Tôi tham gia nhiều lĩnh vực, có những lĩnh
vực như khoa học, triết học, lý luận văn học là rất khó hiểu với đa số mọi người,
nhưng tôi lại viết ra rất dễ dàng, muốn viết lúc nào cũng được, chỉ tốn công,
tốn sức thôi. Cái khó nhất với tôi chính là làm thơ. Tôi làm thơ đủ loại, không
câu nệ hình thức, ngắn dài, vần vèo mà cái quan tâm chính là nội dung muốn biểu
đạt, như thơ tình, thơ thế sự, và khó nhất là thơ triết lý. Với con mắt một
nhà phê bình thì sáng tạo được một cấu tứ có thể hàm chứa những điều sâu sắc,
khái quát những vấn đề lớn lao là rất khó. Việc sáng tạo ra những câu thơ với
những hình ảnh được biểu đạt theo kiểu của riêng mình cũng là khó. Nhiều người
mang danh nhà thơ rồi nhưng đa số chỉ xào xáo lại những tình cảm, những hình
ảnh mòn cũ, hỏi họ có ý gì độc đáo họ cũng không thể tự nói ra được. Nhưng nếu
ai hỏi tôi thì tôi có thể nói. Như để biểu đạt sự mất mát của cả cuộc chiến thì chỉ
cần hai câu trong bài Sau chiến tranh
là cũng có thể: “Con bỗng giật mình
thấy nhăn nheo giọt nước mắt/ Có già nửa phần buồn và non nửa phần vui”.
Còn cách diễn đạt, với hai câu sau thì tôi tự tin là toàn bộ lịch sử ngôn ngữ loài người chỉ tôi viết như thế này mà thôi: “Anh
xa em gần nửa vòng trái đất/ Nỗi nhớ cũng cong theo dáng Địa Cầu”. Làm thơ khó với tôi là vì thế. Nó như một quá trình hoài thai, sinh nở, mà xúc
cảm chính là động lực mạnh nhất, còn không thì đầu óc cứ trơ ra, cố viết thì chữ
nghĩa cứ như đá, như cuội mà thôi. Nhưng có một oái oăm là làm thơ khó và khổ
thế nhưng người ta lại ít đồng cảm với thơ nhất. Có thời tôi thấy tập thơ của
một nhà thơ đoạt giải Nobel nổi tiếng thế giới, in có 200 cuốn mà bán mãi không
hết, cứ thấy nằm hoài trên giá của hiệu sách. Thật khó trách độc giả bởi vì
chính bản thân tôi đây cũng rất ít đọc thơ của người khác. Thế đấy!
|