Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

HỒI KÝ HOÀNG TÙNG (?): VÀI CHUYỆN VỀ BÁC HỒ VỚI TRUNG QUỐC

HỒI KÝ HOÀNG TÙNG (?):
VÀI CHUYỆN VỀ BÁC HỒ VỚI TRUNG QUỐC
Tôi viết (?) vì là tài liệu không chính thức được truyền trên mạng. Thấy có nhiều cái hay thì muốn giới thiệu cho mọi người biết. Đọc tài liệu ta sẽ thấy, không chỉ bây giờ Tầu mới “chơi” ta mà từ ngày đầu của chính quyền cách mạng, “nó” đã muốn “dắt mũi” ta rồi. Là một nước nhỏ yếu, cần sự viện trợ, cuối cùng ta đã giành được thắng lợi nhưng vẫn giữ được sự độc lập, vượt qua được toan tính của họ, phải thấy tài lãnh đạo của Đảng, Bác thật là tuyệt vời!
ĐÔNG LA
…Mùa thu năm 1950, Trung Quốc phái hai đoàn cố vấn sang Việt Nam. Một đoàn chính trị do La Quý Ba làm cố vấn. La Quý Ba trước là Bí thư của Mao, Bí thư Sơn Tây. Ông này là người nghiêm chỉnh, phục Mao Trạch Đông như một ông thánh. Ông là người tin cẩn của Mao. Còn tổng cố vấn về quân sự là Vi Quốc Thanh. Đoàn cố vấn quân sự đông hơn, vì nó có đủ cả các bộ máy của quân sự. Ta không hiểu thâm ý của Trung Quốc là muốn “sửa” ta. Họ sang để giới thiệu kinh nghiệm Trung Quốc, lý luận Mao Trạch Đông, lý luận quân sự, tổ chức quân đội. Việc đầu tiên là họ “sửa” quân đội đã. Họ “sửa” cả Đảng trong quân đội cho nên mới lập ra chức chính uỷ. Trước ta chỉ có chính trị viên. Cũng là chính trị viên cả nhưng có khác nhau về chức năng. Chính uỷ là người bao trùm lên tư lệnh, chứ không phải tư lệnh là người quyết định. Lập ra chính uỷ là để xác định vị trí của Đảng, mà việc đầu tiên là nhằm vào ông Giáp. Vì ông Giáp xuất thân trí thức, năm 1950 mới có 10 tuổi Đảng, mặc dù ông tham gia cách mạng từ năm 1930, nhưng ông hoạt động bị bắt, rồi lại đi học, mãi đến năm 1940 mới được Bác kết nạp vào Đảng. Theo Trung Quốc ông là một trí thức xuất thân không phải công nông, mà để ông nắm quân sự là không ổn. Đặt ra chế độ chính uỷ là để phụ trách Đảng trong quân đội. Có người đưa cho đoàn cố vấn một danh sách cán bộ trong quân đội xuất thân gia đình không phải là công nông định để gạt ra ra khỏi quân đội… Ông Giáp mới đưa danh sách đó cho Bác, Bác bảo: “Đốt ngay đi, thay bằng ấy người thì quân đội không còn cán bộ”; Nguyễn Hữu An, Đặng Vũ Hiệp đều thuộc danh sách ấy cả, vì thuộc trí thức. Theo họ chấn chỉnh quân đội trước để chuyển mạnh sang Tổng phản công. Lúc đó ta tin tưởng quá nhiều vào Trung Quốc, vì các ông Trang Điền, Chu Hạ sang nói khi nào quân giải phóng Nam Hạ (đi xuống phía nam) thì sẽ giúp Việt Nam đánh Pháp.
