Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

HÃY TRẢ LẠI DANH DỰ, NHÂN PHẨM CHO NNC VŨ THỊ HÒA



Vĩnh Phúc, ngày 22/10/2013
HÃY TRẢ LẠI DANH DỰ, NHÂN PHẨM
Cho Nhà ngoại cảm Vũ Thị Hoà
        

        Tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều thân nhân được cô Hoà tìm giúp hài cốt liệt sĩ, muốn viết đơn kiện nhà báo Thu Uyên và gửi kiến nghị đến lãnh đạo VTV1. Để kịp thời, hai chúng tôi xin đứng tên làm trước:

1. Hà Văn Tuấn là con trai của liệt sĩ Hà Văn Bào (1933-1969), quê Mê Linh, Hà Nội:
Bố tôi hi sinh tại Cần Lê - Tây Ninh, được cô Vũ Thị Hòa giúp tìm hài cốt, quy tập ngày 29/4/2013. Khi khai quật, có 1 bình tông - khắc họ tên Hà Văn Bào-KBP, dưới đáy có: số 4, hình thoi, 1969. (Những di vật này, cô báo trước khi đào).
2. Phạm Văn Chiến - cháu của liệt sĩ Phạm Văn Lựu(1948-1969), quê  Kim Anh,Vĩnh Phúc: 
Liệt sĩ hi sinh tại huyện  Chư Pảh, Gia Lai; được cô Vũ Thị Hòa giúp tìm, quy tập ngày 30/9/2013. trong phần mộ có: 1 lọ thuốc thủy tinh  màu vàng; đáy lọ có số: 18, số 2, số 1- số 6. (Những di vật này, cô báo trước khi đào).
Thưa cộng đồng mạng- những người luôn đấu tranh vì lẽ phải, công bằng!
     Từ lâu, chúng tôi rất tin yêu, kỳ vọng vào VTV. Chúng tôi tin VTV hơn mọi cơ quan báo chí khác.
     Chúng tôi đã từng đón nhận chương trình “Trở về từ kí ức”với sự háo hức, đầy thiện cảm. Nhưng sau khi nghe chương trình này lúc 14g15’ngày 20/10/2013 thì chúng tôi bất ngờ đến sửng sốt, không còn tin VTV nữa. Hình ảnh Nhà báo Thu Uyên khéo léo, xông xáo,  hoạt bát… trong các chương trình những năm xưa, bỗng đổ sụp!
 Trong chúng tôi chỉ còn thấy một Thu Uyên nói leo lẻo, ráo hoảnh, mặt trơn trợt, vô hồn và giả dối - giả trong cách nói, giả cả cảm xúc. Tiếc ghê lắm!
    Chúng tôi không hiểu nhiều về báo chí, nhưng chúng tôi nghĩ nhà báo không thể muốn nói gì cũng được, muốn bôi nhọ ai cũng được. Luật báo chí có cho phép như vậy không ?
 Chúng tôi thực sự đau lòng khi thấy Thu Uyên sỉ nhục, bôi nhọ Nhà ngoại cảm VŨ THỊ HOÀ – ân nhân của gia đình chúng tôi. Bôi nhọ trước chương trình truyền hình trực tiếp là bôi nhọ Cô trước cả đất nước, trước thế giới. Nếu ra toà, Thu Uyên sẽ bị kết tội VU CÁO. Dùng phương tiện thông tin đại chúng Vu cáo công khai rộng như vậy, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Luật Hình sự đã nêu rõ rồi.
    Thu Uyên chưa hề gặp cô Hoà, chưa trực tiếp xem cô Hoà tìm kiếm, cất bốc hài cốt… sao dám cả gan nói cô lừa đảo, lừa tiền thân nhân liệt sĩ? Dựa vào căn cứ nào? Những chứng cứ gián tiếp mà Thu Uyên thu nhận, không được kiểm chứng nhưng cô dám khẳng định trước công chúng thì quá liều và vi phạm luật Báo chí. Hình như Thu Uyên không hiểu khái niệm lừa đảo. Đã lừa đảo thì phải có người (hoặc tổ chức) bị lừa đảo. Nhưng không có ai bị cô Hoà lừa. Thu Uyên không thể dẫn chứng được. Mục đích lừa thường là trục lợi. Nhưng cô Hoà tìm hơn 1000 bộ hài cốt giúp người vô tư, chưa hề nhận tiền hoặc cam kết nhận tiền của ai.
 Các căn cứ mà Thu Uyên đưa ra là Công văn của Cục Chính trị Quân khu 7(do ông Đại tá Vinh lúc đó sắp nghỉ hưu ký). Ông này cũng chỉ nghe cấp dưới báo cáo, chưa hề gặp cô Hoà. Lý do cấp dưới báo cáo sai có vài nguyên nhân, trong đó có cả việc họ sợ cô Hoà phát hiện việc làm gian dối để kiếm tiền, lập thành tích tìm kiếm liệt sĩ (xin được nói sau). Còn kết quả giám định pháp y thì phải do thân nhân hoặc cô Hoà cầm đi mới tin tưởng. Không thiếu những trường hợp ở nước ta đánh tráo mẫu … nhằm mục đích đen tối.
Đế nghị Ban lãnh đạo VTV1 xem xét, cho điều tra chương trình trên để đính chính trên VTV1, minh oan cho  cô Vũ Thị Hòa. Nhân phẩm một công dân thường còn được hiến pháp bảo vệ huống hồ một nhà ngoại cảm đã bỏ rất nhiều tâm sức tìm mộ liệt sĩ, trở thành ân nhân của bao gia đình. Được như vậy thì cô Hoà mới yên lòng và tiếp tục giúp các thân nhân đưa các liệt sĩ trở về yên nghỉ vĩnh hằng tại Nghĩa trang liệt sĩ.
 Hiện nay các thân thân từ nhiều tỉnh, thành phố điện cho nhau liên kết đứng tên kiện Nhà báo Thu Uyên ra toà về tội vu cáo ân nhân của mình là người tốt làm việc nghĩa. Rất nhiều người lên tiếng làm việc này vì công bằng, lẽ phải

