Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

HÀNH TRÌNH THƠ CA

Nếu Nguyên Ngọc hoặc ai đó, hoặc tất cả những người trong Ban vận động thành lập Văn đoàn độc lập xúm lại viết được bài như dưới đây thì hành động của họ có thể có lý đấy. Nhưng toàn tôi cao, trí thấp, tâm tối thì sao viết được đây?
HÀNH TRÌNH THƠ CA

Điểm qua lịch sử thơ ca từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ hình thức đến nội dung… đến những quan niệm về tính chất của nó, ta sẽ thấy một bức tranh mầu sắc rất khác nhau, có khi hoàn toàn tương phản.
Với một cách nhìn chung nhất về nội dung và hình thức: Từ quan điểm “thi dĩ ngôn chí” (thơ cổ) đến “thi dĩ ngôn tình” (thơ lãng mạn); từ sự thoát ly thực tế (thơ lãng mạn) đến gắn liền với hiện thực (thơ hiện thực, thơ cách mạng); từ niêm luật, vần điệu chặt chẽ (thơ Đường, thơ lục bát) sang  tự do thể hiện (thơ tự do); từ sự giãi bày, bộc bạch, nỉ non (thơ lãng mạn) đến tượng trưng, ước lệ, kín đáo, lãnh đạm (thơ tượng trưng); từ sự tái hiện chuẩn xác, trật tự, hợp lý (thơ hiện thực) đến sự kỳ dị, xáo trộn, phi lý (thơ đa đa, siêu thực)...

Về hình thức nội dung đã vậy, quan niệm về những tính chất, về cái hay, cái giá trị của thơ còn khác biệt nhiều hơn, không chỉ với những người bình thường, mà ngay cả với những tên tuổi đã được đóng đinh trên bảng vàng danh dự của nền văn hóa toàn nhân loại.
 Quan niệm về lý trí, Boileau cho: “Hãy chuộng lý trí... chỉ nên nhờ cậy lý trí thì tác phẩm mới rạng rỡ và có giá trị”; Valery cũng vậy: “Thơ phải là ngày hội tưng bừng của trí tuệ”; nhưng Breton ngược lại: “Thơ phải là sự tan rã của trí tuệ”. Về nhạc điệu, Verlene cho: “Thơ phải có nhạc trước hết”; nhưng Eliot thì không: “Một số bài thơ làm để ngâm nga, nhưng đại đa số hiện nay buộc phải đọc lên như nói... Sự lạc điệu, cả sự trúc trắc cũng đem vào thơ... không một nhà thơ nào viết nổi một bài thơ dài mà không đồng thời là một bậc thầy về văn xuôi,... bậc thầy về văn nôm na”. Về vần điệu: Baudelaire cho: “Nhà thơ nào chưa biết đích xác mỗi tiếng có thể hợp bao nhiêu vần thì không diễn tả nổi ý nào hết”; Apollinaire thì không thế: “Thơ tự do không vần, cho tha hồ buông phóng tâm tình”. Về hình ảnh: Cocteau cho: “Hình ảnh làm hư hại cả thơ”; nhưng Reverdy có lý hơn: “Đặc tính của hình ảnh gợi cảm mạnh mẽ là xuất hiện từ chỗ ngẫu nhiên tương cận của hai sự thực rất xa nhau, mà chỉ tinh thần mới thấy mối liên hệ”; còn Breton coi hình ảnh trong thơ là hình ảnh kỳ lạ của thế giới siêu thực: “Giá trị của hình ảnh tùy vẻ đẹp của tia sáng đã nảy ra được... Song theo ý tôi, sức người không thể sắp đặt cho gần nhau hai sự thật cách xa nhau như thế... Vậy đành phải chấp nhận rằng hai vế của một từ ngữ có hình ảnh, không phải do lý trí suy luận để vế nọ sinh ra vế kia mà làm bật tia sáng, cả hai đều sinh ra cùng một lúc, do một động lực mà tôi gọi là động lực siêu thực, còn lý trí thì chỉ nhận xét và phê bình hiện tượng bật sáng kia mà thôi”. Về sự hiểu và không: Bellay nói: “Tôi không lấy làm lạ nếu có nhiều kẻ chẳng thấy thơ nào hay, trừ những bài họ hiểu”.Còn Mallarmé cho: “Câu thơ phải bao hàm dụng ý, tất cả lời lẽ phải khuất sau cảm giác”. Perse thì giải thích: “Sự tối nghĩa của thơ, mà người ta chê trách, không do bản chất thơ vì thơ vốn soi sáng, nhưng do bóng đen mù mịt như đêm mà thơ phải thăm dò”. Quan niệm về Thơ hiện đại: D’Aurevilly coi trọng sự độc đáo đơn biệt: “Ở thời đại cực văn minh này, thơ nào thật là thơ trước hết phải có tính chất cá nhân và đơn độc. Những đại bàng và những mãnh sư thường đi riêng một mình”.  Jarry coi trọng sự đa tầng, đa nghĩa: “Thơ hiện đại bất chấp mọi điều giải nghĩa. Cũng như đối với những vật thể của tự nhiên, giải phẫu mãi thì bao giờ cũng lại phơi ra chút gì mới lạ... sự liên hệ giữa câu nói và nghĩa..., trong thơ,  biến đổi vô cùng”. Ibert coi trọng tầm bao quát: “Nhà thơ bây giờ không phải là một kẻ mơ mộng, cũng chẳng phải là nhà phù thủy... Phạm vi quan tâm của y gồm một khoảng bao la của thực tại mà mọi thành phần đều được nhấc lên cùng một hàng, hạt nguyên tử cũng như tảng đá, bông hồng cũng như biển cả”... (dẫn theo cuốn : “Những bậc thầy văn chương thế giới tư tưởng và quan niệm, Lê Huy Hòa, Nguyễn Văn Bình soạn, nxb Văn học, 1995)”. Những quan niệm như trên là đúng hay sai, bởi còn có một quan niệm khác nữa, theo G.Chirico, thơ bất tử phải là thơ không lệ thuộc một điều gì cả: “Muốn sáng tạo được một tác phẩm bất tử thì phải vượt trên mọi giới hạn của người thường, ở đó không có lương tri, không lý luận” …
Chỉ điểm sơ qua vài nét vậy thôi, cũng đủ thấy bài toán giá trị thơ ca quả nan giải. Vậy chúng ta, những người đang sống cảm nhận thế nào trước những quan niệm muôn hình vạn trạng của tiền nhân? Trước hết, tôi thấy những quan niệm ấy nhắc ta rằng, bất cứ một sự đánh giá nào không đắn đo thận trọng, không suy xét cân nhắc, không xuất phát từ tri thức học thuật, chỉ bằng cảm tính cá nhân, sự yêu thích cá nhân, với một sự hiểu biết hời hợt, cách nhìn thiển cận, một cảm quan già nua, xơ cứng, chưa kể đến những ý đồ xấu, những thành kiến cổ lỗ và thói tự phụ kẻ cả,... sẽ trở thành một sự thô bạo ngốc nghếch và khệnh khạng vô lối.
