Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

NHÂN CHUYỆN "VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP" BÀN VỀ CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI


Tôi vốn là một cán bộ nghiên cứu khoa học tất phải hiểu sáng tác luôn hàm nghĩa đổi mới. Đổi mới là một thuộc tính của sáng tác. Nên tất cả các sáng tác văn, thơ và phê bình của tôi, tôi hoàn toàn hoàn tự tin chỉ ra được những cái mới. Còn trong thực tế, tôi thấy có người nói rất nhiều về đổi mới văn chương, nhưng đi đâu, làm cụ thể thế nào thì họ không biết. Còn có những người biết và có các tác phẩm cụ thể thì thực chất không phải đổi mới mà là sự lộn ngược. Và sâu xa hơn, phía sau sự đổi mới văn chương là tham vọng quấy rối, lật đổ chính trị. Việc kêu gọi thành lập văn đoàn độc lập là bước tiếp theo của các cuộc biểu tình, việc lập viện IDS, việc lật pháp, việc lập diễn đàn xã hội dân sự, v.v…
Trong danh sách Ban vận động thành lập văn đoàn độc lập, ngay sau cái tên Nguyên Ngọc đứng đầu là tên Bùi Chát, thành viên của nhóm thơ Mở miệng. Cả những người sáng tác lẫn những người bênh vực tung hô loại văn chương lập dị, lộn ngược của nhóm này, họ hay đưa những lý luận nước ngoài để lòe thiên hạ. Chủ nghĩa Hậu Hiện đại chính là cái mà họ dựa vào. Chính vậy từ 2006 tôi đã viết bài viết dưới đây để cho thiên hạ hiểu thực chất lý luận văn học nghệ thuật là như thế nào. Để mọi người thấy rằng có những nhóm sáng tác văn chương y như những nhóm biệt kích. Và những người tung hô thực chất là lực lượng chống đối.
Tôi đã viết trong cuốn Bóng tối của ánh sáng: “Chủ nghĩa Hậu hiện đại cũng như mọi trào lưu đã xuất hiện khác đều có phần có lý. Tư tưởng chống giáo điều, chống khuôn mẫu xơ cứng, áp đặt; đấu tranh cho bình đẳng, dân chủ, vai trò cá nhân; phá vỡ những quy phạm nghệ thuật mòn cũ… là những mặt tốt”.
Tôi cũng đã viết, trong thực tế, phát minh vĩ đại nhất của khoa học lại mang tinh thần Hậu Hiện đại, một phát minh của người bên lề, đó là Thuyết Tương đối của Einstein. Khi phát minh, Einstein chỉ là một nhân viên hạng 3 ở phòng cấp bằng sáng chế. Bill Gate, anh chàng “lông bông” bỏ học đại học, cũng là người tự do, lại tạo ra được một vương quốc Microft vĩ đại. Và phải chăng chuyện viết lách của chính tôi đây cũng theo tinh thần Hậu hiện đại, bởi tôi cũng là một người bên lề.
Trong tự nhiên, trong một hệ kín, sự tăng độ hỗn loạn (với khái niệm entropy), dẫn đến sự đổ vỡ cái cũ là một quy luật khách quan. Một thể chế cũng có thể coi là một hệ kín. Nếu không mở để tiếp năng lượng của nền dân chủ, cũng sẽ bị thoái hóa.
Vì vậy nếu coi Chủ nghia hậu hiện đại như là phần bổ sung, sự đóng góp của hệ thống ngoài trung tâm, sẽ rất tốt cho sự phát triển.
Nhưng ở nước ta, không chỉ chủ nghĩa Hậu hiện đại mà còn nhiều chủ nghĩa khác đã từng được các nhà vọng ngoại mê tín, cuồng tín, họ chiết ra cái phần kỳ quái, phản đạo lý, phản thẩm mỹ để làm cơ sở lý luận cho sáng tác của họ, nhằm chống lại nền văn học chính thống. Nền văn học mà họ cho là “đi đều bước”, “ăn chắc mặc bền”, “như cái ống bơ”, “văn chương tuyên truyền”, “văn nô”, v.v… Và mục đích cuối cùng là lật đổ chế độ này, với cái cái ảo tưởng nước ta sẽ thành Mỹ, thành Nhật, thành Đức, thành Bắc Âu. Nhưng toàn bọn tôi cao, trí thấp, tâm tối thì đó chỉ là việc xây lâu đài trên cát mà thôi! Dù rằng thực tế xã hội Việt Nam cũng có rất nhiều cái cấp thiết phải sửa chữa, thay đổi!


 CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI
VÀ ẢNH HƯỞNG Ở NƯỚC TA

Chủ nghĩa Hậu hiện đại là vấn đề không mới nhưng nó vẫn ảnh hưởng và còn đang là “mốt” đối với một nhóm nhỏ văn nghệ sĩ ở ta. Viết về nó là khó, không phải vì cao siêu mà vì nó không thống nhất; tinh thần chung là muốn vượt qua giới hạn của chủ nghĩa hiện đại, nhưng “hiện đại” lại là một khái niệm đa nghĩa.
Về mặt nghệ thuật, nó nối tiếp tinh thần của những trào lưu tiền phong thuộc chủ nghĩa hiện đại cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; về tư tưởng nó chống lại tinh thần hiện đại của chủ nghĩa duy lý Cận đại, học thuyết Khai sáng. Riêng về mặt triết học, nó thuộc loại “phản triết học” bởi nó không tin vào khả năng của triết học với tư cách sự thống nhất lý luận và thế giới quan.

Nhìn lại hơn thế kỷ qua, khi khoa học phát triển đã kéo theo sự thay đổi trong nghệ thuật. Với chủ nghĩa hiện thực, tiêu chuẩn “giống thật” là chủ soái. Từ khi phát minh ra máy ảnh, người ta cho rằng việc vẽ giống thật chỉ là sự sao chép tầm thường vì không diễn đạt được sự vận động biến đổi của tình cảm và tâm trạng. Chủ nghĩa Ấn tượng ra đời. Các hoạ sĩ cho rằng phải vẽ ngoài trời mới thu giữ được những khoảnh khắc thoáng hiện của hiện thực sống động. Monet, ông tổ của hội họa ấn tượng, khi vẽ nhà thờ Rouen, đã chú trọng thể hiện sự khác nhau của hiệu ứng quang học do sự chiếu sáng khác nhau mà không quan tâm lắm đến đường nét. Nhưng rồi nó lại bị chê bai. Picasso nói: “Làm sao cái chốc lát đổi thay chập chờn bên ngoài sự vật lại có thể là sự thật duy nhất mà người nghệ sĩ một đời theo đuổi. Và, chủ nghĩa Lập thể hình thành. Với ý muốn thể hiện được “cái bên trong” và cái “nhiều mặt” của sự vật, với một ngôn ngữ hội họa là những hình khối, những mặt phẳng, trong một không gian ba chiều. Rồi đến lượt chủ nghĩa Lập thể cũng lại bị chê. Rằng, đã coi thường hình thể hài hoà của tự nhiên, biến tất cả thành những sơ đồ hình học thô kệch… Khi khoa học đưa ra những công thức, liên kết những ký hiệu theo cái “ngữ pháp” của toán học, có thể diễn tả được những quy luật của tự nhiên, thì chủ nghĩa tượng trưng bên nghệ thuật cũng coi mầu sắc, ngôn ngữ là ký hiệu để biểu đạt, biểu cảm. Van Gogh dùng những tương phản mầu hồng dịu với mầu đỏ máu, mầu xanh dịu với mầu xanh gắt để tả một bầu không khí ngột ngạt, một nơi ăn chơi trác táng. Baudelaire cho thiên nhiên như một khu rừng biểu tượng, mầu sắc, âm thanh, hương vị đều có một sự tương giao.
