Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

VŨ THỊ HÒA- CON ĐƯỜNG CỨU NHÂN ĐỘ THẾ (2): DẸP ÂM, DẸP DƯƠNG, DẸP ĐƯỜNG, DẸP CHỢ

VŨ THỊ HÒA- CON ĐƯỜNG CỨU NHÂN ĐỘ THẾ (2):
DẸP ÂM, DẸP DƯƠNG, DẸP ĐƯỜNG, DẸP CHỢ

Lần đầu đến nhà tôi thấy quá nhiều sách, cô Vũ Thị Hòa bảo, anh đọc ngàn vạn trang sách mà thờ cúng các cụ tội lỗi quá. Cô bảo: “Anh phải thờ cúng chu đáo, phải dẹp âm, dẹp dương, dẹp đường, dẹp chợ, mọi chuyện của anh, của nhà anh, của các con anh mới thông thoáng. Bạn bè anh cũng không hại anh được. Sức khỏe của chị ấy, của cả anh nữa sẽ tốt hơn. Không chỉ vì anh chị mà vì các con của anh chị nữa!
Hôm nay tôi sẽ viết cụ thể câu chuyện về việc làm tâm đức cuối cùng năm vừa qua của cô vào 29 Tết mà tôi thấy đúng là cái việc “dẹp âm, dẹp dương, dẹp đường, dẹp chợ” cứu nhân độ thế của cô.
xxx
Trước Tết tôi nói với bà xã là năm nay tôi sẽ phải thăm nhà chú Chế Lan Viên thôi. Giống như nhiều đệ tử của cô Hòa nói, được gặp cô ai cũng thấy phải tự sửa mình, sống tốt hơn. Còn tôi tự thấy mình cũng cần phải sống cởi mở, chan hòa hơn, bỏ đi những cái cố chấp vặt vãnh, bớt đi cái kiêu hãnh. Với Chế Lan Viên hồi ấy, một người ở trên đỉnh vinh quang nhưng không hiểu ông thấy gì ở một người mới tập tẹ viết là tôi mà lại giúp tôi những điều tôi chưa dám nghĩ đến, như cho giải thơ và đứng tên giới thiệu tôi vào Hội Nhà Văn TPHCM chẳng hạn. Vậy mà chỉ vì chuyện vặt, mấy năm rồi tôi đã không đến ngôi nhà có quá nhiều kỷ niệm ấy.
Sáng 29 Tết, mang một cuốn Bóng tối của ánh sáng, mua ít trái cây cúng ông, tôi lên đường. Thật không thể ngờ nổi, tôi đã bị lạc. Tôi đã bị lạc khi tìm đến ngôi nhà của người tôi coi như cha mình. Loay hoay một lát rồi tôi cũng nhận ra được đường xưa lối cũ. Con hẻm bé tí hoang sơ ngày xưa giờ đã là con đường nhựa; và cái không gian mà ông đặt tên là “viên tĩnh viên” cũng không còn được yên tĩnh như xưa nữa. Vô nhà không ngờ cô Thường vẫn nhận ra tôi: “Hùng kỳ này sao béo thế?” Gặp Vàng Anh tôi bảo: “Kỳ này anh như người thay máu rồi”. Vàng Anh không hiểu, tôi mới giải thích là do gặp cô Hòa, tôi thấy nhiều nhận thức cũng như lối sống cần phải thay đổi. Nhà văn Vũ Thị Thường cũng là người tin thế giới tâm linh, bà nói:
-Ông Hoan (tên thật của Chế Lan Viên) nhà tôi rất thích thắp nhang nhá. Nhiều khi mình đang ngủ, bừng tỉnh, ra bàn thờ thì thấy nhang vòng chỉ còn độ một đốt ngón tay là hết. Như là ông ấy đánh thức mình ra thắp nhang vậy.
Trước đây có lần bà kể, bà có cái nhẫn vàng, mà cần phải bán đi cho Vàng Anh đi họp ở Hà Nội, nhưng không biết để đâu quên mất tiêu. Bà mới đi thắp nhang:
-Anh Hoan ơi, anh chỉ cái nhẫn ở đâu để em bán đi cho con có tiền đi họp ở Hà Nội.
Một lát sau thì bà thấy cái nhẫn để trên mặt bờ tường chuồng lợn. Lần khác bà kể khi Nhà thơ Tố Hữu đến thăm nhà thắp nhang thì bát nhang trên bàn thờ Chế Lan Viên bùng cháy!
