Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

HẬU CHẤT VẤN (Về vụ Vinashin)


 ĐÔNG LA
HẬU   CHẤT   VẤN
(Về vụ Vinashin)
       Trong cái danh sách “KIẾN NGHỊ” thay thế Hiến Pháp để lật đổ chế độ có tên GS Nguyễn Minh Thuyết. Vị GS này từng được dư luận “lề trái” coi như vị anh hùng trong việc đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức qua vụ Vinashin. Kết cục GS Nguyễn Minh Thuyết đã bị “đo ván”. Vụ Vinashin cũng được coi là chứng cớ tiêu biểu của sự yếu kém của nền kinh tế dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN. Với cái nhìn khách quan có trách nhiệm của một công dân muốn đất nước ổn định và phát triển, chứ không phải theo đuôi dư luận làm loạn, tôi đã viết một bài. Nay trong thời gian đang viết tiếp bài về Hiến Pháp, xin đăng lại.
 Các phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã kết thúc. Nếu xem xét một cách có trách nhiệm, các phiên chất vấn đúng sai thế nào, có tác động ra sao, để rút kinh nghiệm gợi ra những điều có ích cho sự phát triển đất nước thì còn nhiều vấn đề cần phân tích.                    
         Lúc đầu, với cái dư luận TT Nguyễn Tấn Dũng bao che cho lãnh đạo Vinashin dẫn đến chuyện làm thua lỗ cả 100.000 tỷ đồng
, mọi người đã thán phục GSTS Nguyễn Minh Thuyết khi ông đưa kiến nghị: “...trân trọng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này, trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp, bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan. Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của Uỷ ban lâm thời, tôi đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra”.

        Một số trang blog trong nước như boxitvn; blog Nguyễn Xuân Diện v.v... lập tức đăng GS NGUYỄN MINH THUYẾT GỬI KIẾN NGHỊ KHẨN CẤP, sau đó họ còn đăng tiếp Thư của Luật sư Trần Vũ Hải gửi Giáo sư Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết để tiếp sức cho ông GS; và trên BBC, ông luật sư này còn  Kêu gọi Thủ tướng hay Phó Thủ tướng từ chức. Các đài báo tiếng Việt có tinh thần chống đối ở hải ngoại lập tức “vồ lấy chứng cớ” đua nhau lên tiếng, hô ứng.
         Nhưng rồi sự việc lại không đơn giản như vậy.
         Vào BBC thấy có bài viết Chính phủ đã “cảnh cáo Quốc hội” bằng 3 bài trên trang web của mình. TS Đinh Thế Cường cho một số đại biểu đã có những nhận định về những lĩnh vực không phải chuyên môn sâu của mình nên không đúng. Nguyễn Chính viết
: "có đại biểu, tuy là trí thức nhưng khi phát biểu lại không dựa trên các luận chứng khoa học mà chủ yếu lại nương theo tâm lý của một bộ phận mang nặng ác cảm với thực tế. Việt Hải viết: "có đại biểu kỳ họp nào cũng phát biểu, đi rất sâu vào chuyên môn rất xa với chuyên môn gốc của họ. Không rõ những đại biểu này có phải "cái gì cũng biết" không?"
          Đêm trước buổi trả lời chất vấn của Thủ tướng, GS Nguyễn Lân Dũng
trong cuộc phỏng vấn “Mong đợi gì ở phiên chất vấn của Thủ tướng?”, vốn là nhà khoa học nên đã không bị “mớm cung”, khi tay phóng viên cho rằng những cuộc chất vấn có vẻ nóng nhưng không giải quyết được gì bức xúc của dân, ông GS đã phản lại “Tôi không nghĩ như thế, nay rất nhiều điều các đại biểu không rõ thì các bộ trưởng đã làm rõ...”
         Vốn là người trọng lý lẽ, tôi thấy vụ Vinashin này có nhiều vấn để cần phải tìm hiểu cho đúng sự thật.
         Vào trang web của Quốc hội, thấy Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, trong Văn bản trả lời câu hỏi của GS Nguyễn Minh Thuyết: “Thủ tướng có trách nhiệm như thế nào trong vụ... Vinashin  làm ăn thua lỗ trên dưới 100.000 tỷ đồng - số tiền mà một tỉnh thu nhập 1000 tỷ/năm phải làm một thế kỷ mới có được?”, viết: “...không có việc thua lỗ 100.000 tỷ, mà số nợ thực chất được sử dụng trong đầu tư sản xuất... việc công bố ra dư luận các số liệu không chuẩn xác về thua lỗ của Vinashin và các suy luận như trên, theo ý kiến của Bộ GTVT, có thể làm dư luận nhầm lẫn, gây bất lợi cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp”.
