Nguyễn Văn Thịnh
ĐỔI MỚI SỬ HỌC
KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ TÔ ĐEN THÀNH TRẮNG
Nhân kỷ niệm lần thứ 92 ngày sinh của cố thủ tướng
Võ Văn Kiệt (23/11/1922–23/11/2014), tạp chí Sử học Xưa và Nay số 453 (tháng
11/2014) có bài của tác giả Nguyễn San Hà viết ca ngợi ông là “Người luôn ủng hộ
sự thật và đổi mới trong sử học”. Vị cố Thủ tướng cho rằng: “Đánh giá, sử dụng
những sự kiện lịch sử như thế nào là thuộc trách nhiệm của các nhà lãnh đạo
chính trị nhưng đối với các nhà sử học thì tính chân thực của lịch sử là quan
trọng”. Liệu người dẫn có diễn đạt đúng tinh thần của người đã khuất? Bởi hiển
nhiên ông cũng là một nhà lãnh đạo chính trị tối cao, vậy những đánh giá của
ông về các vấn đề lịch sử có tôn trọng tính chân thực của lịch sử hay không?
Tác giả viết vị cố Thủ tướng ủng hộ tạp chí Xưa
và Nay chủ trương dựng tượng các nhân vật lịch sử vừa thể hiện tinh thần tự
tôn, tự hào dân tộc và giáo dục đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Ông
còn đề nghị đặt tượng cả những người nước ngoài có công với đất nước ta như
linh mục Alexandre de Rhode chẳng hạn! Ông chưa cần nói ra thì từ lâu người ta đã
làm rồi. Chẳng là sau khi bình định xong xứ Đông Dương, nhà cầm quyền thực dân đã
dựng tại thủ đô Hà Nội nhiều tượng đủ loại từ nhà cai trị thực dân Paul Bert,
nhà khoa học Pasteur, tên lái buôn gián điệp Jean Dupue, phiên bản nữ thần tự
do mà bà con ta quen gọi là “Mụ đầm xòe”… Duy có ông linh mục nọ là họ chỉ đặt
một đài tưởng niệm với một tấm bia đá khổ vừa bên đền Bà Kiệu, trước cổng đền
Ngọc sơn nhìn qua, ghi tên tuổi và vài dòng công tích. Trong lễ khánh thành vào
cuối thập niên 1930, học giả nổi danh kiêm Hội trưởng Hội truyền bá Quốc ngữ Bắc
kỳ Nguyễn Văn Tố đã bất chấp áp lực của chính quyền thực dân lúc đó, đọc bài
phát biểu vạch rõ âm mưu của nhà nước bảo hộ kết hợp với giáo hội Kitô nhận vơ công tích! Bởi Alexandre de Rhodes
không phải là người khai sáng ra chữ Quốc ngữ. Công chính là của ba giáo sỹ thừa
sai người Bồ đào nha đến xứ này trước ông. Khởi đầu từ linh mục Francisco de
Pina, tiếp đó là linh mục Gaspa de Amaral rồi linh mục Antonio Barbosa – Người biên
soạn cuốn từ điển An nam–Bồ đào và người biên soạn cuốn từ điển Bồ đào–An nam.
Chính Rhodes đã nói: “Tôi sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một
Hội Dòng, nhất là sử dụng công khó của hai Cha Amaral và Cha Barbosa, tôi
còn thêm tiếng La tinh theo lệnh Hồng y rất đáng tôn” – Đó là cuốn Từ điển
Việt–Bồ–La ra đời vào năm 1651. Jacques Roland, Gs. đại học Saint
Paul, Ottawa, Canada nhận định: “Nhân vật Alexandre de Rhodes
trở thành truyền thuyết, hầu như thần thoại đối với lịch sử của công cuộc truyền
đạo Kito tại Việt Nam
cũng như đối với lịch sử tiếng Việt. Chúng tôi thấy đây là một sự sai lầm
về lịch sử”. Quả thực là nhà nước thực dân Pháp không thiếu tiền đúc thêm một bức
tượng đồng mà vì họ biết cách ứng sử văn minh với người đồng minh của họ. Điều
cần biết nữa là chính ông linh mục này từng qua La Mã xin Đức Giáo hoàng hủy bỏ
đặc ân Chúa cho Bồ đào nha đất Á Châu. Không được chấp nhận, ông về nước vận động
giới thương nhân, giáo sỹ, thậm chí cúi mình luồn cửa sau “vận động hành lang”
Hoàng hậu Pháp hoàng Louis IV xin cung cấp những chiến sỹ đi chinh phục toàn
cõi Đông phương giàu có. Ông ta lộ rõ ý đồ: “Tôi nghĩ nước Pháp là nước ngoan đạo
nhất thế giới. Nước Pháp có thể cung cấp cho tôi nhiều binh lính (plusieurs
soldats) để chinh phục tòan cõi phương Đông”. Vào thời điểm ấy, do nhiều hạn chế
lịch sử, ý đồ của ông tu sỹ nhẹ việc đạo nặng việc đời này chưa nhận được sự hưởng
ứng của giới cầm quyền nhưng đã tạo tiền đề cho 206 năm sau, ngày 1/9/1858 lính
Pháp đổ bộ lên Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Buồn thay ta hô hào đổi mới
tư duy mà sao không ít người vẫn cứ u mê giữa thế giới công nghệ thông tin hiện
đại?!
