Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Báo Văn Nghệ TPHCM số 284: NGUYÊN NGỌC VÀ CON ĐƯỜNG LỘN NGƯỢC VĂN CHƯƠNG



Báo Văn Nghệ TPHCM số 284 lại đăng tiếp bài NGUYÊN NGỌC VÀ CON ĐƯỜNG LỘN NGƯỢC VĂN CHƯƠNG của tôi. Vì báo viết giấy có hạn và báo cũng ngại đôi chỗ tôi viết thẳng quá hoặc riêng tư quá, nên chỉ đăng được khoảng 95% ý của tôi mà thôi. Nhưng tôi vẫn thích bạn đọc đọc nguyên bản, dù hay hay dở, đó mới chính là nguyên chất chữ nghĩa của tôi. Nếu báo đăng liên tục tiếp, điều này là khó khăn với đa số người viết, nhưng với tôi sẽ viết liên tục tiếp được, chỉ sợ báo ngại mà thôi:

ĐÔNG LA
NGUYÊN NGỌC VÀ CON ĐƯỜNG
LỘN NGƯỢC VĂN CHƯƠNG

 Nguyên Ngọc thành danh với những tác phẩm “người tốt việc tốt” như Đất nước đứng lên và những tác phẩm “hô khẩu hiệu” như Đường chúng ta đi. Đó là những tác phẩm phù hợp tuyệt vời trong giai đoạn chúng ta cần cho công tác tuyên truyền, tạo nên một sức mạnh cho dân tộc giành chiến thắng. Thật kỳ lạ, có lẽ vì các văn nghệ sĩ sáng tác bằng tình yêu quê hương, đất nước đích thực, vì khát vọng hòa bình, độc lập đích thực, nên nhiều tác phẩm “phục vụ chính trị” thời ấy có giá trị nghệ thuật rất cao, sống mãi với thời gian. Còn hôm nay, khi người ta tha hồ sáng tác vì giá trị nghệ thuật thì kiếm được một tác phẩm có giá trị lại quá khó khăn. Trong cuộc Hội thảo Văn học, Nghệ thuật vừa rồi tôi có gặp Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, tôi bảo tôi là dân Hải Dương nên rất tự hào về Nhạc sĩ đồng hương Đỗ Nhuận, cha anh, bài Việt Nam quê hương tôi của cụ được chọn làm nhạc nền Sea Games 22 Hà Nội thật tuyệt vời, thế giới cũng phải thán phục.
Với xu thế chung đó, Nguyên Ngọc cũng sáng tác được những tác phẩm có ích, có giá trị. Nhưng với con mắt phê bình hiện đại bảo những tác phẩm đó là cao siêu, tầng tầng lớp lớp ý nghĩa thì không phải. Có điều làm nhiều người thật bất ngờ, khi được giao trọng trách lãnh đạo Hội Nhà Văn VN, Nguyên Ngọc y như bị “thay máu”, đã khuyến khích, nâng đỡ, ca ngợi những tác phẩm viết ngược với chính mình về mọi mặt, kể cả cái nhìn về lịch sử và quan điểm chính trị.
Vì thế, với tham vọng đổi mới, Nguyên Ngọc đã biến nó thành con đường lộn ngược văn chương. Trên con đường ấy, có ba nhân vật như có “duyên nợ” với số phận của Nguyên Ngọc: Trần Độ, Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh, và tất nhiên, với Nguyễn Huy Thiệp thì sâu đậm hơn.
***
Viết về Nguyên Ngọc không thể không viết về Trần Độ, người từng đánh giá Nguyên Ngọc rất cao: “trọn vẹn cả đức cả tài như anh không nhiều. Bởi vậy khi anh chính thức được bổ nhiệm cương vị Bí thư Đảng Đoàn Hội nhà Văn tôi rất mừng - Đây là một trong những trường hợp "đặt người đúng chỗ" hiếm hoi trong cơ chế của chúng ta”.