        GS Nguyễn Minh Thuyết trong phiên chất vấn sáng 23-11-10, hỏi lại:
         “Bộ trưởng có nói con số của tôi đưa ra trên dưới 100 nghìn tỷ là không chính xác. Chúng tôi xin giải trình và hỏi luôn: Trước hết con số 100 nghìn tỷ này tôi lấy ở đâu ra, tôi lấy ở chính báo cáo của Chính phủ... Vinashin nợ 86565 tỷ đồng, số nợ này tôi xin hỏi nó có lớn lên theo thời gian không, tức là có phải trả lãi cho nợ này không...”
       Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải  Hồ Nghĩa Dũng:
        “... tôi muốn khẳng định không có câu chuyện lỗ 100.000 tỷ. Nợ này là 86.000 tỷ để thấy đã là doanh nghiệp, đã là đầu tư phát triển thì phải có vay, có nợ”
       GS Nguyễn Minh Thuyết:
       “...Từ thua lỗ đó ở đâu ra, thưa Bộ trưởng nó nằm chính ở trong Báo cáo của Chính phủ và nằm ở trong kết luận của Bộ Chính trị. Báo cáo của Chính phủ nói: Tập đoàn thua lỗ không vay được vốn, mất khả năng chi trả”
.
        Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng:
        “... điều bất thường của Vinashin tức là nợ này đã vượt quá cao so với tỷ lệ cho phép... Nhưng không có nghĩa rằng số nợ này là số lỗ, số nợ này và số tài sản này đang nằm trên tài sản hiện hữu của Vinashin... Còn số lỗ chính thức thì đến năm 2009 báo cáo kiểm toán số lỗ của Vinashin là 1600 tỷ... chứ còn khẳng định là 100 nghìn tỷ lỗ là tôi khẳng định không có chuyện 100 nghìn tỷ lỗ”.
         GS Nguyễn Minh Thuyết:
         “... Về Vinashin, chúng tôi xin nêu lại ý kiến Bộ Chính trị là Vinashin đứng bên bờ vực phá sản, theo Luật phá sản thì thực chất Vinashin phá sản rồi. Bây giờ vỡ nợ rồi, nhà cửa, tài sản chia năm xẻ bẩy ra rồi...”
         Về điều này, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết:
      “... sau thời kỳ hoàng kim (năm 2005 – 2008) ngành đóng tàu thế giới đối diện khủng hoảng kinh tế thế giới đã xuống dốc rất nhanh. Không chỉ VN mà ngành đóng tàu thế giới cũng lâm vào tình trạng này như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Hàn Quốc đã cứu ngành đóng tàu của họ bằng 25 tỷ USD, Trung Quốc bỏ ra 60 tỷ USD. Cụ thể Vinashin lâm vào tình trạng khó khăn do không có vốn tiếp tục, công nợ tăng cao, công ăn việc làm đình trệ, 8/12 tỷ USD hợp đồng bị hủy v.v... Nếu không tái cơ cấu thì cơ sở vật chất của Vinashin sẽ trở thành đống sắt vụn. Và sau nỗ lực giải cứu, đến nay tất cả công nhân viên của Vinashin đã có việc làm, lương của họ được 2,8 triệu 1 tháng. Công nghiệp tàu thủy của nước ta bắt đầu hồi phục, năm nay Vinashin sẽ có doanh thu vàng 14.000 tỷ đồng...”
         Như vậy, thực tế vụ Vinashin không phải thua lỗ hết 100.000 tỷ, mà chủ yếu là nợ do vay để đầu tư phát triển; Vinashin đang lâm vào tình trạng khó khăn, chính phủ đã và đang nỗ lực giải cứu, hiện đã có chuyển biến tích cực, chứ không phải “đã phá sản”.
          Riêng tôi, lúc đầu nghe tin GS Nguyễn Minh Thuyết hành động như vậy, thấy khoan khoái như được gãi đúng chỗ ngứa, tự thấy mình hèn, không dũng cảm được như ông, thấy ông có lý khi cho rằng, TT Nguyễn Tấn Dũng lãnh đạo mà để mất cả 100.000 tỷ không thể chỉ chịu trách nhiệm chung chung mà phải chịu sự phán xét của luật pháp! Trong bài về Cù Huy Hà Vũ tôi đã mau mắn giới thiệu ông như người phản biện mẫu mực khác hẳn sự quấy rối của CHHV.
