Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

BÀN VỀ NHÂN QUẢ QUA LỜI GIẢNG CỦA SƯ TỊNH KHÔNG

BÀN VỀ NHÂN QUẢ QUA LỜI GIẢNG
CỦA SƯ TỊNH KHÔNG
 
Tôi không ngờ sẽ có lúc phải viết cái bài này, bài “uýnh” “thằng cháu” Lê Quang Trung. Thôi thì “yêu cho roi, cho vọt” vậy. Có thể coi Trung là một “bạn viết” của tôi trẻ nhất (sinh 1989), còn kém cô con út tôi 1 tuổi, một người tôi rất kỳ vọng ở thái độ nghiêm túc và kỳ công trong việc học hỏi và tính hướng thiện. Như tôi đã giới thiệu, trong lần gặp trước Trung khoe đã đọc Toàn Tập Các Mác, là một Phật tử cũng rất kỳ công đọc Kinh Phật. Có điều đáng quý là Trung lại có tâm huyết truyền bá tư tưởng Các Mác và những tinh túy của Đạo Phật qua việc giới thiệu liên tục các bài giảng của Pháp sư Tịnh Không.
Phải nói trong thời thực dụng xô bồ này, có người như Trung là cực quý hiếm. Ngay hai đứa con tôi cùng trang lứa Trung, chúng học cũng giỏi giang, nhưng cách đây khá lâu thằng con tôi (bằng tuổi Đông Tuyền) “choảng” cho tôi một cú: “Ba là người háo danh, con thì không thích”. Còn đứa con gái, tôi thấy cá tính nó giống tôi hơn, từng đoạt giải nhất văn thành phố, cũng viết báo tùm lum, nhưng say mê tìm hiểu như tôi thì không. Chính vậy tôi đã mang Trung ra khoe với vợ con, như là một tấm gương, nhất là mới đây Trung bảo đã ăn chay mấy năm thì thật đáng nể. Có người kiếp trước đã xuất gia ăn chay, kiếp này họ thích ăn chay tự nhiên thì là chuyện thường, còn đang ăn mặn bình thường, vì tín ngưỡng Đạo Phật mà ăn chay thì phải có ý chí thật lớn.
Đó là những ấn tượng rất tốt của tôi về Trung nhưng tôi vẫn có những băn khoăn. Sự băn khoăn đó tôi đã nói với Trung lần trước bằng câu nói nhưng chắc Trung không hiểu: “Thực ra tao tìm hiểu về Đạo Phật có mấy ngày thôi”. Cả Triết học Mác thực ra tôi chưa đọc một tập nào cả. Nhưng tôi vẫn rất tự tin khi viết về những điều rất tinh tế cao sâu của Đạo Phật và Triết học Mác. Nói vậy không phải chém gió cho oai mà phải có chứng cớ cụ thể. Về Đạo Phật tôi đã viết bài về tác phẩm nguyên là luận văn TS của bạn tôi là PGS TS Nguyễn Hữu Sơn, hiện là Viện phó Viện Văn: “Bài viết này chỉ quan tâm hai mục rất nhỏ, nhưng thiết nghĩ chúng lại là phần quan trọng nhất, đó là cách nhìn của đạo Phật về bản thểcon đường tu chứng giải thoát, tức đường đi và đích đến của đạo Phật”. Còn về Triết học Mác tôi viết nhiều, trong đó thú vị nhất là bài tôi “uýnh” cả Ban Biên soạn Sách Giáo khoa Triết của Bộ Giáo dục, đã giúp ông PGS TS Lê Trọng Ân thoát kỷ luật do viết phê phán sách giáo khoa triết học.
