Đây là bài thứ 2 người ta chọn để làm gì tôi cũng chưa biết cụ thể.
Trong thời buổi thực dụng xôi thịt này, đăng cái bài này lên thì sẽ có được
mấy “like”? Nhưng like hay o với tôi là vô nghĩa nên tôi vẫn đăng lên.
|
TRÊN CÁNH ĐỒNG KÝ ỨC
Tôi vốn yêu văn chương. Nhưng lại yêu theo một kiểu đặc
biệt, yêu mà hồi nhỏ rất ngại học môn văn, rất ngại đọc, thường chỉ thích nổi
những gì có thể tạo được cho mình những ấn tượng khác lạ. Tuy vậy, không hiểu
sao vẫn có những câu thơ, chúng đã không trôi vào trong lãng quên, mà lại rất
tự nhiên neo lại trong ký ức tôi. Khi cầm bút viết phê bình, tôi đã nhiều lần
tự hỏi, cái gì đã làm cho chúng có cái
khả năng ấy? Và, trong quá trình dần tự trả lời, tôi thấy nó liên quan
nhiều đến bản chất của công việc sáng tạo thơ ca. Trước hết, bởi chúng chính là
sản phẩm của sự lao động sáng tạo đích thực, chúng chính là kết quả của sự lạ
hóa cách thức biểu đạt ngôn ngữ của các thi sĩ, xuất phát từ bản chất tâm lý
của con người. Ngôn ngữ là một công cụ giao tiếp, luôn có tính võ đoán và tuân
theo những quy tắc, thế nhưng, để tăng cường tính ấn tượng khả năng biểu cảm,
con người thường có cách nói chệch ra khỏi những chuẩn mực thông thường ấy.
Điều này còn được thể hiện nhiều hơn trong thơ ca. Không một tài năng thơ ca
nào không có khả năng này. Nếu thiếu nó, người ta không thể trở thành một nhà
thơ đích thực được, mà chỉ là một người thợ, chỉ có thể làm ra được những bài
thơ chung chung, diễn tả những tình cảm chung chung, kể lể những chuyện chung
chung… mà thôi. Chúng chưa thực sự là thơ, bởi dù có vần điệu, chúng cũng chỉ
như văn vần; còn nếu không vần, chúng chỉ là một mớ lời nói lổn nhổn chữ nghĩa.
Chỉ có tác động một cách chủ quan vào sự biểu đạt của ngôn ngữ mới tạo ra được
những sắc thái biểu cảm mới lạ, lúc ấy, những điều bình thường sẽ có một diện
mạo mới, tính chất mới, một khả năng chinh phục mới. Dường như nó không chỉ là
một đặc điểm riêng của thời nào, vùng nào, mà là một trong những thuộc tính chủ
yếu của công việc sáng tạo thơ ca…
Ngay
từ thời Đường, Lý Bạch cũng đã có nhiều cái nhìn khác lạ. Trong bài Tĩnh dạ tư
(Nghĩ trong đêm thanh tĩnh), với con mắt thi sĩ, ông đã thấy ánh trăng
trước đầu giường đậm đặc như một màn sương vậy: “Sàng tiền minh nguyệt quang”
(Trước giường trăng tỏa sáng). Nghi thị địa thượng sương (Ngỡ mặt đất phủ
sương). Trong bài Thu Phố ca (bài ca Thu Phố) ông còn thấy tóc người ta không
phải dài theo thời gian mà lại dài theo nỗi buồn: “Bạch phát tam thiên trượng”
(Tóc trắng ba ngàn trượng). Duyên sầu tự cá trường (Theo tình buồn dài ghê).
Đặc biệt, khi tiễn người bạn thơ Mạnh Hạo Nhiên đi Dương Châu, ông đã thấy cánh
buồm, dòng sông, từ một khung cảnh của cuộc đời thực đã trôi thẳng vào trong
tận cõi tiên! Có phải, với cách nhìn như vậy, người đời đã phong cho ông là thi
tiên hay không?
Cô
phàm viễn ảnh bích không tận
Duy
kiến Trường giang thiên tế lưu
Tạm
dịch :
Cánh
buồm xa hút giữa tầng không xanh biếc
Chỉ
thấy Trường Giang chảy giữa trời
Trong
thơ hiện đại Việt Nam
cũng có những câu có cách biểu đạt khác lạ như vậy. Có chúng, bài thơ lung linh
hơn. Mấy câu thơ của Huy Cận không biết tôi đã đọc ở đâu mà cứ nhớ mãi :
Gió
lạnh chiều đông xui nhớ thưở
Bẫy
chim chèo bẻo nấp bên bờ
Hôm
nay ta nấp thơ giăng lưới
Bẫy tháng năm về bắt tuổi thơ
Khổ
thơ có sự lặp lại hai chữ nấp, hơi bị kém đi, nhưng với cách biểu đạt thật độc
đáo, chúng vẫn gây được nhiều rung động. Bởi chỉ có một tâm hồn thi sĩ, người
ta mới có thể giăng bẫy “bắt tuổi thơ” của mình, lại còn bằng chính cái tấm
lưới đặc biệt, được dệt bằng thơ ca như thế.
