Tôi biết tin GS Trần Chung Ngọc từ trần qua trang blog của Thanh
Tùng. Tâm trạng tôi thật khó diễn tả, không thương tiếc mà là nuối tiếc,
không đau đớn mà tâm trạng thấy bình yên một cách lạ lùng. Nuối tiếc vì từ
nay không còn được đọc những dòng châu ngọc của ông nữa; bình yên vì ông ra
đi ở tuổi 83 cũng là tuổi thọ, ông lại là một Phật tử nên tất sẽ hiểu rất sâu
sắc cái lẽ vô thường.
Tôi chưa một lần gặp mặt ông, nhưng có duyên gặp ông trên trường chữ
nghĩa. Một lần đến chơi ở TC Văn Nghệ Quân Đội, Đại tá Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm
đưa tôi một bài viết nói: “Trong bài viết của một ông GS Việt kiều Mỹ này có
khen bài Các Mác- một tình yêu bao la của ông”. Ông GS Việt kiều chính là
Trần Chung Ngọc. Tôi đọc rồi tìm hiểu về ông thì thấy với tư duy khoa học của
một GS Vật lý, với cái nhìn minh triết của một Phật tử, những suy nghĩ của
ông về lịch sử, về chính trị xã hội thật tuyệt vời. Tuyệt vời ở chỗ nó vượt
lên trên lẽ thường, bởi ông là một cựu sĩ quan VNCH, một người bên bại trận,
nhưng lại có những cái nhìn rất khách quan.
Để tưởng nhớ ông, tôi xin đăng lại bài Các Mác-một tình yêu bao la, cái cầu nối, điểm giao duyên giữa hai
con người xa lạ là tôi và ông. Tiên đây cũng xin thông báo, Đơn kiện Thu Uyên
của những người trong đoàn Tâm đức Yên Bái đã chính thức được Công an TPHCM
tiếp nhận:
|
CÁC MÁC - MỘT TÌNH YÊU BAO LA
Năm 2005, Đỗ Hoàng Diệu viết
truyện ngắn Vu Quy cho rằng dân tộc Việt như một cô gái bị ông bố lịch sử ép gả
cho một xác chết, một người đàn ông tên
Karl “từa tựa bức tượng tôi vẫn thường
trông thấy mỗi khi đến cơ quan bố”, với “hàm râu quai nón rậm rì loen nhoen nhiều vệt trắng”, người đàn
ông “uyên bác và nhiều vốn tư bản”, một định mệnh cay nghiệt mà
cô không thể cưỡng lại được. Nguyên Ngọc đã cho rằng “có thể chờ đợi” ở Đỗ Hoàng
Diệu “một tài năng” “có thể truyền đến cho chúng ta những nghiền ngẫm sâu thẳm
về con người… về số phận dân tộc”. Từ truyện trên, tôi đã có cảm hứng viết bài
“Các Mác - một tình yêu bao la”được đăng lần đầu trên Talawas (Đức, 2006) và
2009 đăng trên trang web của HNV Việt Nam . So với văn
bản đầu, tôi có sửa vài lần, khi được biết GS Trần Chung Ngọc, tôi đã bổ sung
những ý quý giá trong một vài bài viết của ông vào; tôi cũng viết thêm khi cập
nhật những tin tức mới, nhất là bộ phim tài liệu Câu chuyện Sô Viết của Edvins
Snore người Latvia, tố cáo tội ác của Chủ nghĩa Cộng sản và những ông tổ là Các
Mác, Ăngghen và Lênin đều có chủ trương diệt chủng, giống hệt chủ nghĩa Phát
xít (ĐL).
http://hoinhavanvietnam.vn
/(2/17/2009
4:26:45 PM):
Khi người ta đua nhau xuyên tạc Mác, lợi dụng Mác và nói xấu Mác
như một thứ mốt và tùy tiện cắt xén Mác sao cho có lợi nhất cho quyền lực của
mình thì Đông La, một nhà nghiên cứu thuần túy vì học thuật đã có tiếng nói khá
chân thành và độc đáo về Các Mác vĩ đại. Dù không hẳn cái gì Đông La nói vanvn.net cũng đồng ý, nhưng cứ để y
nguyên cho rộng đường dư luận và xin giới thiệu cùng bạn đọc như một
sự kiện của tuần này.
TRẦN CHUNG
NGỌC (GS Vật lý, Mỹ):
“… một số
như Trần Mạnh Hảo và các “nhà dân chủ” ở trong nước cũng như một số chuyên gia
chống Cộng ở hải ngoại lại mượn cơ hội này để tố Cộng một chiều, phê bình lăng
nhăng về chủ thuyết Marx trong khi họ chỉ có một trình độ hiểu biết rất hời hợt
về Marx. Đông La đã vạch ra sự hiểu biết hời hợt về chủ thuyết Marx của Bùi Tín,
Hoàng Minh Chính, Hà Sĩ Phu, v.v... trong bài “Các Mác - Một tình yêu bao la”. Những người này chống Marx qua
cái lăng kính nhỏ hẹp của mình, không hề biết vị thế của Marx trong giới trí
thức là như thế nào...
Muốn tìm hiểu thêm về chủ
nghĩa Marx, tôi xin giới thiệu một bài rất có giá trị nghiên cứu về chủ nghĩa
Marx của Nguyễn Hoài Vân: bài “NHỮNG NGỘ NHẬN VỀ HỌC THUYẾT MARX” do một dân
Việt ở Đức Quốc đưa lên diễn đàn Đàn Chim Việt.
Ngoài ra có bài Các Mác - Một tình yêu bao la
của Đông La cũng rất nên đọc. Nhìn Marx chúng ta phải nhìn trên nhiều khía cạnh
khác nhau chứ không thể nhìn một cách sai lầm, hẹp hòi như của Trần Mạnh Hảo
hay của một số người chống Marx” (Theo Giaodiem.com, 2006).
PHONG UYÊN (Pháp):
Tôi rất cảm phục Đông La đã dũng cảm tố cáo cái chủ nghĩa C. Mác giả hiệu … Còn chủ nghĩa Mác chân chính, một “tình yêu bao la”, vẫn
hiện hữu và phát triển … mà nòng cốt là giai cấp vô sản, chính là giai cấp “làm
thuê hiện đại”, gồm cả những Tổng thống, những ông vua, bà hoàng, những người
vô sản nhưng có “cái sở hữu tự lập”, những trí thức, thầy tu, thi sĩ..., nói
tóm lại, trên 80% dân số, theo những thống kê mới nhất. Mác ở đây không phải là
một thần tượng mà các tăng lữ giơ lên cao để bắt mọi người quì xuống cho các
tăng lữ giẫm lên, mà là một nhà tư tưởng, được các trí thức, các học giả kính
trọng vì óc phê phán, chứ không phải vì những giáo điều mà những tăng lữ “tội
phạm lịch sử” vẫn cố ý gán cho Mác.
