Tôi từng có
một mối quan hệ đặc biệt với ông Nguyễn Trung, một vị cựu đại sứ, từng là trợ
lý cho cố TT Võ Văn Kiệt. Từng thư từ, gặp gỡ tâm giao, thật buồn bữa trước
ông có trong danh sách “lật pháp” thì những ngày hôm nay ông cũng có trong
danh sách “lật Đảng”. Tôi đã viết về ông nhiều, nhân có việc xuất hiện cái
“thư ngỏ” đề nghị “lật Đảng”, xin đăng lại bài này
|
ĐÔNG LA
NGUYỄN TRUNG VÀ SỨ
MỆNH CHỮ NGHĨA
Nhà văn, nhà sư phạm văn chương uyên
bác và tinh tế Paux-tov-xki, trong cuốn Bông hồng vàng, cuốn sách gối đầu
giường của tôi khi còn bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa của đền đài văn chương, đã viết
về nghề văn:
“Nghề văn không phải là một nghề thủ
công và cũng không phải là một thứ công việc. Nghề văn là sứ mệnh… Từ "sứ
mệnh" có chung một gốc với từ "tiếng gọi". Không ai hô hào con
người đi làm chuyện vặt. Người ta chỉ kêu gọi con người làm tròn bổn phận và
thực hiện những nhiệm vụ khó khăn.
Vậy thì cái gì thôi thúc nhà văn đến
với cái lao động tuyệt mỹ nhưng đôi khi cay cực kia?
Trước tiên là tiếng gọi của trái tim.
Tiếng gọi của lương tâm và lòng tin ở tương lai không cho phép nhà văn đích
thực sống trên trái đất như một bông hoa điếc và không truyền đạt hết mình cho
đồng loại tất cả cái phong phú của tư tưởng và tình cảm đang tràn ngập chính
tâm hồn nhà văn”.
Cuộc đời tôi thật kỳ lạ, tôi đi học
một ngành khoa học để kiếm sống, nhưng số mệnh lại dẫn tôi đến với văn chương. Chuyện
viết lách là lao tâm khổ tứ, cực nhọc, cũng lại chẳng có gì ràng buộc nên ý
định bỏ viết luôn thường trực trong tôi. Nhưng bạn viết, bạn đọc thì nhiều người
nói không viết là “phí lắm đấy”, đặc biệt luôn có một cái gì đó thôi
thúc, mỗi khi gặp chuyện sai trái thì không sao mà im lặng được. Phải chăng sự
thôi thúc đó chính là cái mà Paux-tov-xki gọi là “sứ mệnh”?
Tôi từng có một mối quan hệ đặc biệt
với ông Nguyễn Trung, một vị cựu đại sứ, từng là trợ lý cho cố TT Võ Văn Kiệt.
Với địa vị như vậy, tuổi tác hơn tôi vài chục tuổi, nhưng ông lại chủ động làm
quen, như thư ông viết là đi “tầm sư học đạo (văn chương)”. Chỉ có người
thông minh mới hành động như vậy vì người ta nhìn người khác bằng đầu óc chứ
không bằng con mắt thịt phàm trần. Tôi đã rất quý trọng ông là vì thế. Ông
thường gởi những bài viết tâm đắc, giàu suy tư của ông về thế sự cho tôi, trong
đó có bài Trách nhiệm lịch sử, viết cuối năm 2009, góp ý kiến cho Đại
hội Đảng XI. Đoạn kết ông viết:
“Chắc chắn các nhóm lợi ích và sự
bảo thủ sẽ có thể khép tội những đánh giá, đề nghị… là muốn thủ tiêu Đảng và chế
độ xã hội chủ nghĩa, là tiếp giáo cho bè lũ phản động... Tôi biết nói lên
những điều trong bài này là đứng giữa nhiều làn đạn. Người này có thể sẽ lên án
tôi là tội đồ phản động, … Người nọ có thể sẽ phỉ báng tôi là kẻ ngu trung, đến
giờ phút này mà còn lo níu kéo Đảng, cứu Đảng!... Song tôi đã được đi tới nhiều
vùng miền của đất nước. Có thể nói tôi thấy hầu như không có một làng xã nào ở
nước ta là không có nghĩa trang các liệt sỹ… trong đó có không ít mộ các
đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam… tôi muốn Đảng phải trả món nợ đối với
dân tộc … là xây dựng nên thể chế chính trị dân chủ của học hỏi và phát
triển”.
