Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

CƠ QUAN CẢNH SÁT ĐIỀU TRA TỘI PHẠM THÀNH BƯU ĐIỆN?

CƠ QUAN CẢNH SÁT ĐIỀU TRA TỘI PHẠM
THÀNH BƯU ĐIỆN?
(Mẹ Lịch, Lịch, anh Thu, Đông La, cô Hòa)
 Khi nước ta đang tích cực phấn đấu thực hiện một nhà nước pháp quyền, mỗi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; nước ta cũng mới thông qua bản Hiến pháp mới tôn trọng quyền con người, mới được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Vậy mà có trường hợp Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm hình sự nhận được đơn tố cáo lại không điều tra gì cả, chỉ chuyển đơn tố cáo đến cơ quan của bị đơn, y như một cơ quan bưu điện vậy. Đơn tố cáo đó là đơn kiện Nhà báo Thu Uyên của những người thuộc đoàn Tâm Đức Yên Bái. Thu Uyên vốn “nổi tiếng” có tài mê hoặc người khác, lần này cũng lại trổ tài chăng? Nên đã khiến những chiến sĩ cảnh sát điều tra tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên và nhân phẩm của người dân, lại trở thành những bưu tá?
 Hôm qua, Trường, một người trong đoàn Tâm Đức Yên Bái đã đến Cơ quan Điều tra của Công an TPHCM hỏi về việc giải quyết đơn kiện Nhà báo Thu Uyên thì người trực ban trả lời là “Chúng tôi đã chuyển cho VTV giải quyết rồi. Bên tôi không có liên quan gì cả”. Ít hôm trước, những người trong đoàn Tâm Đức Yên Bái cũng gởi một thư đến Đài Truyền hình Việt Nam xem họ xử lý như thế nào khi nhận được lá đơn kiện, thì cũng hôm qua, Lịch, một người khác cũng trong đoàn Tâm Đức Yên Bái đã nhận được thư trả lời của Ban Kiểm tra Đài Truyền hình Việt Nam là: vì bà Thu Uyên thuộc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TPHCM nên họ đã chuyển đơn vào đó để giải quyết!
Xin bàn về Đài Truyền hình trước. Thực ra đoàn Tâm Đức Yên Bái hỏi VTV để xem sao thôi, chứ VTV do ông Trần Bình Minh làm TGĐ thực ra cũng là bị đơn vì ông Trần Bình Minh không cho phát thì sao Thu Uyên có thể phạm tội lợi dụng tư cách một nhà báo vu khống người khác trên đài. Có điều nếu ông Trần Bình Minh xử lý nghiêm Thu Uyên thì đoàn Tâm Đức Yên Bái cũng sẵn lòng bỏ qua cho ông Minh. Tiếc là ông Minh dù nhận được nhiều đơn thư tố giác Thu Uyên, đã có bao bài viết đầy đủ chứng cớ và lý lẽ về Thu Uyên, nhưng ông Minh vẫn làm ngơ, cứ dung túng cho Thu Uyên phạm pháp. Vì vậy, theo luật, chính ông Minh cũng sẽ là đồng phạm.
Còn về Cơ quan điều tra của Công an TPHCM thì quả thật tôi đã phì cười khi biết họ trả lời như vậy, là cơ quan điều tra hình sự sao họ lại tự biến mình thành một chỗ bưu điện đưa thư như vậy?
Đoàn Tâm Đức Yên Bái đã kiện Thu Uyên theo đúng LUẬT TỐ CÁO, đã bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10, mà Quốc hội đã thông qua ngày 11 tháng 11 năm 2011 do Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng (đã ký).
Điều 2, mục 1 của LUẬT TỐ CÁO viết: “Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại… lợi ích của … công dân…”.
