Theo RFA
(18/05/2015):
“Vào lúc 12 giờ kém 15 khuya hôm qua, 18 tháng 5 năm 2015 Giáo sư
Nguyễn Huệ Chi đã bị công an cửa khẩu sân bay Tân Sân Nhất tịch thu hộ chiếu
và không cho xuất cảnh mà không cho biết lý do cụ thể ông vi phạm điều gì của
pháp luật Việt Nam…
Giáo sư Huệ Chi cho biết sẽ làm mọi cách để đòi hỏi quyền công dân
của ông phải được tôn trọng:
“Nhất định là tôi phải làm vì đó là quyền công dân của tôi mà, chứ
tôi có mất quyền công dân đâu? Tôi là một công dân tự do trên đất nước mình
và tự do trên phạm vi quốc tế. Nhất định tôi phải khiếu nại để biết được lý
do vì sao lại sợ hãi một người bình thường. Tôi cũng không nói năng gì mà không
cho tôi ra nước ngoài chì vì thăm gia đình con gái tôi mà lại do con gái tôi
đưa đi nữa”… Giáo sự Huệ Chi là người cùng khởi xướng thành lập trang web
Bauxit.vn rất nổi tiếng”.
Nguyễn Huệ Chi cũng là một nhà
văn trong danh sách “bị đuổi” khỏi Hội Nhà Văn VN lần này. Cái nguyên nhân
ông ta “bị đuổi” và cái việc bị cấm xuất cảnh lần này có lẽ tôi là người vạch
ra đầu tiên. Tôi từng viết những tội như giết người, cướp của ai cũng biết
nhưng “tội phạm tri thức” thì nhận
biết không phải dễ. Bởi họ dùng cơ sở lý luận, cơ sở khoa học để chống phá
nhà nước. Như ông Huệ Chi từng tuyên bố: “Học
thuyết tương đối của Einstein rọi sáng cho cả một thời đại mới: thời đại
“giải lý tính”” để rút ra “Ý nghĩa
của cuộc đấu tranh phát huy tương đối luận”, phủ nhận thành quả cách
mạng: “Chúng ta đã từng rút được không
ít bài học thấm thía về sự cả tin vào ý chí của một thời vốn được mệnh danh
là “thời đại cách mạng lay trời chuyển đất…khi ta mơ ước … về lý tưởng tối
hậu của cuộc đấu tranh giai cấp”. Vậy muốn biết ông Huệ Chi sai phạm như
thế nào thì phải hiểu cả khoa học, triết học và lịch sử.
Đúng theo triết lý “duyên khởi” của Đạo Phật, không phải
tự nhiên mà tôi quan tâm đến những sai phạm của ông Chi mà khởi đầu là do ông
Nguyễn Hòa biết tôi vừa biết khoa học tự nhiên vừa viết phê bình nên đã nhờ
tôi “đánh” cuốn sách của cụ Cao Xuân Huy mà ông Huệ Chi là người chủ biên,
xuất bản. Thú vị là có một ông tướng công an đã email cảm ơn tôi vì qua những
bài như thế mà ông biết được loại tội phạm đặc biệt. Ông còn mua ba cuốn sách
của tôi cho ông và hai con trai, nhờ tôi viết tặng hai con trai theo ý của
ông để mong lý tưởng của các cháu kiên định hơn.
Lĩnh vực chống tội phạm thời gian
qua tôi thấy chưa được “công bằng” lắm, người có chút tên, chút tuổi như
Nguyên Ngọc, Huệ Chi… chẳng hạn dường như chưa được “quan tâm” đúng mức, làm
cho họ ảo tưởng là càng “quậy” thì càng “vinh quang” nên họ lại càng “quậy”
như ở chỗ không người vậy! Ngược lại nếu nghiêm khắc các vị sẽ “co vòi” ngay,
như trường hợp Nguyễn Quang Lập vừa rồi chẳng hạn. Nên việc cấm “xuất khẩu”
Huệ Chi lần này tôi thấy thật cần thiết.
