Trong Thư
ngỏ gửi BCH Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng CSVN của 61 cựu quan
chức, đảng viên đề nghị “lật Đảng” lại chỉ là những “gương mặt thân quen” và
thực chất chỉ là những kiến nghị “thân quen”. Lần này, cũng lại có cái khẩu
hiệu quen thuộc mà các vị hay mang ra hô “cần
phải chuyển đổi thể chế chính trị từ
toàn trị sang dân chủ”.
Tôi đã bàn rất nhiều về điều này. Trong bài phản bác
Tống Văn Công nhưng thực chất là bài tôi viết về ông tổ sư, người gieo mầm đa
nguyên đa đảng hàng đầu, khởi đầu tại Việt Nam: Trần Xuân Bách. Nay nhân có lá
thư trên xin đăng lại:
ĐÔNG LA
TỐNG VĂN CÔNG BÀN VỀ
ĐA NGUYÊN, ĐA ĐẢNG VÀ
DÂN CHỦ
Nhiều nhân
vật “có vấn đề” chính trị ở nước ta bị “xử lý” thường không được báo chí
chính thống phân tích mổ xẻ. Điều đó tạo nên một màn sương huyền thoại, cho
họ như là những người cấp tiến, xuất chúng, nên đi trước thời đại mà bị nạn.
Nhưng rồi đến thời internet, “trên mạng cái gì cũng có”, những người muốn
chống phá Việt Nam đã đưa hết cả lên những bài viết của từ Hoàng Minh Chính,
Trần Độ, Trần Xuân Bách,…, đến Hà Sĩ Phu. Thì ra tất cả các vị đã “cầm đèn chạy trước ô tô” chứ chẳng
phải xuất chúng gì, có nhiều cái sai cả về tri thức cơ bản lẫn quan điểm
chính trị. Như Hoàng Minh Chính, cựu Viện trưởng Viện Mác-Lê, mà lại cho “lịch sử phát triển khách quan của xã hội
loài người” không phải như Mác viết là“lịch sử đấu tranh giai cấp” (từ chế độ nông nô đến phong
kiến, đến tư bản, cộng sản) mà chính là “trải qua các nền văn minh đồ đá, đồ kim khí, máy hơi nước”.
Nghĩa là theo ông sẽ có “chủ nghĩa
đồ đá”, “chủ nghĩa đồ cơ khí”, “chủ nghĩa máy hơi nước”! Còn Hà Sĩ Phu
cho“Ý thức tinh thần chính là thuộc
tính chung của thế giới vật chất”, nghĩa là cho “thanh nam châm và cái thuộc tính hút sắt”
cũng là ý thức! Đến một người i tờ triết học đọc cũng phải phì cười!
Trong bài này,
qua bài viết của Tống Văn Công, tôi phân tích một chút về những quan điểm của
Trần Xuân Bách, vị cựu ủy viên Bộ Chính trị BCHTW đảng Cộng sản Việt
Nam lừng danh một thời.
|
Tống Văn Công, một trong những người
“lật pháp” (đòi thay Hiến pháp), trong nhiều bài viết cũng đã thể hiện quan điểm
của mình về đa nguyên, đa đảng và dân chủ. Trong bài Hầu chuyện Trần
Xuân Bách (Viet-Studies 6/9/2012), trước khi kể cuộc phỏng vấn với nguyên
UVBCT Trần Xuân Bách, Tống Văn Công cũng nhắc đến và ủng hộ quan điểm của Bùi
Tín: “Theo Bùi Tín, bản chất cuộc sống là đa nguyên… Phải đa nguyên mới thực
sự dân chủ”.
Còn Trần Xuân Bách, Tống Văn Công
cho là “một người tài đức song toàn”, có “tư tưởng cao cả”, với rất
nhiều quan điểm sau đây:
Thứ nhất, Trần Xuân Bách cũng như
Bùi Tín cho: “Bản chất của cuộc sống là đa nguyên. Đổi mới chính là thuận theo
bản chất cuộc sống xã hội vốn mang tính đa nguyên cả về kinh tế, chính trị, văn
hóa”.