Do hoàn cảnh lịch sử, thơ ca nước ta đã chịu ảnh hưởng nhiều nguồn. Hàng ngàn năm, ông cha chúng ta không chỉ ảnh hưởng mà còn rập khuôn hình thức thơ Đường, nó còn được dùng làm chuẩn mực trong các kỳ thi; sự ảnh hưởng lớn thứ hai là thời thơ mới chịu ảnh hưởng thơ lãng mạn, thơ  tượng trưng Pháp; giai đoạn  những năm kháng chiến chúng ta sáng tác theo trào lưu Hiện thực xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng văn học Liên xô và Trung quốc (đặc biệt là Liên xô).        
Theo Trần Đình Sử (Cuốn Lý luận và phê bình văn học, nxb Hội Nhà Văn, 1996), ở Trung Quốc thời gian gần đây đã có sự đổi mới mạnh mẽ, chính Đặng Tiểu Bình tuyên bố không tiếp tục sử dụng nguyên lý “Văn nghệ phụ thuộc chính trị nữa”, bởi “lợi ít hại nhiều”. Mà trở lại theo đúng nguyên lý của Chủ nghĩa Mác, văn nghệ và chính trị cùng là các hình thái ý thức xã hội, chúng tác động lẫn nhau chứ không phụ thuộc nhau, mà chỉ phụ thuộc cơ sở hạ tầng. Văn học cách mạng không còn là cái loa tuyên truyền, là loại văn chương “tươi sáng đi lên”, “con người mới cuộc sống mới” nữa, mà là văn học: “thống nhất ba mặt: Tính xã hội, tính chân thật và tính cầu tiến bộ”, coi “phản tư” là quy luật, văn học luôn phải tự nhìn mình sao cho luôn có sự phản ánh hiện thực sâu sắc, toàn diện và đúng đắn hơn.
Cũng theo Trần Đình Sử (sách đã dẫn), ở Liên-xô (cũ) cũng từng nhìn nhận lại phương pháp Hiện thực xã hội chủ nghĩa, và nhận thấy, nó chịu chi phối quá nhiều bởi chủ nghĩa Quan liêu giáo điều, nên đã có những nhược điểm lớn.
 Trong một bối cảnh như vậy, chúng ta không thể không đổi mới văn chương, đổi mới thơ ca. Bởi trước hết, bản chất của sự sáng tạo là đổi mới. Chúng ta có thể vẫn sáng tác theo thi pháp thơ Đường, thơ lãng mạn, thơ lục bát khi một nội dung, một cấu tứ cần hình thức ấy. Nhưng rõ ràng, sự câu nệ hình thức tất dẫn đến sự gò bó ý tưởng. Có khi chỉ vì sự bắt vần mà ý tưởng bị lắp ráp một cách khiên cưỡng, sống sượng. Bản năng thẩm mỹ cơ bản của con người là không đổi. Nhưng khi cuộc sống thay đổi, nền văn minh phát triển, trí tuệ, trí thông minh của con người thay đổi, tất dẫn đến chuyện tư tưởng, tình cảm cũng sẽ thay đổi theo, sẽ phong phú hơn. Niêm luật cứng nhắc gò bó của thơ Đường, của những thể thơ cố định, dường như không thể chứa đựng nổi sự thay đổi ấy. Mối quan tâm của thơ lãng mạn rõ ràng chỉ mới ở một khoảng rất hẹp của tình yêu riêng tư, chưa thể hiện được toàn bộ những tình cảm, những tâm trạng, những suy tư lớn lao và phong phú của con người. Ngoài chuyện yêu đương, con người cũng còn say mê nhiều thứ khác nữa; và quan trọng hơn hết, muốn có nhớ nhớ thương thương, muốn say mê này nọ, người ta phải tồn tại đã, và như thế, con người buộc phải có những mối quan tâm thiết thực hơn chuyện yêu đương. Có sự tương đồng giữa sáng tạo khoa học tự nhiên với sáng tạo nghệ thuật. Sáng tạo khoa học nhằm tìm kiếm những lý thuyết đúng đắn hơn giải thích thế giới, đưa ra những phương thức sản xuất mới, còn sáng tạo nghệ thuật, ở các cấp độ khác nhau, là nhằm đưa ra thi pháp mới, phản ánh sâu sắc và toàn diện hơn đời sống tinh thần cũng càng ngày càng phong phú, phức tạp hơn của con người. Chân lý của khoa học không thay đổi nhưng ý thích về cái đẹp của tâm hồn con người thì thay đổi. Vì vậy, đổi mới sáng tạo nghệ thuật là tất nhiên.
*** 
Thơ ca Cách mạng là một nền thơ đã đạt được nhiều thành tựu, có một bước tiến nhảy vọt khi tiếp cận  được hiện thực đời sống phong phú. Nó có những phẩm chất, tầm nhìn, mà thơ thời trước không thể có được. Từ không gian nhỏ hẹp của tâm trạng, tình cảm cá nhân chuyển sang một không gian lớn lao của tình yêu quê hương, đất nước, tình đồng chí đồng đội; từ sự buồn đau của tình cảm riêng tư, sự lo lắng mưu sinh cho gia đình đến những sự trăn trở, suy tư lớn lao về vận mệnh của cả dân tộc. Hai cuộc kháng chiến vĩ đại đã sinh ra nhiều thế hệ làm thơ. Thơ họ không chỉ là thơ mà còn là một sức mạnh góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại, nên có một diễm phúc mà không một giai đoạn nào có được. Nó đã được nghiên cứu rất kỹ, được ưu tiên tuyên truyền ca tụng, được trích giảng nhiều trong các trường học, có khi còn là đề tài cho những luận án cao học, tiến sĩ. Nó đã đạt được nhiều thành tựu, tạo được nhiều ấn tượng, bởi đã được phôi thai, sinh nở từ trong máu và mồ hôi của chiến hào. Không biết trên thế giới đã có một nền thơ nào mà mọi suy nghĩ, mọi công việc, mọi sinh hoạt, mọi sự vật, mọi không gian, mọi thời gian... của cuộc sống con người đều được biến thành thơ như vậy không? Phạm Tiến Duật biến ý nghĩa việc sáng đèn tắt đèn, chuyện xe có kính không có kính; Nguyễn Khoa Điềm với nhịp chày giã gạo; Hữu Thỉnh  một chuyến đò, chuyện ngồi ăn cơm... và vô vàn vô vàn chuyện to nhỏ khác nữa, tất cả, tất cả đều trở thành thơ. Hà Minh Đức đã viết về điều này: “Cái kho vàng mười của cuộc sống ánh lên sắc đẹp rực rỡ trong thơ” (Theo cuốn Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, nxb Giáo dục, 1997). Hai tình cảm lớn nhất thời kháng chiến chính là niềm xúc động và tự hào đã được phản ánh trong thơ. Cả nước chia ly. Sự chia ly làm cho những điều dù vụn vặt nhất: một lá thư, một tấm ảnh, những kỷ vật còn lại của người lính hy sinh,... tất cả đều trở thành thiêng liêng. Cuộc chiến quá gian khổ, quá ác liệt, quá nhiều mất mát hy sinh, đường đến chiến thắng quá khó khăn, trở thành lý tưởng cao cả, nên mỗi hành động, mỗi suy nghĩ, mỗi tình cảm của người lính chốn hiểm nguy đều có thể làm rung lên được những nỗi xúc động của mọi người.