         Nhưng qua sự tường thuật ở trên, ta thấy cũng cần phải xem lại  những câu chất vấn của GS Nguyễn Minh Thuyết, ông đã bám vào một số chữ mà không đặt chúng trong tổng thể văn bản và không xem xét đầy đủ mọi khía cạnh của vụ việc, nên ý của ông đã không chính xác. Qua đó ta mới thấy, sự
phản biện có trình độ, có trách nhiệm, để có hiệu quả cho sự phát triển đất nước thật không dễ. Không tìm hiểu kỹ thực tế, lại xuất phát từ suy diễn chủ quan, theo lo-gic của cảm xúc chứ không theo lo-gic của chuyên môn, lại theo đuôi dư luận, trong tình trạng xã hội còn nhiều khó khăn, những ý kiến phản biện chưa chuẩn xác rất dễ bị lực lượng chống phá nhà nước lợi dụng, lôi kéo, kích động dư luận!
       Phần dư luận quan tâm nhất chính là việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chịu trách nhiệm như thế nào về vụ Vinashin
?
       Trong phiên chất vấn sáng 24-11-10, GS Nguyễn Minh Thuyết hỏi: 
       “...Kính thưa Thủ tướng... ngoài lãnh đạo Vinashin những ai phải chịu trách nhiệm cụ thể về vụ việc đổ vỡ của Vinashin...”
        “Nghị định 132/2005 ... Khoản 4, Điều 4...  quy định chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi quyết định dự án đầu tư, phê duyệt chủ trương mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê theo thẩm quyền. Tôi nghĩ là Thủ tướng nên dựa vào các quy định của pháp luật để xác định trách nhiệm cụ thể của mình”. 
      TT Nguyễn Tấn Dũng:
        “ Đồng chí Thuyết có nói là trách nhiệm của Thủ tướng là người được giao tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu. Đúng là luật có giao như thế, ...Chính phủ đã ban hành một số nghị định để cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với các Tập đoàn kinh tế... liên quan đến quản lý, đối với doanh nghiệp Nhà nước đã có nhiều cố gắng cũng có bước tiến, nhưng cũng nghiêm túc nhìn nhận là thể chế, cơ chế quản lý Nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với đầu tư, đối với sử dụng vốn, đối với thanh tra, đối với giám sát, kiểm tra, thanh tra còn nhiều bất cập, lúng túng, có những kẽ hở…  nhưng thực sự hoàn thiện thể chế mô hình Tập đoàn kinh tế... trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình hoàn thiện, một mô hình chưa có sẵn”.
          Để hiểu sâu hơn vấn đề và với tinh thần thượng tôn pháp luật, khi xem cụ thể NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 132/2005/NĐ-CP VỀ THỰC HIỆN CÁC QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CHỦ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TY NHÀ NƯỚC mà GS Nguyễn Minh Thuyết nhắc ở trên, tôi thấy Nghị định này riêng về trách nhiệm của Thủ tướng thì còn chưa cụ thể. Trong phần PHÂN CÔNG THỰC HIỆN QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ của Thủ tướng, Thủ tướng có quyền:
         “quyết định các dự án đầu tư của công ty nhà nước”
        Còn NGHĨA VỤ CỦA Thủ tướng ghi ở Điều 17, khoản 1, là “...chịu trách nhiệm về các khoản nợ trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty”,
cụ thể là việc “phê duyệt đề án khắc phục” của công ty về “khả năng thanh toán các khoản nợ thấp” do Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, Hội đồng quản trị kiểm tra, yêu cầu công ty lập, khi công việc làm ăn có nguy cơ.
         Còn việc làm ăn thua lỗ, CHƯƠNG III, MỤC 2, Điều 16, khoản 3 ghi cụ thể:
        Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm trước pháp luật về những quyết định hoặc phê duyệt sai, không đúng thẩm quyền, làm công ty lâm vào tình trạng lỗ, mất vốn nhà nướ
c”.
         Và CHƯƠNG III, MỤC 2, Điều 18, khoản 3:
     
công ty hoạt động thua lỗ, thì Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng quản trị liên đới chịu trách nhiệm”.
         Phải chăng Nghị định của Chính phủ thì “không dại gì” mà có điều khoản cụ thể kết tội mình?
       Bên cạnh đó chủ sở hữu (Thủ tướng) còn phải có nghĩa vụ, theo CHƯƠNG II, Điều 4, khoản 5CHƯƠNG III, MỤC 2, Điều 19:
           “đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm của công ty nhà nước trong quá trình hoạt động.
           Cơ quan thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước không can thiệp trái pháp luật vào các công việc của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc của công ty nhà nước”.
