Hôm nay tôi sẽ đăng chùm thơ “theo
yêu cầu” của bạn Giao. Đầu những năm 80 khi tôi bắt đầu viết những chữ đầu
tiên, thì bài Hơi Ấm Ổ Rơm của Nguyễn
Duy rất nổi tiếng vì ở trong chùm thơ được giải nhất báo Văn Nghệ. Mà hồi ấy giải đó là ghê gớm lắm. Quen thói
nghiên cứu tại một viện nên tôi cũng cất công đi tìm những bài thơ tiêu biểu
để nghiên cứu, trong đó có bài Hơi Ấm Ổ Rơm. Một bài thơ ngắn kể chuyện tác
giả là một chiến sĩ trong một đêm lỡ đường đã được một “bà mẹ” “ôm rơm lót ổ
tôi nằm”. Trong bài tôi thấy người ta khen hai câu hay là: “ Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm/
Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng”. Tôi đã nghĩ, ông Nguyễn Duy kể phải chui vào đống rơm ngủ thì sẽ hợp
với sự mô tả ở trên hơn. Người ta cũng cho khổ thơ kết bài thơ là sâu sắc: “Hạt
gạo nuôi hết thảy chúng ta no/ Riêng cái ấm nồng nàn như lửa/ Cái mộc mạc lên
hương của lúa/ Đâu dễ chia cho tất cả mọi người”. Tôi cũng nghĩ, bài thơ ca ngợi tình quân dân cá nước thì quá tốt rồi,
nhưng viết như trên, không lẽ người thường cũng bị lỡ đường, “bà mẹ” kia lại
“không dễ” cho ngủ nhờ sao?
Hồi đó tôi có chơi thân với Nguyễn Quốc Chánh một thằng khá thông minh (Bây giờ
thì chống cộng ác liệt rồi, nhưng tôi vẫn nhớ vì có nhiều kỷ niệm). Chánh học
cùng lớp với Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc. Khi mấy thằng còn là sinh viên
thì tôi đã được giải, lại là “đệ tử của CLV” nữa nên bọn nó cũng ngán. Hồi đó
tôi rất ngạc nhiên Chánh hay khen tôi một cách rất tự nhiên “Thơ ông hay hơn
đám Nguyễn Duy rồi”, nhưng sau tôi hiểu ý ngầm của Chánh thực ra là chê, ý là
thơ ông có hay hơn đám cũ nhưng chưa đổi mới như tôi. Tôi hiểu nhưng chỉ cười
thầm mà thôi, làm hay hơn cái cũ tức đổi mới trên nền tảng cái cũ cũng giống
như làm ra cái xe đời mới, máy tính đời mới, điện thoại đời mới v.v… tốt hơn
đời cũ là rất khó, đòi hỏi trình độ phải cao hơn; còn làm ra cái mới,
chế ra những đồ không dùng được cho việc gì cả như mấy loại thơ lăng nhăng
thì thực ra rất dễ làm, cứ viết bừa ra, càng kỳ quặc càng tốt, có khó gì?
Hôm nay chiều theo ý bạn Giao, tôi sẽ đăng bài mới nhất, bài TỔ MỐI, tôi làm khi giới thiệu bài viết về ông Nguyễn Khoa Điềm mới đây. Tôi
sẽ giải thích thêm tí xíu. Có thể nói bài đó là thơ hiện đại, ở chỗ ngôn ngữ của
nó là ngôn ngữ ký hiệu, qua những hình ảnh mà người càng từng trải, càng có
trình độ, càng nhạy cảm giàu khả năng liên tưởng, thì càng thấy nó hay, còn không
thì chẳng thấy gì. Tôi có nhiều bạn cựu chiến binh dạy ở trường Nhân Văn
TPHCM, họ rất thích tôi viết về Hà Vũ, Thục Vy, Minh Hằng, Phương Uyên v.v…
nhưng lại ngại khi thấy tôi viết về Trần Độ, Nguyễn Khoa Điềm, v.v… tôi mới
cáu lên làm ra cái bài Tổ mối để đối
thoại. Những vết trẻ trâu nghịch trên mặt đê thì có hề gì, nhưng tổ mối không
ai nhìn thấy giữa thân đê mới đáng sợ, nó như những hành động phá hoại cấu
trúc của hệ thống, lúc đầu không ai biết, nhưng khi phát tác thì khủng khiếp.
Như việc Liên Xô bỏ quy chế giám sát mà Lê Nin đã đặt ra cũng có thể như một
“tổ mối”, chính nó đã sinh ra tệ sùng bái cá nhân, biến ĐCS LX thành một
vương triều, dẫn đến sụp đổ tan tành. Bài thứ 2 tôi muốn đăng cũng chính là
cái bài nói về ý bạn Giao muốn đọc thơ tôi mới làm. Tôi đã nói, với tôi, làm
thơ cần có cảm hứng, mà cảm hứng lại càng ngày càng ít đi nên làm thơ càng
khó, tôi đã làm thơ về điều đó, đã ví nó như khúc củi mục góc vườn, chỉ
có tiết xuân ấm áp như “em” đến, thì mới có thể làm nẩy “mầm yêu” được thôi… Và
đăng thêm vài bài cũ nữa cho hoành tráng:
TỔ MỐI
Những vết trẻ trâu nghịch phá
Có hề gì ở trên mặt đê
Những tổ mối không ai nhìn thấy
Mới đích thị là những nguy cơ
2012
MẦM YÊU
Tưởng đã hóa củi mục nơi góc vườn lạnh cóng
Bỗng đến bất ngờ giữa một sáng tinh khôi
Em là nắng, là mưa hay tiết xuân ấm áp?
Để mầm yêu lại cựa quậy sinh sôi!
2010
MỘT MÌNH
Số phận dành cho ta một độc đạo
Một mình lầm lũi đi trong cuộc đời này
Phía sau lưng là cỏ,
xung quanh là cát,
trước mặt là rừng núi và biển cả
Ta có thể vui một mình
buồn một mình
đau một mình
Chỉ sợ cô đơn khi thiếu người tri kỷ
Và có một điều em biết không?
Anh không thể một mình mà yêu được.
Sáng 7-11-2001
TÀI SẢN
Có lúc muốn ngược dòng thời gian vá lại
những
mảnh đời đã rách của mình
Gom nhặt những nỗi buồn, những thất vọng, tuyệt vọng
Tắm gội bao tháng ngày lấm láp
Làm ấm lại bao ngày lạnh giá mùa đông
Nhưng liệu thế ta có còn là ta?
Ta sẽ có gì trong máu với những bằng phẳng, tròn xoe,
dễ dãi, đủ đầy
Khi kim cương chỉ được sinh ra từ lò luyện ngục
Và trầm cũng chỉ được tạo thành bởi máu của
những vết thương cây
7-1998
|