 Nhưng có ai ngờ chính người “trọn vẹn cả đức cả tài” ấy, năm 1991, lại làm Trần Độ, Trung tướng, Trưởng Ban Ban Văn hóa, Văn nghệ Trung ương, bị kỷ luật.
Tôi thấy trong đời một con người có điều quan trọng là cần phải biết chấp nhận thất bại. Đó là điều khó, bởi cần phải có bản lĩnh, có trình độ và cái tâm phá chấp. Chính Đức Phật đã dạy người con tập thiền là: hãy coi mình như mặt đất, bởi mặt đất là nơi thấp nhất, người ta luôn dẫm đạp lên, chất chứa rác rưởi, thậm chí phóng uế lên đó mà vẫn “không sao cả”; được như thế thì không còn gì có thể làm cho ta đau khổ được nữa. Tiếc là Trần Độ, người vốn là một công thần của chế độ, khi gặp chuyện không hay ông đã không vượt qua được cái tôi của mình. Thật tai hại khi những người chống chế độ luôn lợi dụng việc ông “phản tỉnh”, coi như một chỗ dựa về tính chính nghĩa cho con đường của họ. Đến Dương Thu Hương, người đàn bà nanh nọc, coi trời bằng vung, cũng “nể” Trần Độ: “Anh Trần Độ đã đứng hẳn về phe chúng tôi; “chế độ Hà Nội căm ghét ông, đương nhiên, cũng là lý do để chúng tôi cảm phục ông”. Y như ông Phó Thủ tướng Trần Phương cho “Chủ nghĩa Xã hội là lừa bịp”, Trần Độ cũng cho Định hướng XHCN là “định hướng vào chỗ chết” (theo Nguyễn Thanh Giang)! So với tấm lòng son sắt với cách mạng, vì dân, vì nước của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người mà qua cái chết mới đây, chúng ta thấy cụ đã được coi là một bậc thánh nhân, người anh hùng dân tộc trong lòng dân; thì nhân cách của vị cựu Phó Chủ tịch Quốc hội (Trần Độ) và vị cựu Phó Thủ tướng (Trần Phương) thật không có một chút gì để so sánh cả!
***
Quay lại với bản Đề dẫn của Nguyên Ngọc “nổi ranh” ngày nào, nó đã có khuynh hướng “lật đổ thần tượng”. Khi Nguyên Ngọc cho đăng bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” của Nguyễn Minh Châu thì cái khuynh hướng ấy đã được huỵch toẹt hết cả ra. Việc cân nhắc để Nguyên Ngọc lãnh đạo văn chương trở thành “một bài thơ dở” của Tố Hữu nên Nguyên Ngọc đã bị “rớt” ngay. Thế là con đường “vào Trung Ương” của Nguyên Ngọc bị chấm hết, “tầm nhìn xa” của Nguyễn Khải “nịnh dần đi là vừa” Nguyên Ngọc trở thành tầm nhìn ngắn!
Nếu nói Trần Độ là lãnh đạo Văn hóa Văn nghệ thì Nguyên Ngọc chính là vị tướng xuất quân, phất cờ "đổi mới". Nhưng dường như đổi mới văn chương theo chính đạo là quá khó như trong bất kỳ lĩnh vực sáng tạo nào. Trong ngành Sinh học, nếu việc lai tạo tốt sẽ tạo ra được loại giống mới tốt hơn, còn ngược lại, sẽ cho ra quái thai. Không biết có phải vì theo chính đạo là quá khó nên Nguyên Ngọc đành phải theo tà đạo, đã đổi mới văn chương bằng một loạt quan điểm lộn ngược: phản đạo lý, phản thẩm mỹ, phản lịch sử, phản nhân văn.