… mùa hè năm 1952 Mao Trạch Đông và Stalin gọi Bác sang, nhất định bắt phải cải cách ruộng đất. Sau thấy không thể từ chối được nữa Bác mới quyết định phải thực hiện… hội nghị cán bộ đầu năm 1953, quyết định cải cách ruộng đất. Trung Quốc cử đoàn các cố vấn sang bao gồm cố vấn công an, cố vấn tổ chức, cố vấn tuyên truyền. Đoàn cố vấn cải cách ruộng đất do Kiều Hiểu Quang làm trưởng đoàn. Kiều là phó Bí thư tỉnh uỷ Quảng Tây. Họ muốn qua cải cách ruộng đất để “chỉnh đốn” lại Đảng ta. Thời gian từ lúc tiến hành cải cách ruộng đất đến lúc dừng là 3 năm. Khi đó tôi thường được dự họp Bộ chính trị do đó cũng biêt một số việc. Đó là việc làm thí điểm cải cách ở đồng bằng và chọn đồn điền Nguyễn Thị Năm. Nguyễn thị Năm tức là Cát Thành Long có một người con làm trung đoàn trưởng ở cục chính trị của Văn Tiến Dũng. Gia đình bà trong dịp tuần lễ vàng có hiến 100 lạng vàng. Bà còn tham gia công tác của Hội Phụ nữ từ năm 1945 đến 1953. Tôi chưa đến đó lần nào, các anh Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ thường hay ăn cơm ở nhà bà. Gia đình Nguyễn Thị Năm cũng giống như các gia đình Đỗ Đình Thiện, Trịnh Văn Bô giúp đỡ nhiều cho cách mạng. Chọn địa chủ Nguyễn Thị Năm để làm trước là do có người mách cho cố vấn Trung Quốc. Họp Bộ Chính trị Bác nói: “Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà, mà người ấy lại cũng giúp đỡ cho cách mạng. Người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa”. Sau cố vấn Trung Quốc là La Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: “Thôi tôi theo đa số, chứ tôi vẫn cứ cho là không phải”. Và họ cứ thế làm. Thuyết của họ là không dựa vào tổ chức cũ mà tổ chức lại một số tổ chức khác của Đảng, họ phủ nhận hết các tổ chức khác như chính quyền, các đoàn thể. Ai lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, ai lãnh đạo cuộc kháng chiến từ năm 1945 đến 1953, thế mà họ thẳng tay bỏ hết, trong đó có mầy ngàn người bị xử tử. Mục đích của họ không phải là cải cách ruộng đất mà là đánh vào Đảng ta. May mà đến năm 1956 ta kịp dừng lại, nếu không thì tan nát hết. Sau này có những phiên họp Bộ Chính trị tôi hay ngồi lại cùng Bác nói chuyện, có lần bác trầm ngâm nói: “Mình đã nói để kháng chiến xong đã, mới tiến hành cải cách ruộng đât, cứ ép mãi. Mà nếu có làm cũng làm theo cách ta, chứ không theo cách của họ”.
Đánh thuế công thương nghiệp, cải tạo tư sản cũng là do Trung Quốc đề ra. Hậu quả là hơn một triệu người di cư ­ vào Nam. Ta đổ tội cho Pháp, Mỹ điều đó chỉ đúng một phần nào, còn là do ta làm vội, làm ẩu, đánh tràn lan hết. Không phải địa chủ mà phú nông, thậm chí trung nông cũng bị đánh. Đảng viên nhiều người tốt cũng bị đánh. Kết quả của những chính sách cải cách lúc đó là như thế. Do đó khi cách mạng tháng Tám thắng lợi không khí vui mừng đến như thế, mà chiến thắng Điện Biên Phủ không khí không được vui bằng.
Tôi nhớ có chuyện thế này, đầu năm 1951, lúc đó tôi là chánh văn phòng của Tổng bí thư nên được dự các cuộc họp của Thường vụ Trung ương. Trong một cuộc họp Thường vụ Trung ương, Bác nói Stalin không được như thế đâu, chỉ vì người ta cần có một ngọn cờ mà đưa lên như thế. Nghĩa là Bác biết rõ Stalin. Người không sùng bái, cũng như không sùng bái Mao Trạch Đông. Nhiều lúc Bác cũng phải ngoại giao.
…không thích gì Tưởng Giới Thạch, nhưng Bác vẫn dịch cuốn “Trung Quốc mệnh vận” do Tưởng viết, rổi đem biếu Trương Phát Khuê. Tranh thủ để giữ vững chính quyền, giảm được kẻ thù. Bác hết sức tinh trong nhìn nhận tình hình chính trị. Nhưng Người ít nói. Nhiều người không biết cứ tưởng bác mơ hồ trong vấn đề này khác. Chính trị Bác sắc sảo, nhưng Người rất ghét nói ba hoa. Bác bao giờ cũng vì dân, vì nước, chứ không vì cá nhân mình. Nhiều người sắc sảo nhưng lại vì bản thân mình nhiều, củng cố vị trí của mình nhiều hơn. Nếu người lãnh đạo cách mạng nào cũng được như Bác thì không bao giờ chính quyền bị đổ, vì Bác lúc nào cũng có Đảng, có dân, quan hệ với dân chặt chẽ không bao giờ làm điều gì vì mình, tất cả đều xuất phát vì nhân dân. Tôi cho rằng hiểu được Bác không phải dễ, làm theo Bác càng khó hơn.
Sau chiến thắng 1954, Bác gọi tôi đến và căn dặn: “Ta chiến thắng rồi công tác tuyên truyền chỉ nên biểu dương tinh thần anh dũng của quân và dân ta, không nên sỉ nhục Pháp. Vì như thế sẽ khích động tinh thần tự ái dân tộc của họ. Sau này đối với Mỹ, Bác cũng căn dặn như thế…