ĐÔNG LA
"ĐCS Liên Xô là chính
đảng duy nhất làm giàu
trong tang lễ của
chính mình"
Tổ quốc VN thân yêu của chúng ta, sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
thành lập Nhà nước mới, từng trải qua những giai đoạn như “Ngàn cân treo sợi
tóc”. Với một đội quân ban đầu chỉ có 34 chiến sỹ, sau 2 năm, đã thực
hiện Toàn quốc kháng chiến chống
Pháp. Cả cơ quan đầu não nhà nước non trẻ đã phải di chuyển lên An toàn khu (ATK) Việt Bắc như cha ông
ta ngày nào phải rời bỏ kinh thành trong kế “vườn không nhà trống”.
Nhưng với tinh thần “quyết
tử cho tổ quốc quyết sinh”, “chiến đấu đến giọt máu cuối cùng” vì Độc lập, Tự
do của Tổ quốc, chúng ta đã đứng vững để rồi giành thắng lợi quyết định tại trận Điện Biên Phủ chấn động Địa cầu.
Rồi đến cuối 1972, Tổ quốc chúng ta
lại đứng trước nguy cơ còn ngàn lần nguy cấp hơn, đó là cái mà Mỹ gọi là chiến dịch ném bom Linebacker,
chính là cuộc tấn công của Mỹ muốn kết thúc chiến tranh theo ý mình hòng cứu
vớt phần nào danh dự bằng máy bay B-52 ném bom rải thảm huỷ diệt xuống Hà Nội,
Hải
Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày
đêm. Đây là cuộc ném bom dữ dội nhất trong lịch sử các cuộc chiến
tranh. Nhưng quân và dân ta vẫn vững vàng đã đánh bại cuộc tập kích này, và
lần thứ 2 đã làm nên một chiến thắng vĩ đại, trận "Điện Biên Phủ trên
không".
Với một lịch sử oai hùng là vậy, tạo
sao người đứng đầu ĐCS VN hôm nay, Đảng đã lãnh đạo đất nước làm nên những
chiến thắng ấy, TBT Nguyễn Phú Trọng cũng lại tuyên bố chế độ ta đang đứng
trước “nguy cơ tồn
vong”. Mà kẻ địch không phải là giặc ngoại xâm mà chỉ là “một bộ phận không nhỏ”
cán bộ thoái hóa, tạo nên “giai cấp mới”
trong Đảng. Trước kẻ địch mạnh hơn nhiều lần về tiềm lực kinh tế cũng như quân
sự, ta đã chiến thắng, lẽ nào ta sẽ lại chịu thua “bọn địch” mới này?
Nhưng nếu đọc loạt bài Những
bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô trên báo Nhandan.online thì
“sự lo xa” của TBT Nguyễn Phú Trọng không phải không có cơ sở. Đất nước
ta đã đổi mới, phát triển, đa số người dân đã có cuộc sống ấm no; trên trường
quốc tế ta vẫn giữ được tình bạn truyền thống với các nước đồng thời quan hệ
thân thiện với Mỹ và tất cả các nước trên thế giới, nghĩa là ta không có kẻ
thù. Nhưng liệu ta có bằng được Liên Xô, cái đất nước từng là cường quốc về
khoa học công nghệ, từng đầu tiên đưa được con người bay lên vũ trụ, chế tạo
được bom nguyên tử, bom hạt nhân v.v… lại sụp đổ tan tành chỉ trong nháy mắt;
để đến giờ, nước Nga dù có nhiều tỷ phú nhưng nhiều người nhất là vùng nông
thôn lại bị bần cùng hóa, và còn lâu mới có được vị thế như Liên Xô thời cực
thịnh.
Hôm nay nhân dịp Ban lãnh đạo Đảng họp
bàn về “chỉnh đốn”, tôi muốn viết lại những nét chính trên cơ sở loạt bài Những
bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô từng in trên báo Nhandan.online.
Những mong chúng là bài học thực sự cho đất nước ta trong những ngày hôm nay.
Lenin, tháng 4-1906, trong Đại hội lần
thứ 4 Đảng Bolshevik đã đề nghị thông qua điều lệ: Mọi tổ chức của Đảng
đều được xây dựng trên nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong Đảng có quyền tự do
thảo luận, phê bình và phát biểu ý kiến. Vấn đề góp ý, phê bình tự nhiên như
việc con người hít thở khí trời vậy. Song song đó, Lenin còn nhấn mạnh tới
tính tập trung trong Đảng với nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa
số”. Tuyệt đối không cho phép xuất hiện phe phái. Lenin nêu rõ: Nhất trí
trong hành động, tự do trong thảo luận và phê bình, đây là kỷ luật mà một chính
đảng tiên tiến cần phải có. Đặc biệt, sau khi Cách mạng Tháng Mười thắng lợi,
các thế lực thù địch trong và ngoài nước sử dụng mọi thủ đoạn phá hoại đoàn kết
trong Đảng, Lenin đã đặc biệt nhấn mạnh tính tập trung, đoàn kết, kỷ luật: “Giai cấp vô sản thực
hiện tập trung vô điều kiện là một trong những điều kiện cơ bản để chiến thắng”.
