ĐÔNG LA
MỘT VIỆC TÔN VINH
DỰA TRÊN SAI LẦM LỚN CỦA SỰ
ĐỔI MỚI
NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
Đó
là việc ông Đặng Phước Thành xây nhà thờ họ, nhiều tiền xây luôn công trình Nam
phương Linh Từ ở Xã Long Hưng, Huyện Lấp Vò, Tỉnh Đồng Tháp, là nhà thờ những
người mà ông ta cho là có công khai mở, giữ gìn và làm rạng danh vùng đất
phương Nam của Tổ quốc. Nếu chỉ khuôn trong phạm vi gia đình thì việc ông thờ
phụng, tôn sùng ai không quan trọng. Vấn đề e ngại ở chỗ ông Thành còn xây dựng
cả viện bảo tàng, có cả sân đỗ máy bay và bãi đậu ô tô, muốn biến khu thờ tự
này thành khu du lịch. Vì vậy việc ông tôn vinh các nhân vật không còn là việc
riêng của cá nhân mà tác động đến nhận thức của công chúng, nhất là, như lời
giới thiệu công trình, để cho: “học sinh,
sinh viên và thế hệ trẻ tìm hiểu, nghiên cứu và học tập”. Điều đặc biệt là
để giúp cho ông Thành lựa chọn các nhân vật để thờ phụng, tôn vinh chính là Tạp
chí Xưa & Nay. Tạp chí này đã tổ
chức tọa đàm, mời “các nhà khoa học”
tham gia Hội đồng xét chọn, trong đó “Nhà
Sử học Dương Trung Quốc là cố vấn”, đã chọn ra 125 nhân vật, trong đó
Nguyễn Ánh được đặt ngang hàng với Nguyễn Huệ!
Tạp
chí Xưa & Nay vốn là cơ quan của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam . Ông Dương
Trung Quốc lại là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa
& Nay. Phải chăng việc đặt ngang hàng Nguyễn Ánh với Nguyễn Huệ đã dựa trên
cơ sở kết quả của cuộc Hội thảo quốc gia do Hội KHLSVN tổ chức về "Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX" đã diễn ra tại
Thanh Hóa ngày 18/10/2008 mà một số người cho là “những nhận định công bằng, khách quan dựa trên sự thật lịch sử”, là
“sự đột phá trong nhận thức về các chúa
Nguyễn và vương triều Nguyễn”. Vậy để hiểu được bản chất vấn đề cào bằng
trên cần phải tìm hiểu tận gốc sự việc, đó chính là cuộc hội thảo nói trên.
***
Trong
lời khai mạc cuộc hội thảo đó, ông GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLS VN, cho
rằng từng có thái độ phê phán gay gắt Nhà Nguyễn là “có nguyên do sâu xa”:
Thứ nhất là do “trong bối cảnh chính trị của đất nước thời bấy giờ”, “thời kỳ cả dân tộc đang tiến hành cuộc chiến
tranh vô cùng ác liệt hoàn thành nhiệm vụ giải phóng đất nước, thống nhất tổ
quốc. Trong thời kỳ đó, độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia là mục tiêu cao
cả, có ý nghĩa thiêng liêng của cuộc chiến đấu. Vì vậy khi nhìn lại lịch sử,
bất cứ hành động nào xúc phạm hay đi ngược lại độc lập và thống nhất đều bị phê
phán”.
Như
vậy theo ông GS, chỉ trong thời chiến tranh “hành động nào xúc phạm hay đi ngược lại độc lập và thống nhất” mới đáng
bị phê phán còn thời hòa bình thì không. Nói như vậy có khác gì cho việc Trung
Quốc xâm lấn biển đảo của ta trong những ngày hôm nay và nếu những người có
trọng trách lại dâng đất cho Trung Quôc trong những ngày hôm nay sẽ là chuyện bình
thường, không bị phê phán. Hoàn toàn không phải vậy, dù thời chiến hay thời
bình thì “hành động nào xúc phạm hay đi
ngược lại độc lập và thống nhất” đều bị phê phán như nhau cả, sự xâm lấn,
xâm lược, cướp đoạt thì luôn luôn là điều ác, điều xấu!
