Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

CHUYỆN SAU HỘI THẢO

ĐÔNG LA
CHUYỆN SAU HỘI THẢO


(Mai Quốc Liên, Vũ Quần Phương, Trà Giang,
Hữu Thỉnh, Đông La, không biết)
Trong bữa cơm thân mật bế mạc Hội thảo Khoa học toàn quốc về Văn học, Nghệ thuật do Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương tổ chức, tôi ngồi cùng bàn bên Nhà thơ Nguyễn Chí Hiếu, TBT Báo Văn Nghệ TPHCM. Trong bàn còn có Nhà Văn Nguyễn Trí Huân, TBT Báo Văn Nghệ Hội Nhà Văn VN; Nhà Phê bình Lê Thành Nghị, Trưởng Ban Lý luận, Phê bình Hội Nhà Văn VN. Cả ba anh đều là ủy viên của Hội đồng nói trên. Vì biết các anh ít hoặc không quen đọc mạng, tôi bảo ở trên mạng có nhiều chuyện hay lắm, như Nhà văn Nguyễn Quang Lập, biệt danh “Lập què”, vì bênh Nhà báo Huy Đức, biệt danh “San hô”, đã cho chuyện đóng đinh vào đầu, đục răng, đục đầu gối tù binh Việt Cộng trong các “Địa ngục trần gian” là “có gì đâu”, là “chuyện khai thác thông tin bình thường trong thời chiến thôi mà”, đã bị một blogger là Hòa Bình viết một bài với cái nhan đề có một không hai: Đ. mẹ thằng Lập! Cả bàn tròn mắt ngạc nhiên. Tôi tiếp, hiện có hai vụ nóng nhất là bài nói của ông GS Trần Phương, cựu Phó Thủ tướng “giá-lương-tiền”, bảo Mác sai và Chủ nghĩa Xã hội ở ta là lừa bịp. Và chuyện Nhà Văn Nguyên Ngọc cho “việc dạy sử không nên đắp bồi chủ nghĩa yêu nước”, bởi ông ta cho lòng yêu nước biến thành chủ nghĩa là đã bị chính quyền chính trị hóa để phục vụ tuyên truyền. Ông ta cũng cho không nên ca ngợi các Bà mẹ VN anh hùng quá vì sẽ làm đau lòng các bà mẹ VNCH! Tất cả lại lắc đầu, ai cũng phản ứng, riêng anh Nguyễn Chí Hiếu đỏ bừng mặt nói: “Uýnh tiếp đi Đông La, kỳ này báo về nhà mới, khai trương bằng bài uýnh Nguyên Ngọc đi Đông La!” Tôi nói với anh Hiếu cũng là nói với cả bàn, với hai lão già “mất dạy” này thì tôi đã nhờ thằng cháu là Lê Quang Trung, sinh năm 1989, người từng đọc hết Toàn tập Các Mác, sẽ viết 5 bài “uýnh” Trần Phương, nhưng mới có một bài thì xem chừng Trung đã đo ván ông cựu PTT hơn Trung hơn 60 tuổi; còn với Nguyên Ngọc thì anh Hiếu yên tâm, sẽ có bài ngay thôi.
***
Trước vụ nóng nhất này, trong bài Hy vọng gì … trên basam Nguyên Ngọc đã “nhận xét” về Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật TW:
cái hội đồng vừa kể  lại có quyền hành lớn nhất về văn học nghệ thuật  trên đất nước đau khổ này, thì quả là một sự sĩ nhục to lớn đối với toàn bộ giới văn nghệ và lý luận văn nghệ”.
Lâu nay với dư luận đã thành quán tính, mặc nhiên Nguyên Ngọc là một nhà văn tài năng và một nhà quản lý văn chương bản lĩnh có tư tưởng đột phá. Vì cơ chế bảo thủ lạc hậu mà ông đã bị thất bại.
Giờ khách quan coi kỹ lại mọi chuyện thì hoàn toàn không phải thế. Một thời rất dài, thậm chí cả những ngày hôm nay, những chuẩn mực về tri thức khoa học xã hội nói chung và về văn chương nghệ thuật nói riêng ở nước ta còn chưa chuẩn. Như GS Trần Thanh Đạm từng nói là còn trắng đen lẫn lộn, thiện ác bất minh. Nhận thức thường mới ở cấp độ cảm tính chứ chưa phải nhận thức lý tính.
***
Văn học nghệ thuật cũng như mọi mặt xã hội Việt Nam về mặt tổ chức, quản lý, còn nhiều cái yếu, nên nó không phát triển và đang ở trong tình trạng loạn chuẩn, trắng đen lẫn lộn, thiện ác bất minh. Tình trạng loạn chuẩn này được khởi nguồn chính từ công cuộc đổi mới văn chương nghệ thuật do Trần Độ lãnh đạo và Nguyên Ngọc là người phất cờ thực hiện ngày nào. Cả Trần Độ và Nguyên Ngọc đã sai và bị mất chức từ lâu. Nhưng vì nhu cầu đổi mới là có thật và việc lăng xê những tác giả, tác phẩm sai trái như Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, v.v… là “mới”, là “tài năng” đã tạo thành dư luận khủng khiếp, đã tạo ra lực quán tính khủng khiếp, nên dư luận đó còn kéo dài đến hôm nay và sẽ chưa chịu dừng lại nếu không có một lực mạnh hơn chặn đứng.