Nếu phải chọn vài câu đột biến, vươn cao hơn cách cảm, cách nghĩ, cách biểu đạt thông thường, đồng thời lại nói lên được cái tinh thần của thời đại một cách sống động nhất. Tôi thấy hai câu thơ của Nguyễn Đình Thi:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
có thể là tiêu biểu cho thơ ca thời chống Pháp; và những câu của Lê Anh Xuân:       
Anh chẳng để lại gì cho riêng anh  trước lên đường
Chỉ để lại cái dáng- đứng- Việt- Nam tạc vào thế kỷ
cũng là những câu  tiêu biểu cho thơ ca thời chống Mỹ.
***
Nhưng thơ kháng chiến đã hoàn mỹ chưa? Nếu coi nó như một đối tượng khảo sát trong dòng chảy chung của sự phát triển, tôi nghĩ, nó cũng như tất cả mọi sản phẩm sáng tạo của trí tuệ con người đều không có gì là hoàn mỹ cả. Tác giả Trần Mạnh Hảo trong “Thơ phản thơ” viết: “Mấy chục năm vừa qua, người ta đã đồng hóa thơ với các khẩu hiệu tuyên truyền, người ta đã chất lên cái lưng vốn không lấy gì mạnh mẽ của thi ca đến tám mươi phần trăm nhiệm vụ của một nền văn nghệ phục vụ chính trị” (tr 8). Ý kiến trên đây là cực đoan, nhưng không hoàn toàn sai. Do hoàn cảnh chiến tranh, văn nghệ cũng như mọi mặt của cuộc sống phải phục vụ cách mạng là một yêu cầu tất yếu; câu khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng” không chỉ là nhiệm vụ mà còn là lý tưởng, là lẽ sống; chính vì thế văn nghệ mới có quyền tự hào là đã có góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại. Và cũng vì thế, văn chương đã phải hy sinh một phần vẻ đẹp của mình cho cách mạng, giống như việc những nghệ sĩ tạm gác lại những bộ xiêm y lộng lẫy, những nước hoa son phấn, những gì đài các để khoác lên mình bộ quân phục màu xanh cây lá cho phù hợp những chuyến biểu diễn phục vụ ở chiến trường. Nét chính của yêu cầu văn nghệ phục vụ cách mạng chính là tinh thần lạc quan được thể hiện trong văn chương. Bao trùm lên tất cả là cái tứ chung “Dù đêm đen ngọn lửa vẫn sáng”; rồi không chỉ “tiếng hát” mà cả “tiếng cơm sôi” ở chiến trường cũng “át tiếng bom”... Mặt khác, cũng do hoàn cảnh chiến tranh, người sáng tác không thể có điều kiện để trang bị đầy đủ về tri thức nói chung và về lý luận sáng tạo nói riêng, nên tinh thần và lòng nhiệt tình sáng tác rất cao nhưng ý thức về tính sáng tạo còn hạn chế. Những tác phẩm được sáng tác chủ yếu theo xúc cảm và năng khiếu thiên bẩm, theo kiểu “chộp được một cái tứ” rồi triển khai, hoặc diễn đạt một trạng thái tình cảm nào đó. Nhiều bài thơ được làm theo kiểu diễn tả một chuyện gì đấy để nói lên một ý nghĩa gì đấy, ý nghĩa đơn tuyến, ít dụng công, ít có sự thiết kế một cấu trúc mạng liên tưởng để mở rộng biên độ của ý nghĩa; chưa dụng công trong việc biểu đạt ý tưởng mà thường nói trực tiếp. Bằng tất cả sự thận trọng, tôi cho rằng, ý kiến đánh giá sau đây là khách quan: Làm nên giá trị thơ kháng chiến, ngoài tài năng các nhà thơ, một phần còn do chính cuộc kháng chiến, bởi chính cuộc kháng chiến  là một cái tứ lớn, đã làm “giá đỡ” cho tất cả các khoảnh khắc, những lát cắt của hiện thực trở  thành những cấu tứ độc đáo. Một chuyến xe không kính ở giữa chiến trường có thể là một tứ thơ độc đáo cho Phạm Tiến Duật, nhưng nó không có ý nghĩa gì nếu chỉ là chuyến xe chở cát xây nhà ở thời bình này. Rất nhiều nhà thơ kháng chiến, trong ác liệt, trong khó khăn, trong thiếu thốn lại làm thơ dễ dàng; nhưng trong thời bình, viết về thời bình lại quá khó khăn. Gần như không ai có tác phẩm viết về thời bình có thể so được với thơ viết về cuôc kháng chiến của chính họ. Như vậy, có phải chính cuộc kháng chiến vĩ đại đã viết hộ cho họ một phần chăng?  Sự sáng tạo về ngôn ngữ, những câu thơ  “hay, lạ, độc đáo” mà tác giả Trần Mạnh Hảo đã chọn ra trong hai bài “Có một thời đại thơ ca” trong “Thơ phản thơ”, thực tế  không nhiều. Có những nhà thơ cả đời có khi chỉ lọc ra được vài câu thơ độc đáo. Có một điểm yếu khác của thơ kháng chiến mà người ta thường nói. Cuộc sống của con người được phản ánh trong thơ chỉ phong phú ở bề rộng, bề nổi; nhưng chưa khám phá trọn vẹn bề sâu. Cũng Trần Mạnh Hảo trong “Thơ phản thơ” viết: “Suốt một thời, người ta không cho phép thơ được buồn, được đau, được cô đơn và được chết” (tr 8); rồi: “Nền-thơ-lộ-thiên-ham-vui của chúng ta…”(tr 9). Nhận xét trên đây cũng có phần nào cực đoan. Nhưng quả thực thơ ca kháng chiến của ta còn: Nhiều ta ít tôi; có buồn nhưng ít đau; có đau nhưng ít khổ; có ước muốn nhưng thiếu thèm khát; có thèm khát nhưng thiếu si mê; có dũng cảm nhưng không sợ sệt; nói nhiều đến chiến thắng mà  ít nói đến thất bại... Mỗi tâm trạng cá nhân, mỗi nỗi đau chưa được “nguyên chất” mà thường được phủ lên một một lớp hào quang của tinh thần lạc quan, nên có phần giảm đi tính chân thực.
