Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

NHỚ TRẦN MẠNH HẢO


            Nhớ Chế Lan Viên tôi không thể không nhớ Trần Mạnh Hảo, nhất là TMH mới kể chuyện nhờ tài bắt chấy lấy gạo, cắn máu đỏ cả mồm, mới cứu được gia đình thoát khỏi Cải cách ruộng đất. Còn nhà tôi hồi ấy nghèo không bị đấu tố. Cha tôi đi bộ đội. Còn ông nội lẽ ra ở quê sẽ đi đấu tố địa chủ, nhưng một lần đến thăm nhà thờ họ, đồng thời cũng là nhà ở của ông Sơ trưởng họ, bà Ầm là mẹ ông Sơ, bằng vai cha tôi, nói cho tôi biết: “Hồi Cải cách, không có ông cụ nhà anh (ông nội tôi) bảo vệ thì người ta phá cái nhà thờ này chia nhau rồi!”.
        Còn về thơ thì hồi ấy đến với “chú Chế” thấy TMH là số “nhà thơ trẻ” hiếm hoi được ông khen. Với người mới viết như tôi thì những lời của ông như là giáo lý vậy. Đến bây giờ thì ai nghe tôi thì nghe chứ tôi không cần phải nghe ai nữa. Chính hồi ấy CLV đã bảo tôi đến chơi với TMH, ông muốn những người ông thích chơi với nhau, như ông cũng bảo anh Nguyễn Thái Sơn đến chơi với tôi vậy.
            Tiếc là với tôi ngoài năng khiếu văn chương, tri thức của TMH chỉ là con số không, nhưng những ngày hôm nay TMH lại dựa vào đủ thứ lý lẽ, về triết học, về lịch sử, về lý luận văn chương,…, để chống chế độ một cách điên cuồng. Bài này mới viết hôm nào mà đã một năm rồi, nay nhớ “anh Hảo” thì lại đăng lại.

ĐÔNG LA
NHỚ TRẦN MẠNH HẢO
Trong bài XIN ÔNG ĐÔNG LA BỎ THÓI VU CÁO CHÍNH TRỊ HÈN HẠ đang lan truyền trên mạng, TMH viết:
 “Mới ca ngợi TMH hết lời, nay ĐL đã chửi bới TMH hết lời. Ai dám bảo đảm mai mốt Đông La sẽ không chửi đảng cộng sản VN hết lời, dù hôm nay ông này đang ca ngợi, bốc thơm “đảng ta” nhất nước?”.
Cái chuyện xảy ra từ tận năm 1988 mà TMH nói là “mới” chứng tỏ cái lối viết TMH thường dùng là bất chấp tất cả để đạt mục đích. Hồi ấy tôi vẫn còn đang chập chững, dù đã bước qua cái ngưỡng cửa của đền đài văn chương, đã được nếm và say cái mùi vị vinh quang của nó, khi đã quen được cả Chế Lan Viên, đã được ông trao giải trong một cuộc thi thơ, còn được ông đứng tên giới thiệu vào HNVTPHCM nữa. Sau đây là vài bút tích của “ông Chế” để chứng tỏ với “anh Hảo” là tôi không xạo:
 
Tôi có nhớ là có làm thơ tặng TMH, không chỉ 1 mà vài bài cơ, nhưng làm như thế nào ? Viết về cái gì? thì không nhớ. Nay “anh” Hảo đã cho biết cụ thể: “Năm 1988, ông Đông La từng đến nhà chúng tôi, viết vào sổ tay tôi mấy câu thơ ca ngợi tôi”.

            Thì ra trong một phút bốc đồng, chắc có xỉn nữa, tôi đã ca ngợi TMH là “nhà thơ lớn trong lịch sử dân tộc”. Tính tôi ít khen ai, nhưng hứng lên thì cũng tán kinh khủng khiếp, như mấy câu thơ từng cưa đổ bà xã tôi chẳng hạn:
Có phải em như một vì sao khuya?
