ĐÔNG LA
VỀ LÁ THƯ NGỎ ĐÒI “LẬT ĐẢNG”
Nền tảng
cơ bản nhất của Chủ nghĩa Mác là sự công bằng, cha ông ta cũng có câu “không
sợ hàng thiếu chỉ sợ phân phối không công bằng”. Từ các cuộc cách mạng xã
hội, sự bất ổn xã hội đến những mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn cá nhân, nguyên
nhân chính đều là do cái sự chia phần không đều ấy. Vậy trong số mấy vị lãnh
đạo, ai chống được tham nhũng, tôi tin dân Việt Nam trong “Đại hội” tới, sẽ
tôn người đó lên làm vua chứ không chỉ là Tổng Bí thư! Còn từ trước tới nay
ai nói cũng hay cả nhưng làm thì hơi bị chưa hay. Nên nói ít mà ráng làm
nhiều thì hay hơn. Được vậy thì đến kẻ thù của XHCN cũng sẽ phải mê XHCN mất
thôi!
ĐÔNG LA
|
Thư
ngỏ gửi BCH Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng CSVN của các cựu quan chức, trí thức,
đều là đảng viên ĐCSVN, đề nghị giải tán Đảng, vẫn chỉ là những “gương mặt thân
quen”, những kiến nghị “thân quen”:
Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu
tướng; Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính
phủ; Lê Duy Mật, Thiếu tướng, Chỉ huy trưởng Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang 1979 –
1988; Vũ Quốc Tuấn, nguyên Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt; Hoàng Tụy, Giáo sư
Toán học; Nguyên Ngọc, Nhà văn, nguyên Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam;
Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học; Đào Công Tiến, nguyên Hiệu
trưởng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Việt
Nam; Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ tại Thái Lan; Tô Nhuận Vỹ, nhà văn, nguyên Bí
thư Đảng Đoàn kiêm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế; Bùi
Đức Lại, nguyên Vụ trưởng, Ban Tổ chức trung ương Đảng, Hà Nội; Huỳnh Tấn Mẫm,
nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975; Lê Đăng Doanh, Tiến sĩ
Kinh tế học, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ; Chu Hảo,
nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội; Trần Đình Sử, Giáo sư Tiến
sĩ Ngữ văn, Hà Nội; Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ
tướng Chính phủ; v.v…
Họ lại nói những điều nghe đã nhàm
tai như sau:
“Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản
Việt Nam
(ĐCSVN) dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo
mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin. Công cuộc đổi mới
gần ba nươi năm qua nhằm sửa chữa sai lầm về đường lối kinh tế nhưng chưa triệt
để, trong khi vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ
và chia rẽ dân tộc. Đường lối sai cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa
tạo điều kiện cho sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính gắn với tệ tham
nhũng, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với
nhiều nước xung quanh.
Toàn thể ĐCSVN, trong đó có chúng
tôi, phải chịu trách nhiệm trước dân tộc về tình hình nói trên và phải góp phần
tích cực khắc phục những sai lầm đã gây ra; trong đó phần trách nhiệm chủ yếu
và trước hết thuộc về Ban Chấp hành Trung ương và Bộ chính trị.
Vì vậy chúng tôi, những người ký tên
dưới đây, thấy cần bày tỏ suy nghĩ của những đảng viên ĐCSVN trung thành với
tâm nguyện vì nước vì dân khi vào Đảng với mấy yêu cầu chính dưới đây:
ĐCSVN tự giác và chủ động thay đổi
Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn
sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ
toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa”.
***
Những điều trên tôi đã bàn rất
nhiều, nay các vị trên lại lặp thì tôi cũng xin bàn lại.
Trước hết với ý: “Toàn thể ĐCSVN,
trong đó có chúng tôi, phải chịu trách nhiệm trước dân tộc về tình hình của đất
nước” thì tôi mong các vị hãy tự kỷ luật mình bằng cách từ bỏ hết danh vị,
quyền lợi, chế độ hưu mà các vị từng vào Đảng để phấn đấu mà có đi đã, tôi sẽ
rất khâm phục các vị.
