Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

CUỘC CHIẾN LONG - SƠN


ĐÔNG LA
 CUỘC CHIẾN LONG - SƠN
Tâm lý con người thật kỳ lạ, ai cũng thấy bình yên là quý giá nhất. Nhưng những người có khả năng, có bản lĩnh cũng thường không chịu nổi một cuộc sống yên tĩnh, bằng phẳng tẻ nhạt. Tôi đã làm mấy câu thơ nói về điều ấy:
Ta sẽ có gì trong máu với những bằng phẳng, tròn xoe,
                                                              dễ dãi, đủ đầy
Khi kim cương chỉ sinh ra từ lò luyện ngục
Và trầm cũng chỉ tạo thành bởi máu của những
                                                          vết thương cây
Như vậy tham vọng chính là bản tính của con người. Chính chúng là động lực của sự phát triển. Nhưng tham vọng phải dựa trên khả năng mới có thể thành công. Còn tham vọng vượt quá khả năng sẽ trở thành tham lam, sẽ biến các hành động thành phiêu lưu, sẽ phải chịu thất bại trong khổ đau và nhục nhã. Hôm nay với Nguyễn Hữu Khai, ông chủ của Bảo Long, chính là như thế.
Với khả năng như được thiên phú, nghề thuốc như một sứ mệnh, nếu Nguyễn Hữu Khai không quá tham lam mà mắc tội, chắc chắn sẽ có rất nhiều bệnh nhân được chữa khỏi bệnh sẽ coi như vị thánh, xã hội sẽ mãi tôn vinh. Hồi nhỏ ở quê, thấy bố những thằng bạn là đại úy, thiếu tá, tôi đã rất ghen tỵ, khi thấy cha mình chỉ là một ông y sĩ, tối ngày xách cái túi đựng ống tiêm và cái xoong nhỏ luộc kim tiêm đi tiêm chích cho người ta. Nhưng càng trưởng thành, thấy cha mình từng cứu sống người, rồi được người ta xin làm con nuôi ông, tôi thấy thật tự hào về cha mình. Vậy mà Nguyễn Hữu  Khai từ đỉnh cao của thành công và sự biết ơn của nhiều người, nay đã phải bị bắt quả là rất đáng tiếc. Phải chăng do Khai bất tài hay do số mệnh định trước thế? Phải chăng đúng như Gia Cát Lượng thời Tam quốc viết: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”? Tư Mã Ý từng bị ông nhốt trong hang chuẩn bị đốt chết vậy mà trời mưa cứu thoát, để rồi con cháu đời sau thống nhất được sơn hà. Ngẫm nghĩ kỹ thì tất cả đều có phần đúng.
Về cuộc chiến Long-Sơn (Bảo Long – Bảo Sơn), sự tranh giành quyền lợi giữa hai tập đoàn của Nguyễn Hữu Khai và Nguyễn Trường Sơn, nếu không tìm hiểu kỹ, không suy xét thấu đáo, rất dễ bị lầm lẫn. Bởi chính báo chí chính thống đã đưa những tin ngược nhau.
PetroTimes trong bài  Vì sao Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long Nguyễn Hữu Khai bị bắt? cho ông Khai có những “thủ đoạn làm ăn bất chính” và  là “người đội lốt "lương y"”!
Còn  Đại đoàn kết ((theo http://www.kinhte24h.com/) lại cho ông Sơn “cài bẫy” và “lừa gạt” ông Khai; đã “"bóp chết” một cách không nương tay” Tập đoàn Bảo Long!
 Nhớ lại việc tôi và Triệu Xuân ngày nào cũng đã có báo xía vào phán bậy.
Trước khi nói về vụ Long-Sơn uýnh nhau, tôi muốn nói rõ lại đôi chút “cuộc chiến” giữa tôi và Triệu Xuân. Vì có không ít kẻ xấu chẳng có cớ nào nên đến tận hôm nay vẫn cứ hay bới vụ đó ra để nói xấu tôi. Câu chuyện thực ra rất đơn giản, TX đã mời tôi làm tạp chí “Văn chương Hồn Việt”, một ấn phẩm của NXB Văn học. 