Như đã trình bầy, nhân vụ 20 nhà
văn “bị đuổi”, tôi sẽ đăng lại một loạt bài về họ. Lẽ ra đăng thêm vài bài về
Nguyên Ngọc nhưng thấy tên Huệ Chi đang hot
nên tôi cho đăng ngay vài bài về ông này.
20-5-2015
ĐÔNG LA
|
ĐÔNG LA
NGUYỄN HUỆ CHI “TÀI
HOA VÀ UYÊN BÁC”?
Hội Nhà Văn Hà Nội đã rất sai trái khi trao giải tôn
vinh một tác phẩm “đạo văn” của cả Vua (Trần Nhân Tông), “cướp chữ” của cả
thầy, “đoạn thai, hoán cốt” công trình của cả trò. Đó là tác phẩm của ông Huệ
Chi. Ấy vậy mà người ta còn ca ngợi Huệ Chi là“TÀI HOA VÀ UYÊN BÁC” nữa!!!
Dưới đây là bài viết của tôi để bạn đọc thấy ông Huệ
Chi thực chất có “tài” gì? Bài được đăng tiếp liên tục trên báo Văn Nghệ TPHCM
số 287, 16-1-2014:
Cuốn “Văn học cổ cận Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các
mã nghệ thuật” của Nguyễn Huệ Chi (Nhà xuất bản Giáo dục) mới được Hội Nhà
Văn Hà Nội trao giải thưởng “Thành tựu”. Khi viết về nó, GS Vũ Khiêu đã
ca ngợi GS Nguyễn Huệ Chi là “một nhà nghiên cứu văn học tài hoa, uyên bác”
(phebinhvanhoc.com.vn,
18 - 05 – 2013). Trước đó TS Đặng Thị Hảo cũng ca ngợi hết lời GS Nguyễn Huệ
Chi trong bài: “Nguyễn Huệ Chi và những dấu ấn khoa học sau hơn nửa thế kỷ
nghiên cứu văn học cổ cận đại Việt Nam” (phebinhvanhoc.com.vn,
10 - 5 - 2013). Như trước đây, ông Huệ Chi có thể yên tâm mà hưởng vinh quang,
nhưng ở thời mà trình độ xã hội và tinh thần dân chủ đều đã được nâng cao hơn
ngày xưa rất nhiều, thì không có ý kiến của bất kỳ ai có thể là chân lý được.
Ai cũng có thể đúng, ai cũng có thể sai, dù đó là GS, Anh hùng Vũ Khiêu, người
từng được ca ngợi là một “nhà văn hóa”, “một nhà triết học”. Gọi
GS Vũ Khiêu là một nhà triết học tôi cũng hơi e ngại vì không biết ông đã có
những phát minh tư tưởng triết học gì? Còn không, ông cũng chỉ là một học giả
có nghiên cứu triết như hầu hết các “nhà triết học” của Việt Nam mà thôi. Mà
việc nghiên cứu triết học của ông GS cũng cần phải xem xét thận trọng, vì ngay
trong bài ca ngợi ông Huệ Chi này, những ý của GS Vũ Khiêu về triết học đã sai
mất tiêu rồi!
Còn chuyện ông Nguyễn Huệ Chi có đúng là “tài hoa, uyên
bác” như sự ca ngợi của GS Vũ Khiêu không ta hãy thử phân tích xem.
Trước nay, tôi đã viết khá nhiều về ông Huệ Chi, chủ yếu bàn
về khoa học, triết học và chính trị xã hội, còn chuyên môn Hán Nôm của ông thì
quả thật tôi chưa quan tâm. Dù vậy, tôi vẫn biết có ba người từng phê phán ông
Nguyễn Huệ Chi về lĩnh vực này, đó là Nhà phê bình Nguyễn Hòa, GS Nguyễn Đình
Chú và GS Mai Quốc Liên.
Gần đây, trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việ Nam, số 41,
12-10-2013, đã đăng bài của Nguyễn Hòa: “Đôi điều gởi tới GS Nguyễn Huệ Chi”.
Về ý kiến cho việc phát hiện ra Trần Tung của Huệ Chi là một khám phá lớn,
Nguyễn Hòa đã dẫn đầy đủ chứng cớ và có những lý lẽ xác đáng để “thách đố”
Huệ Chi trả lời câu hỏi của mình: “GS Nguyễn Huệ Chi “đạo văn” hay “phóng
tác” từ tác phẩm của Trần Nhân Tông nhưng lờ đi, không nói rõ nguồn gốc…?”
