Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

TRẦN ĐỨC THẢO TRONG ĐÈN CÙ CỦA TRẦN ĐĨNH



TRẦN ĐỨC THẢO
TRONG ĐÈN CÙ CỦA TRẦN ĐĨNH


GS Trần Đức Thảo (1917-1993), Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội (lĩnh vực triết học, năm 2000), được Trần Đĩnh miêu tả trong cuốn Đèn cù như sau:
Một  sáng đến  Đào  Duy  Anh  xong,  tôi  sang  Thảo  theo  hẹn.  Hai  anh chiếm hai đầu cái hành lang chạy hết chiều ngang tầng ba toà nhà B6 Kim Liên. Tôi gõ cửa. Nghe ngóng. Lại gõ. Cứ im… Đào Duy Anh vẫn chờ ở cửa buồng anh lúc ấy gọi tôi bảo: - Xướng danh lên!  Tôi  xướng  danh  rồi nhờ  có Anh  chứng  kiến nên  tôi  ghé mắt nhìn qua khe ván cửa.        Trong  kia,  cách  chừng  ba  bước,  Thảo  đang  đứng  lom khom nhìn ra cửa, hai tay hơi giơ lên nửa như muốn mở nửa như thủ thân… Thảo dắt tôi bước lên sách báo ngổn ngang ra đầu hồi chỉ xuống bãi đất bên dưới: - Chúng nó đấy. -Anh thì thào.  Một lũ trẻ đang đánh bi ở đó. 
…Nhân  chuyện  hoang  tưởng  của  Thảo,  tôi  nói  tới  hoang tưởng của Nguyễn Sáng. Nói vì cả hai đều tiêu biểu được cho bệnh cá khủng, - chuyên thấy mình bị công an đe dọa”.
Như vậy, Trần Đĩnh cho Trần Đức Thảo mắc bệnh hoang tưởng.