Tác giả Nguyễn San Hà viết: “Sinh thời ngài cố
Thủ tướng là người tích cực đặt vấn đề minh oan cho ba nhân vật tiêu biểu là: Lê
Văn Duyệt, Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký”. Ba con người này cùng phò một
triều đại nhưng ở những thời điểm khác nhau, công tội khác nhau và nghịch cảnh
rất khác nhau.
Lê Văn Duyệt (1763–1832): Theo phò chúa Nguyễn
Phúc Ánh từ lúc 17 tuổi, một lòng trung quân, lập nhiều công tích. Ít học mà sắc
sảo. Làm tướng nơi trận mạc thì dũng lược. Làm quan trấn trị thì liêm chính, cương
trực, có tầm nhìn xa và chăm lo cho dân, đem lại sự yên bình an lạc. Trong cương
vị Tổng trấn Gia Định mà trông coi từ Bình Thuận tới Cà Mau trong buổi đầu dựng
triều đại mới đã giữ yên bờ cõi phía Nam, không để mất một tấc đất của các tiên
chúa đã mở mang, được dân chúng tôn thần. Sau khi ông mất, vua Minh Mạng sẵn
lòng đố kỵ lại nghe những lời sàm tấu của phái nịnh thần từng có nhiều ân oán
nên bị nhà vua lệnh tước hết phẩm trật, san phẳng mộ phần và đặt lên tảng đá khắc
bia sỉ nhục: “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” (Nơi quan lộng quyền Lê Văn
Duyệt chịu tội chết), ghi rõ tội danh với những dây lòi tói xiềng xích nặng nề
trừng trị tên tù trọng tội! Đến đời vua Thiệu Trị rồi Tự Đức đã giải oan, phục
chức cho ông và nhân dân vốn sẵn lòng kính yêu mến mộ, phục dựng đền thờ coi như
vị Thành hoàng xứ sở. Tuy nhiên bởi lòng ngưỡng mộ công lao to lớn đánh Nam dẹp
Bắc của triều đại Quang Trung hiển hách mà mang lòng oán hận tân triều để đất nước
lọt vào tay thế lực xâm lược mới phương tây, người đời có lúc xem nhẹ cả những
công thần của triều đại đó. Nghiệt ngã thay, triều đại nào để mất lòng dân thì
không sao tồn tại được. Vua Quang Trung mất giữa lúc chưa kịp chấn chỉnh cơ đồ
là mầm bất ổn, nội triều càng thêm rối ren, vua trẻ bất tài, các bậc đại thần
không thể hòa hợp với nhau, chính triều bê bối… Dân chúng ngày càng mất lòng
tin thì cơ nghiệp làm sao giữ nổi? Nhưng khi nỗi nhục vong quốc đã qua đi và lắng
dịu dần, hậu thế được bình tâm để nhận rõ điều sai đúng của từng sự việc, con
người. Lịch sử loài người có những điều bất cập. Một nhân vật được nơi này tôn
vinh nhưng nơi nọ oán thù và ngược lại. Như tướng Mã Viện trong mắt người Hoa
và người Việt ta rất trái ngược nhau. Cũng như hành động nằm ngang đường rail xe
lửa ngăn đoàn tàu chở binh lính Pháp sang Việt Nam của chị Raymondienne và ngọn
lửa tự thiêu phản đối chiến tranh bùng lên bên Lầu Năm góc của nhà thần học
Morixon thì người Pháp, người Mỹ, người Việt Nam có những suy nghĩ và cảm tình không
thể giống nhau. Tả quân Lê Văn Duyệt xứng đáng được người phương Nam tôn vinh đúng
với công lao sự nghiệp của ông.
Phan Thanh Giản (1796–1867): Về con người này, tư
liệu lịch sử rất nhiều, đặc biệt thư tịch nằm trong các kho lưu trữ ở mẫu quốc
Pháp còn phong phú hơn trong các thư khố An Nam một thời vong quốc. Chúng tôi dựa
vào cuốn “Chân dung Phan Thanh Giản” của Nguyễn Duy Oanh xuất bản 1974 tại Sài
Gòn (Tủ sách Văn học sử – Bộ Văn hóa giáo dục và Thanh niên Cộng hòa Việt Nam),
coi đó là tư liệu đáng tin cậy hơn cả.
