Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

NHỚ CHIẾN HỮU

NHỚ CHIẾN HỮU

-Alô, Hùng hở, anh Lộc 74 đây!
-Tôi biết rồi. Bây giờ anh đang ở đâu?
-Mình đang ở Vũng Tầu, nhà con gái.
(Tiến, Duyệt, Nhẽ, Lộc, Hùng (Đông La))
Lộc 74 nghĩa là anh Lộc hồi ấy là y tá cùng ở tiểu đoàn 74 với tôi. Anh quê ở Huyện Cẩm Giàng, sau giải phóng về học Sư phạm toán, rồi dạy ở cấp III Cẩm Giàng. Đơn vị tôi là một trung đoàn được thành lập năm 1974 thuộc Quân khu Miền Đông (giờ là QK7) để tham gia cuộc tổng tấn công mùa xuân 1975.
-Chủ nhật này mình tính đi thăm anh Bảy, Hùng rảnh ra Vũng Tầu chơi rồi cùng mình đi được không? Ông ấy bây giờ ở xã Thanh Sơn, Định Quán. Hùng có nhớ đơn vị mình có trạm quân y bên bờ sông không? Ông ấy bây giờ ở gần chỗ ấy đấy.
-Cái trận thằng Hậu chết tôi bị bệnh đi nằm ở trạm đó đó. Tôi chứng kiến thằng Hậu chết tại đó. Rồi, chiều thứ 7 tôi sẽ xuống Vũng Tầu, chơi với ông 1 đêm, sáng sau mình cùng đi Thanh Sơn thăm ông Bảy.
Ông Bảy chính là đại đội trưởng, sau ngày giải phóng tôi đi học rồi đi làm, đến nay vẫn chưa một lần gặp lại, nên được gặp lại ổng thì tốt quá!
Vợ tôi ở trên lầu xuống hỏi tôi nói chuyện với ai mà la to thế? (Đông La mà!). Nhưng bà ấy ở trên lầu nghe thấy là chuyện thường, chỉ có điều khác thường là, một lần nữa, cô Vũ Thị Hòa lại chứng tỏ khả năng thần thông của mình. Cô ở ngoài Vĩnh Phúc cũng nghe thấy câu chuyện của tôi, và hơn thế, cô còn biết những gì không hay sẽ đến với tôi, nên cô đã gọi điện thoại cảnh báo:
-Anh Đông La ơi, ngày mai, ngày mốt anh không được đi đâu xa đấy nhé!
Cô chỉ cần nói vậy là tôi hiểu nên hứa sẽ nghe lời cô. Tôi vốn hay quên thời gian, tưởng mới đầu tuần, nghĩ chuyện đi thăm ông Bảy không sao, không ngờ coi lịch thì đã là thứ 6. Vậy “mai, mốt” cô Hòa nói chính là thứ 7 và chủ nhật! Thật khiếp vía! Vậy là phải đợi dịp khác thôi!
Tôi vào chiến trường chỉ có một năm, chỉ tham gia một trận đánh ác liệt là trận ở ấp bên cầu La Ngà. Nó làm tôi không bao giờ quên được nên đã viết thành cái truyện ngắn Ân nhân đăng trên Tạp chí Văn nghệ QĐ 1999:

 Trong truyện ngắn tôi là Huy, còn anh Lộc y tá và ông Bảy đại đội trưởng thì có mặt trong đoạn trích này:
         “… Huy chỉ cảm thấy duy nhất một cảm giác y như bị nhốt bên trong một thùng phuy mà bên ngoài có người quại búa tạ vào. Rất may căn hầm anh núp dưới cây mít to, pháo đụng là nổ ngay trên cây, nên không việc gì. Đến khi một đợt pháo dài tưởng vô tận vừa ngừng, bọn anh chợt thấy đại đội trưởng Bảy lù lù ở cửa hầm quát:
          - Mang cuốc xẻng sang moi hầm thằng Nhữ ngay!
          Giời ơi! Huy nấc lên, bật dậy. Anh Lộc y tá đã có mặt. Căn hầm bị san phẳng y như người ta vừa bốc mộ lấp đất lại. Không lẽ dưới mặt đất câm lặng kia đang có ba sinh mạng, lại còn có cả thằng bạn chí thiết của mình nữa! Nhữ ơi! Chúng mày đang ra sao?!
          Mọi người khẩn trương moi hầm. Đất, cát, những cây gỗ, những tấm ván lót hầm được kéo lên. Một cái đầu, tóc đen nhẫy, nhòe nhoẹt máu trộn đất, hiện ra. Đại trưởng kêu lên:
 - Moi mũi cho nó thở!
          Mọi người nhận ra Khuê và chỉ thấy “phì” một cái rồi thôi; Khuê đã bất tỉnh, nhưng còn thoi thóp. Sau này, vốn có tính tò mò, Huy đã hỏi Khuê là thấy thế nào trong cái lúc bị chôn sống ấy? Không ngờ, câu trả lời của Khuê thật đơn giản: “Không thấy gì cả”! Thì ra, cái chết đến với người trong cuộc không kinh khủng quá như những người chứng kiến! Hai người xốc nách Khuê mang lên đặt bên cây vú sữa để anh y tá làm những việc cấp cứu. Moi được một lúc nữa thì tìm được Thái, người nhỏ bé, đã khá tuổi, hàm răng như nhuộm đen, quê Thái Bình. Anh bị một mảnh pháo nhỏ xuyên qua chỗ mang tai và đã hy sinh! Còn lại mình thằng bạn của Huy. Làm sao mày sống nổi dưới vô vàn mảnh pháo khoan như thuốn kia? Nếu không bị thương thì cũng làm sao mà thở được? Tự dưng tay chân Huy bủn rủn, luống cuống, nên anh được thay ngay. Rồi Nhữ cũng đã được tìm thấy. Một cây đà đè ngang ngực làm gẫy tay và xương sườn Nhữ; máu trào ra cả mũi và miệng; giữa trán một mảnh pháo khoan xuyên qua để lại một vết thương chỉ nhỏ như hạt đậu, nhưng nó vẫn đủ sức giết chết Nhữ ngay! Thế là hết! Một nỗi trống vắng mênh mông dâng ngập lòng Huy. Ý muốn được trả thù cũng cuồn cuộn dâng lên!” 
Hồi mới vào Nam, tôi chưa đầy 20 tuổi, hoàn toàn còn là một thằng học trò. Chỉ có một năm ở chiến trường nên tôi nhớ cũng rất ít. Nay thật thú vị nhờ có Google tôi mới định vị được nơi mình từng chiến đấu mà hồi ấy chỉ biết có rừng cây, sông suối mà thôi:
(Cầu La Ngà)
          Còn cái truyện ngắn trên tôi đã đăng vài lần, ai chưa đọc, xin đọc tại đây:
          * ÂN NHÂN (Truyện ngắn)