Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

VỀ CUỐN “NGÀY VĂN HỌC LÊN NGÔI” (ĐỖ MINH TUẤN, NXB VĂN HỌC, 1997)


      Nhân việc Nguyên Ngọc dùng văn học “chiếm ngôi” tôi lại nhớ đến bài tôi viết về cuốn ngày Văn học lên ngôi của Đỗ Minh Tuấn. Hồi ấy Trần Mạnh Hảo và Đỗ Minh Tuấn viết phê bình như đi vào chỗ không người, và hai ông này cũng choảng nhau. Hai người này đều có khiếu văn chương nên môi mép biến báo ghê gớm. Nhưng họ đều dở là không có tính khoa học, kể cả tri thức khoa học nhất là khoa học tự nhiên. Mà rắc rối chính là ở chỗ tri thức khoa học tự nhiên lại là nền tảng suy ngẫm của triết học, mà triết học lại là nền tảng của phê bình lý luận văn chương. Chính vậy tôi đã thấy hai ông kễnh này sai tùm lum, rỗng, nên đã “uýnh” cả hai.
        Bài này khi xuất hiện đã làm rung rinh cả giới văn chương Bắc Hà khụng khiệng. Tôi đến TC Văn nghệ QĐ, ông Anh Ngọc bảo đang ăn cơm đọc “hay quá rơi cả đũa”, Nhà văn Nam Hà ôm chầm lấy tôi: “Đông La đây à”. Bài viết đã được tặng thưởng về phê bình của TC VNQĐ 1997.
Tôi giữ nguyên chỉ cập nhật đôi chút về lý tuyết dây của vật lý hiện đại và những hiểu biêt mới.

VỀ CUỐN
NGÀY VĂN HỌC LÊN NGÔI
(ĐỖ MINH TUẤN, NXB VĂN HỌC, 1997)

 
(ĐÔNG LA hồi viết bài này)
          Tôi  luôn coi những cuộc tranh luận về học thuật là những cuộc cãi vã sang trọng, hiểu sai hoặc đúng trong  khoa học là bình thường, bởi tri thức thì mênh mông, mà khả năng tiếp nhận của mỗi người rất hạn chế. Ngay những bộ óc thông minh nhất của cả nhân loại cũng chỉ biết những gì mà họ quan tâm. Lịch sử phát triển  khoa học chính là lịch sử của những phát minh không hoàn thiện, lịch sử của những kiểm chứng để thấy ra những cái sai và những giới hạn. Để rồi: Cái không biết sẽ thúc đẩy sự tìm đến cái biết, cái sai thúc đẩy sự tìm đến cái hoàn thiện hơn … Đó là một hành trình vô tận.   
 
          Ngày văn học lên ngôi là một tác phẩm dầy, tác giả có nhiều tham vọng đề cập đến nhiều vấn đề văn học, nghệ thuật, triết học và khoa học, có tính nền tảng. Vì vậy đọc cuốn sách này không dễ. Những người yếu bóng vía, nếu không được trang bị một lượng kiến thức nhất định, rất dễ cho là quá cao siêu, không thể tiếp cận, tất nhiên sẽ dẫn đến chuyện đúng sai thế nào cũng không  biết. Quá trình tìm kiếm những phát minh luôn vô cùng khó khăn, nhưng khi các nhà bác học nói lên những nét chung của những phát minh của họ, diễn giải chúng, thì không phải quá khó khăn cho người tiếp nhận. Huống hồ một tác phẩm phê bình văn học. Chỉ e rằng, vì không có một điều gì mới, nên nói chung, người ta thường tung hỏa mù, tất  sẽ làm cho người đọc khó hiểu. Mà không hiểu thì  đúng hơn, vì không có gì thì sao hiểu ?
          Trong Ngày văn học lên ngôi, tác giả có đúng ở một số điều tất nhiên, những điều thông thường; nhưng lại sai nhiều khi đề cập tới những tri thức cơ bản, dẫn đến nhiều  kết luận không đúng.
          Có lẽ  bài “Văn học cần bảo hiểm cho sự thật lịch sử” có giá trị nhất trong cuốn sách. Nó có giá trị ở ý thức công dân đối với sự nghiệp chung của dân tộc. Nó có ích trong tình trạng có lẻ tẻ môt vài người có cách nhìn lệch về quá khứ. Một đôi chỗ tác giả cũng có những ý kiến đúng tuy không mới: “Trong tư cách nhà khoa học và nghiên cứu lịch sử cần có sáng kiến và thiên kiến cá nhân, nhưng không chấp nhận thành kiến cá nhân. Khi  tranh luận với Nguyễn Hoàng Đức, tác giả cũng đưa ra được một số nhận xét  thú vị: “Nét điển hình cho loại tư duy của các nhà triết học này là sự tư biện rối rắm hóa những điều giản dị, sự hành văn ngúc ngắc luẩn quẩn; rồi: “Đây là dấu hiệu lâm sàng của bệnh ngộ chữ, cuồng chữ, không làm chủ được những tri thức thâu nạp được từ nhiều nguồn và không đủ bản lĩnh trình bày những ý tưởng triết học đích thực mà chỉ bị cuốn theo cái lấp lánh của những khái niệm cao siêu”(tr.109,113). Có điều, không biết anh nhận xét Nguyễn Hoàng Đức có đúng không, vì tôi chưa được đọc,và cũng thường không tin lắm sự nhận xét của anh.
