Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

MỘT VÀI GHI CHÉP VỀ CHẾ


BÀI LIÊN QUAN

 *CHẾ LAN VIÊN TRONG HỒI QUANG CỦA KÝ ỨC

Ngày nay, thị hiếu của lớp trẻ chủ yếu hướng về những siêu sao ca nhạc, điện ảnh, bóng đá; các bạn có quan tâm đến chính trị thì lại hay đổ xô vào coi những trang blog đen hay đưa những tin tọc mạch giật gân, kích động, nói về Chế Lan Viên lúc này xem ra có phần lạc lõng. Nếu còn sống ông đã 93 tuổi, tức U100, hơn cha tôi 2 tuổi. Nhưng nếu là người quan tâm đến văn chương, hiểu được giá trị của văn học nghệ thuật, thì ai cũng biết Chế Lan Viên chính là một điển hình về tài năng và trí tuệ của nền văn chương VN. Những người phải hơn tôi 20, 30 tuổi trở lên, nghĩa là cùng thời với ông, mới hiểu hết uy danh của ông. Hồi chiến tranh, trên những diễn đàn văn chương quốc tế, ở đó không chỉ có đối thoại về văn chương mà còn có cả chính trị và ý thức hệ, Chế Lan Viên thường được cử đi sứ. Ngay tôi lần đầu đến nhà gặp ông, tôi có cảm giác như đi gặp một nhân vật trong câu chuyện cổ tích vậy. Vậy mà không ngờ rồi tôi lại được làm “bạn” với chính nhân vật cổ tích ấy. Sau lần đầu đọc thơ tôi, cho giải, đứng tên giới thiệu  tôi vào Hội Nhà văn TPHCM, đến tận báo Văn nghệ TPHCM gởi gắm, xin cho tôi đi làm báo, v.v…, quả thật ngoài cha mẹ có công sinh thành nuôi dưỡng, Chế Lan Viên cũng đã có những quan tâm đến tôi như một người cha. Không ít lần đến nhà ông về, ông còn tiễn tôi ra tận cổng, đứng nói chuyện 5,10 phút nữa mới cho tôi về. Vì vậy, ngày mai (16-5 âm lịch) là ngày giỗ ông, làm sao tôi không nhớ ông cho được. Tôi cho đăng bài thơ tôi viết về ông như là thắp nén nhang để tưởng niệm ông. Bài này tôi đã làm vào hôm ông bảo tôi đi nghe ông nói chuyện ở FAHASA trên đường Lê Lợi. Vừa nghe ông nói, nhớ về những lần trò truyện cùng ông về thơ, nghĩ về thơ ông, tôi đã vẽ nên chân dung thơ của ông. Đúng lúc nghỉ giữa giờ hết, trước khi ông tiếp tục nói chuyện, tôi đã làm cả ông, cả mọi người bất ngờ khi hứng chí đứng lên đọc bài thơ tặng ông đó. Sau đó cô Anh thơ coi  và tỏ ý không vừa lòng khi tôi gọi ông bằng “anh”. Tôi bảo: “Tại cháu bắt chước chú ấy đấy, chú ấy còn gọi Nguyễn Du bằng anh cơ”. Bài này của tôi cũng đã được đăng trong một cuốn sưu tập những bài viết về ông, nên tôi cũng đã bất ngờ khi đến Phân viện Y Sinh học chơi, ông viện trưởng là TS vật lý Vũ Công Lập (bây giờ lại thành phóng viên thể thao mới hay chứ) lại nói là rất thích nó.
ĐÔNG LA
MỘT VÀI GHI CHÉP VỀ CHẾ
Như nhận một sứ mệnh làm một thi nhân
Mẹ, cha tạo nên thịt xương, vóc hình anh nhưng ai
                                                                   người gieo hạt?
Để trên mảnh đất tơ non thuở 14, 15
Cây thơ đã đơm trái thơ chín mọng
Những trang thơ buồn óng ánh tài hoa
Trộn nhuyễn với suy tư của các cụ già
***
Như một bác thuyền chài anh buông lưới khắp biển
                                                         thời gian để tìm thi tứ
Anh nhặt nhạnh những câu thơ như bác gỡ cá nhỏ, cá to
Anh tích trữ nguyên liệu thơ như người đời tích trữ
                                                                          lương khô
Khi lạc vào thư viện của hồn mình có bao giờ anh
                                                    ngỡ ngàng không hở Chế?
                                                                    
***
Trong hành trình của hình thức
Có lúc anh như bác thợ đúc già đổ thơ vào khuôn
                                                          của người đời để lại
Lúc như chàng kỵ mã bỏ bạn đồng hành ở lại phía sau
Anh đốt cháy bộ khung thơ thành ngọn lửa thắm mầu
Nhưng ngọn lửa anh vẫn giữ chiều nguyên vẹn
***
Như người thợ mộc già anh cặm cụi đục đẽo những câu thơ
Như người thợ kim hoàn anh mài anh giũa
Anh bẻ cong ngôn ngữ đời thường để thơ đến tâm hồn
                                                               bằng đường thẳng  
Những câu thơ anh có ánh sao lóng lánh
Có độ ráp hạt sỏi miền Trung và vị chát của sim, mua
Anh từng lấy thơ trải tấm chăn vợ chồng thành mênh mông
                                 đủ đắp cho tình yêu nơi chân trời, góc bể
Từng lấy cánh cò trong lời ru ủ ấm vành nôi đứa con thơ
                                                                   giữa chiều vàng
Thơ anh là không gian lưu giữ hương hoa đại
     Côn Sơn từng nở bên chái nhà Nguyễn Trãi đến muôn đời
Anh vẽ tâm trạng tình yêu thành chim muông, hoa lá
Và, có bác sĩ nào hiểu được thuốc chữa bệnh cho
                                           thi nhân lại chính là bông súng tím…
***
Anh từng chất chứa trong thơ mình những suy nghĩ,
                                                  toan lo của cả một dân tộc
Anh dồn nén hờn căm thành tên lửa vượt đại châu bắn
                                         vào những mộng ước cuồng điên
Thành pháo nhỏ, pháo to cấp tập vào đầu lũ bán nước,
                                                                               buôn dân
Vết chém sông Bến Hải ngày nào từng đổ máu trên
                                                              trang thơ của Chế!
***
Tôi sinh sau anh một thế hệ
Mẹ nghèo nàn không một chữ cắn đôi
Cả tuổi thơ chỉ được tắm trong những câu ca dao
                                                           mặn chát muối mồ hôi
Mẹ không biết những lời thơ của Chế
Thuở tới trường dưới chiếc bảng đen nhỏ bé
Trong tiếng bom gầm nghe nghe thầy giảng anh câu được,
                                                                               câu chăng
Nhưng bước vào đời trong cái hành trang
Tôi vẫn nâng niu đôi ba câu của anh vương lại
***
Rồi có ngày như chợt tỉnh mộng
Tôi bất chợt đến với thơ như chàng trai gặp
                                                              tiếng sét tình yêu
Bỗng giật mình như chú nai con lạc giữa rừng chiều
Tôi đã tìm đến anh như người đi tìm lối
Và còn mãi trong tôi buổi chiều ngày ấy
Tôi đã được gặp anh như chú bé con gặp nhân vật
                                                     chuyện cổ tích mến yêu
Dưới rặng ti-gôn anh đã hiện ra dân giã biết bao nhiêu
Tôi lại sững sờ như từng sững sờ trước mỗi nhành lan
                                                                              kỳ diệu!
1988