Vì vậy có một Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương là quá tốt và quá cần thiết.
Lĩnh vực Văn học Nghệ thuật là sáng tác, mà sáng tác tất không phải việc đổ khuôn, nên chức năng của Hội đồng không thể là chuyện “ban bố đúng sai” như ý Nguyên Ngọc. Mà chức năng chính của nó theo tôi là tổ chức, quản lý, nó không “ban bố đúng sai” theo khuôn mẫu nhưng lại phải có đủ trình độ và quyền lực để phân định được sự cao thấp, đúng sai.
Với hiện trạng, chính Hội đồng cần phải tháo gỡ những nút thắt để phát huy dân chủ, để những nhân tố mới cả về tác giả lẫn tác phẩm nảy nở; cần phải đánh giá, định giá, tôn vinh chính xác và công minh những sáng tác mới xuất hiện, giàu tính sáng tạo, giàu tính phản biện dựa trên nền tảng chắc chắn của tri thức và đạo lý, có tầm tư tưởng cao sâu. Càng khuyến khích tự do sáng tác thì lại càng cần phải quản lý, giám sát, định giá, nếu không sẽ loạn chuẩn.
***
Quay lại xem cụ thể cái bài mới nhất trên TuanVietNam , mà Nguyên Ngọc mới tuôn lời “vàng” ngọc. Tất nhiên không phải vàng ròng mà là thứ vàng người ta thấy phải bịt mũi lại ngay!
Nguyên Ngọc viết: “Ở Pháp, một số các nhà sử học nổi tiếng đã lập ra một tổ chức gọi tắt là CVUH (Comité de vigilance face à l’usage public de l’histoire), có thể dịch là Ủy ban cảnh giác đối với việc đưa lịch sử ra sử dụng trong công chúng.
Các nhà sử học uyên thâm ấy cảnh giác với việc chính quyền đương thời nhào nặn lịch sử để làm công cụ tuyên truyền cho những lợi ích chính trị (đương nhiên là nhất thời) của họ.
Tôi nghĩ một sự cảnh giác thật hiền minh như vậy cũng rất cần ở ta, nhất là khi chúng ta vừa bước ra khỏi một cuộc chiến tranh lâu dài, ác liệt”.
Việc bên ngoài người ta nhả ra chữ nào Nguyên Ngọc đớp ngay lại chứng tỏ cái dốt của ông. Với các nước thực dân đế quốc quả đã có việc “nhào nặn lịch sử”. Phát xít Đức từng tuyên truyền chúng có sứ mệnh diệt dân Do Thái và các chủng tộc hèn kém để “tinh chế” nhân loại; nước Pháp cũng gọi cuộc xâm lược VN là để “khai hóa”; còn Mỹ thì cho việc thế chân Pháp tại VN là “chiến đấu bảo vệ thế giới tự do”. Còn với VN ta chỉ có một lịch sử. Đó là lịch sử oai hùng chống ngoại xâm, giành lại nền độc lập, chúng ta có “nhào nặn lịch sử” đâu mà cần cái “cảnh giác hiền minh” đó.
Nguyên Ngọc tiếp: “con người bao giờ cũng chỉ có thể đứng ở một góc nhất định nào đó của thực tại, nên luôn bị chính cái góc đó, với các cạnh của nó, che khuất. Không thể nhìn toàn cục.
Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh, cái góc đó vì vô số lý do, càng hẹp hơn, các cạnh của nó càng dài hơn. Mặt khác trong chiến tranh có những tình cảm không bình thường, được, hay bị đẩy cao lên, thường đến cực độ. Hận thù là một trong những tình cảm nổi bật đó. Nếu giáo dục của ta, dạy sử của ta sau chiến tranh, nói, viết, dạy về lịch sử chiến tranh, mà lại càng cố ý làm đậm, sâu hơn cái góc vốn đã hẹp một cách tất yếu đó, thì sẽ rất tai hại”.
Như vậy, Nguyên Ngọc cho chúng ta trong chiến tranh đã nhìn sai về sự xâm lược, sự căm thù giặc là “không bình thường”. Có lẽ chỉ có một người tâm thần mới nghĩ như Nguyên Ngọc mà thôi. Hiện tại chúng ta đã chào đón Phó Thủ tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ, Nhạc sĩ  Phạm Duy, v.v.. trở lại Tổ quốc; đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ mà cựu TT Bill Clinton nói: “Việt Nam trong trái tim tôi”; cựu TT Bush nói: “VN là bạn”. Chúng ta đã hòa hợp, nhưng dù như thế thì cũng không ai, không nước nào xóa trắng lịch sử cả. Thật nguy hiểm khi Nguyên Ngọc viết: “Tôi hiểu Farida Shaheed nói “việc dạy sử không nên đặt ra mục đích đắp bồi chủ nghĩa yêu nước” chính là theo ý nghĩa đó. Tôi cũng hiểu lòng yêu nước khác với chủ nghĩa yêu nước. Yêu quê hương, đất nước mình là tự nhiên và tốt đẹp. Nhưng khi nói đến chủ nghĩa thì tức đã có ý đẩy tình cảm ấy đến thành cực đoan, thành chật hẹp, duy nhất, có màu sắc kỳ thị với những gì không phải là đối tượng yêu đó của mình. Không nên “sử dụng” (chữ của CVUH) lịch sử, dùng việc dạy lịch sử cho mục đích chủ nghĩa”.