Rải chi chít những hạt vàng óng ánh
Anh là ngọn cỏ dưới gốc cây giá lạnh
Có thấy không sao ở nơi chín tầng trời!
Ca ngợi một cô gái chưa quen là một vì sao ở tận chín tầng trời quả là ghê gớm thật! Có thể mới lấy được vợ chứ!
Có điều tâm trạng này là thật nên tôi luôn nhớ như in và đã nhiều lần công bố. Tôi từng viết văn chương không giúp ích gì nhưng lại là cuộc đời tôi, nó đã bắc cầu giúp vợ chồng tôi nên vợ nên chồng, và những đứa con của chúng tôi như được sinh ra từ chính thơ ca!
Còn bài về TMH, viết xong tôi đã quên luôn. Tôi cũng từng viết tặng Chế Lan Viên, tôi coi ông như trong truyện cổ tích, nghĩa là thần thánh cơ. Nhưng vì viết nghiêm túc, tôi đã giữ gìn cẩn thận, từng đọc cho ông và mọi người nghe trong buổi ông nói chuyện ở FAHASA, còn in vào tập Đêm thiêng nữa. Tập thơ được in cũng chính vào năm 1988, năm tôi viết bài thơ tặng TMH, nhưng tôi đã không in bài thơ đó, nghĩa là tôi đã coi bài thơ đó không nghiêm túc, chỉ là những câu nịnh đầm, giỡn chơi trong lúc say rượu để làm vui lòng “đại ca” mà thôi. Thật tội nghiệp cho “anh” Hảo, mấy câu tôi coi không ra gì, mà sau bao vật đổi sao dời, bãi bể nương dâu, “anh” vẫn nâng niu gìn giữ. Hôm nay còn công bố bút tích, coi trọng như bút tích của một danh nhân, làm tôi xúc động quá! Xin thành thật cảm ơn “đại ca”!
Bài thơ đó đúng là thể hiện cái bản tính của tôi, yêu quý ai thì yêu quý hết lòng, yêu ra mặt, còn sẵn sàng “chiến đấu” để bảo vệ họ trước những sự công kích nữa. Người đầu tiên tôi bảo vệ chính là bác Đoàn Hữu Sử, Viện trưởng Viện Công nghiệp Dược, nơi xin tôi về sau khi tốt nghiệp đại học. Để giành quyền lực, có một thế lực đã lập mưu hại ông, sẵn sàng đập chết một viện nghiên cứu để đẩy ông về hưu. Tôi đã viết truyện ngắn đầu tiên  Chuyện về hai người,  rồi truyện thứ 2 Lễ tưởng niệm (truyện Nguyễn Khải bảo cả đời người viết may ra viết được vài cái như thế) để bảo vệ danh dự cho ông khi ông đã về hưu, và chống lại những người đang “nắm đầu mình”. Chính những truyện ấy đã từng làm cuộc đời tôi khốn khổ. Tiếp theo tôi đã viết để bảo vệ cô Anh Thơ khi cuốn Từ bến Sông Thương của cô bị “đánh” bởi bà Bùi Bội Tỉnh. Đặc biệt tôi viết nhiều nhất là về văn thơ của Nguyễn Quang Thiều, rồi việc bảo vệ ông PGS triết Lê Trọng Ân, ông “nghị”  Hoàng Hữu Phước và những ngày hôm nay chính là “cô cháu” Hoàng Thị Nhật Lệ!