Có thể lược sử Phan Thanh Giản như sau: Lúc 30
tuổi ông là người Lục tỉnh Nam Kỳ đầu tiên đỗ Tiến sỹ; làm đại quan hơn 40 năm
(1826-1867), trải ba triều vua Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức. Ngược tới Gia
Long, có thể coi bốn triều vua này là thời kỳ hưng vượng nhất của vương triều
Nguyễn – một nhà nước phong kiến tập quyền độc lập, cai quản một quốc gia thống
nhất từ Bắc vào Nam trong điều kiện tương đối yên nạn giặc ngoại xâm nhưng lòng
người trong nước lắm nỗi bất bình, khắp nơi nổi lên chống lại triều đình trung ương.
Trong tình thế ấy Phan Thanh Giản lại là người có công đầu với nước Pháp trong
việc dối vua lừa dân, tích cực triệt tiêu tinh thần yêu nước và trổ nhiều mưu mẹo
triệt hạ lực lượng kháng chiến của nhân dân ta. Ngay từ buổi đầu ông ta đã đứng
về phái chủ hòa dẫn tới chủ hàng. Từ việc lược quyền vua ký hàng ước nhục nhã
1862 để mất ba tỉnh miền Đông đến khi được vua giao trọng trách trấn thủ ba tỉnh
miền Tây thì ông ta lại thông đồng bắn tin cho giặc: “Bản chức sẽ không ngăn cản
sự xâm chiếm bằng một cuộc kháng cự mà chúng tôi hiểu là vô ích” và nói hoạch
toẹt ra: “Nếu quý quốc lấn tới, quả nhân không chống cự”! Một mặt chỉ điểm cho
giặc về những người yêu nước, một mặt dâng sớ về triều xin trị tội, thuyên chuyển
khỏi nơi cứ địa hoặc cách chức những chủ soái nghĩa quân như Trần Văn Thành, Trịnh
Quang Nghị, Võ Duy Dương, Trương Định… Đến khi đoàn tầu thuyền nhà binh Pháp đậu
kín trước thành Vĩnh Long “là một thành khá kiên cố, địa thế rất dễ phòng thủ”
và tướng giặc cho người mang thơ nói toạc ra ý họ: “Quyết định chiếm ba tỉnh miền
Tây Nam kỳ vì lý do các quan quân triều đình ở đây ủng hộ phong trào chống Pháp”.
Phan ra lệnh không kháng cự và dẫn đám thuộc hạ xuống tầu trách yêu giặc: “Vin
cớ nhỏ mọn mà làm tổn thương đại nghĩa” (!) và ngọt nhạt đẩy đưa: “Tôi có quyền
giữ đất chớ không có quyền giao đất. Xin cho tôi hỏi lại ý kiến triều đình”! Nhưng
lại vội viết công thư dụ hàng gởi quan chức ba tỉnh miền Tây! Chẳng những thế,
ông ta còn lệnh cho thuộc hạ mở rộng cửa kho lương, kho bạc giao hết cho giặc
khoản gọi là “bồi thường chiến phí” theo cái gọi là hòa ước mà chính bọn cướp nước
đã xé toạc đi! Việc làm ấy của người đại diện quốc gia trong lúc vận nước đang
nghiêng ngửa có là phi đạo nghĩa? Và trời đất nào có thể dung tha! Viên Đại tá
Thomazi hoan hỷ viết trong nhật ký: “Đến tháng 6/1867, binh lính ta đi chơi một
bữa thế là xong hết cuộc chinh phục toàn xứ Nam kỳ, công cuộc khó nhọc bắt đầu
từ năm 1858”. Nhà đại ái quốc Phan Bội Châu phẫn uất gọi đó là hạng người “gan
dê lợn mà mưu chuột cáo”! Cái tội ấy không là “mại quốc” thì gọi là gì? Thế mà ngày
1/4/2014, cái Hội đồng trời ơi xét chọn danh nhân của tạp chí Xưa&Nay thuộc
Hội khoa học lịch sử Việt Nam liệt Giản vào danh sách những nhân vật làm rạng
danh đất phương Nam với thành tích “đóng góp to lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục;
đặc biệt là những đóng góp quan trọng cho vùng đất Nam bộ lúc bấy giờ”!