(Theo Talawas, 6.2.2006)
Tôi muốn viết tên nhà triết học, nhà cách mạng vô
sản là Các Mác, cách phiên âm của nước Việt Nam XHCN, nơi tôi đã sống trọn nửa
thế kỷ, cho đúng với ngôn ngữ chính trị của một chế độ mà mỗi bước đi đã được
chiếu sáng bởi tư tưởng ông, cái ánh sáng mà một nửa nhân loại (áng chừng) coi
là ánh đuốc dẫn đến thiên đường; còn một nửa kia coi là ánh lửa hung bạo dẫn
xuống địa ngục!
Tôi cũng dựa vào tên bài hát
Bác Hồ - một tình yêu bao la của
Thuận Yến để đặt tên cho bài viết, bởi tôi nhận thấy cặp “thầy trò” này; ngoài
điểm khác biệt: người thì có tinh thần quốc tế vô sản người thì chỉ muốn “được
việc” cho dân tộc mình; nhưng cả hai đều có cái chung, đó chính là tinh thần
nhân đạo - một tình yêu bao la đối với con người!
Viết vậy, có lẽ tôi sẽ gây
ra nhiều ngạc nhiên khi ở cái nửa tôn thờ giờ cũng
đã có nhiều người tỏ ra thức thời từ bỏ ông, một số
còn phủ nhận và chống đối ông. Nhưng tôi vốn là người luôn suy nghĩ độc lập,
chủ nghĩa tôi theo là chủ nghĩa khoa học, nên trước vô vàn ý kiến về Mác, tôi
vẫn muốn viết đôi điều, dù hiểu rằng, có được ý kiến riêng thực sự là một thách
thức trí tuệ.
Mấy năm gần đây, nhờ có internet, tôi mới có thể
biết được nhiều thông tin mà trước đây nếu có thì chỉ là loáng thoáng theo kiểu
“nghe hơi nồi chõ”. Lúc đầu có thể nói là kinh ngạc, nhưng trái với một số
người thường chuyển từ cực này sang cực khác, tôi dù biết được thêm nhiều
chuyện, nhận thức về những vấn đề cơ bản vẫn không thay đổi nhiều, thậm chí có
những vấn đề lại có cơ sở để khẳng định vững chắc hơn.
Duyên cớ tôi viết bài này có lẽ là do đọc truyện
ngắn Vu quy của nhà văn Đỗ Hoàng
Diệu, bằng bút pháp phúng dụ cô đã văn học hóa những
chính kiến của nhiều thế hệ (nếu tính tuổi thì lớp đầu ngang với ông nội cô),
mà những người chống chế độ tôn vinh là “những chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ”
như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Bùi Tín, Nguyễn Minh Cần, Dương Thu
Hương, Hà Sĩ Phu, Lữ Phương, v.v... Bắt đầu là xu hướng theo chủ nghĩa xét lại
(revisionism) với tư tưởng đặt nhẹ đấu tranh giai cấp và giải phóng dân tộc;
rồi đến việc phủ nhận một phần; và cuối cùng là phủ nhận toàn phần Chủ nghĩa
Mác.
Chủ nghĩa Mác lý thuyết là
một chủ nghĩa nhân đạo, nó chính là cái quy trình cách mạng nhằm xóa bỏ sự
thống trị, bóc lột để mang lại công bằng và hạnh phúc cho toàn thể loài người.
Một điều tốt đẹp như vậy tại sao lại có người chống đối?! Theo tôi, có lẽ bởi
lịch sử triển khai cái quy trình trên vào thực tiễn có những sự sai lạc, thậm
chí làm ngược với tinh thần nhân đạo của Các Mác; do người ta hiểu chưa rõ,
hiểu sai, từ những khái niệm đến những nguyên lý cơ bản trong lý luận của ông.
Đến nỗi, có tài liệu nói rằng, ông là thủy tổ của Chủ nghĩa Mác nhưng lại tuyên
bố: “Không phải là người Mac-xit”!
Theo GS. Trần Chung Ngọc (Mỹ): “Giáo sư
lý thuyết chính trị tại đại học Oxford, Isaiah Berlin, đã viết trong cuốn sách
nghiên cứu về “Karl Marx” như sau, trang 221: “Marx,
vào cuối cuộc đời, tuyên bố rằng bất kể ông ta có thể là nhân vật nào khác, ông
ta chắc chắn không phải là một người Mác-xít” (Marx, towards the end of his life, declare that whatever else he
might be, he was certainly not a
Marxist). Giáo sư Robert L. Heilbroner,
tác giả cuốn “Những Triết Gia Thế
Gian: Đời Sống, Thời Đại, và Tư Tưởng Của Những Tư Tưởng Gia Kinh Tế Vĩ
Đại” (The Worldly
Philosophers: The Lives, Times, and
Ideas of the Great Economic Thinhkers), một trong những tư tưởng gia vĩ đại mà
tác giả viết trong cuốn sách trên chính là Marx, đã viết Lời Mở Đầu trong cuốn
sách nghiên cứu về Karl Marx của Isaiah Berlin như sau, trang xix: “Mác đã tự tách mình ra khỏi những sự ngu xuẩn mà
người ta diễn đạt nhân danh ông” (“I
am not a Marxist”, Marx remarked toward the end of his life – dissociate
himself, Berlin suggests, from the idiocies which were already beginning to be
perpetrated in his name”) (Bài ĐÔI ĐIỀU NHẬN XÉT & GÓP Ý XUNG QUANH “BẢN
DỰ THẢO BÁO CÁO CHÍNH TRỊ ĐẠI HỘI X”, Giaodiem.com)
Tại sao lại như vậy?
Thứ nhất là chủ nghĩa giáo điều, với tư tưởng sùng
bái cá nhân phi khoa học, người ta đã biến Mác thành thánh sống, coi mỗi câu
chữ của ông là khuôn vàng thước ngọc, trong khi thực chất Mác chỉ viết ra những
điều chung nhất, mà lại về cách mạng xã hội, cái quy trình có tính bao quát vô
cùng lớn, phụ thuộc vô vàn các điều kiện; không giống như những quy trình công
nghệ với những thông số cụ thể. Nên áp dụng những nguyên lý của Mác là phải hết
sức mềm dẻo và luôn có sự thay đổi cho thích ứng như chính bản thân Mác và
Ăngghen, trong lời tựa viết cho bản tiếng Đức Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản xuất bản năm 1872, đã viết: “việc áp dụng những nguyên lý... cũng phải
tùy theo hoàn cảnh lịch sử”, rồi “không
nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra... ngày nay mà viết lại...
cũng phải viết khác đi” (Tuyên ngôn
của Đảng Cộng sản, Nxb Chính trị Quốc gia, H., 1998, tr. 9). Thực tế trong
quá khứ cũng đã có những sự thay đổi một số nguyên lý của chủ nghĩa Mác. Nhưng
nói chung, mọi thay đổi nếu theo đúng tinh thần nhân đạo, vì lợi ích nhân dân,
phù hợp với quy luật chung, sẽ mang lại sự phát triển và tiến bộ.
