Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

VÀI Ý NHỎ VỀ DỊCH THUẬT



ĐÔNG LA
VÀI Ý NHỎ VỀ DỊCH THUẬT
         
Vừa rồi có một bạn đọc ở bên Mỹ, vì có chút tin tưởng nơi tôi, muốn tôi góp ý cho bạn ấy bản dịch một tác phẩm văn học. Tôi đắn đo. Bạn ấy là một kỹ sư, trưởng thành ở Việt Nam rồi mới định cư ở Mỹ, nghĩa là cả tiếng Việt, tiếng Anh bạn ấy đều giỏi; còn tôi chỉ biết tiếng Anh chủ yếu qua chuyên môn Hóa Dược, làm sao có thể góp ý? Nhưng rồi lại thấy, liệu chỉ giỏi ngôn ngữ giao tiếp, người ta có thể dịch hay và đúng một tác phẩm văn học, học thuật  được không? Tôi thấy không thể. Ngoài việc thông thạo tiếng, một nền tảng tri thức cũng rất cần thiết cho công việc dịch thuật.

          Tôi không giỏi ngoại ngữ, nhưng trên cơ sở lo-gic và học vấn, tôi vẫn có thể thấy có những câu văn thơ, tựa đề tác phẩm, kể cả “tuyên ngôn” trong học thuật… đã thành rất nổi tiếng mà chuyện dịch vẫn còn có cái gì đó chưa thỏa đáng.
Như hai câu thơ của Bác Hồ trong bài Nguyên tiêu:
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Dịch nghĩa:
Nơi sâu thẳm mịt mù khói sóng bàn việc quân,
Nửa đêm quay về ánh trăng đầy thuyền.
Nhà thơ Xuân Thủy dịch thơ:
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Hai câu thơ dịch này đã thành rất nổi tiếng, đã được nhiều nhà sáng tác, học giả, thầy cô, học sinh… tán tụng; đã trở thành mẫu để giảng dậy và ra đề thi trong các trường học. Riêng tôi thấy: “nguyệt mãn thuyền” là “ánh trăng đầy thuyền”, nhưng  Xuân Thủy dịch hai câu trên thành lục bát nên phải ép vần, từ câu trên có chữ “quân” nên câu dưới mới có chữ “ngân”. Mà chữ “ngân” thường dùng trong “ngân nga”, “ngân vang”, một từ chỉ tính chất của âm thanh, chuyện hát hò, đàn sáo; còn trăng thường “tỏa” hoặc “chiếu” sáng, chứ ở đây viết ông trăng “ngân” thì có lẽ hơi khiên cưỡng, mà dịch giả cũng chỉ viết “trăng ngân đầy thuyền”, một cụm từ chỉ có chủ ngữ “trăng”, vị ngữ “ngân”, trạng ngữ chỉ nơi chốn “đầy thuyền”; còn trăng “ngân” ra cái gì thì chưa dịch ra? Nghĩa là còn là một câu cụt!
          Khi viết về cuốn sách của bạn tôi là PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn, một công trình nghiên cứu về tác phẩm Thiền uyển tập anh, tôi thấy câu thơ trong bài luận về bản thể của một thiền sư: “Phật nhật chiếu vô cùng”, ý tác giả nói ánh sáng giác ngộ (nhật) của Phật chiếu rõ (Bản thể) vô cùng, cụ Nguyễn Đổng Chi dịch là “Lòng Phật sáng vô cùng” chỉ về tâm, đức của Phật, tôi thấy cũng không được sát nghĩa.
Tên cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng và cực hay của nữ sĩ người Úc Colleen McCullough: The Thorn Birds nghĩa là những con chim bị gai đâm. Ở Việt Nam đã có hai cách dịch văn vẻ tựa đề trên thành: Tiếng chim hót trong bụi mận gai Những con chim ẩn mình chờ chết. Tôi thấy cách dịch thứ hai hay hơn. Cách thứ nhất dịch ra được chữ “gai”, nhưng chỉ miêu tả một cách khách quan một khung cảnh: con chim hót trong bụi gai; cách 2 tuy không có chữ “gai nhưng lại lột tả được ý nghĩa và tinh thần của cuốn sách: một tình yêu vượt qua giới luật tôn giáo, sẵn sàng chấp nhận cả cái chết.
Trong Tuyên ngôn siêu thực có câu định nghĩa nổi tiếng: “Automatisme psychique pur, dicteé de la penseé, en l’absence de tout contrôle exercé par la, raison…”, người ta đã dịch là: “Cơ chế tự động của tâm lý thuần khiết được dùng để diễn đạt hoạt động đích thực của tư tưởng hoặc bằng ngôn từ, hoặc bằng chữ viết, hoặc bằng mọi cách thức khác. Được tư tưởng xui khiến, vắng mặt mọi sự kiểm soát của lý trí…”.
          Vì người ta không hiểu Chủ nghĩa Siêu thực cho rằng hiện thực cần phải được thể hiện bằng một sự tự động thuần khiết mang tính tâm lý, như cơ chế của giấc mơ, nghĩa là như một phép ghi chính tả của tư duy. Vì vậy, chỉ cần dịch dicteé de la penseémột phép ghi chính tả của tư duy, một cách nói ẩn dụ, còn dịch như trên: “được dùng để diễn đạt hoạt động đích thực của tư tưởng hoặc bằng ngôn từ, hoặc bằng chữ viết, hoặc bằng mọi cách thức khác thì quá rườm rà mà lại không đúng nghĩa.
Trên đây chỉ là vài ý riêng của tôi mang tính bếp núp của việc viết lách, rất mong bạn viết, bạn đọc chỉ giáo.

          Sài Gòn, 23-5-2009