ĐÔNG LA
DƯƠNG TRUNG QUỐC VÀ
“Ý KIẾN NHÂN DÂN”?
Theo VN.net, trong bài, Hiến pháp 'treo' đến bao giờ?, tại
tổ Đại biểu Quốc hội
Đồng Nai thảo luận về Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp ngày 27/5, ông Dương Trung Quốc cho rằng “Chưa
bao giờ Hiến pháp được bàn thảo một cách sôi
nổi như hiện nay nhưng… chưa có cơ sở nào để khẳng định ta đã tập hợp hết
ý kiến”; “Rất nhiều cuộc hội thảo... Nhưng ta có thể nói đây là tất cả ý kiến
nhân dân không?” và ông ta cho “hiện
người dân chưa có công cụ để thực hiện” Quyền
phúc quyết v.v…
Quả đúng là những
lời phát biểu vì dân! Có người dân nào nghe không sướng tai khi có người đại
biểu đã đấu tranh vì quyền lợi của mình như vậy? Có điều, nếu tỉnh táo xem
xét, tôi muốn hỏi ông Quốc thế nào là “tập
hợp hết ý kiến” và thế nào là “tất
cả ý kiến nhân dân”?
Giả sử có một phép mầu, tập hợp được hết ý
của gần 100 triệu người dân VN, tôi chắc cả nhà, cả hàng xóm láng giềng, cả
tổ dân phố… của ông Quốc làm thư ký cũng không thể ghi hết được ý kiến của từ
người nông dân tất bật trên đồng ruộng ở thôn quê đến bà bán cá, bán rau, bác
đạp xích lô ở trên thành phố, cùng tất cả các tầng lớp nhân dân khác. Nhưng
cái chính là dù có làm được như vậy thì có ích lợi gì không?
ĐCSVN luôn cho sự nghiệp cách mạng là của
quần chúng. Chỉ có sức mạnh của quần chúng tiến hành thì cách mạng mới thành
công. Nhưng liệu lĩnh vực chính trị tư tưởng cũng như các lĩnh vực sáng tạo
khác thì liệu có thể huy động được sức mạnh của quần chúng mà làm tốt được
không?
Hôm nay để phản bác ông Quốc tôi sẽ kể ngay
câu chuyện của đời tôi, một chuyện riêng nhưng nó lại có ý nghĩa chung, thậm
chí còn có ý nghĩa triết học về mối liên hệ biện chứng giữa cái chung và cái
riêng, giữa cá nhân và quần chúng. Đó là câu chuyện tôi đã kể sơ vài lần ở
đâu đó và đã viết hẳn thành Truyện ngắn *BÀI
TOÁN đã đăng trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn VN và đã tạo được cảm hứng
cho Đạo diễn Đỗ Chí Hướng dựng bộ phim Hoa
trạng nguyên.
Đó là chuyện năm 1990, sau chuyến thăm con
của ông Đỗ Mười tại công ty Thuốc Sát trùng VN, tôi thấy lãnh đạo công ty
cuống lên, lo giải quyết cái đề tài làm thuốc Phostoxin bảo quản nông sản
trong kho tàng, đã kéo dài 20 năm, từng làm cụt ngón tay ông Tổng giám đốc,
làm bỏng tay ông giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và làm 2 công nhân bị chết,
nhưng vẫn chưa làm được vì nó cứ cháy nổ. Người ta đã cử cán bộ ở công ty, ở
Viện nghiên cứu, có cả GS, TS, sang tận Đức học tập, từ quy trình sản xuất
đến công thức sản phẩm, nhưng vẫn không làm được. Chẳng còn ai, tôi mới về,
lại từng ở viện dược nên đã được giao làm chủ nhiệm đề tài giải quyết cái đề
tài đó. Ngày đầu, tôi đến một xí nghiệp của công ty ở Dĩ An, cho tổng hợp một
mẻ hoạt chất rồi cất vào thùng phuy đậy nắp lại. Đâu ngờ sáng sau đến thì
thấy nó đã nổ làm bay mấy miếng tôn trên mái! Tôi kinh hoàng, thấy không thể
đùa với tử thần được! Điều đó chính là do hoạt chất đã hút ẩm, sinh ra một
chất khí có tính khử cực mạnh, khi đạt đủ nồng độ gặp ôxy trong không khí sẽ
tự nổ! Giới hạn nổ rất thấp mà nước ta độ ẩm rất cao, nên theo lý thuyết thì
nước ta không thể làm được. Điều đó giải thích vì sao đã 20 năm mà chưa ai
làm được. Việc thứ hai, khi dập bột thuốc thành viên, nó cứ dính chầy trên
không sao mà dập được. Công ty tập trung một cuộc thảo luận “góp ý” cho đề
tài, nhưng chỉ những cán bộ kỹ thuật thôi, chứ không như chuyện nhà nước vừa
rồi in tài liệu phát từng nhà dân xin ý kiến về bản Dự thảo Hiến pháp. Trong cuộc “góp ý” đó, không ai làm được nhưng
có mấy người “nổ” rất hăng: dính chày là do độ bóng của chày chưa đạt, rồi
cháy nổ là do chưa có công thức phù hợp, cần cho vào một chất làm sao đó có
thể cạnh tranh được hơi ẩm với hoạt chất, v.v…và v.v… Nghe thì có vẻ rất hay,
“quần chúng” công nhân nghe là cứ chết khiếp về trình độ của tầng lớp “nhân
sĩ trí thức” trong công ty. Còn tôi thì thấy chỉ là mấy đứa dốt, chỉ giỏi
đánh giặc miệng y như bọn “rận sĩ chấy thức” bây giờ. Nếu họ hay thế thì sao
công việc vẫn còn nguyên đó để rồi lại đến tay tôi! Tôi mới cáu đi lên bục
phát biểu:
“Đây
là một việc chưa ai làm được, công ty đã giao cho tôi thì kệ mẹ tôi. Tôi
không cần bàn luận!”.