Điều thứ hai. Cũng trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác và
Ăngghen viết: “Trong tất cả các giai cấp
hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp
thực sự cách mạng” (Sđd, tr.97); và theo hai ông: “Bác sĩ, luật gia, tu sĩ, thi sĩ, bác học đều bị giai cấp tư sản biến
thành những người làm thuê” (Sđd, tr.74); rồi: “Từng bộ phận trọn vẹn của giai cấp thống trị bị sự tiến bộ của công
nghiệp đẩy vào hàng ngũ giai cấp vô sản... Những bộ phận ấy cũng đem lại cho
giai cấp vô sản nhiều tri thức” (Sđd, tr.95-96). Như vậy, tầng lớp trí thức
và tư sản tiến bộ cũng thuộc “giai cấp
thực sự cách mạng”. Hơn nữa với chú thích của Ăngghen “Giai cấp vô sản là giai cấp những công nhân làm thuê hiện đại”
(Sđd, tr.65), vậy khái niệm “giai cấp
công nhân” với ý nghĩa triết học Mác chính là “giai cấp làm thuê hiện đại”, bao
gồm tất cả những tầng lớp bị bóc lột, bị trị, bị vô sản hóa, cả những tư sản
tiến bộ, chứ không chỉ trơ trụi là những người công nhân đứng máy, những người
hoạt động cơ bắp. Chính vì không hiểu điều này nên những người chống đối cho
Mác sai khi đề cao sức mạnh cơ bắp, cho những người “ngu si tứ chi phát triển”
làm sao mà lại “tiên phong”, lại lãnh đạo cả những tầng lớp có “đầu óc” được.
Còn trong quá trình cách mạng, khi giới hạn ngoại diên khái niệm và “nghĩa đen
hóa” ý nghĩa “giai cấp công nhân” chỉ là những người đứng máy như thế, người ta
đã đưa ra những chủ trương sai, đã gây ra những sai lầm, loại bỏ, kìm hãm những
người vô sản chân chính, những trí thức ưu tú, những nhà tư sản, những địa chủ
yêu cách mạng; thực hiện cái “chủ nghĩa thành phần, chủ nghĩa lý lịch”, cản trở
những người thuộc tầng lớp trên, giàu tri thức hoạt động cách mạng, kìm hãm và
kéo lùi lại sự phát triển. Cải cách ruộng đất ở ta chính là một hậu quả của sự
sai lầm nói trên mà nước ta đã rất nhanh chóng nhận ra và sửa sai ngay.
Điều thứ ba, cái xương sống
của chủ nghĩa Mác: tư tưởng “đấu tranh giai cấp”. Trong lịch sử áp dụng nó,
những người vô sản đã mang lại những thành quả rất lớn lao nhưng cũng không ít
sai lạc. Nó cũng chính là vấn đề bị những học giả tư sản và những người chống
đối phê phán nhiều nhất. Có như vậy tôi nhận thấy là do người ta đã vận dụng
sai và hiểu chưa chính xác tư tưởng của Mác.
Cũng trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác và
Ăngghen viết: “Đặc trưng của chủ nghĩa
cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở
hữu tư sản... là biểu hiện cuối cùng và đầy đủ nhất... trên cơ sở những người
này bóc lột những người kia” (Sđd, tr.107); “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng chiếm hữu những
sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy
để nô dịch lao động của người khác” (Sđd, tr.114), rồi: “Cái sở hữu làm ra, kiếm được một cách lương
thiện... chúng tôi có cần gì phải xóa bỏ cái đó” (Sđd, tr.108). Như vậy,
nội hàm chính của khái niệm “đấu tranh
giai cấp” chính là “tước bỏ quyền
dùng sự chiếm hữu để nô dịch người khác”, “Lật đổ sự thống trị”, xóa bỏ chế độ “Người bóc lột người”. Nhưng trong thực tiễn vô vàn trường hợp người
ta đã không chỉ tước “quyền sở hữu”
mà còn tước cả “sinh mạng sở hữu”, lẽ
ra chỉ đấu tranh với sự bóc lột, bất công, người ta đã đấu tranh với tất những
gì thể hiện sự sung túc, phê phán tất cả những gì sang trọng, văn minh, cho là
biểu hiện của lối sống xa hoa, phù phiếm, trụy lạc tiểu tư sản và tư sản;
đề cao cái dân giã, thô mộc, đơn sơ,
nghèo khó. Tệ hơn nữa, có những cá nhân nhiều tham vọng khi nắm được quyền lực
đã dựa vào tư tưởng đấu tranh giai cấp, vào đủ thứ “tính
đảng”, “tính giai cấp”, “tính quần chúng”... đấu tranh với chính đồng chí
mình, triệt hạ những người không cùng cánh, giành trọn và giữ vững quyền lực;
từ đó sinh ra tệ sùng bái cá nhân, để rồi từ việc lật đổ sự thống trị cũ lại
thiết lập một sự chuyên quyền, đi ngược lại hoàn toàn tinh thần nhân đạo và
tiến bộ của chủ nghĩa Mác, vì mình, vì băng nhóm mình chứ không vì cách mạng,
vì dân; từng gây ra tai họa khủng khiếp như những sự thanh trừng ở Liên xô cũ, Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc.
Ở nước ta có một số nhân vật từng là tín đồ của Mác,
được đào tạo cơ bản, được giao những trọng trách, từ việc thể hiện quan điểm,
góp ý, đến việc đi ngược với xu thế chung, đã bị thất sủng, bị chế độ lên án,
bị quản chế, thậm chí bị tù tội... tôi vẫn cứ nghĩ là họ bị oan vì tội của họ
là tội “quá thông minh” nên đã “cầm đèn chạy trước ô tô”, nhưng phải đến
tận hôm nay, nhờ internet, tôi mới biết cụ thể những chính kiến của các vị qua
những trang viết cụ thể. Muốn đánh giá tinh thần “xét lại”, “chống đối” đó
đúng hay sai, hành động đó vì dân, vì nước hay vì cái tôi, và những cái tôi đó
có thực sự siêu vĩ đại không, cần phải dựa trên dòng chảy liên tục của lịch sử,
xem ý thức hệ được tiếp thu rồi dẫn dắt đất nước ta như thế nào, tới hòa bình
hạnh phúc hay bạo loạn và bất hạnh? Trước hết, có một sự thực khách quan, dù
phía này hay phía kia buộc phải công nhận: Nước ta sau bao năm: nước thì bị
mất, vua thì bị đi đầy, dân thì không phải được sống trong “thế giới tự do” như giờ mà là dưới sự
thống trị của một chủ nghĩa thực dân với đầy đủ những thuộc tính nguyên sơ của
nó: áp bức, bóc lột, tù đầy, giết chóc.