Còn viết như trên, thứ nhất,
các vị đã tự thể hiện mình là những kẻ phản bội với lời thề của chính mình, mà
ngày kết nạp vào Đảng các vị thường phải tuyên thệ “Chiến đấu cho lý tưởng
của Đảng đến hơi thở cuối cùng".
Thứ hai, theo Khổng Tử: "Tứ
thập nhi bất hoặc", nghĩa là tới tuổi 40 người ta có thể hiểu thấu mọi
lẽ, phân biệt được mọi sự đúng sai, không còn nghi hoặc gì nữa. Vậy tại sao các
vị ở tuổi 40 đã không nhận ra mình sai khi vào Đảng? Phải chăng tuổi đó là tuổi
các vị đang quá cần cái danh Đảng viên để thăng quan, tiến chức. Còn bây giờ
hưu rồi thì các vị muốn dựa vào cái khác nên cần phải thay danh hiệu đảng viên
bằng một cái danh khác là: “nhà dân chủ”! Như vậy hóa ra các vị chả có
lý tưởng quái gì cả, cái các vị cần là quyền, danh và lợi!
Nếu các vị đúng là những con người
chân chính thì lý tưởng cao đẹp của Đảng vẫn còn nguyên đó, bản chất ưu việt
của CNXH, CNCS còn nguyên đó, nếu có những Đảng viên sai, nếu Đảng có chính
sách sai, gây ra những tệ nạn thì các vị sẽ phải chiến đấu chống lại những cái
sai ấy để bảo vệ lý tưởng cao đẹp chứ. Còn hành động như các vị chứng tỏ các vị
chỉ là những kẻ cơ hội, trâu buộc ghét tâu ăn, không còn được ăn nữa thì đạp
đổ, đạp đổ luôn cái Đảng mà khi các vị cần vào đã phải thề sống thề chết! Vậy
lý tưởng của các vị là lý tưởng xôi thịt mà thôi.
Thứ ba, cái khẩu hiệu quen thuộc các
vị lại mang ra hô “cần phải chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị
sang dân chủ”.
Tôi đã bàn rất nhiều về điều này.
Thực tế đã chỉ ra, một nền dân chủ luôn phụ thuộc vào dân trí của một đất nước.
Hình mẫu dân chủ ở các nước phát triển quả là tốt với họ, nhưng khi “xuất khẩu”
sang các nước Trung Đông lại biến nơi này thành hỗn loạn. So với Trung Đông,
nước ta với một lịch sử bị xâu xé, nếu cũng như họ chắc sẽ không hơn gì, có khi
còn loạn hơn. Mà cái giúp những nước phát triển chủ yếu là do nền khoa học công
nghệ của họ phát triển chứ không phải chỉ do dân chủ. Mà đến nay cũng chưa có
một nền dân chủ nào toàn bích cả, kể cả Mỹ!
Hiện nay, trước chủ nghĩa bá quyền
Trung Quốc, với chiến lược ngoại giao đa phương, mối quan vệ với Mỹ rất quan
trọng với nước ta. Ta không phê phán Mỹ theo tư duy của thời chiến tranh lạnh
mà cần hiểu sâu sắc bản chất vấn để để rút ra những bài học bổ ích. Ta dựa vào
ngay những nhận định của chính những trí thức và chính khách của nước Mỹ.
Noam Chomsky, nhà trí thức hàng đầu
trên thế giới, đã có câu nói thành nổi tiếng: “Thực chất Mỹ là một chế độ
độc đảng, và cái đảng cầm quyền là Đảng Kinh doanh”; (Spiegel số 41/20 ngày 06.10.2008). Thẩm
Phán Tối Cao Pháp Viện Liên Bang Felix Frankfurter: “Những người thật sự cai
trị ở Washington
là vô hình, và thực thi quyền hành từ sau hậu trường”. Cựu Thống đốc,
Thượng nghị sĩ Mỹ Huey Long: " món ăn lập pháp đều được chuẩn bị trong
nhà bếp của phố Wall".