Cùng đứng tên làm đơn:
Hà Văn Tuấn (01669004789)
Phạm Văn Chiến (0984684792)


Hà Nội ngày 25 tháng 10 năm 2013

 XIN ĐỪNG VÙI DẬP CÁC NHÀ NGOẠI CẢM 
CÓ TÂM TRONG SÁNG

Tôi là Nguyễn Thị Ngọc Lan, sinh năm 1973, hiện là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Xuân Hòa, Phúc Yên, Vĩnh Phúc.
Hộ khẩu thường trú tại: P 206 B12 Khu tập thể Đồng Xa, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tôi viết thư này để nói lên suy nghĩ của mình sau khi xem xong chương trình “Trở về từ ký ức” số 22 phát sóng vào 14h45’ chiều Chủ nhật ngày 20 tháng 10 năm 2013.
Thưa các vị  làm chương trình “Trở về từ ký ức”, tôi thật thất vọng về sự nhìn nhận  phiến diện, quy chụp của chương trình về một việc làm mang nặng ý nghĩa tâm linh, đáp ứng nguyện vọng của thân nhân liệt sỹ với sự trợ giúp hiệu quả của một số nhà ngoại cảm.
Gia đình tôi có ba liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Từ năm 1967 đến năm 1972 ông bà ngoại tôi đã liên tiếp nhận liền ba giấy báo tử của bác và hai cậu tôi, hai trong số đó không biết hài cốt, mộ phần nằm đâu trong chiến trường miền Nam. Sự đau đớn vô hạn ấy đã khiến cho gia đình tôi không ngừng mong mỏi tìm được di cốt của bác, của cậu về mai táng tại nghĩa trang quê nhà để con cháu có cơ hội chăm sóc hương khói. Trong nhiều năm liền, gia đình tôi đã nhắn tìm thông tin người thân trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có cả chương trình “Trở về từ ký ức” của VTV1. Cách đây vài năm chúng tôi đã tìm về tận đơn vị của cậu tôi là Sư đoàn 308 (đóng tại Xuân Mai, Hòa Bình) để tìm kiếm thông tin, với hy vọng lần ra được nơi cậu tôi hy sinh nhưng ngay trong tủ hồ sơ lưu trữ của đơn vị cũng không thấy bất cứ thông tin liên quan đến cậu tôi… Sự mơ hồ, thiếu hụt thông tin như vậy đã khiến cho gia đình tôi có lúc nản chí. Và chính sự lỏng lẻo trong quản lý hồ sơ liệt sỹ ấy khiến chúng tôi không thể ngồi một chỗ để trông chờ vào các cơ quan, đơn vị. Gia đình chúng tôi đã quyết định tìm đến sự trợ giúp của nhà ngoại cảm VŨ THỊ HOÀ – một việc làm mà hàng nghìn gia đình liệt sỹ đã đến với Chị.
Không thể phủ nhận một sự thật đau lòng, có quá nhiều nhà ngoại cảm “rởm”, “trá hình” táng tận lương tâm trục lợi trên xương máu của những liệt sỹ, trên nỗi đau đớn, mất mát của thân nhân liệt sỹ. Sự dối trá của họ đáng bị xã hội lên án, thậm chí cần phải trừng phạt nghiêm minh trước pháp luật.
Tuy nhiên, có không ít nhà ngoại cảm làm công việc tìm kiếm di cốt liệt sỹ xuất phát từ cái tâm, nhân tâm trong sáng như nhà ngoại cảm Vũ Thị Hòa. Nhưng đau đớn thay, Chị  Hoà vừa bị  nhà báo Thu Uyên “vạch mặt” “bóc trần” cùng  với một trong số các nhà ngoại cảm khác, trong chương trình “Trở về từ ký ức” số 22.