 Về thi pháp thơ kháng chiến, ngoài những tác phẩm của những tài năng độc đáo, bút pháp tả thực có phần bị lạm dụng. Bản chất của thơ ca không chỉ phản ánh hiện thực, mà quan trọng hơn, là cách thức phản ánh như thế nào: hình thức hay nội dung, hiện tượng hay bản chất, cái logic thô sơ hay logic biện chứng…? Bởi chỉ để “sao chép” lại hình ảnh cuộc sống thôi, thơ không thể bằng sử; kể một câu chuyện, thơ cũng không thể bằng văn xuôi. Vì dùng nhiều cách nói trực quan, ít tính tượng trưng nên thơ kháng chiến ít khơi gợi; ví von còn gần mà ít lạ, rất nhiều câu không phải là thơ “điệu nói” mà là thơ “lời nói”... Nhiều bài thơ lạm dụng sự kể và mô tả, phải dùng quá nhiều chữ nhiều câu chỉ để diễn giải một ý... Thơ dễ hiểu quá, phải dùng nhiều công sức để nói những điều hiển nhiên, có ý gì nhà thơ bộc bạch hết ngọn ngành, không cất giấu điều gì nên người đọc không cần phải khám phá gì. Đọc một lần là biết hết không có nhu cầu đọc lại. Nhiều câu thơ có thể có nghĩa bóng nhưng chưa phải là cài đặt những ý nghĩa tiềm ẩn. Có những câu thơ đẹp đẽ chứ chưa phải là vẻ đẹp của sự sáng tạo. Có những ý thơ khiến người ta tâm đắc chứ chưa buộc người ta phải suy tư.
***
Thơ ca sau giải phóng 1975 đã trải qua một giai đoạn hơn hai mươi năm, một thời gian đủ dài cho  các nhà “thơ mới” và các nhà “thơ kháng chiến” làm hai, ba cuộc cách mạng thơ và tạo ra trùng điệp các thế hệ nhà thơ. Chính các nhà thơ chống Mỹ cũng vẫn là một bộ phận quan trọng của đội ngũ sáng tác của giai đoạn này, bởi năm 75 người lớn nhất cũng mới ngoài ba mươi tuổi. Nhưng các nhà thơ đã làm nên được gì ở giai đoạn dài dằng dặc này? Khi các nhà thơ chống Mỹ đang ở độ tuổi chín nhất, sung sức nhất, còn các thế hệ sau đa phần được học hành cẩn thận, điều kiện sáng tác cả khách quan lẫn chủ quan đều thuận lợi hơn, được trang bị đầy đủ hơn về tri thức cũng như lý luận sáng tạo?
Ta hãy xem thử sự đánh giá thơ ca giai đoạn này qua những ý kiến của một số nhà thơ, nhà phê bình thuộc những thế hệ sáng tác khác nhau trong một cuộc thảo luận trên báo Văn nghệ khoảng đầu những năm 1990: “Thơ... gần đây chỉ nặng về thơ tình và loại thơ vô thưởng vô phạt. Thảng hoặc có đôi bài viết về thời cuộc thì cũng quá mờ nhạt” (Trinh Đường);  “Người ta cứ tưởng thơ đích thực là phải xoáy vào nỗi đau, những nỗi buồn” (Nguyễn Bùi Vợi); “Thơ trên báo Văn nghệ có một điều mừng là đã mở ra, xòe ra (như những cái nan quạt) một cách rất rộng” (Ngô Quân Miện);  “Trữ tình tủn mủn” (Bằng Việt); “Chưa có một bài thơ nào về các diễn biến thời sự đang xảy ra trên thế giới. Thơ hầu hết bàn về cá nhân, chúng ta đang rất cũ, cần nghiêm khắc hơn” (Phạm Tiến Duật);  “Thế nào là thơ hay hình như bây giờ cũng trở nên ù xịa, lẫn lộn lung tung” (Hoàng Cát); riêng anh Trần Mạnh Hảo có chú ý đến thi pháp, đổi mới thì viết: “Các nhà thơ gân cổ, xoạc cẳng thi nhau ném lên nền thơ tất cả chai lọ của lý trí, tất cả cát đá của ngôn từ. Nhưng họ chỉ đạt được những lời nói chứ không phải những câu thơ” (Trần Mạnh Hảo)  v.v... (Dẫn theo Tư duy thơ & tư duy thơ hiện đại Việt Nam, Nguyễn Bá Thành, nxb Văn học, 1996). Trong những năm gần đây, khi điểm tình hình một năm văn chương, người ta cũng thường đánh giá tương tự vậy; đặc biệt có Trần Đăng Khoa, một mặt khen thơ của lớp mới bây giờ nhan nhản trên báo tường, báo hàng ngày những bài ngang bằng hoặc còn hay hơn những bài thơ từng là “sự kiện văn học”,  “cột mốc ghi dấu thời đại” của thời gian trước như: Thăm lúa, Lên miền Tây, Bài ca vỡ đất; nhưng lúc khác Khoa lại cho thơ bây giờ  là “không có gì”, là “khủng khoảng”...
Một điều tôi cảm thấy hơi ngồ ngộ là những nhận xét của những nhà thơ trên đây như những nhận xét của người ngoài cuộc, cứ như họ đã hoàn thành xong sự nghiệp rồi, quên rằng chính mình cũng là một đối tượng. Còn các ý kiến trên có vẻ ai cũng đúng cả, nhưng chúng chỉ như việc ông xẩm nhận dạng voi mà thôi, bởi thơ bây giờ quá nhiều, có ai mà đọc hết được, ngay đến cả nền phê bình cũng còn chưa vẽ ra nổi chân dung cụ thể của nó nữa là.
 Cũng trong cuộc hội thảo trên, tôi thấy nhà thơ Hữu Thỉnh là người đánh giá đúng nhất: “Thơ đang mở ra nhiều hướng nhiều cách. Nắm bắt thơ hiện nay như nắm bắt một mục tiêu đang di động, đang bay lên trời: Thơ chưa định hình, đang phát triển”; rồi: “Được giải phóng bởi những quan niệm hẹp hòi và khô cứng, họ không còn quá băn khoăn tôi hay là ta, hiện thực hay không hiện thực, họ chỉ mải mê ghi lại những chấn động đột ngột  của tâm hồn, đắm mình trong dòng chảy của cảm xúc, cứ như thế càng trọn vẹn và hoàn hảo bao nhiêu càng thơ bấy nhiêu… Xu hướng chung của sự chuyển mới này là đi tìm cách biểu cảm hiện đại của thơ, dồn nén thông tin, ham bày tỏ, ít so sánh trực tiếp, nhiều liên tưởng ngầm, dồn sức cho cốt trục, tăng trực giác lẫn ngẫu nhiên, câu thơ co duỗi tự do, đóng mở linh hoạt, hình ảnh táo bạo, có khi chói gắt, ít vần... tránh dềnh dàng, lao ngay đến cái ý tưởng và khỏe, ngay ở thơ các bạn gái nhiều bài cũng rất khoẻ” (Sđd).
