Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

THÊM VÀI DÒNG VỀ ÔNG “TRẠNG” CHẾ LAN VIÊN


ĐÔNG LA
THÊM VÀI DÒNG VỀ ÔNG “TRẠNG” CHẾ LAN VIÊN

     BÀI LIÊN QUAN:

*CHẾ LAN VIÊN TRONG HỒI QUANG CỦA KÝ ỨC

*Vuong Trí Nhàn: Che-lan-vien

 *KỶ NIỆM VỚI CHẾ LAN VIÊN

 *Kỷ niệm với anh Nguyễn Thái Sơn

Bắt đầu viết Phần 2 về Nguyên Ngọc thì thấy bạn Mít sờ tơ Khù văn Khoằm 03:06 Ngày 20 tháng 11 năm 2012 có hỏi:
Em đọc thấy cụ Vương Trí Nhàn gọi Chế Lan Viên là trạng, ở đây http://vuongdangbi.blogspot.com/2008/09/ch-lan-vin.html nhưng không biết có đúng thế không? Tức là đúng cụ Vương Trí Nhàn viết vậy không?”.
Tôi phải gác lại để vô trang của Vương Trí Nhàn đọc thì thấy đúng như vậy. Đã thành dư luận, CLV không chỉ giỏi ứng đối mà còn có lối đối đáp “không cho người khác ngóc đầu dậy”. Bây giờ thời buổi thực dụng của siêu sao, siêu mẫu v.v… lớp trẻ hoàn toàn không biết gì về bề bậc, chiếu trên, chiếu dưới trong làng văn chương thời kháng chiến ghê ghớm như thế nào. Ngay đến thế hệ tôi cũng không biết, nhưng vì chơi thân với ông Hoài Anh “bách khoa toàn thư” nên tôi cũng được nghe kể nhiều. Hồi tôi bắt đầu viết, sau giải phóng mấy năm, thì thấy “đám” Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Lê Lựu, Thanh Thảo, Nguyễn Duy v.v… cao chót vót như trên đỉnh núi vậy; nhưng lớp này so với “đám” Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Hồ Phương v.v… thì người ta cũng thấy lớp sau chót vót như thế; chưa hết, làng văn còn có lớp “chóp bu” nữa: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi v.v… Nếu nói văn chương hồi ấy như một vương triều thì Tố Hữu là vua, và Chế Lan Viên, chức tước bé hơn nhiều người, nhưng ông như một giáo chủ bởi tài năng và sự thông minh của ông, trong đó có chuyện giỏi ứng đối với thiên hạ mà VTN gọi là trạng. Chính ông thường được Tố Hữu cử đi tham dự những hội nghị văn học quốc tế, mà ông có lần kể với tôi lần sang Tây Ban Nha, ông đã quá ngạc nhiên khi vào toa-let ở sân bay hay sao đó, ông thấy màn hình chiếu hình ảnh của ông. Hình như đợt đó ông đã được gặp Picasso và ông họa sĩ to tướng này có đề tặng ông cái gì đó mà tôi quên mất tiêu rồi.
Chính tôi lúc đầu khi viết về mối quan hệ của mình với CLV đã rất ngạc nhiên thấy có một số người phản ứng, chính bà Vũ Thị Thường cũng có nói với tôi, họ nghĩ là tôi đã bịa ra chứ không thể có chuyện vô lý như thế. Sau hiểu được vị trí của CLV trong làng văn thì tôi không còn ngạc nhiên nữa, chỉ ngạc nhiên là sao bọn nhà văn chúng nó lại đố kỵ, hẹp hòi, không giống giới khoa học tự nhiên mà tôi làm việc. Hôm nay đọc bài của VTN, tuy đã gần gũi CLV thường xuyên mấy năm cuối đời, còn nhiều hơn cả vài người con ruột không ở cùng ông, nhưng tôi vẫn rất xúc động khi biết thêm được một số điều mới về “ông Chế”, người tôi luôn coi như cha mình. Kỷ niệm nhớ nhất, ngoài chuyện được ông cho "giải thơ", chính là chuyện tôi chở CLV bằng xe đạp từ Bà Quẹo đến trường ĐH Y ở đường Hùng Vương Q5 để xem điểm thi cho “con bé” Vàng Anh, rồi về nhà bà Mộng Tuyết ở Nguyễn Trọng Tuyển Phú Nhuận chép tập Gái quê để đưa vào Tuyển tập Hàn Mặc Tử. Khi cuốn này ra, ông đã ký tặng tôi 1 cuốn và có nhắc tới chuyện này.
MẤY BÚT TÍCH CỦA CHẾ LAN VIÊN
(Thư CLV xin giấy nhập viện Chợ Rẫy, sau đó ông trải qua ca đại phẫu cắt khối u ác ở phổi)
(Thư CLV viết cho tôi báo ông xin cho tôi đi làm báo)
 (Bút tích CLV viết tặng tôi Tuyển tập Hàn Mặc Tử)
(Và tập thơ Ta gởi cho mình)