Đa nguyên nghĩa tổng quát là đa dạng. Nguyên là
bản nguyên, khởi nguyên, nguyên lý, nguyên do, v.v… Cuộc sống về hình thức là
đa nguyên, là sự tồn tại, sự sống, sự biến đổi của muôn vật, muôn loài. Nhưng
sự vận động, biến đổi, phát triển, về bản chất, lại là nhất nguyên. Dù vô vàn
thứ khác nhau như vậy, nhưng muốn tồn tại và phát triển, buộc phải tuân theo
những quy luật chung. Như người này khác người kia, dân tộc này khác dân tộc
kia, loài này khác loài kia; vô vàn các biến đổi lý học, hóa học, sinh học, v.v…
nhưng đều phải tuân theo quy luật của di truyền nói riêng và của khoa học nói
chung.
Với thể chế chính trị cũng vậy, tùy theo
lịch sử, trình độ phát triển và điều kiện tự nhiên của mỗi nước, một thể chế
phù hợp sẽ là tốt nhất cho sự ổn định và phát triển. Vậy chính sự phù hợp mới
là quy luật chứ không phải đa nguyên, đa đảng là quy luật. Có điều thế nào là
phù hợp mới là khó khăn nhất. Chính vậy người ta phải đi tìm kiếm, và không có
gì có sẵn cả mà chỉ có thể dần hoàn thiện mà thôi.
Nhìn vào thực tế, ta thấy đa đảng hay
độc đảng không phải là cái quyết định cho sự phát triển. Cùng độc đảng, có nước
phát triển, có nước không (như Xinhgapo và Triều Tiên chẳng hạn); cùng đa đảng,
cũng có nước phát triển, có nước không. Nhưng cũng phải hiểu, có nước đa đảng,
nhưng thực chất chỉ là những nhóm khác nhau, không có nền tảng lý luận riêng,
chỉ cùng chung mục đích là giành quyền lực để mưu cầu lợi ích cho nhóm của
mình.
Với nước Mỹ, theo Noam Chomsky, người
mà tờ tạp chí Anh Prospect đã cho là nhà trí thức hàng đầu trên thế giới, đã
trả lời Tạp chí SPIEGEL của Đức.
SPIEGEL: Như vậy theo ông thì phe
Cộng hòa và phe Dân chủ chỉ là những dạng khác nhau của một đường lối chính trị
chung?
Chomsky: Tất nhiên là có những khác
biệt, nhưng không phải là cơ bản. Đừng có ai nên ảo tưởng. Thực chất Mỹ là một
chế độ độc đảng, và cái đảng cầm quyền là Đảng Kinh doanh (Natürlich gibt es Unterschiede,
aber sie sind nicht fundamental. Niemand sollte sich Illusionen machen. Die USA sind im
Kern ein Einparteiensystem, und diese eine regierende Partei ist die
Business-Partei).
Ở chỗ khác ông nói: “năm 1787
tại hội nghị hiến pháp, James Madison, một trong những “khai quốc công thần”
của nước Mỹ, đã tán thành quan niệm rằng chính quyền nhà nước có nhiệm vụ "bảo
vệ nhóm thiểu số giàu có trước nhóm đa số"… Thậm chí một người thiên về
chủ nghĩa tự do như Walter Lippmann, một trong những trí thức hàng đầu của thế
kỉ 20, đã có ý kiến rằng trong một chế độ dân chủ hoạt động tốt thì nhóm thiểu
số thông minh, đó là những người lên nắm quyền, phải được bảo vệ trước sự
"giày xéo và la hét của một bầy đàn bối rối" " (Spiegel số 41/20 ngày 06.10.2008).
Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Liên Bang
Felix Frankfurter đã từng nói:
“Những người thật sự cai trị ở Washington là vô hình, và
thực thi quyền hành từ sau hậu trường”.
Nước ta về cuộc sống cũng đa
nguyên, nhưng mục tiêu, lý tưởng là nhất nguyên, chính vậy mới có chế độ một
đảng lãnh đạo đất nước thực hiện mục tiêu, lý tưởng đó. Đảng đó chính là Đảng
CSVN, đảng không phải chỉ do một cuộc bầu cử bầu ra mà chính lịch sử đấu tranh
cách mạng và xây dựng đất nước đã “bầu” ra Đảng!
