ĐỌC BIÊN ĐỘ
CỦA TRÍ TƯỞNG TƯỢNG
(Phê bình Tiểu
luận của Đông La.
Nxb Văn học, H.,
2001)
PGS.TS. NGUYỄN
HỮU SƠN
(Viện Văn học)
Đến với văn chương bắt đầu từ những
trang thơ (Giải thưởng cuộc thi thơ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh 1986; Tặng
thưởng thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1998); xuất bản tập thơ Đêm
thiêng (1986) và viết văn xuôi Những dấu vết không phai (Tập truyện,
1988); Những khúc quanh cuộc đời (Truyện ngắn, 1997), cây bút cựu
chiến binh – kỹ sư ngành hóa dược Đông La (tên thật là Nguyễn Huy Hùng) (Giải
A Sáng tạo Khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, 1993) còn xuất hiện trên các
trang lý luận phê bình văn học (Tặng thưởng phê bình của Tạp chí Văn nghệ
Quân đội, 1997). Không chỉ viết ở mục điểm sách, bình văn,
Đông La tích cực tham dự nhiều cuộc luận chiến văn chương, vừa bàn luận tay
đôi tay ba về lý thuyết vừa cập nhật phê bình trực diện nhiều tác giả - tác
phẩm đang là “hiện tượng” trên văn đàn, góp phần đẩy cho nhịp độ đời sống phê
bình trở nên sôi nổi hơn trong mấy năm qua. Có thể nói tập phê bình - tiểu
luận Biên độ của trí tưởng tượng của Đông La vừa được Nhà xuất bản Văn
học cho ra mắt bạn đọc chính là sự thể hiện những tìm tòi suy nghĩ, đóng
góp bước đầu của tác giả trong suốt khoảng nửa thập kỷ qua đối với đời sống
phê bình văn học…
Phần II: Ở giữa
khoảng sáng tối… luận bàn một số tập sách cũng như mấy phong cách phê
bình nổi bật gần đây (Đỗ Văn Khang, Đỗ Minh Tuấn, Trần Mạnh Hảo, Trần Đăng
Khoa…). Một lần nữa bản lĩnh phê bình của Đông La lại được thử thách. Vượt
qua tầm mức khen chê xuôi chiều, “dĩ hòa vi quý”, Đông La góp thêm tiếng nói
riêng, bổ sung thêm những cách lý giải, hình dung mới trên từng phương diện
học thuật cụ thể. Điều đáng quý là anh biết giới hạn vấn đề trong phạm vi
trao đổi học thuật, tránh suy diễn, nói quá, quy kết một chiều…
Phần phụ lục:
Những ý kiến về tác giả Đông La gồm những trích đoạn nhận định của
Đỗ Minh Tuấn, Phạm Quang Trung, Bùi Việt Sơn, Văn (?) và hai bài: đọc tập
truyện ngắn Những khúc quanh cuộc đời và điểm tập thơ Đêm thiêng
của Trần Nhã Thụy và Hoài Anh. Điều khác người là Đông La không chỉ chọn
những lời có cánh khen ngợi văn mình mà lại trích dẫn ý kiến phê phán, tranh
luận ngược chiều – cái điều dễ làm nản lòng chính chủ thể tập sách. Tôi
không hiểu Đông La tiếp nhận được bao nhiêu phần…, song một thái độ như thế
tỏ ra thật trung thực, đàng hoàng, có lẽ cũng nên coi là lối chơi đẹp của
người viết phê bình.
Đọc các trang phê bình của Đông La
thấy rõ anh có vốn kiến thức khá sâu rộng. Nhiều vấn đề nan giải, chưa dễ có
ý kiến thống nhất như thơ siêu thực, chủ nghĩa hiện đại, cách tiếp cận thơ
hiện đại, quan niệm sự khác biệt tư duy Đông – Tây qua phương thức “chủ
biệt”, “chủ toàn”… hay việc trao đổi về sự đoán định tương lai văn hóa
được anh suy nghĩ nghiêm túc, trình bày có căn cứ ,lớp lang, hệ thống. Có thể
cái nhìn khúc chiết trên cơ sở khoa học tự nhiên đã giúp anh phát huy được
thế mạnh này. Qua từng trang viết anh thường xây dựng điểm tựa trên quan điểm
duy vật lịch sử và biện chứng, chú trọng vận dụng những thành tựu khoa học
hiện đại để thuyết minh, biện giải, kiểm chứng các vấn đề văn hóa – văn học.
Điều này lý giải vì sao Đông La dễ đồng cảm với những sáng tạo giàu suy tư,
có khả năng khơi gợi cái mới. Là người có ý thức cổ vũ sự tìm tòi cái mới
song trước sau Đông La vẫn không phủ nhận quá khứ, không quay lưng lại các
giá trị cổ điển. Khi khác Đông La phê phán quyết liệt kiểu văn chương xa rời
đời sống dân tộc, “văn chương của những dục vọng”, “luôn tự cho mình cái
quyền phán xét tất cả, lăng mạ tất cả, luôn tuyệt đối hóa những nhận định chủ
quan một cách cực đoan, làm méo mó thực tại”, từ đó nhấn mạnh quan niệm
về những sáng tạo nghệ thuật chân chính: “Tôi nghĩ, một nhà văn có thể viết
tất cả mọi chuyện thuộc về cuộc sống con người, nhưng phải trung thực, toàn
diện, phải bằng cái nhìn của lương tri, của văn hóa” (tr.170-172).
Phê bình văn học vốn là công việc luôn đòi hỏi phẩm chất trung thực và tính khoa
học, bản lĩnh cá nhân trước mỗi vấn đề học thuật cụ thể và tinh thần trách
nhiệm cao trước xã hội. Đọc Biên độ của trí tưởng tượng, chúng ta ghi
nhận Đông La bước đầu đã định hình rõ nét những phẩm chất này. Dù có những
điểm này điểm khác còn khơi gợi tranh luận, đánh giá khác nhau, song xét trên
định hướng lớn, tập sách đã tạo được sự quan tâm của dư luận và thật sự có
đóng góp cho đời sống văn học đương đại.
(Trích Báo Nhân
Dân, số 17030, 6-3-2002)
|