Hai cô cháu ngồi uống nước trò truyện một lúc thì tôi có điện thoại của anh Duật, một đệ tử ruột của cô Hòa, mời vợ chồng tôi đến nhà ăn tiệc để ngày hôm sau (30 Tết) tiễn cô về Bắc. Tôi “ok” rồi tạm biệt cô Thường. Đến nhà anh Duật, thật thú vị khi thấy các đệ tử của cô Hòa tụ tập như một đại gia đình quay quần đông vui. Ăn uống thỏa thuê xong, cô bảo mấy đệ tử chở tôi sang nhà ông bà cụ ở Hóc Môn mà cô đã cảnh báo nhiều chuyện, con cái lại không chịu nghe, nên đã để xảy ra những chuyện đáng tiếc.
Chúng tôi đã đến ngôi nhà đó. Tôi nói với hai ông bà là hiện trên VTV và một số báo đã nói cô Hòa lừa đảo, chúng nó còn muốn bắt cô nữa; hai bác là người chứng kiến cô Hòa làm những việc tốt cho gia đình thì cần nói ra sự thật như là nhân chứng; chúng cháu là nhà văn, nhà báo sẽ viết ra để dư luận hiểu đúng về cô Hòa. Không chỉ để bảo vệ cô Hòa mà cháu còn muốn nói cho mọi người biết rằng, không phải chết là hết; có một thế giới mà cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã mất luôn tồn tại. Nên nói chết là hết như ông Gs Nguyễn Lân Dũng nói trên VTV là đã phủ nhận linh hồn của chính cha mẹ và những người ruột thịt của mình. Hơn nữa, nếu biết chết là không hết, có quả báo, người ta sẽ sợ làm những việc xấu, vì thế mà xã hội sẽ tự nhiên tốt đẹp lên.
Sau đây là cuộc phỏng vấn không chỉ của riêng tôi mà cả Đại tá Sử với bà chủ nhà.
Bà chủ nhà kể:
- Đầu tiên cô Hòa đi tác phước ngang qua đây, tôi có biết cổ là ai đâu. Cổ nhìn mặt tôi nói gia đình tôi có chuyện rối ren lắm, cô nói cách nay mấy năm chứ không phải mới đây.
- Bác tên là gì ạ? Bác trai tên là gì?
-Nguyễn Văn Ánh.
-Thế bác gái?
-Tô Thị Bắc.
-Thế địa chỉ ở đây là gì?
- Ấp Mới 1, số nhà 25/3A, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn.
 
(Vợ chồng bà Bắc, ông Ánh)
- Giờ bác gái kể tiếp đi.
- Thì cô Hòa đi tác phước, tôi có cái duyên nên mới được gặp cô. Cô mới nắm tay tôi, có cái duyên nên mới được cô nắm tay như vậy. Cô nói để từ từ cô sẽ giúp. Còn con tôi thì nói thật làm cha làm mẹ ai cũng dạy con đi con đường tốt đẹp. Nhưng mà con tôi nó không có nghe tôi. Năm kia tôi có gặp cô Hòa, cô mới nói vầy: “Ngày 17 tháng 9, bà giữ từ ngày rằm cho tới 20 thì không ra đường, nếu không bà sẽ chết”. Tôi đã giữ đúng năm ngày đó không ra đường. “Nhưng bà không chết thì 3 đứa con trai bà sẽ khóc đứa giữa”. Tôi về quê ăn giỗ gì đó, về nhà mới hay, vợ chồng nó lục đục thế nào không biết. Đứa con dâu nó mới đẩy cái xe cho tôi sửa. Chồng nó tức, nó không đánh vợ mà nó đốt chiếc xe. Rồi trong năm nay này, tôi thấy con tôi nó làm quá rồi thì cô Hòa muốn gặp ông xã tôi. Cô nhìn mặt nói sao hai ông bà sao quá khổ. Có ân đức sao quá khổ vì con. Cô nhìn mặt hai vợ chồng đứa con tôi bảo sao hai vợ chồng này mà ở với nhau được. Cô cho ngày thằng này chết là 17-12, phải cữ không nên ra đường, không nhậu nhẹt say xỉn là sẽ đâm chém nhau. Con tôi nó không tin, tôi cứ nhắc nhở nó cũng không tin. Nó vẫn đi làm, nó đi vắt sữa, bữa đó nó tông vào sống lươn ngoài đường. Sữa thùng đổ hết. Cô Hòa đã gia hộ cho, không có thì nó đã chết. Cho nên bây giờ tôi nói thật tội nghiệp cho cô Hòa, cô vô đây cô đi tác phước nhiều nơi. Cái đó thấy rõ ràng chứ không có gian dối. Cô giúp gia đình tôi sao mà cho mấy đứa con tôi nó quay đầu lại. Tôi hên tôi gặp được cô Hòa giúp cho gia đình tôi, không có chi mà tôi đền ơn cô được. Cô không ăn một đồng bạc, không uống miếng nước, chỉ uống có một chai nước Lavie, biếu quà cỡ nào cô cũng không nhận. Cho nên cô trợ giúp là hên. Con tôi nó bị nặng thành nhẹ, chứ không gặp được cô Hòa con tôi sẽ chết. Cô ấy nói, mà chính là tôi cũng nhìn thấy là năm nay gia đình có hai cái tang. Cuối cùng nhờ cô giúp, nó cũng có vướng nhưng mà nó nhẹ nên tôi rất là mừng.