Đầu thế kỷ XX, dựa vào những phát minh và đặc biệt là cơ học lượng tử cho thấy trong thế giới vi mô định luật ngẫu nhiên có tính quyết định đã ảnh hưởng tới nghệ thuật. Có một chủ nghĩa mà tính “phá phách” của nó có lẽ được xếp đầu bảng, đó chính là chủ nghĩa Đađa. Nghệ thuật của Đađa chính là nghệ thuật của sự phá vỡ cái cũ; nghệ thuật chống lại trật tự tự nhiên để tạo ra một trật tự mới, trật tự của những cái phi lý. Theo Arp: “Định luật của cái ngẫu nhiên là định luật bao trùm lên tất cả mọi định luật”. Duchamp coi thường sự sáng tác mang tính sao chép sự vật: “Điều tôi quan tâm là những ý tưởng, chứ không chỉ có những vật thể nhìn bằng mắt thường”. Chủ nghĩa Siêu thực thoát thai từ chủ nghĩa Đađa đã trở thành một trào lưu lớn ảnh hưởng sâu rộng và dài lâu trong các lĩnh vực nghệ thuật. Trong Tuyên ngôn siêu thực Breton cho “hình ảnh siêu thực” chính là sản phẩm trùng hợp giữa hai thực tế khác nhau, một thực tế có thực và một thực tế có trong tiềm thức. Nó không phải được tạo ra do lý trí mà do một tia sáng, một động lực siêu thực. Theo ông, hình ảnh gợi cảm nhất là hình ảnh cực kỳ phi lý, phải thật khó giải thích theo ngôn ngữ thông thường… Bài Tự do kết hợp của A. Breton như một sự hiện thực hóa cái tuyên ngôn siêu thực trên, gồm một loạt hình ảnh xuất hiện tự do, kết hợp ngẫu nhiên, hoàn toàn vô nghĩa nếu theo hệ quy chiếu của thơ hiện thực. Nhưng đến lượt chủ nghĩa Siêu thực cũng lại bị chê bởi một trong những chủ soái của một chủ nghĩa khác: chủ nghĩa Hiện sinh, Camus viết: “Thật là một cuộc nổi loạn thực sự… Sự phủ nhận của nó với mọi cái là rõ nét, sắc bén và đầy tính khiêu khích…”.
Thế kỷ XX là thế kỷ của những sự kiện vĩ đại. Nhưng rồi sự phát minh ra Big Bang lại đặt ra cho các nhà vật lý bài toán về điểm 0 của thời gian, cái trạng thái kỳ dị cần phải có một phương trình tối hậu thống nhất được các lực vật lý, nhưng đến nay vẫn là giới hạn của nhận thức. Cạnh đó, sự đổ vỡ của những thể chế quan liêu giáo điều, sự nổi giận của thiên nhiên chống lại sự cải tạo của con người, chạy đua chiến tranh, phân biệt chủng tộc, mất bình đẳng giới, chênh lệch giàu nghèo… cùng với sự phát minh ra lý thuyết hỗn độn, hiệu ứng cánh bướm, hình học fractal, những hệ phi tuyến… là những cơ sở sâu xa để tinh thần hậu hiện đại xuất hiện.       
Theo Lyotard, chúng ta đang sống trong thời hậu hiện đại, thời mà tất cả những lý thuyết có từ thời Ánh sáng đều đã bị đổ vỡ. Theo ông, tinh thần hậu hiện đại sinh ra là để chống lại sự độc tài của các chủ thuyết mà ông gọi là các siêu văn bản (métarécit); cho không có một thứ nguyên lý nào phổ quát cho tất cả; chống lại quan niệm rằng trật tự và ổn định là luôn luôn tốt và coi sự hỗn loạn, bất ổn là luôn luôn xấu.
Đối với hậu hiện đại, mọi sự thật vĩnh hằng sẽ biến mất, thay vào đó là những biểu hiện của những hiện tượng không bản chất. Thời hậu hiện đại là thời của sự lựa chọn không ngừng, nó là hệ quả của sự bùng nổ thông tin. Đó là một thời không phải chỉ thuộc về những người giàu có mà mỗi người đàn ông đều trở thành một công dân thế giới và mỗi người đàn bà là một cá nhân được giải phóng. Để chống lại siêu văn bản (chủ thuyết lớn), hậu hiện đại phát huy tính chất đa dạng, coi trọng vai trò cá nhân, các nhóm, coi trọng các lý thuyết nhỏ, những tiểu văn bản (petits récits). Những tiểu văn bản của hậu hiện đại thường có cách nhìn tạm thời, ngẫu nhiên, không khái quát tính thống nhất, tính ổn định, tính hợp lý hay sự thật khách quan. Trong đó tất cả mọi ý kiến đều có quyền hiện diện, kể cả sự bất đồng và nói sai (paralogie). Khoa học hậu hiện đại nghiên cứu những bấp bênh, vô thường của đời sống. Lyotard viết: "Nói một cách giản dị nhất, người ta coi "postmoderne" là sự không tin vào những lý thuyết lớn, siêu văn bản (métarécits) (ý nói những chủ nghĩa).