Tất cả im re, mấy người “nổ” như bị tát vào
mặt, y như “dư luận viên” tát vào mặt lũ “rận sĩ chấy thức” bây giờ. Còn tôi
tuy nói mạnh vậy, chủ yếu là để dẹp đi cái trò dân chủ ba lăng nhăng ở công
ty, nhưng cũng hoang mang. Làm đề tài sẽ nguy hiểm đến tính mạng chứ chẳng
chơi. Vì nó vừa cháy nổ vừa rất độc.
Nhưng rồi không ngờ sau 3 năm tôi đã hoàn
thành công việc. Còn đi thi được giải thưởng nữa. Tôi đã đưa ra cách giải
quyết tưởng không gì đơn giản hơn thế. Để dập được viên thuốc người ta dùng
parafin nấu chảy ra rồi phun thành bột trộn vào hoạt chất để làm chất kết
dính. Tính tôi vốn rất lười việc chân tay, việc phun parafin nóng chảy thành
bột rất mệt, nên tôi mới rang hoạt chất nóng lên rồi cho cả tảng parafin vào
ngoáy như nấu cám heo vậy, nháy mắt là xong. Có ai ngờ cái việc do tôi làm
biếng ấy lại là cái chìa khóa giải quyết được công việc. Có điều không ai lại
dám làm như vậy, nó ngược đời, chỉ “khùng” như tôi mới làm thôi. Thứ nhất là
chuyện cháy nổ, chưa rang nó đã nổ, vậy sao lại rang lên? Điều này tại người
ta không biết, cái chuyện cháy nổ ở đây là do hoạt chất nó hút ẩm sinh ra khí
gây nổ chứ bản thân nó không nổ như thuốc nổ, nên dù có đốt nó cũng không sao
cả. Thứ 2, cái thuốc của tôi làm ra để hút ẩm sinh ra khí độc, tôi cho
parafin vào bao kín mít như thế thì còn dùng sao được. Tôi đã nghĩ, thì mình
tìm ra một lượng parafin vừa đủ sao cho sản phẩm vẫn có thể hút ẩm được. Thực
tế tôi đã cho parafin vào bao kín mít luôn, có vậy mới lưu trữ hoạt chất
được, nhưng có điều tuyệt vời là, khi dập thành viên, những màng parafin bao
những hạt hoạt chất bị vỡ, hoạt chất trong viên lại được bộc lộ nên vẫn hút
ẩm bình thường. Điều quan trọng thứ hai, đúng là một công đôi việc, khi “nấu
cám heo” như vậy, hoạt chất lồng bồng xẹp hẳn xuống, làm tăng tỷ trọng thuốc,
cối dập viên chứa đủ lượng thuốc cho 1 viên rất nông, khi dập lực tác động
vào chầy trên và chầy dưới gần như nhau nên không còn bị dính chầy trên nữa,
chẳng cần phải mài bóng mài biếc chầy gì nữa.