Mỹ đã nhận ra sai lầm khi thế chân
Pháp duy trì cuộc chiến ở Việt Nam.
Nhưng tại sao Mỹ vẫn tiếp tục sa lầy vào những cuộc chiến ở Afghanistan, ở Iraq, v.v…? Hóa ra chỉ vì các nhà đại
tư bản muốn chiếm các mỏ dầu lửa lớn tại Iraq chứ chẳng có vũ khí giết người
hàng loạt ở đâu cả. Paul Craig Roberts, từng là Phụ tá Thư ký Bộ Ngân khố trong
chính phủ, viết: “Washington
bị điều khiển bằng những nhóm lợi ích có quyền lực lớn, chứ không phải bằng bầu
cử”.
Vì vậy, các vị trên nhai mãi cái cục
kẹo singum “dân chủ” mà không biết mỏi miệng. Chưa có một một nền dân chủ nào
hoàn hảo cả. Vì vậy đa đảng hay độc đảng cũng không phải là vấn đề quyết định
bản chất dân chủ tốt đẹp của một xã hội. Còn Việt Nam, hiện tại kiếm người tài đức
cho một đảng còn khó thì lấy đâu ra người cho đa đảng. Xem lại sự thay đổi
chính sách, thay đổi lãnh đạo, đấu tranh nhân danh vì dân chủ như Ucraina, ta
thấy khoảng một triệu người dân đã bị kích động, đi biểu tình, thực chất chỉ là
công cụ của những nhóm quyền lực thực hiện sự đảo chính nhau. Để rồi cái mà dân
Ucraina đang được hưởng chính là sự hỗn loạn và chết chóc; còn chính phe thắng
trận thì bây giờ lại đi đấu nhau giành phần hơn chứ không phải vì người dân.
Còn những nước như Irắc, Lybi, thay đổi được thể chế, giết được lãnh tụ, có
được dân chủ rồi, nhưng dân chúng lại không biết dùng dân chủ vào việc gì nên
lại dùng nó để đánh nhau! Như vậy, xem ra VN ta quả đang là thiên đường của hòa
bình. Nên chúng ta cần gì cái thứ dân chủ hỗn loạn ấy.
Còn cái ý các vị cho là nước ta đang
có “đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết,
được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin”?
Đây một cái nhìn ấu trĩ của thời
chiến tranh lạnh. Như trước đây người ta thường nói là giọng điệu của thế lực
thù địch với chủ nghĩa Mác. Nếu nước ta đã và sẽ còn có sai lầm thì không phải
do “dựa trên Chủ nghĩa Mác Lê Nin” mà đơn giản là do trình độ mọi mặt
của chúng ta còn yếu kém. Giống như trình độ khoa học công nghệ, trình độ chính
trị, tức khả năng lãnh đạo ở các cấp của nước ta cũng còn yếu kém. Thời nay,
cần phải coi Chủ nghĩa Mác như một học thuyết chính trị, một khoa học về sự
phát triển, cần phải hiểu đúng, vận dụng đúng thì mới có được thành công. Cũng
như mọi lý thuyết khoa học đều có sẵn đó, các nhà khoa học “vẹt” của Việt Nam
đã thuộc làu làu, nhưng tại sao chúng ta vẫn không thể tạo ra được một thương
hiệu công nghệ nào có tầm cỡ thế giới. Điều đó do nhân lực của chúng ta dốt chứ
không phải do nước ta theo Chủ nghĩa Mác- Lên Nin. Ngay chuyện Liên Xô tan vỡ
cũng không phải do đi theo Chủ nghĩa Mác-Lê Nin mà ngược lại chính là do sự
phản bội Chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Chỉ có theo Chủ nghĩa - Mác Lê Nin, từ một đất
nước cồng kềnh, lạc hậu hơn nhiều so với phương Tây, Liên Xô đã phát triển, có
sức mạnh chiến thắng bọn phát-xít, trở thành siêu cường, đối trọng được với Mỹ!