-Còn hai vợ chồng cái đứa mà cô nói khó sống với nhau như thế nào rồi?
-Nó thì vẫn làm được mà con vợ nó bị bệnh rất là nguy kịch. Nhưng mà cô Hòa cô ấy vô cô ấy nhìn thấy, cô xin phép nói riêng với cháu. Tôi nhìn thấy cô ấy khóc mà tôi đứt ruột, cô nói: “Con ơi tại sao mà vợ chồng con ở được, mà không ở được con ráng sống mà nuôi hai đứa con. Cô cho thuốc con uống, cô giúp đỡ cho con, con sống nuôi hai đứa con”. Nó mắc bệnh vi rút gì đó trong máu, ung thư còn dễ trị hơn. Cô giúp con cháu lấy thuốc ở đâu trong rừng sâu, nước đục gì đó.
-Cô ấy nói đúng như bệnh nhà nước nói là Lupus ban đỏ đấy. Nên cô nói “cụ qua khỏi thì cụ khóc con”.
- Đúng như thế, Tết năm nay hai vợ chồng tôi ăn Tết mà chan nước mắt.
-Còn cái chuyện thằng anh chém em?
- Để tôi nói cho chú viết đăng báo. Nói thẳng ra con dâu tôi nó mất dậy lắm cho nên con tôi là nó không đến đỗi. Mỗi lần thằng này đi làm về có chút rượu, con này nó người Huế, nó cứ lầm bầm khó chịu lắm. Cho nên thằng thứ tư nó nghe hết. Nó đâm rồi nó tỉnh chứ không có say. Con nhỏ nó nói “Anh ơi sao mà anh lại đâm, nó chết thì sao anh tư?” Nó bảo: “Tao đâu phải điên đâu mà tao đâm. Vì con quỷ này mà tao tức thằng em tao quá, tao làm nó vậy, tao cũng đau khổ lắm”.
-Cái đứa con dâu nó làm sao?
- Nó mất dậy, nó chửi chồng, có mặt tôi nó cũng chửi chồng. Thằng chồng nó tức vợ, nó không đánh vợ mà nó đi phá đồ, phá nhà, thì thằng anh nó mới qua. Nói qua nói lại thì tức quá nó mới đâm.
Cô con gái bà cụ, chị hai anh em đâm nhau kia góp ý:
- …Năm nay từ mấy tháng nay 3 đứa em trai con cứ quậy suốt, chuyện không đáng gì cứ đập nhà. Con thấy sao càng ngày càng kỳ cục. Con mới nói với ba, con chở ba đi gặp cô Hòa hỏi có sao cô giúp gia đình. Cô nhìn ba con thấy ba khổ nên hứa sẽ giúp ba con. Cô nói người con trai cả (thứ tư) kiêng ngày 17 tháng 12 đến 27 tháng 12… cô nói kiêng nó cứ không kiêng... Nó đi nhậu về thì thằng em thứ sáu cũng đi nhậu về cằn nhằn với vợ. Nó qua… hai anh em cứ nói qua nói lại, thằng anh mới oánh thằng em nằm một đống. Con chạy qua thì thấy nằm đó rồi. Nó mới cầm dao phay. Con nói thiệt chứ, sự thật cô Hòa cũng che chở cho chứ con dao phay này này, nếu nó bầm thế này thì chết tươi rồi, mà cứ quất sao mà nó cứ vầy không, con quỳ con lậy, thấy máu cứ tuôn ra.