Phải chăng sự viết lách của Nguyễn Trung
cũng do sự thôi thúc của một sứ mệnh? Chính vì vậy, khi viết 2 bài về ông, tôi
đã đặt tựa đề tưởng không gì trang trọng hơn thế: “Có một tấm lòng”; “Dòng
đời- dòng tâm huyết”! Nhưng thú thực dù rất quý trọng ông, vẫn có nhiều vấn
đề tôi không đồng tình với ông trong các bài viết. Có điều tôi phải theo chủ
nghĩa tương đối thôi, vì đến Nguyễn Trung tôi cũng chê nữa thì còn biết chơi
với ai?
Nhưng rồi những điều tôi không đồng tình
với Nguyễn Trung đã thành hiện thực. Ông đã có tên trong “Danh sách 72”,
những người “lật pháp”. Vì vậy tôi đã phải xem kỹ lại “những dòng tâm huyết”
của ông trong bài Trách nhiệm lịch sử ngày nào, cái cơ sở lý luận cho những
thái độ và hành động của ông hôm nay.
***
Trong bài có phần đối nội, Nguyễn
Trung cho cần phải “phát huy đoàn kết, hòa hợp và hòa giải dân tộc”.
Tôi không hiểu sao đến giờ mà Nguyễn
Trung vẫn còn nói đến chuyện này, trong khi xã hội VN hoàn toàn không còn khái niệm
ta địch. Trong gia đình, chú ruột vợ tôi là cha tuyên úy, bị tù 13 năm, đã thành
cha sở nhà thờ Chí Hòa rất lớn, khi chết chủ tế đám tang là Hồng y, có lãnh đạo
quận Tân Bình tham dự. Ngoài xã hội, đã có sự trở về của rất nhiều người thuộc
chế độ cũ, từ tầng lớp lãnh đạo như Nguyễn Cao Kỳ đến các trí thức, văn nghệ
sĩ như GS Trần Chung Ngọc, Nhạc sĩ Phạm Duy, Nhạc sĩ Đức Huy, các ca sĩ
Tuấn Ngọc, Hương Lan, Tuấn Vũ, Elvis Phương, danh hài Hoài Linh, nhà báo Phương
Hùng, v.v… cùng hàng trăm ngàn bà con Việt kiều về nước trong mỗi dịp tết. Đặc
biệt có người còn xin ở lại luôn như hai nhạc sĩ Phạm Duy, Đức Huy và v.v… Hoài
Linh, Đức Huy xuất hiện thường xuyên trên tivi đến nỗi tưởng hai người chưa
từng đi đâu cả.
Vậy Nguyễn Trung còn đòi hòa hợp thì
hòa hợp cái gì? Phải chăng còn phải làm vừa lòng những người chống Cộng (thực ra
là chống đất nước) cực đoan, phải lộn ngược lịch sử, lộn ngược những chuẩn mực
của đạo lý, của thiện ác, của tốt, xấu, v.v…
Sự hòa hợp chỉ có thể có được không
chỉ từ thái độ không phân biệt đối xử của “bên thắng cuộc” mà còn phải
từ sự “biết điều” của “Bên thua cuộc”. Muốn vậy, phải hiểu biết toàn
diện lịch sử, rồi trên nền tảng của tri thức và đạo lý, trên thực tế cuộc sống
đang diễn ra trên đất nước, những người “thua cuộc” phải biết phá chấp,
biết thoát ra khỏi những mặc cảm của những người bại trận, thoát khỏi những
định kiến “mất nước” sai lầm. Làm sao hòa hợp cho được khi còn hận thù
ngút trời, khi cứ cho mình mới là chính nghĩa, trong khi thực tế cái chế độ mà
họ sống trong đó lãnh tụ người thì bị giết bởi đảo chính, người thì tuyên bố
tại vị chỉ vì viện trợ, người thì tự thấy chỉ là con rối, là bù nhìn?
Phải chăng theo ý Nguyễn Trung hòa
hợp là phải đa đảng, trong đó có đảng của Việt Nam Cộng hòa?
Bên cạnh việc kêu gọi sự hòa hợp
trong đối nội như trên, Nguyễn Trung cũng nhấn mạnh về việc cần phải từ bỏ Ý
thức hệ trong đối ngoại. Ông cho: “những thất bại nghiêm trọng của nền ngoại
giao Việt Nam
mang nặng tính ý thức hệ trong thời bình”.