Vậy chính Bác Hồ đã lãnh đạo dân tộc ta tiếp nối truyền thống của Ngô Quyền,
Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang
Trung... giành lại đất nước chứ không phải bất cứ một thế lực nào khác. Khi Bảo
Đại tuyên bố hủy bỏ những hiệp ước ký với Pháp và ngày 25.8.1945 làm lễ “thoái
vị”, giao quyền lãnh đạo đất nước cho Chính phủ Lâm thời, chính từ 2-9-1945,
ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập,
nước ta mới bắt đầu có lại chính thể, có người lãnh đạo. Rồi sau đó khi Mỹ
không ký vào Hiệp nghị Giơ-ne-vơ (7.1954), phá hỏng tổng tuyển cử 7.1956, thành
lập chính phủ Việt Nam Cộng hòa, đem quân vào; thì việc lãnh đạo nhân dân tiến
hành cuộc kháng chiến thống nhất đất nước tiếp theo của một chính phủ hợp pháp
là lẽ đương nhiên, và cuộc kháng chiến đó là chính nghĩa cũng là lẽ đương
nhiên. Còn lúc đó lại đi theo “chủ nghĩa” nào đó đòi “chung sống hòa bình”, chấp nhận sự chia cắt đất nước, rõ ràng đã đi
ngược dòng chảy lịch sử. Ngay cả Khơrutxov, cha đẻ của tư tưởng “chung sống hòa bình” đó, năm 1964 cũng
đã bị hạ bệ do trước đó đã ra tay đàn áp sự nổi loạn của nông dân ở Poznan, Ba
Lan, và ở Budapest, Hungary, mà do chính chính sách của ông ta đã gián tiếp dẫn
tới. Còn tư tưởng có thể đạt được thắng lợi bằng bất bạo động, đàm phán? Khi làm biên tập thuê cho NXB Văn học cuốn
tiểu thuyết của Đại tá phi công Vũ Thành, như một biên niên sử về Quân chủng
Phòng không - Không quân Việt Nam, tôi mới biết, Mỹ đã khoanh một vòng tròn 60
km quanh Hà Nội và Hải Phòng chừa ra không đánh, thực hiện cuộc chiến tranh phá
hoại để mặc cả, muốn chấm dứt chiến tranh theo ý đồ của Mỹ, rồi không được mới
dùng B52 đánh thẳng vào Hà Nội và Hải Phòng, cuối cùng vẫn không được, và khi
hết mọi cách, Mỹ mới chịu thất bại hoàn toàn. Như vậy, làm sao có chuyện chỉ có
thể đàm phán suông mà kết thúc được chiến tranh. Cũng giống như một tên kẻ cướp
lấy được của quý rồi, chủ nhà làm sao chỉ “đàm phán” thôi mà đòi lại của được.
Thật tiếc là đã có cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh viết về cuộc chiến tranh đó,
đã được những trí tuệ mà dư luận bây giờ cho là hàng đầu của nền học thuật
thuật Việt Nam ca ngợi, được tùm lum giải thưởng, giờ tác giả và cuốn sách đã
thành nổi tiếng cả thế giới, còn được Holywood chuẩn bị dựng thành phim nữa… Có
điều tôi rất băn khoăn, đây là một cuốn sách viết với tư tưởng nghệ thuật là sự
sám hối, y như dân tộc ta đã tiến hành một cuộc xâm lược vậy. Tôn vinh sự sám hối của người tự vệ với nỗi buồn sau
chiến thắng và coi sự tự vệ là vô nghĩa như tinh thần cuốn sách này, có lẽ
tôi thấy trong lịch sử loài người chỉ có ở nước ta mà thôi. Có dịp tôi sẽ nói
kỹ về điều này hơn.
Như đã phân tích ở trên, tôi thấy Bùi Tín cũng rất
sai lầm khi viết: “Cái sai lớn nữa của Mác là đã đề cao một
chiều bạo lực và chuyên chính vô sản, coi dùng bạo lực như là phương thức duy
nhất để chuyển sang chế độ chính trị mới” (trong cuốn Mặt thật); và Hà
Sĩ Phu: “Nhưng Mác - Lê tâng bốc đấu
tranh giai cấp thành động lực duy nhất thúc đẩy tiến hóa để có sức mạnh mà
giành chính quyền” (trong bài Triết
học Mác - Lê: Khủng hoảng phương pháp luận”). Cũng theo GS. Trần Chung Ngọc: “Chủ trương đấu tranh giai cấp của Mác không phải là luôn luôn phải dùng
đến bạo lực mà có thể thực hiện một cách hòa bình. Ngày 8 tháng 9, năm 1872, trong một diễn văn
dưới đầu đề “Có Thể Làm Cách Mạng Mà
không Cần Đến Bạo Lực” (The Possibility of Non - Violent Revolution),
đọc tại Amsterdam, Marx đã phát biểu như sau:
“Các bạn biết rằng chúng ta phải xét đến những định chế, và hơn nữa,
những truyền thống của các quốc gia khác
nhau, và chúng ta không phủ nhận là có những quốc gia như Mỹ, Anh, và Hòa Lan, trong đó giới công nhân có thể đạt được mục
đích qua những phương tiện hòa bình”. (The Marx-Engels Reader, Edited
by Robert C. Tucker, p. 523: You know
that the institutions, mores, and the traditions of various countries must be
taken into consideration, and we do not deny that there are countries – such as
America, England, and Holland – where the workers can attain their goal by
peaceful means). Ngay trong bản “Tuyên Ngôn”,
sau khi đưa ra một số biện pháp đấu tranh, Marx đã cho rằng “Những biện pháp
này tất nhiên phải khác nhau trong những quốc gia khác nhau” (These
measures will of course be different in different countries). Hơn nữa, khi đọc những tài liệu về Marx, chúng
ta còn thấy Marx chống sự sùng bái cá nhân (against personality cults)” (Bài
đã dẫn).