Cuộc chiến xâm lược xứ An Nam xa xôi không được
triều đình Paris
tập trung ủng hộ bởi quan ngại chông gai chưa chắc thắng nhưng lại sớm thu được
thắng lợi trọn vẹn mà ít hao người tốn của. Đương nhiên Phan được coi như có
công đầu với đội quân viễn chinh xâm lược Pháp. Khi ông ta chưa chết, Bộ chỉ
huy quân sự Pháp ở Sài Gòn đã cử thầy thuốc và cố đạo đến chăm cả phần xác lẫn
phần hồn. Sau khi Phan trút hơi thở cuối cùng thì Phó thủy sư Đề đốc Thống soái
Nam kỳ De Lagrandière lại chu đáo cho tàu kéo và một toán lính kèn với đội tiêu
binh hộ tống thi hài ông về tận nơi an táng ở cố hương đúng theo nghi thức truyền
thống nhà binh Pháp, đồng thời gửi thư chia buồn và hết lời khen: “Nơi triều đình
Huế trừ một mình ngài thấy rõ đâu là ích nước lợi dân. Người Pháp quốc hằng bền
một lòng tôn trọng quan lớn Phan Thanh Giản và gia đình của ngài. Bổn trấn hứa
sẽ hết lòng bảo bọc cho con cháu ngài hoặc muốn ra mà giúp việc nhà nước hay là
muốn tước lộc chi thì bổn trấn cũng vui lòng ban ơn theo như ý”. Và người Pháp đã
làm đúng như lời hứa. Ngay cả khi con ông là Phan Liêm, Phan Tôn cầm súng chống
Pháp một thời gian nhưng thua trận và bị bắt, người Pháp cũng rộng lòng tha và
giao cho triều đình An Nam trọng dụng. Tất nhiên lại cầm binh đi đánh đồng bào
“nổi loạn”! Tên tuổi cha con họ Phan đều được nhà nước thực dân – tất nhiên là
cả chính quyền tay sai bản xứ bảo cái tiết đen, tôn vinh điều ô nhục như tấm gương
về lòng yêu nước thương nòi! Dù cho dân chúng bất bình nhưng chính sử ngụy triều
chẳng dám nói hết ra sự sỉ nhục đối với lịch sử nước nhà! Trải hàng trăm năm vong
quốc, dân nô lệ đâu được săm soi góc cạnh ngọn ngành? Sự ngộ nhận đã thành nếp
nghĩ, chỉnh sửa lại không là điều dễ! Liệu tàn dư của văn hóa thực dân trên đất
nước này bao giờ mới hết?!
Năm 1868 vua Tự Đức bút phê “Truy đoạt chức tước,
phẩm hàm và đục bia Tiến sỹ, để lại muôn đời cái án trảm hậu” với Phan Thanh Giản!
Vậy thì ai đã phục chức cho Phan? Tự Đức chết năm 1883. Sau đó trải bốn triều
vua liên tục bất ổn: Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phước đều chết bất thường và Hàm
Nghi với phong trào cần vương chống Pháp thì bị nhà nước bảo hộ đày đi biệt xứ ở
Algérie. Năm 1885, Đồng Khánh được coi như một “sản phẩm Pháp tại Việt Nam” lên
ngôi và lập tức ra chiếu công nhận nền bảo hộ của nhà nước Đại Pháp. Để được
lòng “nước mẹ”, tân vương ra sắc chỉ khôi phục hàm cũ là Hiệp tá Đại học sỹ cho
Phan Thanh Giản với những lời khen: “Phẩm vọng ngươi cao như núi Thái Sơn, văn
chương ngươi như mây bay nước chảy, được xưng tụng cao nhất một đời”. Tất nhiên
bia được dựng lại sau hai thập niên bị đạp đổ! Đồng Khánh chỉ làm vua được ba năm
thì chết. Năm 1916, sau cuộc nổi dậy do Hội “Việt Nam quang phục” phát động ở năm
tỉnh Trung kỳ (Nam, Ngãi, Huế, Trị, Bình) thất bại, bốn nhà chí sỹ là Trần Cao
Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu bị xử chém, cha con vua Thành
Thái, Duy Tân bị đi đày biệt xứ, chính quyền bảo hộ đưa Khải Định là con vua Đồng
Khánh lên ngôi. Năm 1924, vua Khải Định sắc cho quan dân tỉnh Thủ Dầu Một thờ
phụng Phan công như “thần hộ quốc an dân”, ý để thưởng công đã giao ba tỉnh miền
Đông cho Pháp! Kế đến năm 1933, con Khải Định là vua Bảo Đại lại sắc cho quan
dân tỉnh Vĩnh Long thờ phụng Phan công nội dung như thế, ý để thưởng công đã
giao nốt ba tỉnh miền Tây cho Pháp! Hành xử như vậy có nghĩa là triều Nguyễn
hài lòng đã hoàn tất sứ mạng lịch sử chí ít cũng là giao toàn bộ xứ Nam kỳ cho
Pháp! Tuy nhiên trong cuộc hội thảo lớn về triều đại Nguyễn tại Thanh Hóa năm
2008 đã loại ra mấy vương triều đó bởi mấy ông vua nọ để lại quá nhiều điều tai
tiếng bôi lem triều đại cuối cùng của nền quân chủ Việt Nam. Vậy thì những sắc
phong ấy liệu còn có giá trị gì?
Nói về Phan Thanh Giản dù nhìn cả góc bi lẫn góc
hài vào lúc kết thúc cuộc đời vẫn là chưa đủ vì bản chất đớn hèn của con người
này bộc lộ rất thâm trầm sâu sắc. Có thể nói Phan là viên quan lớn nhất để lại
những di họa tệ hại nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.