Trong những khúc quanh của lịch sử,
khi Mỹ chưa bỏ cấm vận, các nhà lãnh đạo Việt Nam từng phải dựa vào sức mạnh
của “phe”, của “ý thức hệ” là lẽ tự nhiên. Trong tình trạng như ngàn cân treo
sợi tóc, đất nước ta đã vượt qua được những khúc quanh đó như có phép mầu, để
đến được những ngày hôm nay. Bây giờ mà Nguyễn Trung còn suy nghĩ như trên thì
thật là lạc hậu. Hiện tại Ý thức hệ không còn là chuyện phân chia chiến tuyến
mà chỉ là lý tưởng phấn đấu. Việc nước ta theo “ý thức hệ” nào là chuyện riêng,
không ảnh hưởng gì đến ai. Vì thế chúng ta đã thực hiện được một Nền Ngoại Giao
đa phương đại thành công. Từ các nước có quan hệ truyền thống đến các nước cựu
thù như Pháp, Nhật, Mỹ, chúng ta đều có mối quan hệ tốt đẹp. Không chỉ quan hệ
suông mà còn là đô-la, là kinh tế. Viện trợ ODA của Nhật luôn dẫn đầu và ở mức
mấy tỉ USD. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của ta. Mới đây quan hệ Việt-Mỹ đã
được nâng lên mức “toàn diện”. Vì vậy Nguyễn Trung nói “nền ngoại
giao Việt Nam thất bại do mang nặng tính ý thức hệ” xem chừng
là “xuyên tạc”.
Có tất cả những quan điểm như vậy
đơn giản là vì bởi Nguyễn Trung cho rằng:
“Điều đặc biệt nguy hiểm là quá trình
“đảng hóa” đang được coi là phương thức lãnh đạo toàn diện và tối ưu”; “Đảng
đang từng giờ từng ngày đẩy lùi Đảng từ vị trí đảng lãnh đạo xuống vị trí đảng
cai trị”. Để rồi đến những ngày hôm nay ông có tên trong danh sách “lật
pháp”, đòi xóa bỏ sự hiến định quyền lãnh đạo của Đảng, từ bỏ Chủ nghĩa Mác -
Lê Nin, thực hiện đa đảng, tách quân đội, công an ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng.
Tóm lại, ông muốn xóa trắng lịch sử, không dựa trên thực tiễn xã hội Việt Nam,
trở thành một thứ con chiên mới của giáo điều cũ là “nhà nước pháp quyền”.
Có điều, là một cán bộ cao cấp
của Đảng nhưng ông đã nhận định sai về nội tình của Đảng mình khi ông cho sự lãnh
đạo là “Đảng hóa”, giống như những người chống đối cho là “toàn trị”.
Theo tôi nếu sự lãnh đạo mà “Đảng hóa” được, “toàn trị” được thì
quá tốt. Đơn giản là vì Đảng là một tập thể rất rộng không phải là một cá nhân.
ĐCSVN với truyền thống, với lý tưởng, cương lĩnh, điều lệ như thế, thì dân Việt
còn gì hạnh phúc hơn khi được “toàn trị”. Bởi mục tiêu của Đảng là đưa VN trở
thành một nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh kia mà;
mỗi cán bộ đảng viên như Bác Hồ nói là “công bộc của dân” kia mà.
Tiếc là không phải có tình trạng như
Nguyễn Trung và những người chống đối nói, không phải có tình trạng “Đảng
hóa” mà thực tế đang có một sự phân hóa trong Đảng. Như chính TBT
Nguyễn Phú Trọng nói: “đã có giai cấp trong Đảng”. Trong quá trình phân
hóa đó đã tạo ra những nhóm tha hóa, nhất là những người trong các lĩnh vực
liên quan đến vật chất, tiền bạc, đã tạo nên tầng lớp mà dư luận gọi là “tư bản
đỏ”.
Nước ta còn yếu kém mọi mặt, kể cả
trình độ chính trị, nghĩa là cái cơ chế đang vận hành xã hội còn nhiều yếu kém,
nên Đảng không thể “toàn trị” được. Chính vậy mới có tình trạng như Chủ tịch
Trương Tấn Sang nói: “Đụng đâu vướng đó”. Việc tăng quyền tự chủ cho các
lĩnh vực kinh tế nhưng lại thiếu các biện pháp giám sát, vô hình chung đã tạo
ra những vương quốc nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng. Có thế mới có chuyện người
ta thoải mái mua tầu cũ, ụ nổi sét gỉ về “trưng bầy” chơi!