Nguyễn Hòa đã đưa ra chứng cớ bằng hai đoạn văn, bài viết về Trần Tung của ông
Huệ Chi và một đoạn trong Thượng sĩ hành trạng của Vua Trần Nhân Tông,
rồi so sánh và thấy là: “tương tự”, ông Huệ Chi chỉ “thêm mắm thêm
muối”. Tôi đã coi kỹ hai đoạn văn và thấy đúng như vậy. Trong Thượng sĩ
hành trạng trên thientongvietnam.net, Vua Trần Nhân Tông xưng là “tôi”
(theo tôi nên dịch là “ta” hoặc “trẫm” có lẽ hợp với giọng văn cổ
hơn); còn bài Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý-Trần
(trong cuốn được giải của ông Huệ Chi) thì ông Huệ Chi biến Vua thành nhân vật,
nghĩa là ông Huệ Chi ngang nhiên thế chỗ tác giả của Vua. Một người dám thay
tên Vua như vậy quả là gan cóc tía. Thảo nào đầu tháng 1 – 2012, Huệ Chi cũng
cho Đảng “không là gì” khi trả lời phỏng vấn của BBC:
“Đảng đối với chúng tôi không là cái gì cả… Vậy tôi không
quan niệm rằng Đảng ở đây có vai trò gì hết cả. Mặc dù Đảng là quyền lực tối
cao nhất…”.
Về vấn đề “diện mục Tuệ Trung”, Nguyễn Hòa viết: “Huy
động rất nhiều tài liệu… để chứng minh Tuệ Trung Thượng sĩ là Trần Quốc Tung
chứ không phải Trần Quốc Tảng, xem ra GS Nguyễn Huệ Chi… đã hì hục phá khóa một
cánh cửa mà Nguyễn Lang đã mở sẵn từ 4 năm trước”. Còn bài của ông Huệ Chi
viết về “truyện thơ lục bát” của chí sĩ Phan Châu Trinh in trên tạp chí Thời
đại mới (11-2006) của Trần Hữu Dũng (một ông “Việt Cộng con” nay do
“đột biến gen” lại theo đuôi đi chống Cộng rồi) thì Nguyễn Hòa trích
trong bài viết của GS Mai Quốc Liên Vu cáo chính trị mập mờ học thuật
cho Huệ Chi đã “đoạt thai, hoán cốt”, tức đã “rút ruột” luận án
tiến sĩ của bà Trần Hải Yến, tức tác phẩm đó thực chất là “của em” Hải
Yến chứ không phải “của thầy” Huệ Chi! Ông Huệ Chi phải thừa nhận chuyện
này qua hành động gỡ bỏ bài báo mà không dám đăng lại ở đâu nữa.
Giống y như việc “thế chỗ” tác giả của Vua Trần Nhân
Tông, “rút ruột” văn của “em” Hải Yến, GS Mai Quốc Liên cho biết:
“Đối chiếu bản dịch thơ của ông NHC và của Trúc Thiên thì thấy: ngoài việc
lấy lại vần, lấy chữ, lấy nguyên si một số câu; ông NHC “xuất nhập” một số ý,
“biên tập” lại để thành bài của mình và rồi ký luôn tên mình, xóa mất tên Trúc
Thiên vốn là người đầu tiên dịch bài thơ ấy”. Và tệ hơn nữa là, khi chế
biến bản dịch của người thành bản dịch của mình, GS Liên cho ông Huệ Chi còn
biến “lợn lành thành lợn què”:
“Hai câu cuối:
- Thấy chăng đàn én lầu Vương Tạ
Nay hết vàng son lạc vạn nhà.
(Ngữ Lục, Sđd)
- Hãy xem đàn én lầu Vương Tạ
Nay xuống làm thân với mọi nhà.
