Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Nguyễn Văn Thịnh: LỆ CHI VIÊN NỖI ĐAU MUÔN THUỞ

Nhà văn Nguyễn Văn Thịnh cũng có bài đăng trong số báo Tết của báo Văn Nghệ TPHCM, ông có gởi cho tôi và muốn tôi đăng để bài viết đến được với nhiều bạn đọc hơn. Xin giới thiệu cùng bạn đọc:
  
LỆ CHI VIÊN NỖI ĐAU MUÔN THUỞ
Nguyễn Văn Thịnh

Gần bảy trăm năm nay, cả dân tộc tôn vinh Nguyễn Trãi như vì Sao Khuê của đất nước về tài năng, đức độ và công lao sự nghiệp, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam. Tinh thần “Lấy đạo nghĩa thắng hung tàn – Lấy chí nhân thay cường bạo” đã hóa thân ông vào hồn thiêng sông núi. Cái chết của ông với nữ thi nhân tài sắc vẹn toàn là nỗi đau lịch sử làm day dứt nhiều đời sau, là bản án về tội ác ghê tởm của những mưu toan quyền lực, là nỗi xúc động về một mối tình tài-sắc bi thương.
Ngày 20/12/2013 nhằm ngày 18/10/Quý Tỵ, “Hội những người kính yêu Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ” làm lễ khánh thành đền tưởng niệm Lệ Chi Viên tại làng Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Để tỏ lòng thành kính trọng thị tới người xưa, xin cung thỉnh bài văn tưởng vọng tới nhị vị nhân ngày lễ trọng.


                           Thành phố HỒ CHÍ MINH
                   Tháng Giáp Tý năm Quý Tỵ (tháng 12 năm 2013
                  ****************************************
            KÍNH THƯA HƯƠNG HỒN HAI CỤ:
ỨC TRAI và LỄ NGHI HỌC SỸ
                                                     