Còn Hoàng Minh Chính, tại Đại học Harvard, ngày 28
tháng 9 năm 2005, nói: “Trước hết, Marx và Engels tuyên bố rằng
“Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến nay chỉ là lịch sử đấu tranh
giai cấp”, và cho rằng: “Luận điểm này đi ngược lại lịch sử phát
triển khách quan của xã hội loài người”, mà theo ông: “Trên cái nền tảng vật chất sản xuất và thương mại, khoa học và công
nghệ”, “xã hội loài người đã thăng trầm trải qua các nền văn minh đồ đá, đồ kim
khí, máy hơi nước, v.v”… Như vậy, Hoàng Minh Chính đã không hiểu đúng văn
bản, không hiểu nội hàm các khái niệm, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Tôi thật
không ngờ một ông cựu Viện trưởng Mác - Lê, có gan đội đá vá trời mà lại có
thao tác tư duy sai lạc như thế. Thực ra Mác nói “lịch sử xã hội” là nói lịch sử chính trị, lịch sử thay đổi các chế
độ, ông lại đi phân tích “lịch sử phát
triển văn minh” rồi chê Mác “đi ngược”,
giống như ông phân tích một bài văn nhưng không thấy các phép toán cộng, trừ,
nhân, chia đâu cả, nên chê là không hay! Hà Sĩ Phu cũng có sai lầm tương tự
Hoàng Minh Chính khi viết: “Nếu biết nhìn
lịch sử một cách thật biện chứng như một quá trình thống nhất ắt các ông phải
thấy "trí tuệ" mới là động lực... và không dựng ra một học thuyết đấu
tranh giai cấp rùm beng như thế”.
Còn trong thực tế có vài
trường hợp thành công bằng con đường hòa bình như Mahatma
Gandhi
thì theo học giả Hoàng Xuân Hãn, một chứng nhân lịch sử, khi trả lời Thụy Khuê
nói: “Nhưng thực ra, với Gandhi, ... cũng
may vì có chiến tranh thế giới cho nên các ông ấy mới được độc lập, không phải
là tự các ông ấy mà gỡ ra được. Nói thực như thế”. Như
vậy, tất cả những biến cố đã xảy ra trong lịch sử không phải tự thân mà có mà
chính là kết quả tất yếu của những nguyên nhân, và nguyên nhân cơ bản nhất là
quy luật sử dụng bạo lực trong đấu tranh đối kháng. Theo Mác, những xấu xa của
CNTB nguyên thủy thời Mác, nhất là sự bất công trong hưởng thụ thành quả lao
động sẽ gây ra mâu thuẫn đối kháng làm nảy sinh cách mạng xã hội sẽ tiêu diệt
chính XHTB! Thế thì tại sao CNTB chưa bị chết?
Thực tế CNTB đã ác hơn và tham lam hơn Mác nghĩ, nó không chỉ bóc lột công
nhân bản xứ mà còn đi xâm lược để bóc lột được nhiều hơn. Lịch sử loài người đã
xảy ra hai cuộc Đại chiến thế giới: thứ Nhất (1914 - 1918) và thứ Hai (1939 -
1945). Đại chiến thế giới thứ Nhất thực chất là chiến tranh phân chia lại thị
trường giữa một bên là Đức, Áo, Hung với một bên là Anh, Pháp, Nga, Mỹ. Kết quả
là Đức thua và còn bị trói chặt bằng Hiệp ước Véc-xây. Rồi chính sự phục thù
của Đức đã làm nên Đại chiến thế giới thứ Hai, một cuộc chiến khủng khiếp nhất
trong lịch sử nhân loại. Liên-xô cùng phe đồng minh đã chặn đứng được thảm họa
đó; và chính sự chiến thắng chủ nghĩa phát-xít đã sinh ra hệ thống các nước
XHCN rồi trở thành đối trọng với hệ thống TBCN. Thế là trong quá trình “thích nghi để tồn tại”, chạy đua với các
nước XHCN, tránh sự diệt vong theo tiên đoán của Mác, các nước
tư bản đã tự thay đổi, một hành động mà tôi gọi là “tự chết” đi những tính chất xấu xa. Bách khoa toàn thư Wikipedia,
một công trình của các học giả tư sản cũng phải thừa nhận: “Lý tưởng của chủ
nghĩa cộng sản là đối trọng để chủ nghĩa tư bản trở nên tốt đẹp hơn để được xã
hội loài người chấp nhận. Từ chủ nghĩa tư bản với sự tự do bóc lột -
"Người với người là chó sói" (Lenin) - và đầy rẫy bất công tạo ra mầm mống của bạo động và cách mạng, thế giới
cũ đã tìm các cách thích nghi và triển khai một xã hội công dân mà trong đó mọi
thành phần xã hội đều có thể phát triển, các mâu thuẫn xã hội không thể đã hết
nhưng đã có những cơ chế thỏa hiệp để giải quyết trên cơ sở hợp lý cho các giai
tầng xã hội. Đây là một đóng góp gián tiếp rất lớn của chủ nghĩa xã hội”; “hiện tượng Chủ
nghĩa tư bản toàn dân
như hiện nay của các xã hội Âu - Mỹ khi công nhân cũng có thể là đồng sở hữu
của phương tiện sản xuất thông qua cổ phần”.
Điều cuối cùng, Hà Sĩ Phu trong bài Triết
học Mác - Lê: Khủng hoảng phương pháp luận viết: “Cứ cho mọi điều Mác - Lê đã nói là đúng hết đi... thì vẫn còn một sai lầm không thể chối cãi là
sai lầm về phương pháp luận!”, tức Hà Sĩ Phu muốn phủ nhận Mác ở cấp độ sâu
xa nhất, cơ bản nhất, cái cơ sở khoa học của lý luận. Ông lý luận: “Nếu
đã hiểu thuộc tính quan trọng nhất của ý thức là tính "phản ánh" và
tính "tác động" thì phải biết rằng thuộc tính ấy là của vật chất nói
chung, biểu hiện ở tất cả mọi mức độ từ thấp lên cao. Cục sắt và thanh nam
châm, vật nọ phát tín hiệu và phản ánh vào vật kia và tác động trở lại vào vật
kia. Giữa phân tử ôxy và hydro cũng như vậy... chúng nhận thức lẫn nhau và tác
động lẫn nhau”. “Không thể tách ý thức của con người ra khỏi khả năng
"phản ánh" và "tác động" của thế giới vật chất nói chung.