Vì vậy cần phải nhận ra những khiếm
khuyết, sai trái để bổ sung, sửa chữa, để Đảng vững mạnh, tốt đẹp như xưa, thực
hiện được sứ mệnh cao cả, đưa đất nước đến dân giàu, nước mạnh, xã hội công
bằng, dân chủ, văn minh. Điều này dễ hơn, thực tế hơn và tốt đẹp hơn ngàn vạn
lần chuyện Nguyễn Trung và những người cùng hội cùng thuyền, nhân cơ hội đảng yếu,
đòi đa đảng, thay Hiến Pháp, chẳng khác gì giết Đảng của mình, đưa đất nước đến
xáo trộn, bần hàn!
Ta hãy xem cụ thể giải pháp của
Nguyễn Trung: “Chìa khoá để xoay chuyển là thiết lập một thể chế chính trị
dân chủ…Sớm muộn phương thức này tất yếu sẽ dẫn tới đa nguyên, đa đảng”.
Có điều khi viết như vậy, Nguyễn
Trung cũng lại rất biết con đường đa nguyên rất dễ dẫn tới “máu, nước mắt và
hỗn loạn”. Ông cũng thừa nhận “sự thật là nhiều quốc gia độc lập, có chế
độ đa nguyên đa đảng, mà từ nhiều thập kỷ nay chưa làm sao thành công được trên
con đường phát triển của dân chủ, thậm chí có những nước đang rơi vào hỗn loạn”.
Theo ông: “nhất thiết nên loại ngay từ đầu … con đường dân chủ đa nguyên hỗn
loạn tìm đường đi lên thể chế dân chủ của phát triển”; “con đường dân chủ của học
hỏi và phát triển”.
Nhưng học hỏi cái gì? Từ ai?
Bởi với Thái Lan thì ông cho là thứ
đa nguyên “xanh, đỏ, vàng”, với các nhóm “dưa hấu” , “cà chua”, “dưa
gang”… “từ nhiều thập kỷ nay thao túng Thái Lan, đứng trên luật pháp”.
Với Nga ông cho kinh nghiệm “shock
therapy” (liệu pháp sốc) và các cuộc “cách mạng da cam, da quýt” tại một
số nước trong Liên bang Xô viết cũ là “những bài học cay đắng”.
Với Trung Quốc ông cho là một sự “phát
triển chủ nghĩa tư bản gần như với bất kỳ giá nào”, dựa trên sự “bóc lột?”
công sức của khoảng 800 triệu dân lao động, “lợi dụng được triệt để bối cảnh
thế giới ngày nay” với một chính sách quốc gia “khôn ngoan đến tàn bạo”,
trên cơ sở “hy sinh lợi ích các nước khác”.
Còn với “các nước phát triển nhất”
Nguyễn Trung thấy “cũng muôn vàn khó khăn và không hiếm thất bại, ngay cả ở nước
Mỹ hiện nay!” Ông cho biết từ hai chục năm nay chính phủ Mỹ đã bị các giới
nghiên cứu khác nhau trong nước phê phán gay gắt, coi chính sách của Washington
D. C. (Chính quyền Mỹ) phá hoại giấc mơ Mỹ từ A đến Z; đang biến nước Mỹ thành
con nợ lớn nhất thế giới!
Vậy không có nơi nào, không có ai
trên thế giới để ta học hỏi cả. Có chăng chỉ trông đợi vào Nguyễn Trung mà
thôi. Có điều ông cũng lại chưa nghĩ ra, hoặc đã nghĩ ra nhưng còn đang giấu?!
Hơn nữa một đất nước mà trình độ
người dân làm chủ bản thân và gia đình còn khó sao làm chủ đất nước? Đến tầng
lớp trí thức kể cả Nguyễn Trung còn sai tùm lum thì liệu dân chủ có phải là
phép tiên cho VN?
Nhớ lại hồi tôi viết trên Talawas có
một cây viết Việt kiều Pháp là Phong Uyên, cũng là một người chống đối ghê
ghớm. Ông này không thích tôi viết những ý “bảo vệ chế độ”, nhưng lại rất mê
tôi viết những ý phản biện, từng nói đọc tôi sung sướng như được uống rượu vang
Pháp được định niên hạn (millésime), bảo có bài “đáng được "millésimé
năm heo vàng"”. Phong Uyên cũng từng phản bác hoàn toàn bài Trách
nhiệm lịch sử của Nguyễn Trung, cho những giải pháp của Nguyễn Trung là “chỉ
nhắc đi nhắc lại những khẩu hiệu sáo rỗng”.
