ĐÔNG LA
TRÁI ĐẤT TRÒN
(Tướng Doanh, Đông La)
Cách
đây mấy hôm tôi nhận được điện thoại của tướng Nguyễn Ngọc Doanh:
-Anh
Đông La, mình đang ở làng Đông La đây, mình gặp được Phẫu rồi! Mấy anh em đang
chuẩn bị vào nhà Phẫu ăn cơm đấy!
Tôi
chỉ còn biết kêu lên trong đầu đúng là trái đất tròn! Trong mênh mông biển
người, đúng là con người ta gặp nhau đều có cơ duyên cả, do một sự xếp đặt
huyền linh nào đó.
Tôi vốn
không biết Tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, hiện là
Giám đốc trung tâm thông tin Tìm kiếm Hài cốt Liệt sĩ thuộc Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ
Việt Nam. Tôi cũng không quen cô Vũ Thị Hòa. Nhưng khi tôi viết về sự sai trái
của Chương trình trở về từ ký ức trên VTV, cả đệ tử của cô Vũ Thị Hòa và Trung
tâm của Tướng Doanh đã liên lạc hẹn gặp tôi. Vì vậy tôi đã gặp tướng Doanh tại
nhà ông cùng với vị phó của ông là anh Trịnh Duy Sơn, để nghe họ nói về vụ quy
tập hài cốt các liệt sĩ đã hy sinh tại trận đánh căn cứ biệt kích Cần Lê (Tống
Lê Chân) mà họ chính là những người trong ban tổ chức, đã nhờ cô Hòa.
Tướng Doanh cho tôi biết, qua một đồng đội tên là Miên, ông đã
tìm cách gặp được cô Hòa. Khi cô còn hoàn toàn chưa biết gì về cái tên Cần Lê
hay Tống Lê Chân nhưng cô đã nói cho ông ghi chép tên các liệt sĩ, các vật dụng
dưới mộ, kích thước hố chôn. Từ tất cả những thông tin đó, việc quy tập đã được
tiến hành với kết quả đúng như lời báo trước của cô Hòa, đặc biệt tên trên các
di vật cũng có đúng trong Danh sách Liệt sĩ Quân đoàn 4 hy sinh tại Cần Lê.
Chính vì vậy vị tướng già từng xông pha chiến trận, thương tật đầy mình, đã nói
với tôi: “đúng là mình cũng không hiểu”; “đặc biệt là người ta ngồi ở
Q 12 mà lại nhìn được ở tận Tống Lê Chân, nói những sự vật nào thì đào lên đúng
như thế… thế mới giỏi”! Và cũng vì vậy Tướng Nguyễn Ngọc Doanh mới gởi kiến
nghị tới Tổng Cục Chính trị: “Nếu không đúng là hài cốt liệt sĩ đề nghị Bộ
Quốc phòng cho điều tra mở Tòa án Quân sự xử bắn tôi trước 164 liệt sĩ trên”!
Những chuyện đó tôi đã viết không chỉ một lần, hôm nay tôi
muốn nói về cái chuyện thú vị dẫn đến chuyện tại sao Tướng Doanh lại có mặt ở
chính làng Đông La, quê tôi, nói ở trên, cái làng mà tôi đã lấy làm bút danh và
khiến tôi thành danh.