          Trong lĩnh vực nghệ thuật, các kiến trúc sư đã đi tiên phong. Venturi phê bình lối kiến trúc đơn điệu cộc lốc của các cao ốc mang nặng tính thực dụng về mặt bằng mà lại bỏ quên tính đa dạng. Năm 1972, những khối nhà cao tầng do Yamasaki thiết kế từng đoạt giải kiến trúc Pruitt-Igoe tại Mỹ bị giật sập. Những nghệ sỹ hậu hiện đại chối bỏ những tiêu chí chung về cái đẹp của chủ nghĩa hiện đại. Những nhà hiện đại đòi hỏi nghệ thuật trở nên tiên nghiệm và siêu việt. Trái lại, những nghệ sỹ hậu hiện đại lại muốn nghệ thuật gắn liền với hoàn cảnh xã hội đặc trưng cụ thể, mang tính thời sự. Họ cũng vất bỏ tính quý phái, hàn lâm, tính avant garde của các nhà hiện đại, bởi sự phát triển mạnh của tính công khai và công cộng. Edit Deak tuyên bố: “Nghệ thuật hậu hiện đại sản sinh ra những cú shock của nhận thức chứ không phải những cú shock của cái mới”.
Các họa sỹ đã thể hiện tinh thần hậu hiện đại bằng sự châm biếm mỉa mai một cách ngang bướng, bởi họ thấy thân phận của con người thật giản đơn và đáng cười. Họ cũng đã cắt đứt với nghệ thuật tiền phong nên sẵn sàng thử bất cứ điều gì: sự phi lý, sự phạm thánh, sự hỗn loạn, sự ngớ ngẩn, và sự cố chấp. Cái phản chất lượng được lên ngôi bởi sự khác thường, sự tự do, và sự phá vỡ khuôn khổ. Tác phẩm hiện diện như là một tổng thể của sự rối loạn, phi trật tự và vô chính phủ. Có người tuyên bố thích sự lai tạp hơn là thuần khiết, sự bóp méo hơn là tròn trịa. Tính nước đôi mơ hồ hơn là sự rõ ràng.
Sự ngang bướng cũng tốt như sự vô cá tính, buồn chán cũng tốt như phấn hứng, nguyên sơ tốt hơn là được thiết kế, sự kết hợp hơn là loại trừ, sự phức tạp hơn là giản dị, dấu tích cổ cũng tốt như sự cách tân, sự tương phản và lập lờ hơn là trực tiếp và rõ ràng. Nhiều họa sĩ đã khước từ loại nghệ thuật object (vật thể) mà thay vào đó loại nghệ thuật process (quá trình) không kết thúc trong sản phẩm. Sử dụng những chất liệu không bền vững hoặc hoàn toàn phi chất liệu (body art). Từ chối việc làm nghệ thuật theo cách truyền thống, họ săn tìm những chuyển động mới. Nghệ thuật của họ phi quy ước, phi trung tâm.
Phê bình gia văn chương Ihab Hassan đã đưa ra danh sách của những tính chất đối nghịch giữa Hiện đại - Hậu hiện đại: Hình thức (đóng) - Phi hình thức (mở); Được thiết kế -Tình cờ; Tác phẩm như đích cuối - Tác phẩm như hành trình, trình diễn, happening; Sáng tạo - Giải sáng tạo; Tập trung - Rải rác; Lọc thải - Lai tạp.
Barry Lewis, trong một bài viết rất cụ thể, bao gồm ý của ông và ý của nhiều người, đã vẽ lên bức tranh khá sinh động và cụ thể về văn chương hậu hiện đại, cho nó không nhất quán vì thể hiện rất khác nhau nên khó đưa ra một lý thuyết mạch lạc để phân tích, nhưng vẫn có thể chỉ ra được những nét đặc trưng. Trong đó, hầu như mọi sự việc và con người đều bị bóp méo; tính trung thực và lành mạnh bị phế bỏ; nhân vật tùy tiện không thể giải thích nổi vì chính tác phẩm cũng tồn tại như một ẩn dụ về sự phá vỡ trật tự.