Điều này theo tôi là rất nguy hiểm.
Bởi với một việc con con cũng chưa đưa ra cách làm cụ thể được, huống hồ việc
vạch đường chỉ lối cho cả một đất nước. Nếu còn mù mờ thì khác gì cỗ xe đất
nước đang vượt đèo hiểm trở lại chạy theo người dẫn đường mờ mắt, làm sao xe
không rớt xuống vực thẳm! Đáng ngại hơn nữa, việc đòi đa đảng của một nhóm
người chỉ nhân danh dân chủ chứ chẳng phải vì dân vì nước gì, thực chất
họ chỉ muốn đòi chia quyền lãnh đạo của Đảng hiện tại mà thôi!
Ngay từ cái bài tôi “đánh” Phạm Toàn
để bảo vệ Nguyễn Trung trên Talawas, khi ông viết: “Chỉ cần Đảng đặt lợi ích
quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết, phát huy tự do dân chủ trong Đảng để phát
huy tự do dân chủ trong cả nước”; “đau thấu nỗi đau của dân tộc, khát vọng da
diết khát vọng của dân tộc”, tôi cũng đã e ngại cái chuyện ông “hô khẩu
hiệu” rồi, nên đã viết:
“Riêng ý cuối cùng của Nguyễn Trung
quá đúng rồi, nhưng nó mới chỉ là những mong ước lý tưởng, chứ ông chưa đưa ra
được một cách thức nào đó để có thể biến những điều đẹp như mơ ấy thành hiện
thực, để mỗi người có chức có quyền có thể thực hiện thoải mái việc “đặt lợi
ích quốc gia lên trên hết”, mà không phải gồng mình hoặc ép xác như những ông
thánh mới có thể thực hiện được”.
Tôi đã nói ra hộ ông cái giải pháp
này:
“Thời chiến tranh, trước vấn đề còn
mất, sống chết, tất cả mọi mặt của cuộc sống đều trở thành nhỏ bé, người ta rất
dễ quên mình vì nghĩa lớn, nhiều lãnh tụ có phẩm chất thánh nhân, nhiều chiến
sĩ có phẩm chất anh hùng là điều hoàn toàn có thực. Cuộc sống trong hòa bình
ngược lại. Trước cái chết con người mạnh mẽ bao nhiêu thì trước sức mạnh vật
chất con người lại yếu đuối bấy nhiêu! Ranh giới giữa những việc làm chính đáng
và bất chính vô cùng mong manh. Vậy cái bài toán này có lời giải không? Có lẽ
lại phải đọc lại Mác thôi, con người ta vật chất không đầy đủ thì ý thức sao tốt
được. Vậy phải có biện pháp sao đó để biến tất cả những đồng tiền “đen” thành
đồng lương chân chính, phân chia theo đúng nguyên lý “không sợ hàng thiếu chỉ
sợ phân phối không công bằng”. Như thế đồng lương sẽ có thể đủ cho mọi người
yên tâm làm tốt những trách nhiệm. Phải xây dựng thiết chế xã hội dựa trên cái
phần yếu kém, tham lam, xấu xa của con người để ngăn chặn; phải thấy ai cũng vì
mình trước mới vì mọi người; quan chức phải có đặc quyền đặc lợi gắn liền với
trọng trách. Cần phải phân biệt đạo đức xã hội khác với đạo đức trong đạo giáo
và sách luân lý, cán bộ đảng viên không cần phải là thánh nhân mà chỉ đơn giản
là làm tròn trách nhiệm và giữ được phẩm chất, thực thi đúng pháp luật. Với một
cơ chế hợp lý, bộ khung pháp luật vững mạnh, không cần đa đảng mà chỉ cần một
đảng, thậm chí chỉ cần vài tay lái có trình độ và bản lĩnh thôi, con tầu đất
nước vẫn đủ sức băng qua mọi phong ba bão táp của cuộc sống, tiến thẳng đến
đích “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; ngược lại nó
mãi mãi chỉ là cái khẩu hiệu suông mà thôi!”
5-9-2013
ĐÔNG LA