Bảy trăm năm qua, trải nhiều biến cố và thăng trầm lịch sử, dù nhiều chính kiến khác nhau nhưng các lớp hậu sinh cùng nhìn nhận tài năng, nhân cách, sự nghiệp và tinh thần tư tưởng của Nguyễn Trãi đã thành di sản văn hóa vô cùng quí giá, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam. Con người này thật toàn diện, như lịch sử sinh ra giữa lúc nhân tài như lá mùa thu để giải thoát một dân tộc đang trong đêm dài đau thương bế tắc. Dưới ngọn cờ “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn / Lấy chí nhân thay cường bạo”, nghĩa quân Lam Sơn “đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông”! Lũ giặc nước “hồn bay phách lạc” ta lại “thể lòng trời mở đường hiếu sinh”! “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo = Tấm lòng Ức Trai vằng vặc như sao khuê” (Lê Thánh Tông). Tuy nhiên “Nhà ái quốc vĩ đại bị dày vò ngay trong chính tổ quốc mình!” (Emile Gaspardonne – nhà Đông phương học người Pháp). Người như vậy thật hiếm cả trong lịch sử nhân loại. UNESCO tôn vinh NGUYỄN TRÃI là Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hoá.                                                                                                Cuộc đời bi tráng của vĩ nhân còn để lại cảm xúc mạnh đến nhiều đời sau. Cái chết bi thảm lay động đất trời: “Ôi công lao rực sáng cả trời mây / Mà oan ức vùi sâu trong đất cỏ!” (Vũ Khiêu). Người thật như bông Hoa Bụt soi dưới bóng nước lung linh thực hư hư thực, dung dị thanh cao:
Ánh nước hoa in một bóng hồng
                                    Vẩn nhơ chẳng bén bụi là lòng
                                    Chiều mai nở, chiều hôm rụng
                                    Sự lạ cho hay tuyệt sắc không.
                                                            (Nguyễn Trãi)
Ngôi sao Ức Trai vằng vặc giữa bầu trời nước Việt. Sao Khuê, sao Học trò, sao Kim, sao Mai, sao Ban chiều là một – là sao của trí tuệ và tình yêu. Ở đâu, lúc nào sao vẫn sáng, vẫn đẹp, vẫn thơ và thân thiết ấm áp như ánh đèn khuya với người cầu học, là nỗi nhớ nhung da diết của lòng chung thủy đợi chờ.
Bên ngôi sao lộng lẫy uy nghi ấy có một ngôi sao càng nhìn càng tỏ, càng lung linh quyến rũ – chính là hiện thân của giai nhân Nguyễn Thị Lộ “Chí cả tài cao: phi phàm kỳ nữ / Công dung ngôn hạnh: bốn đức vẹn toàn” (Vũ Khiêu). Nữ nhân có một thân phận riêng gắn bó đặc biệt với cuộc đời oanh liệt nổi chìm giữa sóng cả gió to của vĩ nhân.
Thời gian dài thăm thẳm, người đời chỉ biết danh Bà với mấy câu thơ đối đáp như một giai thoại của cặp văn nhân bất xứng. Chưa biết chuyện ấy là hư, là thực? Cho dù thơ đối rất hay và mặc cho người đời truyền tụng nhưng mấy ai dễ chấp nhận cô gái Tây hồ bán chiếu lại thành tri kỷ–tri âm với bậc anh hùng hào kiệt tài danh như thế? Bởi chính sử chép rằng vị vua trẻ mê mẩn mỹ nhân thêm với câu chuyện dân gian “Rắn thần báo oán”, kết hợp lại thì dẫu có ai nghĩ hư nhiều hơn thực mà vẫn gắn cái chết bi thương của lão đại công thần bởi lãnh nghiệp quả từ cô hầu trẻ đẹp mà khỏa lấp đi tội ác của triều đình, làm lu mờ hình ảnh người đàn bà đức hạnh tài hoa! Đời càng kính trọng, mến yêu, thương cảm một phận hồng nhan bạc mệnh.
Qúa khứ càng xa để hậu thế được nhìn lịch sử công tâm. Sự rối rắm triều chính sau thắng lợi chống giặc ngoại xâm xưa nay không mấy lạ. Âu đó cũng là thói đời trần tục. Chỉ Lê Lợi mới nhận ra tài của Nguyễn Trãi, biết dùng Nguyễn Trãi, định rõ công trạng của Nguyễn Trãi và biết cương nhu với ông. Nhưng khi Lê Lợi không còn thì con người ấy với tầm ấy, tâm ấy, thời thế ấy không dung nổi. Tất nhiên bậc đại nhân phải chết! Bày ra tội của nữ thi nhân Nguyễn Thị Lộ để có cớ triệt hạ trung thần Nguyễn Trãi bằng thượng hạ kế “giả Ngu diệt Quắc” hoặc là “tá đao sát nhân” thiên hạ đều từng. Hai con người ấy đã say cùng nhau và đắm cùng nhau! Duy cái chết của vĩ nhân thấu động trời xanh, người đời khôn nguôi xót thương Ông mà cạn nước mắt khóc thương Bà, để lại mối chạnh lòng mãi cho hậu thế!
Và lịch slại bất công khi chỉ giải oan chiêu tuyết một người – Nguyễn Trãi đã trong như nước và trắng như tuyết! Nhưng Nguyễn Thị Lộ vẫn bị che khuất dưới lớp bụi ngày một dày của sự lãng quên nếu không bởi lòng đố kỵ thâm căn mà những câu chuyện lịch sử mơ hồ đã phủ lên bà! Nghĩ càng ai oán tiếc thương cùng phận nữ nhi mà Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan danh thơm còn mãi với những bài thơ trác tuyệt lưu lại cho đời trong khi mọi bút tích của nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Thị Lộ đều tan biến ngay thành tro bụi từ cái án oan nghiệt ngã của triều đình!