Điều này bảo đảm cho chính quyền Xô Viết non trẻ vượt qua được những thử thách
gay gắt, song cũng để lại một hệ lụy là đời sống dân chủ trong Đảng bị suy yếu,
dẫn đến khuynh hướng có tính chuyên quyền, độc đoán, đòi hỏi đặc quyền, quan liêu,
xa rời quần chúng.
Trước tình hình đó, Lenin muốn xây dựng
một cơ quan giám sát trong Đảng có tính độc lập, có uy tín cao để tăng cường và
hoàn thiện chế độ giám sát trong Đảng, bảo đảm quán triệt chế độ tập trung dân
chủ trong Đảng. Dưới sự chỉ đạo của Lenin, việc xây dựng cơ chế giám sát trong
Đảng có sự phát triển rất lớn, Đảng thông qua Nghị quyết về Ủy ban Giám sát và
Điều lệ Ủy ban Giám sát. Năm 1923, khi lâm bệnh nặng, Lenin vẫn viết bài Chúng ta cần làm gì
để cải tổ Viện
kiểm sát công nông cho Đại hội XII, trong đó trình bày một cách khoa học về
tư tưởng giám sát và chế độ giám sát của Đảng và Chính phủ.
Đại hội XI là Đại hội cuối cùng Lenin
tham gia đã xây dựng được một hệ thống giám sát trong Đảng tương đối hoàn chỉnh,
đó là thành lập Ủy
ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Giám sát
Trung ương. Ủy ban Giám sát Trung ương và Ủy ban Giám sát các cấp
do đại hội đảng các cấp bầu ra, chủ yếu phụ trách công tác giám sát của tổ chức
các cấp tương ứng.
Đến thời Stalin, trong tình trạng
LX bị phát-xít Đức tiến công, vị trí của Stalin trong Đảng không ai sánh
kịp, sinh ra tệ nạn sùng bái làm cho ông bắt đầu tỏ ra quá tự tin, độc đoán. Từ
đó, dưới thời Stalin, chế độ giám sát đồng bộ tương đối hoàn chỉnh do Lenin đích
thân xây dựng đã không được thực hiện một cách triệt để. Đến năm 1934, Điều lệ
Đảng do Đại hội XVII thông qua đã đưa ra quy định mới về chức năng của Ủy ban
Giám sát. Theo đó, Ủy ban chỉ giới hạn trong việc kiểm tra hoạt động của tổ
chức cấp dưới, giám sát hoạt động của những phe đối lập và đảng viên bất đồng ý
kiến. Về căn bản, cơ quan giám sát không thể giám sát cơ quan lãnh đạo và thành
viên cơ quan lãnh đạo thuộc tổ chức đảng ngang cấp. Tính nghiêm trọng của vấn
đề còn thể hiện ở chỗ, bản thân cơ quan giám sát được giao trọng trách điều
tra, xử lý chủ nghĩa quan liêu lại cũng bị nhiễm căn bệnh quan liêu. Việc giám
sát các tổ chức đảng và các cán bộ cấp dưới thường được tiến hành chiếu lệ.
Kiểu kiểm tra qua loa, chiếu lệ diễn ra ngày càng nhiều, gây phản cảm cho cấp
dưới.
Đến thời Brezhnev lại xuất hiện các biểu
hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, bằng cách vứt bỏ giám sát trong Đảng,
dùng ý chí cá nhân hoặc thiểu số để thay thế trí tuệ của đa số. Thời Gorbachev
càng đi ngược lại với nguyên tắc tập trung dân chủ, khiến cho cái gọi là “dân
chủ” đi tới một cực đoan khác. Tại Hội nghị toàn thể Trung Ương tháng 2-1990,
Gorbachev chủ trương: Nhận thức lại nguyên
tắc tập trung dân chủ với trọng điểm tập trung vào dân chủ hóa. Điều đó có
nghĩa là Đảng Cộng sản Liên Xô không còn là một tổ chức thống nhất về ý
chí và hành động.