Stalin từng nói: “Chúng ta lạc hậu hơn các nước tiên tiến 50 năm đến 100
năm, chúng ta phải chạy hết khoảng cách này trong 10 năm, hoặc chúng ta làm
được điều này, hoặc chúng ta bị người ta đánh ngã”. Tiếc là đất nước Liên
Xô đã thay đổi nhưng bản chất con người không thay đổi theo. Những cán bộ Xô
Viết vẫn mang nguyên trong mình dòng máu quan lại, nghĩa là thượng tầng kiến
trúc không thay đổi kịp theo hạ tầng cơ sở. Vì thế mà mâu thuẫn, mà mâu thuẫn
tất dẫn tới tan vỡ! Chỉ vậy thôi!
Nhưng sự tan vỡ không phải do thắng
lợi của “phong trào dân chủ”. Enxin với sự hậu thuẫn của “dân chủ” chiến
thắng Gooc-ba-chov, nhưng rồi chiếc bánh của chiến thắng lại không thuộc về
quần chúng mà thuộc về sự liên minh giữa giới quyền lực và Maphia. Ông Pu-tin
nói nó là “đại thảm họa địa chính trị” là vì thế!
***
Xã hội Việt Nam hiện tại
còn rất nhiều yếu kém, đã và sẽ còn những vấp ngã, nhưng phải coi là một sự tất
yếu của quá trình phát triển. Triết học Mác chỉ ra, xã hội XHCN chỉ được xây
dựng trên nền tảng của XHTB cực phát triển, trong khi nước ta xuất phát từ một
chế độ phong kiến nô lệ với cơ sở hạ tầng là nền sản xuất tiểu nông. Thật nực
cười với cái chuyện các vị đề nghị nhà nước ta từ bỏ mô hình XHCN Liên xô,
trong khi thực tế nước ta đã bỏ từ lâu rồi, đã đi theo mô hình “Kinh tế thị
trường định hướng XHCN”. Đây là một mô hình tốt vì vừa phát huy được sự
năng động của nền sản xuất tư bản vừa vẫn giữ được lý tưởng XHCN vì số đông
người lao động.
Có điều vì là một mô hình mới, giống
như một cỗ xe chạy mà các bộ phận phanh và tay lái làm chưa chuẩn nên còn va
quẹt lung tung. Đó chính là những yếu kém và tệ nạn của xã hội chúng ta hôm nay.
Đây là thực trạng không chỉ những
người chống phá mà tất cả mọi người có lương tri đếu thấy và cả những nhà lãnh
đạo cao nhất cũng thấy. Nó chính là hậu họa của lỗi hệ thống. Đất nước chúng ta
đang như một con bệnh. Cái cần nhất bây giờ là có một toa thuốc đúng để trị hết
bệnh. Còn không, một con bệnh thì không thể chỉ chữa bằng nước đường, chúng ta
không thể cứ tuyên truyền một chiều về tính ưu việt của chế độ thì đất nước sẽ
phát triển, và ngược lại, con bệnh cũng không thể khỏi với những toa thuốc độc
của những kẻ chống phá, lật đổ.
Vì thế cái quan trọng trước hết là
phải định đúng được bệnh.
Thứ nhất, Kinh tế thị trường định
hướng XHCN đã sinh ra cái tình trạng công tư nhập nhằng, lại chưa có cơ chế
giám sát phù hợp và hiệu quả. Vì thế đã sinh ra quốc nạn tham nhũng. Kết quả
chua chát là chúng ta đang làm Kinh tế thị trường lại có những dấu hiệu định
hướng TBCN chứ không phải XHCN. Chính TBT Nguyễn Phú Trọng từng nói đã có giai
cấp trong Đảng. Vậy quốc nạn tham nhũng chính là kẻ thù lớn nhất, hơn cả sự lấn
chiếm biển đảo của Trung Quốc, hơn cả “đấu tranh dân chủ” của mấy ông “chí thức
rận sĩ”, hơn tất cả các thế lực chống đối cũ và mới gộp lại.
