Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

VỀ HƯỞNG PHÚC (I)

VỀ HƯỞNG PHÚC (I)

Trước Tết cô Vũ Thị Hòa gọi điện cho tôi:
-Mời anh ra ngoài này ăn tết, cô vừa hóa kiếp một con lợn cho các cháu ăn tết, ngày mai làm một con nữa.
-Nếu ra được thì vui quá, tiếc là lại xa xôi quá, thôi em chúc cô và các cháu vui tết nhé.
Trước Tết cô hóa kiếp 2 con lợn và một con bê, cô đều gọi cho tôi. Cô nói “các cháu” ở trên không chỉ là con cô, mấy người đồng hành trên con đường tâm đức với cô, mà chủ yếu là những người có bệnh, những người có tật đang ở bên cô nhờ cô chữa trị, giáo dưỡng. Bây giờ, người trước đi, người sau đến, luôn có khoảng hơn ba chục người cô lo cho hoàn toàn chuyện ăn ở miễn phí tại chỗ cô, chính là Thôn Đồng Câu, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Những Phật tử thân thiết của cô ở TPHCM như cô Thương, ông Ba, ông Duật, ông Nhương, ông Sử… đều đã đến đó. Riêng tôi thì chưa, tôi muốn phát ghen lên với họ nhưng lỗi lại do chính tôi, tôi tính đợi những ngày ấm áp sẽ ra cho biết, nhưng chưa đến, thế thôi! Không ngờ sau Tết cô lại gọi:
-Anh Đông La, ngày mồng 8 Tết này cô làm lễ chúc phúc cho mọi người, tốt lắm đấy, anh ra ngoài này nhé.
-Thế thì tốt quá, em sẽ ra, nhưng cô ơi ngoài đó còn lạnh không để em còn chuẩn bị?
-Anh yên tâm không lạnh đâu. Vậy để em nói anh Nhương mua vé nhé.
Nói rồi cô cúp máy luôn. Tôi biết cô muốn lo vé cho tôi. Khi anh Nhương cùng anh Duật tới nhà chúc Tết và đưa vé, tôi lịch sự trả tiền, nhưng anh Nhương cười không nhận. Khi họ ra về tôi gọi cho cô:
-Cô ơi, em trả tiền nhưng ông Nhương không nhận.
Cô cười trả lời:
-Ông Nhương mà nhận là ông ấy sẽ chết với em!
Thật hạnh phúc khi được cô ưu ái như vậy. Nhưng tôi cũng ngại vì sau đó phải cả chục người đã biết tin do cô báo ông Nhương và vài người, đã truyền nhau, họ đã tự lo để đến với cô. Về tu tập thì chính như vậy người ta mới lập công đức, như họ mới hay còn tôi là dở. Tôi nói với cô điều đó cô bảo:
-Anh Đông La ơi anh chẳng biết gì cả, em ưu ái anh nhưng không phải là thiên vị anh đâu. Nói như dân gian là “gái có công thì chồng không phụ”. Còn những người khác tự biết, tự đến là người ta phải tu đấy anh ạ.
Tôi viết ra điều này không phải để khoe mà mong anh chị em Phật tử của cô hiểu hơn cách ứng xử của cô đồng thời ngộ ra sự tu hành, sự ứng xử của chính mình.