Không phải đến con người thì cái "ý thức" thiêng liêng ấy mới đột
nhiên xuất hiện. Ý thức không phải là chuyện riêng của thế giới con người (nếu
mang nghĩa hẹp ấy thì nó chỉ tương ứng với quy mô xã hội thôi, sao có thể đem
đọ với quy mô vật chất được?), “Ý thức tinh thần chính là thuộc tính chung của
thế giới vật chất. Không thể có cái thứ vật chất không có tinh thần, cũng không
có cái thứ tinh thần ngoài vật chất: Tách thành vật chất và tinh thần để rồi
cho rằng cái này có trước, cái kia có sau tức là tách "vật chất" ra
khỏi chính thuộc tính của nó thì vô nghĩa biết chừng nào! Thử hỏi thanh nam
châm và cái thuộc tính hút sắt của nó thì cái nào có trước? Vật chất và tính
phản ánh của nó cũng vậy. Không thể có vật chất và ý thức, chỉ có thế giới vật
chất đang vận động, đang tự ý thức, tự phản ánh, tự tác động phần này vào phần
kia và tự biến đổi”… Quả thật, tôi cũng lại quá ngạc nhiên và buồn cười
trước Hà Sĩ Phu, một Tiến sĩ Sinh học, có tâm hồn văn chương, nhiều tham vọng,
trong lĩnh vực lý luận có nhiều ý khá độc đáo (nhưng có đúng không thì phải
xem) khi ông vo viên tất cả lại như trên. Nếu làm như ông thì mọi lý luận, mọi
nghiên cứu khoa học trên đời không còn nữa. Để nhận thức thế giới tự nhiên và
xã hội, đưa ra những lý thuyết và lý luận phục vụ lại cuộc sống con người, con
người buộc phải tiến hành những thao tác phân lớp, chia tách, thành những đối
tượng, những hàm số, thông số, biến số (với khoa học tự nhiên) và những khái
niệm với những “nội hàm” và “ngoại
diên” nhất định (khoa học xã hội); từ đó mới tiến hành thí nghiệm,
phân tích, biện luận, chứng minh rồi đưa ra những kết quả; rồi lại đem những kết quả ấy ứng dụng vào
thực tế và được chính thực tiễn cuộc sống kiểm tra, điều chỉnh... Cứ thế, hành
trình phát triển nền văn minh là một quá trình vận động không ngừng theo nguyên
lý “phủ định của phủ định” để tiệm
cận đến chân lý. Với tinh thần đó, khái niệm “Vật chất” của chủ nghĩa Mác là “thực
tại khách quan”, là “một tập hợp vô
hạn những hiện tượng, khách thể và hệ thống đang tồn tại trên thế giới”;
còn “Ý thức” là “hình thức phản ánh cao cấp, riêng có ở con người, đối với thực tại
khách quan”, là “toàn bộ quá trình
tâm lý tích cực tham gia vào sự hiểu biết của con người đối với thế giới khách
quan”. Từ những quy ước triết học đó, (không coi tính chất hóa học và lý
học của vật chất là ý thức, tức có ngoại diên nhỏ hơn khái niệm ý thức của Hà
Sĩ Phu nói trên) chủ nghĩa Mác cho “vật
chất có trước và sinh ra ý thức” trong bình diện tự nhiên; rồi từ cơ sở
khoa học đó vận dụng trong bình diện xã
hội cho: vật chất quyết định ý thức, lực
lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất, cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc
thượng tầng... Tính “quyết định”
ở đây có nghĩa là trong một hệ thống muốn phát triển tốt phải khảo sát, xây
dựng trước, được xác định là lực khởi động, chứ không có nghĩa là không có tác
động qua lại và ngược lại. Chính vì hiểu tính “quyết định” một chiều nên trong thực tế, người đi theo thì vận dụng
sai, người phủ nhận thì hiểu sai. Trong giới hạn một bài viết tôi không thể
chứng minh hết được, chỉ riêng nguyên lý vật
chất sinh ra ý thức, thì ai hiểu biết khoa học sẽ thấy trong thực tiễn, con
người đã làm ra trí tuệ nhân tạo, thay quyền năng của Tạo hóa, bắt sắt thép
cũng biết suy nghĩ (năm 2008, đã chế được cánh tay giả, có bộ phận nhận được
tín hiệu thần kinh của não, chuyển động như tay thật); trong lĩnh vực y học và
sinh học, khi nghiên cứu cấu tạo cũng như hoạt động hệ thần kinh, người ta đã
thấy trí thông minh được điều khiển bằng những gen, thấy bản chất dẫn truyền
thần kinh là những xung điện được tạo bới những ion các chất hóa học; bản thân
ý thức cũng có tính điện từ khi người ta có thể điều khiển các thiết bị máy móc
bằng ý nghĩ; nhiều thuốc chữa bệnh thần kinh và những thuốc kích thích gây
nghiện cũng thể hiện được một phần cái nguyên lý vật chất quyết định ý thức nói
trên...
Như vậy, tinh thần chống đối của các
vị trên đây tôi thấy dường như xuất phát từ tính kiêu ngạo tiểu nông, khí khái
phong kiến, chưa biết mình, biết người, nên chẳng khác gì hành động muốn lấy
gang tay đo cao rộng của trời đất, lấy bát ăn cơm đong nước của biển cả, để
cuối cùng thân làm tội đời. Dù tôi không đồng ý cách xử lý mang tính bạo lực
của chế độ với các vị, mà lẽ ra trong thời bình nên sử dụng diễn đàn công khai
để cho lý lẽ đấu tranh với lý lẽ, nhưng nói các vị bị oan hoàn toàn thì cũng
không phải. Tôi thấy, biết khâm phục tài năng cũng là một tài năng, còn không
phải cứ bạo miệng chê những nhân vật vĩ đại là sẽ thành người vĩ đại đâu!
Trong
khi có những tín đồ của Mác đã “chiêu hồi”, chối bỏ Mác như trên, những cuộc bình
chọn nhà tư tưởng ở ngay các nước tư bản phát triển lại có kết quả khiến người
ta bất ngờ. Theo: http://vi.Wikipedia. org/wiki/Karl_Marx:
Năm 1999, Đại học Cambridge
(Anh) công bố bình chọn nhà tư tưởng số một thiên niên kỷ, kết quả là Marx đứng
đầu, còn Einstein, nhà khoa học lớn đứng thứ hai.
Tháng 7 năm 2005, với câu
hỏi tương tự, 27.9% thính giả trong một cuộc thăm dò ý kiến của chương trình In Our Time trên kênh Radio 4 của BBC đã chọn Marx là nhà tư
tưởng ưa thích của họ, và vẫn là đứng đầu, David Hume, nhà triết học Scotland
đứng thứ hai chỉ đạt 12,6% số phiếu, đứng xa sau Marx.
Trong cuộc bình chọn 100
nhân vật vĩ đại nhất lịch sử Đức, Marx đứng thứ 3, chỉ sau Konrad Adenauer (thủ tướng Tây Đức giai đoạn 1949-1963) và Martin Luther, người sáng lập ra đạo Tin Lành.
Theo Barbara Supp, Marian Blasberg và Klaus
Brinkbäumer, trong bài Con lật đật:
“Theo thăm dò dư luận mới
đây của tạp chí Đức Der Spiegel,
cụ được dân chuộng một cách đáng ngạc nhiên, mà không phải chỉ ở Đông Đức: 50
phần trăm dân Tây Đức nói rằng sự phê phán chủ nghĩa tư bản của Karl Marx “ngày nay vẫn mang ý nghĩa của nó”. Thậm chí
56 phần trăm thấy rằng chủ nghĩa xã hội là “một tư tưởng hay nhưng được thực
hành tồi” - trong giới trẻ, sự đồng tình còn cao hơn nữa”. (http://www. talawas.Org/talaDB/showFile.php?res=5586&rb=03 06).