           
VỀ SỰ HIỂU BIẾT SAI LỆCH
         
Mở đầu cuốn sách ,trong bài viết “Cái đẹp - môt nghi án”, tác giả viết: “Trong kinh Vệ Đà  có một hình ảnh thật thông thái…: “Chiều xuống sau cuộc chiến đấu, những đàn bướm muôn màu ngàn sắc đậu lên cả xác những người tử trận và những người chiến thắng đang ngủ “Đàn bướm ở đây là huyền thoại, là cái đẹp, là sứ giả của một thế giới khác - thế giới  ký hiệu ...”. Theo tôi, anh hiểu chưa được sát ý đoạn văn này. Hình ảnh đàn bướm ở trên chỉ có thể gợi ra điều: cuộc sống luôn bình thản trôi, trên cả chính nghĩa phi nghĩa, trên cả đúng sai, trên cả thắng thua, trên cả sống chết. Nó như một lời nhắc nhở: mọi cuộc chiến cuối cùng đều kết thúc và đều có phần phi lý, chỉ có  cuộc sống thanh bình là quý giá thôi. Tất nhiên, ta cũng hiểu đây chỉ là tư tưởng có từ 2000 năm trước CN, chỉ có giá trị như một giáo huấn đạo đức, chứ không thể là một tư tưởng triết học. Tác giả lại tán ra thành “huyền thoại”, thành “cái đẹp”, rồi anh lấy đó làm cơ sở bàn luận một chuỗi về những  cái đẹp tùy tòng, cái đẹp tư do, mỹ học Đông Tây … để cuối cùng anh đưa ra  kết luận không phải mới mẻ gì: “Cái đẹp chân chính không bao giờ là cái Đẹp tự do mà luôn luôn là hình thức biểu hiện của cái Thiện”. M.Gorki  từng nói về điều này từ lâu lắm: “Học thuyết về cái đẹp bao giờ cũng gắn liền với đạo đức học là học thuyết về cái thiện”.
          Có chỗ anh  viết rất ngộ: “Nghệ thuật luôn luôn là vô tư và siêu thực”. Sử dụng thuật ngữ siêu thực như thế là tuỳ tiện. Đặc biệt, anh đã đưa ra khái niệm: vô thức vũ trụ. Có thể anh nói theo một nhà nào đó mà anh cho là triết học hiện đại. Theo cách nhìn của triết học, vũ trụ là đối tượng của vũ trụ học- “ bộ phận vật chất” là đối tượng nghiên cứu của thiên văn, nghĩa là một hệ thống vô sinh. Vô thức là một dạng tâm lý, tâm lý lại chỉ là sản phẩm của hệ thống hữu sinh. Vậy khái niệm vô thức vũ trụ là vô nghĩa. Con người cần sống hòa nhập với thiên nhiên, nhưng không có nghĩa là có một phần tâm lý chung với thiên nhiên, nhất là phần vô sinh. Đất đá cũng có tâm lý sao? Có thể rồi anh sẽ lại biện bác là phải hiểu trên tinh thần văn hóa, hiểu như trên là dung tục. Theo tôi, sự chính xác không thể là dung tục, và tuỳ tiện nói năng trên một nền tảng tri thức lơ mơ không thể là văn hóa. Chắc anh muốn bắt chước Jung đưa ra khái niệm vô thức tập thể sau  vô thức của Freud chăng ?
          Nói đến Descartes là người ta nói đến Nhị nguyên luận, chứ không phải phép Tam đoạn luận như tác giả viết. Tham vọng lớn nhất của tư duy con người, của khoa học là trả lời những câu hỏi: Cái khởi đầu của tồn tại là gì? Vũ trụ hình thành như thế nào? Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta sẽ đi về đâu? Chứ không phải như anh nghĩ: Chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế là tham vọng lớn nhất của suy tư”! Có lẽ anh nên nói là tham vọng của tôn giáo thì đúng hơn, mà trong tôn giáo, nền tảng của tư duy là siêu hình, không chứng minh: Có Thượng Đế như vậy là như vậy, thế thôi!
          Cấu trúc tư duy của tác giả“Ngày văn học lên ngôi” gồm có hai mảng chính, chúng chi phối mọi quan niệm của anh về khoa học, triết học và nghệ thuật: đó là tri thức về Vô thức Nguyên lý bất định.

VỀ VÔ THỨC
          Trong bài “Văn học cần bảo hiểm cho sự thật lịch sử”.  Ở bài này, ngoài cái ưu điểm mà tôi đã nói về tinh thần công dân, anh có một ý tưởng sáng tạo chính. Anh cho là có một “vô thức cộng đồng” “đóng một vai trò quan trọng” làm nên “huyền thoại thời chiến tranh”, “đưa cả dân tộc thăng hoa trong một cuộc chiến dấn thân đầy cao cả”.