Nhưng để làm được như tôi là khó. Ý tôi muốn nói với Trung là nếu ta chỉ ngụp lặn trong một cái ao tri thức, có thể biết tường tận nó là cái gì nhưng lại không biết nó như thế nào. Mà muốn biết nó như thế nào ta phải bơi ra, không chỉ biển rộng mà cả trời cao của tri thức nữa. Phải nhìn nó trong tổng thể. Mà không chỉ tri thức có sẵn mà ta còn phải nắm bắt tìm hiểu vô vàn hiện tượng mới xuất hiện. Để hiểu được các hiện tượng mới mà tri thức hiện có không giải thích được, nền khoa học của cả nhân loại đã phát triển. Với tuổi tác thì muốn Trung như vậy kể cũng khó. Nhưng định hướng đúng cho con đường chinh phục tri thức cũng là quan trọng. Bằng tuổi Trung tôi đã làm thơ, có bài bạn “Thỏ Ngọc mắt tròn” còn nhớ đến bây giờ. Vài tuổi nữa tôi đã viết truyện, mà giờ đăng lại, có bạn bảo như mới viết hôm qua, vì trong đó có những vấn đề mà Quốc hội đang thảo luận sôi nổi. Mà sáng tác thì luôn cao hơn học hỏi một cấp, vì sáng tác là sinh sôi, còn học hỏi là tìm hiểu cái có sẵn. Nên yêu cầu Trung cần hiểu cho đúng tri thức không phải là yêu cầu quá đáng.
xxx
Với Pháp sư Tịnh Không tôi cũng đã chú ý sơ sơ, không phải chú ý bài giảng của ông vì không có ý gì hay trong bài giảng của ông mà tôi chưa biết cả, mà tôi chú ý những chứng cớ ông dẫn ra. Như trường hợp một phụ nữ Trung Quốc có nhân cách đúng là một thánh nữ như cô Vũ Thị Hòa vậy. Hồi còn học trò, trong lớp học có người bạn trai bị điên, bạn bè bảo, mày tốt nhất trên đời thì hãy lấy nó để chăm sóc cho nó đi, chị này đã lấy thật. Sau này chị bị ung thư, và đã tự chữa khỏi chỉ bằng lòng tốt của chính mình, đúng như “lý thuyết” giải nghiệp của Pháp sư Tịnh Không.  
Nhưng rồi tôi bất ngờ vì sau khi tôi đăng lá thư của bà Chu Thị Xoan ở Hà Nam gởi cô Vũ Thị Hòa: “Cô ơi, Cô đã một lần nữa sinh ra con, Cô cứu con từ cõi chết trở về, với con Cô là Phật bà Quan thế âm Bồ Tát giáng trần cứu nhân độ thế. Chỉ có là Phật nên Cô cứu con vô tư mà không hề nhận một đồng tiền nào của gia đình con. Ngày 15/1/2013 con đã đi bệnh viện khám lại, bác sỹ kết luận con không còn bệnh ung thư nữa. Con đã trở lại cuộc sống bình thường và đã đi làm như trước đây”, Trung đã giới thiệu bài Hòa Thượng Tịnh Không trả lời về nhân quả. Pháp sư kể câu chuyện Cư sĩ Lý Mộc Nguyên bị ung thư, bác sĩ bó tay. Từ đó ông rũ bỏ hết chỉ đi làm công quả và đợi chết. Chờ đợi đến nay là mười hai năm, ông không chết mà ngày càng khỏe mạnh. Pháp sư cho rằng do cư sĩ Lý phát thệ nguyện quá lớn, nguyện lực siêu vượt qua nghiệp lực. Và ông kết luận: “Chuyển nghiệp báo nhất định phải dựa vào chính mình, không thể dựa vào người khác. Nếu người khác có thể thay chúng ta chuyển nghiệp báo thì cha có thể chuyển nghiệp báo thay cho con. Hay nói cách khác, Phật Bồ Tát liền có năng lực chuyển nghiệp báo của chúng ta, chúng ta cần gì phải tu hành? Cho nên nhất định phải hiểu lý, nghiệp báo là do chính mình tạo, thì chính mình phải quay đầu tiêu trừ nghiệp chướng”.
Từ “chân lý” đó, Trung đã phản bác tôi, dù không nêu tên nhưng tôi thông minh thì phải nhận ra chứ:
 “Nếu bệnh do nghiệp báo thì ai tạo nghiệp người đó chịu, Phật và Bồ Tát cũng ko có năng lực chuyển nghiệp báo của chúng sinh mà chỉ dạy chúng sinh cách tiêu trừ nghiệp báo. Nếu Phật và Bồ Tát có năng lực chuyển nghiệp báo của chúng sinh thì cần gì chúng ta phải tu hành nữa. Vậy có người có khả năng chuyển nghiệp báo của chúng sinh, chữa lành các bệnh nan y như ung thư thì chắc hẳn người này quyền năng còn vượt cả Phật, cả Bồ Tát, vậy thì làm sao có chuyện Phật, Bồ Tát dám thọ ký cho người này nữa. Đây là mê tín đến tột cùng?”