Tại sao ở những đất nước mà
Mác bị cho là “một kẻ nổi loạn”; “tên tội phạm của lịch sử”; thậm chí là “một con quái vật” (the Monster) lại có những kết quả như vậy? Có vậy bởi đến tận những
ngày hôm nay vẫn có không ít nhà tư bản sống sau Mác hơn cả thế kỷ đã thừa nhận
Mác đúng.
Theo
http://www.guardian.co.uk/politics/2005/ jul/17/comment.theo bserver1, nhà tỷ phú đầu cơ chứng
khoán George Soros viết: (
Cũng trong bài Con lật đật nói trên,
các tác giả viết: “Cụ đã mổ xẻ cái hệ
thống “trục lợi” này xuất sắc hơn ai hết... “Như thể Karl Marx đã đội mồ đứng
dậy”, tạp chí Mỹ Newsweek băn
khoăn, khi Franz Müntefering, Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Đức, bắt đầu sử dụng
những ngôn từ ... “Bầy châu chấu”, ám chỉ những nhà đầu tư đã moi ruột các
doanh nghiệp Đức và có thể nói là đã moi ruột cả nước Đức”; rồi: “Tại sao một ông chủ ngân hàng đầu tư Hoa
Kỳ lại để người ta trích lời mình rằng “Marx có cái nhìn chính xác nhất về chủ
nghĩa tư bản”, và “càng hoạt động lâu ở Wall Street thì tôi càng đoán chắc rằng
Marx có lý”. phóng viên kinh tế của tờ The New Yorker, vấn đề
mà các nhà kinh tế học hiện đang đối mặt, họ đang “bước theo dấu chân của Marx mà họ không biết”
So
với thời Chủ nghĩa Tư bản hoang dã mà Mác chứng kiến, mức sống của người dân ở
các nước tư bản hàng đầu ngày nay đã tăng lên rất nhiều, có lẽ chủ yếu do khoa
học công nghệ phát triển, làm tăng sản lượng hàng hóa. Thế nhưng vẫn còn nguyên
đó sự bất công trong hưởng thụ thành quả lao động. GS. Phil Gasper (Đại học
Notre Dame de Namur của California) đã viết: “Năm 1998, 10% dân số giàu nhất Mỹ chiếm hữu hơn 85% của cải bằng cổ
phiếu và quỹ chung, 84% chứng khoán tài chính, 91% trái phiếu và 92% vốn trong
các doanh nghiệp tư nhân. Trên toàn cầu con số này còn kinh khủng hơn. Chưa đến
500 người trên thế giới đang sở hữu tài sản nhiều hơn toàn bộ thu nhập của hơn
một nửa dân số thế giới cộng lại” (Báo
Tuổi trẻ, 28/11/2005). Theo báo Nhân Dân, trong cuộc điều trần do
một Ủy ban của Hạ viện Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Henry Waxman hỏi ông Richard Fuld,
Giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư khổng lồ Lehman Brothers vừa tuyên bố phá
sản: “Ông đã bỏ túi gần nửa tỷ USD và ông
thấy như vậy có công bằng đối với giám đốc điều hành của một công ty giờ đã phá
sản hay không?”. M. Yunus, Nobel Hòa bình cũng viết: “Chủ nghĩa tư bản hiện nay đã xuống cấp thành một sòng bạc. Thị trường
tài chính bị đẩy lên bởi lòng tham. Sự đầu cơ đã đạt tới mức độ thảm khốc. Tất
cả những thứ đó cần phải kết thúc” (Báo Tuổi
trẻ, 13/10/2008)… Nước Mỹ,
một đất nước có những cá nhân giàu bằng cả những quốc gia với nền khoa học công
nghệ hùng mạnh nhất thế giới, nhưng hiện nay, theo VN.net: “Cục điều tra dân số Mỹ hôm 20/10 cho biết,
họ ước tính có 47,4 triệu người Mỹ hiện sống trong bần cùng”. Bản thân Bill Gate, một trong vài người giàu nhất
thế giới cũng thấy tính bất hợp lý của CNTB, trong
(http://tuanvietnam.net/bill-gates-noi-ve-chu-nghia-tu-ban-sang-tao), đã viết: “Phúc lợi không giành cho tất cả mọi người. Có 1 tỉ người trên hành tinh
của chúng ta sống ở mức dưới 1 đô la mỗi ngày… Những sáng tạo đáng kinh ngạc
của khoa học như vắc xin và chip vi mạch dường như không đến với 1 tỉ người đó…
CNTB đã gây dựng và phát triển lợi ích bản thân theo chiều hướng không những có
lợi mà còn có khả năng duy trì cho tương lai, nhưng chỉ giành cho những cá nhân
có khả năng thanh toán”. Và ông đưa ra một hình mẫu mới mà ông gọi là “CNTB sáng tạo” có những mục tiêu giống
với CNXH: “10 năm trước, Melinda và tôi
lập ra quỹ từ thiện bởi chúng tôi muốn là một phần của một công cuộc khác, lần
này là giúp tạo dựng một thế giới mà không một ai phải sống dưới $1 một ngày
hay chết vì những bệnh tật chúng ta có thể phòng chống. CNTB sáng tạo có thể
thực hiện điều đó”. Giáo sư Tim Jackson: “Tạo của cải cho số ít cá nhân, dựa trên sự phá hủy sinh thái và sự bất
công xã hội triền miên, không thể là nền tảng cho một xã hội văn minh” (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/capitalism_ deba te. shtml).
Derrida,
một triết gia tư sản, viết: “Trong thực
trạng của thời hiện đại, thời đại chưa bao giờ hết bạo lực, bất bình đẳng, bài
ngoại, nạn đói, thất nghiệp, mất không gian sống, chiến tranh thị trường, tình
trạng nghèo khổ phổ biến ở vùng Nam bán cầu, sự đe dọa khủng khiếp của công
nghiệp vũ khí và bom hạt nhân, chiến tranh sắc tộc tràn lan, sự lộng hành của
các thế lực tội ác có tổ chức, tình trạng luật pháp quốc tế bị một số cường
quốc thao túng và từ đó áp bức kinh tế, lại gây tác hại đến một phần nhân loại
đông đảo” (Derrida, Những bóng ma của
Marx, NXB Chính trị Quốc gia, H., 1994).