(Thơ văn Lý – Trần, Sđd, tr.250) (Huệ Chi dịch-)
Theo ý tôi, câu dịch Trúc Thiên sáng tạo hơn, hay hơn, nhất
là chữ vàng son, chữ lạc thật đắt…”
Với cụ Nam Trân mà Huệ Chi là học trò ở lớp Đại học Hán học,
GS Mai Quốc Liên cũng cho biết: “…bản dịch Ngục trung nhật ký của Nam Trân
(1907-1967)… ông NHC đem ra “duyệt” lại bản dịch của thầy và bậc tiền bối đó…
ông đã sửa chữa: 8 bài sửa 1 từ, 4 bài sửa 2 từ, 1 bài sửa 3 từ, 3 bài sửa 4
từ, 1 bài sửa 3 từ, 1 bài sửa 4 từ, 1 bài sửa 5 từ, 15 bài sửa từ 6 từ trong 3
câu trở lên. Chỉ sửa chữ, không sửa vần! Sửa có 1 chữ cũng ký tên mình vào! Thí
dụ thì vô khối. Bài Dạ túc Long Tuyền, 3 câu trên gần như lấy lại nguyên văn,
đến câu 4, Nam
Trân dịch:
Mừng sáng nghe oanh hót xóm gần
(Cách lân hân thính hiểu oanh đề: Mừng nghe chim oanh bên
láng giềng báo sáng) (Nhật ký trong tù, 1960, tr.66).
Ông NHC bèn chữa lại:
Oanh sớm, mừng nghe hót xóm gần
rồi ký tên mình bên cạnh. Đúng là “lợn lành chữa thành lợn
què”! Câu thơ dịch của Nam Trân đã là tối ưu so với câu thơ nguyên tác, xuôi
thuận, đẹp về tiếng Việt. Còn oanh sớm là oanh gì? Có oanh chiều, oanh tối
không? HIỂU là sáng sớm, ở đây nó là trạng ngữ của oanh, con chim oanh hót vào
buổi sáng sớm, tức là nó báo sáng, chứ oanh sớm thì tiếng Việt chẳng ai nói
thế, viết thế cả. Mà không chỉ có Nam Trân. Đến cụ Nguyễn Sĩ Lâm,
Viện trưởng Viện Đông Y, một nhà Hán học cự phách, cẩn thận, chắc chắn, sâu
rộng một tâm hồn thơ…, thầy chữ Hán chúng tôi ở lớp Hán – Nôm Sau Đại học
(1972-1975) cũng bị NHC cướp chữ! Cả bài của cụ Nguyễn, 12 câu dịch, ông NHC
thực ra chỉ chữa có 2 chữ: Vô ngần thành dữ dằn … nhưng ông lại ký tên mà là ký
trước tên như là người dịch chính vào bài của cụ Nguyễn là cớ làm sao?”
Bài viết của Nguyễn Hòa trên Báo Văn Nghệ cũng nhắc
đến việc GS Nguyễn Đình Chú cho biết sự thực là nhạc phụ của ông là cụ Nguyễn
Đức Vân mới chính là có “vai trò chủ công” đối với “Thơ văn Lý – Trần”
mà qua tay Huệ Chi “bạn đọc hôm nay dễ thường không biết”. Cụ thể trong Lời
mở đầu sách Thơ văn Lý – Trần tập I xuất bản năm 1977, ông Huệ Chi
với tư cách trưởng nhóm kiêm chủ biên đã ghi rõ từ năm 1960, tổ Hán Nôm của
Viện với cụ Nguyễn Ðức Vân, Ðào Phương Bình và cán bộ trong tổ đã trực tiếp
tiến hành công việc: “đến năm 1965 thì việc sưu tầm cũng như phiên dịch bước
đầu đã hoàn thành”. Nhưng “sau ngày cụ Vân qua đời” thì “bộ sách
Thơ văn Lý – Trần 3 tập lần lượt ra đời”, tên tuổi của cụ Nguyễn Đức Vân
dần biến mất!