Đọc bài thơ tôi viết tặng anh Hảo, tôi thấy thật tiếc cho anh. Hồi ấy anh thật đẹp. Hồi ấy tôi không đọc mà chủ yếu chỉ nghe anh đọc, nên đã bị giọng của anh cuốn vào những bài thơ trong các tập Mặt trời trong lòng đất; Đất nước hình tia chớp, v.v… Nên thực sự tôi mới chỉ cảm chứ chưa nhận đúng về thơ TMH. Sau này trưởng thành hơn, đọc trực tiếp, tôi hiểu đúng hơn. Bài thơ tôi làm đó cũng làm tôi xúc động, nó gợi nhớ về cả một trời kỷ niệm, về cái thời nghèo khổ nhưng trong sáng, đầy lãng mạn, đầy mộng mơ. Bài thơ cũng lại nhắc tôi nhớ về người “cha” của mình, Nhà thơ lớn Chế Lan Viên, người đã được đặt tên đường và được giải thưởng cao quý, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Với tôi, ông luôn làm tôi bất ngờ, ông luôn quan tâm và yêu quý tôi quá liều, có thể cô Vàng Anh không biết, nhưng những việc cụ thể đã chứng tỏ điều đó. Như tôi nhờ ông xem thơ thôi thì ông lại cho giải; là người mới viết sao dám tơ tưởng danh phận nhà văn, ông lại bảo: “Để tôi bảo thằng Nguyễn Quang Sáng nó ghi tên vào Hội”; v.v…; và đặc biệt ông muốn những người ông quý chơi với tôi (ông bảo anh Nguyễn Thái Sơn đến gặp tôi) và trong một lần ông bảo, muốn viết lên tay cũng như phải đá trong đội bóng giỏi mới lên chân, ông muốn tôi đi gặp Trần Mạnh Hảo. Tôi đã nghe lời ông, và vì thế, mới có chuyện hôm nay!
Trần Mạnh Hảo hồi ấy như siêu sao, tôi còn bỡ ngỡ hỏi sao không mừng khi Chế Lan Viên nói vậy. Tôi đã đến ngay khu chung cư văn nghệ sĩ 190, Nam kỳ Khởi Nghĩa. Tính tôi vốn hay lý tưởng hóa vấn đề, lần đầu gặp Chế Lan Viên tôi coi ông như trong truyện cổ tích; lần đầu đi gặp Nguyễn Khải tôi xé tờ lịch ghi: “Hôm nay đi gặp Nhà văn lớn Nguyễn Khải”. Hồi ấy mới viết, như cây con, ai tôi thấy cũng lớn cả: Từ Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy… đến “anh” Trần Mạnh Hảo. Hơn nữa khi gặp “anh”, Trần Mạnh Hảo rất có sức cuốn hút, luôn nổi trội giữa đám đông, hoạt ngôn, oang oang, có năng khiếu dẫn dắt sự chú ý của người nghe. Hỏi như vậy thì một thằng mà ở cơ quan người ta hay gọi tôi là “thằng hâm” sao mà không múa bút làm thơ tặng thần tượng của mình!
dongla
Vậy mà hôm nay, đúng là vật đổi sao dời, TMH lại công bố cái bài thơ tôi tặng anh để “chơi” tôi! Có điều đây đúng là hành động ngây ngô của thằng trẻ con, chính anh sẽ bị “gậy ông đập lưng ông” thôi. Bởi nếu anh không phản tùm lum thì sao tôi lại phản anh? Vợ anh, chị Kim Chi, một giáo viên người Huế, mỏng manh yếu đuối, thủy chung son sắt thế, anh còn phản được, thì cái chuyện tôi phản anh có là cái “đinh” gì!
Trước nay viết về anh, tôi chỉ viết về cái chung, cố không viết về cái riêng, dù khi anh rao giảng đạo lý thì vạch nó ra là cần thiết.  Nhưng tôi vẫn không viết, vẫn muốn giữ cho anh. Giờ anh lại mang việc tôi làm thơ tặng anh, một chuyện riêng, để bêu xấu tôi, thì tôi còn gì mà phải giữ cho anh nữa!
