Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

MUÔN VẺ ĐƯỜNG TU

ĐÔNG LA
MUÔN VẺ ĐƯỜNG TU

Trong các bài giảng kinh, thuyết pháp, cô Vũ Thị Hòa thường kêu buồn, than khổ. Cô giải thích cho tôi hiểu là không phải cô buồn vì chuyện của cô mà cô buồn vì mọi người. Người tu thì nhiều nhưng ngộ để hành cho đúng thì ít. Tu là làm điều tốt ai cũng biết nhưng thế nào là tốt thì không phải ai cũng hiểu. Lập công trạng, công lao để được thưởng huân chương, thăng quan tiến chức thì dễ hiểu, nhưng những công đó có phải là công đức của đường tu không thì chưa chắc.
Nhớ lại hôm cô làm thuốc cho nhà tôi, tôi tính cảm ơn cô theo lẽ thường thì cô bảo: “Chữ nghĩa của anh vàng ngọc cũng không sánh được, nên anh mà còn nhắc đến chuyện đó là em cúp điện thoại luôn đấy”. Cái chuyện viết của tôi bảo vệ người tốt, phê phán người xấu, bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai đúng là việc tốt nhưng tôi cũng không dám nghĩ như cô nói. Nên một lần điện thoại tôi nói với cô:
-Cô Hòa ơi, em rất khâm phục những người làm từ thiện, như những người thức khuya, dậy sớm nấu cháo cho người nghèo ở bệnh viện ăn đấy; rồi những người chăm sóc người cùi hủi, lở loét, v.v… Những việc đó thì em không thể nào làm được cô ạ. Còn chuyện viết lách của em thực ra là do cái khả năng của em thôi, cứ nằm võng đung đưa, có ấm trà bên cạnh, rồi viết thì có khổ gì đâu mà lập được công đức? Em viết là do cái số của em nó thế thôi cô ạ.
-Anh nói vậy là không đúng rồi. Mỗi người có một chức phận, anh nói là số mệnh nhưng phải nói là sứ mệnh thì mới đúng. Còn chuyện làm từ thiện không phải ai cũng tốt như anh nghĩ đâu anh ĐL ơi. Anh phải vất vả làm ra một căn nhà, bán đi có tiền, rồi dùng chính tiền ấy làm từ thiện thì mới đúng là lập công đức. Còn mấy ông có quyền dùng tiền công, mấy người lập quỹ kêu gọi mọi người đóng góp để làm từ thiện, rồi từ thiện thì ít mà xà xẻo thì nhiều, sao mà có công đức được?
Nghe cô nói mà tôi giật cả mình, đúng là “thánh phán”, vì tôi vừa coi lại chuyện về Sơ Tổ Thiền Tông Trung Quốc là  Bồ-đề-đạt-ma. Thấy ý cô nói y như lời của Bồ-đề-đạt-ma vậy.
***
Bồ-đề-đạt-ma (zh. 菩提達磨, sa. Bodhidharma) là Tổ thứ 28 và cuối cùng sau Phật Thích-ca Mâu-ni của Thiền tông Ấn Độ và là Sơ tổ của Thiền Tông Trung Quốc. Một trong những truyền thuyết nói ông đến TQ vào triều đại nhà Lương (502-557). Sau khi trở thành Tổ thứ 28, Bồ-đề-đạt-ma đến Trung Quốc khoảng năm 520. Ngài đã gặp Lương Vũ Đế. Ông vua này là một người sùng đạo, đã cho xây nhiều chùa chiền, bảo tháp nên đã hỏi nhà sư Ấn Độ:
-Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?
Đạt Ma đáp:
-Không có công đức.
-Tại sao không công đức?
-Bởi vì những việc vua làm là nhân "hữu lậu", chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như bóng tùy hình, tuy có nhưng không phải thật.
-Vậy công đức chân thật là gì?
Sư đáp:
-Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được.