Trần Xuân Bách cho: “kinh tế nhiều
thành phần sẽ làm cho xã hội có sự phân tầng; mỗi giai tầng có quyền lợi, nguyện
vọng khác nhau, từ đó nảy sinh đa nguyên chính trị”, “Xu thế chủ yếu là
chuyển sang sở hữu tư nhân”.
Như vậy, Trần Xuân Bách muốn xóa bỏ chế
độ XHCN với lý tưởng vì đa số quần chúng lao động. Nếu cho xã hội phân tầng và
cần phải có đa đảng tương ứng, chắc chắn sẽ có một tầng mạnh nhất nắm quyền lãnh
đạo, và như vậy mọi chính sách nhà nước được đặt ra sẽ vì lợi ích của họ. Phải
chăng việc buôn bán vũ khí tự do ở Mỹ đến TT Obama cũng bất lực chính là một
minh chứng. Dù nước Mỹ rất phát triển, chủ yếu do nền tảng khoa học công nghệ,
nhưng thể chế chính trị vẫn có những bất hợp lý nên mới có quá nhiều khủng
hoảng, từ tài chính đến nhà đất, kể cả việc sa lầy vào các cuộc chiến. Không
biết có làm giàu cho ai không nhưng đã làm tổn thất cả tiền bạc lẫn máu xương
dân Mỹ, làm suy yếu chính nước Mỹ. Chính Chomsky cũng nói: “Còn ở phe bảo
thủ thì mới đây, phó Tổng thống Dick Cheney đã minh họa cách hiểu dân chủ của
mình. Khi được hỏi tại sao ông ủng hộ duy trì cuộc chiến Iraq, trong khi
đa số dân chúng phản đối cuộc chiến này, thì câu trả lời của ông ta là: "Thế
thì đã sao?”” (Spiegel số 41/20 ngày 06.10.2008).
Với nước Mỹ và các nước phát triển, các
nhà tư bản của họ làm giàu từ chí lớn, từ nền khoa học công nghệ cao, còn nước
ta với một nền tảng tiểu nông, đến nay sản phẩm cơ bắp vẫn là chủ yếu, nếu cho phân
tầng mà lập đảng, những kẻ tài nhỏ mà chí lớn nhất định sẽ có những “mánh” kiểu
maphia để tranh giành quyền lực. Như vậy, ý Trần Xuân Bách cho xã hội tự do
phân tầng, tự do lập đảng để tranh giành quyền lực thì không thể nào mà tốt đẹp
được. Một thể chế như vậy làm sao có thể tốt hơn được thể chế hiện tại được
sinh ra từ chính thực tiễn cách mạng VN!
Trần Xuân Bách cũng nói: “Đổi mới
chính trị là từng bước chấp nhận đa nguyên chính trị song song với đa nguyên kinh
tế, đúng như Marx, Engels: “Trong mỗi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ
cấu xã hội – cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra – cả hai cái đó
cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy”.
(Lời tựa cho Tuyên ngôn của ĐCS bản tiếng Đức, 28-6-1883).
Nếu tuân theo một cách thô thiển và giáo
điều Chủ nghĩa Mác thì nước ta vốn là một nước nô lệ, tiểu nông, chúng ta phải
xây dựng một thể chế chiếm hữu nô lệ mới đúng. Và như vậy Lênin cũng không thể
sáng tạo, cho cách mạng XHCN có thể thành công ở một hoặc một số nước, không
thể không chỉ từ một nền tảng tiểu nông, giữ vững được nhà nước XHCN đầu tiên
mà còn biến LX thành nước có sức mạnh chiến thắng Phát xít và thành siêu cường
đối trọng được cả với Mỹ.