Thứ
hai là do “trong cách vận dụng phương
pháp luận sử học của các nhà nghiên cứu”; “Đây là thời kỳ nền sử học hiện đại xây dựng trên hệ tư tưởng Mácxít
đang hình thành và trong vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện
chứng và chủ nhĩa duy vật lịch sử phạm những sai lầm của chủ nghĩa giáo điều,
công thức, máy móc. Theo lý thuyết về hình thái kinh tế xã hội, thời bấy giờ
đang thịnh hình quan điểm cho rằng chế độ phong kiến Việt Nam hình thành trong
thời Bắc thuộc, phát triển đạt đến độ cực thịnh ở thời Lê sơ thế kỷ XV và bắt
đầu suy vong từ thế kỷ XVI, rồi lâm vào tính trạng khủng hoẳng trầm trọng vào
thời cuối Lê và nhà Nguyễn.
Như vậy là thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều
Nguyễn được đặt vào khung suy vong, khủng hoảng của chế độ phong kiến và trong
bối cảnh đó thì giai cấp phong kiến không còn vai trò tích cực, không còn đại
diện cho lợi ích dân tộc. Áp dụng lý thuyết hình thái kinh tế xã hội và đấu
tranh giai cấp một cách giáo điều đã dẫn đến những hệ quả đưa ra những phân
tích và đánh giá lịch sử thiếu khách quan, không phù hợp với thực tế lịch sử”.
Việc
chế độ phong kiến, quân chủ chuyên chế không còn phù hợp với sự phát triển của
thời đại, đã bị thay thế bằng các chế độ dân chủ trên phạm vi toàn thế giới là
hiện thực khách quan, tuân theo đúng quy luật của Chủ nghĩa Mác, sao ông Phan
Huy Lê lại cho các nhà sử học ở ta sai lầm khi vận dụng phương pháp luận sử học
xây dựng trên hệ tư tưởng Mácxít, vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy
vật biện chứng và chủ nhĩa duy vật lịch sử? Việc cuối Nhà Lê suy vong, thời kỳ
các Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn được đặt vào khung suy vong cũng đúng với
thực tế, sao ông Phan Huy Lê cũng cho là sai do dựa vào hệ tư tưởng Mác xít?
Như vậy ông Phan Huy Lê không chỉ hiểu sai về Chủ nghĩa Mác mà còn nói ngược
với tiêu chí mà ông luôn hô hào: “Nhận
thức lịch sử một cách khách quan, trung thực, công bằng là trách nhiệm của giới
sử học”. Các Chúa Nguyễn là một phe gây ra nội chiến, khi Vua Quang Trung
qua đời, Chúa Nguyễn Ánh tiêu diệt được triều đại Tây Sơn, lập ra Vương triều
Nguyễn thay thế. Rồi Vương triều Nguyễn đã để mất nước vào tay Pháp, Vua thì bị
bắt đi đầy, tên nước cũng bị xóa, Pháp duy trì Nhà Nguyễn sau đó chỉ là chế độ
bù nhìn, làm tay sai cho Pháp thống trị nước ta. Sự thực lịch sử là như thế,
đặt Nhà Nguyễn vào khung suy vong sao lại cho là sai lầm do có cách nhìn theo
tư tưởng Mác xít?
Viết
như trên ông GS Sử Phan Huy Lê thực chất không hiểu Chủ nghĩa Mác. Cơ sở nhận
thức thế giới khách quan của Chủ nghĩa Mác là Chủ nghĩa Duy vật biện chứng. Đó
là cách nhìn dựa trên các quy luật của tự nhiên trong quá trình vận động biến
đổi và liên quan lẫn nhau của các sự vật, hiện tượng, để có thể nhìn xuyên qua
cái vỏ bề ngoài của các hiện tượng, thấy được bản chất bên trong của sự vật;
ngược với cái nhìn siêu hình cố định, bề ngoài, không bản chất. Chủ nghĩa Duy
vật lịch sử vận dụng cách nhìn trên vào trong xã hội. Vì vậy có đâu do “vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy
vật biện chứng và chủ nhĩa duy vật lịch sử” lại “phạm những sai lầm của chủ nghĩa giáo điều, công thức, máy móc”.
Nếu có thế thì chính ông Phan Huy Lê và các nhà sử học thời kỳ đó đã sai lầm
khi hiểu một cách “giáo điều, công thức,
máy móc” về Chủ nghĩa Mác.