- Nó đập chứ không chém hở?
- Nó chém. Nhưng mà cứ như vầy, như vầy.
- Tức là nó muốn chém mà dao nó ngang ra chứ gì?
- Dao cứ ngang ra như thế này không à!
- Tức là nghĩ rằng cô Hòa phù hộ cho chứ gì, độ cho cái thằng bị chém chứ gì?
- Dạ, cứ vậy không à!
- Còn chiều nay cô nói đến đào một bộ hài cốt cũng trong nhà này phải không? Mà ở đâu?
Bà chủ nhà trả lời:
- Ở trong buồng ngủ, một cô gái người Tầu chết hơn trăm năm rồi.
- Do có chuyện đó mà gia đình lục đục chứ gì?
 - Khu này ngày xưa người Tầu buôn bán nhiều, có mộ chôn theo nhiều vàng mà đào thấy không ai dám lấy. Lấy là chết luôn nên phải chôn theo. Tôi nói chú nghe là ngày hôm qua cô Hòa nói là trong nhà tôi có của quý nhưng không nhờ được mà người ta lấy mất rồi. Ở chỗ cái cây to có cái nải chuối bằng vàng 17 quả và một con cóc bằng vàng.
Ông chủ nhà tham gia:
- Khu đất này chỗ cái gò cao có cây xoài lớn, đường kính đến thước rưỡi, dưới gốc có tổ mối, có bụi ngải. Ba tôi thấy cây xoài nó lớn rợp, trồng cấy không được nên mới kêu người ta cưa mần củi bán. Còn cái gốc ba tôi cho ông chú tôi. Ông chú tôi thấy có bụi ngải sợ mới cho ông thợ mộc gần đây lấy làm cối giã chầy tay. Chiều ông ấy ra moi, đến sẩm tối ông ấy moi thấy trúng cái “cạch”. Ông nói thằng kia “mệt thôi nghỉ mày”. Tối ông ấy sang, ông ấy đào lên ông lấy cái hũ. Nhưng ông ấy nói vào cái lúc ông ấy xài hết rồi, ông ấy mới nói với chú tôi. Ông nói vào thứ 7 ông bẻ lấy một trái chuối đi trường đua, ông đánh. Thứ 7 nào cũng bẻ, bẻ hết luôn. Ông thua hết rồi ông ấy mới nói với chú tôi.
- Chính hôm qua cô Hòa nói đúng mới tin, mới sợ chứ gì?
- Dạ.
- Còn bộ hài cốt này cô nói thế nào?
- Của người Tầu
- Bao năm rồi
- Trăm mấy hai trăm năm rồi.
xxx
Khoảng 4 giờ chiều cô Hòa cùng đoàn đệ tử sang. Cô vào trong căn phòng cuối cùng trong nhà. Ai có thể dám khẳng định dưới chỗ chân cô đứng là có một bộ hài cốt. Những kẻ vu cáo cô làm giả hiện trường như Thu Uyên thì có dám mở mồm khi tận mắt chứng kiến chuyện này? Hay biết tất cả mà vẫn đạp lên sự thật, làm cái việc ác nhân thất đức, gây nghiệp ác mà quá ngu nên không biết:
Cô nói bộ hài cốt nằm dưới sâu 2m 6. Chỗ cô đứng là cái chân, còn thân tới đầu nằm chéo dưới tường, xuyên vào phòng bên trong là phòng ngủ của bà chủ nhà.
(Phòng ngủ của bà chủ nhà)
Cô nói mộ này quá lâu rồi, người này chết trẻ, không còn gì, chỉ có kỷ vật là cái dĩa cổ nhỏ mà cô đã vẽ hôm trước:
 Đó là một cô gái người Tàu họ Quách đã chết 104 năm.
 Trước khi khai quật cô Hòa hỏi bà chủ nhà:
-Bà có thấy gì không?
-Tôi gặp cổ hoài chứ gì. Cổ hiện lên từ góc tường, bay qua trước mặt tôi, chọc phá tôi hoài. Cô ấy còn trẻ , mặt đẹp. Tôi không sợ, tôi cứ niệm Phật nên tôi không sợ. Hôm nay cô hỏi tôi mới nói chứ từ trước tới nay tôi không nói vì sợ mấy nhỏ nó sợ.