          Tất nhiên tôi cũng không phủ nhận có tồn tại một “  thức  tập  thể”. Với K.G.Jung (nhà tâm lý học người Thụy sĩ), không phải tất cả các tư tưởng của ông hoàn toàn đúng, nhưng những quan niệm về vô thức tập thể của ông rất cần được quan tâm. Khi chỉ ra những giới hạn của Freud, ông cho rằng, vô thức không chỉ bao hàm cái chủ quan và cái cá thể đã bị loại khỏi ý thức, mà trước hết chính là cái tâm lý tập thể phi nhân cách bắt nguồn từ thời xa xưa, là cái tương quan giữa bản năng về tâm lý, cái sản phẩm của cấu trúc bền vững của hệ thần kinh trung ương qua các thời đại, những yếu tố tri giác có khả năng thiết định bản thân, mà cơ cở sinh học của chúng, Jung đã dựa trên quy luật di truyền học của E. Hecken về sự lặp lại các đặc điểm chủng loại. Theo ông, biểu hiện của vô thức tập thể thể hiện rõ rệt nhất ở hai thái cực, một là tệ sùng bái thần thánh, nơi nhân cách con người hòa tan vào môi trường của vô thức tập thể, một là sự rối loạn thần kinh do sự thể hiện mạnh của cái Tôi chèn ép vô thức tập thể. Vì vậy, ta có thể nói vô thức tập thể chủ yếu chi phối hành động con người trong các tập tính về tâm linh, những hoạt động theo thói quen tâm lý. Trong khi đó, bước vào cuộc chiến là bước vào máu lửa. Không ai lại tự nhiên mà thích chết, thích lao vào cuộc chiến mà hồn nhiên xả thân cả, vì điều ấy trái với bản năng sinh tồn. Người ta chỉ có thể xả thân với ý thức. Đó là ý thức về trách nhiệm, ý thức về nghĩa vụ... Người ta quý cuộc sống vô cùng mà vẫn xả thân, ý thức được hiểm nguy mà vẫn xả thân. Chính vậy mới  làm nên cái đẹp, cái vĩ đại của người anh hùng. Còn hồn nhiên xả thân như mất trí thì ý nghĩa gì? Sự giáo dục, tuyên truyền cách mạng là tạo nên ý thức cách mạng chứ lại tạo  nên vô thức như Đỗ Minh Tuấn nói chính là nói ngược. Tất nhiên, vô thức cũng được kết đọng từ vô vàn tác động của cuộc sống, nhưng cường độ của nó không thể so được với ý thức, nhưng nó cũng chỉ được kết đọng theo tập tính, góp phần tạo nên diện mạo tính cách. Trong bài viết về thơ Phạm Tiến Duật, cũng vì chưa thực sự hiểu bản chất của vô thức và những  biểu hiện của nó, nên tác giả cũng đã có những nhận xét sai lạc tương tự mà tôi đã nói ở bài trước: “Nhiều người… đã xả thân cho vẻ đẹp của lý tưởng với một niềm hoan lạc khó tả”; rồi: “từng phơi phới hân hoan trong lửa đạn”; rồi “người lính trong thơ Phạm Tiến Duật... nhìn cả vũ trụ qua ống kính vạn hoa của tình yêu riêng tư”... Anh đã phản bác, cho  tôi  là “dung tục hóa”, không hiểu ý của anh ở cấp độ văn hóa và triết học. Điều này anh nói hoàn toàn sai, không phải tôi chỉ phê phán anh dựa trên vài câu chữ hoa mỹ rỗng tuyếch, mà dựa trên chính cái tư duy về vô thức của anh, tức là đánh giá ở tầm nhìn triết học. Anh đưa ra câu nói của Marx: “Cách mạng là ngày hội của quần chúng” để làm cơ sở phê phán. Nhưng anh cũng lại sai nốt, khi không hiểu về ngôn ngữ, về văn hóa. Các câu  của anh nói trên đều là những câu xác định, “niềm hoan lạc”, phơi phới hân hoan”… đều có ý nghĩa trạng từ chỉ trạng thái của hành động, không có tính khái niệm. Còn câu nói của Marx là một câu ví giữa khái niệm này với khái niệm khác, có một biên độ nghĩa rất lớn. Cũng vì chưa thực sự hiểu bản chất của vô thức, nên anh đã lầm vô thức với sự tiếp nhận thông tin bằng thần giao cách cảm, vớí trực giác, với niềm tin tôn giáo… Nói chính xác chúng là ý thức xuất hiện trong trạng thái vô thức. Trong bài: “Chủ nghĩa Marx và “bóng ma” Freud” anh đã đưa ra năm điểm sáng tạo thì hoặc là anh lặp lại những hạn chế của Jung, hoặc là anh hiểu sai khái niệm vô thức.
VỀ NGUYÊN LÝ BẤT ĐỊNH
Có thể nói Nguyên lý bất định chính là vật chứng của tri thức tác giả Ngày văn học lên ngôi mà tôi đã một lần phân tích sơ bộ. Qua sự hiểu biết về nguyên lý bất định, những người am tường sẽ xác định được trình độ của Đỗ Minh Tuấn như thế nào? Anh tư duy ra sao?