***
Cụ thể, khi bị “rớt” xuống làm TBT tờ Văn nghệ, diễn đàn trung tâm của Văn chương VN và là Trưởng ban Sáng tác Hội Nhà văn VN, Nguyên Ngọc đã làm 2 việc ấn tượng nhất, đó là khai sinh ra tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp và quyết liệt ủng hộ việc trao giải thưởng của Hội Nhà Văn cho cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Về vụ trao giải thưởng cho cuốn Nỗi buồn chiến tranh, Ban Chấp hành Hội Nhà Văn đã phải tự kiểm, nhưng buồn cười là khi ta bình thường hóa quan hệ với Mỹ, có người trong Ban Chấp hành lại xin lỗi Bảo Ninh, cứ như Bảo Ninh là quân Mỹ vậy!
Khi Nguyên Ngọc làm TBT báo Văn nghệ, báo “nợ nần tùm lum”, đứng trước nguy cơ “bị đóng cửa”, Nguyên Ngọc đã mau chóng làm tờ báo trở thành “tờ được độc giả chờ đón nhất trong nước”, bởi đã cho chào đời một loạt tác phẩm “kinh thiên động địa”: Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc, Lời khai của một bị can của Trần Huy Quang, v.v…        
Trong bài Van-hoc-Viet-Nam-dang-o-dau? Nguyên Ngọc khi sang Pháp, theo lời mời của giáo sư François Jullien, trong một cuộc hội thảo của UNESCO về triển vọng văn học Việt Nam, Nguyên Ngọc đã kể về thời điểm này:
“… năm 1987 … tôi đang làm tổng biên tập tuần báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam. Chúng tôi in truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp: Tướng về hưu. Cứ như là một cú giật nẩy mình trong đời sống văn học, và cả trong xã hội. Đọc xong truyện ngắn ấy, Nguyễn Khải bảo tôi: "Sau thằng Thiệp, chẳng ai có thể viết gì được nữa. Mình bỏ bút thôi. Chỉ bằng mỗi truyện ngắn này, nó đã lật đổ tất cả, xoá sạch tất cả những gì mình đã viết trước nay".
Tôi nghĩ Nguyễn Khải đã không diễn đạt thật chính xác điều tất cả chúng tôi cảm thấy lúc bấy giờ. Điều chúng tôi nhận ra lúc bấy giờ khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện, là từ nay không còn có thể viết như trước nữa. Phải thay đổi… phải viết khác đi.
 trào lưu có tên là Đổi Mới … được biểu hiện trước hết bằng cái mà ở Nga người ta gọi là glasnost (transparence). Tức là nói lên sự thật trần trụi, đưa ra khỏi bóng tối, phơi bày ra dưới mắt mọi người tất cả các mặt tiêu cực của xã hội, của đời sống đất nước sau chiến tranh, các mặt trước nay vẫn bị dồn nén lại, che giấu cẩn thận. Có thể nói đó là một trào lưu văn học phơi bày cái tiêu cực, mô tả và tố cáo nó”.
Riêng tôi thì thấy 3 tác phẩm tiêu biểu mở màn cho “Thời đại Nguyên Ngọc” đúng là đã “phơi bày ra” những “sự thật trần trụi” về “tất cả các mặt tiêu cực của xã hội” nhưng mới ở cấp độ, theo chính ý Nguyên Ngọc: “Ăn dâu nhả ra dâu” chứ chưa phải “đổi mới”, cũng theo ý Nguyên Ngọc, là “Ăn dâu phải nhả ra tơ.
Tướng về hưu” là câu chuyện kể về một ông tướng về hưu. Nguyễn Huy Thiệp đã “phơi bầy ra” trước mắt ông tướng cái cuộc sống thực dụng, xô bồ của đời thường, và kết luận: cái thời thực dụng nhí nhố, vô cảm, mất nhân tính của “ông con” đã chiến thắng cái thời sống vì lý tưởng, đạo lý của “ông bố”. Trong không gian văn chương của Nguyễn Huy Thiệp, những người lính khi hoàn thành nhiệm vụ đã không có đất sống khi trở về chính ngôi nhà của mình! Điều này chỉ là cá biệt, không thể là đặc trưng cho xã hội VN sau cuộc chiến được.