Cuối cùng tôi cùng ông Nhương, ông Duật, ông Lãm, chị Thu và anh Sơn, còn mang theo anh chàng con trai đã tốt nghiệp Đại học Kiến trúc nhưng lắm tật ra gởi gắm cô. Ra sân bay không ngờ gặp anh Vịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, bay cùng chuyến 11 giờ đêm mồng 7 tết; còn cô Thương, phu nhân Đại tá Cao Thanh Hoa, thì bay chuyến sau. Tôi gọi cho cô báo giờ bay, cô nói sẽ cho Lực lái xe ra đón chúng tôi. Ra sân bay, Lực chở chúng tôi về một khách sạn bên Hồ Đại Lải, sáng sau đến chỗ cô
Ban đêm cô thường ngồi thiền, quán chiếu khắp nơi và viết kinh nên những lần tôi biết, sáng cô ra tiếp mọi người rất muộn. Chưa được gặp cô nên chúng tôi sang thăm ông Phó Văn Tư là chủ nhà, ở căn nhà khác của ông gần đó. Ông Tư là Bí thư Chi bộ thôn Đồng Câu:
Ông Tư kể lúc đầu không biết cô là ai thấy mấy người quen cô đến cứ gọi “cô”, xưng “con”, ông đã chú ý định theo dõi, nếu thấy đồng cốt, bói toán là phá luôn. Nhưng rồi thấy cô chữa bệnh cho người ta không lấy tiền, thấy ai khó khăn còn cho tiền thì phục quá. Thấy cô như vậy nên ông đã nói sẽ không lấy tiền thuê nhà nhưng cô quyết không chịu. Có người nói với ông cô không có giấy phép kinh doanh thì ông bảo cô có kinh doanh đâu, người ta cầu cứu cô, cô “tâm Phật” cứu người thì cần gì giấy phép. Ông lấy ví dụ, ông thông gia với chính gia đình ông là Giám đốc Điện lực Đải Lải, đã nhờ cô chữa bệnh ung thư phổi, về ăn Tết cô cho 5 triệu, nhưng về được 3 ngày lại phải đến bảo: “không trông thấy cô con đau lắm, cứ trông thấy cô là con hết đau”. Nói xong ông cười “hớ, hớ, hớ” rất vui vẻ.
Khách khứa các nơi đã về khá đông, xe để chật ngoài bãi:
Hôm trước ra Hà Nội, tôi có điện thoại cho Hường, hàng xóm của cô khi ở Yên Bái mà vợ chồng đều là anh em thân thiết của tôi trong đại gia đình cô Vũ Thị Hòa, tôi bảo Hường gọi cho Bác sĩ Thành, nếu Thành đi được gặp nhau thì thật vui. Thành cũng là “bạn fb” thân thiết của chị em Hường, Huyền, là TSBS, một cán bộ của Bộ Y tế, từng tha thiết nhờ tôi giới thiệu để được gặp cô Vũ Thị Hòa. Tôi nói với cô Thành là Tiến sĩ BS sẽ có chuyên môn hiểu rõ hơn giá trị chữa bệnh của cô, cũng sẽ giúp cho mọi người hiểu hơn về cô, về thế giới tâm linh. Nhưng rồi Thành cũng phải “xếp hàng” khá lâu, ở Hà Nội cô không gặp mà về tận Yên Bái cô mới đồng ý gặp. Tôi hỏi cô thì cô bảo “phải thế chứ!” Hường trả lời tôi sáng mai vợ chồng anh Thành cũng lên. Quả đúng vậy. Khi gặp Thành tôi rủ Thành cùng mọi người ra xem khoảnh đất gần đó cô đã mua mà tương lai sẽ là nơi chốn cô “đóng đô”:
(Anh Vịnh, anh Lãm, anh Tư, anh Nhương, anh Duật,
BS Thành, Đông La)
  Khoảng 10 giờ cô mới ra khỏi phòng. Phòng cô ở dãy 3 phòng nhỏ, mái fibro-ximăng, xây theo khuôn viên:
(Nơi ở của người làm từ thiện hàng tỷ đồng mỗi năm)
 vuông góc với nhà chính tiện nghi hơn dành cho bệnh nhân và khách thập phương:
Người đầu tiên cô gặp là chị Loan ở Bình Phước, người đầu tiên cưu mang cô cùng mấy người Yên Bái mà cô đặt tên là đoàn Tâm Đức Yên Bái, từ Bắc vào Nam như trên “con tầu không số”, khởi đầu hành trình cứu nhân độ thế. Từ đó cô đã không gặp lại chị Loan nên hai người đã ôm nhau ngẹn ngào:
(Chị Loan, cô Hòa)
Sau bữa cơm trưa, cô dặn dò mọi người tổ chức buổi lễ chúc phúc đầu xuân và dọn tiệc chung vui. Cô mời các cụ ông, cụ bà và dân cả làng Đồng Câu, ai có lòng hướng thiện thì đến. Cô dặn xếp những người cao tuổi ngồi trên, người chưa được gặp cô ngồi trên, phải niềm nở mời chào, ai cũng được trân trọng, người ta đến là để chung vui, được chúc phúc, không được nghĩ là người ta đến để ăn. Thự, con anh Duật, được phân công làm MC, ông Nhương là trưởng ban tổ chức, khi nào khách đến đầy đủ sẽ tiến hành.