          Có nhiều người vì có chuyên môn khác nhau, có thể băn khoăn về những ý kiến của anh, nhưng khi anh đưa ra bao lý thuyết, bao lập luận, trích dẫn đủ các tên tuổi, người ta sẽ rất e ngại khi đưa ra nhận xét. Phản bác anh nghĩa là kém hiểu biết chăng? Sẽ là lạc hậu chăng? Bởi anh luôn nhân danh văn hóa, tri thức, hiện đại …Việc  phân tích mổ xẻ ở đây, tôi biết rồi thế nào anh cũng sẽ lại  đưa ra đủ kiểu lý lẽ, nhân danh này nọ để phản bác, dù có khi anh thực sự biết là không thể phản được. Bởi những cơ sở mà tôi dựa vào để bàn luận dù có chính xác đến như từ điển, như những phát minh khoa học đã được kiểm chứng, chính những cái mà nhân loại dựa vào để phát triển tư tưởng, anh vẫn có thể nói được là dung tục, là lôi vấn đề từ cấp độ này xuống cấp độ nọ. Mà thực tế, chính anh mới dung tục thì đúng hơn. Bởi chính anh mới buộc chặt những tư tưởng văn hóa và triết học vào nghĩa đen thô sơ của ngôn ngữ. Khoa học tìm ra nguyên lý bất định, thì anh bảo con người bị đẩy vào cõi chập chờn bất định. Thế Einstein tìm ra thuyết Tương đối, thấy không gian cong, thời gian và khối lượng co giãn, rồi những phát minh ra phản vật chất,… thì anh bảo con người bị đẩy vào đâu? Anh cũng nên hiểu, đó cũng chính là những tri thức nền tảng của vật lý cơ bản, chúng còn có “liên hệ gần” với cuộc sống con người hơn so với nguyên lý bất định trong không gian hạt vi mô. Tất cả chỉ tại anh mới hiểu nghĩa của cái vỏ  ngôn ngữ nên mới suy diễn một cách dung tục vậy thôi; hoặc nói theo một cách hồn nhiên một số nhà “ triết học hiện đại” vậy thôi.
          Khi Newton đưa ra thuyết hấp dẫn, chính Laplace đã tư duy theo kiểu như vậy. Freud cũng thế. Phát minh ra vô thức, ông đã có một đóng góp lớn. Nhưng việc ông  quy tất cả mọi thứ vào vô thức, mọi thứ  đều bị chi phối bởi ẩn ức tình dục, thì lại có vấn đề. Với Laplace, ông đã cho rằng vũ trụ là tất định. Từ những quy luật khoa học, từ một tọa độ xác định, người ta có thể xác định được mọi chuyển động xảy ra trong vũ trụ. Suy luận như vậy là logic trong phạm vi cơ học Newton. Nhưng từ điều này, ông đã đi xa hơn nữa khi áp dụng cho cả các quá trình xã hội và hành vi con người thì lại sai lầm. Quyết định luận máy móc của ông đồng nhất tính nhân quả với tất yếu, phủ nhận tính ngẫu nhiên. Các nhà triết học duy tâm hiện đại theo tinh thần thực chứng cũng đã đi theo vết bánh xe đổ, cũng tư duy một cách máy móc theo những quy luật cơ học như Laplace vậy. Khi Heisenberg tìm ra Nguyên lý bất định, họ phủ nhận chế ước nhân quả và tính khách quan của thế giới vi mô. Thực tế không phải vậy. Dù chuyển động có tính bất định, nhưng các hạt vi mô (như electron) vẫn chuyển động theo các quỹ đạo mà các phương trình sóng của cơ học lượng tử vẫn xác định được xác xuất hiện diện của chúng như những đám mây điện tử, tạo nên những liên kết nguyên tử, phân tử, gây ra những khả năng phản ứng xác định, phù hợp với thực nghiệm. Hơn nữa, cơ học lượng tử cũng là cơ sở cho hầu hết những khoa học, nền tảng của sinh học, hóa học hiện đại, công nghệ thông tin … Nếu nó bất định theo nghĩa loạn xà ngầu thì còn làm cơ sở cho cái gì? Nói tóm lại, dù có tính bất định, nhưng các hạt vi mô chỉ bất định trong không gian của thế giới vi mô, ngoài giới hạn ấy, chúng lại xây nên thế giới mà chúng ta đang sống đây theo những quy luật khoa học hoàn toàn xác định. Đây chính là bài toán vĩ đại mà trí tuệ loài người còn chưa giải được để có thể đưa ra những quy luật thống nhất, diễn tả được mọi quá trình vật lý. Nếu chủ nghĩa duy vật biện chứng coi những phát minh khoa học chỉ là chính chúng, là những thành tựu của tiến bộ, và đặt nó trong tổng thể tri thức của nền văn minh nói chung, thì những người theo chủ nghĩa duy tâm vật lý  đã luận giải một cách duy tâm những phát minh ở đầu thế kỷ XX  (thuyết Tương đối, Cơ học lượng tử…), đã coi “vật chất biến  mất”,  không    chủ  thể  thì  cũng  không  có khách thể”; đã đồng nhất quy luật khoa học với quy luật cuộc sống. Đây chính là những “tư tưởng triết học hiện đại” mà tác giả “Ngày văn học lên ngôi” đã “dày công” thu lượm được, nên mới đưa ra những kết luận chắc như đinh đóng cột rằng: “lịch sử tư duy đi từ quyết định luận đến bất định luận”. Có điều, anh không ngờ rằng, viết vậy mình đã tự mâu thuẫn, bởi nhiều chỗ anh lại lấy chính tư tưởng của MarxEngels làm cơ sở để biện bác. Anh viết: “Chủ nghĩa Marx chủ trương một thái độ duy vật lịch sử, một phươg pháp khoa học...”(Tr.32). Tại sao lại như vậy?  Lẽ ra  anh phải viết như thế này chứ: “Lịch sử tư duy đi từ quyết định luận máy móc đến quyết định luận biện chứng”;  rồi: “Sự sụp đổ của quyết định luận máy móc, sự ra đời của nguyên lý bất định đã giúp cho con người hiểu đúng hơn bản chất của tự nhiên, đưa con người tới  một cuộc sống ổn định hơn, khi nó giúp người ta đưa ra được những phương thức sản xuất mới hơn...”.