Tương tự, “Cái đêm hôm ấy đêm gì” cũng không có “” tư tưởng nghệ thuật gì, nhà văn cũng chỉ đơn giản “phơi bầy sự thật trần trụi” để tố cáo bọn cường hào mới “thu sản” (lượng nông sản được khoán) người nông dân y như trong văn chương hiện thực phê phán. Nghĩa là đã lôi văn chương quay ngược lại thời của Nguyễn Công Hoan và Ngô Tất Tố.
Còn “Lời khai của một bị can” của Trần Huy Quang có lẽ khá hơn. Trần Huy Quang không chỉ “phơi bầy” chuyện nhân viên công quyền xồng xộc bắt người đi tù, mà tác giả đã cho độc giả thấy rõ việc làm của ông Nguyễn Văn Chẩn đúng là chân chính, đầy tâm huyết và đầy sáng tạo. Từ đó ta thấy rằng lao động là động lực, là cái cần thiết nhất, cao quý nhất của đời sống. Nếu lao động mà bị ngăn cấm thì có khác gì muốn xã hội tự sát. Vậy mà để nhận ra được cái chân lý hiển nhiên đó lại không dễ. Ông Nguyễn Văn Chẩn có thể ví như một chiến sĩ bị thương trên mặt trận nhận diện con đường phát triển kinh tế. Để có được mỗi bước tiến của nhận thức, xã hội loài người đều đã phải trả giá. Sự đổi mới của VN cũng vậy. Và trong chặng đường sắp tới, để đạt được những nấc cao hơn, chính những ngày hôm nay xã hội ta cũng sẽ còn phải trả giá.   
Như vậy, về mặt cảm tính, đọc Lời khai của một bị can rõ ràng không thích bằng Tướng về hưu, nhưng xem xét một cách toàn diện,  Lời khai của một bị can chuẩn hơn Tướng về hưu. Và đến tận hôm nay tôi mới hiểu tại sao khi cái truyện Bài toán của tôi được đăng trên Văn nghệ, anh Trần Huy Quang là biên tập đã gọi điện mời tôi cộng tác vì trên VN còn thiếu loại truyện như thế.
Cũng trong bài Van-hoc-Viet-Nam-dang-o-dau?, Nguyên Ngọc viết rõ hơn những suy nghĩ của mình về Nguyễn Huy Thiệp:
Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất ở Nguyễn Huy Thiệp… anh cố tìm ra "nguyên nhân sơ khởi” của tình trạng xã hội và con người Việt Nam … cố lần ngược lên đến ngọn nguồn của nó.
Và như vậy, anh đã khởi xướng ra trong văn học Việt Nam hiện đại cái mà tôi muốn gọi là xu hướng tự vấn của xã hội… sự tự soi mình của dân tộc, và của con người…
    Tôi đã phải bỏ thời gian đọc lại một cách khách quan một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp để tìm kiếm những điều mà Nguyên Ngọc nói ở trên, nhưng quả thật tôi không thấy! Ông đã sai khi viết về Nguyễn Huy Thiệp vì văn Nguyễn Huy Thiệp chỉ đơn giản là văn chương phơi bày trần trụi.