Ngoài
ý trên, ông Phan Huy Lê cho biết theo tinh thần của Công cuộc Đổi mới khởi đầu
từ năm 1986, năm 1988 Hội Khoa học lịch sử Việt Nam được tổ chức lại, các
cuộc Hội thảo khoa học đã được tổ chức, bên cạnh khẳng
định những thành tựu của nền sử học hiện đại Việt Nam đồng thời nghiêm
khắc nêu lên những mặt yếu kém. Có ba mặt yếu kém, ngoài sự giáo điều do vận
dụng các nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch
sử nói trên còn có “khuynh hương
"chính trị hóa lịch sử", dùng lịch sử để minh họa một số quan điểm
chính trị, tự hạ thấp tính độc lập, vai trò sáng tạo của khoa học lịch sử và khuynh
hướng "hiện đại hóa lịch sử", trình bày lịch sử quá khứ như hiện
đại, không tôn trọng tính đặc trưng của từng thời kỳ lịch sử”.
Sự “chính trị hóa” lịch sử, khuôn cái nhìn
lịch sử theo cái nhìn của lực lượng nắm quyền phản động, phản tiến bộ, phục vụ
cho việc cai trị, không đúng bản chất của sự thật lịch sử, rõ ràng là sai trái.
Nhưng chế độ nước ta sau triều Nguyễn đến hôm nay là chế độ dân chủ cộng hòa,
theo lý tưởng XHCN. Lực lượng lãnh đạo được hiến định “lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư
tưởng”. Như phân tích ở trên về Chủ nghĩa Mác, có lẽ nào sự “chính trị hóa”, nhận thức lịch theo cái
nhìn biện chứng, khoa học, khách quan theo Chủ nghĩa Mác lại sai? Nếu sai có
chăng chính nhận thức chính trị sai chứ “sự
chính trị hóa” không sai. Vì vậy cho rằng việc tuân theo phương pháp nhận
thức chung của thế chế là “tự hạ thấp
tính độc lập, vai trò sáng tạo của khoa học lịch sử” là một quan niệm sai.
Viết vậy, phải chăng ông Phan Huy Lê muốn Hội Lịch sử của ông là Hội vô chính
phủ?
Thực
tế, không riêng ngành sử, nhận thức của tất cả các lĩnh vực trong xã hội chúng
ta trước đây đều từng yếu kém, trong đó có cả nhận thức chính trị. Chúng ta
từng nhận ra sự nhận thức chính trị sai và đã gọi đó là căn bệnh chủ quan, duy
ý chí. Giống như sai lầm của Trung Quốc mà Liên Xô từng diễu cợt là xây dựng
thứ “Chủ nghĩa Cộng sản mặc quần đùi”.
Chính vì thế Công cuộc Đổi mới đã ra đời. Dù còn nhiều yếu kém, thiếu sót, công
cuộc đổi mới đã thành công nên mới đưa nước ta thoát ra khỏi khủng hoảng và
phát triển đến ngày hôm nay. Nhưng đã có những đánh giá sai lầm cho với sự đổi
mới như vậy thực chất ta đã từ bỏ Chủ nghĩa Mác và chứng tỏ Chủ nghĩa Mác sai. Cần
phải hiểu cho đúng, chúng ta chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế
thị trường định hướng XHCN thực chất là tuân theo đúng nguyên lý của Chủ nghĩa
Mác. Chủ nghĩa Mác cho quan hệ sản xuất phải phù hợp với lực lượng sản xuất.
Nước ta từ một nước phong kiến, nô lệ, có nền sản xuất tiểu nông, tất không thể
thực hiện một quan hệ sản xuất của một nền đại công nghiệp.
Sự
đổi mới tư duy kinh tế nói trên thực chất là đổi mới tư duy chính trị lãnh đạo
kinh tế. Sự nghiên cứu sử học cũng như mọi lĩnh vực khác tất cũng phải đổi mới
theo xu hướng chung đó.
Một
trong những sự thay đổi đó là chúng ta đã thay đổi thái độ đối với những sự sai
phạm trong quá khứ. Như trong lĩnh vực văn chương, chúng ta đã trao giải thưởng
cho những người thuộc nhóm Nhân Văn giai phẩm. Nhưng cần phải hiểu đúng bản
chất sự việc. Trong bài viết liên quan đến Trần Dần gần đây, tôi đã viết ý của
GS Hoàng Ngọc Hiến cho việc “Trần Dần đã
được truy tặng Giải thưởng Nhà nước” là một sự chiêu tuyết là không đúng.
