như một tấm gương. Ngay ông anh 2, tức cha của Nhật Minh, từng bị tôi “sạc” cho mấy lần vì hỗn với mấy bà cô nhưng vẫn quý tôi, mới đây về quê ngoại nhậu say là cứ ôm vai tôi giới thiệu: “Bắc kỳ tuyệt vời! Bắc kỳ tuyệt vời”!
         Cô bé Nhật Minh lớn lên trong một gia đình như thế, bố mẹ đều là giáo viên, cũng từng rất khổ, cũng no đói theo hoàn cảnh chung đất nước. Nhưng hoàn toàn không có dấu vết gì của hận thù “Quốc – Cộng” trong đầu óc cô bé cả. Rất may là nó học rất giỏi, khi thi đại học ở cái thời đề còn rất khó mà một trường 29, một trường 30 điểm, thủ khoa ngành Công nghệ Sinh học. Học xong đại học nó được giữ lại trường, rồi bây giờ làm tiến sĩ có tiền mới làm đám cưới tại nhà hàng mới xây loại sang nhất SG đó.
Trái lại, Huỳnh Thục Vy, được sinh ra bởi người cha thuộc gia đình bình thường ở chế độ cũ nên có gì để mất mát? Cũng không bị tù đầy do chiến tranh nên có gì để thù hận? Vậy mà cha truyền con nối, trước hết đã tự cầm tù mình trong thù hận để rồi dẫn tới những hành động phạm pháp và rồi bị cầm tù thật ngoài đời. Nếu chịu khó tìm hiểu lịch sử, biết suy xét đôi chút, khi hiểu mấy ông Vua thực sự của ta bị Pháp bắt đi đầy rồi thì các thể chế bù nhìn được dựng lên sau đó có chính nghĩa gì? Và cái tươi đẹp của chế độ VNCH, nếu hiểu đó chỉ là “lợi nhuận” của việc chống cộng mà cư dân ở những vùng đô thị miền Nam được hưởng từ việc đánh đổi bằng máu của dân Bắc bởi “chiến tranh phá hoại” và máu của dân cư vùng nông thôn mà theo "Fire In The Lake" by Frances Fitgerald, Vintage Books, New York 1985, pp. 134-139, khi viết về Diệm, tác giả đã viết: “Đối với hắn, thế giới hiện đại là Sài-Gòn, cái thành phố ký sinh trùng đó đã trở nên béo mập bởi máu của thôn quê và lợi lộc của Tây phương (For him, the modern world was Saigon, that parasite city that fattened from the blood of the countryside and the lucre of the West), thì có đáng được tự hào?
Còn hôm nay, đúng như lời Chủ tịch Trương Tấn Sang: “Sau hàng ngàn năm lịch sử, đất nước đã bao giờ đẹp như hôm nay?”. Dù đất nước có đang đứng trước ngổn ngang trăm mối, có thù trong giặc ngoài, có những quốc nạn có thể đẩy đất nước đến nguy cơ hỗn loạn, thậm chí nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn, nhưng chúng ta đang thực sự được sống trong hòa bình độc lập, chúng ta đang được hưởng hạnh phúc do chính mồ hôi nước mắt mà chúng ta tạo ra, chứ không phải là viện trợ, thứ hạnh phúc “tằm gửi” được đổi bằng máu của cuộc chiến. Vì lẽ đó, chỉ mong tất cả mọi người hãy vì cái hạnh phúc đích thực, lớn lao, dài lâu của cả dân tộc mà suy xét, mà hành động, đừng vì ý đồ cá nhân, danh lợi của riêng mình mà hủy hoại tất cả, cả hạnh phúc của chính mình. Bởi có ai, có gia đình nào hạnh phúc riêng được trong một xã hội hỗn loạn? Chỉ vì tranh đoạt quyền lực trong gia đình Nguyễn Kim, giữa con rể và con trai, cả dân tộc ta từng bị cuốn vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn Trịnh- Nguyễn mấy trăm năm!
Nhìn hai tấm ảnh đám cưới, rõ ràng hạnh phúc của Nhật Minh cháu tôi là trọn vẹn, còn Thục Vy liệu tâm có an, có tự giải phóng mình khỏi những thù hận để mà hưởng hạnh phúc không? Rõ ràng đúng là Vy không được tự do viết bậy, nói bậy và làm bậy, còn làm đám cưới, xây dựng hạnh phúc gia đình, cái quyền tự do quan trọng nhất đối với mỗi con người, Vy có bị mất không? Chính trong Thư tạ ơn của vợ chồng Huỳnh Thục Vy, Vy đã thừa nhận chẳng có ai ngăn cấm Vy được quan tâm: “Như một sự xếp đặt của duyên nghiệp, chính con (em) lại là người được đón nhận nồng hậu, được giúp đỡ tận tình và được yêu thương chân thành
Thực tâm, tôi rất mừng và mong cho Vy, một cô gái cùng lứa với con, cháu tôi, được hưởng trọn hạnh phúc trong đám cưới này. Tôi mừng hơn nữa khi Vy đã có những tự vấn: “Những dè dặt, thậm chí là hoài nghi của con (em)về cuộc đời và con người đã lớn dần trong con (em) theo những ngày tháng thiếu may mắn. Nhưng hôm nay, con (em) biết mình phải dừng lại để đặt lại vấn đề và suy nghĩ về tất cả”. Nhưng, người ta không dễ chiến thắng chính bản thân mình, và nhận chân được giá trị đích thực trong cuộc sống còn nhiều trắng đen lẫn lộn này không đơn giản, nên tôi vẫn đầy âu lo, khi Vy vẫn còn viết: “… trong Thánh lễ tôn nghiêm và trong tiệc cưới thân mật, hai gia đình chúng con (em) đã được vinh hạnh đón tiếp những con người đầy tri thức và tâm huyết với quốc gia. Sự có mặt và tình cảm thương yêu của quý vị đã mang đến cho vợ chồng con (em) niềm hãnh diện không thể thay thế. Đó là sự hãnh diện được đứng cạnh quý vị trong hàng ngũ những con người thiện hảo, những con người đấu tranh không mệt mỏi để thăng tiến giá trị Tự do, Công lý và xua tan bóng tối của sự Ác”. Bởi trong số những người “thiện hảo” với Vy trong đám cưới cũng như dư luận tung hô Vy, có không ít kẻ già đầu mà đểu, đã có hành động “xúi trẻ con ăn cứt gà sáp”! 
Hãy cảnh giác cô bé! Còn muốn “đấu tranh” cho sự ổn định và phát triển của đất nước thì cứ đấu tranh, nhưng trước hết phải “có tâm” và “có tầm” đã, nếu không, phê phán sự sai trái lại bằng sự sai trái của chính mình, “góp phần” đẩy đất nước đến tình trạng tồi tệ hơn thì là phạm pháp, là bị đi tù, là thân làm tội đời đó!
TPHCM
13-9-2012
ĐÔNG LA