Như vậy, Trung đã cho câu chuyện chữa khỏi ung thư của cô Vũ Thị Hòa là xạo, tôi và những ai tin “là mê tín đến tột cùng?” Trung có đặt dấu hỏi. Vậy thì hôm nay chú trả lời cho cháu biết đây, chú không mê tín còn chính cháu đã mê tín Pháp sư Tịnh Không và gây tội khi nghĩ sai về người khác.
Về cư sĩ Lý Mộc Nguyên khỏi bệnh ung thư trong câu chuyện trên tôi hoàn toàn tin. Nhưng theo Sư Tịnh Không, chuyện khỏi bệnh ung thư chỉ có theo cách của Sư nói thôi thì tôi lại không tin.
Tôi từng làm nghiên cứu ở Viện dược nên tôi cũng quan tâm đến những chuyện lạ trong Y học. Anh Lương Chí Thành là TS Bác sĩ không biết có  đọc một cuốn sách mỏng người ta nói đến việc chữa khỏi bệnh ung thư bằng nhịn ăn và ăn chay hoàn toàn không? Có người phụ nữ có u trong mũi, một người mách chị cách nhịn ăn, chị nghĩ đằng nào cũng chết thì cứ thử xem sao, nhịn đến lúc chịu không nổi thì lại ăn. Không ngờ chị chưa chết vì đói thì khối u rụng ra. Có bác sĩ ở Mỹ cũng bị ung thư, đọc sách ăn chay Nhật Bản trị ung thư, ông thực hiện và cũng khỏi bệnh.
Với người thường thì khó tin, nhưng tôi tin ngay. Tôi nghĩ ung thư như mầm cây, nó “ăn” nhiều hơn, phát triển mạnh hơn tế bào thường, tức cần thức ăn là protit động vật nhiều hơn, nếu ăn chay hoàn toàn, hoặc cực đoan là nhịn ăn luôn, nó sẽ chết trước tế bào thường, nghĩa là khối u sẽ chết trước khi ta chết đói. Khi ông chú vợ là linh mục bị ung thư gan, tôi cũng mách ông, ông thực hiện, khi khám men gan giảm bác sĩ phải ngạc nhiên. Nhưng rồi mấy bà con chiên dốt, thương cha, đã làm mấy con gà ác tiềm thuốc Bắc bồi dưỡng cha. Cha không từ chối nổi lòng tốt của các con nên đã ăn và sau đó phải đi cấp cứu ngay! Ít ngày sau ông mất!
Còn tôi, tôi đã nói tôi cũng mới tự chữa khỏi ung thư, người thường chắc chả ai tin. Số là thời gian gần đây cái nốt ruồi dưới mắt trái của tôi thấy ngưa ngứa và to lên. Với tôi, tất phải hiểu nốt ruồi độc có thể biến thành u hắc tố nguy hiểm. Trên đường đến nhà Tướng Doanh hỏi chuyện về cô Hòa gần Bệnh viện Ung bướu có nhiều bác sĩ khám, tôi đã tính khám thử. Chưa khám thì lại gặp cô Hòa. Tôi đã hỏi cô về cái nốt ruồi. Cô cười, cô không nói về cái nốt ruồi mà nói cái tương lai gần của tôi cũng rất không tốt. Nhưng cô nói “Anh có tin là đức năng thắng số không?” Tôi giật mình nhớ lại cái câu mà bà thầy bói ở quê đã nói với tôi, tôi đã kể trong câu chuyện đám tang mẹ tôi: “Cái số nhà bác này không ra gì. Cũng may là bác tốt bụng, giúp nhiều người, nên còn sống đến nay đấy, nếu không bác bốc mộ lâu rồi”. Giờ cô Hòa lại nói vậy nghe mà hoảng. Cô cũng nói: “Em sẽ cứu được anh”. Sau đó, dù sự thực không biết thế nào, nhưng tôi thấy chuyện cái nốt ruồi và cái lối sống nghệ sĩ rất phản y học của tôi cũng rất dễ dẫn đến những chuyện không hay. Tôi nhớ đến chuyện ăn chay và nhịn ăn để chữa ung thư ngày nào và quyết thực hiện. Tôi đã bắt chước cô Hòa chỉ uống nước dừa thôi. Thì ra không cực khổ quá, nhưng nếu không gặp cô thì tôi không thể có đủ nghị lực để thực hiện. Trong bữa tiệc thịnh soạn mà một phòng của ban Tuyên giáo chiêu đãi kỳ cuối năm vừa rồi, tôi đã chỉ lựa rau ăn. Và kỳ diệu thay, cái nốt ruồi dần bong ra rồi rớt luôn! Tôi tin nó đã thành u hắc tố, bởi tôi còn đầy nốt ruồi, chúng đều bình thường nên không sao cả, chỉ có một mình nó là rụng mà thôi! Thật hú vía! Tôi còn chụp làm "kỷ niệm" đây:
 
