ĐÔNG LA
NGHIỆP VIẾT
Từ hôm nay tôi sẽ mở chiến dịch PR cho cuốn Bóng tối của ánh sáng, kể vài nét chính hành trình ra đời của nó.
Khởi đầu từ câu nói khích của Nguyễn Quang Thiều hơn một năm trước đây: “Một cái đầu như ông mà không viết thì ông
có lỗi với chính ông. Ông tập trung bài vở lại đi, tôi sẽ in cho ông 1 cuốn”
đến các bước tiến hành: từ chuyện tập hợp bài viết, cắt gọt, chỉnh sửa để
thành nội dung một cuốn sách đến chuyện đặt tên, viết lời giới thiệu, dàn
trang, thiết kế bìa, tôi đã làm tất. Mắt tôi bị đục, đã thay thủy tinh thể
một bên, không còn tinh như xưa nên đã nhờ Nguyễn Hữu Sơn đọc sửa lỗi.
Về những dấu ấn trong hành trình viết văn của mình, tôi sẽ
đăng một số bài mà các nhà văn, nhà phê bình đã viết về tôi.
Mới đó mà đã chẵn 30 năm trôi qua rồi!
Từ một người mà hồi nhỏ đến khi thi đại học 20 tuổi không có
mảy may nào bận tâm về văn chương, nhưng khởi đầu con đường viết văn của tôi
tưởng không ai thuận lợi hơn thế. Những bài thơ đầu tay đã được chính Chế Lan
Viên, người được liệt vào hàng tổ sư của văn chương VN hiện đại, chọn trao
giải trong một cuộc thi; truyện ngắn đầu tay Chuyện về hai người vừa đăng, đài Sài Gòn, đài Trung ương thi
nhau đọc oang oang. Hai truyện sau, một truyện Nguyễn Khải bảo: “Cả đời nhà văn may ra viết được vài cái
như thế”, mang thi đi, ông nhà văn Trần Thanh Giao trong ban tổ chức bảo
“được giải đấy”; còn một truyện cũng mang đi thi ở cuộc thi khác,
nhà văn Vũ Thị Thường cũng bảo: “được giải
đấy”. Cuối cùng chỉ có Chế Lan viên mới đủ uy danh đảm bảo cho tôi được
giải thật mà thôi. Vì thế ngay từ hồi đó tôi đã ngán khi nghĩ về chuyện thành
bại trong văn chương, mới hiểu tại sao chữ “viết” lại được gắn với chữ “lách”.
Thấy trong thực tế có người rất bình thường nhưng thiên hạ lại bắt có tài bằng
được thì thôi, mới hiểu cái câu người ta nói: “Có tài chưa chắc nổi tiếng, nổi tiếng chưa chắc có tài”!
Tôi đã được gặp những tài danh hàng đầu VN, có những người đã
được đặt tên đường, được giải HCM, và những tên tuổi hàng đầu ở những thế hệ
tiếp theo, ai cũng nói là tôi có tài. Tính tôi vốn chắc chắn, buổi đầu tôi
rất muốn biết là tôi có tài văn chương thật hay không để còn liệu cho tương
lai của mình, nên một lần đã hỏi thẳng Chế Lan Viên: “Cháu có tài không chú?”. Ông đã cáu: “Ông tưởng tôi cho ông giải vì tình cảm riêng hở, nếu thế thì bao
nhiêu cho đủ?”.
Vậy mà sau 30 năm, cả in và chưa in, tính ra tôi đã viết hơn chục cuốn rồi, cả văn, thơ và phê bình.
Nhưng nếu không có blog, hầu hết mọi người vẫn không biết tôi là ai. Số phận
quả là nghiệt ngã thật! Tôi hiểu Đạo Phật nhưng không phải là Phật tử, còn
nguyên vẹn tham, sân, si nên nhiều lúc cũng buồn. Với tôi viết thì được chứ
lách khổ sở quá nên nhiều khi nản muốn buông bút luôn. Có điều đã là nghiệp
thì sao mà buông được. Nhưng rồi nhìn
ra xung quanh thấy có người may mắn quá mà khiếp, không buồn nữa. Trong cuốn Thượng đế thì cười, Nguyễn Khải kể đời
ông may mắn quá phát ngượng luôn, đến khi đứa con 17 tuổi chết đuối ở sông
Hồng, vợ ông đau đến vọt sữa non, đái ra máu tươi. Từ đó đi đâu ông cũng đi
sau, nhận phần luôn chọn phần nhỏ. Đến lượt người viết văn được thăng quân
hàm cao nhất VN là Trung tướng Hữu Ước, tôi đã tưởng mấy năm ông này bị tù
đầy oan khiên là đã trả giá trước cho những thành đạt hôm nay rồi, nào ngờ
chưa đủ, một đêm tôi thật kinh hoàng khi Nguyễn Quang Thiều gọi điện báo tin
vợ Hữu Ước bị tai nạn chết rồi! Vậy có không cái luật bù trừ kinh hãi này?
Thì ra cái số của tôi cũng không phải đen lắm. Có điều 30 năm
viết mà tiền văn chưa mua nổi cái ti vi, nên tôi rất mong cuốn sách sắp ra
này tôi sẽ bán và thu được ít tiền, để chứng tỏ chữ nghĩa của tôi không chỉ
vô giá mà cũng còn có giá. Rất mong các độc giả hảo tâm giúp tôi thực hiện
được mơ ước trần tục này. Xin cám ơn các bạn rất nhiều!
10-7-2013
ĐÔNG LA
|