          Như vậy, tác giả Ngày văn học lên ngôi đã tiếp cận được những tri thức của khoa học và triết học hiện đại, tiếc là anh lại không đủ trình độ để hiểu, để phân tích đánh giá, nên đã không nắm được bản chất của vấn đề, chỉ chạy theo cái danh  xưng  triết học hiện đại, và đã lầm lẫn coi chúng là chân lý, một bước tiến mới của nhận thức. Tôi đã một lần phê phán anh là phê phán sự không biết đó chứ không phải là dung tục, là kéo tư tưởng của anh từ cấp độ triết học xuống cấp độ khoa học tự nhiên tầm thường đâu! Anh  tự khoe  mình được đào tạo, có bề dầy nghiên cứu, mà ngay cả những điều cơ bản như thế còn không hiểu, thì không biết khả năng tư duy của anh thế nào? Còn với tôi, thú thật, để viết những bài tranh luận với anh thế này, tôi không phải mất công chuẩn bị bao nhiêu. Vậy, việc anh cho người khác là “ngoại đạo”, là “quần chúng”, là không đủ “tư cách phát ngôn”, có phải là sự cao ngạo vô lối không? Và khi người ta dùng tri thức cơ bản để phân tích và chứng minh những sai lạc của anh, anh lại cho là tri thức học trò, trong khi cái tri thức học trò đó anh cũng không hiểu, chỉ biết láng máng đã mang ra bàn bạc lung tung, mới dẫn đến chuyện tiền hậu bất nhất như vậy, thế có phải anh chủ trương viết phê bình lý luận là dựa trên sự vô học không?
          Tác giả Ngày văn học lên ngôi cũng tùy tiện khi nói, với phương Đông, việc phát hiện ra nguyên lý bất định như một phát hiện hồn nhiên của chú bé trong “Hoàng đế cởi truồng” của Anđecxen. Thế với sự hiểu biết như vậy thì “phương Đông thông thái” của anh đã làm gì để đóng góp cho sự phát triển tư tưởng và văn minh của nhân loại? Chỉ có người không hiểu khoa học mới nói một cách “hồn nhiên” như vậy thôi. Tất nhiên, mọi quy luật khoa học đều hiển nhiên, nhưng để tìm ra cái hiển nhiên ấy thì không phải chuyện đùa! Phải có trí tuệ siêu đẳng của các nhà bác học, dựa trên một nền tảng tri thức và những kiểm chứng.
          Bắt đầu từ khi Max Planck phát minh ra quy luật: Năng lượng của một vật chỉ phát xạ gián đoạn, từng phần một, tức lượng tử. Tiếp theo các nhà bác học phát hiện ra bản chất nhị nguyên sóng-hạt của ánh sáng và các hạt vi mô. Từ đó, Heisenberg mới phát biểu nguyên lý bất định, cơ sở của một cơ học mới: Cơ học lượng tử. Có điều, Heisenberg không phải phát minh nguyên lý bất định một cách hồn nhiên.  Mà ông phải thực hiện một thí nghiệm giả định. Để phát hiện vị trí của một hạt vi mô người ta buộc phải “quan sát” nó bằng một cái khe hở. Nếu khe càng hẹp, sẽ xác định được vị trí càng chính xác, nhưng như vậy, lại làm cản trở càng mạnh sự chuyển động của hạt và gây ra sai số càng lớn về vận tốc; và ngược lại. Nguyên lý bất định được phát biểu: sự xác định tọa độ và vận tốc của hạt không thể đồng thời chính xác. Nguyên lý này, ngoài ý nghĩa khoa học, còn dẫn tới một quan điểm triết học, một cái nhìn ngược với cái nhìn tất định của quyết định luận Laplace. Chính từ đây, hai khuynh hướng triết học duy tâmduy vật đã dựa vào để phát triển tư tưởng theo hai khuynh hướng cũng trái ngược nhau. Chủ nghĩa duy vật biện chứng khắc phục được sự hạn chế của cái nhìn máy móc theo quyết định luận Laplace, còn triết học duy tâm đưa ra vô định luận .