Trước khi nhờ nhà ngoại cảm Vũ Thị Hòa, chúng tôi đã biết đến khả năng “thấu thị” siêu phàm của chị qua lời kể, video clip của nhiều gia đình liệt sỹ đã được cô giúp đỡ. Khi được tận mắt chứng kiến chị bốc cất một ngôi mộ cho một gia đình ở Phú Thọ, thấy sự chính xác đến từng chi tiết đã khiến cho tất cả những người có mặt hôm đó sửng sốt, thán phục. Gia đình tôi đã quyết định nhờ nhà ngoại cảm Vũ Thị Hòa tìm di cốt của 2 liệt sỹ nhà mình và nhà ngoại cảm đã giúp gia đình xác định được một di cốt và địa điểm mai táng (tại huyện Chư Păh tỉnh Gia Lai). Tôi cũng tiết lộ, từ khi chúng tôi chuyển thông tin liệt sỹ (29.8.2013 – vẫn còn bằng chứng lưu trong hộp thư điện tử) đến khi lên máy bay vào Pleiku (29.9.2013 – còn bằng chứng vé máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines) chỉ trong vòng 1 tháng. Nói vậy để thấy rằng, mọi chuyện diễn ra vô cùng chóng vánh và nếu có việc tạo dựng hiện trường giả như VTV1 đã đưa tin thì thật khó thuyết phục những người như tôi.
Đi cùng gia đình tôi còn có thân nhân của ba liệt sỹ khác đến từ các tỉnh Thái Bình, Vĩnh Phúc, Nghệ An. Chúng tôi tập trung tại sân bay Nội Bài và ngay tại sân bay, nhà ngoại cảm Vũ Thị Hòa đã trao cho 4 gia đình một mảnh giấy A4, trên đó ghi thông tin của 5 liệt sỹ (1 liệt sỹ không có thân nhân đi trong đoàn) với những chứng cứ về di vật. Mảnh giấy này đã được chúng tôi đọc và chụp lại bằng máy ảnh, điện thoại trước sự chứng kiến của nhiều người. Trong đoàn chúng tôi hôm đó đến Gia Lai còn có các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người (ông Nguyễn Phúc Giác Hải và bà Quan Thị Lệ Lan); có nhà báo Phạm Thị Thu Hằng báo Hà Nội mới – những người đã trực tiếp nghiên cứu, công nhận khả năng ngoại cảm của cô Vũ Thị Hòa trong thời gian gần đây. Vào đến Gia Lai, chứng kiến công việc tìm kiếm của các gia đình liệt sỹ còn có ông Đỗ Quang Vịnh, P.Giám đốc TT tìm kiếm hài cốt liệt sỹ phía Nam; Đại tá Đào Văn Sử, hội viên Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Đại diện phía Nam báo Quân đội nhân dân; Thượng tá Trịnh Văn Hòa, cộng tác viên Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam, nguyên Phó tổng biên tập truyền hình QK 7; nữ phóng viên báo Gia Lai và còn nhiều người khác, trong đó có không ít người dân địa phương.
Địa điểm mà chúng tôi tìm thấy di cốt người thân nằm trên địa bàn xã Ia Khươl, huyện Chư păh, tỉnh Gia Lai. Đó là một cánh rừng nằm gần Quốc lộ 14, cây cối um tùm rậm rạp, thậm chí không có cả đường vào. Theo giải thích của người dân địa phương, đây là nơi đất xấu không thích hợp cho việc nương rẫy nên cây cối vẫn còn rậm rạp như vậy. Quả thật, ở đó có cả những thân cây to, cao vút. Những bụi le rậm rạp, che kín cả đường đi. Để có thể vào đến khu vực có mộ, người dân địa phương phải đi trước để phát cây mở đường. Chính vì thế tôi mới khẳng định, việc tạo hiện trường giả (đào và chôn di vật, hoặc làm mộ giả) là việc không thể thực hiện trong điều kiện như vậy, nhất là