GS Nguyễn Đình Chú viết: “Trong bài viết “Nguyễn Ðức Vân:
một người xứ Nghệ”, tôi cũng nói đến thái độ của hai người con trai của cụ là
nhà văn Nguyễn Ðức Ðàn và nhà thơ Anh Ngọc đều có biết chuyện nhưng chỉ nhếch
mép cười khẩy và nói với nhau: “Thôi, vua nước Sở mất cung, người nước Sở được””;
“Còn tôi, con rể có điều kiện biết chuyện nhiều hơn thì cũng chịu im mặc dù
đã bị một vài người bạn chê trách, thậm chí như là mắng rằng hèn, nhát”; “Nhưng
không ngờ, tôi đã nhận được hai cú điện thoại của ông Huệ Chi và giữa hai bên
đã có sự đối đáp với nhau. Và rồi tôi cũng nghĩ là mọi chuyện sẽ dừng lại ở hai
cuộc điện thoại này mà thôi.
Nhưng lại không ngờ, tôi được nghe nói lại là ông Huệ Chi đã
nói với một vài người rằng giữa ông và tôi đã có sự ổn thoả với nhau. Thậm chí,
lại còn nói với vài người rằng: ông Chú đã xin lỗi mình (?!)”
Thế là cây muốn lặng mà gió chẳng muốn đừng, GS Nguyễn Đình
Chú: “… buộc tôi phải nói thêm với ông (NHC) và cũng là với bạn đọc trong và
ngoài nước. Nếu không tôi sẽ bị coi là người không biết điều, cố vơ quàng vơ
xiên về cho ông bố vợ”. Trong 2 cú điện thoại mà ông “đối đáp” với ông Huệ
Chi, GS Nguyễn Đình Chú cho biết có một câu mà Huệ Chi buộc phải xin lỗi ông:
“Nguyễn Ðình Chú: … Tại sao năm 1977, trong “Lời nói đầu”
sách Thơ văn Lý – Trần tập I, ông đã viết: Công trình “sưu tầm cũng như dịch
thuật” các đồng chí Nguyễn Ðức Vân và Ðào Phương Bình trực tiếp tiến hành đến
năm 1965 đã bước đầu hoàn thành, mà đến năm 2007 vừa qua khi cụ Vân đã qua đời
33 năm, trong đề cương làm sách Tuyển tập Thơ văn Lý – Trần ở Nhà xuất bản Hà
Nội, ông lại viết là: “Việc sưu tầm nghiên cứu được đặt ra từ năm 1968?
Nguyễn Huệ Chi: Tôi sơ suất – xin lỗi”.
Còn chuyện thay tên, đổi chủ của ông Huệ Chi, GS Nguyễn Đình
Chú cũng viết:
“… tôi và cả nhà tôi đã đến xin phôtô tất cả những gì mà
cụ Vân đã dịch ở Viện để lưu niệm cho con cháu lâu dài thì tình hình là thế
này. Những gì do thư viện bảo quản thì cơ bản còn đủ cả. Còn phần do Ban cổ cận
của ông (NHC) bảo quản thì chỉ còn lại rất ít. Ðặc biệt, trong đó có một mẩu cụ
Vân đã dịch nghĩa, dịch thơ và khảo đính mà ông đã pha chế thì chẳng ra gì,
thậm chí còn là hao hụt, rồi đề thêm tên mình cùng cụ Vân”.
Cuối cùng, ông kết luận: “Như thế là tôi đã đưa đến quý vị
một câu chuyện buồn mà với tôi cũng chẳng vui vì nó là chuyện nhếch nhác, lẩm
cẩm giữa trần gian… Chỉ mong quý vị trong suy nghĩ vẫn giữ cho sự công bằng.
Công bằng với người bị mất công bằng, nhưng cũng công bằng với cả người làm mất
công bằng…”.
Như vậy, cái việc GS Vũ Khiêu bảo ông Huệ Chi là “tài hoa”
xem chừng không phải mà là “tồi hoa” thì đúng hơn. Tức là khả năng làm
việc tồi một cách khéo léo. Còn bà Đặng Thị Hảo viết: “ … bộ Thơ văn Lý
– Trần – một công trình gắn với cả sự nghiệp sưu tầm, khảo cứu, dịch thuật
cổ văn của ông, khẳng định tên tuổi Nguyễn Huệ Chi, là niềm tự hào của ngành
nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật văn học cổ Việt Nam” xem ra nên viết ngược
lại, là nỗi “hổ thẹn” thì đúng với thực tế hơn!
xxx
Còn cái vế “uyên bác” và “những tìm tòi có tính
đột phá” mà GS Vũ Khiêu khen ông Huệ Chi? Và Đặng Thị Hảo viết: “Nguyễn
Huệ Chi là một nhà khoa học vững cổ thông kim”?