MC giới thiệu ông Nhương lên phát biểu:
Ông Nhương lên tự giới thiệu, kể lại cơ duyên cho ông được biết, được gặp, chịu ơn và cuối cùng cả vợ con, dâu, rể đều là Phật tử thân thiết của cô. Đầu tiên ông được biết cô do cô tìm được mộ cho LS Cao Văn Kha là cha của Đại tá Cao Thanh Hoa ở QK7, một người quen của ông, rồi cô nói vườn nhà ông ở tận quê ngoài Bắc có hài cốt và di vật đi kèm, sau đó đào lên thì đúng như cô nói. Ông kể lại đôi nét công lao của cô đã giúp tìm được hàng ngàn hài cốt liệt sĩ, hoàn toàn thiện nguyện, không nhận tiền công, thành đại ân nhân của bao gia đình, trong đó có những cuộc quy tập lớn ông đã trực tiếp chứng kiến. Xong ông giới thiệu ông Phó Văn Tư, Bí thư Chi bộ Thôn Đồng Câu, đại diện chính quyền thôn đồng thời là chủ nhà, phát biểu. Ông Tư lên nói lên sự tin tưởng của mình với cô vì có hai thầy giáo Hà Văn Toàn, Hà Văn Tuấn ở địa phương chính là con liệt sĩ Hà Văn Bào, là nhân chứng trực tiếp chứng kiến cô đã giúp họ tìm ra hài cốt của cha bên cạnh hố chôn tập thể các liệt sĩ ở Cần Lê, Tây Ninh. Vì chôn riêng nên LS Hà Văn Bào may mắn được đưa về quê, được truy điệu trọng thể và mai táng chu đáo, không bị “hoàn thổ” như các liệt sĩ trong hố chôn tập thể. Ông cũng nói lên công lao tìm được hàng ngàn liệt sĩ của cô. Ông nói: “Sống ở trên đời người ta phải có tâm có đức mới có phúc, có phúc mới có phần, gieo nhân nào thì gặt quả đó. Cô chỉ mong muốn con cái ai còn cha mẹ thì tròn chữ hiếu, anh em hòa thuận, vợ chồng thủy chung”:
Tiếp theo, ông Duật, đại diện các Phật tử phía Nam phát biểu, cô giáo Hiền, con dâu LS Hà Văn Bào đọc hai bài thơ của Đại tá Đào Văn Sử viết tặng cô, rồi nghệ sĩ chèo Lại Thị Đông ngâm lại.  
Rồi giây phút quan trọng là cô xuất hiện:
Cô cảm ơn khách mời và Phật tử khắp nơi không quản ngại đường xa đến tham dự, cô nói đã đi khắp nơi giờ chọn nơi nhà anh Tư nghĩa là nhà anh Tư có phúc, cô chúc phúc đầu tiên cho gia đình anh. Cô nói hôm nay là ngày 8 tháng giêng, ai nhìn thấy cô là có phúc nhất, là ngày cô gieo Nhân, Phúc, Nghĩa, Tâm, cô cũng mời tất cả các cụ và mọi người ăn một bữa cơm nhân, phúc, các Phật tử vẫn có thể ăn mặn vì hôm nay cô hóa kiếp cho các thú vật thành rau, đừng cho là cô hoang đường, nhưng cô không nói hoang đường, cô không bắt mọi người tin cô, nhưng cô nói, cô nhìn là thật. Cô giải thích cho mọi người tại sao ngày thường cô trang phục giản dị, nay cô đi giày đen là tượng trưng cho bùn đen, hoa sen mọc giữa bùn lầy vẫn thơm, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn; quần mầu trắng tượng trưng cho tâm cô trong sạch; mầu áo của cô tượng trưng cho người thục nữ, là phải luôn giản dị, lúc nào cũng bịn rịn áo nâu; còn cánh sen tượng trưng cho các Phật tử tâm lúc nào cũng trong sáng. Rồi cô ứng tác, tự biên, tự diễn, ngâm thơ về đạo lý làm người. Rồi cô chúc mọi người Phúc, Ân. Ân đây là ân nghĩa sinh thành. Cô giảng câu “không có thực thì không vực được