(Tờ tạp chí có 1 số duy nhất)
Trên bìa TX ghi tôi là “Biên tập” và ở trong “Hội đồng tư vấn”, nhưng tôi nói tôi “làm” vì công việc của tôi cao hơn công việc biên tập. Tức tôi không chỉ biên tập mà còn phải sưu tập, lựa chọn bài vở, viết lời dẫn, xếp đặt, làm ra nội dung hoàn chỉnh của một tờ tạp chí văn chương. Sau đây là một trong những thư mà TX đã gởi cho tôi còn trong inbox e-mail:
 “Re: dongla
   Xuan Trieu <xuantrieuwriter@gmail.com>
ViewTuesday, December 16, 2008 1:58:17 PM
To: huy phuong <huyphuong1955@yahoo.com>
Đông La!
Tôi trân trọng tình cảm của ông dành cho công việc mà tôi mời ông làm. Sở dĩ tôi mời ông mà không mời Hoàng Đình Quang hay bất cứ người nào khác là vì thế… Việc ra báo, chưa bao giờ tôi thấy thuận lợi như hiện nay. Đông La đừng lo lắng, đừng phân tâm… Chỉ mong ông kiên tâm, chớ nản lòng!
TX”.
Sau khi số 1 ra “thành công rực rỡ”, TX nói tôi làm tiếp, tôi đề nghị làm hợp đồng, TX không chịu ý tôi và cắt ngang. Với tôi cắt thì thôi, mọi chuyện sẽ là bình thường nếu TX hợp tác với người khác, làm ra tờ khác. Còn TX tiếp tục làm ấn phẩm mà tôi đã làm thì là cướp công và lừa đảo. Khi thấy TX quảng cáo trên báo chí là: “Văn chương Hồn Việt, ấn phẩm mới của Nhóm Văn chương Hồn Việt, liên kết xuất bản với Nhà xuất bản Văn học”, tôi đã làm đơn kiện gửi đến các cơ quan chức năng là TX viết “sai sự thật” và “phạm pháp”. Vì thực tế chính tôi làm chứ không phải nhóm Văn Chương Hồn Việt làm. Tôi chỉ hợp tác với TX đại diện NXB, chứ không thể hợp tác với TX đại diện nhóm VCHV, vì thế là vi phạm pháp luật vì nước ta chưa cho làm tạp chí tư nhân.
Đơn kiện của tôi là hình thức thư ngỏ, vừa gởi những nơi cần gởi vừa đăng lên cho mọi người biết. Ngoài chuyện tố TX nói điêu tôi còn nêu ra những sai phạm khác của TX. Kết quả giám đốc NXB Văn Học là ông Nguyễn Cừ đã gởi thư cảm ơn tôi, thông báo đã kiểm điểm TXđình chỉ việc làm tiếp tờ Văn chương Hồn Việt. Sau đó TX phải làm tờ khác. Dù bị nốc ao như vậy nhưng TX vẫn "chầy cối", viết một bài toàn là xuyên tạc về tôi để chống chế. Bị vả cho sưng mồm phải kêu lên thì cũng là lẽ thường thôi. Chỉ có bực mình là cái bài bậy bạ ấy lại là cái cớ cho bọn xấu suy diễn đểu về tôi!
Như vậy là tôi hoàn toàn đúng. Vậy mà Phạm Nhật Linh, không biết là ai, đã viết bài  Chơi dao sắc có ngày đứt tay  cho là tôi và TX “thóa mạ” nhau, làm trò cười cho thiên hạ, đăng trên cái tờ mà thằng cha TBT và tôi lại từng không chỉ một lần gặp gỡ và bia rượu vui vẻ cùng nhau.
Hiến pháp đã hiến định quyền khiếu nại, tố cáo, bảo vệ lợi ích và danh dự công dân, sao lại cho việc tôi làm là “thóa mạ”, là trò cười? Nếu tôi sai thì hoàn toàn có thể bị TX kiện ngược lại về tội vu khống. Nhưng tôi thì làm sao mà sai được! Bài của Phạm Nhật Linh chính là một thí dụ điển hình về tầm thấp và thói lợi dụng những chuyện hot để câu khách rẻ tiền của không ít phóng viên ở ta. Nó bất nhân ở chỗ là phán bừa, bất chấp danh dự của những người mà lẽ phải thuộc về họ. Nó ngược với thiên chức của nhà báo là phải đưa tin khách quan để người đọc hiểu rõ hơn bản bản chất vụ việc.