Cần phải hiểu sâu xa hơn ý Sư Tổ. Việc vua xây chùa nhưng bằng tiền của do bóc lột của dân nghèo nên không phải gieo nhân lành mà là nhân "hữu lậu". Chữ lậu (Āsava) Hán tạng dịch là lậu hoặc. “Lậu” là rỉ ra nhơ bẩn, “Hoặc” là mê lẫn. Vì vậy mà không có công đức. Chỉ là cái bóng, chỉ là hình thức chứ không thực chất. Công đức thật sự của vua phải từ chính nhà vua, từ chính cái tâm trong sáng, lòng thương yêu, lo toan cho dân chúng của vua.
Đó là những lời khai thị về tính chất cơ bản của Phật Pháp nhưng Lương Vũ Đế không lĩnh hội được nên Bồ-đề-đạt-ma đã vượt sông Dương Tử đến chùa Thiếu Lâm ở Bắc Trung Quốc. (Chuyện vượt sông của ngài đã thành huyền thoại, chỉ dùng cành lau sậy mà qua được sông).
Như vậy để lập được công đức cho đường tu người ta hay nói là phải “ngộ” đạo, nói nôm na là phải hiểu biết, vì có hiểu biết mới làm đúng. Nhưng thế nào là ngộ cũng lại không dễ hiểu. Có người thuộc làu kinh sách nhưng không ngộ, ngược lại có người không thuộc gì lại ngộ. Vậy nên cô Hòa mới viết: “Đường nhân đạo trông không mà có? Pháp trí thông truyền có hoá không?” là như thế. Kinh Phật nói “Vạn pháp do tâm sinh”. Tâm trong sáng, hướng thiện chính là nền tảng cơ bản để ngộ, dù người ta có biết đến kinh sách hay không.
Để hiểu thế nào là ngộ có lẽ hay nhất nên coi những chuyện Phật Tổ và các nhà sư tiếp nối chọn người kế thừa mình mà trong kinh sách gọi là “truyền y bát”. Bới người được các ngài chọn tất phải là những người ngộ nhất.
Thật thú vị trong Ngọc sắc tâm kinh, cô Vũ Thị Hòa cũng có viết về chuyện Đức Phật Tổ chọn người kế thừa:
Ngày xưa Đức Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh thuyết pháp suốt 49 năm nhưng trong buổi pháp hồi cuối cùng tại núi Linh Thứu, ngài chẳng nói một lời nào cả. Tay ngài cầm đóa hoa đưa ngang tầm mắt nhà Phật gọi là niệm hoa thị chúng. Đệ tử trên hàng vạn người trong đó gồm cả thiên thần đều ngơ ngác không hiểu, chỉ có một phật tử ngộ được hàm ý của Đức Phật nên mỉm cười. Đức phật thấy phật tử mỉm cười ngài mới nói cùng phật tử, ngộ hữu chánh pháp nhãn tang, Niết - Bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, bất lập văn tự, giao ngoại biệt truyền "Chánh pháp nhãn tàng". Chánh pháp là chân pháp, nhãn tàng tức là ẩn tàng ở mắt. Mắt này không phải là mắt trái cũng chẳng phải mắt phải mà chính là chỗ "O", đó là bản tính Như Lai, là tâm bồ đề của ta. Tâm này không sinh, không diệt nên gọi là thực tướng, lại vô hình vô sắc không thể thấy được nên gọi vô tướng. Vạn pháp từ đây mà ra nên vi diệu. "O" không ở nơi văn tự, chỉ có thể dùng tâm ấn tâm mà thôi. Đạo mà ta đã truyền cho các con trong lúc cầu tu, hành đạo chính là chánh pháp nhãn tàng trong thời kỳ phổ độ”.
Trên Google cũng có câu chuyện trên nhưng được viết là “Niêm hoa vi tiếu”, nghĩa là cầm hoa mỉm cười. Vậy viết như cô Hòa “Niệm hoa thị chúng” hay hơn. Niệm có nhiều nghĩa, nghĩa ở đây là việc chủ ý dùng cành hoa để khai thị Phật Pháp cho chúng sinh. Còn vị Phật tử được Phật Tổ chọn mà cô viết ở trên chính là ngài Ma-ha-ca-diếp (Tiếng Phạn Mahākāśyapa, còn gọi là Tôn giả Ca Diếp hay Đại Ca Diếp). Ngài chính là vị tổ thiền tông đầu tiên của Phật giáo. Còn Tổ Bồ Đề Đạt Ma, người đã đem thiền tông đến Trung quốc vào khoảng thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch chính là Tổ thứ 28 đồng thời là Tổ thứ nhất ở Trung Quốc.
