ĐÔNG LA
BỆNH NGỘ CHỮ
Có người bảo tôi không tìm hiểu Kant, Hegel v.v…, tôi đã trả lời “đọc làm gì” là nói ngông vậy thôi. Chứ
thực ra tôi đã tìm hiểu tất cả, có vài bài viết tôi cũng đã nhắc tới đôi nét.
Có điều tôi không mê mụ thần phục vì nhận thức thời nay đã tiến rất xa mà đầu
óc họ thời đó không sao có thể tưởng tượng ra nổi.
Tuy nhiên, ngay những
ngày hôm nay, việc đánh giá cũ mới, cao thấp, đúng sai, giá trị hay không giá
trị về tri thức cũng như sản phẩm của công việc sáng tạo vẫn “vàng thau lẫn
lộn” ở nước ta. Nên lại muốn viết mấy chữ về I.Kant, để qua đó nói về chuyện
của ngày hôm nay.
Vào thời của I. Kant,
hai khuynh hướng cơ bản: chủ nghĩa duy
lý và chủ nghĩa kinh nghiệm mâu
thuẫn gay gắt với nhau. I. Kant thấy cả hai đều phiến diện và cho rằng mỗi
chủ thể luôn vốn có một trình độ nhất định của nhận thức tiên thiên, nhưng
nhận thức không dừng lại, mà lý tính, chính là hoạt động của tư duy với hệ
thống các phạm trù đã tạo nên nhận thức toàn diện hơn. Theo Kant, lý tính với
tham vọng nhận thức tuyệt đối sự vật nhưng lại có tính an-ti-mo-ni, tức tách đôi thành các mặt đối lập, bởi các hiện tượng mà sự vật thể hiện luôn khác
với bản chất mà nó luôn giấu kín,
mà người ta lại chỉ có thể nhận thức được các hiện tượng nó thể hiện (Erscheinung) chứ không thể nhận thức được
bản chất nó vốn có, những “vật tự nó” (Ding an sich, có người dịch là “vật tự thể”). Chính vậy ông đã đưa ra Thuyết Bất khả tri mà người cùng thời đã cho ông là một Copernic trong triết học.
Tất nhiên, tư tưởng của
Kant như vậy so với những thành tựu khoa học ngày nay còn rất hạn chế. Về cái
cực lớn, việc khám phá ra Bigbang, con
người đã giải thích được cả sự hình thành nên vũ trụ; ngược lại về cái cực
nhỏ, người ta cũng đang dùng những thiết bị khổng lồ nhằm tìm kiếm mảnh ghép
cuối cùng của Mô hình chuẩn, hạt Higgs, và vừa rồi dường như đã tìm ra,
để hoàn thiện sự hiểu biết về cấu tạo
vật chất; về y học, bằng giải phẫu và dùng nội tiết tố, người ta còn có
thể thay Tạo hóa biến đổi được cả giới tính con người!
Vì thế, với Kant cũng
như với tất cả các danh nhân, chúng ta cần phải đánh giá đúng, tư tưởng họ
phần nhiều có giá trị mang tính lịch sử như những viên đá lót con đường dẫn
tới nền văn minh. Còn bây giờ vẫn mê muội thần phục, coi tư tưởng họ là chuẩn
tri thức thì thật lạc hậu. Cũng như việc người ta từng xúm lại ca ngợi GS Cao
Xuân Huy vậy. Mà người đầu têu không ai khác chính là ông Nguyễn Huệ Chi. Tôi
đã viết những bài dài, bạn đọc chắc mệt, nên ở đây xin trích lại những nét
chính dễ hiểu hơn.
Ông Nguyễn Huệ Chi cho
rằng CXH đã có một “công trình triết học” đã lý giải được “cuộc khủng
hoảng tư tưởng của triết học châu Âu hiện đại”... tránh được cái “đường
mòn của tư duy nhân loại… tập hợp các trào lưu tư tưởng theo hai dòng
phổ biến tâm và vật”, mà
“tập hợp chúng trong hai hệ thống mới, dựa trên hai phương pháp tư duy
khác biệt nhau về loại: Phương thức “chủ biệt” và phương thức “chủ
toàn”. Trong đó, phương thức “chủ toàn” của phương Đông
lấy “tư duy tuệ tính” làm nền tảng là đúng đắn, còn phương thức “chủ
biệt” của phương Tây lấy “tư duy lý tính” làm nền tảng là sai lầm…
Trong khi đó thực tế
tôi có thể đố ông Nguyễn Huệ Chi tìm ra được một thành tựu nhận thức bằng “phương thức chủ toàn”. Thì ra việc trên
chỉ là một triệu chứng của căn bệnh ngộ chữ. Người ta đã tưởng tượng ra đủ
thứ cao thâm trong những con chữ mơ hồ mà không tỉnh táo đối chứng với thực
tiễn cũng như không có đủ trình độ để phân biệt đúng sai. Thực tế, nếu có “phương thức chủ toàn” thì đó chính là
cấp độ thấp của quá trình nhận thức, như trong hóa học là định tính chứ chưa
phải định lượng, trong nhận thức là nhận thức cảm tính chứ chưa phải lý tính.
Còn tất cả các quá trình nhận thức, khám phá, phát minh đều phải kết hợp toàn
diện từ tri thức hiện có với kết quả thực nghiệm, từ đó mới phân tích, tổng
hợp đưa ra những cái mới, chứ làm gì có chuyện tách bạch “chủ toàn” với cả “chủ biệt”!
Để chỉ ra nguyên nhân
của cái căn bệnh ngộ chữ này, có lẽ câu trả lời hay nhất chính là ý của nhà
bác học tật nguyền thiên tài S.Hawking,
mà tôi đã dùng để kết bài “cãi nhau” với Đỗ Minh Tuấn trên VNQĐ ngày nào:
“Đến thời điểm này, đa số các nhà khoa học
quá bận rộn vào việc phát triển những lý thuyết để trả lời câu hỏi như thế
nào và chưa bận tâm đến việc trả lời câu hỏi vì sao? Mặt khác, những triết
gia là những người mà công việc là đặt ra câu hỏi vì sao, lại không đủ điều
kiện để thông tuệ được các lý thuyết hiện đại. Ở thế kỷ 18, các nhà
triết học xem toàn bộ kiến thức của loài người trong đó có khoa học tự nhiên
là thuộc lĩnh vực của họ...? Song đến thế kỷ 19, 20, khoa học trở nên quá
toán học đối với những nhà triết học... Các triết gia giới hạn các câu hỏi
lại đến mức mà Wittgenstein, nhà triết học danh tiếng nhất của thế kỷ này đã
thốt lên: “Nhiệm vụ duy nhất còn lại của triết học là phân tích ngôn ngữ”.
Cần phải chỉ ra cái tật
làm dáng tri thức trong giới “tinh hoa” ở ta. Bởi nếu chỉ vì sĩ diện thì cũng
chẳng sao, nhưng sẽ là rất độc hại khi họ lại có ảo tưởng, có tham vọng dẫn
đường chỉ lối cho xã hội, mà không ít người chống đối đã coi họ như quân sư
và coi tư tưởng họ như kim chỉ nam nên đã gây ra tình trạng lộn xộn trên mặt
trận chính trị tư tưởng trong những ngày hôm nay.
TPHCM
30-9-2012
ĐÔNG LA
|