Theo tôi, thơ giai đoạn sau 1975 đến nay có mấy khuynh hướng :
Thứ nhất là khuynh hướng chiếm đa số, có đến khoảng 90% các nhà thơ vẫn sáng tác theo thi pháp thơ chống Mỹ. Những nhà thơ đã thành danh trong kháng chiến viết tiếp những điều đã trải nghiệm trong chiến tranh và cũng mở tầm nhìn sang những hướng khác trong cuộc sống hiện tại, nhưng thành công của họ vẫn chủ yếu là thơ viết trong giai đoạn kháng chiến và thơ viết về kháng chiến, còn những mảng khác cũng có thành công nhưng không thể so sánh được. Nhiều thế hệ kế tiếp nhau sau 1975 cũng sáng tác theo cha anh mình, chỉ mở rộng một chút tâm tư tình cảm riêng tư và đối tượng phản ánh, nhưng  do vốn sống hạn chế, nên tác phẩm của họ không thể so sánh với thơ của lớp cha anh được. Nếu  coi sự phản ánh hiện thực theo cách nhìn của chủ nghĩa duy vật cũ làm nguyên lý chính cho sự sáng tạo, các nhà thơ thời bình sẽ bị mất đi nhiều  lợi thế. Thời bình không có sự hy sinh như trong chiến tranh; đói khổ cũng không đói khổ bằng; có thể có xa nhau nhưng không biền biệt, ngăn cách; nỗi nhớ thời bình chỉ là nỗi nhớ mà không có trong đó sự khắc khoải, sự âu lo còn mất. Thời bình cuộc sống ít kịch tính, ít khả năng tạo cấu tứ cho thơ. Như trên đã nói, trong chiến tranh một sự việc, một hành động, một vật dụng cũng có thể là chất liệu sáng tạo, có thể gợi nên bao cảm xúc, nhưng trong thời bình các nhà thơ không tài nào làm được vậy, nếu  cố làm, cũng không thể làm ai xúc động được.
 Có một nhóm nhỏ có ý thức đổi mới thơ quyết liệt, thuộc lớp “lão làng”, họ muốn làm ngược lại hoàn toàn thơ kháng chiến. Có thể họ làm từ trước, gần đây mới có điều kiện công bố. Phần nhiều họ biết tiếng Pháp, nên ảnh hưởng rất rõ thơ tượng trưng cực đoan và  trường phái Đađa, coi ngôn ngữ không phải là công cụ biểu đạt mà là mục đích biểu đạt, có khi biến thi pháp thành trò chơi sắp chữ, trộn chữ, ngôn ngữ bị bóp vụn, thơ ca chỉ là những mảnh  ý nghĩ, những mảng vỡ của ngôn ngữ, hoặc thậm chí chỉ là những mảnh âm tiết ghép vào nhau khấp khểnh, kiểu như :
                             a e ou o youyouyou I e ou o
                                    you you you
                                    drrrdrrdrrrgrrrgrrr
(Thơ dẫn theo Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại).
Ngoại trừ những chỗ phóng túng quá đáng và việc phong thánh cho nhau tương đối thoải mái, tôi thấy cũng không sao. Nhưng nếu ngộ nhận, coi chỉ thơ như mình mới là sáng tạo, mới là cao siêu nhất sẽ không có lý. Thứ nhất, nếu coi sự kín mít là một đặc tính cao siêu, là mục tiêu để phấn đấu thì không thể còn có loại thơ nào kín mít bằng thơ tượng trưng kín mít (Hermétique), khi đi đến chỗ không tượng trưng cho cái gì nữa thì thơ  tượng trưng phải dừng lại. Thứ hai, nếu coi sự tự do, sự phá vỡ mọi quy tắc và mọi thuộc tính ngôn ngữ của thơ ca, thì cũng không có loại thơ nào phá phách bằng thơ đa đa, không có loại thơ nào  kỳ dị bằng thơ siêu thực... Vì vậy, ai đó muốn làm cách mạng thơ, muốn tạo ra được một giá trị mới, mà chỉ đi sao chép theo con đường duy hình thức sẽ không có lối. Ngay trường phái Đađa khi xuất hiện cũng chỉ để “phá phách” thôi chứ không cần đến giá trị nghệ thuật; vì thế chủ nghĩa Siêu thực mới ra đời, nó chính là “chủ nghĩa Đađa có lý luận”. Đó chính là cái lý luận muốn tìm ra tính có lý của những cái phi logic, cơ sở khoa học của những cái ngẫu nhiên, những bất định kỳ dị. Có thể với một phạm vi nào đó, những bài thơ với những câu thơ lạ lùng kiểu như: “Trên cầu, giọt sương có đầu mèo đưa đẩy như ru”(A.Breton); “Trong rừng cháy. Các con sư tử thì mát tươi” (R.Vitrac);… sẽ gây ra được những ấn tượng mạnh, những cú “sốc” nghệ thuật. Nhưng nếu cho nó là con đường duy nhất, chân lý cuối cùng của nghệ thuật thì sẽ không đúng, bởi bản chất của sáng tạo là sự thay đổi, giá trị của nghệ thuật cũng không chỉ là cái kỳ lạ. Vì thế, chủ nghĩa Siêu thực đã không thể mãi tồn tại. Dù vậy, nó vẫn tác động mạnh đến thế hệ sau bởi nó khuyến khích người nghệ sĩ mở rộng  biên độ của trí tưởng tượng, giúp người thi sĩ có cách nhìn phong phú hơn về hiện thực, là một trong những phương thức biểu đạt làm cho thơ phong phú hơn.