Thế nhưng có một thế lực từ sau khi nước nhà được
thống nhất và hoàn toàn độc lập cứ âm mưu tái dựng Phan như một tấm gương lớn xả
thân vì nước vì dân. Người ta lợi dụng câu nói của ông Võ Văn Kiệt trong một
lúc xuất thần nào đó: “Mỗi người yêu nước theo cách của mình. Đừng bắt Phan
Thanh Giản yêu nước theo cách của Trương Định và ngược lại” mà cố tình quên đi câu
nói của nhà cách mạng tiền bối cũng là nhà văn hóa khả kính Phạm Văn Đồng trước
đó: “Giá như triều đình lúc bấy giờ không phải ở trong tay bọn vua chúa nhà
Nguyễn phản bội và đầu hàng, mà ở trong tay những người kế tục sự nghiệp yêu nước
và anh dũng của vua Quang Trung, thì phong trào kháng Pháp lúc bấy giờ ở Nam bộ
chắc còn mạnh mẽ hơn nhiều”. Người ta cho đúc tượng đồng Đại học sĩ Phan đưa
vào đền thờ các vị thánh sư (?), bày ra giữa sân trường cho con trẻ học (!), lại
còn mưu dựng tượng ông ta đứng nghênh ngang trên giải đất còn thấm đẫm máu xương
các anh hùng nghĩa sỹ bao đời bởi chính việc làm tệ hại của viên quan ấy đã
dâng cho giặc! Gần trăm năm ảnh hưởng văn hóa Pháp chẳng lẽ không mấy người biết
danh tướng Napoléon Bonapart đã nói trước binh sỹ của mình: “Đạo đức lớn nhất
là lòng yêu nước”? Không ai nghĩ Cụ Hồ không rành văn hóa Pháp mà Cụ từng nói với
các nhà báo đại ý rằng: Nền văn hóa Pháp vĩ đại thật. Nhưng tiếc rằng tinh hoa
của nó không được xuất khẩu sang thuộc địa! Ngày càng thấy lời nhận xét ấy sao
mà thấm thía.
Nếu bạn đọc có điều kiện xem những thư của viên
Khâm lược xứ gửi các quan tướng Pháp sẽ thấy giật mình. Chỉ xin trích mấy dòng
trong công thư của Phan hầu độc giả: “Mình còn ngốc khi mình đánh người
Phú-lang-sa bằng vũ khí. Các quan văn cũng như các tướng võ hãy bẻ gãy giáo gươm
và giao thành trì khỏi chống lại. Những người này chỉ đáng sợ trong lúc chiến
tranh mà thôi. Bản chức tùy theo thiên ý mà tránh đỡ giùm dân đen tai họa rớt
trên đầu”. 83 năm sau (1940) vì sao anh nông dân 18 tuổi Phan Văn Hòa chân đất
lội xình theo những người cộng sản làm cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ? Và người Nam kỳ không thể
nào quên lũ giặc Phú lang sa đã tỏ ra “đáng sợ” biết chừng nào khi chúng triệt
hạ làng quê và tàn sát man rợ bao nhiêu đồng bào yêu nước của anh! Những người
tâm huyết một lòng với nước với dân hoạt động trong lúc thế giặc đang hung hãn đều
thấm thía một điều: Giặc ác vậy mà còn sống được nhưng không thể còn đất sống
khi lũ người bản xứ đầu hàng phản bội làm tay sai đắc lực cho kẻ ngoại bang! Thế
cho nên muốn phong trào quật khởi thì phải đồng thời kết hợp việc giác ngộ và tổ
chức quần chúng với việc “diệt ác phá kềm”. Nhờ thế sức mạnh của lòng yêu nước
mới được phát huy, phát triển dần lên thành vũ bão quét sạch quân xâm lược và lũ
bán nước trên mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc mình.
Trương Vĩnh Ký (1837–1898): là nhân vật có diện
mạo khá đặc biệt trong lịch sử Việt Nam cận đại. Sự đặc biệt ấy không
phải do đương sự tạo nên mà do giới cầm quyền từ triều đình nhà Nguyễn và chính
quyền thực dân đô hộ tô vẽ ra. Sau này, các thế lực chính trị đủ màu sắc lại dựa
vào đấy nhằm phụ họa cho những ý đồ riêng của họ. Ông ta được Giáo hội Kito
nuôi dạy từ tuổi ấu thơ để thành học giả nổi danh giữa lúc nền văn hóa Đông-Tây
mới tiếp cận nhau.
Tuy nhiên học vấn là một chuyện và thái độ với tổ
quốc và dân tộc lại là một chuyện. Trương ra hợp tác với quân xâm lược rất sớm.