Chưa hết Nguyên Ngọc còn tâm đắc với ý này của một người bạn: “Chúng ta tôn vinh các bà mẹ Việt Nam anh hùng từng có nhiều con hy sinh trong chiến tranh, là đúng thôi. Nhưng có lẽ cũng đừng làm quá. Còn có hàng triệu bà mẹ khác, có con đi lính cho chính quyền miền Nam và đã ngã xuống. Mình làm quá, các bà mẹ ấy sẽ tủi thân”.
Như vậy Nguyên Ngọc đã xóa nhòa tất cả, cuộc sống không còn trắng đen, phải trái nữa. Chúng ta cần tha thứ và đã tha thứ, chính tôi đây cũng đã lấy vợ mà gia đình có một chú ruột là đại úy VNCH; một chú ruột là cha tuyên úy bị đi tù 13 năm. Sau khi được về, ông đã trở lại cuộc sống bình thường, cuối cùng ông được làm cha sở một nhà thờ lớn là nhà thờ Chí Hòa. Khi chết, lễ tang ông có Hồng y làm chủ tế, có lãnh đạo Quận Tân Bình tham dự. Khi đưa tang có công an gác những ngã tư gần nhà thờ cho xe chạy thông tuyến. Nhưng dù như vậy, dù không còn thù hận, nhưng cuộc sống luôn có chính nghĩa, phi nghĩa. Không ai có thể đồng nhất người anh hùng với kẻ bán nước. Viết như trên Nguyên Ngọc đã ngang nhiên phản bội những đồng chí, đồng bào của mình; lấy lòng những người từng bên kia chiến tuyến còn chưa nguôi thù hận. Nghĩa là đến tận hôm nay, Nguyên Ngọc còn chiêu hồi “Bên thua cuộc”, giống như một công dân mạng viết về Bùi Tín, Nguyên Ngọc cũng chính là “miếng giẻ chùi máu giày quân xâm lược”!
Chỉ có điều khó hiểu là, tại sao VietNam.net, tờ báo điện tử lớn nhất VN, của Bộ TT & Truyền thông VN, lại cho đăng bài viết đó của Nguyên Ngọc? Trước đây, VietNam.net cũng đăng bài của Kỳ Duyên viết: “Cũng giữa những ngày này, người hâm mộ nhạc Phạm Duy còn đang đắm mình vào những ca khúc nổi tiếng, tài hoa của ông, thì có một "điệp khúc" khác, cứ lặp đi lặp lại, thật đáng hổ thẹn. Đó là "điệp khúc công chức 100 triệu". Việc dùng “tài hoa” của Phạm Duy đối lập với tệ nạn mua bán chức để vừa ca ngợi Phạm Duy vừa phê phán chế độ là việc làm khập khễnh, thiển cận, và nói theo “nghị” Phước là “đại ngu”! Giả sử tôi cũng so sánh “đểu” như Kỳ Duyên, giữa phẩm chất của một chế độ đã dang rộng vòng tay đón một người mấy lần phản trắc như Phạm Duy trở về với một phẩm chất xấu nhất mà người ta đã nói về ông mà tôi không nỡ nói ra, thì Kỳ Duyên thấy sao đây?
Trong Hội thảo của Hội đồng vừa rồi cũng có ý nói để nền Văn Học Nghệ thuật VN phát triển đúng đắn cần làm trong sạch môi trường các diễn đàn, cần phê phán những quan điểm và việc làm sai trái, như bài viết “Phê bình chỉ điểm” của Phạm Xuân Nguyên và việc Hội Nhà văn HN trao giải thưởng cho những người luôn ở trên tuyến đầu chống phá đất nước là Nguyên Ngọc và Huệ Chi.
Rất mong Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật TW, ngoài công tác tổ chức, vạch đường lối, còn thực hiện được nguyên lý tập trung dân chủ của Chủ nghĩa Mác Lênin, vừa phát huy dân chủ vừa có quyền uốn nắn chỉnh sửa, có thể loại bỏ việc tôn vinh sai trái những tác phẩm, đồng thời bảo vệ được những tác phẩm tốt bị phủ nhận vì trình độ kém hoặc do những ý xấu liên kết lại để bác bỏ. Và cũng có thể chấn chỉnh những sai trái liên quan đến văn học nghệ thuật trong toàn bộ hệ thống truyền thông hiện tại.
2-12-2013
ĐÔNG LA