Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

KỶ NIỆM VỚI CHẾ LAN VIÊN


      *Vừa rồi có một comment ký tên Vàng Anh không biết có đúng là VA con CLV không? Bạn nào đó nói tôi có thói lấy tên tuổi người nổi tiếng PR cho mình thì sai hoàn toàn. Chính qua CLV và nhà thơ Anh Thơ tôi đã gặp rất nhiều người nổi tiếng: Nguyễn Khải, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng v.v… nhưng tôi không viết gì cả, đơn giản là tôi không thân với họ và họ cũng không có tình cảm gì với tôi. Còn bây giờ tôi đã viết đến những điều CLV có sống lại cũng không hiểu thì cần gì phải nhờ tên ông PR. Tôi nhắc đến ông vì tôi quý ông, có nhiều kỷ niệm với ông, thế thôi. Lúc đầu là do nhà thơ Anh Thơ muốn xem ông đánh giá thơ tôi thế nào, nên tôi mới đi gặp, không ngờ được ông trao giải ngay, và thấy ông quý tôi thì tôi mới có tình cảm lại. Tính tôi rất bướng, không chịu lụy ai bao giờ, kể cả những ông xếp hồi còn đi làm. Còn CLV thì quả thật, đến tận giờ, ông vẫn là một người dưng quý tôi nhất. VA nói tôi không được nhắc đến ông nữa thì thật buồn,  bởi tôi rất gắn bó và như là một chứng nhân của giai đoạn cuối cùng cuộc đời ông, từ lúc tôi cầm thư của ông xin giấy nhập viện đến lúc ngọn lửa trùm lên quan tài ông trong lò thiêu.  Sau đây là bút tích của ông, một là thư ông xin Hội Nhà văn giấy nhập viện, một là thư riêng ông viết cho tôi:
  (Thư xin giấy nhập viện của Chế Lan Viên)
(Thư riêng CLV báo việc ông xin cho tôi đi làm báo nhưng tôi chê báo đó không đến làm)
              *“Cô bé” VA kết thúc cuộc tranh cãi với “anh H.” bằng 3 đề nghị. Thứ nhất cô bảo tôi giữ lại cuốn sách của cô mà lúc đầu cô đòi lại với ý thách đố vì cô nghĩ tôi bịa ra chuyện mẹ cô tặng sách của cô cho tôi. Có điều thực tế nhà văn Vũ Thị Thường đã tặng sách cho tôi không chỉ 1 mà 4-5 lần.     Thứ 2 cô không muốn tôi lấy CLV ra “đóng dấu” thơ của mình nữa, và cô cũng không muốn ai như tôi. Ý này thì cô đúng là trẻ con, muốn giữ cha là của riêng mình, vì trong mọi lĩnh vực chứ không chỉ riêng văn chương, cái chuyện bên lề của nhân vật nổi tiếng như  thân ai, ghét ai, khen ai, chê ai, rồi những chuyện vặt này nọ… được viết đầy rẫy, thậm chí người ta còn bịa đặt thêu dệt thêm nữa. Còn với tôi, CLV trao giải thơ là có thật; ông quý tôi là có thật vì có quý ông mới tự ý (tôi không nhờ) đứng tên giới thiệu tôi vào HNVTPHCM, hồ sơ vẫn còn đó; vì có quý ông mới đến tận báo Văn nghệ TPHCM gởi gắm tôi, tôi được biết khi đọc bài của anh Hoài Anh viết v.v… Nếu nói chuyện này có lỗi thì chính CLV có lỗi vì ông có như thế thì tôi mới viết ra chứ tôi có bịa đâu! Còn điều thứ 3 cô đề nghị tôi không được coi cô là trẻ con. Về điều này, nếu là người lớn, cô phải đọc kỹ bài tôi viết về cha cô, và nếu cô hiểu và chín chắn, cô sẽ không bao giờ vào hùa với những kẻ xấu phản ứng tôi như vậy. Cô phải hiểu rằng cha cô có rất nhiều người yêu đồng thời cũng có rất nhiều người ghét, người ta đều có lý của họ. Chính CLV cũng tự biết, và còn làm thơ về điều đó nữa. Một lần CLV nói với tôi: “Đi đâu ông đừng bao giờ nói thân với tôi nhé, người ta sẽ ghét ông lắm đó”. Tôi biết có những kẻ được ông nâng đỡ nhưng rồi đã phản lại ông. Chính ông đã nói hay làm thơ thế nào đó, mà lâu quá nên tôi không nhớ chính xác, về những kẻ nhân danh thơ đến với ông nhưng lại là những kẻ gian mà ông không biết. Thời thực dụng tranh danh, tranh lợi này, người ta hay nghĩ xấu về nhau là chính, yêu quý nhau mới là khó, Vàng Anh không thích tôi có tình cảm với cha mình, viết những điều hay về cha mình, không lẽ muốn tôi viết ngược lại sao? Mà với khả năng của tôi, đến thầy của GS, GSVS tôi còn phang cho tơi bời, thì tôi hoàn toàn có thể làm được. Tất nhiên không bao giờ tôi làm thế. Và như thế, cái chuyện tôi cho VA là trẻ con thì có oan không? 