***
Thiền định (kasina) là sự tịnh thức, có người viết là tỉnh thức, tôi thấy tịnh thức là đúng hơn, vì là sự khai sáng trong yên tĩnh, mà yên tĩnh chính là sự trong suốt của tâm thức. Cơ sở của thiền là vô chấp, loại bỏ tạp niệm để an tâm, để đạt được yên tĩnh, mà im lặng là một biểu hiện của yên tĩnh, nên im lặng là một loại ngôn ngữ cao thâm nhất của thiền.
Có nhiều câu chuyện thú vị nói về ngôn ngữ của sự im lặng.
Với công án thiền nổi tiếng “Thế nào là tiếng vỗ một bàn tay?” Thực tế đó là một sự vô lý. Nhưng với thiền sư đang tu tập mà còn chú ý đến sự vô lý, rồi tìm cách giải nghĩa nghĩa là còn chấp, là còn chưa hiểu sâu sắc về thiền. Vậy câu trả lời đúng nhất theo tinh thần của thiền chính là sự im lặng, chính là “tâm ấn tâm, không ở nơi văn tự” như trong câu chuyện Phật Tổ chọn người kế thừa ở trên. Còn muốn giải nghĩa thành lời theo đạo thì tiếng vỗ của một bàn tay là tiếng vỗ của không chứ không phải tiếng vỗ của sắc, âm thanh của nó là im lặng.
***
Bồ-đề-đạt-ma là đệ tử và truyền nhân của Tổ thứ 27, Bát-nhã-đa-la (sa. prajñādhāra). Sự tích truyền pháp của Bát-nhã-đa-la cho Bồ-đề-đạt-ma được truyền lại như sau:
Sư phụ hỏi: "Thứ gì vô sắc?". Bồ-đề-đạt-ma đáp: "Vô sinh vô sắc".
Chỉ vậy thôi người đệ tử đã được thầy chọn.
Nếu không hiểu Đạo Phật không thể hiểu bài thi và bài trả lời là tuyệt vời như thế nào. Bồ-đề-đạt-ma không trả lời trực tiếp câu hỏi mà muốn câu trả lời sâu sắc hơn, rộng lớn hơn, nên đã dùng Thuyết Duyên khởi để trả lời. Duyên khởiVô ngã  là hai giáo lí trụ cột của Phật giáo. Phật Tổ nói:
“Nếu cái này tồn tại thì cái kia hình thành. Cái này phát sinh thì cái kia phát sinh. Cái này không tồn tại thì cái kia không hình thành. Cái này diệt thì cái kia diệt”.
Đó chính là kinh Duyên khởi.
Đến lượt Tổ Bồ-đề-đạt-ma chọn người kế thừa, ngài không chọn đệ tử “chăm ngoan” mà chọn một đệ tử lắm tật, nhưng phải bằng huệ nhãn của ngài mới nhận biết được tâm ngọc của người đệ tử. Người đó chính là Thần Quang, sau được Tổ đặt tên là Huệ Khả, chính là Tổ thứ 2 của Thiền Tông Trung Quốc.
***
Có nhiều chuyện thú vị, được dựng thành phim ảnh. Trong phim tất có nhiều chuyện hư cấu, nhưng nếu hiểu được thiền, hiểu được đạo sẽ nhận ra được những câu đối thoại rất thú vị, thể hiện muôn hình, muôn vẻ của sự tu tập. Ta sẽ thấy trong cái đúng có cái sai, trái lại trong cái sai có cái đúng.