Quay lại vụ Long – Sơn tôi thấy cũng như vậy. Khi tìm hiểu, dù chỉ biết một một phần sự thật, tôi cũng có thể khẳng định là cả hai báo PetroTimes và  Đại đoàn kết đều có những ý không khách quan. Ông Khai dù có sai phạm trong làm ăn, thậm chí có thể phạm pháp đối với ông Sơn, nhưng PetroTimes nói ông Khai có những “thủ đoạn làm ăn bất chính” là quá đáng, bởi làm thuốc chữa bệnh mà “bất chính” thì bán cho ai? Còn nói ông là “người đội lốt "lương y"” thì hoàn toàn sai. Ông Khai là lương y thật, tài chữa bệnh của ông đã được xã hội cũng như nhà nước công nhận, vinh danh, được nhiều bệnh nhân nhớ ơn, trong đó có chính ông Sơn, chủ của Bảo Sơn. Ngược lại, qua lời trần tình của ông Sơn ở phía Bảo Sơn, với những chứng cớ cụ thể thì báo Đại đoàn kết cũng lại rất sai khi viết ông Sơn là người “lừa gạt” ông Khai. Dường như hai báo là hai cái loa phát ngôn cho hai phía vậy.
Theo lời ông Sơn kể hai người đã quen nhau từ 20 năm trước. Ông Khai đã chữa hết bệnh mỡ máu cho ông Sơn: “… thuốc anh tốt thật, tôi rất biết ơn anh Khai và thân nhau từ đó”. Sau một thời gian gặp lại, ông Khai đã mấy lần xin vay tiền ông Sơn để trả những khoản tiền nợ mấy chục tỉ với lãi suất cắt cổ khoảng 20%/ tháng , ông Sơn đã cho vay. Nhưng rồi ông Khai đã thú thật là còn nợ đến 286 tỷ, lãi hàng tháng 11 tỷ và nói muốn bán toàn bộ tài sản cho ông Sơn. Ông Sơn đã mua với tổng giá trị là 227 tỉ, bao gồm  thương hiệu, bản quyền sản phẩm, cây cối, hoa màu, đất đai, toàn bộ tài sản trên đất.
Nhưng trong đơn kêu cứu ngày 10/8/2011 gửi các cơ quan truyền thông, ông Khai lại nói rằng: “Theo hợp đồng chuyển nhượng tài sản và cổ phần, ông Sơn còn phải trả chúng tôi hàng trăm tỉ đồng”. Cụ thể, theo Nguyễn Hữu Trường, con ông Khai, tranh chấp phát sinh khi hợp đồng mua bán có câu: tổng giá trị hợp đồng là 227,5 tỷ đồng và kết thúc bằng dấu hai chấm rồi xuống dòng: Giá trị toàn bộ diện tích đất 53.382,7 m2 là 164 tỷ đồng và giá trị công trình xây dựng trên đất là 63,5 tỷ đồng. Nếu cộng 2 khoản đó thì đúng bằng số tiền 227,5 tỷ đồng, không còn dư đồng nào để trả cho thương hiệu, vốn cổ phần.
Nhưng PetroTimes lại có bài Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long Nguyễn Hữu Khai và 9 điều 'trước sau không như một' đã nêu một chứng cứ chứng tỏ thực chất việc mua bán đã xong: “Tại biên bản ngày 8/6/2011, Tập đoàn Y dược Bảo Long (lúc này đã thuộc Bảo Sơn) đồng ý bán thương hiệu và bản quyền sản xuất 15 mặt hàng được Bộ Y tế cấp phép cho ông Nguyễn Hữu Khai với giá 300 triệu đồng. Như vậy lập luận cho rằng, Bảo Sơn chưa thanh toán tiền thương hiệu cho Bảo Long là thiếu cơ sở”.
Vậy trong hợp đồng còn có chỗ như con ông Khai nói là do sự sơ suất của ông Sơn. Ông Sơn đã để tồn tại cái chi tiết mâu thuẫn chết người mang tính chất “văn bản học” đó. Chính chi tiết này dẫn đến tình trạng phi lý: cả hai cùng có lý. Văn bản chung và thực tế thì chuyện mua bán đã xong. Vì có xong mới có chuyện ông Khai mua lại thương hiệu chứ. Nhưng cái chi tiết “chết người” trong văn bản mua bán thì lại chỉ ra có sự vô lý: giá trị thương hiệu bằng 0. Vì vậy, cái cần xét của những người có chức trách ở đây là ai có lý nhiều hơn mà thôi.