Trong bài của VTN có đoạn: “Xuân Quỳnh còn kể: Chế Lan Viên có lối làm thơ sẵn, ghi vào sổ từng câu thơ hoặc vài câu thơ một. Sau đó khi có tứ, lo cả bài, thì lắp vào những chỗ cần thiết. Giống như người ta đúc sẵn những tấm pa-nen để rồi khi cần sẽ dùng cần cẩu, cẩu tới ghép nên căn nhà. Cách viết ấy, trong giới làm thơ đâu có nhiều người biết áp dụng!” thì chính ông, sau cái lần đầu đọc chùm thơ của tôi, bảo tôi được giải, ông đã lập cập vào trong buồng, bê ra một chồng vở khổ lớn ra khoe với tôi:
- Ông biết tôi làm thơ như thế nào không? Khi nào nghĩ ra được một câu hay tôi chép vào quyển đầu này, khi nào có tứ sẽ phác thảo vào cuốn thứ hai, tôi đánh mục lục đàng hoàng để hoàn thiện dần.
Ông bảo trong túi ông thường có giấy bút thường trực, khi những câu thơ nẩy ra trong đầu phải viết ra ngay, nếu không sẽ quên mất. Và tôi đã theo lời dạy của ông, không phải làm thơ mà khi viết phê bình, đang viết mà có những ý chợt nẩy ra, tôi cũng viết ngay ra bên cạnh mạch văn, để chỗ nào cần sẽ ghép vào sau.
Tôi đã viết: “gần Chế Lan Viên, tôi thực sự ngạc nhiên khi nhận thấy ở ông có một tấm lòng nhân hậu đến hồn nhiên” nên đã bật khóc khi đọc đến đoạn VTN viết:
Câu chuyện sau đây xảy ra vào hồi 1980. Nhà xuất bản của chúng tôi nhận được tập bản thảo Từ gác Khuê văn đến quán Trung Tân, còn đang tính kế hoạch in thì Chế Lan Viên đến.
- Thế nào, bao giờ các anh in?
- Thưa anh để chúng tôi còn xem xem vì kế hoạch năm tới đủ rồi. 
         Thế là Chế Lan Viên nổi xung lên:
Bây giờ mà đã xong kế hoạch hả? Thế thì trả tôi, để tôi về tôi chùi giầy!
Rồi nhân cơn thịnh nộ, không kìm được, ông tuyên bố:
- Tôi là một trong những sáng lập viên của nhà xuất bản. Để tôi lại đề nghị giải tán nhà xuất bản, chứ bây giờ mà đã xong kế hoạch rồi à?
- Có hai việc chúng tôi đã làm sau cơn giận dỗi ấy của Chế Lan Viên. Một là đảo lại kế hoach, đưa Từ gác Khuê văn đến quan Trung Tân in ngay trong năm 1981. Hai là, trong một đợt sinh hoạt chính trị, chúng tôi phê bình là Chế Lan Viên áp chế anh em. Điều kỳ lạ là hôm qua Chế Lan Viên chân thành bao nhiêu trong cơn giận của mình, thì hôm nay, Chế Lan Viên cũng chân thành bấy nhiêu trong sự hối hận. Rưng rưng cảm động, mắt đỏ lên vì những giọt nước mắt không sao ngăn nổi, ông nói như nói với ai khác, chứ không phải những người ông đã quát nạt hôm qua:
- Chế Lan Viên tôi mà lại còn tính chuyện áp chế ai!
CLV là vậy, có lần tôi đã chứng kiến ông cáu, gầm lên: “Con mụ này!”, nhưng nói chung ông có lối sống không khụng khiệng kiểu cách mà giản dị như những người bình thường, ông làm tất cả các việc vặt, từ đun nước tắm cho con, tưới cây, cho gà, cho lợn ăn, đào ao thả cá. Nên tôi đã nghĩ một người như vậy, sao có thể “ác” và “thủ đoạn” được.
Còn với riêng tôi nói ra thì sợ bất hiếu, thực tế CLV đã quan tâm đến tôi còn hơn cả một người cha, bởi ông có những sự quan tâm mà chính mình cũng không ngờ đến, như giới thiệu tôi vào HNV TPHCM, đến báo VN TPHCM gởi gắm tôi cho Hoài Anh và Chim Trắng (Hoài Anh viết), xin cho tôi đi làm báo… Tất cả đều là những việc tôi không hề nhờ vả mà tự ông chủ động làm cho tôi! Và trong đám cưới Thắm, con gái ông, với danh tiếng của ông, ông có biết bao bạn bè cao quý, vậy mà ông vẫn dành chỗ cho vợ chồng tôi!
         Trưa nay, ngồi ăn với bà xã, nói về bài viết của VTN, bà xã tôi nói: “Công nhận ông CLV quý ông thật!”

         TPHCM
        21-11-2012
       ĐÔNG LA