Quả thực, với tình chung tôi ghét anh như chó, nhưng với tình riêng tôi vẫn có phần quý anh. Tôi vẫn nhớ tối cùng Ung Ngọc Trí (con Ung Ngọc Ky, cháu Ung Văn Khiêm, đã mất lâu rồi) được chị Chi thết đãi món canh chua nấu cá biển với dọc mùng, đậu đũa… theo kiểu miền Nam. Vẫn nhớ thằng nhỏ nhà anh gầy yếu, cao lêu đêu, mà anh bảo nó có biệt tài chơi với kiến. Nên đến khi nghe người ta bảo anh đã bỏ vợ yếu, con đau với lý do “không thỏa mãn tình dục” để đi lấy bà Giáng Tiên buôn thuốc Tây nhiều tiền thì tôi không sao kìm được sự tức giận. Sao mà anh lại có thể bất nhân đến thế! Tôi đã nghe người ta làm thơ về chuyện này, chỉ nhớ được câu cuối: “Giáng Tiên đành chịu giáng tiền đành ưng”. Tôi cũng làm thơ, từng làm tặng anh rồi nên hôm nay cũng có thể làm hai câu này tặng anh nữa:
Bỏ Kim Chi lấy Giáng Tiên
Tiên đâu chẳng thấy nhưng tiền thì ưng
***
Còn việc TMH nói leo theo thằng NGƯỜI BUÔN GIÓ cho: “Nhà văn Đông La kể công xin tiền Tô Huy Rứa”?
 Thực sự tôi luôn viết như thực hiện một sứ mệnh đúng như Pautovxki từng viết: “tiếng gọi của trái tim. Tiếng gọi của lương tâm và lòng tin ở tương lai không cho phép nhà văn đích thực sống trên trái đất như một bông hoa điếc và không truyền đạt hết mình cho đồng loại tất cả cái phong phú của tư tưởng và tình cảm đang tràn ngập chính tâm hồn mình.
Tôi từng viết bài Các Mác-một tình yêu bao la, gởi các báo trong nước không báo nào đăng, phải đăng trên Talawas; tôi cũng đã phê phán Bùi Tín trên talawas, phê phán Dương Thu Hương trên Đàn Chim Việt, một hành động giống như một mình vào hang hùm, nọc rắn vậy. Vậy tôi viết chỉ vì tức khí mà viết chứ THR nào cho tiền khi ấy. Còn bọn sâu bọ, rắn rết bảo tôi viết để bảo vệ quyền lợi gắn với chế độ thì còn ngu hơn cả ngu nữa. Gia đình tôi, hiện con trai sống ở nước ngoài, con gái làm công ty nước ngoài, tôi làm ngoài, hàng tháng vẫn phải đóng thuế, chỉ có mỗi bà vợ thuộc “nguỵ quân nguỵ quyền” thì lại là công chức, hưởng lương hưu của giáo viên. Nhưng hưu mấy triệu bạc so với lương thằng con hơn trăm triệu tháng thì có là gì?
Tôi từng viết không vì bổng lộc mà còn viết ngay cả khi là nạn nhân của những gì còn chưa hoàn thiện của chế độ này. Bọn sâu, bọ rắn rết thường comment cho tôi là “thần quynh” khi luôn tự cho mình là “giỏi nhất VN”. Nhưng thực sự tôi lại tự hào mình là người biết chấp nhận thất bại chứ không phải vậy. Con người đón nhận thành công dễ bao nhiêu thì chấp nhận thất bại khó bấy nhiêu. Vậy chính biết chấp nhận thất bại, biết vượt qua nó, con người mới chứng tỏ được bản lĩnh và sự ứng xử văn minh của mình. Nước Đức là như vậy. Nước Mỹ cũng vậy, đã chấp nhận thua VN và đã bình thường hóa. Có đâu bị “nốc ao” rồi, bị vật cho ngửa bụng, lấm lưng rồi, vẫn còn không chịu thua, mãi tự giam mình trong thù hận. Năm 1990 tôi từng bị bà Đoàn Hồng Đào (em ruột thứ trưởng Đoàn Thuý Ba, giờ thằng San “hô” cho biết từng là “bồ” ông VVK) mới lên viện trưởng, giật khỏi tay tôi cái đề tài chiết xuất thuốc chống ung thư. Nếu tôi cố chấp đi kiện bằng được, tôi sẽ thắng, nhưng sẽ phải tiêu tốn cả cuộc đời mất, rồi ai sẽ nuôi vợ con? Chính vậy tôi cáu có mấy ngày thôi, rồi cho đó là hậu quả tất nhiên của “trình độ xã hội”, của “lỗi hệ thống”, nên không có ngu mà đi rân trủ chống Đảng! Nhưng quả Trời có mắt. Thì ra tôi hợp với Kinh tế thị trường hơn, tôi từng có năm làm bằng cả một đời công chức cộng lại. 