Thứ nhất về cái “nguyên nhân sơ khởi” mà Nguyên Ngọc viết Nguyễn Huy Thiệp “cố tìm ra”? Chúng ta đều biết tình trạng xã hội VN theo lời các vị lãnh đạo nói đang “đứng trước nguy cơ tồn vong” do “quốc nạn tham nhũng và lãng phí”, mà nguyên nhân sơ khởi chính là “lỗi hệ thống”. “Lỗi hệ thống” theo tôi đầu tiên chính là công tác cán bộ, bởi tất cả tốt hay xấu thì cũng đều do con người làm ra; tiếp theo là sự thiếu minh bạch trong các lĩnh vực cùng với sự thiếu nghiêm minh trong việc thực thi pháp luật. Tất cả là do cơ chế giám sát không hiệu quả. Trong truyện Bài toán nói trên của tôi, tôi đã viết: “Đã tồn tại quá lâu rồi cái chủ nghĩa tập thể, cái gì cũng chung chung, người này dựa dẫm vào người kia, nó chỉ phù hợp khi người ta đi trên đường mòn, nhưng khi phải đối mặt với đèo cao, vực thẳm, phải vượt qua những con dốc để vươn lên một tầm cao mới thì không làm gì được”. Điều đó chính là một trong những “nguyên nhân sơ khởi” của tình trạng xã hội và con người Việt Nam” hôm nay mà trong văn Nguyễn Huy Thiệp có “cố tìm ra” cũng không thấy!
Trong văn Nguyễn Huy Thiệp có rất nhiều tình tiết có thể khiến người ta suy nghĩ, tự vấn thì chính Nguyễn Huy Thiệp lại tự xóa sạch những điều ấy. Như trong Tướng về hưu, chuyện dùngthai nhi nấu lên cho chó, cho lợn” là chi tiết có lẽ ấn tượng nhất trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Với những cây bút bậc thầy, chỉ xoay quanh chi tiết này, người ta có thể viết hoàn chỉnh một truyện ngắn, khiến cho người đọc kinh hoàng về sự thoái hóa nhân tính, sự vô cảm của con người trong thời thực dụng. Còn với Nguyễn Huy Thiệp, nó chỉ là một chi tiết trong một loạt chi tiết khác mà Thiệp kể ra như ghi chép nhật ký. Ông bố có chửi: “Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này” nhưng ông con, nhân vật chính, “người phát ngôn” của Nguyễn Huy Thiệp thì lại xổ toẹt: “Thực ra điều này tôi biết nhưng cũng bỏ qua, chẳng quan trọng gì”. Thành ra hòa cả làng, còn tự vấn tự viếc cái gì nữa!
Cái việc cố đắp điếm tư tưởng cho văn Nguyễn Huy Thiệp thì đến Nguyễn Đăng Mạnh, một người rất ủng hộ Nguyễn Huy Thiệp, cũng đã viết: “Đọc Nguyễn Huy Thiệp, lắm lúc cảm thấy thật sự hoang mang. Vì chẳng hiểu anh định nói gì - đúng là chủ đề không rõ ràng”. Còn Bảo Ninh cũng từng nói: “Tôi thích văn Thiệp nhưng thích cái gì thì tôi cũng chịu”.
Có thể nói xu hướng “tự vấn”của văn Nguyễn Huy Thiệp được thể hiện rõ nhất trong cái truyện “Những bài học nông thôn”. Với những nhà văn lớn, tầm tư tưởng cao, tác phẩm của họ như những cây thế, cây kiểng mà mỗi cọng lá, nhành cây đều mọc theo chủ đích của tác giả. Còn Nguyễn Huy Thiệp viết tự nhiên, văn như ghi chép, chuyện nọ xọ chuyện kia,  trong Những bài học nông thôn, cuối truyện nhà “hiền triết” đột nhiên xuất hiện, rồi phát ngôn y như được tác giả mở công tắc vậy.  Mà chỉ có một thằng tâm thần mới bộc bạch triết lý một cách khiên cưỡng với một thằng trẻ con 17 tuổi như thế này:
Chú không chống nổi sự ngu dốt của bọn có học đâu. Tôi đây này, tôi hiểu sâu sắc sự ngu dốt của bọn có học tai hại thế nào, vừa phản động, nó vừa nguy hiểm, lại vừa mất dạy. Sự ngu dốt của bọn có học tởm gấp vạn lần so với ở người bình dân”. Tôi hỏi: “Vì sao?” Anh Triệu bảo: “Vì chúng giả hình. Chúng nhân danh lương tâm, đạo đức, mỹ học, trật tự xã hội, thậm chí nhân danh cả dân tộc nữa”.