Như vậy chưa cần đào thì việc cô Hòa nói đã đúng rồi. Nhưng dù đã coi hàng trăm video coi cô bốc mộ, thấy cô moi lên những kỷ vật chính xác trước sự thán phục của nhiều người, tôi vẫn không khỏi e ngại vì làm sao cô có thể thấy cái dĩa cổ nhỏ ở sâu dước gần 3m đất, lại ở dưới góc chân tường kia! Tôi đã quyết tận mắt chứng kiến cuộc khai quật khó khăn suốt từ 4 giờ chiều đến 3 giờ sáng.
(Cô Hòa ngồi trên chỉ dẫn khai quật)
Khi độ sâu được đo là đúng 2m6, vật chứng là chiếc dĩa cổ nhỏ đã được tìm thấy. Phải khoét hàm ếch mới lấy được nó. Nó giống y như hình cô Hòa đã vẽ phác mấy nét hôm trước đó. Gần hai chục người chứng kiến mừng rỡ cứ như chiến công của chính mình vậy. Một bà cụ U90 từng chịu ơn cô Hòa, nghe cô đến, cũng quyết sang để được gặp vị ân nhân, cũng quyết đợi xem kết quả khai quật:
Tận tay người con út moi lên chiếc đĩa:
(Anh chàng khoe chiếc dĩa dính bết đất đã được cạo sạch)
(“Nhà thấu thị” Vũ Thị Hòa cầm chiếc đĩa)
(Ông chủ nhà thán phục cầm chiếc đĩa)
Như tôi đã viết trước vài ý về câu chuyện này:
 1- Chỉ có người có con mắt của thần thánh mới có khả năng thấu thị như vậy; chỉ có con mắt của thần thánh mới có thể nhìn thấy chiếc đĩa nhỏ xíu nằm sâu dưới gần 3m đất, lại dưới góc chân tường nữa. Tôi đã từng hỏi cô Hòa trước đó tại sao cô nhìn thấy như vậy? Cô bảo: “Nói cho anh hiểu khó quá, cô là người vô hình mà”.
Và:
2- Giữa đêm 29 Tết, phải thức trắng giúp người không nhận công, chiều 30 Tết bay về Hà Nội, mồng 1 không xe chạy, đến tận chiều mồng 2 Tết cô mới về được tới nhà ở Yên Bái gặp chồng con. Chỉ có tính cách của một thánh nhân người ta mới hành động quên mình vì người khác như vậy mà thôi! Tôi đã gọi con đường của cô là cứu nhân độ thế là vì như thế!
Vậy mà còn rất nhiều người vẫn không tin, kể cả những người có học. Chính do cái sự có học dở dở ương ương nên họ đã bị sa lầy trong vòng hiểu biết hạn hẹp đó. Mắt họ đã bị che phủ bởi chính bức tường hiểu biết chưa đến nơi đến chốn của họ, nên người ta mới bảo sự ngu dốt của kẻ có học là thế. Khi gặp cô Hòa tôi đã hứa mình sẽ sống cởi mở, hòa nhã, bớt nóng tính đi, vậy mà những ngày đầu năm vừa rồi, tôi vẫn không sao kìm được sự tức giận bởi chính những người quen thân của mình. Trước bao nhân chứng, chứng cớ, họ vẫn “không tin”. Họ bảo chỉ khi nào họ chứng kiến tận mắt họ mới tin. Nói vậy thực sự họ không hiểu khoa học là gì. Vì có vô vàn cái mắt ta không nhìn thấy, nhưng khoa học nói có thì ta phải tin. Như khí oxy chẳng hạn. Không ai nhìn thấy khí oxy nhưng đều phải tin là có vì không tin thì hô hấp bằng gì? Tôi đã tức giận nói toạc móng heo ra cái sự không tin của họ thực chất chỉ là sự cố chấp ngu dốt của họ mà thôi. Dù biết rằng họ sẽ rất giận tôi, mà họ giận tôi thì tôi cũng không vui vẻ gì, nhưng tôi vẫn buộc phải nói thẳng vào mặt họ như vậy.
Vì vậy, chỉ ra sự ngu dốt của vài người đã khó nên phải vén bức màn vô minh của cả nhân loại thì sẽ còn khó biết bao nhiêu!
5-2-2014
(Mồng 6 tết)
ĐÔNG LA