Thần Quang vốn là một đệ nhất công tử văn võ song toàn, con một võ quan đầu triều, được cưng chiều nên quậy phá. Một lần trên đường có dòng người theo nhau đi nghe Bồ-đề-đạt-ma thuyết pháp, Thần Quang trêu ghẹo một phụ nữ, gây sự rồi đánh chết chồng người ta. Bồ-đề-đạt-ma lần đầu gặp người đệ tử truyền nhân của mình chính vào cái lúc ấy, mới chất vấn thì được trả lời ý là, gốc của cái lỗi này chính là do cái ông Bồ-đề-đạt-ma thuyết pháp, vì ông ấy thuyết pháp người ta mới đi nghe nên mới xảy ra chuyện. Câu trả lời vô tình mà theo đúng nguyên lý Duyên khởi nên một người như Bồ-đề-đạt-ma mới chú ý và thầm nghĩ “Đúng là có lý mà cũng không có lý”. Từ đó ngài đã tìm cách thu phục chàng thanh niên làm đệ tử. Rồi do cơ duyên dẫn dắt, có một tình huống buộc phải đi tu, nhưng Thần Quang đồng ý đi tu vẫn ngang bướng ra điều điều kiện, muốn vẫn sinh hoạt như đời phàm. Mọi người ở Thiếu Lâm tự phản đối nhưng Bồ-đề-đạt-ma vẫn chấp nhận. Một lần trên một chiếc xe chạy trên đường, phía trước chở mỹ nữ, phía sau chở kinh sách, người đi đường thấy kỳ quái mới chất vấn thì Thần Quang trả lời: “Chuyện trai gái thuộc về nhân tính, bản tính con người. Còn đi tu là phải đọc kinh sách. Vậy đi tu là tu làm người tốt, mà người tốt thì phải giữ nhân tính”. Câu trả lời lại vừa có lý vừa vô lý. Sau đó tại nơi như giang sơn riêng của một quý tử, có đầy đủ rượu chè, Thần Quang đã vui vẻ cùng mỹ nữ. Bồ-đề-đạt-ma được tin đến đó tìm kiếm. Thần Quang đuổi hết mọi người ra, đón sư phụ nói: “Nơi đây không có nước chỉ có rượu, không biết sư phụ đi tu thì có dùng rượu thay nước được chăng?” Bồ-đề-đạt-ma trả lời: “Rượu làm người mê say nhưng với một thi nhân thì bảy bước thành thơ nên rượu cũng có mặt tốt. Được lấy rượu ra đây”. Sư uống xong nói: “Với người tỉnh táo thì uống rượu cũng như nước. Nhưng nấu rượu phải tốn công, tốn của, uống có ích gì, chi bằng uống luôn nước. Thần Quang, ngươi là kẻ tỉnh táo hay mê lú?” Thần Quang: “Tôi là tôi, nơi đây duy nhất một mình tôi, tỉnh hay không không quan trọng”. Sư Tổ: “Tôi là tôi, nơi đây duy nhất mình tôi, ngày Phật Tổ ra đời cũng nói “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” tuy khác mà giống”. Thần Quang: “Sư phụ khen hay diễu cợt con vậy?” Sư Tổ: “Thực ra Phật Tổ nói vậy không phải kiêu ngạo mà muốn nói đến cái quan trọng của tự ngã, cái tôi của mỗi người là quan trọng, muốn được tôn quý thì chính tự ngã phải tự lựa chọn cách sống để được tôn quý”. Thần Quang: “Có phải sư phụ muốn nói với con rằng một người có tri thức không nên chọn cách sống như con?” Sư Tổ: “Đúng vậy! Lựa chọn hay không lựa chọn? Chọn cách sống nào phải không chịu sự ràng buộc”. Thần Quang: “Vậy chẳng phải sư phụ nói đến tự tin sao?” Sư Tổ: “Hừm, quả nhiên là có huệ căn”. Thần Quang: “Thầy muốn con tự tin mà sống ư?” Sư Tổ: “Thần Quang đúng là thông minh đã hiểu được ý tứ. Ta đi đây!”
Một cuộc đấu lý cũng là một sự thuyết pháp thật là thú vị, đúng là cách ứng đối của bậc cao minh. Nhưng phải đến khi cha mẹ vì lỗi của mình mà chết, sự kiêu ngạo của Thần Quang mới bị đốn ngã, Thần Quang quyết đi tu. Trong giai đoạn Bồ-đề-đạt-ma 9 năm “diện bích tham thiền”, 9 năm đối diện vách đá thiền định, Thần Quang đã quỳ ngoài trời mưa tuyết cầu xin Sư Tổ truyền y bát cho mình. Tuyết vốn mầu trắng nên Bồ-đề-đạt-ma dùng hình ảnh không thể nào có đối với tuyết để nói ra ý mình:
-Chỉ khi nào tuyết có mầu hồng thì ý của con mới là điều có thể.