Một nhóm nhỏ các nhà thơ khác cũng có tinh thần đổi mới thơ như nhóm trên, nhưng sung sức hơn, trẻ hơn, có học và tri thức rộng hơn, bởi đã tiếp cận cái mới, cái hiện tại, cái đang chuyển động. Thơ họ kế thừa được những mặt tốt của thơ giai đoạn trước, vươn tới một tầm cao, một trật tự mới chứ không đi tới sự hỗn độn. Ngôn ngữ thơ của họ rất phong phú, đã phát huy triệt để một trong những tính chất chủ yếu của thơ ca là tư duy hình tượng, rất nhiều hình ảnh hiện thực, siêu thực, tượng trưng đan xen, chồng chất trong thơ họ, câu thơ có hình khối, có bài thơ như những tác phẩm điêu khắc, đã mở ra những không gian nghệ thuật nhiều chiều, gợi mở nhiều vẻ đẹp, nhiều ý tưởng, nhiều ý nghĩa. Hiện thực trong thơ họ không phải là chuyện gì đấy, cảnh gì đấy mà là vấn đề nào đấy. Con mắt họ đã nhìn xa hơn, rộng hơn, sâu hơn, nhìn thấy cái nhìn thấy và cả những cái không nhìn thấy, nhìn sâu trong bản ngã và nhìn rộng ra tính nhân văn phổ quát. Nhìn từ gia đình ra đến xã hội, từ lo âu của việc kiếm kế sinh nhai cho đến những nỗi ưu tư trước những vấn đề lớn của thời đại, nhìn những sự việc độc lập, riêng rẽ, cũng nhìn thấy cả cái chung. Hình thức thơ phóng khoáng, không câu nệ, cởi bỏ niêm luật cho dễ thể hiện ý tưởng, tước bỏ rườm rà, không dẫn chuyện, không nói điều thông thường ai cũng thấy. Thơ ca không chỉ tạo nên sự xúc động, sự khoái cảm, sự tâm đắc mà gợi nên những suy tư, những trăn trở, ý thức trách nhiệm lớn lao đối với đồng loại. Có những bài thơ đã đạt được tầm cao ở chỗ không chỉ có những câu thơ, ý thơ triết lý mà tạo nên cả một một kết cấu triết lý, thể hiện được những điểm mấu chốt, những quy luật cơ bản, những mạch ngầm, những dòng chảy chính của tâm trạng, của sự vận động, phát triển … Tiếc là chúng còn  chưa được khuyến khích công bố, có được công bố cũng chưa được thẩm định đúng mức và đúng đắn, chúng còn thường bị xếp sau những dạng thơ đèm đẹp, véo von tầm thường. Cũng như mọi thời kỳ, những gì có giá trị cao, những tài năng đọc đáo, những tác phẩm có giá trị lớn thường rất ít, rất cần được thẩm định và công nhận một cách xứng đáng.
 Có điều cũng cần phải nói, trong các nhà thơ trẻ có những người rất có tài, ngôn ngữ thơ kỳ ảo, cấu trúc hiện đại, nhưng do vốn sống còn hạn chế, khiến họ có  rất ít “vật liệu” tạo tác nên tác phẩm gắn bó với đời sống cụ thể. Nhiều người không “quy hoạch” được ý tưởng, không đủ sức tạo những cấu tứ riêng, nên thơ loà nhoà, nhiều bài thơ không cần phải có đầu đề, có thể nối hoặc trộn lẫn vào nhau được, thơ rỗng.
Cũng còn có một khuynh hướng cực đoan khác, đề cao cái vô nghĩa. Có người cho sự khó hiểu là cao siêu nên cố gắng làm ra những bài thơ không phải khó hiểu mà không có gì để hiểu. Họ dị ứng với việc phản ánh hiện thực, nên con mắt không nhìn xa khỏi bản thân mình, trong thơ toát lên sự bế tắc, không phải của xã hội mà của chính bản thân mình.
***
 Về phê bình, định dạng và tiếp nhận. Đã hơn hai chục năm trôi qua, dù được in ra nhiều, nhưng thơ sau  1975, không chỉ của những người mới xuất hiện mà của cả những người từng có danh tiếng cũng không  nổi đình đám gì, dù có được trao giải này nọ. Bởi xã hội phát triển, người ta có nhiều phương tiện giải trí quyến rũ hơn. Mặt khác, độc giả cũng thông minh hơn, mật độ trí thức đông hơn, xã hội cũng có nhiều loại giá trị khác được đề cao; người ta ai cũng có nhiều ước vọng, họ cũng bận làm sang, làm giầu, bận đi chinh phục người khác chứ đâu có thời gian để cho các nhà thơ chinh phục mình. Một giá trị mới của thơ ca hôm nay đến được với mọi người là rất khó khăn. Xưa, trong đêm tối, một con đom đóm cũng tỏa ra được cả một quầng sáng, còn nay, trong thời đại rực rỡ ánh điện này, có là vầng trăng tết trung thu cũng khó mà huyền ảo, lung linh được … Trái lại, người ta lại rất khó thay đổi sự khâm phục đã thành thói quen. Những gì là kỷ niệm, được khắc sâu trong ký ức thường khó phai mờ. Chúng ta cần phải luôn tôn vinh những thành tựu của cha anh, nhưng nếu đề cao những cái giản đơn, lạc hậu sẽ là điều không nên, bởi sẽ làm chậm sự phát triển; cũng như cứ mãi bị lóa mắt người ta sẽ chẳng còn nhìn thấy được gì khác nữa. Cách nhìn của khoa học không phải như vậy.
Sự thẩm định thơ ca hôm nay còn rất nhiều điều phải bàn. Còn rất nhiều mâu thuẫn ở nhiều phương diện khác nhau, nổi cộm nhất là những sự phân định giữa: cũ và mới, thấp và cao, hay và dở, … Đã xuất hiện những cặp đối cực về thái độ: giữa trì trệ và hãnh tiến, giữa xổ toẹt và tán dương. Có như vậy, phần nhiều do cái nhìn cảm tính, không xuất phát từ cái nhìn của khoa học, của lý luận, mà lý luận văn chương hiện đại lại càng ngày càng phong phú phức tạp hơn. Đã có nhiều sự thẩm định không từ văn bản mà từ vô vàn điều phi học thuật nên dẫn đến sự đánh giá không công bằng. Có thể do thái độ và cũng có thể do trình độ. Sự phê bình cũng chưa toàn diện, nhà phê bình không phải cứ thấy hay là khen và dở là chê. Dường như giá trị văn chương thời nay không chỉ là giá trị văn chương mà còn liên quan đến nhiều thứ. Có người nói phê bình không có hiệu lực thì chẳng ai muốn phê bình nữa. Có một thực tế, có những trình độ yếu kém lại có điều kiện được yếu kém, những cái dở thì dễ dàng nằm thẳng đuột trên báo, trái lại, những cái hay, cái sắc sảo, cái giàu tri thức lại không  được quyền tỏa hương. Có không ít người viết phê bình không cần đến học thuật, lý luận; trình độ thấp và tầm nhìn hạn hẹp, có nhiều đánh giá sai, lại rất dễ được công bố, rồi còn được tán dương nữa. Vì vậy, điều cần làm là phải tạo ra cho được một sự công bằng trong việc công bố và đánh giá tác phẩm, muốn vậy phải dân chủ hơn nữa trong việc đăng tải. Trong sự đổi mới chung đầy sôi động này, dường  như sự dân chủ của diễn đàn văn nghệ thường bị tụt hậu so với nhiều lĩnh vực khác trong xã hội. Nhà nước chủ trương mở cửa nhưng cách nhìn của nhiều người làm văn nghệ còn hạn hẹp. Người ta luôn kêu là văn chương hôm nay “không có gì”, nhưng những tác phẩm “có cái gì” lại rất khó đăng, dù hoàn toàn không phải là tác phẩm thuộc dạng nguy hiểm hay độc hại gì. Những sáng tác của tôi phần nhiều bị như vậy.