Ngay cô Hòa cũng bị ung thư. Chính cô kể và tôi còn hỏi thêm chồng cô. Bệnh viện đã trả về, cô đã uống thuốc Nam của một ông cụ gần 100 tuổi chống chọi mấy năm, rồi đến ngày cô bất tỉnh. Phải mấy ngày, gia đình đã chuẩn bị hậu sự, nhưng rồi đến lúc người ta nghe thấy như có tiếng khối u vỡ bục trong bụng, máu mủ chảy ra ngoài. Và kỳ diệu thay, cô đã tỉnh lại. Rồi chỉ uống thuốc Nam, từ từ cô đã khỏi luôn bệnh đến nay. Sau cô lại đến lượt chồng cô cũng bị ung thư dạ dầy, bác sĩ cũng trả về. Ông cụ thuốc Nam đã chết nên chính tay cô đi làm thuốc cứu chồng. Anh nằm liệt mấy năm đến thối thịt thối da, đến khi cô nhận sứ mệnh gần như buộc phải dứt áo ra đi tìm mộ liệt sĩ thì anh đã gượng dậy được. Khi cô tìm mộ liệt sĩ được mấy tháng thì chồng cô đã khỏi luôn bệnh, còn vào Nam coi cô tìm mộ, và khỏe luôn cho đến bây giờ!
xxx
Như vậy, trong các câu chuyện khỏi bệnh ung thư kia, vừa có phép màu tâm linh, vừa có tác động của thuốc Nam, của việc ăn uống. Chuyện khỏi bệnh của cô Hòa chắc chắn có quyền năng của đấng Cao Xanh, để ngài cứu con của Ngài, để còn giao cho sứ mệnh cứu nhân độ thế. Nhưng việc cô bất tỉnh, không ăn gì, cũng có thể làm cái khối u chết trước cô, giúp cô tỉnh lại. Chồng cô khỏi bệnh thì chỉ vì thuốc Nam và bởi chính quyền phép của cô. Còn tôi làm rụng u hắc tố thì bằng chính sự hiểu biết và nghị lực của mình. Nghĩa là cả 3 câu chuyện khỏi ung thư hoàn toàn không như Sư Tịnh Không nói do “nguyện lực siêu vượt qua nghiệp lực”. Dù cư sĩ Lý Mộc Nguyên đúng là khỏi bệnh do vậy, nhưng cũng có thể do lối sống ông thay đổi, chay tịnh hoàn toàn, đã góp phần giúp ông khỏi bệnh.
Nói về nghiệp, theo truyền thuyết, Mục-kiền-liên, một trong những đồ đệ thân tín nhất của Đức Phật đã tu luyện thành công phép lục thông nên biết mẹ mình đang lâm kiếp ngạ quỷ; ông hỏi Phật Tổ cách cứu mẹ. Phật dạy rằng:
“Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”
Theo lời Phật, mẹ ngài đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.
Như vậy xem chừng, Sư Tịnh Không đã giảng đúng, và Trung hiểu đúng. Nhưng nếu vậy tại sao còn có chuyện Quán Thế Âm Bồ Tát nghìn mắt, nghìn tay cứu độ chúng sinh?
xxx
 Vậy ta lại phải coi lại.
Quán Thế Âm Bồ Tát là một vị Bồ tát hiện thân lòng từ bi của tất cả chư Phật, được tôn kính thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật giáo Đại thừa. Tên theo tiếng Phạn là Avalokiteśvara. Tên tiếng Hán là Quán Thế Âm Bồ Tát được phiên dịch từ tên tiếng Phạn này, Namo Avalokiteshvara Bodhisattva là câu niệm hồng danh của ngài.