Trước hết là phá vỡ trật tự thời gian: chủ nghĩa hậu hiện đại đã làm méo mó lịch sử một cách có ý thức phản tỉnh, hư cấu những văn bản về những biến cố nổi tiếng, sự sái niên đại, hay việc hòa lẫn lịch sử và giả tưởng, làm sai lệch cả hiện tại. Sự nhại phỏng (pastiche): một loại hoán vị, xáo trộn những kiểu viết cũ. Các nhà văn cho rằng không còn có thể đưa ra được những cách viết mới, chỉ có thể thực hiện được một số kết hợp từ sự lượm lặt những văn phong đang hiện hữu trong lịch sử văn chương. Mục đích của lối lai tạp này có tính giật gân hơn là nhại văn để giễu cợt. Phá vỡ cấu trúc: nhà văn hậu hiện đại gắng hết sức đập nát bốn yếu tố của tiểu thuyết là cốt chuyện, nhân vật, cảnh trí và đề tài, cốt chuyện bị nghiền nhỏ thành những biến cố và hoàn cảnh, nhân vật bị phân tán thành một bó của những khát vọng, cảnh trí chỉ mô tả sơ sài.
          Họ không thích sự liền mạch và kết thúc trong truyện thuyền thống, mà ưa chuộng phương thức đa kết, bằng cách ban cho một cốt chuyện rất nhiều hệ quả có thể có được. Tác giả có thể trực tiếp nói chuyện với độc giả, còn tự bước vào truyện như một nhân vật. Vài tác giả còn phá vỡ kết cấu văn bản, trong những khoảng trống, nhà văn ghép vào những trích dẫn, hình ảnh, biểu đồ, đồ thị, bản thiết kế… hoàn toàn không quan hệ gì đến câu chuyện. Có bản văn có màu khác nhau, chữ in đậm, in nghiêng, kiểu chữ Gothic, chữ viết tay, dấu ký âm, dấu nhấn giọng, và cả những thứ linh tinh những cột, những chú thích chen chúc bên cạnh những vết bẩn tách cà phê, dấu hoa thị…
Tính hỗn độn: nhà văn hậu hiện đại sử dụng để phá vỡ cách tạo dựng và tiếp nhận suông sẻ văn bản, họ đem yếu tố ngẫu nhiên vào tác phẩm. Cuốn The Unfortunates (1969) của B.S. Johnson, là một hộp-tiểu-thuyết không đóng gáy, những phần của tác phẩm có thể được xáo trộn tự do. Có tác phẩm được sắp xếp đơn thuần bởi trật tự ngẫu nhiên, có khi là sự bừa bãi của bản thảo trong căn phòng. Có những cuốn dùng phương pháp cắt-vụn của họa sĩ Tristan Tzara, gồm việc cắt rời những câu văn trong một số văn bản, xáo trộn lên, rồi xếp những mảnh giấy vụn đó theo thứ tự ngẫu nhiên.
Một kiểu tạo ngẫu nhiên khác là gấp đôi một trang văn, rồi ghép khít với một nửa của một trang khác. Sự hoang tưởng (paranoia): dạng tâm trạng đầy sợ hãi và ngờ vực của thời Chiến Tranh Lạnh. Những nhân vật chính trong văn chương hậu hiện đại, theo Tony Tanner, luôn có một "niềm kinh hãi rằng có ai đó đang vẽ kiểu cho cuộc sống của mình”; thấy xã hội có âm mưu chống lại cá nhân. Vicious circles: nghĩa đen là vòng luẩn quẩn để chỉ cái đặc tính “đi tắt” trong văn chương hậu hiện đại, khi ranh giới giữa cái nội tại của văn bản và thế giới ngoại tại bị xóa nhòa, những chỗ “đoản mạch” khi tác giả bước vào trong văn bản và những tình thế những nhân vật lịch sử có thật xuất hiện trong những tác phẩm hư cấu.
Các nhà phê bình cho rằng, tất cả những sự khác thường đó của bút pháp hậu hiện đại, cái triệu chứng rối loạn ngôn từ, là do trong sự rạn nứt của xã hội tư bản, chúng chính là biểu hiện, theo Lyotard: “Hiện nay chúng ta đang ở trong một hình thức mới của bệnh thần kinh phân liệt".