Bản thân cũng là một người làm thơ, ban đầu tôi viết phê bình chủ yếu để  bày tỏ những quan niệm. Vốn là người làm công việc nghiên cứu khoa học tự nhiên, tôi rất hiểu làm thơ nghĩa là phải sáng tạo, mà đã là sáng tạo, tất phải làm ra được những cái mới lạ, nếu không, anh chưa làm được gì cả. Có điều trong thực tế, lại thường có cái mới lạ có giá trị và cái mới lạ vô giá trị. Đã vậy, người ta lại hay nhận xét bằng cảm tính, nên thường có những đánh giá trái ngược nhau. Chính vì thế, tôi đã đi sâu tìm hiểu tri thức lý luận nhiều lĩnh vực, để mong sao có được một cái nhìn đúng đắn hơn. Tôi nhận thấy, trong lịch sử phát triển có hai khuynh hướng chủ yếu đã chi phối sự sáng tạo thơ ca, đó là: sự phản ánh chủ quan và sự phản ánh khách quan, xuất phát từ hai nền tảng triết học: vô định luận và quyết định luận. Và, tất cả những sự cực đoan, đối lập với bản năng thẩm mỹ của con người, đều không tồn tại dài lâu; tất cả những sự sáng tạo, dù thế nào, cũng không thể không gắn bó với tư tưởng và tình cảm của con người.
Tôi cũng là một người làm thơ. Những bài thơ đầu tay của tôi đã được chính Nhà thơ lớn Chế Lan Viên đề nghị trao giải trong cuộc thi thơ của Hội Nhà Văn TPHCM năm 1986. Để không nói suông và những những lý lẽ của tôi ở trên dễ hiểu hơn, tôi xin nói đôi nét về chính cách làm thơ của mình. Tôi không biết mình đã đạt được hiệu quả thế nào, nhưng khi viết, tôi luôn cố gắng tìm kiếm những cái riêng. Tôi luôn tăng cường tính ấn tượng của ngôn ngữ thơ ca bằng cách trộn lẫn hình ảnh của tự nhiên với sự lạ hóa, biểu tượng hóa, để biểu đạt những ý tưởng, và luôn cố gắng tìm kiếm những cấu tứ độc đáo, có khả năng triết lý về một vấn đề, một quá trình nào đó của cuộc sống. Nhìn những ngọn núi, tôi muốn biểu đạt về sự bất động, sự dừng lại: “Những ngọn núi ngồi xếp chân bằng tròn che đậy sự bất an”; nhìn những ngôi nhà san sát trong thành phố, tôi muốn biểu đạt về sự tham vọng không cùng của con người: “Những ngôi nhà chen chúc xô đẩy dưới bầu trời thành phố/ Ai cũng muốn thiết lập một thế giới lớn hơn thế giới mình có/ Ai cũng muốn với tới một tầm cao cao hơn tầm với mình có/ Những ngôi nhà kiễng chân đứng bên nhau”; về hành trình của mỗi cuộc đời tôi viết: “Những ngọn núi tự leo dốc của mình… Tôi cũng muốn viết được những câu thơ có khả năng khái quát, muốn chỉ với lượng câu chữ nhỏ nhất, lại có thể biểu đạt được rõ nét nhất, đầy đủ nhất những điều chủ yếu nhất của cuộc sống: về lịch sử bi hùng đầy nghèo khó và thương đau của đất nước, bởi thiên tai, bởi chiến tranh, tôi viết: “Tổ quốc, có phải bão giông của thời gian hay của đất trời đã thổi cong cả dáng hình của mẹ ?; “Dòng sông lịch sử quanh co mang trên mình đầy thương tích/ Băng qua những mảng thời gian bị băm nát/ Những thiên kỷ bị cháy sém/ Những thế kỷ bị chặt khúc/ Chẳng ngừng trôi”. Và để đạt được sự sáng tạo, tôi không thể không dùng sự lạ hóa. Hồi sang Liên xô (cũ), trong cái lạnh âm 250, tôi nhớ nhà tôi, nhớ đứa con gái hai tuổi đến đau tim, và nghĩ, nỗi nhớ của mình muốn về được đến Sài Gòn nó phải bị “cong” đi, nên viết : Anh xa em gần nửa vòng trái đất/ Nỗi nhớ cũng cong theo dáng Địa cầu”. Cũng với cách cảm như thế, nó cho phép tôi có thể “chạm” được cả vào nỗi cô đơn của mình: “Anh như con thuyền lênh đênh sóng nước/ Nghiêng bên nào cũng chạm phải cô đơn”… Và, khi đi lang thang trên quê, tôi thấy mình như cũng có thể va được cả vào đêm: “Ta lại một lần lang thang trên quê/ Va cả vào đêm đặc quánh”, v.v…
Vậy, tóm lại, nói một cách chung nhất, đường đi của thơ sẽ như thế nào?
Điều này người ta cũng đã bàn nhiều, kể cả sáng tác để thể hiện, nhưng thống nhất với nhau ở cấp độ chung nhất cũng chưa được, còn nhiều mâu thuẫn. Ai cũng nói cần phải đổi mới, nhưng đổi mới như thế nào thì không biết. Có người còn thần bí hóa con đường này, cho là quá khó khăn nên thơ tắc tị, không thể đi đâu được nữa, có người thì cho là sáng tạo không có khuôn mẫu nên không thể biết được nó như thế nào, nên cứ việc mà đi tìm thôi. Chính vì vậy đã dẫn đến tình trạng thơ hiện đại không có chuẩn mực để đánh giá, còn lẫn lộn, rối như mớ bòng bong. Ai cũng tự tin đưa ra quan điểm của mình, chọn ra theo ý mình những tác giả tài năng nhất. Yêu thích là quyền mỗi người, nhưng trình độ khác nhau, người ta sẽ yêu thích khác nhau. Nên người nào hiểu biết hơn sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn.
Theo tôi, thơ ca là sản phẩm của con người, dù thời nào con người vẫn là con người, với tất cả những thuộc tính về thể chất và tâm trí. Chỉ khác, thế hệ sau được hưởng mọi thành quả của thế hệ trước cộng thêm những gì tự làm ra nên phải văn minh hơn. Ta có thể khó so sánh các cá nhân tác giả, giá trị tác phẩm, “độ lớn” ở các thời với nhau, nhưng vẫn có thể nói, thơ của thời đại văn minh thì nó sẽ mang trong nó những tính chất của nền văn minh. Đó là biện chứng.       