          Trong thực tế, nhìn một cách toàn cục có so sánh, xã hội loài người chưa bao giờ ổn định như hôm nay. Sự đối kháng Đông-Tây lớn nhất đã được hòa giải. Nước ta cũng ở trong dòng phát triển ổn định. Mà cái nền tảng của mọi nền tảng xây nên sự ổn định ấy chính là những thành tựu khoa học. Nó giúp loài người không chỉ hiểu được bản chất của tồn tại, còn thúc đẩy công nghệ, kinh tế phát triển. Dường như trí tuệ nhân loại chỉ cần với thêm tí nữa là có thể chạm tới SỰ THẬT. Người ta đã “nhìn” thấy được cả hình ảnh sơ sinh của vũ trụ ở dạng “sợi vật chất”, cái lúc mà “Chúa đang nặn nên vũ trụ”; người ta cũng đã hiểu được mắt xích chuyển tiếp từ vật chất vô sinh sang cơ thể hữu sinh đầu tiên: đó chính là vi khuẩn Sunfur, dạng sự sống sơ khai này đã được hình thành ở môi trường của núi lửa giống như  môi trường thuở ban sơ của trái đất. Đây chính là hai điều kỳ diệu nhất của trí tuệ nhân loại trong hành trình khám phá  ra cội nguồn của tồn tại, cội nguồn của sự sống. Tôi thiết nghĩ, muốn bàn về tư tưởng, người ta phải nắm được một cách toàn diện những tiến bộ của thời đại, dù ở dạng chung nhất, nếu không, rất dễ đưa ra những nhận xét thiếu căn cứ, những lời tán huyên thuyên vô tích sự.
          Thủa sơ khai, vì trình độ chưa phát triển con người mới mê tín dựa vào thần linh, vào tôn giáo; khoa học càng phát triển, sự mê tín tôn giáo càng không còn là cứu cánh để nhận biết thế giới, mà chỉ còn có ý nghĩa về văn hóa đạo đức mà thôi.
Có điều thú vị là khoa học cũng như nền văn minh phát triển lại phát hiện ra có tôn giáo lại có giá trị không chỉ giáo huấn đạo đức mà còn có ý nghĩa khoa học và y học mang tính nhận thức luận. Đó chính là Đạo Phật. Khi khoa học giải quyết xong việc nhận thức thế giới hữu hình thì thế giới vô hình sẽ là đối tượng mới. Về thế giới hữu hình, lý thuyết dây đang là mũi nhọn để có thể trộn Thuyết Tương Đối và Cơ học lượng tử như dầu với nước vào nhau. Để toán học hóa, lý thuyết dây coi phần tử nhỏ nhất của vật chất không phải điểm nhỏ vô cùng mà là một dây. Các dây dao động với tần số khác nhau sẽ tạo ra tất cả các hạt khác nhau, tạo nên một bức tranh hoàn mỹ về sự thống nhất. Nhưng có một hệ quả là khi coi gốc tọa độ là một dây thì không gian lại mở ra hàng chục chiều và một rừng toán học mở ra trước con đường dẫn đến những phương trình tối hậu. Nhưng riêng tôi nghĩ, cho cấu tử cùng tận là dây cũng có vẻ áp đặt, mà phải là giọt thì có lẽ sẽ đúng với sự tồn tại tự nhiên của vật chất hơn. Giọt năng lượng thì cũng có thể dao động như một dây. Nếu như vậy thì không gian không chỉ hàng chục chiều mà là vô tận và việc toán học hóa sẽ mãi mãi không tới đích. Và như thế, nhận thức của con người trước thế giới hữu hình sẽ mãi mãi là tương đối mà thôi.
***
Quay lại với Đỗ Minh Tuấn, tôi biết, vì thực chất tác giả chưa hiểu  nên mới quá mê bất định như vậy. Anh cho rằng phương Đông tư duy bằng nguyên lý bất định trước khi ông Heisenberg ra đời như quan niệm “rủi may”. Điều này cũng sai. Không lẽ ở phương Tây không có quan niệm rủi may sao? Tại sao khi làm việc gì người ta cũng thường: “Cầu Chúa phù hộ cho con”. Ở đây anh cũng lại có cách nhìn dung tục, sơ lược. Quan niệm rủi may chỉ là một tiểu tiết bất định trong việc kiếm sống, chứ không phải là cái quy luật chi phối sâu sắc toàn diện tâm thức tồn tại của người phương Đông xưa. Mà cái đó chính là thuyết Định mệnh, nền tảng của nó là luật nhân-quả. Tức là người phương Đông xưa tư duy theo nguyên lý tất định chứ không phải bất định. Kiểu  như người ta thường nói: Người ta ai cũng có số cả! Rồi anh coi, với phương Tây, vì khoa học quá, lý tính quá, nên đang phấn đấu để đạt được cái mù mờ của phương Đông. Nhưng cũng lại là nói ngược. Vì thực chất, do thiếu hiểu biết người ta mới mù mờ, chẳng ai lại đi học tập cái thiếu hiểu biết. Sự thâm nhập lẫn nhau giữa văn hóa Đông Tây, tiếp nhận những tinh hoa của nhau là tất nhiên. Chỉ có thể phát triển kể cả kinh tế, văn hóa và xã hội trên một nền tảng khoa học chính xác và mạch lạc của những quy luật tự nhiên, xã hội và tư duy, kể cả sự chính xác mạch lạc trong những cái mù mờ. Chính dân tộc ta cũng đang phấn đấu trên hành trình đó, đang nâng cao tính khoa học trong tất cả các lĩnh vực, để thúc đẩy sự phát triển. Tác giả tự dưng lại đi cổ vũ cho cái mù mờ thì có phải đi ngược không?