Tại Trung Quốc, Việt Nam và Nhật, Quán Thế Âm được gọi gọn là Quan Âm, hay được trình bày dưới dạng Đức Bà Bạch Y Hành Giả, dân gian quen gọi là Phật Bà Quan Âm.
Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh kêu cứu của thế gian. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật đã giải thích rõ cho Vô Tận Ý Bồ Tát về ý nghĩa của danh hiệu Quán Thế Âm là do vị Bồ Tát này khi nghe âm thanh của chúng sinh xưng danh hiệu mình thì tức thời tầm thanh để cứu khổ. Nếu có vô lượng chúng sanh bị các khổ não một lòng xưng danh Ngài thì ngay khi đó, ngài tức thì quán sát âm thanh ấy, cứu giúp họ giải thoát.
Trong Kinh Đại bi Tâm Đà Ra Ni, đức Phật Thích Ca dạy ngài Anan rằng trong vô lượng kiếp về trước, Quán Thế Âm Bồ Tát đã thành Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai vì nguyện lực đại bi, vì muốn an vui cho chúng sanh, ngài mới hiện thân làm Bồ Tát, danh hiệu là Quán Thế Âm, thường trụ ở thế giới Ta-bà, đồng thời cũng là thị giả trợ tuyên chánh pháp cho Đức Phật A Di Đà ở Tây phương Cực Lạc.
Với lòng từ bi vô lượng, Quán Thế Âm thể hiện sức mạnh huyền diệu cứu giúp mọi chúng sinh quán tưởng đến mình lúc gặp hiểm nguy. Trong nhân gian, Quán Thế Âm là vị bảo hộ tránh khỏi tai hoạ và hay được phụ nữ không con cầu tự. Trong các loại tranh tượng, thông thường ta thấy tượng Bồ Tát có ngàn tay, ngàn mắt, Trên tay có khi thấy Bồ Tát cầm hoa sen hồng, hay nhành dương liễu và một bình nước Cam-lộ (sa. amṛta). Số tay của Bồ Tát biểu hiện khả năng cứu độ chúng sinh trong mọi tình huống.
Như vậy những người bị nạn, bị bệnh nan y được cứu, hoàn toàn vẫn có thể do được Bồ Tát cứu, không như lời Sư Tịnh Không giảng, và cũng không mâu thuẫn với câu chuyện của mẹ ngài Mục Kiền Liên. Chuyện của mẹ ngài là chuyện của người đã chết, công tội đã định, luật nhân quả đã tuyên án, nên đến Đức Phật cũng không thể cứu. Còn những người đang sống gặp nạn được cứu thì chính là họ nhận quả lành do nhân thiện nào đó họ đã gieo. Nên Sư Tịnh Không giảng không hoàn toàn đúng và Trung bảo tôi mê tín tột cùng hoàn toàn sai, và bảo chú phải đọc kinh đi là hoàn toàn hỗn!
xxx
Lê Quang Trung còn đăng tiếp bài giảng của Sư Tịnh Không Nhận thức về việc Phật, Bồ tát tái thế như để phản bác tiếp những ý tôi viết về thân phận của cô Vũ Thị Hòa. Với ý: Phật, Bồ tát hiện thân chỉ một nguyên thân, vì không muốn để lộ thân phận của mình, nếu bị lộ tức khắc các vị ấy sẽ đi mất và không trụ ở thế gian nữa. Đây là Phật và Bồ tát chân thật. Nếu thân phận bị lộ mà không đi, họ không phải là Phật, Bồ tát thật, chỉ là mạo nhận. Vì sao họ dám mạo nhận? Vì không ngoài việc lừa dối người để thu hoạch lợi dưỡng và tham cầu danh tiếng, đó là tạo tội. Nếu họ hiểu được như vậy chắc chắn họ sẽ không dám lừa dối nữa.  
Và Sư chứng minh: “Đại sư Ấn Quang chính là Đại Thế Chí Bồ tát hóa thân tái thế”. Có một người nữ nằm mộng thấy Quan Thế Âm Bồ tát bảo với cô ta Bồ tát Thế Chí là Ấn Quang đại sư. Sau đó cô đi tìm gặp đại sư và kể lại sự tình, bốn năm sau, đại sư vãng sinh. Cho nên, đại sư đích thực chính là Bồ tát Đại Thế Chí ứng thân, nhất định không phải là mạo nhận.