Vì chiêu tuyết (昭雪) là sự vạch tỏ nỗi oan ra mà Trần Dần thì không bị
oan. Nên coi việc tặng thưởng cho Trần Dần cũng như một số người khác là sự gạn
đục khơi trong và có sự tha thứ. Cũng như theo lý, ứng xử như thời phong kiến
hoặc như nhiều nơi trên thế giới, Bảo Đại khó tránh được án tử, nhưng Bác Hồ
lại trọng dụng ông ta làm cố vấn. Có cách ứng xử nhân đạo như vậy có lẽ bởi
chúng ta thấy được khởi nguồn cho tất cả những sự đúng sai, tốt xấu đều là do
nước ta bị xâm lược, dân ta bị quá nhiều đau khổ rồi thì khi cuộc sống tốt đẹp
hơn nên tha thứ.
Một
vấn đề rất lớn là sự hòa hợp dân tộc sau ngày thống nhất 30-4 cũng vậy. Chúng
ta cần phải tha thứ, cần phải bỏ qua lỗi lầm. Thực tế đã là như vậy. Ông Nguyễn
Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống VNCH, đã được chào đón trở lại Dinh Thống Nhất. Nhưng
cũng cần phải hiểu, chúng ta thay đổi thái độ ứng xử như vậy không có nghĩa là
cào bằng tất cả, thay đổi chuẩn mực của các giá trị và đạo lý, coi công lao
những chiến sĩ giải phóng cũng như những người làm tay sai và đánh thuê cho
phía xâm lược. Ông Nguyên Ngọc từng mắc cái lỗi đó khi được giao trọng trách
lãnh đạo Hội Nhà Văn VN. Ông ta đã kêu gọi và thực hiện sự đổi mới văn chương
bằng việc làm bà đỡ và ca ngợi các tác phẩm lộn ngược các giá trị.
Và
hôm nay, tôi lại không ngờ rằng ông Phan Huy Lê cùng nhiều người trong Hội Khoa
học Lịch sử VN cũng có lối đổi mới dẫn tới việc cào bằng hoặc lộn ngược các giá
trị như vậy. Cụ thể chính là cái việc Tạp chí Xưa & Nay và ông Dương Trung
Quốc đã cố vấn cho ông Đặng Phước Thành làm nhà thờ tôn vinh Nguyễn Ánh ngang
với Nguyễn Huệ.
***
Nguyễn
Ánh, một người chính sử cho là “cõng rắn
cắn gà nhà”; “rước voi về giày mả tổ”
bởi vào cuối năm 1783, để chống lại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã giao cho Bá Đa
Lộc (Pigneau de Behaine), một Giám mục người Pháp, một tờ quốc thư, quốc ấn
cùng người con cả là Nguyễn Phúc Cảnh như là con tin, để vị giám mục này thay
mặt mình sang Pháp cầu viện triều đình vua Louis XVI. Nguyễn Ánh chấp thuận
nhường cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Lôn cho Pháp, cho phép người Pháp được
quyền tự do buôn bán và kiểm soát thương mại của người nước ngoài ở Việt Nam,
mỗi năm sẽ phải trả dần tiền viện trợ cho Pháp đồng thời cung cấp lương thực và
quân nhu thiết yếu cho Pháp khi Pháp có chiến tranh với một nước khác ở khu vực
Viễn Đông. Sự cầu viện chưa thành, với sự đại bại trước quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh
lại đi cầu viện quân Xiêm, dẫn đến họa quân Xiêm làm đủ điều tàn bạo với dân
chúng. Nguyễn Ánh đã bất lực buông xuôi, giao hết việc lại cho thuộc tướng rồi
bỏ ra các đảo.
Như vậy, với sự thực lịch sử khách quan đó, cơ
sở khoa học nào để Tạp chí Xưa & Nay và ông Dương Trung Quốc làm “cố vấn”
xếp Nguyễn Ánh ngang hàng với Nguyễn Huệ, một vị anh hùng dân tộc!
Đổi
mới nghiên cứu lịch sử không phải là chuyện thay đổi các giá trị, thay đổi các
chuẩn mực của đạo lý, thay đổi bản chất các vấn đề. Mà đổi mới là cần phải đánh
giá lịch sử một cách biện chứng hơn, để tiếp cận bản chất các sự kiện, tiến gần
tới chân lý hơn. Trên quan điểm đó nhiều thái độ đối với các nhân vật, sự kiện
lịch sử cần thay đổi, nhưng nhận thức bản chất các vấn đề thì không thể thay
đổi. Người ta không thể đổi trắng thay đen, lộn ngược các giá trị về thiện ác,
đạo lý.