Nền tảng cơ bản nhất của Chủ nghĩa
Mác là sự công bằng, cha ông ta cũng có câu “không sợ hàng thiếu chỉ sợ phân
phối không công bằng”. Từ các cuộc cách mạng xã hội, sự bất ổn xã hội đến
những mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn cá nhân, nguyên nhân chính đều là do cái sự
chia phần không đều ấy. Vậy trong số mấy vị lãnh đạo, ai chống được tham nhũng,
tôi tin dân Việt Nam trong “Đại hội” tới, sẽ tôn người đó lên làm vua chứ không
chỉ là Tổng Bí thư! Còn từ trước tới nay ai nói cũng hay cả nhưng làm thì hơi
bị chưa hay. Nên nói ít mà ráng làm nhiều thì hay hơn. Được vậy thì đến kẻ thù
của XHCN cũng sẽ phải mê XHCN mất thôi!
Thứ hai là sự minh bạch. Minh bạch
chính là ánh sáng làm lộ nguyên hình từ con người dên các ngõ ngách dẫn đến
tham nhũng. Chúng ta cũng đã nói quá hay về minh bạch nhưng làm cũng rất dở.
Phải chăng những chỗ có ăn thì chẳng ai thực tâm muốn minh bạch cả!
Vậy cái gì đã dẫn tới những lỗi hệ
thống ấy?
Thứ nhất theo tôi chúng ta đã sai
khi lặp lại những bước đi mà trong kháng chiến đã dẫn cách mạng nước ta đến
thắng lợi. Chúng ta vẫn dùng các khẩu hiệu cũ, kêu gọi mọi người quên mình vì
dân vì nước. Nhưng thời chiến tranh không có gì để tranh nhau, trước vấn đề còn
mất, sống chết, tất cả mọi mặt của cuộc sống đều trở thành nhỏ bé, người ta rất
dễ quên mình vì nghĩa lớn, nhiều lãnh tụ có phẩm chất thánh nhân, nhiều chiến
sĩ có phẩm chất anh hùng là điều hoàn toàn có thực. Cuộc sống trong hòa bình ngược
lại. Trước cái chết con người mạnh mẽ bao nhiêu thì trước sức mạnh vật chất con
người lại yếu đuối bấy nhiêu! Nguyễn Trung thời còn “phản biện tích cực”
viết, để đất nước phát triển “Chỉ cần Đảng đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân
tộc lên trên hết”. Theo tôi đó là một thói quen hô khẩu hiệu. Cả nền chính
trị của chúng ta cũng thường nói ra cái mục tiêu rất hay nhưng cái cần là những
biện pháp, những quy trình để đạt được những mục tiêu ấy thì rất dở. Tôi đã
viết ý của Nguyễn Trung nói trên chỉ là nói suông, chính là duy tâm chủ quan
ngược với triết học Mác “Vật chất quyết định ý thức”. Vậy cái cần làm
trước hết là làm sao quan chức của đảng có thể thực hiện thoải mái việc “đặt
lợi ích quốc gia lên trên hết” mà không phải gồng mình ép xác như những ông
thánh mới có thể thực hiện được. Phải có biện pháp sao đó để
biến tất cả những đồng tiền “đen” thành đồng lương chân chính. Người ta không cần phải tham nhũng
cũng sống tốt, và hơn thế, làm sao có cơ chế giám sát, người ta có muốn tham
nhũng cũng không được!
Cần phải xây dựng
thiết chế xã hội dựa trên cái phần yếu kém, tham lam, xấu xa của con người; phải
thấy người ta vì
mình trước mới vì mọi người; quan chức tất phải có đặc quyền, đặc lợi nhưng phải gánh vác tốt trọng
trách và phải minh bạch, không được phạm
luật. Cần phải phân biệt đạo đức xã hội khác với đạo đức trong đạo
giáo và sách luân lý, không cần hô khẩu hiệu cao xa mà chỉ đơn giản là ai làm
tròn trách nhiệm nấy.
Đó chính là những điều cần cho đất
nước chúng ta hôm nay chứ không phải là những khẩu hiệu mong Đảng trong sạch
vững mạnh, hoặc ngược lại, đòi “lật” Đảng!
18-8-2014
ĐÔNG LA