ĐÔNG LA
RỒNG NHỐT AO TÙ
Mấy ngày nay có 2 “con rồng” (sinh năm 1952,
Nhâm Thìn) đang cưỡi mây gọi gió thì bị nhốt ao tù. Ông Đào là nhà văn viết
bừa, ông Khai là lương y làm bừa. Ông anh 2 vợ tôi cũng Nhâm Thìn chỉ là dân
thường, không là gì nhưng lại sướng. Hai đứa con, đứa lớn học dở trường học
nhưng lại giỏi trường đời, kinh doanh thành đạt bên Đức; đứa nhỏ học siêu
đẳng, sắp đậu tiến sĩ công nghệ sinh học cũng bên Đức. Hai vợ chồng tôi mới
tiễn hai vợ chồng lão ở sân bay, bởi hai đứa con bắt vợ chồng đi Đức chơi,
đang “bị” vi vu khoảng chục nước phía trời Tây! Còn ông Đào cũng từng vi vu
trong không gian “thế sự, văn chương, tâm linh” của ông. Có điều ông
cứ ngỡ mênh mông lắm mà không hiểu rằng nó đã bị khuôn trong một phạm vi rất
tối, rất hẹp bởi tâm trí ông, vì thế nên ông đã bị nhốt. Còn ông Khai, một
lương Y, võ sư, không gian của ông cũng mênh mông mang đậm bản sắc phương
Đông. Nhưng tôi nghĩ không phải do ông trí thấp tâm tối như tay nhà văn Viết
Bừa kia mà là do tham vọng của ông đã vượt quá sức của ông nên đã khiến ông
“gãy cánh”!
Cùng là chuyện người ta bị bắt, với Đào viết
bừa, Nhất nhìn “lác” khiến lòng tôi nhẹ nhõm bao nhiêu thì với ông Khai lòng
tôi thấy nặng nề bấy nhiêu.
Tôi và ông Khai chẳng dính dáng gì với nhau,
chỉ biết mà không quen, vậy mà thấy ông bị bắt cứ thấy lòng trĩu nặng. Tôi đã
đọc sách viết về ông, xem phim chiếu về ông, thấy cuộc đời đúng như Đức Phật
nói là bể khổ. Được tái sinh kiếp người là ở cõi thiện nhưng vẫn phải trải
luân hồi, trả nghiệp báo. Dù cuộc đời toàn nhung lụa, mỗi bước đều trải thảm
nhưng đã là sắc thì vẫn khổ bởi sự vô thường. Nay trẻ mai già, nay khỏe mai
bệnh, nay đoàn tụ mai chia ly… Phải chăng vì tôi và ông Khai có sự tương đồng
nên đã sinh sự đồng cảm. Cả 2 cùng từng là lính, cùng từ Bắc vào Nam. Dù quy
mô khác nhau nhưng ông Khai làm thuốc thì tôi cũng làm thuốc, tôi viết văn
làm thơ thì ông Khai cũng viết văn làm thơ, tuổi thì ông hơn tôi mấy tuổi coi
như cùng trang lứa.
Lần đầu tôi biết đến ông Khai là đang ở nhà
Nguyễn Quang Thiều. Hồi ấy Thiều chỉ là biên tập viên ở báo Văn nghệ, chuẩn
bị khai sinh tờ Văn nghệ Trẻ, nhưng đã rất nổi tiếng.
(Tại phòng
của Thiều ở báo Văn nghệ thời ra VN Trẻ)
Ông Khai cũng dân Hà Tây nên rất mê Thiều.
Thiều khoe ông ấy tặng máy tính hay sao ấy và đưa tôi coi bản thảo thơ lục
bát viết tay của ông Khai kể lại chuyện ông tòng quân. Tôi thấy chỉ là văn
vần thôi và ông Khai không có tài văn chương. Nhưng về lĩnh vực Đông Y và võ
công thì khác, ông Khai quả là một người mà buộc tôi phải nể phục.