Chủ nghĩa Hậu hiện đại cũng như mọi trào lưu đã xuất hiện khác đều có phần có lý. Tư tưởng chống giáo điều, chống khuôn mẫu xơ cứng, áp đặt; đấu tranh cho bình đẳng, dân chủ, vai trò cá nhân; phá vỡ những quy phạm nghệ thuật mòn cũ… là những mặt tốt. Nhưng ở ta, tiếp thu nó với ý thức mê muội, nô lệ, đề cao một cách phi lý, áp dụng một cách cực đoan thì khó mà được ủng hộ rộng rãi. Về mặt tư tưởng, sự cực đoan theo tinh thần hậu hiện đại sẽ dẫn đến sự hỗn loạn vô chính phủ.
Ngay Lyotard, nhà tư tưởng đã xây những tầng nền đầu tiên cho trào lưu hậu hiện đại, cũng rất cực đoan khi cho tất cả các lý thuyết đã có đều đổ vỡ, bởi trong thực tế chả có lý thuyết nào đổ vỡ hoàn toàn cả mà chúng chỉ chưa hoàn chỉnh, chúng đều góp phần như những viên gạch lát con đường tiệm cận đến chân lý; còn nếu tất cả là sai và đổ vỡ thì thế giới không thể có nền văn minh hôm nay. Trong văn chương nghệ thuật, sự cực đoan của chủ nghĩa hậu hiện đại sẽ biến nó thành trò chơi lập dị, vô nghĩa.
Một số nhà phê bình người Việt ở hải ngoại đã tuyên truyền hậu hiện đại một cách phi lý: “Cuộc đấu tranh lớn nhất của giới cầm bút Tây phương trong khoảng gần một nửa thế kỷ vừa qua chính là để thoát ra khỏi bóng ma của tham vọng thể hiện cái tôi và tái hiện hiện thực”. “Cái tôi và hiện thực” là toàn bộ cuộc sống loài người, văn chương không thể hiện nó thì thể hiện hư không chăng? Rồi: “Chỉ còn lại hai mối quan hệ chính: quan hệ giữa tác phẩm văn học với chính nó và quan hệ giữa tác phẩm văn học này và những tác phẩm văn học khác”. Có lẽ nên viết cần cắt đứt mọi áp đặt chủ quan lên văn chương thì đúng hơn, còn viết như trên khác gì cho tác phẩm có thể tự sinh ra rồi tự thưởng thức nhau! Có người khi đề cao hậu hiện đại đã rất cao ngạo khi nhìn văn chương trong nước, nhưng chỉ bằng con mắt thô thiển nông cạn: “Mọi người cầm bút dường như có một cái khuôn chung được đúc sẵn… người ta chỉ làm mỗi một công việc đơn giản là "rót" câu chuyện của mình vào”.
Giống như ca nhạc, mỗi loại nhạc đều có nét hay riêng nếu nhạc sĩ làm ra nó có tài và ca sĩ hát nó hay. Văn chương hậu hiện đại cũng vậy, nếu nhà văn có tài cũng có thể viết hay. Nhưng hình thức nghệ thuật luôn chỉ là cái vỏ, cái tạm thời, nay là mới mai đã là cũ rồi. Chỉ có sự độc đáo và sâu sắc là những cái bất biến, là những thuộc tính vĩnh cửu làm nên giá trị đích thực của văn chương. Sự độc đáo thuộc về tài văn, sự sâu sắc thuộc về trí tuệ của mỗi tác giả. Bản chất muôn đời của văn chương mãi mãi phản ánh tinh thần và cuộc sống con người, không cần đến sự đổ khuôn của các chủ nghĩa cực đoan nó cũng luôn biến đổi, bởi tinh thần và cuộc sống của con người luôn biến đổi.