          Còn vô vàn điều tôi muốn tranh luận với anh, kiểu: “Tư duy khoa học sản phẩm của nhị nguyên luận chia cắt giữa con người và thế giới”. Đã gọi là khoa học thì phải đúng đắn sao lại có kiểu chia cắt lạnh lùng thế?
          Về việc anh nhận xét thơ “một số cây bút trẻ” và thơ Nguyễn Quang Thiều có ảnh hưởng thơ Beat của Mỹ theo tôi không được đúng. Có lẽ do Nguyễn Quang Thiều đi Mỹ nhiều chăng? Thơ Beat của Mỹ có tính phản kháng thời đại và tính đối nghịch với thi pháp cũ. Thơ của một số cây bút trẻ có tham vọng đổi mới ở ta không có nội dung phản kháng và tính đối nghịch, mà chỉ muốn có cách biểu đạt mới: Ngôn ngữ giàu tính tượng trưng hơn, sự liên tưởng phức tạp hơn.
          Đặc biệt trong bài phê bình thơ Phạm Tiến Duật, tác giả cũng đã khá tuỳ tiện khi đưa ra những nhận xét cả về thi pháp lẫn tư tưởng. Tôi đã một lần nhắc đến,  xin nói thêm đôi diều ở đây.
          Nói chung thơ của Phạm Tiến Duật là thơ hiện thực 100%, không có Mộng du mộng diếc gì cả. Câu thơ:
                  
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
         
tác giả cho là làm bằng ảo giác, bằng thi pháp mộng dusai hoàn toàn. Câu thơ này hoàn toàn tả thực, dù có cách nói hoa mỹ, thi vị. Bởi thực tế, đúng là có lúc có nơi “đường ra trận đẹp lắm” thực. Nó có chim kêu, vượn hót, hoa phong lan nở...Ảo giác gì ở đây?
         
Cũng hai câu thơ tả thực :
                  
Có lẽ nào anh lại em
                   Một cô gái chưa nhìn rõ mặt
         
Chữ ở đây rõ ràng là mang tính đùa tếu, bài thơ là một câu chuyện thực, anh tán là chân thật, thương đau, là này là nọ thì đúng là hãi thật! Với lối phê bình kiểu này, người ta hoàn toàn có thể tán những câu tầm thường nhất thành tài hoa nhất và ngược lại. Đây chính là kiểu phê bình tạo ra những tên tuổi không tài năng và những tác phẩm nổi tiếng không chút giá trị.
Quan điểm về thơ hiện đại của tác giả: Thơ hiện đại là thơ viết bằng siêu ngữ pháp; là siêu ngôn ngữ, những câu thơ còn nhớ được là chưa hay, là “chưa tới đích”, phải hóa thân thành phi ngôn ngữ …
          Thứ nhất, tôi chưa được biết có một siêu ngữ pháp. Tôi đã một vài lần viết, khi ngữ pháp bị phá vỡ thì ngôn ngữ cũng không còn mang nổi chính ngôn ngữ chứ còn mang được thơ với thẩn cái gì? Con người không tạo ra ngữ pháp mà chỉ tìm thấy ngữ pháp trong ngôn ngữ. Theo tôi, ngữ pháp có trong ngôn ngữ cũng có tính vũ đoán như tính vũ đoán của ký hiệu ngôn ngữ. Người ta nói cái nhà thì hiểu là cái nhà vậy thôi. Khi xuất hiện thì vũ đoán, tùy tiện, nhưng “không ai có thể tùy tiện sửa đổi” (Hoàng Trinh). Không ai có thể sửa cách hiểu chữ nhà thành con cá được. Trong thơ của một số nhà cách mạng thơ, kể cả trong thơ nước ta, cũng đã có những chỗ sai ngữ pháp, nhưng chúng chỉ như là những thao tác tu từ, sự gây ấn tượng, như bao thủ thuật khác. Nếu coi là cái cơ sở, cái nền tảng, cái cốt yếu để làm nên thơ hiện đại thì thật cực đoan, vô lý. Liệu có thể biến câu: “Anh yêu em vô cùng” thành : “Anh em yêu cùng vô”sẽ thành thơ hiện đại được chăng?
          Tác giả cho thơ hiện đại là siêu ngôn ngữ cũng cần được thảo luận. Anh viết : “Đó là siêu ngôn ngữ, đó là thơ”; “Nội lực văn hóa … biến câu thơ bài thơ thành một tập hợp siêu ngôn ngữ”,  Tính chất siêu ngôn ngữ của thơ, của thơ hay, thơ hiện đại chính là tính chất đối thoại ngỏ”...