Trong
bản tổng kết của ông Phan Huy Lê về cuộc Hội thảo về Nhà Nguyễn ở Thanh Hóa năm
2008 nói trên đã cho rằng cuộc hội thảo đã đi đến một số nhận thức đạt sự nhất
trí cao, trong đó có việc “Các chúa
Nguyễn đã có công mở rộng lãnh thổ về phía nam”.
Không
ai có thể phủ nhận công lao các Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi về phương Nam để nước ta
có được hình hài như hiện nay. Nhưng cũng phải hiểu việc này không phải là kết
quả của mục đích khai khẩn hoặc chiến tích của Nhà Nguyễn mà là việc các Chúa
Nguyễn khi chạy trốn, xây dựng căn cứ địa để chống quân Tây Sơn. Khi Pháp xâm
lược thì kết quả đó lại rơi vào tay Pháp nghĩa là “của thiên lại trả địa”! Nhưng dù vậy ta vẫn không thể phủ nhận công
lao mở cõi của Nhà Nguyễn bởi có việc mở cõi đó, ĐCS mới lãnh đạo dân ta có
“cõi” mà đòi lại.
Còn
việc Hội thảo cho Nhà Nguyễn “Tiếp tục thành tựu của phong trào Tây Sơn đã xóa
bỏ tình trạng phân chia Đàng Trong - Đàng Ngoài, đặt cơ sở cho sự khôi phục nền
thống nhất, Nguyễn Ánh và triều Nguyễn đã hoàn thành công cuộc thống nhất đất
nước trên lãnh thổ rộng lớn bao gồm cả Đàng Trong và Đàng Ngoài” thì theo tôi
là hơi buồn cười vì chẳng ai tôn vinh một thế lực đi giết người ta để mà tiếp
tục thành tựu của người ta cả!
Trong
bối cảnh Nhà Lê suy tàn, trên bất chính hạ tắc loạn, nên mới gây ra cuộc Trịnh,
Nguyễn phân tranh, đẩy dân ta vào cảnh nồi da xáo thịt mấy trăm năm. Trong cảnh
loạn ly đó, nếu ai có tài, có lực tất có chuyện thời thế tạo anh hùng. Người
như vậy lại có đức để dân tin theo, ủng hộ, rất dễ đi đến thành công. Chính Vua
Quang Trung Nguyễn Huệ là người như thế. Ông đã dẹp loạn trong nước, thắng giặc
ngoại xâm hai đầu đất nước, khi vua cuối triều Lê chạy trốn lưu vong, đã lên
ngôi vua. Theo thông lệ thời đó, ông đã được Nhà Thanh công nhận, tức việc lên
ngôi của Nguyễn Huệ đã hoàn toàn chính danh. Vậy Nguyễn Ánh nhân cơ hội Vua
Quang Trung bệnh chết đột ngột, tiêu diệt Nhà Tây Sơn, chính là sự phản nghịch,
cướp ngôi, như ngôn ngữ hiện đại, đó chính là sự đảo chính phi pháp. Vì vậy cho
Nguyễn Ánh có công thống nhất đất nước đúng là chuyện buồn cười!
Theo
Nhà văn Bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh “người
đầu ngành sử học Phan Huy Lê” còn có chuyện buồn cười khác khi cho rằng: “Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám hoàn
toàn không có thật”; do “Anh Trần Huy
Liệu tự viết về nhân vật Lê Văn Tám”! Ông nhà văn bác sĩ còn cho biết “ông Lê mất công lần mò đi “hỏi một số bác
sỹ, và họ cho rằng với sức nóng của lửa xăng, một em bé không thể chạy xa như
vậy (50mét)”. BS Thịnh cho rằng: “Vụ
một thiếu niên đốt kho xăng Thị Nghè vào những ngày đầu Nam bộ kháng chiến là
một sự thật hiển nhiên nhưng nó đã bị người ta nhân danh sử học lấy sự dối trá
trùm lên sự thật!”; “Phải chờ bốn năm
sau, khi công luận của Đảng bộ và những vị lão thành cùng những chiến sỹ từng
chiến đấu ở mặt trận Nam Bộ – Sài Gòn tỏ thái độ công phẫn bất bình … sử gia Lê
thòi cái đuôi ra… công bố bài viết với những luận điệu nửa nạc nửa mỡ, nửa xuề
xòa xí xóa, nửa quanh co bịp bợm …: “Lê Văn Tám không phải là tên của nhân vật
lịch sử có thật nhưng phản ánh một sự kiện lịch sử có thật, một tinh thần hy
sinh vì Tổ quốc có thật”!