Tinh thần hậu hiện đại đã và đang phảng phất đâu đó trong văn chương Việt Nam cũng là lẽ thường tình, nhưng không có tài, không hiểu biết đến nơi đến chốn mà mê muội bắt chước, thì chỉ làm ra được những bản sao tồi mà thôi. Cũng đã có những nhóm cực đoan đúng là đã làm ra được văn chương hậu hiện đại thứ thiệt nhưng tiếc là chỉ mới ở dạng thấp nhất của nó. Ví dụ như tính phản kháng, phản kháng cao cấp tức là phải có khả năng phân tích sự yếu kém của cái cũ và đưa ra được cái mới tốt hơn thay thế, còn chỉ chống đối suông thì quá đơn giản. Có người đã mạnh miệng tuyên bố chúng tôi viết thế là để chống đối đấy.
Có điều, sự chống đối đó không phải là phẩm chất cao quý để vượt qua chủ nghĩa hiện đại mà chỉ đơn giản là “quậy”, cái thái độ không cần đến nghệ sĩ mà những kẻ bất hảo vô học còn làm tốt hơn. Có quá nhiều sự thô bỉ, bẩn thỉu, nhầy nhụa và hằn học, thậm chí lưu manh, trong văn chương “hậu hiện đại” này. Trong văn chương có hỗn loạn, thô tục, bẩn thỉu, bởi cuộc sống có phần như thế, nhưng coi chúng là “đặc trưng”, là “thi pháp” thì đã phi lý, phi mỹ, phi luân và cuối cùng là phi nhân hóa những đặc tính của văn chương.
Bởi đã là con người bình thường ai cũng biết phân biệt tốt với xấu, sạch sẽ với bẩn thỉu, lịch sự với thô tục… người ta chỉ để thùng rác chỗ khuất lấp chứ có ai lại trưng ra trong phòng khách, mà văn chương như phòng khách của tinh thần, không thể quăng bừa rác, uế tạp và thô bỉ lên đó được. Đã có những nhà phê bình, những trang web mang danh ở xã hội hậu hiện đại văn minh đề cao loại văn chương đó, cố công độc đáo hóa cái lập dị, nghiêm túc hóa cái bông phèng, sâu sắc hóa cái vô nghĩa, cao siêu hóa cái tầm thường, và cuối cùng là nhân bản hóa cái phi nhân tính, bởi đã kỳ công đi phân tích mùi thơm của thối rữa, tô vẽ màu sắc cho rác rưởi; cả hai, cả sự sáng tạo và thẩm định, hoàn toàn có thể nói thực chất chỉ là sự xả rác trí tuệ mà thôi[1]*.
________________________________
[1]* Bài viết có tham khảo:
1-    Art of the Post Modern Era của Irving Salder (Như Huy dịch). Xin xem trên trang: http://huybeo.blogspot.com/2010/12/ly-thuyet-nghe-thuat-hau-hien-ai-(từ 1-11).html).
2-  Barry Lewis: Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn chương (Hoàng Ngọc Tuấn dịch). Xin xem trên : http://www.tienve.org/.
3- Thụy Khuê: Hậu Hiện đại - Thực chất và ảo tượng. Xin xem trên: http://thuykhue.free.fr/stt/h/HHD.html.

PHỤ BẢN:
Cung cấp thêm ý kiến về và dẫn chứng “tác phẩm” của thơ Hậu hiện đại để các bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề:
 Inrasara viết về “thực tiễn sáng tác” Hậu hiện đại của người Việt: (http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=7298&LOAIID=33&LOAIREF=1&TGID=730 ):
có nhóm thơ hay các cá nhân nhà thơ tự/ bị đặt mình vào tư thế của kẻ sáng tác ngoài lề, thế đối trọng với các quan điểm được thừa nhận của người cùng thời, cách quyết liệt. Như là định mệnh của người nghệ sĩ hậu hiện đại. Họ là Phan Bá Thọ, Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Đăng Thường, Đỗ Kh, Nguyễn Hoàng Nam, Khế Iêm,…
 Ngôn ngữ thơ Đinh Linh ở “Thơ song nghĩa” là ngôn ngữ trắng, trần, truồng, thứ ngôn ngữ đã được lột bỏ mọi lớp áo ẩn dụ hay biện pháp tu từ, giải trừ mọi mượt mà, ẻo lả, truyền cảm…