Từ người tu hành chuyển sang làm thông ngôn sau thành quan lại, đóng vai trò gạch
nối giữa nhà nước thực dân với triều đình An Nam lúc đó. Năm 1876, được quan
thuộc địa cử ra Bắc kỳ công cán, thực ra là làm nhiệm vụ dò xét thổ nhưỡng, dân
tình. Trương gửi báo cáo về quan trên: “Các quan lại Nam triều thường nói với tôi rằng nước
Pháp cố ý xâm chiếm xứ này. Tôi trả lời là không!... Tất cả qúy vị đều phải thấy
rằng nếu nhà cầm quyền Pháp có ý muốn xâm chiếm xứ này, họ đã có thể làm việc đó
từ lâu một cách dễ dàng, không cần bàn cãi gì cả. Qúy vị phải hiểu rằng qúy vị
là những kẻ yếu, thật sự quá yếu, cần sự giúp đỡ của ai đó để gượng dậy. Và tốt hơn, qúy vị chỉ nên tin vào người bạn đồng
minh tiếng tăm và phải dựa vào họ một cách thành thật để đứng lên, nhưng phải
thẳng thắn, không hậu ý, không mưu tính kín đáo, dang cả hai tay ra với họ chứ
không phải một cái chìa ra còn bàn kia thì giữ lại. Bằng ngược lại, mệt trí vì
những do dự, những điều nói nửa lời đầy âm mưu của qúy vị, nước Pháp buộc lòng
phải ngưng che chở và bỏ mặc qúy vị với số phận”! Khẩu khí ấy rõ là của thằng
Tây thuộc địa hợm hĩnh với dân bản xứ: miệt thị, bịp bợm, dọa dẫm, mua chuộc
tuy có chỗ chọc đúng vào điểm yếu trì trệ và hủ lậu của giới sỹ phu ta lúc đó.
Trương bị giới nho sỹ Bắc Hà nhạo báng thẳng thừng trên những câu thơ, đối chương
lên báo chí: “Hay tám vạn tư mặc kệ / Không Quân–Thần–Phụ–Tử đếch ra người”, phải
bỏ dở chuyến công du.
Do sức ép của chính quyền thực dân, triều đình
nhà Nguyễn phải chấp nhận dành phẩm trật cao giữa triều đình cho một số người của
Giáo hội Kito. Năm 1886, Jean Baptiste Trương Vĩnh Ký được phong Đại quan Cơ mật
viện tham tá, sung Hàn lâm thị giảng học sỹ. Trong vai trò ấy, Trương là một
quan chức mẫn cán của nhà nước thực dân, kiểm soát mọi hoạt động và đốc thúc Nam triều thực thi cái gọi là Hòa ước Patenôtre
– Giáp thân (1884), đặt toàn bộ Việt Nam dưới quyền cai trị của thực dân
Pháp. Vua tôi An Nam nếu không thành bù nhìn thì cũng là công cụ trong bộ máy
thống trị của ngoại bang! Trong thư gửi cho một linh mục: “Những gì tôi nói ở đây
là do mắt thấy, tai nghe. Trong cái nhìn đặc biệt về lợi ích của nước Pháp, việc
Đồng Khánh lên ngôi quả là may mắn” và Trương báo cáo với Toàn quyền Paul Bert:
“Tôi sẽ trấn áp những hãnh thần (là những người có tư tưởng chống Pháp) và sẽ
bao vây lấy nhà vua (Đồng Khánh). Tôi cũng sẽ gom những người thật sự có khả năng
(?!) cho Viện Cơ mật”. Một sự tình cờ lịch sử, Trương tuy thuộc lớp hậu sinh so
với Phan nhưng hai con người này cặp kè nhau trong mối quan hệ buổi đầu giữa Nam triều với
Pháp. Cần lưu ý, Trương từng được chọn làm thông ngôn cho phái bộ Phan-Lâm để đi
đến sự ra đời của hàng ước Nhâm Tuất 1862 tại Sài Gòn và sau đó lại tháp tùng
phái đoàn sang Paris và Rhoma để xin lại đất! Một trí thức trẻ tân học tháo vát
giỏi giang đã hiến mình cho Chúa và một lòng trung thành với mẫu quốc kè bên
viên quan già gian xảo và bạc nhược. Hẳn không là sự sắp xếp vô tình. Trương một
mặt xúi vua Đồng Khánh “làm ra năm mười khoản ước đưa ông Paul Bert nghị lại mà
tính với nhau” định rõ quyền hạn của Nam triều và Bảo hộ (Bắc kỳ) nhằm hoàn
thành nghị trình thâu tóm Việt Nam ôn hòa hơn viên tướng De Courcy trước đó; một
mặt tham mưu cho Toàn quyền Paul Bert: “Hãy nhanh chóng thành lập những đoàn Lạp
binh (đặc nhiệm cơ động)và võ trang cho họ. Ngài không có điều gì phải quản ngại
vì nhà vua và chính phủ Nam
triều sau vụ bạo hành tháng 7/1885 (tức ngày 24/5/Ất dậu – ngày thất thủ kinh thành Huế),
nay chỉ còn cách thần phục nước Pháp thôi”. Đội quân ấy đã tỏ ra hữu hiệu trong
việc đàn áp và truy sát những nghĩa sỹ cần vương. Trương còn bày cách chiếm dụng
những mảnh đất đẹp của các chùa chiền ở Huế giao cho nhà thờ mà chính quyền chính
quyền thực dân từng làm ở những nơi đô hội từ Bắc vào Nam, ngay cả ở Hà Nội,
Sài Gòn. Tất nhiên chính quyền bù nhìn sở tại phải cúi đầu làm lơ!