            Đặc biệt, trong Đèn cù, Trần Đĩnh còn kể chuyện một lần Trần Đức Thảo được cố Tổng Bí thư Lê Duẩn mời đến hỏi ý kiến:
          Trần Đức Thảo, nhà triết học bị về vườn vì Nhân văn - Giai phẩm, một hôm bỗng được Nguyễn Đức Bình, thư ký của Lê Duẩn đánh xe đến đón lên gặp tổng bí thư. Xảy ra một  chuyện không  ai nghĩ ra nổi. Chính Thảo  kể nó cho Phan Thế Vấn, Gia Lộc trước rồi sau cho tôi nghe.  Phòng  khách  nhà  8  Hoàng  Diệu,  chỉ  ba  người:  chủ  nhà Duẩn, Bình  và Thảo. Bình  vào đầu nói hôm nay  tổng bí  thư mời giáo sư đến để nghe tổng bí thư trình bày một đề cương về vấn đề con người rồi sau đó xin mời giáo sư góp ý kiến… Duẩn nói hết, Bình lên tiếng: - Tổng bí thư đã nói xong, xin giáo sư góp ý kiến. Ngơ ngác một lát, Thảo nói: - Tôi không hiểu gì cả.  Thảo vừa dứt  lời, thoắt một cái rất nhanh Duẩn đã nhào đến đằng sau anh, quàng hai  tay  vào ngực anh rồi  liên  tiếp xốc  lên  dội  xuống  anh mấy  đận,  đoạn  buông  thịch một cái xuống, bỏ vào trong nhà. Bình nhăn nhó đến trước Thảo trách: - Tổng bí thư nói mà lại bảo không hiểu gì cả thì lạ thật! Rồi cũng bỏ vào theo chủ nhân  nốt.  Lớ  xớ  tìm mãi  không  thấy  lối  ra,  cuối  cùng Thảo đành nhờ gia nhân nhà dưới chỉ cho đâu là cổng.
…Tôi đùa bảo Thảo: -Thật đúng là được hôm vua vời ôm bế thì gặp phải ngày thất kinh. May mà vua nói vấn đề con người chứ nếu nói vấn đề con vật thì không biết hôm ấy anh sẽ còn  lạc đến tận đâu. 
          Thảo tủm tỉm cười. 
 Vấn đã hỏi Thảo: - Tại sao anh không hiểu?
- Khái niệm không chuẩn gì cả. 
          - Duẩn là Mác-xít cơ mà?          
- Ở ta chỉ có Trường Chinh hiểu được chủ nghĩa Mác chứ Duẩn thì không.
Thảo lắc đầu quầy quậy”.
Nếu quả đúng như vậy thì Trần Đức Thảo cũng không hay ho gì, chỉ là một người gàn dở, bất cần, bất chấp, cao ngạo và khinh mạn. Với phép xử thế thông thường không ai ứng xử như vậy, bởi qua cả một quá trình hoạt động cách mạng để rồi có một vị trí tối cao, Lê Duẩn không thể là một người bình thường. Việc ông mời Trần Đức Thảo đến để góp ý là một sự trọng thị và rất có văn hóa, Trần Đức Thảo đối lại như vậy là thiếu văn hóa. Lê Duẩn không phải là một nhà triết học, có thể ông không hiểu chính xác các khái niệm, các thuật ngữ như những “con mọt sách”, nhưng không thể vì thế mà coi thường ông. Trong truyện Tam Quốc có chuyện Gia Cát Lượng sang Đông Ngô, lũ học giả xúm lại mang chuyện sách vở ra thử tài ông, ông trả lời là đã đọc hết cả nhưng chỉ cần nắm những ý chính. Thực ra đó là câu mắng khéo của ông mắng một lũ mọt sách, hữu danh vô thực, ý ông một học giả có tài là phải hiểu và vận dụng được sách vở vào trong đời sống, chứ không phải là chuyện thuộc bài để khoe khoang. Như Chế Lan Viên viết phê bình lý luận có thể không thuộc nhiều trường phái như mấy ông giáo sư, nhưng bản thân phong cách sáng tác của Chế Lan Viên chính là lý luận để cho các ông giáo sư nghiên cứu. Với Lê Duẩn cũng vậy, ông là một nhà cách mạng, một lãnh tụ, sự thành công hay thất bại trong sự nghiệp của ông chính là đối tượng nghiên cứu của các học giả. Còn mang khuôn mẫu có sẵn ra đo rồi xổ toẹt tất cả thì chính là sự phản tiến bộ, là cột sự phát triển đứng yên một chỗ, theo ngôn ngữ triết học học là siêu hình, là phản biện chứng.
Có điều Trần Đĩnh nói thật hay xạo, hoặc dù có thật nhưng liệu có hiểu đúng bản chất của câu chuyện không? Thực tế luôn có điều, cùng một chuyện nhưng lại có những cách hiểu ngược nhau, dẫn đến việc diễn tả khác nhau.
Như trong chuyện này thì tôi tin Trần Đĩnh hoàn toàn không hiểu bản chất vấn đề, không hiểu chính Trần Đức Thảo:
Liên Xô đang đổi mới mạnh. Quá khứ  tội  lỗi đen ngòm hiện hết  ra. Chống  im lặng đáng sợ của Nguyễn Văn Linh là một kiểu Việt Nam hoá khẩu hiệu glasnost - minh bạch…  Thảo nói sẽ phê phán chủ nghĩa Stalin, nó làm hại phong trào cộng sản vì nó xuyên tạc chủ nghĩa Marx… Anh  cũng  phải  phê  phán  chủ  nghĩa  xét  lại.  Vì Khroutchev,  cả  Gorbachov    các  anh  nữa  đều    tàn  dư Stalin.  Tôi hơi tự ái. Mình bị nện đau bỏ bà đi mà ông bạn lại bảo là còn nặng chủ nghĩa Stalin! Tôi nói: - Được, cho rằng bọn tôi còn chủ nghĩa Stalin, được,  thế nhưng  tôi hỏi anh, chúng  tôi có    nạn  nhân kinh hoàng của đàn áp kiểu Stalin và Mao không? Thứ hai, chúng tôi đã có ngày nào cầm quyền mà gây hại chưa? Cho chúng tôi vào một giọ với Xít, Mao, Lê Duẩn thì e anh khó mà được người ta tán thành. Thảo im”.
Viết vậy chứng tỏ Trần Đĩnh đến tận hôm nay vẫn không hiểu ông bị khốn nạn vì ông chống lại đường lối của Đảng, chống lại con đường dùng bạo lực cách mạng đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, chứ hoàn toàn không phải là chuyện ông theo liên Xô hay chống Trung Quốc! Thực tế đã cho thấy ta chống tất cả những gì ngăn cản ta đấu tranh thống nhất đất nước và ta theo, ta thanh thủ, ta lợi dụng, thân thiện với tất cả những ai ủng hộ, giúp đỡ ta thực hiện mục tiêu đó. Vì thế “đám” người như Trần Đĩnh vì cố chấp, thiển cận, nói toạc ra là vì dốt, không hiểu được bản chất vấn đề, đã thân làm tội đời mà thôi!
Với chuyện Trần Đức Thảo phê phán xét lại, sau khi nghe Trần Đĩnh “cãi”, ông đã “im”, không phải ông im lặng là đồng ý như ý Trần Đĩnh mà thực chất là ông không không chấp Trần Đĩnh. Ông quá hiểu Trần Đĩnh không hiểu triết học nên có nói thì cũng “đàn gảy tai trâu” thôi, nên ông đã “im”. Bởi như trên ông nói chuyện ở cấp độ triết học nhưng Trần Đĩnh lại mang chuyện hình sự ra phân bua thì còn nói được gì.
Cả Trần Đức Thảo, cả Đèn cù của Trần Đĩnh còn nhiều điều cần phải bàn cho rõ nữa, nếu có hứng thì tôi còn viết nhiều nữa.
18-9-2014
ĐÔNG LA