Tôi tìm hiểu thì được biết một chút về đại sư Ấn Quang. Khi ngài được thỉnh về chùa Báo Quốc có “loài rệp rất nhiều”, đệ tử thương xin vào để “tìm cách thâu nhập”. Đại sư không chấp thuận, chỉ niệm Phật cầu nguyện cho chúng đi và rồi chúng đi hết. Ngoài ra ngài thường tụng chú Đại Bi vào tàn hương, gạo, hoặc nước, để cứu những bịnh nặng mà các y sĩ đều bó tay. Như vậy đã có cơ sở để tin ngài là Bồ Tát.
Với cô Vũ Thị Hòa tôi không viết cô là hóa thân của Quan Âm Bồ Tát mà là cô được Phật Bà “trao bóng”. Đã có nhiều người chứng kiến khả năng siêu phàm của cô trong vô số chuyện thì hoàn toàn có cơ sở để tôi tin cô như Sư Tịnh Không tin Đại Sư Ấn Quang. Tôi cũng đã viết cô là hóa thân của vị cao tăng nào đó ở vùng Tây Tạng, vì khi thiền, cô đã viết kinh bằng từ ngữ và tri thức mà cô Vũ Thị Hòa ở kiếp này hoàn toàn không biết. Còn giờ cô biết thì chính là cô đã nhớ lại tri thức tiền kiếp của mình. Như cô bé Như Ý 9 tuổi giảng Đạo vậy.
Như vậy, Trung mang ý Sư Tịnh Không ra để phản bác tôi là sai. Còn ý của Sư về chuyện “thân thế bị lộ thì Bồ Tát sẽ đi” thì cũng cần xem lại.
Trong bài viết về cuộc phỏng vấn của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với Đức Pháp Vương Gyalwang Dpukpa đời thứ XII của dòng Truyền Thừa Drukpa thuộc Phật giáo Kim Cương Thừa, tôi đã viết, dòng này xuất hiện vào thế kỷ thứ XII khi người ta cho rằng chính ngài Drogon Tsangpa Gyare là Bậc hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Nên ngài được tôn xưng là Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ I. Còn Đức Pháp Vương Gyalwang Dpukpa đời thứ XII – chính là vị hóa thân hiện tại mà Nguyễn Quang Thiều đã phỏng vấn. Ở Tây Tạng, người ta cũng tin Đức Đạt lai Lạt ma là Bậc hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Đức Đạt lai Lạt ma 14 hiện thời đã được thừa nhận vào năm 2 tuổi, ngài đã được trao giải Nobel Hòa bình.
Như vậy, theo Sư Tịnh Không thì cả hai Đức Pháp vương và Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng dân chúng ở hai vùng Butan và Tây Tạng đều lừa dối cả. Theo tôi dù tin hay không thì ta cũng không nên xúc phạm niềm tin của người khác nếu người ta có lý lẽ và cả một truyền thống để tin tưởng.
xxx
Bạn viết trên mạng lớp sau, tôi khuyên cần phải tích lũy tri thức nhiều, tránh sa lầy trong một vũng nào đó, còn phải lăn lộn trường đời, cập nhật tri thức mới, hiểu đúng được những hiện tượng mới xuất hiện trong đời sống. Chỉ khi ta có một nền tảng tri thức vững chắc, ta mới dễ dàng thể hiện được chủ kiến, chính kiến của mình, ta sẽ dễ dàng thấy và có thể phê phán những cái xấu, cái sai của người khác. Không sợ người ta cãi lại hoặc tệ hơn có thể kiện mình đi tù. Còn dốt mà phê phán lung tung rất dễ bị đấy, nên hãy cẩn thận! Riêng Đông Tuyền tôi thấy có ý rất độc đáo: cần phải định hướng XHCN cho kinh tế Thị trường chứ không phải thực hiện Kinh tế Thị trường định hướng XHCN. Ý này theo tôi Hội đồng Lý luận Trung Ương cần phải nghiên cứu mà áp dụng.

8-3-2014
ĐÔNG LA