Một đời sáng tác, Trương cho ra 121 tác phẩm chữ
Việt và chữ Pháp mà nội dung được ông nói thẳng ra : “Trong các tác phẩm của
tôi không bao giờ đi lệch mục đích chính là sự biến cải và đồng hóa dân tộc An
Nam” và đều được nhà nước bảo hộ bảo trợ ấn hành. Ông ta hăng hái bộc lộ ruột
gan ra với quân cướp nước trong khi với đồng bào thì luôn viện dẫn câu cách ngôn
La tinh “Ở với họ mà không theo họ” (Sic vos non vobis)! Ông ta góp phần không
nhỏ đào tạo ra một lớp trí thức tân học vong bản, đến nỗi học giả Nguyễn Văn Vĩnh
tuy là người hăng hái tiên phong trong việc Quốc ngữ hóa chữ Nôm từng phê phán:
“Tôi so mấy chương báo bằng quốc văn và mấy chương báo bằng Pháp văn, thì hình
như các đại huynh học Pháp văn kỹ qúa, kỹ hơn tiếng nước nhà nhiều”! Trong khi
nhân dân ta phỉ báng Trương là “con người phản phúc” thì trùm thực dân Paul
Bert khen là người “luôn trung thành với nước Pháp”. Con người Trương nhìn từ hai
phía đều đúng với con người thực của ông! Đương thời, Trương đã bị giới sỹ phu
yêu nước tẩy chay, khinh thị. Chỉ những kẻ bán mình theo giặc mới lấy làm gương
để biện hộ cho mình. Từ đâu tung ra một số lời tâng bốc lố bịch hoang đường: “Hàng
trí giả toàn cầu không còn xa lạ gì với tên tuổi đại danh nhân thế giới PETRUS
KÝ (TRƯƠNG VĨNH KÝ). Tiên sinh là một “đại học giả”, một nhà bác ngữ học kỳ tài
đa năng, đa diện trên nhiều lãnh vực khoa học, khiến giới trí thức Âu châu lúc
bấy giờ đã phải cúi đầu trước trình độ bác cổ thông kim của vị tiền bối nầy!
Ngay cả các nhà văn hóa, nhà từ điển, nhà khoa học thời danh lúc bấy giờ cũng
phải nghiêng mình nhường bước cho việc bầu chọn PETRUS KÝ vào hàng “thế giới
thập bát văn hào” năm 1874, kể cả đại văn hào Pháp VICTOR HUGO (1802-1885), một
nhân vật văn hóa đã được an táng trong điện Panthéon, cũng phải lui sau nhường
chỗ đứng. Tiên sinh là một người dân bị trị không quyền chức duy nhất trên hành
tinh được ghi tên vào Bộ Đại từ điển bách khoa “Larousse Illustré” rất danh giá
của nước Pháp là điều hy hữu!”. Ông Trần Chung Ngọc – Tiến sỹ vật lý đồng thời
cũng là nhà nghiên cứu lịch sử và tôn giáo, bình: “Trong thời buổi này,
không có ai viết huênh hoang và vu vơ như vậy. Mọi luận cứ đều phải có tài
liệu chứng minh. Bảo rằng Pétrus Ký là nhà bác ngữ học kỳ tài đa năng, đa
diện trên nhiều lãnh vực khoa học nhưng không đưa ra bất cứ một tác phẩm khoa học
nào của ông? Văn kiện nào đã ghi cuộc bầu chọn như vậy? Những
tác phẩm nào của các danh nhân văn hóa thế giới nào đã tôn vinh ca ngợi
Pétrus Ký? Tôi cũng đã cố gắng tìm trên Internet chỉ thấy một tài liệu của Huỳnh
Ái Tông dù không cho biết xuất xứ, viết về Pétrus Ký như sau: “Trong khoảng năm
1873-1874, ông được liệt vào hàng “thế giới thập bát văn hào”, xếp theo mẫu tự
như sau: Bác sĩ Allemand, Banadona d’ Ambrum, Bonhomme (Honoré), Cazot (Jules),
Đại tướng Chambron, Bá tước Chambord, Christophie (Albert), Conte (Casimir),
Desmaze (Charles), Duprat (Pascal), Dupuy (Charles), Garnier-Pages, Guizot,
Lafayette (Oscar de), Lefèvre-Pontalis (Amédée), Marcon, Pétrus Ký, Thống chế
Saldonha Oliveirae Daun”. Nhưng 18 tên tuổi trên có mấy người biết đến
trong khi vắng bóng những cây đại thụ: Stendhal (1783-1842); Lamartine (1790-1869);
Balzac (1799-1850); Dumas (1802-1870); Hugo (1802-1885); Mérimée (1803-1870);
George Sand (1804-1876); Musset (1810-1857); Gautier (1811-1872);