Chìa khóa để tôi giải quyết vấn đề là thế,
dù thực tế còn nhiều biện pháp nữa mới cho ra được thành phẩm cuối cùng. Như
dập được viên thuốc rồi, chỉ cho vào tuyp đậy nắp lại thôi cũng rắc rối. Số
là chỉ cần thời gian viên thuốc tiếp xúc ngắn ngủi với không khí như thế
thôi, cho vào tuyp đậy nắp lại, nó vẫn sinh ra đủ khí, mà khi mở nắp tuyp
thuốc là lửa cứ xì ra như quẹt diêm vậy! Thế là lại phải nghĩ nữa thôi!
Đó là chuyện riêng của tôi, của một cơ quan,
của một ngành; còn với phạm vi cả thế giới, có thời cả thế giới có xúm lại
cũng không giải thích được những vấn đề còn “phi logic” của khoa học. Nhưng
rồi chỉ riêng một mình Einstein thôi đã giải thích được bằng phát minh vĩ đại
của ông: Thuyết Tương đối!
Còn trong lĩnh vực chính trị, vai trò của cá
nhân cũng rất quan trọng. Nhìn sâu vào lịch sử, như bên Tàu, nếu Lưu Bang
không có Trương Lương, Hàn Tín thật khó có thể thống nhất được sơn hà; Lưu Bị
không có Gia Cát Lượng thì không thể khôi phục được nhà Hán. Tiếc là Lưu Bị
hổ phụ không sinh hổ tử mà sinh ra chó lợn, nên bao mưu lược của Gia Cát
Lượng cuối cùng cũng thành công cốc! Còn nước ta, sau mấy trăm năm, khí
thiêng sông núi đã hun đúc, tinh lọc để sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, người
đã lãnh đạo nhân dân ta từ hai bàn tay trắng giành lại được đất nước.
Khổng Tử
cũng từng nói về vai trò của người tài: “Đức của người quân tử như gió, đức của kẻ tiểu nhân như cỏ, gió thổi
thì cỏ rạp xuống" (Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo,
thảo thượng chi phong tất yển - Luận ngữ, XII, 18).
Với Triết học Mác cũng nói rất rõ mối quan
hệ biện chứng giữa cá nhân lãnh tụ với quần chúng nhân dân. Tuy cùng đóng vai
trò quan trọng đối với tiến trình phát triển của lịch sử xã hội, nhưng quần
chúng nhân dân là lực lượng quyết định sự phát triển, còn lãnh tụ là người
định hướng, dẫn dắt phong trào, thúc đẩy sự phát triển của lịch sử. Bởi vậy,
quan hệ giữa quần chúng nhân dân và vĩ nhân lãnh tụ là biện chứng, vừa thống
nhất vừa khác biệt. Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định vai trò quyết định của
quần chúng nhân dân, đồng thời đánh giá cao vai trò của lãnh tụ.
Vì vậy, việc góp ý Dự thảo Hiến pháp, theo tôi cũng cần xem xét mối quan hệ biện
chứng giữa ý những người tài với ý của nhân dân nói chung. Cần lấy ý kiến
rộng khắp để tập hợp hết ý kiến của những nhân tài rải rác khắp nơi trên mọi
miền, trong mọi tầng lớp nhân dân, chứ không chỉ khuôn trong phạm vi những cơ
quan, tổ chức nào, tầng lớp nào. Đó chính là dân chủ. Nhưng cần phải biên tập
sàng lọc, phân định cái cao cái thấp, cái đúng cái sai, chứ không thể “cá mè
một lứa”, như coi ý kiến của “Nhà văn Đông La” cũng như ý kiến của bà bán cá,
bán rau được, những người mà riêng chữ Hiến pháp là gì họ cũng không hiểu.
Sau mấy tháng, tôi nghĩ người nào có quan tâm thì đều đã góp ý, riêng tôi đã
có 4 bài, còn nếu còn người tài mà vẫn chưa phun châu nhả ngọc thì cũng chẳng
cần nữa. Vì nếu họ có tâm thì đã góp ý lâu rồi. Còn dù có tài mà không có
tâm, chỉ muốn phá hoại thôi thì cần gì những loại “góp ý” ấy?
Vì vậy, ý “ông nghị” Quốc, khi đã có Hơn
26 triệu ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 mà ông vẫn
nói: “chưa có cơ sở nào để khẳng định ta đã tập hợp hết ý kiến”; “Rất nhiều
cuộc hội thảo... Nhưng ta có thể nói đây là tất cả ý kiến nhân dân không?”
thì theo tôi chỉ là những lời nói lấy được, phi thực tế, phi lý luận, chỉ là những
lời làm êm tai “nhân dân”, nghe rất kêu nhưng thực chất là trò mị dân!
Phần II tôi sẽ viết về chuyện ông Quốc đòi
quyền phúc quyết cho “dân”
TPHCM
3-6-2013
ĐÔNG LA
|