Một người uyên bác phải hiểu biết rộng, cao, sâu hơn người
cùng tầng lớp mình. Thực tế Huệ Chi quả có tham vọng “đột phá” vào những
vấn đề mà giới nghiên cứu khoa học xã hội nói chung và văn học cổ nói riêng
không dám nghĩ đến. Đó là việc nghiên cứu, bàn luận những vấn đề mà ông ta
tưởng tượng ra mối liên quan giữa tư tưởng cổ phương Đông với khoa học tự
nhiên. Cụ thể như GS Vũ Khiêu viết Huệ Chi đã: “sưu tầm, tập hợp, lý giải và
chú giải bộ sách quan trọng đầu tiên và duy nhất của cố GS. Cao Xuân Huy, một
“người thầy, nhà tư tưởng” của anh. Đó là cuốn Tư tưởng phương Đông, gợi những
điểm nhìn tham chiếu (1995)”; và như Đặng Thị Hảo viết, ông Huệ Chi đã: “viết
70 trang dẫn luận, nhằm khơi mở cho người đọc dễ dàng đến với những phát hiện,
những triết thuyết cao siêu, thâm thúy, không dễ hiểu chút nào về tư tưởng
triết học phương Đông của Cao Xuân Huy”.
Về vấn đề này, tôi đã đọc những bài phản bác Nguyễn Huệ Chi
của GS Trần Thanh Đạm đã viết hình như trên Kiến thức ngày nay và Đỗ
Kiên Cường đã viết hình như trên Văn nghệ Quân đội; còn tôi thì cũng đã
viết và in trong cuốn Biên độ của trí tưởng tượng (Nxb. Văn Học). Gần
đây có internet, tôi có điều kiện viết kỹ hơn trên những trang cá nhân của
mình, và trong những ngày hôm nay, Báo văn nghệ TPHCM cũng mới in hai bài của
tôi về vấn đề nêu trên.
Nếu GS Vũ Khiêu và bà Đặng Thị Hảo có đọc và hiểu được vấn
đề trong các bài viết đó thì sẽ không ca ngợi ông Huệ Chi như thế. Vì những tư
tưởng của cụ Cao Xuân Huy thực chất là phản triết học và phản khoa học vì cụ đã
cho những cặp phạm trù cơ bản của Triết học Mác như Tâm-Vật; Không gian-Thời
gian; Nhân-Quả là “hư cấu”; và Einstein là “Sai lầm cơ bản trong tư tưởng
logic”! Vì thế việc làm của ông Huệ Chi không phải vinh danh thầy mà như
bài trên Văn nghệ TPHCM số 282 (28-11-2013), tôi đã cho ông Huệ Chi là đã “vạch
áo thầy cho thiên hạ xem lưng”!
Như vậy ông Huệ Chi không phải “uyên bác” như GS Vũ
Khiêu viết, và cũng không “vững cổ thông kim” như Đặng Thị Hảo viết; mà
tri thức của ông thực sự lõm bõm, ông ta “yếu cổ mờ kim” thì đúng hơn.
Còn cái tính “đột phá” của ông thì chỉ là những ảo tưởng và tham vọng,
nên sự “đột phá” đó đã biến thành chuyện húc đầu vào đá. Trong bài “Nhà
Hán Nôm Huệ Chi nghiên cứu vật lý” trên Báo Văn nghệ TPHCM, số mới nhất
286, tôi đã viết về chuyện ông Huệ Chi từng đọc bài tham luận Tư duy phương
Đông nhìn dưới ánh sáng học thuyết Einstein trong một cuộc “Hội thảo Khoa
học” ở Trường Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam). Thật ghê gớm, bởi muốn làm
được vậy người ta đúng là phải “thông kim bác cổ”. Có điều khi đọc xong, tôi đã
phải đặt câu hỏi là “tại sao một cuộc Hội thảo được tổ chức bởi một tạp chí
của Bộ Khoa học và một trường đại học, với ban cố vấn và ban lãnh đạo là những
nhà khoa học và nhà trí thức hàng đầu VN, lại cho tham luận một “công trình”
phản khoa học, phản triết học, phản thực tiễn đến thế?!” Vì ông Huệ Chi
hoàn toàn không hiểu khoa học tự nhiên nói chung và Thuyết Tương đối nói
riêng. Cả bài tham luận của ông là một mớ những mâu thuẫn và những gán ghép
khiên cưỡng, lầm lẫn.