Khẩu hiệu “dân chủ hoá, công
khai hóa” đã làm xuất hiện một trào lưu tự do tư sản và đây chính là điều
mà Gorbachev cần để thực hiện đường lối chính trị của mình. Ông ta muốn lấy nó
để đẩy nhanh việc thực hiện đa đảng và tư hữu hóa ở Liên Xô, đẩy nhanh sự suy
vong của Đảng Cộng sản. Tháng 7-1990, Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức Đại
hội 28. Trong báo cáo trình bày tại Đại hội, Gorbachev công khai phê phán
nguyên tắc tập trung dân chủ, cho rằng: trong Đảng có một
luồng tâm tư mãnh liệt chủ trương xoá bỏ nguyên tắc này khỏi điều lệ Đảng;
bởi toàn bộ thực tiễn trước đây đã khiến thanh danh của nguyên tắc này trở nên
tồi tệ. Và Điều lệ Đảng do Đại hội thông qua đã chính thức xóa bỏ nguyên tắc
chỉ đạo của bộ máy tổ chức và toàn bộ hoạt động của Đảng là nguyên tắc tập
trung dân chủ. Như vậy là, nguyên tắc tập trung dân chủ và giám sát trong Đảng
- những điều được coi là chuẩn tắc sinh hoạt trong đảng của Đảng Cộng
sản Liên Xô, đã bị vứt bỏ.
Điều đáng nói là Gorbachev đã lấy
khẩu hiệu “dân chủ hóa” để che đậy việc dùng biện pháp chuyên chế cực đoan cá
nhân, tiến hành đường lối của ông ta. Khi họp Bộ Chính trị, ông ta thường không
lắng nghe ý kiến của các ủy viên khác. Thậm chí một mình ông ta thao thao bất tuyệt
một, hai giờ đồng hồ, sau đó coi đây là chỉ thị hay nghị quyết của Đảng để thực
hiện. Ngày 24-8-1991, khi chưa hề thực hiện bất cứ một trình tự pháp lý nào,
thực chất là tự ý cá nhân, ông ta đã quyết định và tuyên bố giải tán Ban
chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
Sự sụp đổ của Đảng Cộng
sản Liên Xô cũng bởi một loạt sai lầm trong công tác cán bộ của Đảng. Khi
vứt bỏ chế độ tập trung dân chủ trong vấn đề cán bộ, tiêu chuẩn chính trị,
nguyên tắc tài - đức trong việc tuyển chọn, đề bạt cán bộ của Đảng dần bị thay
thế bởi quan hệ quen thân, cho nên hiện tượng xây dựng ê kíp, kéo bè, kéo cánh
trong Đảng trở nên phổ biến. Dưới thời Brezhnev, khi xem xét, cân nhắc, đề bạt
một ai đó, vấn đề quan trọng hàng đầu không phải là căn cứ vào năng lực của
người đó, mà xem xem người đó có quan hệ với phe của Brezhnev hay không? Nhiều người
thân tín chung quanh ông ta đều là những kẻ không có đủ tài - đức, trong đó
không ít người là cấp dưới và bạn bè ông ta ở những nơi ông ta từng học tập và
công tác. Người ta gọi đây là phe Dnepropetrovsk.
Nikolai Tikhonov, con người tài - đức rất đỗi bình thường, nhưng do là đồng
hương kiêm bạn học của Brezhnev mà được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng Liên Xô.
Tầng lớp đặc quyền trong điện
Kremlin có quy tắc riêng của mình, chức vụ càng cao đặc quyền càng lớn thì sự
chênh lệch về đãi ngộ vật chất mà họ được hưởng so với dân thường càng lớn.
Đương nhiên những người được hưởng đặc quyền này chỉ là một bộ phận rất nhỏ
trong đội ngũ cán bộ Đảng CS Liên Xô. Thế nhưng thứ đặc quyền này phải chăng là
căn nguyên đầu tiên của sự bất mãn xã hội mà tầng lớp này đã gây ra?
Thời kỳ Liên Xô vừa bắt đầu xây dựng
CNXH, mọi người phấn đấu gian khổ hướng tới một cuộc sống mới. Khi đang phải phấn
đấu vất vả để thực hiện lý tưởng chung, xã hội không chấp nhận những hành vi
giành chiếm độc quyền, mưu lợi cá nhân. Vào lúc nhà nước, dân tộc đứng trước
nguy cơ tồn vong, nếu nói cán bộ lãnh đạo Đảng CS Liên Xô có đặc quyền gì đó
thì đó chính là xung phong ra trận, xả thân chiến đấu, tắm máu sa trường, lãnh
đạo nhân dân đánh đuổi quân xâm lược trong tiếng réo hờn căm của Kachiusa.
Tháng 4-1966, Đảng CS Liên Xô tổ
chức Đại hội 23, Brezhnev đặc biệt tâm đắc câu nói của Khrushchev: "Sự ổn định
của đội ngũ cán bộ là sự bảo đảm cho thành công", theo đuổi phương châm đó
phát triển thành chế độ chức vụ suốt đời. Các cán bộ cao cấp của Liên Xô như
Brezhnev đều qua đời khi còn đương chức. Chính sách cán bộ của Brezhnev đã
khiến cho các thành viên trong tầng lớp lãnh đạo của Đảng CS Liên Xô gần như
không có biến động trong suốt một thời gian dài.