 Thần Quang nghĩ chỉ có máu phun ra mới nhuộm được tuyết mầu hồng, mình chỉ có chặt cánh tay mới chứng tỏ được với sư phụ thành tâm, thành ý của mình, liền cầm dao chặt phăng cánh tay của mình. Bồ-đề-đạt-ma hoảng hốt, vội băng bó, cứu chữa và còn gì mà không thuận theo lời cầu xin của Thần Quang. Ngài đã đặt pháp danh cho Thần Quang là Huệ Khả. Trước khi giao y bát, ngài còn gọi mấy đệ tử lại bảo họ trình bầy sở đắc của họ. Mấy người trước đều nói rất đúng theo kinh sách nhưng vẫn không thỏa mãn được ngài vì họ chưa nói được bản chất sâu sắc nhất của đạo thiền. Cuối cùng, đến phiên Huệ Khả, Huệ Khả chỉ lễ bái rồi im lặng cung kính nhìn sư phụ. Sư bảo: "Ngươi đã hiểu thấu được phần tuỷ của ta”.
Như vậy, Huệ Khả đã dùng cách trả lời của ngài Ma-ha-ca-diếp trả lời Phật Thích Ca khi được trao y bát. Khi đã thấu hiểu thì im lặng là câu trả lời trọn vẹn nhất. Im lặng cũng chính là điều cơ bản nhất của Thiền Tông.
Bồ-đề-đạt-ma nói câu cuối với Huệ Khả: “Xưa Như Lai trao 'Chánh pháp nhãn tàng' cho Bồ tát Ca Diếp, từ Ca Diếp chánh pháp được liên tục truyền đến ta. Ta nay trao lại cho ngươi; nhà ngươi khá nắm giữ, luôn với áo cà sa để làm vật tin. Hai trăm năm sau khi ta diệt rồi, việc truyền y dừng lại. Chừng ấy, đâu đâu người hiểu đạo và nói lý rất nhiều, còn người hành đạo và thông lý rất ít, vậy ngươi nên cố xiển dương đạo pháp”.
Vì vậy, y bát chỉ truyền đến đời thứ 6, và người được nhận chính là Huệ Năng.
***
Chuyện Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn trao truyền y bát cho Lục Tổ Huệ Năng cũng rất thú vị.
Huệ Năng sinh trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, lớn lên giúp mẹ bằng cách bán củi, chỉ nghe người ta tụng kinh mà ngộ nhập nên đã tìm Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn cầu học. Hoằng Nhẫn nhận ra ngay căn cơ nhưng bắt tiếp tục chẻ củi, giã gạo. Tới lúc Hoằng Nhẫn phải tìm người kế thừa nên bảo tất cả các học trò viết kệ lên vách tường. Chỉ có Thần Tú, một đệ tử xuất sắc nhất mới dám làm một bài, so sánh thân người tu hành như cây Bồ-đề và tâm như tấm gương, cần phải luôn lau chùi thì gương mới trong sáng. Huệ Năng đang giã gạo biết chuyện chạy ra cũng muốn viết một bài đối đáp lại bài của Thần Tú nhưng lại không biết chữ phải nhờ người viết hộ:
Bồ-đề bổn vô thụ,
minh kính diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật,
hà xứ hữu (nặc) trần ai?
Nghĩa là bản chất bồ đề vốn không phải là cây, gương vốn chẳng phải là gương, xưa nay thực ra không có vật nào cả, mà không có gì thì sao dính được bụi?
Bài kệ đã thể hiện giáo lý cốt tủy của Đạo Phật về tính không cũng như trạng thái cao nhất vô ngã của thiền định. Vì vậy Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn biết căn cơ của Huệ Năng vượt hẳn Thần Tú nên đã chọn vị chân tu tại gia, chuyên giã gạo, bổ củi là truyền nhân, trở thành Lục Tổ Huệ Năng. Từ ngài, thiền bắt đầu có những đặc điểm riêng của Trung Quốc. Vì vậy mà có người cho rằng ngài mới thật sự là người Tổ khai sáng dòng Thiền tại đây.
17-4-2015

ĐÔNG LA