Vì vậy, cần phải hiểu ý của Mác và Ăngghen
mà Trần Xuân Bách đã dẫn ở trên một cách biện chứng. Thực ra ý đó là từ nguyên
lý “quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất”. Cần phải coi lực
lượng sản xuất còn bao hàm cả ý thức thời đại. Nước ta kém phát triển, nhưng
với thời đại internet, chúng ta dễ dàng tiếp cận tri thức thời đại, nên vẫn có
thể xây dựng một thể chế theo lý luận là tiên tiến nhất, là XHCN, trên cơ sở
một nền tảng tiểu nông và tiền tư bản. Thật thú vị là nhìn tổng thể nước ta đã
đạt được những thành quả mà nếu khách quan ai cũng phải thừa nhận. Nhưng cũng
chính vì vậy, với ý tốt thì người ta cho là mầy mò sáng tạo, với ý xấu thì cho
là “chẳng giống ai”, xã hội chúng ta vẫn còn nhiều cái phải cắt bỏ, nhiều
cái phải chỉnh sửa, nhiều cái phải bổ sung. Từ đó theo quy luật “phủ định
của phủ định”, dần dần “lượng đổi chất đổi”, chúng ta mới có thể “sánh
vai cùng bè bạn 5 châu”. Đó chính là con đường tắt xây dựng CNXH, là con
đường phù hợp nhất đối với nước ta. Chính thực tiễn VN chiến thắng trong chiến
tranh, VN đứng vững qua những hiểm nguy, VN đang phát triển, đã đóng góp những
nội dung mới cho lý luận của Chủ nghĩa Mác. Còn bây giờ lại đi theo mô hình tư
bản, đa nguyên, đa đảng, tranh giành nhau như thời tư bản sơ khai của họ thì
không biết cái gì sẽ xảy ra?
Về dân chủ và tự do ngôn luận, Trần
Xuân Bách nói: “Ngày 24 tháng 9 năm 1982, Việt Nam đã ký kết gia nhập Công ước về
các quyền dân sự và chính trị. Công ước này có quy định quyền tự do ngôn luận:
Mọi người có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp; được tự do
ngôn luận bao gồm tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến bằng
các hình thức tuyên truyền miệng, viết ra, in, tự do sáng tạo các hình thức
nghệ thuật, hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng…”
Điều này thì lại chính là chuyện “cuộc
chiến xung quanh điều luật 258” mới đây mà đại diện là hai cô gái Nhật
Lệ và Đoan Trang, phần thắng áp đảo đã nghiêng về Nhật Lệ , một cô sinh viên mới
20 tuổi. Cô Đoan Trang chính là người đã đi theo bước chân của Trần Xuân
Bách, cho điều 258 Bộ Luật HS nước ta là vi phạm điều 19 Tuyên ngôn quốc tế
nhân quyền, có nội dung như ý Trần Xuân Bách ở trên.
Ta hãy coi lại nguyên bản tiếng
Anh:
“Article 19: Everyone has the right
to freedom of opinion and expression; this right includes freedom to hold
opinions without interference and to seek, receive and impart information and
ideas through any media and regardless of frontiers”.
Tôi đã viết chữ “right” có nhiều
nghĩa, trong đó nghĩa chính là lẽ phải, đúng, có lý, ngoài ra còn có
nghĩa là quyền. Như vậy chữ “quyền” ở đây không có nghĩa là quyền lực như
“power”, quyền hạn như “jurisdiction” mà chỉ tính chất đúng đắn của hành động.
Vì thế “Everyone has the right to freedom of opinion and expression” nên
dịch là: Mọi người đúng (có lý) khi tự do ý kiến và biểu đạt. Ý nghĩa
sâu xa và toàn diện của nó chính là mọi người có quyền nói ra những ý của mình,
nhưng chỉ là những ý đúng thôi, còn cố tình viết bậy, nói bậy, làm càn sẽ là
phạm pháp!
Hơn nữa, để tránh lạm dụng gây ra sai
phạm, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền còn đưa ra thêm Điều 29, trong
đó có khoản 2: Trong việc thực hiện lẽ phải và sự tự do của mình, ai cũng sẽ
phải lệ thuộc chỉ vào những giới hạn được xác định bởi luật pháp duy nhất nhằm
mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng lẽ phải và tự do của người khác và
chỉ đáp ứng yêu cầu của đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một
xã hội dân chủ. (In the exercise of his rights and freedoms, everyone shall
be subject only to such limitations as are determined by law solely for the
purpose of securing due recognition and respect for the rights and freedoms of
others and of meeting the just requirements of morality, public order and the
general welfare in a democratic society).