Baudelaire (1821-1967); Flaubert (1821-1880); Daudet (1840-1897); Zola
(1840-1902); Maupassant (1850-1893)? Tôi cho rằng đó là một danh sách dỏm,
do một tổ chức ma nào đó đưa ra”. Cuốn “Pétrus Trương Vĩnh Ký nhìn từ những
khía cạnh và nhận thức khác nhau” của 7 tác giả: Bùi Kha, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn
Sinh Duy, Hồ Hữu Tường, Phạm Long Điền, Mẫn Quốc và Tô Minh Trung đều chung một
nhận xét. Người viết xin trích ra một ý kiến của nhà nghiên cứu quen thuộc Nguyễn
Đắc Xuân: “Nếu lấy tiêu chí Việt gian dành để xếp những tên phản quốc Nguyễn
Thân, Hoàng Cao Khải, Lê Hoan… vận dụng vào Trương Vĩnh Ký thì ta thấy Trương Vĩnh
Ký vượt xa những nhà nho nêu trên. Lịch sử Việt Nam cận đại luôn luôn phải nhắc đến
Trương Vĩnh Ký như một nhân vật phản diện điển hình. Đây là trường hợp có
một không hai trong lịch sử Việt Nam. Chúng ta cần phải nghiên cứu một
cách nghiêm túc, đầy đủ để có một sự đánh giá đúng đắn về tội làm tay sai cho
giặc của nhà bác học siêu hình, siêu Việt gian Trương Vĩnh Ký”. Cụ thể hơn, nhà
nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy tác giả cuốn “Trương Vĩnh Ký – cuốn sổ bình sanh” (NXB
Nam sơn – Sài Gòn, tháng 3/1975) mà chúng tôi lấy làm cứ liệu, viết: “Chỗ đứng
của Trương Vĩnh Ký vẻ vang và đồ sộ không phải trên văn đàn dân tộc Việt Nam mà
chính ở trong nền văn chương thuộc địa (une littérature coloniale) của người
chính quốc và những ngòi bút phục vụ quyền lợi thuộc địa”.
Giữa lúc đường công danh đang như hội phong vân
thì quan thầy Paul Bert bỗng lăn đùng ra chết. Giới chóp bu thực dân mỗi kẻ đều
có thuộc hạ riêng. Trương bị thất sủng, bơ vơ trong nỗi cô đơn, ngậm ngùi thổ lộ
nỗi lòng: “Học thức giữ tên con mọt sách/ Công danh rốt cuộc cái quan tài/ Cuốn
sổ bình sinh công với tội/ Tìm nơi thẩm phán để thừa sai!” và lưu lại đời sau mấy
dòng trên mộ chí: “Xin hãy thương tôi, ít ra những bạn hữu của tôi”! Còn gì đau
đớn và cay đắng hơn với một trí giả văn nhân khi tự thấy mình đã tuột ra khỏi
lòng dân tộc?! Học giả Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh kết câu ngắn gọn: “Nhân tài thất
đức thờ bạo chúa”! Vậy mà Trương Vĩnh Ký cũng được cái Hội đồng trời ơi trên
tuyển trạch vào hàng những nhân vật làm rạng danh đất phương Nam này! Họ quảng
cáo ông như cái thùng chứa rất nhiều chữ mà không đếm xỉa đến cái nghĩa của một
kẻ sỹ trước vận mệnh của quốc gia dân tộc!
Ông bà ta xưa, ngay từ buổi đầu cho con cháu cắp
sách tới trường, không quên lời căn dặn: Cho bay đi học chữ, học nghĩa. Bởi
không có chữ thì vô dụng. Nhưng có chữ mà bất nghĩa cũng là đồ bỏ đi! Không điều
nghĩa nào lớn hơn trách nhiệm với dân, với nước trong lúc quốc gia vong biến,
nhất là đối với lớp người được coi là nguyên khí quốc gia. Bao nhiêu bậc chí sỹ
văn nhân được đời truyền tụng đều là những người chữ tài đã giỏi mà chữ nghĩa đạo
hiếu trung càng nặng. Có chữ mà bất nghĩa nếu không là kẻ bất nhân cũng là bất
hảo.
Thường thì hậu thế vẫn tùy vào chỗ đứng, lợi ích
nhóm hoặc cá nhân và tính cách của mỗi người mà rút ra từ lịch sử những nhận định,
những đánh giá, những bài học khác nhau, nhiều khi trái ngược. Thêm nữa, các
nhân vật lịch sử có mặt chính diện mà cũng có mặt phản diện nhiều hay ít, có
khi mặt phải, mặt trái chuyển hóa lẫn nhau. Cơ bản là nhìn ra mặt nào là chính
yếu.
Tuần
báo Văn nghệ TPHCM
Số 336
Thứ năm ngày 15 tháng 11 năm 2014