Số là lần đầu gặp ông ông cho biết đã bị thương tật đầy
mình, có lần bị vào quai hàm làm ông bất tỉnh, đồng đội đã đưa ông xuống huyệt,
phủ lá, chuẩn bị lấp đất, có người canh để kỳ đà không ăn xác ông. Nhưng trước
khi lấp, một người đã sờ bàn chân ông thấy nóng nên đã mang ông lên. Ông nói: “Vì
thế hôm nay mới còn để mà tiếp chuyện Nhà văn Đông La”. Sau đó chuyện
trò đủ thứ, ông hỏi quê quán, biết tôi ở Hải Dương, ông bảo hồi đầu vào chiến
trường đơn vị ông có nhiều người quê Hải Dương, dường như có người còn cùng
làng, xã, huyện của tôi luôn. Ông hỏi tôi có biết anh Phẫu không? Xóm tôi quả
là có anh Phẫu con ông Chậu, nhà phía tay trái nhà tôi, cách có một nhà là ông
Chố, em ruột ông Chậu. Anh Phẫu còn lớn hơn anh cả tôi, đi bộ đội từ khi tôi
còn rất nhỏ, có em là Phường cùng tuổi, cùng học từ lớp một với tôi. Với đám
bạn như Phường thì như ngôn ngữ bây giờ tôi là siêu sao, đơn giản là vì tôi học
giỏi, mà cái giỏi của tôi hoàn toàn là tự nhiên không phải “luyện gà chọi” như
bây giờ. Tôi đã trả lời Tướng Doanh là có biết anh Phẫu, nhưng không thể ngờ là
anh Phẫu cùng xóm tôi, vì với Tướng Doanh đã 50 năm, ông không thể nhớ chính
xác tên làng quê đồng đội mình.
Nhưng không ngờ rằng cách đây mấy ngày Tướng Doanh đã gọi
cho tôi khi đang ở chính làng Đông La, quê tôi, đã gặp người đồng đội, chính là
vị ân nhân cứu mạng ông, bởi trước khi lấp huyệt, cũng chỉ vì không muốn chôn
đi đồng đội mình nên đã hy vọng, đã cẩn thận sờ chân ông lần cuối và mới thấy còn
nóng, và vì thế Tướng Doanh mới nói “hôm nay mới còn để mà tiếp chuyện
Nhà văn Đông La”. Người đó chính là anh Phẫu con ông Chậu cùng xóm tôi, nơi
tôi đã lớn lên từ ấu thơ, cuốn “Những dấu vết không phai” chính là tôi đã viết
về nơi chốn ấy! Tướng Doanh còn đến tận nhà ông anh tôi, nói sao anh em giọng
nói giống nhau quá!
Trái Đất đúng là tròn. Tướng Doanh đâu có ngờ sau 50 năm lại
gặp người cùng xóm với người từng cứu mình lên từ dưới huyệt mộ trước khi lấp
đất tại một cánh rừng! Tại sao tôi lại gặp cô Vũ Thị Hòa, lại gặp Tướng Doanh?
Những người theo lẽ thường thì tôi không gặp họ để làm gì cả. Nhưng rồi tôi đã
gặp và đời tôi đã gặp bao người rồi? Phải chăng mọi cuộc gặp gỡ đều có cơ duyên.
Nhưng duyên nào lành, duyên nào dữ? Với tôi thì tiếc là duyên dữ lại nhiều hơn.
Đến thằng Nhà văn Nguyễn Quang Thiều mới hôm nào gặp gỡ, chào mời, cũng lại “chơi”
tôi luôn thì tình người trong thời thực dụng này đúng là chán thật! Nó còn tính
bỏ tiền in sách cho tôi nữa chứ. Đến hôm nay thì tôi mới biết đó chính là cái
giá nó mua việc tôi viết về thơ nó cho cuộc Hội thảo về thơ nó mà nó đã móc với
thằng Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn, tổ chức tại Viện Văn. Phải chăng
đó chính là việc Thiều tự đánh bóng tên tuổi, dọn đường hất ông Hữu Thỉnh về
vườn để lên làm Chủ tịch Hội Nhà Văn thay ông Thỉnh? Có thể Nguyễn Quang Thiều
sẽ thành công. Với luật đời thì chẳng có pháp luật nào lại bỏ tù khi Nguyễn Quang
Thiều chơi xấu bạn văn Đông La cả. Nhưng với luật nhân quả của thế giới tâm
linh thì công minh hơn, không chỉ những hành động xấu mà mỗi ý xấu, lới nói xấu
cũng đã tạo nghiệp nặng và sẽ phải trả giá rồi! Tiếc là người đời đa phần chỉ coi
cái được của cõi tạm là quý giá, bất chấp mọi chuyện để tranh đoạt mà không sợ
quả báo!
22-1-2015
ĐÔNG LA