Và những ngày hôm nay đây,
phong trào biểu tình “Chiếm Phố Wall”
của những người tự xưng “đại diện cho 99%”
dân lao động, đã và đang lan rộng ra khắp thế giới, chống lại 1% giới tư bản
tài chính và các chính trị gia, chống lại cái cơ chế xã hội “của 1%, do 1% và vì 1%” của Mỹ và thế
giới tư bản nói chung. Nhà làm phim Michael
Moore, một người biểu tình, đã nói về cơ chế đó: “Đó là hệ thống tàn ác... hệ thống được dựng lên để 1% những người giàu
nhất nhận 40% chiếc bánh... tư bản chủ nghĩa cần được thay bởi một hệ thống
trong đó người dân có quyền tham gia vào việc sắp đặt, điều hành hệ thống và
'chiếc bánh' phải được chia đều hơn”.
(http://www.bbc.co.uk /blogs/ vietnamese/2011/10/xa-hi-t-bn-la-ca-1-do-1-va-viht ml)
Như vậy, có rất nhiều học giả ở cả hai phe XHCN và
TBCN công nhận sự phân tích của Marx về CNTB là đúng và thực tế cũng đã chứng
tỏ. Ngược lại, sự tiên đoán của Mác về cách mạng XHCN thì không được đồng tình
như vậy, nhất là trước cái tình trạng một loạt nước nhân danh XHCN bị sụp đổ.
Nhưng sự sụp đổ đó không phải tất cả đều do chủ nghĩa Mác. Các tác giả trong
bài Con lật đật cũng đã viết: “Các nhà lãnh đạo quốc gia ở khắp nơi đã cải
tạo xã hội dựa trên lý thuyết Marx, nhưng đồng thời đã thay đổi những ý tưởng
của Marx đến độ khôi hài”. Tiếc là trên thế giới cuộc chiến tranh lạnh đã
kết thúc nhưng về mặt tư tưởng người ta vẫn chia ra hai phe ta, địch nên không
thể có sự khách quan và khoa học khi đánh giá về nhau. Gần đây có bộ phim tài
liệu Câu chuyện Sô Viết được tác giả
Edvins Snore người Latvia xây dựng rất công phu, tố cáo tội ác của Chủ nghĩa
Cộng sản và những ông tổ là Các Mác, Ăngghen và Lênin đều có chủ trương diệt
chủng, giống hệt chủ nghĩa Phát xít. Nếu đứng hẳn về một phía thì thấy rất có
lý. Có điều, một loạt học giả trong bộ phim khi đanh thép tố cáo chủ nghĩa cộng
sản, họ hoàn toàn quên những nạn nhân của những cuộc thánh chiến; nạn nhân của
những cuộc chiến tranh xâm lược mở rộng bờ cõi và tranh giành thuộc địa của chủ
nghĩa thực dân cũ và mới. Và muốn cho Chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa diệt chủng thì
phải tìm thấy điều này được thể hiện xuyên xuốt trong toàn bộ hệ thống lý luận.
Còn trong vô vàn trang tài liệu, lại với cách viết sử dụng rất nhiều hình ảnh
tu từ, chỉ tách ra vài câu chữ, rồi cho những ông tổ của chủ nghĩa cộng sản chủ
trương diệt chủng, là không đúng. Mà tinh thần Chủ nghĩa Mác được thể hiện rõ
nhất ở Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, cho
sự bất công trong hưởng thụ thành quả lao động là nguyên nhân nổ ra cách mạng
xã hội, mà cuộc cách mạng ấy nhằm để chống lại chế độ người bóc lột người,
chống lại sự nô dịch, chứ không phải để diệt chủng. Chỉ vì những điều tốt đẹp
như vậy mới có hàng tỷ người đi theo chủ nghĩa Mác, và chỉ có những kẻ mất nhân
tính, điên khùng mới tôn thờ chủ nghĩa diệt chủng mà thôi! Dù vậy, ta cũng cần
phải biết, trong triết học có khái niệm rất hay là Tha hóa, con người luôn trở
thành nô lệ cho chính những điều mình tạo ra nếu không tỉnh táo nhìn nhận lại.
Chủ nghĩa Mác và vô vàn chủ nghĩa khác, kể cả những tôn giáo, khởi thủy đều là
những học thuyết chứa đựng những lý tưởng cao đẹp và nhân ái. Nhưng đi vào thực
tế, nhiều khi và với nhiều người, chúng lại biến thành những công cụ của tham
lam và tàn bạo, hoặc trở thành xiềng xích của tư duy.
Tôi không phải là Đảng viên Đảng Cộng Sản, tôi
không viết để bảo vệ Chủ nghĩa Mác như một tín đồ mà chỉ phân tích bằng một cái
nhìn khách quan khoa học, gắn chặt với lịch sử giành độc lập của đất nước.
Riêng tôi nhận thấy: cuộc sống loài người quá phức tạp và luôn biến đổi, nên
không thể có một học thuyết nào có thể là chủ nghĩa, với nghĩa có những ý chủ
soái cho mọi sự trên đời. Ngay khoa học tự nhiên, khoa học của sự chính xác,
cũng chưa có một chủ thuyết như vậy. Nên cần phải coi chủ nghĩa Mác như một học
thuyết vì nó không thể đúng cho tất cả,
và đúng cho mãi mãi. Sự bất công
trong hưởng thụ thành quả lao động là nguyên nhân mâu thuẫn xã hội là rất đúng,
nhưng thế nào là bất công thì lại tùy thuộc cách nhìn của từng giai đoạn.
Trên thực tế, những công
ty hàng đầu của thế giới, dựa trên những thành tựu khoa học công nghệ, đều là
tư nhân. Vậy cái nguyên lý “Quan hệ sản xuất phù hợp lực lượng sản xuất”,
coi công hữu tốt hơn tư hữu, của Chủ nghĩa Mác, với thời điểm hiện tại,
cũng cần phải xem lại. Phải chăng tính tư hữu, cái tôi, đã thuộc về bản năng,
nên phương thức sản xuất dựa trên tâm lý “Ăn cây nào rào cây ấy” kết hợp
với sự điều tiết của nhà nước mà Mỹ gọi là “Nền kinh tế hỗn hợp”, sẽ phù
hợp và phát triển hơn nền kinh tế tập
thể “cha chung không ai khóc”. Nếu có định chế phân chia lại mang tính
xã hội để đạt công bằng môt cách biện chứng thì xã hội sẽ phát triển.
Ngay trong lời tựa của chính bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Mác cũng đã
viết: “việc áp dụng những nguyên lý...
cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử”. Chỉ như vậy thì đúng như một tác giả
người Đức đã viết (cũng trong bài Con lật
đật) rằng: “với tư cách là một mơ
ước, một tổng thể những lý tưởng lâu đời của loài người: công bằng xã hội, đoàn
kết, tự do cho người bị áp bức, hỗ trợ kẻ yếu. Với những lý tưởng ấy, Marx sẽ
sống mãi”.
TP Hồ Chí Minh, 10-2-2006
Viết
thêm 19-12-2011
(Bài đã đăng talawas ngày
24-1-2006,
trang web của Hội Nhà văn
Việt Nam, 17-2-2009)