         *Kỳ cãi vã om sòm về thơ này lại làm tôi nhớ Nhà thơ Chế Lan Viên thật nhiều. Hồi ấy tôi còn rất trẻ như thằng con tôi bây giờ, nó đã tốt nghiệp Đại học Mỹ vậy mà tôi thấy vẫn rất trẻ con, cứ có thời gian rảnh là chúi đầu vào máy tính chơi game. Còn CLV hơn cả tuổi cha tôi, tôi còn kém tuổi người con thứ 3 của ông, vậy mà không hiểu sao chỉ đọc có mấy bài thơ của tôi sao ông lại quý tôi đến thế, ông mang cả chồng bản thảo ra khoe rồi nói cách làm thơ của ông cho tôi nghe. Mỗi lần tôi đến chơi ra về, ông tiễn ra tận cổng, chuyện trò mấy phút nữa rồi mới để tôi đi. Ông tự đứng tên giới thiệu tôi vào HNVTPHCM, đến tận báo VNTPHCM gởi gắm, rồi còn xin cho tôi đi làm báo nữa. Nghĩ lại những cảnh tôi chở ông bằng xe đạp từ Bà Quẹo đến trường Y ở mãi quận 5 xem điểm thi của Vàng Anh, rồi chuyện chở ông đến nhà bà Mộng Tuyết ở Phú Nhuận chép thơ Hàn Mặc Tử để in tuyển tập; kể có máy quay được những cảnh đó thì giờ coi lại thú vị biết bao! Có điều, qua việc “chơi” với CLV, tôi mới thấy lòng người đố kỵ thật nhỏ nhen. Có mấy ông văn chương rất nổi tiếng bảo rằng tôi bịa ra chuyện thân với CLV, ý rằng chỉ có họ mới xứng đáng là bạn của ông thôi. Trên báo Anh ninh Thế giới cuối tháng cũng đăng một bài, mãi sau này thì tôi mới đoán ra là của một con mụ khá nanh nọc, có kể là hỏi Vàng Anh chuyện tôi thân với CLV: “chị đã mỉm cười quay mặt đi”. Tôi mới điên lên gọi điện cho Nhà văn Vũ Thị Thường, bà rối rít phân bua: “Không phải đâu! Không phải đâu! Vàng Anh nó quý Hùng lắm!”. Những năm CLV mới mất, tôi luôn tự nguyện góp giỗ và chở vợ con đến ăn giỗ ông như là một người con. Nhà văn Vũ Thị Thường cũng mấy lần nói coi tôi như con cái trong nhà. Nhưng sau bài báo kia, tôi dị ứng, không sao mà tự nhiên đến chơi được nữa. Mối quan hệ của tôi thuần túy tình cảm, CLV đã mất, nếu con cái ông không có tình cảm (riêng cô VA thôi, mà hồi tôi đến chơi cô còn là trẻ con) thì tôi cũng không nên đến nữa. Và rồi tôi đã không đến nữa thật, dù vậy, tôi vẫn luôn nhớ về ông và coi ông như cha mình.