Ý này quả là hay. Có điều Nguyễn Huy Thiệp coi chừng, bản thân ông cũng là người “có học” đấy. Dù cái môn sử thì với tôi ai thoát khỏi mù chữ cũng có thể học được, cái chính là phải hiểu sử cho đúng thì ông lại hiểu sai! Và theo tôi, cái giới “chí thức, rận sĩ” của nước Việt hiện tại như Hiếu Đằng, Tương Lai, Huệ Chi, Xuân Nguyên, v.v…cũng rất xứng đáng được đứng trong đội ngũ “có học” của Nguyễn Huy Thiệp.
Riêng cái ý này: “Thời loạn dứt khoát phải có một nền thống trị bá đạo. Còn thời bình, đường lối chính trị bá đạo sẽ đưa dân tộc đến thảm họa. Chỉ có một nền chính trị vương đạo, dân chủ, tín nghĩa và văn hóa đạo đức cao mới làm cho đất nước phồn vinh”.
Nếu nó được nói ra sau một cốt chuyện phù hợp sẽ là rất hay, còn tự dưng “bật công tắc phát loa”, tư tưởng được nhét vào mồm nhân vật một cách khiên cưỡng thì chỉ là việc nhai lại những điều cũ rích mà thôi. Còn chuyện nhà “hiền triết” sau khi nói ra sự thật thì bị con trâu điên đâm “lòi ruột” chết, có ý ám chỉ “chế độ độc tài giết chết tự do dân chủ” thì lộ và sượng quá!
Tóm lại là có nhiều chỗ hình như văn Nguyễn Huy Thiệp còn “chưa sạch nước cản”, và Nguyên Ngọc, “người từng bị đề cử” giải HCM văn chương, hình như cũng “đếch” biết văn chương là gì! Còn chuyện tự vấn trong văn chương, Nguyên Ngọc đi tìm đâu cho mất công, nếu ông có cái nhìn khoa học, khách quan, ông sẽ thấy nó có trong tác phẩm của rất nhiều người, và nó cũng có ngay trong văn chương của tôi. Bởi tôi từng viết:
    Ơi đất nước có thời sao ai ai cũng sợ sự giàu có?
    Nên cái nghèo từng là vết son trang điểm
                                                  trang lý lịch của con!
Rồi:
    Khi đất nước đã ngàn ngàn năm nghèo đói
    Khi đất nước đang quặn mình thành dấu hỏi
    Cái trí tuệ nông dân lại không thể trả lời!
Dù vậy cần phải công nhận là thực tế có nhiều người thích văn Nguyễn Huy Thiệp. Bởi văn Nguyễn Huy Thiệp có tiết tấu nhanh, gọn, sắc, chỉ cần một lời đối thoại là đã có thể khắc họa được rất sinh động đủ loại nhân vật; có nhiều chi tiết nghịch dị nên tạo được ấn tượng mạnh; nhiều chất tếu táo nên đọc thấy vui; và cái cuốn hút được nhiều người có lẽ là cái gia vị mà Nguyễn Huy Thiệp thường “nêm” vào văn mình, y như người ta cho riềng, mẻ vào thịt chó; và ăn cà pháo chấm mắm tôm vậy. Nhưng cho Nguyễn Huy Thiệp là “nhất” là “thành tựu của đổi mới” thì không phải. Nếu xét văn Thiệp với những chuẩn mực cao hơn thì Thiệp còn nhiều chỗ “chưa sạch nước cản”. Còn về “thi pháp” thì Thiệp có nhiều chỗ đã bắt chước giọng truyện Tầu và giọng của Vũ Trọng Phụng.
***  
Sau việc là bà đỡ cho văn chương Nguyễn Huy Thiệp, với tư cách là Trưởng ban Sáng tác HNV, Nguyên Ngọc đấu  tranh quyết liệt để cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được giải thưởng, với lời ca ngợi: "Đây là cuốn tiểu thuyết về một cuộc chiến đấu của một con người tìm lẽ sống hôm nay. Bằng cách chiến đấu lại cuộc chiến đấu của đời mình”.