Với Thu Uyên, liên tục mấy số “Trở về từ ký ức” trên sóng truyền hình quốc gia, đã dựa vào văn bản và ý kiến sai trái của các cơ quan và cá nhân, dựa vào lời vu cáo của kẻ xấu, đã kỳ công tạo chứng cớ giả, cố ý thiên lệch, nói cô Vũ Thị Hòa và những người trong đoàn Tâm Đức Yên Bái là “làm giả di vật và hài cốt liệt sĩ để lừa đảo”, là “trục lợi trên xương máu liệt sĩ”. Thu Uyên đã không chỉ nói xấu người khác mà còn vu cho người khác phạm tội hình sự, tức Thu Uyên đã phạm tội hình sự.
Như vậy, theo BỘ LUẬT HÌNH SỰ đã được Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2009 do CHỦ TỊCH QUỐC HỘI Nguyễn Phú Trọng (Đã ký), Thu Uyên đã phạm tội “Làm nhục người khác” theo Điều 121 và phạm “Tội vu khống” theo Điều 122.
Cụ thể “Làm nhục người khác” theo Điều 121:
“1-Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.
2-Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;”
“Tội vu khống” theo Điều 122:
“1-Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2-Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với nhiều người;
e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3-Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Tôi đã viết một lần: “Nếu tôi có quyền thì bắt Thu Uyên đi tù 4 năm là vừa”.
Vì vậy theo Điều 3, mục 2, LUẬT TỐ CÁO: “Việc tố giác và tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự” nên những người thuộc đoàn Tâm Đức Yên Bái nộp đơn cho cơ quan điều tra của công an đã đúng theo luật.
Theo Điều 21, mục 1, LUẬT TỐ CÁO, thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày. Như vậy, đã qua 90 ngày từ khi đoàn Tâm Đức Yên Bái nộp đơn, Cơ quan Điều tra của Công an TPHCM trả lời như trên là đã làm ngơ, bỏ lọt sự tố cáo tội phạm.
Theo trang Pháp điển luật Việt Nam (Vietlawconsultants), Thông tư số 04/BCA ngày 21 tháng 5 năm 2007 , sửa đổi từ Thông tư số 12/BCA ngày 23 tháng 9 năm 2004, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự trong Công an nhân dân, quy định:
B. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh “Tiến hành điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định từ Chương XII đến Chương XXII của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của toà án nhân dân cấp tỉnh”. Cụ thể hơn, đơn tố cáo Thu Uyên phạm tội thuộc Chương XII, điều 121,122, thì việc điều tra thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thuộc Công an TPHCM. Bởi theo Thông tư của Bộ Công an hướng dẫn thì Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội: “Tiến hành điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các Chương XII… của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh”.
Theo LUẬT TỐ CÁO, Điều 26, mục 2: Người giải quyết tố cáo phải gửi thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo. Và theo mục 3: Người giải quyết tố cáo phải gửi kết luận nội dung tố cáo cho cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan cấp trên trực tiếp.
Như vậy, Cơ quan điều tra của Công an TPHCM đã không làm gì cả trong việc giải quyết đơn tố cáo Thu Uyên.
Vì thế sắp tới Đoàn Tâm Đức Yên Bái sẽ viết đơn khởi kiện lại cho rõ ràng hơn gởi tiếp Cơ quan Điều tra Công an TPHCM. Nếu họ vẫn không điều tra thì theo Điều 46, LUẬT TỐ CÁO: “Người giải quyết tố cáo có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong việc giải quyết tố cáo thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý”. Và đoàn Tâm Đức Yên Bái sẽ gởi đơn thư trình bầy đến những cơ quan quản lý và giám sát công tác giải quyết tố cáo.
Theo Điều 41, LUẬT TỐ CÁO: “Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi quản lý của mình. Thanh tra thành phố trực thuộc trung ương giúp người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước quản lý công tác giải quyết tố cáo”. Điều 42, mục 2: “Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh… quản lý công tác giải quyết tố cáo”.
Theo Điều 43, LUẬT TỐ CÁO: “Trách nhiệm phối hợp trong công tác giải quyết tố cáo là Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp”.
Điều 44 quy định việc Giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
“1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, giám sát việc thi hành pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo.
2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân đến tố cáo, khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; khi nhận được tố cáo thì nghiên cứu, chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết tố cáo”.
20-5-2014
ĐÔNG LA