với trường hợp cụ thể của từng liệt sỹ (có mộ nằm dưới 2 gốc cây to, có mộ nằm dưới bụi le, có mộ nằm dưới gốc cây dại mà rễ đã bám sâu trong lòng đất…). Công việc tìm di cốt được tiến hành từ sáng đến chiều, và thật kỳ diệu: mộ nào đào lên cũng có di vật,  đúng như thông tin mà nhà ngoại cảm đã cung cấp trước đó. Với gia đình tôi, trước đó nhà ngoại cảm có nói mộ cậu tôi nằm dưới gốc cây to, rễ cây dài đã xuyên qua tăng, tấm tăng bọc thân thể cậu giờ đã mục nát và trong đó là xương thịt đã phân hủy và đặc biệt còn có di vật là bình tông nhựa của Mỹ, khắc họ tên đầy đủ và cả ký hiệu đơn vị. Khi đào lên quả đúng như vậy, không sai một chi tiết nào. Tất cả những điều này, đã được các gia đình liệt sỹ lưu giữ lại bằng máy quay, máy di động .... Nhân đây tôi cũng nói thêm, nhà ngoại cảm Vũ Thị Hòa đã từng tìm thấy một ngôi mộ liệt sỹ trong phòng ngủ của một gia đình tại Phú Riềng. Nếu gọi là tạo hiện trường giả thì chỉ có thể giải thích là do nhà ngoại cảm đã thông đồng với chủ nhà (?). Điều này nghe đã thấy vô lý rồi chứ chưa cần đến phải tận mắt chứng kiến.
Qua việc được tiếp xúc và chứng kiến tận mắt công việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ của nhà ngoại cảm Vũ Thị Hòa, chúng tôi thấy vô cùng trân trọng cái tâm của chị. Nhờ chị, gia đình tôi tìm được người thân sau hơn 40 năm nằm lại chiến trường. Và điều muốn nói là, gia đình tôi không phải chi phí cho chị một đồng nào. Nếu chúng tôi có cố tình đưa, Chị cũng không nhận.
Đây là điều mà gia đình tôi dám khẳng định trước vong linh liệt sỹ. Và đây cũng là điều khiến cho chúng tôi cảm thấy rất bức xúc trước những lời lẽ quy chụp ngang ngược của những người thực hiện chương trình.
Tôi (và hẳn là không ít người dân bình thường) xin các nhà báo hãy nhìn nhận và đánh giá khách quan sau khi đã có kiểm chứng rõ ràng. Tôi đồ rằng, những người làm chương trình, kể cả chị Thu Uyên cũng chưa hề chứng kiến việc tìm kiếm mộ liệt sỹ của nhà ngoại cảm Vũ Thị Hòa. Không biết, không thấy mà dám lớn tiếng vu cáo Chị Hoà như vậy, đáng sợ thay !
Trên đây là tất cả những suy nghĩ của tôi sau khi xem chương trình “Trở về từ ký ức” và đọc một số bài báo “ăn theo”. Tâm lý đám đông, hiệu ứng đám đông sau khi xem xong chương trình và loạt bài này đã tạo nên sự hoang mang trong dư luận và không ít người đã thể hiện sự bài xích, tẩy chay các “nhà ngoại cảm”. Tại sao không khách quan nhìn nhận mà lại bôi nhọ các nhà ngoại cảm chân chính? Di cốt hơn 400 liệt sỹ trong trận đánh ở cánh rừng K'Nác, huyện K'Bang, tỉnh Gia Lai, của nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Văn Thụ, của nhà văn Nam Cao… nếu không có ngoại cảm thì giờ vẫn nằm đâu đó trong sự đau xót tiếc thương của người thân. Với những nhà ngoại cảm có tâm, xin đừng phũ phàng vùi dập họ, để họ còn có cơ hội giúp đời.

Người viết
Nguyễn Thị Ngọc Lan