Đấy là ngôn ngữ đời thường,… thi sĩ hậu hiện đại xử sự bình đẳng với chúng. Vú là vú là vú… Tại sao trong khi thơ “đầy tóc, môi và mắt”, đầy bàn tay, bờ vai,… còn vú lại phải xuất hiện sau tấm voan “đôi gò bồng đảo”? Nó cần được bình đẳng, bình đẳng cả lối phát âm địa phương bị cho là ngọng với lối phát chuẩn… Bùi Chát đẩy sự thể tới tận mút của lối nói “ngọng”:
          Tôi lém lước bọt nên tường
tôi yêu những người đàn bà đang nà chuột jưới                  
                                                         cống
tôi thấy em mặc cuần nót mười ngàn ba cái mua                    
                                                      ở vỉa hè
xách không nàm tôi tốt hơn                   
mỗi khi chủ nhật
tôi nhìn tôi bay chên chời
tôi hành hạ tôi ba bữa
tôi đâm ja
tôi cêu đòi chữ ngĩa…
cái đặc trưng nhất của lối viết hư cấu hậu hiện đại là sự phá vỡ trật tự thời gian, sự phân mảnh, tính lỏng lẻo trong liên kết ý tưởng, sự sáng tạo những cặp vòng tương tác,… thể hiện trong sự rối loạn ngôn từ của kẻ mang chứng bệnh thần kinh phân liệt (schizophrenia)… Phan Bá Thọ… đẩy đến tận cùng của rối loạn: cái rối loạn chỉ có thể hiện hữu trong sáng tác hậu hiện đại:

hemingway & bướm - nguyễn & xe tăng
          ông ấy là một người [Mĩ] trầm lặng - ai cũng bảo vậy - với 60 % tính trầm tĩnh + 30 % tư chất của những con người thông minh linh lợi từng đoạt chức quán quân trong cuộc bơi xuyên đại dương [từ vịnh con heo đến vịnh bắc bộ] chỉ mất 2 giây 10 %, bơi theo thể thức telephone internet card về thứ 2 trong cuộc đua năm ấy: phan khôi, mất quãng thời gian [tính từ tình già đến lúc tình thôi xót xa] vị chi 80 năm chẵn lẻ
 lại nói về Ernest Hemingway, sau khi cắm cờ trên nóc hầm đờ cát thì được tưởng thưởng & tung hô vinh hiển đủ thứ, được về hà nội ăn phở, nghe hẹn hò & bên cầu biên giới, được phạm duy dắt đi hút thuốc phiện & hát ả đào 2 tháng miễn phí đến sình cả bụng, lại được mang họ mới [nguyễn ernest hemingway] & kết nạp vào hội viên hội nhà văn việt nam [sướng nhé]... vì Ernest chưa hoàn tất cuộc tẩy trần để trở thành nguyễn ernest hemingway chính hiệu nên sau đấy, ông gởi đơn tới tướng nguyễn sơn, xin đầu quân về khu 4, biên chế 50 % ở mặt trận văn nghệ 50 % ở các phòng karaoke máy lạnh hát với nhau. nơi đấy, cứ mỗi 2 chiều một lần ông lại lội ra bãi biển thanh hóa [do đã nhờ kafka hoá trang kỹ lưỡng thành một ông già biển cả hiền từ] vờ, ngồi câu cá thiền định. nhưng cốt chỉ để rình các o du kích mọi nhỏ tắm táp trần truồng cho… monroe… đỡ nhớ.... & Hemingway thì ai cũng biết: đích thị là một người Mĩ trầm lặng. nhưng hắn ta cũng đồng thời lại là một nhà văn việt nam bi bô & láo toét vào loại bậc nhất”,  
  “…nếu Jesus không hỏi: trong các người ai chưa từng Đụ thì hãy ném vào chị ta?! (Sự hổ thẹn của họ đã cứu Magdalena khỏi trận mưa đá). Sao không có sự hổ thẹn nào để trả lại công bằng cho Lồn, Cặc, & Đụ? Khi nhắm mắt lại (đưa tâm về với thân), tôi thấy chúng là tinh tú, những vật linh, có năng lượng của xúc cảm hùng vĩ & hoạt tính thần bí. Lồn là vọng âm của trống, của chuông & của ký ức nguyên thủy [...] Và khi tôi phát âm “Lồn”, tôi nghe rõ tiếng vọng của nó rền vang từ mộ chí lịch sử, từ trong cái từ bi bát ngát của Bụt & từ trong cái bất an kỳ cùng của ký ức” v.v...