Quay
lại với việc đánh giá Nhà Nguyễn, việc xổ toẹt tất cả cũng là sai trái. Với cái
nhìn biện chứng, ta thấy việc các Chúa Nguyễn gây ra cuộc nội chiến dù là điều
không hay nhưng với bối cảnh lịch sử thời ấy, Chúa Nguyễn Hoàng không kiếm cớ
chạy trốn xuống phương Nam xây dựng lực lượng thì sẽ bị Trịnh Kiểm giết. Thời
phong kiến, nhiều cuộc thay đổi triều đại không ít thì nhiều đều có những
chuyện bất chính, nhưng tốt xấu phân minh, ai làm người nấy chịu, nên những
công trạng cũng như thành tựu của mọi triều đại đều được tôn vinh, lưu danh
thơm trong sử sách. Với Nhà Nguyễn, dù Vua Gia Long dựng lên vương triều đã
trải qua hành trình có nhiều điều bất chính, nhưng đời sau, các vị vua yêu
nước, dũng cảm chống Pháp như Hàm Nghi, Duy Tân vẫn mãi là những tấm gương ngời
sáng.
Còn
ông Dương Trung Quốc, người “cố vấn”
cho ông Đặng Phước Thành chọn Nguyễn Ánh thờ ngang với Nguyễn Huệ, thì đã quá
quen thuộc với cư dân mạng với biệt danh “kịch
nghị viên”. Tôi cũng đã viết nhiều về ông này, từng cho ông ta vừa dốt về
sử vừa dốt về chính trị khi ông ta cho Hiệp Định Genève 1954 đã giao miền Nam
cho phía VNCH cai quản nên Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có quyền công nhận
Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc. Mang danh “nhà sử học” mà ông ta cũng đã “đánh
giá cao” cuốn sách lộn ngược lịch sử là Bên thắng cuộc của Huy Đức!
Theo
thông tin của một cán bộ ở Đồng Tháp làm trong ngành Lịch sử Đảng thuộc Ban
Tuyên giáo biết rõ vụ việc: “ông Đặng
Phước Thành muốn có được căn cứ chọn các nhân vật thờ phụng để biến khu thờ tự
của ông ta thành khu du lịch nên đã “nhờ người “câu móc” với Hội Sử học VN mà
trực tiếp là tạp chí Xưa & Nay (Tất nhiên ông Thành phải chi hàng tỷ đồng
để “đài thọ” cho Hội đồng lựa chọn nhân vật)”. Ngày 2-7-2014, Tạp chí Xưa
& Nay đã đánh công văn gởi ông Đặng Phước Thành thông báo việc đã mời “các nhà khoa học” tham gia Hội đồng
tuyển chọn với ông Dương Trung Quốc làm cố vấn, đã chọn ra 125 nhân vật, trong
đó có việc Nguyễn Ánh được đặt ngang với Nguyễn Huệ như đã viết ở trên. Trong
cuốn Sơ lược tiểu sử các nhân vật được chọn đó có đưa tin: “ngày 9-5-2014, Đặng Tộc Nam Phương Linh Từ
vinh dự đón tiếp Đoàn BCH Hội KHLSVN, do nhà sử học Dương Trunmg Quốc, Phó Chủ
tịch kiêm Tổng thư ký Hội làm trưởng đoàn, cùng hơn 40 vị khách quý là những
“cây đa, cây đề” trong giới sử học nước nhà đến viếng thăm”.
Dư
luận đang e ngại tình trạng học sinh chán ghét và học dốt môn Sử. Điều này xem
chừng còn là chuyện nhỏ bởi đến chính Hội Khoa học Lịch sử VN mang danh khoa
học mà lại có những quan điểm về lịch sử phản khoa học, luôn kêu gọi tôn trọng
sự thật khách quan lại đi bóp méo, đổi trắng thay đen, biến ý nghĩa cao quý
việc học sử, hiểu sử để tự hào về các anh hùng thuộc các thế hệ thành ra mất
phương hướng, bởi các chuẩn mực về các giá trị bị cào bằng, lộn ngược!
19-1-2015
ĐÔNG LA