Nhưng Nguyên Ngọc viết vậy là hoàn toàn theo cảm tính tùy tiện, chẳng ăn nhập gì đến tác phẩm cả. Bởi cái sự “chiến đấu lại” của “một con người” mà Nguyên Ngọc nói ở trên lại chỉ là “dầm mình trong rượu” và “làm cách mạng văn chương” bằng cái nhìn tâm thần về cuộc chiến: “Tôi như sẵn sàng nhập thân trở lại với cảnh lửa, cảnh máu, những cảnh chém giết cuồng dại, méo xệch tâm hồn và nhân dạng. Thói hiếu sát. Máu hung tàn. Tâm lý thú rừng. Ý chí tối tăm và lòng dạ gỗ đá”.
Ngoài Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh, Nguyên Ngọc còn ca ngợi Dương Thu Hương lớp trước, Đỗ Hoàng Diệu lớp sau, và những ngày hôm nay ca ngợi Huy Đức viết “Bên thắng cuộc” lộn ngược lịch sử và bảo vệ Nhã Thuyên làm luận án thạc sĩ về thơ của nhóm Mở Miệng.
Đó chính là những tác giả mà tác phẩm của họ là thành tựu văn chương tiêu biểu theo quan điểm của Nguyên Ngọc, một con người từng là nhà văn chiến sĩ, từng là Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn VN, từng dốc lòng soạn cương lĩnh văn chương, bản “Đề dẫn”, dâng lên “Đảng kính yêu” của mình như sau:
 Nói về phương hướng nội dung của văn học trong thời kỳ mới hiện nay, chúng ta muốn trước hết tập trung … vào con người… Con người mới ấy, như Đảng đã chỉ rõ, sẽ là kết quả tổng hợp cả 3 cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá. Đảng cũng đã sớm chỉ ra cho chúng ta… đó là con người lao động Việt Nam làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa… chủ nghĩa xã hội”.
Một người bất nhất, trước sau đối nghịch như thế phải chăng cũng chỉ là một kẻ cơ hội? Khi tham vọng không đạt thì trở thành kẻ bất đắc chí, quậy phá, chứ có đâu sự dấn thân, sự đấu tranh cho sự tiến bộ, vì dân, vì nước!
***
Nhưng vẫn còn một điều tôi không sao hiểu nổi, lẽ ra Nguyên Ngọc phải rõ hơn ai hết những chuyện đến với mình là tất nhiên, nhưng theo Tô Nhuận Vỹ trong To Nhuan Vy Nha van Viet nam: Doi moi va hoi nhap:
    Nguyên Ngọc cũng chua xót: “Đọc Pasternak, tôi thấy bi kịch Zhivago vẫn là của một người đứng ngoài, đứng trên cả nước Nga mà đau. Còn bi kịch của tôi: một người trong cuộc, đảng viên, cầm súng, nhiệt tình xây dựng chủ nghĩa xã hội mấy mươi năm. Thế mà tại sao tình yêu của chính mình lại bị dày đạp đến như vậy”.
Như vậy là ông vẫn luôn nghĩ mình bị oan. Và chắc ông cũng sẽ cho Văn Chinh chơi xấu mình khi viết:
Nhưng, Nguyên Ngọc - người tạo gió trong văn học, góp gió nhiệt tâm của mình vào gió lớn thời đại để ngọn cờ văn học được phất lên mạnh mẽ; cũng chính là người làm hỏng, làm chậm đà đổi mới của văn học”.
Với tôi thì ông đúng là người “có học” theo cách nhìn của Nguyễn Huy Thiệp. Riêng cái vụ nhìn ra cái lớp người “có học” ở nước ta này thì thằng cha Nguyễn Huy Thiệp đúng là thông minh thật!
13-12-2013