Thật tiếc ở ta, vì không hiểu luật nên
đã có nhiều người vi phạm điều này. Còn các vị nhân sĩ trí thức luôn nhân danh
đấu tranh cho dân chủ, nhưng điều tối thiểu của dân chủ là thiểu số phục tùng
đa số họ cũng không chịu hiểu.
Qua bài viết của Tống Văn Công tôi mới
biết điều này: “Anh Trần Xuân Bách bị kỷ luật ít lâu thì phó TBT báo Nhân
Dân Bùi Tín nhân được cử đi dự họp báo Nhân Đạo, đã trả lời phỏng vấn đài BBC
về dân chủ hóa, bị báo Nhân Dân thi hành kỷ luật, và xin tị nạn chính trị tại
Pháp. Trong bài “Xa lộ thông tin
chỉ còn lề phải” tôi có tỏ ý tiếc “Phải chi anh Bùi Tín tiếp tục nói ở trong
nước, dù lời lẽ có nhẹ hơn đôi chút vẫn dễ được đồng bào lắng nghe”.
Một người lật lọng, điêu toa, “bất
tín”, một “miếng giẻ chùi máu giầy quân xâm lược” mà công dân mạng đã
gọi, Tống Văn Công vẫn “tiếc” và cho “đồng bào” trong nước sẽ lắng
nghe thì không phải đâu. Có chăng chỉ Tống Văn Công và những người cùng hội
cùng thuyền với ông lắng nghe mà thôi!
***
Từ Hoàng Minh Chính, Trần Xuân Bách,
Trần Độ, v.v… hôm qua đến Huệ Chi, Tương Lai, Hiếu Đằng, v.v… hôm nay,
bài học cho họ áp dụng để thay đổi thể chế chính là sự tan vỡ của Liên Xô. Gần
như họ đã copy từng bước, từng hành động của những người đã đập vỡ LX ngày nào.
Đó là con đường từ Khơrútsov đến Goócbachov rồi cuối cùng là Enxin. Điều khó
hiểu là tại sao họ làm vậy? Phải chăng vì họ muốn tạo cớ giành quyền lực chứ
làm sao có thể vì dân vì nước được? Bởi sau tan vỡ LX là thảm họa. Dù chế độ
XHCN ở LX dần đi tới trì trệ nhưng chính nó đã thiết lập ở LX những tính chất
bình đẳng, bác ái tốt nhất mà chưa từng xuất hiện ở đâu trên trái đất. IVAN
DERANVIN, đã sống phần lớn cuộc đời với tư cách của một công dân Liên Xô (trên
NEWSLAND.RU, lược dịch của KICHBU), viết: “Tôi nhớ một cuộc sống như thế
nào? Đúng hơn, không chỉ đơn giản là nhớ, mà còn mang trong tim mình ký ức về
mẹ và mối tình đầu. Điều đầu tiên hiện lên trong đầu: đó là một cuộc sống vô tư
và tươi sáng. Không phải là thiên đường, mà gần gũi với mọi con người chúng ta.
Bạn không phải lo thất nghiệp và bần cùng”. Thay vào đó, các mảnh vỡ của LX
đã rơi vào tình trạng hỗn loạn mà TT Nga Putin đã cho là “thảm họa”. Sự
tư hữu hóa theo kiểu maphia mà đến Enxin cũng phải thú nhận Maphia Nga đã phát
triển còn hơn cả nơi sinh ra nó là Ý.
Việt Nam với một lịch sử bị xâu xé, trình
độ mọi mặt còn thua xa LX, nếu cũng đi theo vết xe đổ của LX, xã hội chắc chắn
sẽ tệ hại hơn ngàn lần. Vậy tất cả hãy cảnh giác!
TP HCM
1-11-2013
ĐÔNG LA