(Nhà cũ, bán mất tiêu rồi)
Có vậy mới xây được nhà, mới cho con đi du học, không đại gia nhưng cũng “đủ sống sung sướng”! Có điều trí tuệ không chia đều cho mọi người, nên tôi vẫn ủng hộ chủ nghĩa xã hội, cái chủ nghĩa vì số đông, quan tâm đến những người kém may mắn, thiệt thòi.
Vậy TMH cho tôi “kể công” để “xin tiền Tô Huy Rứa” là sự xuyên tạc, vu cáo, suy bụng ta ra bụng người một cách hèn hạ!
Có điều theo Triết học Mác “Vật chất quyết định ý thức”. Nếu Đảng thấy tôi viết có ích, Đảng trả công tôi, tôi không từ chối. Giờ với tôi tiêu pha không đáng, đến món khoái khẩu là bia uống mỗi bữa tôi cũng hạn chế tối đa vì cái bụng cứ phệ ra, mà tôi khoái có tiền là để in sách, cũng lại là để bảo vệ Đảng thôi. Còn nếu Đảng trả nhiều quá xài không hết tôi sẽ đi làm từ thiện. Thực ra tôi chỉ cần Đảng như bất cứ một công dân nào cần sống một cuộc sống trên một đất nước ổn định và phát triển. Còn chỉ vì nhà cửa, lương bổng thì hiện tại, Đảng có cần tôi thì cần chứ tôi không cần Đảng! Vậy TMH công bố bài thơ để chia rẽ Đảng với tôi thì đúng là ra một đòn hiểm nhưng chỉ đánh được vào không khí mà thôi!
Còn chuyện TMH mách Đảng là tôi đã phản Hảo thì rất có thể sẽ phản Đảng?
Tất cả các câu chữ từ trước đến nay của tôi đều liên hoàn, thống nhất, luôn dựa trên cơ sở của tri thức và đạo lý, nên không bao giờ có chuyện tôi phản Đảng. Một Đảng đã đưa nước ta từ kiếp nô lệ đến được những ngày như hôm nay. Một Đảng trong chớp mắt của lịch sử đã lãnh đạo dân ta đánh thắng đến 4 cuộc xâm lược, đã khiến tướng Pháp phải tự hào khi được thua trận trước QĐNDVN, đã khiến siêu cường Mỹ phải thua trên bầu trời Hà Nội, không chỉ đối đầu sắt thép mà là chiến tranh điện tử! Một đất nước khiến các tổng thống nước cựu thù là Mỹ đã cho là “ở trong trái tim tôi” (Clinton) hoặc là “bạn” (Bush)! Một Đảng như vậy thì phản làm gì?
Nếu tôi có phản thì chỉ là phản cái Đảng lưu manh của những người như Mạnh Hảo, Chu Hảo, Huệ Chi, Tương Lai, Đằng , Lập, Nguyên v.v… mà thôi! Chỉ buồn là có không ít kẻ như vậy hiện vẫn đang núp trong Đảng để đục khoét, chỉ đến khi hưu mới dám lộ diện như cái lũ chấy rận bây giờ!
 Nhưng tôi tin ánh sáng sẽ chiến thắng bóng tối. Lực lượng tiến bộ sẽ thấy cần phải quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn cái xấu, còn bọn xấu cũng cần phải tỉnh táo suy xét mà dừng lại, vì nếu xã hội sụp đổ thì khốn nạn tất chứ đâu có riêng ai, như thời loạn 12 sứ quân, thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, thời trước 75! Bài học lịch sử vẫn còn nguyên đó!
TPHCM
28-9-2013
ĐÔNG LA