đạo”. Thực không chỉ là thực phẩm mà là thực vật, thực tế, thực tình, thực nghĩa; còn đạo là đạo làm người, đạo làm con, đạo nhân, đạo đức và phải xếp sau cùng là bất đạo. Không phải không có tiền thì không làm tâm đức được và cứ có nhiều tiền thì mới làm tâm đức được. Như ngày hôm nay mọi người cầu phúc cô gieo sẽ có đạo thì có cần thực, cần tiền đâu? Phải có đức mới cầu đạo được, chỉ có tiền tài mà không có đức sẽ không cầu đạo được. Cô thấy có nhiều phụ nữ “Có khi Phật sống trong nhà/ Nhưng ai biết được Phật là ở đâu?”. Cha mẹ sống lù lù nhưng không bưng bát tử tế cho cha mẹ. Có người đàn ông đang sống tử tế với mẹ nhưng vô phúc lấy được người vợ về là thành quái, bỏ qua bố mẹ luôn. Có việc rắc rối thì lại đi cầu cúng, cầu ở đâu? Cần phải thực hành mà thực hành ở đâu? Thực hành là thực tâm, thực nghĩa, thực tình, thực hiện ngay trong nhà mình, không làm được thì làm sao mà cầu được. Phật chỉ cần tâm đức nên không cần cầu đâu xa mà cầu chính mình, Phật ở trên trời sẽ rõi tâm con người nên không cần phải đến cầu nơi đền, chùa. Mọi người phải tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba mới tu chùa. Nhiều người cứ nghĩ nghĩa là thắp hương cho Tổ Tiên ông bà xong, ra chợ rồi đến chùa. Không phải vậy mà tu tại gia nghĩa là kính cha mẹ, vợ chồng hòa thuận thủy chung, dạy dỗ con cái đàng hoàng, con cái biết hiếu thảo, người đàn bà phải khoan dung độ lượng, lời nói nhẹ nhàng, giữ cho nhà mình yên ấm, hạnh phúc. Như thế Phật mới chứng. Người đàn ông cũng vậy mới là tu tại gia. Có người con dâu chuẩn bị sắp lễ người mẹ không biết lấy quả chuối, kêu la “Ới Giời ơi, cái này con mang lễ chùa đấy”, thế là không biết tu tại gia. Không phải cứ sắp lễ đàng hoàng đến chùa cầu xin là có phúc đâu. Mình có tu tốt tại gia không? Mình có chăm sóc cha mẹ già không? Không phải có tiền vất cho ông bà 500, 1 triệu là được đâu, phải là cái tâm, phải thực tình, thực tâm. Người đàn bà ra chợ mua một bán mười, con cá tám lạng lừa người mua là một cân, buôn gian bán lận, làm đồ giả, làm vậy thì làm sao mà đi cầu? Với người đàn ông công tác, làm tội, bon chen, làm khổ người khác rất nhiều, người vợ ở nhà đi cầu thì Phật nào phù hộ? Phải tu tại gia được, tu chợ được rồi mới đến chùa cầu xin, mà không cần đến chùa cũng được. Tu tại gia được rồi thì tiếp đến là phải yên tại gia, là phải thờ cúng Tổ Tiên ông bà, phải thuận âm mới thuận dương, thuận đường, thuận chợ. Có người bỏ ra hàng trăm triệu cầu cúng khắp nơi nhưng ở nhà hương lạnh khói tàn. Cứ đốt tiền, vàng mã, ngựa xe mà không biết là sai, là gây thêm tội chồng, tội chất, con cái càng làm cho các cụ ở dưới không yên ổn. Còn cứ cúng mặn thì các cụ càng lâu siêu thoát, cúng hoa quả trái cây chay tịnh thì hạnh phúc nhất cho các cụ, cho con cháu hạnh phúc đời đời về sau…
Sau cùng cô mời trước hết là các cụ, các anh chị gần xa ăn bữa cơm nhân phúc của cô:
(còn tiếp)
Mồng 10 Tết Ất Mùi (2015)
ĐÔNG LA