Về dược tôi có điều kiện hơn ông Khai rất
nhiều. Tôi được đào tạo về hóa cơ bản ở trường Đại học Tổng hợp, ra trường
được làm ở Viện nghiên cứu về Dược của Bộ Y tế, từng làm chủ nhiệm đề tài
chiết xuất thuốc chống ung thư Vinblastine từ cây dừa cạn giá hàng triệu USD
một ký. Vì là kỷ niệm nhớ đời nên những ghi chép thí nghiệm từ năm 1988 tôi
còn giữ đến tận hôm nay. Biết đâu sau này tôi nổi tiếng, chắt chít có thể
mang đi đấu giá?
(Viết thế
này mà cũng đọc được)
Vậy mà tôi chỉ lập ra được một cái xưởng
nhỏ, chế ra vài sản phẩm nông dược chỉ để kiếm sống chứ không tạo ra được một
sự nghiệp đồ sộ như ông Khai. Tôi cũng rất thích tiền, thích tiêu tiền, nhưng
lại không có chí làm tiền, mà lại cứ thích nghĩ vẩn vơ, quan tâm đến những
chuyện đâu đâu không thiết thực, nên người ta hay nói tôi “hâm” là vì thế. Âu cũng là do phải trả
cái nghiệp viết?
Còn ông Khai ban đầu về thuốc đúng là tay
trắng, vượt biên sang Tầu mới được một người truyền nghề cho. Nhưng biết bao
bác sĩ Đông Y tốt nghiệp đại học đàng hoàng còn không ăn thua gì, nên ông
Khai nếu không có thiên tư, không có duyên, không có chí thì không thể làm
nên được nghiệp lớn. Mà lĩnh vực Y học thì không thể làm bừa được. Nếu đi lừa
người ta thì chỉ có thể lừa được vài mẻ, còn xây nhà, dựng xưởng, sản xuất
lớn thì buộc phải làm tử tế. Thuốc có tốt mới bán được. Vậy mà ông Khai không
chỉ làm lớn mà còn làm rất lớn; và không chỉ lớn mà còn rất rộng, mở cả bệnh
viện, cả trường học. Chỉ có một ý chí sắt thép mới có thể làm được vậy. Xem
video thấy ông vận công đấm xuyên được tường gạch thì ông đúng là có ý chí
sắt thép thật. Bởi theo triết học Mác vật chất quyết định ý thức mà.
Vậy mà hôm nay nhìn ảnh ông bị dẫn độ, tay
phủ áo để che đi cái còng số 8 thì thật đau lòng:
Rất mong pháp luật cũng như dư luận
cần phân biệt, cùng phạm luật nhưng bản chất các hành động khác nhau. Việc
nói bậy, viết bậy, làm càn mang bản chất xấu thì dù có làm thế nào thì cũng
vẫn là xấu. Việc bắt đám Đào, Nhất, dẹp những blog đen như dọn hố rác, ổ dịch
bệnh. Còn việc làm ăn chân chính luôn là điều tốt, có điều cái gì cũng có
luật, nên có chuyện làm đúng, chuyện làm sai. Với ông Khai, việc kế thừa tinh
hoa y học phương Đông, chế ra được những dược phẩm chữa bệnh hiệu quả thì
thật đáng quý. Việc ông sai là do ông kém về chuyện kinh doanh, tham vọng của
ông vượt quá khả năng tài chính nên đã phạm luật. Nên sai phạm dạng như của
ông pháp luật cũng như dư luận cần có cái nhìn nhân văn. Nhà nước hoàn toàn
có thể góp phần đầu tư để duy trì và phát triển những dược phẩm giá trị,
những bệnh viện, trường học tốt mà ông Khai đã dựng lên. Nhà nước cũng lợi,
công nhân viên những cơ sở đó cũng giữ được việc làm, tài đức về dược, về võ
công rất hiếm của ông Khai vẫn được sử dụng. Ông Khai có điều kiện giải quyết
được những sai phạm. Còn lạnh lùng kết án ông Khai theo những điều luật mang
tính cơ học thì sẽ bị thiệt hại nhiều mặt cho nhiều người cũng như cho xã hội.
18-6-2013
|