Xin nhắc lại tí, trong cái “công trình” nghiên cứu
buồn cười của ông Huệ Chi, ông ấy thấy trong xe đang chạy có một con ruồi bay
thong dong, ông cho rằng tại nó nhỏ, nên thuyết Tương đối có tác động, còn ông
ta to sẽ không chịu tác động, nên nếu cũng lơ lửng được, ông ta sẽ bị đẩy về
sau ngay. Tôi đã bảo ông ta là không phải đâu, con ruồi bay được là do lực quán
tính chứ không phải do tương đối tương điếc gì hết, mà lực quán tính tác động
mọi vật như nhau, cả khi trong xe nếu có con voi lơ lửng được thì nó cũng như
con ruồi, sẽ không bị đẩy về sau đâu. Quy luật vật lý nó thế chứ hoàn toàn
không phải là tôi tự nghĩ ra!
***
Tôi vốn làm nghiên cứu khoa học tự nhiên tại một viện dược,
được nhà thơ Anh Thơ phát hiện và giới thiệu đến Chế Lan Viên. Cảm động vì sự
quý mến và quan tâm của Nhà thơ lớn Chế Lan Viên, ông đã đề nghị trao giải thơ
cho tôi trong một cuộc thi của Hội Nhà Văn TPHCM 1986, rồi đứng tên giới thiệu
tôi vào Hội Nhà Văn TPHCM, tôi đã dấn thân vào con đường văn chương là vì thế
chứ không vì cái gì khác. Tôi không biết GS Nguyễn Huệ Chi là ai. Một hôm tôi
quá bất ngờ khi nhận được email của ông Triệu Xuân. Nội dung email chính là
“thư của ông Huệ Chi” gởi nhiều người, “tung truyền đơn trên mạng”, trong đó có
Triệu Xuân. Số là tôi có viết bài “Các Mác-một tình yêu bao la”, tôi
muốn viết về chuyện người ta đã hiểu sai Mác là chính chứ cũng không phải ca
ngợi gì. Gửi báo trong nước không được đăng, tôi mới gởi cho trang mạng
talawas. Sau khi được đăng, không ngờ nhận được thư của Huệ Chi. Ông ấy cho là
tôi muốn thế thân cho Mai Quốc Liên và Trần Mạnh Hảo, vì hai ông này hết thời
rồi. Phải với giọng điệu như tôi thì may ra mới giúp được Đảng tiếp tục “thực
hiện canh bạc bịp” với thế hệ trẻ ngày nay. Quả thực, đây đúng là một sự vu
cáo, vì tôi viết độc lập, chỉ với tư cách một nhà nghiên cứu khách quan chứ
không vì cái gì hết. Mà tôi cũng không là một đảng viên và cũng đã bỏ công chức
từ tận năm 1994 rồi!
Thật trớ trêu, một người hưởng nhiều danh lợi của chế độ lại
đi chống chế độ. Còn tôi không được gì nhưng lại đi bảo vệ như một “văn nô”.
Đơn giản là vì tôi thấy, chế độ hiện thời dù còn nhiều tệ nạn, còn nhiều yếu
kém, nhưng “vẫn có bia uống đều đều”, còn chế độ mà rơi vào tay những người có
tâm và tài như ông Huệ Chi thì đến nước lã cũng không có mà uống. Bởi với trí
tuệ của họ như đã phân tích, thì đôi cánh tư tưởng của họ chỉ là đôi cánh ruồi
chứ không phải là đôi cánh vũ trụ đâu!
6-1-2014
ĐÔNG LA