          Logic học hiện đại cho siêu ngôn ngữ là ngôn ngữ được dùng để nghiên cứu ngôn ngữ khác (ngôn ngữ khách thể). Octavio Paz cũng nói: “Thơ không chỉ là ngôn ngữ mà còn là cái gì vượt ngôn ngữ”. Có một tế nhị khi hiểu nghĩa ở đây, thơ còn là “Cái gì”vượt ngôn ngữ, chứ không phải là cái “vượt ngôn ngữ”. Ông muốn nói đến cái hàm chứa, cái nghĩa ẩn, cái mênh mang … chứ không phải là siêu ngôn ngữ, một khái niệm đã được xác định. Trong phê bình văn học, theo R.Barthers, siêu ngôn ngữngôn ngữ cấp độ hai, là ngôn từ về ngôn từ (discours), chính là ngôn ngữ phê bình. Còn ngôn ngữ văn chương là ngôn ngữ cấp độ một, ngôn ngữ đối tượng (langage object). Vậy, theo những ý nghĩa đã được xác định và đã thống nhất về khái niệm  siêu ngôn ngữ, tác giả  cho thơ hiện đại là siêu ngôn ngữ thì có phải anh đã cho thơ chính là những bài phê bình bằng thơ hay không? Anh nói tính chất siêu ngôn ngữ của thơ  hiện đại là tính chất đối thoại ngỏ cũng lại mâu thuẫn. Bởi đối thoại ngỏ là nói lưng chừng, mà tính siêu ngôn ngữ là tính phê bình, tính diễn giải. Đã diễn giải sao còn ngỏ ?
          Có lẽ, tác giả Ngày văn học lên ngôi có một sai lệch về cách viết giữa sáng tác và phê bình. Văn phong phê bình là văn phong có tính khoa học, nó cần chính xác rõ ràng để những ý tưởng được đề xuất hiện ra rõ ràng. Còn ngôn ngữ sáng tác mới chính là ngôn ngữ nhòe để mở rộng biên độ của ý tưởng. Những tư tưởng lớn thường rất giản dị, minh triết, vì nó lớn nên không cần đến trang sức, đến phấn son loè loẹt. Anh nói đến rất nhiều chữ siêu: Siêu ký ức, siêu nhớ, siêu thiện, siêu ngữ pháp, siêu ngôn ngữ. Dường như do anh thích cái lấp lánh của chữ siêu chứ không phải do những ý nghĩa xác định của chúng. Ngoại trừ những ngôn ngữ thông thường, có nghĩa cụ thể, khi đưa ra những thuật ngữ, những khái niệm mới, có tính khái quát trừu tượng, đều phải dựa trên những ngoại diên, nội hàm xác định. Nên khi thuật ngữ  siêu thực được đưa ra đã có cả một  lý thuyết được tạo ra kèm theo với những nội hàm xác định. Cũng như trong khoa học tự nhiên có những thuật ngữ: Entanpi, entropi, spin, quack … vậy.
          Tóm lại, tác giả Ngày văn học lên ngôi là người có ưu điểm chịu khó đọc, anh có thuận lợi là có nhiều tài liệu. Có điều, khi tiếp cận với tri thức, người ta phải hiểu đúng vấn đề. Nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình. Không hiểu đúng sao phân tích, bình phẩm, định giá đúng? Từ sự hiểu đúng, để đưa ra được những tư tưởng mới lại phải có tư duy ở cấp độ cao hơn.
          Tác giả thích bàn luận triết học, tôi tặng anh  ý tưởng của nhà bác học tật nguyền thiên tài S.Hawking, người đang ở trên tuyến đầu của vật lý lý thuyết, người được đánh giá là bộ óc thứ hai sau Einstein trong vũ trụ học, một người không chịu nghe theo THƯỢNG ĐẾ  mà lại muốn giải thích Ý NGHĨA của chính THƯỢNG ĐẾ, để kết thúc bài viết còn nhiều điều  dở dang này: “Đến thời điểm này, đa số các nhà khoa học quá bận rộn vào việc phát triển những lý thuyết để trả lời câu hỏi như thế nào và chưa bận tâm đến việc trả lời câu hỏi vì sao? Mặt khác, những triết gia là những người mà công việc là đặt ra câu hỏi vì sao, lại không đủ điều kiện để thông tuệ được các lý thuyết hiện đại. Ở  thế kỷ 18, các nhà triết học xem toàn bộ kiến thức của loài người trong đó có khoa học tự nhiên là thuộc lĩnh vực của họ...? Song đến thế kỷ 19, 20, khoa học trở nên quá toán học đối với những nhà triết học... Các triết gia giới hạn các câu hỏi lại đến mức mà Wittgenstein, nhà triết học danh tiếng nhất của thế kỷ này đã thốt lên: “Nhiệm vụ duy nhất còn lại của triết học là phân tích ngôn ngữ”.
Phú Nhuận  
Sáng 11-7-1997
(Tạp chí Văn Nghệ Quân đội 9-1997)
Cập nhật thêm đôi chút: 31-3-2014