Sự sáng tạo thơ ca thời hiện đại không còn là hình thức tự phát, chỉ từ một chút năng khiếu thiên phú, từ chút khả năng bắt vần tả cảnh mà tạo ra được tác phẩm có giá trị lớn, mà phải dựa trên không chỉ năng khiếu, mà còn trên cả một cơ sở lý luận văn học, mỹ học, và hơn thế, còn trên cả một nền tảng tri thức của thời đại, trong đó triết học là khoa học khái quát, là tri thức nền tảng. Thơ ca là sản phẩm của trí tuệ con người nên nó cũng mang trong mình những thành tố của một cơ thể sống, chịu sự tác động của những quy luật sống, nó được hình thành và mang trong mình một sự cân bằng giữa tất định và bất định, giữa trật tự và xáo trộn. Thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung đã từng cực đoan, bị đẩy hoặc về phía này hoặc về phía kia khỏi cái vị trí cân bằng ấy.       
Con đường đi lên của thơ ca, theo tôi đó là con đường: Vượt qua giới hạn của những giới hạn; hoàn thiện những điều còn chưa hoàn thiện; bỏ đi những điểm yếu của những cái cũ  để xây nên cái mới chứ không phải đập nát cái cũ; hướng tới cái mới là hướng tới cái năng động, cái phong phú, vươn tới một tầm khác, trí tuệ hơn và có học hơn, hướng đến một trật tự mới chứ không phải hướng tới sự hỗn lọan; đó là một trật tự không phải siêu hình cứng nhắc, duy lý thô sơ, mà là trật tự biện chứng, mọt trật tự chất chứa trong nó những sự vận động biến đổi. Công việc chính của sựđổi mới là sự loại bỏ những nhàm chán, những thô sơ, những phiến diện, để tăng hiệu suất những ấn tượng, để có thể chinh phục được tính thờ ơ ngày càng cao đối với thơ của con người, làm nên những giá trị cao hơn. Trong công việc này, có khi cái năng khiếu thiên phú lại là gông cùm của thói quen, còn chính  trí tuệ lại là bạn đường của sự thay đổiHiểu được này người ta sẽ đi được xa hơn.
Về nội dung, sự đổi mới thơ không đơn giản chỉ ở chỗ thay đổi góc nhìn: Từ hướng ngoại chuyển sang hướng nội, từ chung sang riêng, từ vui sang buồn, từ tốt sang xấu...  mà đổi mới nghĩa là hướng tầm nhìn của thơ về tất cả. Về hình thức, sự đổi mới cũng không chỉ đơn giản ở chỗ: Có vần hoặc không vần; tối hay sáng; dễ hiểu hay khó hiểu… Cái nhà thơ cần làm là phải thiết lập được một hình thức sao cho thi sĩ thể hiện tốt nhất cái riêng của mình, tước bỏ những ràng buộc sao cho thơ vừa đạt được sự sáng tạo lại vừa có khả năng biểu đạt có ấn tượng nhất, sâu sắc và toàn diện nhất cái thế giới sống ngổn ngang này. Tất nhiên khi bỏ bớt đi những thuộc tính cũ, người ta phải tạo ra được những thuộc tính mới phù hợp hơn, nếu không, thơ không còn là thơ nữa.
Từ khi loài người sáng tạo ra chữ viết, một hình thức mã hóa đầu tiên, sự phát triển của nền văn minh luôn đồng hành với sự phát triển của mã hóa. Các tri thức trừu tượng hơn, phức tạp hơn, các thông tin cần được dồn nén hơn; để thể hiện, lưu trữ hoặc sử dụng chúng, con người buộc phải thông qua các phương thức đều có tính mã hóa. Chính bản thân loài người tồn tại và phát triển cũng phải thông qua phương thức này, sự mã hóa gen. Nghệ thuật là một sự biểu đạt, đã biểu đạt phải thông qua ký hiệu, đã là ký hiệu phải có tính mã hóa. Vì vậy, sự mã hóa hoặc dạng này dạng kia, hoặc cấp độ này cấp độ kia, là chuyện tất yếu của sự biểu đạt nghệ thuật. Riêng với thơ ca, sự mã hóa đó chính là sự mã hóa ngôn ngữ, sự mã hóa những hình ảnh, những biểu tượng, những ẩn dụ… Diễn tả trực quan một điều gì thì chỉ nói được riêng một điều ấy, nhưng thông qua những biểu tượng, những ẩn dụ, ý nghĩa được mở ra nhiều chiều và cũng gây được ấn tượng mạnh hơn. Chính trong quá trình này mỗi nghệ sĩ ít nhiều thường có sự áp đặt võ đoán những ý nghĩa theo ý mình, và cũng chính vậy đã gây ra sự khó hiểu cho người khác, sự khó hiểu của những bài toán. Trong thơ vịnh của thơ cổ điển, trong thơ tượng trưng cũng có rất nhiều hình ảnh, nhưng mối liên hệ với nghĩa của chúng thường đơn tuyến, hoặc theo quy ước thông lệ, hoặc là liên hệ gần. Thơ hiện thực trong kháng chiến cũng có vô vàn hình ảnh  được các thi sĩ thổi hồn vào sống động, nhưng sự mã hóa dường như mới dừng lại ở cấp độ như một thao tác tu từ chứ chưa thành phong cách biểu hiện.
Như mọi lĩnh vực tri thức khác, thơ ca cũng đổi mới bằng cách kế thừa toàn bộ những cái hay của người đi trước. Đó là tính hàm súc của thơ cổ, thơ tượng trưng; tính  bất ngờ kỳ lạ của thơ siêu thực; sự tinh tế của thơ lãng mạng; tính phong phú, hoành tránh, chắc khoẻ, năng lực phản ánh của thơ kháng chiến…
Sự sáng tạo là khó khăn, tài năng thực sự luôn hiếm hoi. Có lẽ rồi một bài thơ hiện đại có giá trị do con người làm ra nhưng nó lại tồn tại khách quan trước con người như bất kỳ một sinh vật sống nào; và một nhà phê bình cũng phải như một nhà khoa học, không chỉ tiếp cận bài thơ bằng những tình cảm, những cảm nhận bản năng, mà cũng phải tìm hiểu những bí mật cất giấu trong cái cơ thể sống ấy, cũng phải khám phá những quy luật, những mối liên kết… làm nên sức sống của nó. Nếu không thế, người ta không thể biết thơ hay là thế nào và hành trình thơ ca về đâu.

Bình Thạnh 1-3-2000
Đã trích đăng Phụ san Văn Nghệ Quân đội số  51, 1999