            GS Nguyễn Minh Thuyết chất vấn tiếp một chi tiết mà ông cho Thủ tướng đã phạm luật:
            “Tôi chỉ nói một sai phạm thôi, vi phạm luật, đó là Điều 33 Luật doanh nghiệp Nhà nước quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị không kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc công ty, nhưng Thủ tướng là người ký quyết định đã để cho ông Phạm Thanh Bình vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị, vừa là Tổng giám đốc công ty, giải thích chuyện này như thế nào?”
           TT Nguyễn Tấn Dũng:
           “...khi lập Tổng công ty tàu thủy Việt Nam thì Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định anh Phạm Thanh Bình làm Tổng giám đốc...
          Đến khi hình thành tập đoàn Vinashin trên cơ sở Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam này, lúc đó Thủ tướng Chính phủ (PVK),  chính tôi cũng có, kể cả nhắc bằng công văn và có chỉ thị yêu cầu các cơ quan chức năng và tập đoàn phải tìm Tổng giám đốc để thực hiện theo đúng quy định. Nhưng... Hội đồng quản trị và các cơ quan chức năng cũng báo cáo với tôi là... chưa tìm được người... nên xin với Thủ tướng là nên tiếp tục bổ nhiệm anh này làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc đến khi có thực hiện được Tổng giám đốc mới”.         
         Về vấn đề mà BBC đã lợi dụng đặt một câu hỏi đầy khiêu khích Chính phủ cảnh cáo quốc hội?, GS Nuyễn Minh Thuyết chất vấn:
          “... xin Thủ tướng cho biết là ai đã chỉ đạo đăng tải một số bài công kích, chụp mũ đại biểu Quốc hội ở trên website của Chính phủ. Là cơ quan chấp hành của Quốc hội việc Chính phủ để đăng tải những ý kiến như vậy trên website của mình có phải là một hành động khôn ngoan không? có để cho dân thắc mắc về thái độ tự phê bình Chính phủ không? có để người ngoài lợi dụng không...”
          TT Nguyễn Tấn Dũng:
         “Về ý kiến của đồng chí Thuyết thì thưa với các đồng chí đại biểu và Quốc hội là Thủ tướng Chính phủ tôi thường xuyên quan tâm chỉ đạo báo chí, chỉ đạo qua các cơ quan chủ quản, qua các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về báo chí với tinh thần báo chí Việt Nam thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm tốt vai trò của báo chí cách mạng... Tôi không chỉ đạo trực tiếp hay quản lý trực tiếp một tờ báo nào, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ. Còn website Chính phủ ... thuộc Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ đạo... phải thực hiện đúng quy định của pháp luật ... cũng như mọi tờ báo khác nếu đăng tải sai pháp luật, sai chủ trương của Đảng thì phải chịu trách nhiệm về việc đăng tải của mình. Còn việc nói khôn ngoan hay không khôn ngoan, tôi không biết việc đó nên nói thế nào, tôi chỉ yêu cầu làm đúng pháp luật. Tôi cũng đề nghị đại biểu Thuyết xem xét theo đúng pháp luật hay không? Đúng chủ trương của Đảng hay không? Tôi xin nói ý đồng chí nói có chỉ đạo hay không”.
        Quả thật, khi nghe GS Thuyết hỏi mấy câu trên tôi đã thật ái ngại cho ông Thủ tướng, nhưng thật không ngờ ông Thủ tướng đã hóa giải được tất cả. Tôi chỉ thấy TT Nguyễn Tấn Dũng thực sự lúng túng khi Đại biểu Phạm Thị Loan, với đầu óc của một nhà doanh nghiệp đặt câu hỏi mà theo tôi là gai góc nhất: khi tổng doanh thu một năm của Vinashin sau tái cơ cấu chỉ bằng phần lãi của số nợ trong năm, làm sao Vinashin có thể trả hết nợ? Còn trước những câu hỏi của GS Nguyễn Minh Thuyết, TT Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời hoàn toàn tự tin, khiến chính ông GS phải lúng túng khi bị vặn lại, khi được phóng viên hỏi sau cuộc chất vấn, ông cũng phải thừa nhận: “Thật khó có thể hỏi thêm được Thủ tướng” (Theo VietNam.net).
       xxx
        Như vậy ngoài việc phạm tội của lãnh đạo Vinashin như Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Phạm Thanh Bình có sai phạm nghiêm trọng trong việc huy động, sử dụng vốn nhà nước cấp; đầu tư mua sắm nhiều tàu cũ, tàu không thích hợp trong vận tải biển dẫn đến thua lỗ; Vi phạm nghiêm trọng việc đấu thầu, bổ nhiệm con trai và em trai giữ nhiều cương vị trái quy định của Đảng và Nhà nước. v.v...