Dưới thời Brezhnev, con cái tầng lớp
đặc quyền chỉ cần dựa vào địa vị đặc quyền của bố mẹ là có thể dễ dàng được vào
học tại những trường đại học tốt nhất. Sau khi tốt nghiệp lại được nhận vào các
ban, ngành ưu việt nhất, đồng thời nhanh chóng được nắm giữ những cương vị
quyền lực quan trọng. Thậm chí, đặc quyền còn có thể trở thành "lá bùa hộ
mệnh" để cán bộ lãnh đạo mặc sức tham nhũng mà không bị cản trở.
Rubanov, con rể của Brezhnev, đã dựa
vào quyền thế của bố vợ, quan lộ phất như "diều gặp gió". Chỉ trong vòng
10 năm, ông ta đã từ một sĩ quan cấp thấp trở thành thượng tướng, sau đó được
bổ nhiệm làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ. Còn Yuri, con trai Brezhnev thì
được bổ nhiệm làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại thương Liên Xô khi còn rất trẻ.
Tầng lớp đặc quyền đã làm tổn hại
nghiêm trọng thanh danh của CNXH, tạo ra hố ngăn cách lớn trong xã hội, làm hư
hỏng xã hội. Khoảng cách giữa người dân bình thường và tầng lớp đặc quyền ngày càng
lớn. Trong xã hội Liên Xô, người dân bình thường tự gọi mình là "chúng ta",
còn gọi những người đặc quyền là "bọn họ".
Dưới thời Gorbachev, tầng lớp đặc quyền
đã không còn thỏa mãn với việc theo đuổi hưởng thụ cá nhân, mà còn mong muốn chiếm
hữu lâu dài mọi đặc quyền hiện có. Thậm chí còn để lại cho con cháu đời sau.
Đồng thời, tầng lớp đặc quyền còn phát hiện ra rằng CNXH, lòng tin vào CNCS
thường trực nơi cửa miệng và ánh hào quang đảng viên Đảng CS mà họ mang trên
mình đã không còn giá trị sử dụng. Họ thấy rằng, những đặc quyền mà họ vốn có
phải được thay đổi hình hài và CNTB là chế độ thích hợp nhất để hợp pháp hóa
những lợi ích hiện có của họ. Đặc biệt, trong lúc Đảng CS Liên Xô và đất nước
đang đứng trước nguy cơ tồn vong. Giữ vững lợi ích đặc biệt của mình và hợp
pháp hoá chúng, tầng lớp đặc quyền đã không ngần ngại lột bỏ mặt nạ, công khai
thúc đẩy vứt bỏ CNXH đi theo con đường của CNTB, tư hữu hoá toàn diện.
Trong thời gian này, tầng lớp đặc
quyền lợi dụng quyền lực đang nắm trong tay để ra sức vơ vét, làm giàu cho bản thân.
Nhất là các vị quan kinh tế trực tiếp quản lý tài sản của doanh nghiệp nhà
nước. Họ lợi dụng sự hỗn loạn về thương mại hoá, thị trường hoá, kinh tế tự do
hoá do Gorbachev tiến hành để làm một cuộc lật bài kinh tế, trực tiếp chiếm
đoạt tài sản nhà nước thành tài sản riêng. Có kẻ thực hiện các cuộc giao dịch
giữa quyền - tiền để có những ưu đãi và quota xuất khẩu nguyên liệu và vũ khí,
bòn rút tài sản xã hội. Có kẻ thu siêu lợi trong các cuộc giao dịch chứng
khoán, hàng hóa trả chậm rồi thành lập ngân hàng và các cơ quan tài chính khác.
Một bộ phận thiểu số đó, sau này, trở thành những ông trùm tài chính mới.
Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ David
Code có một câu nói có thể gọi là "đúng tim đen": Đảng CS Liên Xô
là chính đảng duy nhất làm giàu trong tang lễ của chính mình.
Liên Xô là một
nước hùng mạnh, khoa học Kỹ thuật tiên tiến, giàu tài nguyên khoáng sản, nhất
là dầu mỏ và khí đốt, ý thức dân chúng tương đối thuần nhất không bị ngoại bang
đô hộ nên không phức tạp như nước ta, nên nước Nga sau sự sụp đổ của LX, chỉ sau
một thời gian ngắn đã hồi phục phần nào. Còn VN ta nếu sụp đổ, sẽ là hỗn loạn,
là giành giật cấu xé, sẽ là bản sao dạng Pakistan, Apganistan, Irac hoặc Lybi
gì đó, chứ còn lâu mới được như nước Nga hôm nay.
TPHCM
2-10-2012
ĐÔNG LA