Với ông Khai, thực chất là do tham vọng quá lớn, đã bóc ngắn cắn dài, giật gấu vá vai, cùng đường gặp ông Sơn cầu cứu và đã được cứu, như “chết đuối vớ phải cọc”. Nhưng xong việc thấy cơ nghiệp mất trắng thì tiếc, đã vin vào chỗ ông Sơn sơ hở đòi lại một phần cơ nghiệp. Tiếc là lòng tham đã làm ông quẫn trí, từ một tài năng đức độ, chữa được bao bệnh nan y cứu giúp bao người, bao người nhớ ơn, vậy mà theo bài 'Thông điệp trắng', 'thông điệp đen'... , ông Khai từng viết thư cho ông Sơn:
Hà Nội ngày 11/7/2011
Anh Nguyễn Trường Sơn kính mến!
Vừa qua em có nhiều uẩn khúc mà em lại có tật xấu là không kiềm chế được mình. Muốn xả ra cho nhẹ dạ. Em nhẹ được nỗi lòng thì lại làm anh buồn và nặng lòng vì em. Nay khi bình tâm em nhận thấy những lời ứng đối với anh qua điện thoại là vô lễ, giữa cấp dưới với cấp trên, giữa người em với người anh kính mến. Mong anh thật tình lượng thứ cho em.
Với thư gửi cho anh và cho cháu Thủy. Thư từ thì chỉ để tâm sự, để trao đổi (không mang tính pháp lý), tuy nhiên cũng làm anh nặng lòng thêm. Còn em có gì uẩn khúc thì đã nói ra hết rồi, nghĩ sao nói vậy, nói sao làm vậy. Em chẳng có ẩn ý, ám ý gì đâu anh ạ!
Tính cách em vẫn thế nên nhiều khi làm mất lòng anh em, bạn bè. Mong anh bỏ qua cho em. Em xin hứa từ nay sẽ thận trọng và bình tĩnh, không làm anh buồn lòng vì em nữa.
Anh kính mến!
Toàn thể cán bộ, công nhân viên và học sinh Bảo Long cùng em là người đứng đầu, đã tôn vinh anh là người lãnh đạo cao nhất với cương vị là Chủ tịch HĐQT. Mọi việc anh toàn quyền sắp xếp quyết định. Chúng em xin tuân theo. Mong anh tin vào những khả năng sẵn có của em, giao việc cho em.
Em nguyện sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để anh vui!
Kính thư!
Nguyễn Hữu Khai
Nhưng rồi ông lại có những hành động, dù không trực tiếp cũng gián tiếp gây ra, theo kiểu côn đồ. Ông Sơn đã cho biết phía ông Khai đã gởi một loạt tin nhắn xúc phạm, kể cả việc đe dọa tính mạng của gia đình ông: “…bọn tao thề sẽ cho thằng con trai duy nhất và 4 đứa cháu tàn phế suốt đời. Chỉ vài năm nữa mày chết đi mà không sống tử tế thì vợ và con cháu mày sẽ không yên với bọn tao đâu. Để xem mày chết có nhắm mắt được không?”, v.v…
Thật tiếc, Nguyễn Hữu Khai, một lương y có thành tựu đến nước ngoài còn phải cấp bằng tiến sĩ, một võ sư siêu đẳng, tay không đấm xuyên tường gạch, gươm giáo đâm thịt da không thủng. Vậy mà tham, sân, si đã đâm nát được sự nghiệp và danh tiếng của ông. Ngay việc ông bốn lần lấy vợ cũng là chuyện lạ. Lạ hơn nữa, Đông Y và võ học liên quan rất nhiều đến Đạo Phật, nhưng xem chừng ông Khai cũng không thấm Đạo Phật được bao nhiêu, khi Đức Phật dạy rằng tham, sân, si chính là nguồn gốc của khổ!
Riêng tôi vẫn thấy rất tiếc nếu ông Khai bị đi tù, tài năng rất hiếm của ông sẽ thành vô dụng, những việc làm dở dang nhưng rất có ích của ông sẽ tan vỡ. Tài năng là vốn quý, ngành Đông Y mất bao tiền, mất bao năm sẽ đào tạo ra được một Nguyễn Hữu Khai mới? Còn sai phạm của ông chủ yếu là do khả năng kinh doanh hạn chế, tham vọng vượt quá khả năng bị đẩy đến đường cùng, nên mới có những chuyện túng làm liều!
24-6-2013