Cũng
về chuyện “chài lưới”, bằng một ẩn dụ, con mắt thi sĩ của Đỗ Trung Lai đã thấy
những hạt nước rơi từ lưới chiếc vó bè như
những chùm sao lung linh:
Tiếng một con tôm búng nước
Vó bè ai cất sau lưng
Sao trời lọt qua mắt lưới
Rơi đầy xuống cả mặt sông
Để
thực hiện sự lạ hóa, trong con mắt các thi sĩ, tất cả mọi sự vật đều có một
cuộc sống, tất cả đều bình đẳng, đều có một tâm hồn, một tính cách. Cảnh những
con tầu ở cảng dường như đã quá quen thuộc, người ta chụp ảnh, vẽ tranh nhiều
rồi. Nhưng chỉ bằng vài chữ thôi, với một nhân cách hóa, Thanh Thảo đã vẽ nên
một bức tranh thật thơ mộng, thật sống động:
Dăm bảy con tàu gối bến ngủ lơ mơ
Cũng
bằng một nhân cách hóa, Phan Quế lại thấy ngọn gió bấc cũng đầy ấn tượng :
Ngọn bấc qua đông còn quặn lại
Sương lạnh đầm đìa mặt cỏ
giêng hai
Phùng
Khắc Bắc, một tác giả có những bài thơ đầy tâm trạng, đầy tài năng, tưởng như chính
con người anh phải chết đi, đứa con tinh thần mới được xuất hiện. Anh có những
câu thơ, hình ảnh thơ, ý tứ thơ, rất khác lạ, như xoáy vào tâm não người ta:
Con số tám là vòng tròn vặn
mình
Giống như người đang quay
ngoái lại
Lưu
Quang Vũ, một số phận tài hoa mệnh bạc khác, cũng có những câu thơ có độ “khác
lạ” tương đương như thế:
Tóc em dài như một ngày mỏi
mệt
Đến bất ngờ hóa nắng giữa
lòng đau
Có những sự khác lạ độc đáo được được tạo ra
một cách rất tự nhiên từ những cảnh vật, sự việc rất bình thường, tưởng như
không khó khăn gì cả, nhưng có khi cả đời người viết không lặp lại được. Chính
Hữu, dù ông có thể còn nhiều câu thơ hay khác nữa, nhưng không thể có câu nào
mà vừa hay vừa giản dị như câu này:
Đầu
súng trăng treo
Nhà
thơ Vĩnh Mai cũng có hai câu thơ giản dị mà gây được xúc động tương tự :
Mùa
thu dừng lại ở Long Biên
Để
một mình tôi lên Vĩnh Yên
Mùa
thu là một khái niệm chỉ thời gian, tất phải bao trùm cả không gian, nhưng Vĩnh
Mai lại thấy nó “dừng lại” ở một địa chỉ cụ thể, cứ như một người bạn tiễn đưa
nhau vậy! Cũng như thế, lẽ ra một con sông chỉ có thể “nghiêng nghiêng” khi
chảy qua một vách núi, lượn theo một triền đồi, nhưng Hoàng Cầm lại thấy con
sông của mình “nghiêng nghiêng” tận trong cuộc kháng chiến cơ:
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong
kháng chiến trường kỳ
Tương
tự, Nguyễn Duy cũng có một giác quan người thường không có. Anh không nhìn mà
“nghe” thấy sợi tóc đang bạc :
Có người ngủ thế thành quen
Đã nghe sợi tóc bạc trên tay mình
Còn
Nguyễn Khoa Điềm, khi người ta chỉ có thể thấy tư thế ngủ nghiêng trong cuộc
đời thực, riêng ông còn thấy có một “giấc ngủ nghiêng” nữa:
Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ
em nghiêng
Và
Hữu Thỉnh, khi quàng vai bạn mình, ông còn chạm được cả vào một cái vô hình, cái
mà chỉ có một tâm hồn thi sĩ thật nhạy cảm mới có thể cảm nhận được:
Quàng vai bạn vô tình ta
chạm phải
Cái cựa mình tin cậy của
rừng đêm
Có
một thời, tôi thấy các thi sĩ có quan tâm đến cách viết nhưng dường như chưa coi
trọng đúng mức, thường chú ý nhiều hơn đến nội dung phản ánh, mà lẽ ra phải coi
như nhau mới đúng. Chính vậy, đã có nhiều bài thơ có một nội dung tốt nhưng rất
ít quyến rũ. Mà như nhiều người nói, tính chất quan trọng nhất của thơ ca chính
là cái khả năng quyến rũ ấy. Một nội dung phải được thể hiện bằng những ngôn
ngữ sao đó, nếu không, nó rất ít tác dụng. Bởi chỉ để phản ánh một chuyện nào
đó thôi, có rất nhiều loại hình khác làm tốt hơn thơ ca nhiều. Ngược lại điều
trên, cũng có nhiều thi sĩ, nhất là các bạn trẻ, lại coi trọng cách viết nhiều
hơn nội dung thể hiện. Điều này cũng sai. Văn chương nói chung, thơ ca nói
riêng không bao giờ không gắn bó với cuộc sống. Brodsky từng thể hiện quan niệm
của mình khi được hỏi về sự khác nhau giữa thơ Mỹ và thơ châu Âu: “Thơ Mỹ là
một nền thơ có trách nhiệm… thơ nhằm lý giải sự đau ốm của con người nhà thơ và
của xã hội mình”. Còn Marquez, khi còn trẻ mới tốt nghiệp đại học, cũng là một
người sính hình thức. Ông đã sáng tác rập khuôn theo bao kiểu đã học trong
trường, nhưng rồi đã nhận ngay ra rằng, tri thức chỉ là công cụ, ông chỉ có thể
sáng tạo ra được những tác phẩm đích thực khi biết sử dụng cái công cụ ấy khám
phá, tái hiện những diện mạo mới của cuộc sống… Vì vậy, ai đó nếu không chú ý
nâng cao vốn sống, tìm kiếm những chất liệu sáng tạo, sẽ chỉ tạo ra được những
tác phẩm màu mè, hoa hoè hoa sói, môi mép đỏm dáng mà thôi. Nhưng sự phân biệt
cái độc đáo và cái uốn éo này, không phải ai cũng làm được.
Bình
Thạnh
7 -3
- 2000