Nếu đức hạnh bà không sáng, chữ nghĩa không tài, sao được Nhà vua giao giữ chức “Lễ nghi học sỹ” – dạy phép tắc lễ nghĩa cho các công nương, công tử, phi tần nơi hậu cung nghiêm cẩn? “Lễ nghi học sỹ” ở lại nội cung theo ý chỉ của Vua. Những nghi vấn cứ đơm đặt ra và thổi phồng lên bởi lũ tiểu nhân nhan nhản giữa triều đình lộn xộn.
Cặp thư giao bút theo thể thơ Tứ lục truyền lại của Ông Bà lúc hai người Đông–Nam đôi ngả. Trong thơ “Lễ nghi học sỹ” phu nhân phúc đáp “Hàn lâm thừa chỉ” phu quân bấy giờ đã về ở ẩn tại Côn sơn, giãi tỏ lòng mình:
Thiếp đây:
Do âm dương biến hóa
Tự cha mẹ sinh thành
Học chữ Tam tòng, càng học càng sáng
Nhớ điều Tứ đức, càng nhớ càng vui
Nết tựa lá đào xum xuê
Đức như gót lân nhuần nhị
Bỗng gặp chàng đó…
Ý đã hài hòa
Lòng càng gắn bó
Trỏ núi nào thề nào thốt
nguyện cùng nhau đầu bạc trăm năm
Vạch sông làm chứng làm từ
ước cùng nhau sống lâu muôn tuổi                      
Chỉ xin chàng nên:
            Lấy quân tử làm lòng
            Lấy thánh hiền làm đạo…
            Đọc kinh sử thông kim bác cổ
            Lấy trung thứ suy ta ra người
            Chớ nghĩ: Ai quên mối tình muộn màng
trăng tuy khuyết mà lòng thiếp không khuyết
            Chớ lo: Ai nhạt lời thề cố cựu
sông dù vơi mà ý thiếp không vơi
            Còn gì liệu đáng băn khoăn
Phải chăng tự mình chuốc lấy?
Chỉ riêng mong:
Xe thư một mối
Văn giáo cùng đường
Dù kín mít như rồng ẩn vực sâu
Sẽ sáng lại như đầu xuân nắng mới
Phép có chính thì lẽ mới thuận
Nhà có hòa thì việc mới thành.
Một bài thơ ký vợ gửi cho chồng đầy bản lĩnh và nhân cách, đầy học thức mà nghĩa tình chan chứa, ý thơ đĩnh đạc, lời thơ như gấm như hoa, đáng bậc thi tài, xứng ngôi mệnh phụ. Hẳn Ức Trai vừa lòng, người đời kính phục.
  Than ôi: “Đoạn trường theo mãi mệnh hồng nhan / Ưu hoạn vây quanh đời thức tự!” (Vũ Khiêu).
Nguyễn Trãi có công to với đời và làm đẹp cho lịch sử Việt Nam thì ít ra Nguyễn Thị Lộ cũng có công to với Nguyễn Trãi và làm đẹp cho Ông. Bà đã nếm mật nằm gai cùng chồng qua những tháng năm gian khổ của cuộc kháng chiến trường kỳ loại trừ họa diệt chủng từ quân Minh hung bạo. Bà đã cùng Ông lo phò vua giúp nước và cùng chồng nhận cái chết oan khiên nghiệt ngã mà vẫn một lòng trung trinh tiết nghĩa. Lòng nào có thể quên đi một nữ tài nhân như thế? Làm lễ giải oan chiêu tuyết cho Bà dù có muộn vẫn là lấy đạo NGHĨA–NHÂN làm cốt lõi.
“Lễ nghi học sỹ” Nguyễn Thị Lộ xứng đáng được tôn vinh như một Đức Bà trong những Đức Bà dày công đức nhân dân ta vẫn tôn thờ.
Với những công trình tâm huyết để đời là Đền thờ hai nhà giáo Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ ở làng Khuyến Lương, Q. Hoàng Mai, Hà Nội; Đền thờ tại quê hương nữ sỹ ở làng Hới chiếu, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình và ngày 20/12/2013 nhằm ngày Canh Thân (18) tháng Giáp Tý (11) năm Quý Tỵ, ngay tại làng Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh là nơi xảy ra thảm án ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), “Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi–Nguyễn Thị Lộ” và thần dân bách tính xứ đạo Đông tụ họp về đây – nơi “Dòng huyết lệ còn vương đất cỏ”, làm lễ khánh thành Đền tưởng niệm Lệ Chi Viên, kết thúc việc hoàn thành bộ ba công trình tưởng niệm hai vị danh nhân dầy tài năng công đức, được cháu con cả nước hằng tâm hằng sản thành tâm công quả bày tỏ tấm lòng trắc ẩn vô biên và kính yêu sâu sắc với đấng tiền nhân kiệt hiệt tài hoa.
“Trời Lệ Chi bát ngát mây bay / Hồng hạc tinh thần muôn vạn thuở”. Nén nhang giãi tấm lòng thành, thỉnh cầu Đức Ông, Đức Bà phò trợ cho nước non Đại Việt ta: xã tắc ngày càng đổi mới, giang sơn ngày thêm rạng rỡ, khắp chợ cùng quê không có tiếng oán giận than sầu, chữ nhân-nghĩa nhà nhà nhuần thấm, nền thái bình vững chãi ngàn năm.
                                               
  Cung thỉnh
                                        Tuần báo Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh
                                                     Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014