      Bộ Chính trị cũng kết luận, Chính phủ có khuyết điểm chưa kiểm tra chặt chẽ và đánh giá đúng, kịp thời về công tác tổ chức, cán bộ và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, từ năm 2006 - 2009 tuy đã qua 11 lần kiểm toán, kiểm tra, thanh tra nhưng vẫn không phát hiện được đầy đủ, kết luận đúng tình hình và những yếu kém, khuyết điểm nghiêm trọng của Tập đoàn, chưa đưa ra được những biện pháp chấn chỉnh.
        Từ thực tế trên cũng như qua các phiên chất vấn nói trên, chúng ta thấy còn nhiều vấn đề phải xem xét.
Cái cơ bản nhất là các văn bản của Nhà nước có tính pháp lý để mọi người dựa vào làm việc cho đúng thì còn rườm rà, trùng lắp, nhưng lại không cụ thể. Phải chăng khi soạn các văn bản, ngoài các chuyên gia về chuyên môn, về luật, nên cần thêm các nhà phê bình, với tư duy giỏi về tranh biện của họ, sẽ góp phần đưa ra các văn bản rõ ràng và chặt chẽ hơn chăng? Chính vì có sự nhập nhằng giữa sự lãnh đạo của chủ sở hữu với quyền tự chủ của doanh nghiệp nên việc thanh tra không có tác dụng. Trên diễn đàn QH, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã đề xuất ý kiến khắc phục điều này:   
“...Trước hết phải nghiên cứu để thay đổi việc quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan Bộ ngành quản lý ...  qui định lại rõ trách nhiệm và xác định có những việc phải báo cáo lên trên để phê duyệt chứ không phải giao toàn quyền cho doanh nghiệp như hiện nay để làm sao hạn chế được việc mà nhiều đại biểu nói là doanh nghiệp được quyền to quá và tự quyết rất nhiều vấn đề và phát sinh ra tiêu cực.
Thứ hai, cũng phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát. Kiểm soát từ ở trong nội bộ, kiểm soát cả từ trên xuống... chúng tôi nghiên cứu hiện nay cũng có nước người ta áp dụng là kiểm soát viên không phải là người của doanh nghiệp, mà kiểm soát viên là người của Nhà nước cử vào doanh nghiệp, nên chăng cũng suy nghĩ việc này để rồi sắp tới đây có giám sát tốt hơn thì do Nhà nước cử xuống và Nhà nước trả lương tương xứng để mà giám sát hoạt động của doanh nghiệp”.
            Qua vụ Vinashin ta cũng thấy tầm lãnh đạo các đại doanh nghiệp của những doanh nhân thoát thai từ nền công nghiệp nhỏ, manh mún, còn rất thấp và non nớt. Các doanh nghiệp cũng cần phải thấy nền kinh tế nước ta còn là nền kinh tế phụ thuộc vào vốn, kỹ thuật, công nghệ, máy móc, thiết bị, vật tư... của nước ngoài; kinh tế thế giới bây giờ cũng như bình thông nhau, phụ thuộc lẫn nhau, nên phải hết sức thận trọng khi có tham vọng phát triển ngoài tầm tay của mình.
         Tuy nhiên, dù mắc nhiều khuyết điểm như trên, qua vụ “cứu” Vinashin, ta cũng thấy được bản lĩnh của Chính phủ. Chúng ta không nên vì muốn ý mình đúng, không đánh giá thỏa đáng những nỗ lực và hiệu quả đã có. Phải coi Vinashin như đứa con bị ốm nặng của nền kinh tế, cần phải ưu tiên chữa chạy cho nó khỏe mạnh trở lại, để có thể lại báo hiếu cho cha mẹ. Đây cũng chính là điểm tốt mang tính cơ sở lý luận của cái phần “Định hướng XHCN” trong cơ chế KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, đó là sự điều tiết, bổ sung của Nhà nước đối với nền kinh tế phụ thuộc vào quy luật cung cầu của thị trường tự do. Ngay như những nước phát triển theo kinh tế thị trường từ lâu cũng luôn có sự điều tiết này (Mỹ gọi là nền kinh tế hỗn hợp).
         Không nên để Vinashin thành đống sắt vụn để có đủ chứng cớ pháp lý kết tội cả Thủ tướng và nội các của ông, như thế liệu có lợi cho dân cho nước hơn việc nỗ lực hồi phục và triển vọng đang có của Vinashin không?
       TPHCM 2-12-10

         ĐÔNG LA